N
guyên nhân cơ bản giúp Đức thống trị châu Âu đã quá hiển nhiên. Tương tự khi ông Bill Clinton chứng minh một cách vô cùng thuyết phục bằng chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1992 trước ông George Bush, kinh tế đóng vai trò thực sự quan trọng.
Nền kinh tế Đức lớn nhất châu Âu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đạt 2,5 ngàn tỷ euro, cao hơn GDP của Pháp và Anh khoảng 25%. Dân số Đức cũng đông nhất Liên minh châu Âu, với chừng 80 triệu người. Đức chỉ chiếm hơn 20% trong tổng GDP 12,3 ngàn tỷ euro của EU. Dù kinh tế Đức lớn nhất khối nhưng cũng không phải vượt trội hơn tất cả thành viên còn lại. Tính về tiêu chí GDP bình quân đầu người, Đức không có gì đặc biệt. Trong thời gian gần đây, nhiều thành viên EU khác như Đan Mạch, Hà Lan, Áo và thậm chí là Ireland (tại một thời điểm cụ thể) đều trội hơn Đức ở khoản này. Điều làm nên sự khác biệt cho kinh tế Đức không chỉ nằm ở quy mô mà còn ở bản chất của nó. Có 4 đặc trưng khiến kinh tế Đức trở nên độc đáo:
• Kinh tế Đức dựa trên sản xuất. Đức làm ra các hàng hóa mà người ta muốn mua: họ mua hàng vì chất lượng, độ tin cậy và có tính sáng tạo kỹ thuật, chứ không chỉ vì giá cả.
• Đức đặc biệt thành công trong xuất khẩu, bao gồm xuất khẩu tới các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil.
• Tài chính công của Đức ổn định. Thặng dư thương mại của Đức cao trong khi thâm hụt và nợ công thấp.
• Thành công kinh tế của Đức được bồi đắp bởi sự đoàn kết xã hội và an ninh cao độ.
Đối với hầu hết các nước EU khác, đây là thành tích hấp dẫn và đáng ganh tỵ. Do đó, họ sẵn sàng học hỏi từ giới lãnh đạo của đất nước đã đạt được thành tích đó.
Mô hình kinh tế Đức thỉnh thoảng vẫn được người ngoài gọi bằng cái tên “chủ nghĩa tư bản Rhine”(9). Bản thân người Đức từ lâu đã dùng thuật ngữ “kinh tế thị trường xã hội”(10). Giới học giả hiện xem “chủ nghĩa tự do trong trật tự”(11) là cái tên mơ hồ. Nó có chung nhiều đặc điểm với nhiều mô hình khác. Ví dụ, nó giống mô hình của Mỹ ở chỗ đề cao tính ưu việt của thị trường; giống Pháp ở chỗ đặt cho nhà nước một vai trò quan trọng; giống các nước Bắc Âu ở mức độ an sinh xã hội cao. Nhưng dù sao đi nữa, nó vẫn độc đáo và chưa hề bị sao chép ở nơi khác.
(9) Rhineland capitalism: chủ nghĩa tư bản Rhine – trong đó các chiến lược kinh doanh bị tập thể các nhà quản lý, chính khách địa phương, ngân hàng và công đoàn chi phối.
(10) Social market economy: kinh tế thị trường xã hội.
(11) “Ordo-liberalism” là biến thể của “social liberalism” (chủ nghĩa tự do xã hội), là lý thuyết do người Đức khởi xướng.
Các nguyên lý cơ bản của “chủ nghĩa tự do trong trật tự” là:
• Hoạt động kinh tế được tiến hành bởi các “đối tác xã hội”, tức là người sở hữu doanh nghiệp và người làm việc trong các doanh nghiệp đó hợp tác với nhau. Chính phủ không xen vào các quyết định của họ.
• Một cơ quan độc lập mang tên Bundeskartellamt (Cơ quan Cạnh tranh liên bang) đảm bảo hoạt động kinh tế sẽ diễn ra trong các điều kiện cạnh tranh tốt nhất.
• Một ngân hàng trung ương độc lập – trước đây là Bundesbank, nay là Ngân hàng Trung ương châu Âu – duy trì mức lạm phát thấp và tiền tệ ổn định.
• Chính phủ liên bang kiểm soát tổng thu nhập quốc gia và các khoản chi tiêu để đảm bảo ngân sách cân bằng hoặc gần cân bằng. Chính phủ liên bang cũng chịu trách nhiệm vận hành hệ thống giáo dục, đào tạo và nghiên cứu để cung cấp cho các doanh nghiệp nguồn nhân lực, giải pháp kỹ thuật và các phát minh khoa học cơ bản.
Yếu tố then chốt của mô hình này là bảo đảm sự cạnh tranh. Cùng với Bundesbank và Bundesverfassungsgericht (Tòa án Hiến pháp liên bang), Bundeskartellamt là một trong những định chế uy tín nhất nước Đức. Ba cơ quan này độc lập với cả chính phủ lẫn quốc hội. Điều này còn được thể hiện qua việc không cơ quan nào đặt trụ sở ở Berlin: Bundeskartellamt tọa lạc tại Bonn, Bundesbank ở Frankfurt và Bundesverfassungsgericht ở Karlsruhe – những thành phố này thậm chí không phải các thủ phủ của bang.
Mô hình kinh tế Đức được xây dựng trên mức độ đồng thuận sâu rộng về chính trị và nền tảng trí tuệ lâu đời. Các nhà kinh tế học của Đức có xu hướng tìm cảm hứng từ Hayek hơn là Keynes(12).
(12) Friedrich August von Hayek (1899 – 1992) là nhà kinh tế học người Anh gốc Áo. John Maynard Keynes (1883 – 1946) là nhà kinh tế học người Anh. Hai nhà kinh tế học hàng đầu thế kỷ 20 này là bạn bè nhưng lại đối lập dữ dội. Keynes ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế, trong khi Hayek chủ trương để sự cạnh tranh của thị trường và giá cả tự do quyết định.
***
Với mô hình này, làm sao và như thế nào mà Đức phát triển như ngày hôm nay?
Đức có ít tài nguyên thiên nhiên (than đá là tài nguyên đáng kể duy nhất). Thay vào đó, nước này luôn dựa vào giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như dựa vào sự năng động, nhạy bén thương mại của cộng đồng doanh nghiệp. Cách mạng công nghiệp bắt đầu ở Đức trễ hơn so với Anh, nhưng tới cuối thế kỷ 19, sản xuất công nghiệp của Đức lại vượt Anh. Đức phát triển nhờ vào sự kết hợp giữa các nhà sản xuất lớn (nhiều tên tuổi đã tồn tại hơn một thế kỷ qua với tầm vóc quốc tế như Siemens, Bosch, Mercedes Benz, ThyssenKrupp) và các công ty vừa và nhỏ (thường thuộc sở hữu gia đình, được gọi là Mittelstand) để từ đó tìm ra các phân khúc thị trường và khai thác chúng thành công. Sự kết hợp này vẫn là một đặc trưng quan trọng của kinh tế Đức ngày nay.
Một yếu tố khác làm nên sự thành công của Đức là cam kết đào tạo và phát triển giải pháp kỹ thuật, áp dụng cho cả công nhân trong nhà máy lẫn các quản lý cấp cao. Việc có sẵn một lực lượng đông đảo lao động trẻ, giỏi nghề, đủ sức thích nghi với các máy móc ngày càng tinh vi luôn là một trong những yêu cầu ở các công ty lớn của Đức. Ngược lại với các đối tác Anh, các công ty Đức chịu một phần trách nhiệm trong đào tạo. Chính phủ Đức có nhiệm vụ giáo dục trẻ em đến hết cấp hai và từ 16 tuổi trở đi, nếu các em không học lên cao hơn thì đã có sẵn một hệ thống dạy nghề độc đáo. Các thanh thiếu niên nam nữ sẽ được học trên lớp và thực hành song song các kỹ năng cần thiết trong những lĩnh vực cơ khí và công nghệ quan trọng.
Việc đào tạo nghề này do các công ty đảm trách. Dưới sức ép của chính phủ, các công ty phải cung cấp đủ chỗ thực tập cho những người đăng ký (không phải lúc nào các công ty cũng làm được điều này nhưng họ chấp nhận rằng họ có nhiệm vụ theo nhu cầu của thị trường xã hội). Người học việc được trả lương, dù chỉ khiêm tốn, và khi kết thúc khóa huấn luyện, họ gần như được bảo đảm một việc làm trọn đời với công ty đó. Nhiều người học việc sau đó học lên cao – học phí do công ty chi trả – và đạt được các vị trí quản lý cấp cao. Ông Jürgen Schrempp, CEO của Daimler-Benz và là một trong những nhà tư bản công nghiệp nổi tiếng nhất của Đức vào thời của ông, bắt đầu sự nghiệp 43 năm của mình tại công ty với tư cách là một thợ học việc trong nhà máy Mercedes ở Offenburg. Hệ thống dạy nghề không chỉ đảm bảo các công nhân Đức đứng vào hàng thạo kỹ thuật nhất thế giới mà còn đem lại cho họ một cam kết cụ thể, qua đó duy trì lòng trung thành với người tuyển dụng.
Ngoài năng lực và sự cam kết nói trên, còn phải kể đến một đức tính khác của người Đức là làm việc chăm chỉ. Thật hấp tấp nếu cho rằng đó là những tính cách tiêu biểu của người Đức bởi báo chí nước này vẫn đăng tải vô số chuyện về những kẻ lười làm, trốn việc – như ở Anh cũng có. Tuy nhiên, ở Đức không có hiện tượng nào giống chuyện “xe hơi ngày thứ Sáu”(13) ở Anh vào những năm 1970, hay giống thông lệ chỉ thuê mướn thành viên nghiệp đoàn (hoặc công nhân phải gia nhập nghiệp đoàn sau khi được tuyển dụng) trong ngành xuất bản Anh – tồn tại cho tới khi ông trùm truyền thông Rupert Murdoch phản đối vào thập niên 1980. Tinh thần làm việc chăm chỉ và hiệu quả luôn là một đặc trưng của bức tranh công nghiệp Đức.
(13) Ý chỉ một chiếc xe bị lỗi hoặc chất lượng không đạt chuẩn, nguyên nhân do công nhân mất tập trung sau một tuần làm việc mệt mỏi và đang trông mong dịp cuối tuần.
Không chỉ có lao động Đức được đào tạo tốt. Các giám đốc của họ cũng vậy. Nhìn chung, các công ty lớn ở Đức được điều hành bởi các giám đốc am hiểu tất cả công nghệ mà công ty họ sáng tạo. Dĩ nhiên trong số nhân viên cấp cao của họ có kế toán và chuyên gia tiếp thị nhưng mỗi khi cần chọn giám đốc điều hành mới, thường là những nhân vật có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hoặc quản lý chất lượng lọt vào tầm ngắm.
Tôi từng ăn trưa tại trụ sở của BMW tại Munich với giám đốc điều hành và một số nhân viên của ông ấy. Chúng tôi bàn về cơ cấu của ban giám đốc công ty. Tôi nghĩ trong số 11 người của họ thì 7 người có bằng tiến sĩ về cơ khí và 3 người từng làm phó giáo sư bán thời gian tại Đại học Kỹ thuật Munich. Ấn tượng của tôi là nếu bạn muốn điều hành BMW, bạn phải có khả năng lắp ráp một chiếc ô tô. Tôi ngờ rằng không công ty sản xuất nào ở Anh có được một dàn quản lý cấp cao với trình độ chuyên môn cỡ đó.
Trụ sở của những công ty này tọa lạc tại các trung tâm sản xuất chính của Đức: Volkswagen ở Wolfsburg, Mercedes và Bosch ở Stuttgart, Siemens và BMW ở Munich, ThyssenKrupp ở Essen. Đây là nơi các công ty này tìm thấy các giám đốc điều hành và dàn quản lý cấp cao. Ở Pháp và Anh thì ngược lại, những nhân vật này sống ở thủ đô.
Một điều đáng ngạc nhiên là ở quốc gia có quá nhiều công ty lớn thành công như Đức lại không có trường kinh doanh nổi tiếng quốc tế nào, và cũng không nhiều quản lý cấp cao người Đức từng học ở một trường như thế. Lý do một phần có thể là trong quá khứ, giáo dục đại học ở Đức kéo quá dài nên sinh viên thường tốt nghiệp vào khoảng 27 tuổi. Ở độ tuổi như thế, ít người hứng thú với chuyện bỏ ra thêm vài năm nữa để học thạc sĩ quản trị kinh doanh. Thế nhưng, nguyên nhân chính là tại Đức, các kỹ năng quản lý chung thường ít được đánh giá cao bằng kiến thức trong một lĩnh vực cụ thể.
Những ai làm việc cho các công ty tên tuổi ở Đức đều là thành phần ưu tú của đất nước. Tại Đức, ước mơ của những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và tài năng nhất là có chỗ trong một công ty như Volkswagen, chứ không phải làm viên chức hay luật sư, nhân viên ngân hàng. Ở Đức chưa từng có bất cứ sự chê bai nào đối với ngành sản xuất hay khu vực tư nhân – vốn từng là tâm lý thịnh hành trong các thế hệ sinh viên Oxbridge(14). Hoàn toàn trái ngược: các giám đốc cấp cao trong các ngành công nghiệp sản xuất ở Đức luôn là những nhân vật nổi tiếng được kính trọng. Giống như những nhà buôn bán trái phiếu trong tiểu thuyết nổi tiếng Bonfire of the Vanities (tạm dịch Lửa phù hoa) của Tom Wolfe, họ là các ông chủ của vũ trụ.
(14) Hai trường đại học hàng đầu của Anh là Oxford và Cambridge.
Họ được kính trọng, nhưng một khi bước vào thế giới của mình, họ khép kín và nặng tính bè phái. Ở Đức không có truyền thống trao đổi giữa khu vực công và tư như tại Pháp hay Mỹ. Ở Đức không có định chế nào như trường Hành chính Quốc gia Pháp (École Nationale d’Administration) để cung cấp nền tảng giáo dục chung cho cả quan chức chính phủ lẫn giới quản lý công nghiệp. Ở Đức cũng không giống Anh, nơi mà các bộ trưởng hay viên chức về hưu chen chúc trong ban lãnh đạo của các công ty.
Các công ty lớn của Đức đều mang tầm cỡ quốc tế và các giám đốc cấp cao thường có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài. Họ nói tiếng Anh trôi chảy và dễ dàng tổ chức họp hành bằng ngôn ngữ này. Thế nhưng, ngoại trừ thỉnh thoảng có người Áo hay Thụy Sĩ, không nhân vật nào không phải người Đức có thể điều hành, hay thậm chí là giữ một vị trí điều hành cấp cao, trong một công ty sản xuất của Đức. Ngay cả chi nhánh của công ty Đức ở các nước khác cũng thường được điều hành bởi người Đức.
Sự chú trọng vào kỹ năng và đào tạo là một trong những đặc trưng riêng biệt của nền công nghiệp Đức. Một đặc trưng khác là cơ chế đồng quyết định (Mitbestimmung), với hai cấp độ vi mô và vĩ mô.
Ở cấp vi mô, luật pháp yêu cầu các công ty Đức thành lập ở mỗi cơ sở sản xuất một hội đồng lao động (Betriebsrat). Đây được xem là diễn đàn để các công nhân và đại diện ban quản lý cùng nhau ra quyết định về các điều khoản và quy định tuyển dụng ở địa phương.
Ở cấp vĩ mô, các công ty Đức được điều hành bởi hai ban quản lý: ban giám đốc (Vorstand), bao gồm các quản lý cấp cao và do giám đốc điều hành chủ trì, chịu trách nhiệm cho việc kinh doanh hàng ngày; và hội đồng giám sát (Aufsichtsrat), có quyền ra các quyết định chiến lược lớn và bổ nhiệm thành viên ban giám đốc. Thành phần của hội đồng giám sát gồm đại diện của các nhân viên và cổ đông, với số lượng bằng nhau. Dẫn dắt hội đồng quản trị là một đại diện cổ đông có lá phiếu quyết định. Đại diện cho nhân viên trong hội đồng quản trị là thành viên của các hội đồng lao động thuộc công ty và các quan chức quốc gia cấp cao đến từ các nghiệp đoàn lớn. Về phần đại diện cổ đông, đây có thể là các cá nhân sở hữu (hoặc đại diện các chủ sở hữu) một lượng cổ phiếu đáng kể của công ty hoặc là những người bên ngoài có việc kinh doanh hay chuyên môn liên quan.
Cho đến gần đây, đây vẫn là một hệ thống chồng chéo, với những cái tên giống nhau xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau. Ông Gerhard Cromme chẳng hạn, vừa là chủ tịch hội đồng giám sát của cả Siemens và ThyssenKrupp (làm đồng thời) vừa là thành viên trong hội đồng của Allianz (công ty bảo hiểm lớn nhất Đức), Axel Springer (công ty báo chí lớn nhất nước), Lufthansa (hãng hàng không quốc gia) và E.ON (công ty năng lượng lớn nhất Đức). Hay như ông Berthold Huber cùng lúc làm chủ tịch IG Metall, nghiệp đoàn ngành cơ khí liên bang Đức vô cùng hùng mạnh, và phó chủ tịch của Siemens, Volkswagen.
Mức độ trùng lặp trong các hội đồng hiện nay dù sao cũng giảm hơn trước kia, và thành phần bên phía cổ đông đa dạng hơn: đã bao gồm những cái tên nước ngoài hoặc phụ nữ (dù vẫn chưa nhiều). Thế nhưng đây vẫn là thế giới gần như khép kín. Nhiều chủ tịch hội đồng giám sát là cựu giám đốc điều hành của công ty liên quan. Khi cần thay thế các thành viên hội đồng, họ có xu hướng tìm đến những người giống mình.
Cơ chế đồng quyết định phổ biến ở Đức. Ngay cả các công ty cũng ủng hộ cơ chế này. Họ cho rằng cơ chế này đem lại cho tất cả nhân viên cảm giác được thuộc về công ty – và do đó mong chờ sự thành công; đồng thời cho phép các nhà quản lý khai thác tốt hơn năng lực sáng tạo của nhân viên; và giảm khả năng xảy ra đình công bởi các nghiệp đoàn tham gia vào quá trình đưa ra quyết định, cũng như nắm được thông tin tài chính phục vụ cho việc đàm phán về lương bổng.
Có lần tôi đến thăm một xí nghiệp ô tô ở Bavaria, nơi vừa lắp đặt một dây chuyền sản xuất mới. Mọi thứ dường như được tự động hóa, các robot làm việc của mình, cả xí nghiệp sạch tinh tươm và ô tô cứ thế được hoàn thiện. Tôi bày tỏ sự thán phục với vị giám đốc dẫn mình đi tham quan và đoán rằng công ty đã đầu tư tất cả công nghệ khả dĩ để duy trì lợi thế cạnh tranh. Trước vẻ ngạc nhiên của tôi, vị giám đốc phủ nhận rằng đó là yếu tố then chốt. Theo ông, mọi xí nghiệp ô tô khắp châu Âu, thực ra là trên toàn thế giới, đều tương tự nhau. Điều quan trọng là cách khuyến khích lực lượng lao động để họ vận hành dây chuyền hiệu quả hơn. Ông đặt niềm tin vào sự sáng tạo của công nhân. Cơ chế đồng quyết định cho họ sự động viên, và cơ hội, để làm như vậy.
Mô hình thị trường lao động này đã hoạt động tốt và có khả năng thích nghi hơn so với những đánh giá trước đó. Vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, mô hình này tưởng như lỗi thời, hết hiệu quả và khó lòng sống sót qua những xung đột lợi ích. Điển hình là vào năm 2003, nghiệp đoàn Verdi mới thành lập – được hợp nhất từ 3 nghiệp đoàn thương mại trong khu vực nhà nước – kêu gọi đình công ở Lufthansa để phản đối các thay đổi về điều kiện tuyển dụng đối với một số vị trí nhất định mà hãng định áp dụng. Ban giám đốc Lufthansa lập luận rằng để theo kịp sự cạnh tranh đang gia tăng, đặc biệt từ các hãng hàng không giá rẻ, chi phí nhân công cần linh hoạt hơn, nếu không thì lợi ích dài hạn của công ty sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Verdi phản đối và kêu gọi các thành viên nghiệp đoàn rời khỏi hội đồng công ty. Dù vậy, chủ tịch toàn quốc của Verdi vẫn tiếp tục có mặt trong hội đồng giám sát của Lufthansa.
Việc một người có trách nhiệm ủy thác với công ty lại đứng ra tổ chức đình công chống lại công ty đó là điều khó chấp nhận ở Anh hay Mỹ. Nhưng ở Đức thì không có gì bất thường, bởi cơ chế đồng quyết định được xây dựng dựa trên quan niệm các công ty không chỉ hoạt động vì lợi nhuận của các cổ đông mà còn vì lợi ích của nhân viên.
Tuy nhiên, không phải quyền lợi của tất cả nhân viên đều được xem xét. Hầu hết các công ty lớn của Đức có cơ sở sản xuất khắp thế giới, ví dụ như 2/3 nhân viên Siemens được tuyển dụng bên ngoài nước Đức. Nhưng đại diện nhân viên trong các hội đồng giám sát hoàn toàn là người Đức. Điều này khiến khó đưa ra quyết định khách quan đối với các vấn đề đang gây tranh luận – như nên triển khai mẫu ô tô mới hay một bộ phận sản xuất mới ở nhà máy nào. Và dĩ nhiên chuyện này gây ra phân biệt đối xử trong Liên minh châu Âu giữa nhân viên người Đức và không phải người Đức của cùng một công ty. Nếu một hội đồng giám sát lựa chọn đầu tư ở Bremen (Đức) hay Bratislava (thủ đô Slovakia), tại sao công nhân ở Bremen có cơ hội ảnh hưởng tới quyết định, còn công nhân ở Bratislava lại không?
Minh họa cho hiện tượng này là hai quyết định đầu tư vào Anh của các công ty Đức. Năm 1997, Siemens mở một nhà máy sản xuất chip máy tính ở miền Đông Bắc nước Anh. Đây là một cơ sở hoàn toàn mới, hiện đại, tọa lạc ở một địa điểm chưa phát triển và được các bộ trưởng Anh ca ngợi là biểu tượng của đầu tư nước ngoài mà một nước Anh cởi mở với kinh doanh có thể thu hút. Năng suất của công nhân tại nhà máy này cao và chất lượng sản phẩm không có vấn đề gì. Nhưng chưa đầy 2 năm sau, nó bị đóng cửa. Siemens kết luận rằng cạnh tranh từ các nhà sản xuất chi phí thấp của châu Á khiến nhà máy này không thể sống sót. Tương tự, vào năm 2000, BMW bán Rover, công ty sản xuất ô tô mà họ mua 6 năm trước đó. Rover bị thua lỗ và hội đồng giám sát của BMW quyết định cắt lỗ và ruồng bỏ nó, chỉ giữ lại Mini – thương hiệu sau này lại thành công.
Cả hai quyết định này đều dựa trên tình hình thương mại, nhưng chúng được đưa ra quá nhanh và không có bất kỳ sự bàn bạc nào với các công nhân có liên quan. Nếu các nhà máy trên đặt ở Đức, mọi chuyện có thể sẽ khác đi nhiều. Theo luật tuyển dụng Đức, chi phí sa thải công nhân tốn kém hơn ở Anh rất nhiều, khiến cho việc đóng cửa nhà máy trở nên kém thuyết phục hơn. Cho dù ban giám đốc muốn đóng cửa một nhà máy hay bán nó đi, quyết định đó cũng phải qua cửa hội đồng giám sát, nơi có một nửa thành viên là người của nghiệp đoàn.
Thật khó hiểu là sự phân biệt đối xử với công nhân EU có quốc tịch khác nhau – do luật đồng quyết định của Đức – lại không nhận được sự quan tâm của Ủy ban châu Âu và Tòa án châu Âu. Chuyện này cũng không phù hợp với các nguyên tắc của EU. Ngay từ xưa, Ủy ban châu Âu đã có biện pháp đối phó với nhiều vấn đề khác của nền công nghiệp Đức, ví dụ như phản ứng với Reinheitsgebot, một đạo luật bảo hộ cấm nhập khẩu vào Đức các thương hiệu bia nước ngoài nếu các thương hiệu này không tuân thủ quy định sản xuất bia phức tạp của Đức.
Có thể việc đụng tới nguyên tắc vô cùng cơ bản trong quản trị doanh nghiệp Đức (như thành phần hội đồng giám sát) bị xem là đi quá xa. Làm vậy chắc chắn sẽ gây ra tranh cãi lớn ở Đức. Dù cam kết tôn trọng các tiêu chuẩn của thị trường chung châu Âu, song các đời chính phủ Đức liên tiếp bác bỏ bất cứ thay đổi nào đối với luật tuyển dụng của riêng họ. Khi đạo luật Doanh nghiệp châu Âu – mục đích cho phép các công ty hoạt động ở nhiều hơn một nước thành viên EU được lựa chọn làm theo quy chế chung – còn trong quá trình thảo luận, chính phủ Đức dưới sức ép của các nghiệp đoàn thương mại đã quyết liệt yêu cầu luật này không tạo cơ hội cho một công ty ở Đức thoát khỏi luật đồng quyết định bằng cách trở thành công ty châu Âu.
***
Hầu hết các công ty công nghiệp lớn của Đức bắt đầu từ doanh nghiệp gia đình. Điều này không còn đúng với bây giờ. Các thế hệ sau của ông Robert Bosch(15) vẫn có lợi ích trong công ty do ông lập ra vào năm 1886 – lúc đó chỉ là một xưởng điện nhỏ và nay trở thành nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn. Gia tộc Quandt sở hữu cổ phần đáng kể của hãng ô tô BMW, tương tự là gia đình Piech/Porsche đối với Volkswagen. Nhưng các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp Đức hiện nay đều là công ty cổ phần và phụ thuộc vào đòi hỏi của các cổ đông ngày càng sẵn sàng sử dụng sức mạnh của họ thông qua hội đồng giám sát. Trong quá khứ, nhiều cổ đông lớn là các ngân hàng Đức. Tự xem mình là nhà đầu tư dài hạn, những ngân hàng này có tầm nhìn lâu dài về lợi ích. Họ không bị ám ảnh bởi sự thay đổi giá cổ phiếu hàng ngày, đồng thời chú ý tới khả năng phát triển trong thập kỷ tới hơn là chỉ trong năm sau.
(15) Rober Bosch (1861 – 1942) là nhà tư bản công nghiệp, kỹ sư và nhà phát minh người Đức, đã sáng lập công ty Robert Bosch GmbH.
Thực tế này đã thay đổi trong thời gian gần đây. Các ngân hàng cũng bị sức ép từ cạnh tranh quốc tế trong việc đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho các cổ đông của chính mình. Thêm vào đó, luật đánh thuế tài sản chuyển nhượng thay đổi vào năm 2003, cho phép ngân hàng bớt tốn kém hơn khi từ bỏ các cổ phần kém hiệu quả. Các ngân hàng có thể hỗ trợ hoạt động sáp nhập và thu mua, nhưng tự thân ngân hàng sẽ không trở thành đồng sở hữu dài hạn của các công ty tư nhân. Do thành phần cổ đông ngày càng đa dạng và quốc tế hóa hơn, các công ty lớn ở Đức dễ gặp phải áp lực ngắn hạn hơn.
Sự thay đổi trên không kịch tính như vài nhà quan sát dự đoán. Một số công ty lớn của Đức tìm ra các định chế đầu tư khác sẵn sàng nhìn xa trông rộng – như cổ đông lớn nhất của Volkswagen là quỹ đầu tư quốc gia Qatar. Các công ty khác điều chỉnh theo yêu cầu, hoặc yêu cầu tiềm năng, để đạt được giá cổ phiếu tốt hơn bằng cách cắt giảm các đơn vị kém hiệu quả (dù thường không phải là các đơn vị ở Đức). BMW bỏ Rover và Daimler-Benz bán cả Chrysler lẫn Mitsubishi. Các công ty kể trên đều chấp nhận lỗ nặng và chôn vùi giấc mơ mở rộng thị trường. Nhưng các hoạt động cốt lõi của họ không bị sứt mẻ và họ vẫn giữ được sự độc lập.
Không giống với ở Anh, giám đốc các công ty đại chúng của Đức không sợ những cuộc thôn tính thù địch hoặc không mong muốn. Không phải vì họ được hưởng sự bảo vệ đặc biệt của pháp lý đối với những hành động như vậy (Volkswagen hưởng quyền này thông qua việc để chính quyền bang Lower Saxony, nơi công ty đặt trụ sở, sở hữu cổ phiếu vàng), mà là vì gần như không có khả năng các hội đồng giám sát tán đồng chuyện thu mua cũng như không dễ để thuyết phục cổ đông làm ngược lại ý của hội đồng giám sát. Trong thời gian gần đây, chỉ có duy nhất một cuộc sáp nhập “thù địch” ở Đức thành công, đó là khi tập đoàn viễn thông đa quốc gia của Anh Vodafone thâu tóm hãng viễn thông Mannesmann của Đức vào năm 2000.
Vụ sáp nhập này không bình thường. So với các tiêu chuẩn Đức thì Mannesmann có thành phần cổ đông lỏng lẻo khác thường và từ lĩnh vực sản xuất truyền thống, công ty lấn sân vào địa hạt viễn thông. Đây là lĩnh vực chứng kiến làn sóng hợp nhất, sáp nhập, thu mua và chuyển nhượng khổng lồ vào cuối những năm 1990 ở châu Âu. Bản thân Mannesmann, sở hữu mạng điện thoại di động D2 ở Đức, cũng hưởng lợi từ làn sóng này bằng cách thu mua Orange, vốn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Vodafone tại Anh.
Trong mắt Vodafone, mạng D2 của Mannesmann là cơ hội thực tế duy nhất để thâm nhập thị trường Đức, và do đó hãng sẵn sàng trả mức giá cao để mua lại công ty Đức. Ông Chris Gent, giám đốc điều hành Vodafone lúc đó và là một trong những nhà đàm phán lão luyện nhất thế giới, đưa ra một gói đề nghị mà các cổ đông của Mannesmann, nhất là công ty đầu tư Hutchison Whampoa ở Hong Kong, cuối cùng cũng không thể từ chối.
Vụ thu mua gây tranh cãi cực lớn ở Đức và được giới báo chí kinh tế, doanh nghiệp nước này đưa tin rầm rộ suốt nhiều tuần. Với nhiều người, thật khó tin khi một công ty như Mannesmann, ra đời năm 1890 và là một trong những tên tuổi lừng lẫy nhất của ngành công nghiệp Đức, lại bị một doanh nghiệp mới nổi chẳng mấy tiếng tăm đến từ Newbury (Anh) thâu tóm trái với ý muốn của ban giám đốc. Không chỉ khó tin mà còn có vẻ không đúng về phương diện đạo đức: nhiều người kêu gọi cắt giảm quyền lực của các cổ đông để họ không thể đi ngược lại lời khuyên của ban giám đốc, trong khi số khác yêu cầu chính phủ can thiệp để giữ Mannesmann ở lại tay người Đức. Ngay cả thủ tướng Đức khi đó, ông Gerhard Schröder, ban đầu cũng lên tiếng phản đối vụ thu mua. Dường như ông không áy náy gì về chuyện thời còn làm thủ hiến bang Lower Saxony, ông cũng là thành viên trong hội đồng giám sát của Volkswagen khi hãng này mua lại Rolls-Royce và Bentley, hai tên tuổi biểu tượng của ngành chế tạo ô tô Anh.
Đây là lần hiếm hoi bản năng chính trị của ông Schröder sai lầm. Không tên tuổi lớn nào trong cộng đồng doanh nghiệp Đức tham gia chiến dịch chống lại thỏa thuận trên. Khi được hỏi ý kiến, họ nói đây là vấn đề do các cổ đông của Mannesmann quyết định và chính phủ nên đứng ngoài chuyện này. Giới báo chí chuyên về kinh doanh nhìn chung cũng đi theo quan điểm đó. Các doanh nghiệp lớn ở Đức có thể không thích thú gì với tầm nhìn ngắn hạn của cổ đông, nhưng họ còn dị ứng với sự can thiệp của chính phủ nhiều hơn.
***
Không chỉ các công ty sản xuất lớn của Đức mới tồn tại từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 21, mà còn có một số lượng nhiều đáng ngạc nhiên công ty vừa và nhỏ. Họ phát triển với cùng phương thức như các đối tác lớn – tập trung vào sáng tạo kỹ thuật và tìm thị trường toàn cầu cho sản phẩm của mình.
Nhiều công ty vẫn do gia đình sở hữu và điều hành. Ở Đức, chuyện một công ty có thể truy ngược về nguồn gốc thông qua bốn hoặc năm thế hệ cùng họ là chuyện bình thường. Cách chuyển nhượng quyền sở hữu từng rất phổ biến ở Anh – nơi người ông tạo dựng một công ty thành công, con trai thuê giám đốc quản lý và sống nhờ lợi nhuận công ty, đến đời cháu thì bán nó đi – không diễn ra ở Đức. Dĩ nhiên là có sáp nhập và thâu tóm nhưng hầu hết các công ty vừa và nhỏ do gia đình điều hành (Mittelstand) vẫn tự hào về sự độc lập và lịch sử tồn tại của mình. Các chủ sở hữu muốn mở rộng kinh doanh và chuyển giao một công ty tốt hơn cho thế hệ sau, chứ không bòn rút giá trị vốn cho riêng mình.
Trong một bữa tối, tôi từng ngồi cạnh một người tự giới thiệu là giám đốc một công ty cơ khí Mittelstand điển hình của Đức. Hóa ra doanh thu của công ty là hơn 1 tỷ bảng, có khoảng 10.000 nhân viên và sản xuất hàng loạt mặt hàng từ đồng hồ tới tên lửa. Tôi hỏi ông ấy nghĩ thế nào về giá trị cổ đông – khái niệm đang rất thịnh hành lúc đó. “Chúng tôi đều thích”, ông trả lời. “Chúng tôi thường tổ chức họp cổ đông. Tháng nào tôi và các anh em cũng đưa cha mình ra ngoài ăn trưa”. Tôi nói chuyện này nghe hơi bất thường; tôi luôn cho rằng hầu hết công ty Mittelstand duy trì quan hệ dài hạn với một ngân hàng (trong đó ngân hàng nắm giữ một lượng cổ phần và đổi lại cho công ty vay tiền). “Sao chúng tôi phải cần tiền?”, ông ấy hỏi lại. “Trong 120 năm tồn tại, công ty chúng tôi chưa từng vay một pfennig(16). Toàn bộ vốn đầu tư của chúng tôi đến từ lợi nhuận giữ lại”.
(16) Đồng xu của Đức cho tới khi đồng euro được sử dụng, 1 mark Đức đổi được 100 pfennig.
Tôi hỏi tiếp về chuyện kế thừa. Sau khi được quản lý bởi bốn thế hệ trong gia đình, chuyện gì sẽ xảy ra cho công ty? Ông trả lời rằng còn tùy vào năng lực. Nếu ai đó trong gia đình đủ sức cáng đáng tiếp thì tốt. Còn nếu không, họ sẽ chọn người ngoài mà không hề thấy băn khoăn. Sau đó, tôi mới biết con trai ông ta đã hoàn tất bằng tiến sĩ ngành cơ khí tại một trường đại học Đức và khi đó đang học thêm thạc sĩ quản trị kinh doanh ở trường Kinh doanh Wharton tại Mỹ. Có vẻ gia đình ông ấy sẽ quản lý công ty thêm một vài năm nữa.
Công ty của người ăn tối cùng tôi dù sao cũng là một ngoại lệ. Tương tự các công ty lớn hơn, phần lớn Mittelstand từng hưởng lợi từ mối quan hệ thân cận với ngân hàng địa phương. Nhưng với nhiều công ty, ngân hàng đó thuộc khu vực nhà nước chứ không phải tư nhân. Hầu hết các bang của Đức đều có riêng cho mình một ngân hàng bang (Landesbank), với chức năng ban đầu là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương. Theo thời gian, các ngân hàng này phát triển tới mức không khác gì ngân hàng thương mại. Một số Landesbank trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2008, và thể hiện sự vô trách nhiệm khi dính vào thị trường bất động sản Mỹ như các ngân hàng tư nhân. Tuy nhiên, Landesbank vẫn duy trì chức năng cơ bản là cho các doanh nghiệp địa phương vay vốn. Bạn sẽ không mấy khi nghe thấy các công ty nhỏ ở Đức than phiền rằng khó tiếp cận nguồn vốn.
Họ cũng không kỳ vọng chính phủ giúp họ tìm kiếm thị trường. Trong nội các Đức không có bộ nào chịu trách nhiệm thúc đẩy xuất khẩu, các đại sứ quán Đức ở nước ngoài cũng không có bộ phận thương mại (tương tự với Nhật Bản). Tất cả công ty Đức đều là thành viên của các phòng thương mại địa phương, trong khi Hiệp hội Phòng thương mại Đức có văn phòng trên khắp thế giới nhằm cung cấp thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp. Chi phí tư vấn được trang trải bởi phí thành viên và hoạt động này cực kỳ hiệu quả.
Các công ty Mittelstand cũng siêng năng tham dự các hội chợ công nghiệp, thông qua đó họ cập nhật tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực của mình và thiết lập liên lạc với khách hàng tiềm năng. May mắn cho họ là nhiều hội chợ hàng đầu diễn ra tại Đức. Mọi thành phố lớn của Đức đều có Messegelände (triển lãm thương mại) riêng và hầu hết do hội đồng thành phố sở hữu một phần hoặc toàn bộ. Quy mô của các hội chợ này vượt trội so với Anh (trung tâm triển lãm quốc gia Birmingham, không gian triển lãm thương mại lớn nhất vương quốc Anh, nhỏ hơn 5 Messegelände hàng đầu của Đức). Nhiều hội chợ của Đức (thường niên hoặc 2 năm một lần) là sự kiện đình đám nhất hoặc uy tín nhất trong các lĩnh vực tương ứng, như: triển lãm Motor Frankfurt, triển lãm Sách Frankfurt, triển lãm Công nghệ Thông tin CEBIT ở Hannover hay thậm chí là hội chợ đồ chơi ở Nuremberg (Đức là quê nhà của Steiff, công ty đồ chơi cho ra lò những chú gấu teddy lừng danh thế giới). Tại những hội chợ này, các nhà sản xuất, thiết kế, nhập khẩu và bán buôn cùng tề tựu. Dĩ nhiên các công ty Đức cả nhỏ lẫn lớn đều có mặt rất đông đảo.
***
Kinh tế Đức không dựa duy nhất vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa. SAP, nhà sản xuất phần mềm quản lý kinh doanh lớn nhất thế giới, là doanh nghiệp Đức. Tương tự là Bertelsmann, một trong những nhà xuất bản sách tiếng Anh lớn nhất; và Allianz, một trong số những công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới. Chuỗi siêu thị lớn thứ hai toàn cầu (sau Walmart của Mỹ) là Aldi của Đức.
Ngoài ra còn có nhiều lĩnh vực, chứ không phải dịch vụ, kết thành xương sống cho sự thành công của Đức. Các công ty Đức không mạnh lắm trong ngành công nghiệp sáng tạo. Đức sản xuất nhiều phim hay trong những năm gần đây – và có phim trường Babelsberg (ở ngoại ô Berlin) với lịch sử lâu đời và nổi bật. Tuy nhiên, chất lượng truyền hình Đức lại xoàng xĩnh, còn ngành quảng cáo thì thảm họa. Cá tính điển hình của dân tộc Đức – kỷ luật, hiệu quả nhưng thiếu trí tưởng tượng – cũng vận vào nền kinh tế Đức hiện đại. Nhưng đây là một nền kinh tế rất dẻo dai và có khả năng thích nghi đáng nể.
Nước Đức hiện đại được xây dựng từ tro tàn (theo đúng nghĩa đen) của cuộc Thế chiến thứ hai. Năm 1945 là Stunde Null (thời khắc số 0). Lúc đó, nước Đức hoàn toàn sụp đổ cả về vật chất lẫn tinh thần và còn bị nước ngoài chiếm đóng. Có lúc kẻ mạnh nhất trong số các thế lực chiếm đóng, người Mỹ, đùa bỡn với ý tưởng áp đặt Kế hoạch Morgenthau – tước hết các cơ sở công nghiệp và biến Đức thành đất nước thuần nông. Điều này không xảy ra, chủ yếu do người Mỹ lo ngại một nước Đức quá yếu ớt sẽ rơi vào tầm ảnh hưởng của Liên Xô. Thay vào đó, người Đức được phép, nói đúng hơn là được khuyến khích, xây dựng lại các thành phố và nhà máy của họ. Và họ bắt tay vào cuộc với sự gan góc và quyết tâm.
Phụ nữ Đức đóng một vai trò quyết định. Sau năm 1945, ở Đức thiếu hụt nam giới trầm trọng. Hơn 5 triệu người thiệt mạng trong cuộc chiến và 3 triệu vẫn còn là tù binh chiến tranh, chủ yếu ở Liên Xô. Chính vì vậy, Trümmerfrauen(17) phải dọn dẹp đống đổ nát và góp sức xây dựng lại các thành phố bị phá hủy. Nhiều người trong số họ từng chịu cảnh bạo lực thể xác và tình dục cùng cực trước đó. Thế nhưng họ không nói về chuyện đó, chẳng có sự giúp đỡ nào. Họ chỉ cố hết sức để tiếp tục sống.
(17) Cách Đức gọi những người phụ nữ sau Thế chiến thứ hai.
Việc 12 triệu người Đức bị trục xuất khỏi nhà mình ở Đông Phổ(18), Ba Lan, Czechoslovakia(19) và nhiều nơi khác ở Đông Âu là minh chứng lớn nhất cho sự thanh trừng sắc tộc mà thế giới từng chứng kiến. Khoảng 0,5 tới 2 triệu người trong số này chết hoặc bị giết trên đường đi. Những ai về được nước Đức phải bắt đầu lại cuộc sống trong cảnh trắng tay. Khi trẻ em lớn lên và tù binh chiến tranh trở về, số liệu thống kê dân số của Đức trở nên bình thường hơn và lực lượng lao động cân bằng hơn. Những tù binh trở về không hé môi nhiều về chiến tranh – kể cả chuyện gì xảy ra với họ tại các trại cải tạo Liên Xô, cũng như họ đã làm gì dân thường tại những nơi họ chiếm đóng, cai trị hung bạo và tàn sát trước đó.
(18) Từng thuộc vương quốc Phổ, và nay chia thành tỉnh Warmia-Masuria của Ba Lan, tỉnh Kaliningrad của Nga, và vùng Klaipeda của Lithuania.
(19) Chia thành hai nước Cộng hòa Czech và Slovakia vào năm 1993.
Những diễn biến sau đó vào thập niên 1950 và 1960 ở phần phía Tây nước Đức được gọi là Wirtschaftswunder (điều thần kỳ về kinh tế). Đức lấy lại vị thế nền kinh tế công nghiệp dẫn đầu châu Âu và người dân nước này bắt đầu tận hưởng sự thịnh vượng mà điều này mang lại. Cũng như hầu hết các nước còn lại của Đông Âu, Đức nhận viện trợ từ Kế hoạch Marshall của Mỹ. Đây là nguồn lực quan trọng để kích hoạt quá trình tái khôi phục đất nước vào cuối những năm 1940. Nhưng điều thần kỳ về kinh tế suốt mấy thập niên sau đó là thành tựu đạt được nhờ vào những nỗ lực của riêng Đức. Họ tự hào về điều này dù hân hoan ra mặt không phải là phong cách của họ. Nhưng cũng vì vậy mà họ thận trọng trước những tuyên bố của các nước châu Âu khác rằng EU chỉ có thể thành công nếu người Đức chịu chia sẻ nguồn lực. Họ càng dè dặt khi phải chuyển tiền tới những nước mà người dân dường như không làm việc chăm chỉ như người Đức.
Việc tái thiết nước Đức sau năm 1945 là một thành công tự thân. Tương tự là hai thách thức kinh tế lớn khác mà người Đức phải đối mặt, và vượt qua, kể từ thời điểm đó: thống nhất đất nước vào năm 1990, và đánh mất khả năng cạnh tranh quốc tế trong khoảng 10 năm sau đó. Thống nhất nước Đức là một trong những nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội khó khăn nhất mà bất cứ chính phủ nào trong thế giới hiện đại có thể gặp phải. Nó đòi hỏi sự can đảm và khả năng dàn xếp quyền lãnh đạo chính trị ở cả Đông và Tây Đức, đồng thời phải có cam kết mạnh mẽ về sự đoàn kết và hy sinh của người dân Tây Đức. Không hề có kế hoạch trước cho diễn biến này. Sự chia rẽ của nước Đức dường như là một hiện tượng hiển nhiên. Một số người mong chờ, hoặc ít nhất là hy vọng, tình hình Đông Đức sẽ cải thiện và chuyện đi lại, liên lạc giữa hai bên dễ dàng hơn. Nhưng không ai ngờ Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) lại thực sự biến mất.
Cho tới năm 1989, thống nhất nước Đức vẫn là một khát vọng đậm tính lý thuyết. Ủng hộ chủ trương này ở GDR đồng nghĩa với tù đày. Còn làm như vậy ở Cộng hòa Liên bang Đức (FRG), ít nhất cũng bị xem là thiếu thực tế chính trị, tệ hơn sẽ bị quy thành tư tưởng phục thù cánh hữu. Tức là không hề có sự chuẩn bị thực tế nào trước đó. (Có tin đồn rằng trong những ngày đầu ở FRG, ai đó ở văn phòng cấp bảng số xe đã “để dành” hai chữ cái L và P cho Leipzig và Potsdam(20) sau này, trong khi tất cả chữ cái khác đều được sử dụng cho các thành phố Tây Đức. Nhưng đây hoàn toàn là tin đồn). Nổi tiếng là luôn lên kế hoạch thay vì hành động theo kiểu ứng biến, quá trình thống nhất trở thành một thử thách vô cùng to lớn đối với người Đức.
(20) Hai thành phố ở Đông Đức.
Các viên chức ở Tây Đức cũ được đề nghị tình nguyện sang phía Đông thành lập các cơ quan mới. Một đồng nghiệp cũ của tôi đã làm vậy. Bà ấy mô tả tòa nhà gần Potsdam mà bà tới là ảm đạm, lạnh giá. Nhiệm vụ của bà là từ mớ hỗn độn phải thành lập cơ quan thuế cho một bang mới mang tên Brandenburg (trước đó chưa từng có cơ quan như vậy ở GDR). Không hề có máy sưởi, không có hồ sơ nào về thu nhập hay các hoạt động kinh tế, không chuyên gia, không dữ liệu, chỉ có vài nhân viên ủ dột luôn cho rằng mình sắp bị sa thải. Vậy mà chỉ trong vòng vài năm, hệ thống đã vận hành.
Thống nhất nước Đức không phải là một sự sáp nhập và càng không phải là một sự sáp nhập giữa hai bên cân bằng. Đó là một sự tiếp quản được đồng thuận. Cộng hòa Dân chủ Đức đã bỏ phiếu tự giải tán và nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức. FRG mở rộng về diện tích và có thêm 6 bang mới. Các cơ quan của FRG tiếp tục tồn tại không thay đổi, trong khi các cơ quan phía GDR biến mất. Không có bất cứ thứ gì của Đông Đức cũ được bảo tồn như di sản chung. Không thành tựu nào của họ được tưởng nhớ, không cá nhân nào được kính trọng, không truyền thống nào được duy trì. Cứ như thể quốc gia này chưa từng tồn tại.
Nhìn chung, kết quả của quá trình thống nhất là một thành công to lớn. Một thị trường xã hội thịnh vượng với 60 triệu dân đã “hấp thu”, và nhanh chóng cấp các quyền lợi xã hội và kinh tế ngang bằng, đối với 20 triệu công dân của một chế độ có nền kinh tế tập trung. Nước Đức sau khi thống nhất vào năm 1990 vẫn là nền dân chủ tự do, vận hành theo thị trường. Những ai từng lo ngại nước Đức sau thống nhất sẽ tách khỏi phương Tây và các định chế của nó, đồng thời chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu – như bà Margaret Thatcher – rõ ràng đã sai lầm (chính Anh, chứ không phải Đức, đã bầu hai thành viên “phát xít” vào Nghị viện châu Âu hồi năm 2009).
Thành công về mặt chính trị phải trả bằng cái giá của kinh tế và xã hội. Quyết định nhanh chóng đẩy ngành công nghiệp Đông Đức ra thị trường phía Tây – với tỷ giá giữa đồng mark Đông Đức (Ostmark) và đồng mark Tây Đức (Deutschmark) là 1:1 – đã gây ra thảm họa cho các công ty của Đông Đức cũ. Nhiều công ty phá sản, trong khi những công ty còn lại sa thải lao động hàng loạt để cố cạnh tranh với các doanh nghiệp Tây Đức. Vào một ngày lạnh lẽo đầu thập niên 1990, Jenoptik (trước đây là Carl Zeiss ở thành phố Jena và được xem là viên đá quý gắn trên vương miện công nghệ của Đông Đức) cho nghỉ việc 18.000 công nhân – có lẽ là đợt sa thải riêng lẻ lớn nhất lịch sử thế giới. Tới năm 1997, Đông Đức mất 70% năng lực công nghiệp trước năm 1990 của mình.
Có nhiều ý kiến khác nhau về việc liệu có thể chuyển đổi kinh tế tốt hơn hoặc ít ra là nhân đạo hơn hay không. Những tranh cãi xoay quanh tỷ giá 1:1, theo người dân Đông Đức, là “hoặc đồng Deutschmark tìm đến chúng tôi, hoặc chúng tôi đi tìm Deutschmark”. Điều đó có nghĩa nếu người dân Đông Đức không được trao cho sức mạnh chi tiêu tương đương ở Tây Đức thì họ sẽ đơn giản là di cư sang phía Tây và – với tư cách công dân Đức – đòi các phúc lợi an sinh xã hội như người dân Tây Đức cũ.
Những tiếng nói chỉ trích cho rằng dù xảy ra chuyện di cư thì cũng không nên để kinh tế Đông Đức bị sốc cạnh tranh tiền tệ như vậy – như Ba Lan, Cộng hòa Czech hay Hungary đã thoát được. Hoặc dù sao đi nữa cũng nên để công nghiệp Đông Đức tự do cạnh tranh hơn với lợi thế là mức lương thấp (lương ở Đông Đức vẫn thấp hơn phía Tây và thị trường lao động linh hoạt hơn. Tuy nhiên, các khác biệt cũng khá nhỏ).
Quá trình thống nhất bao gồm nhiều điều chỉnh đau đớn đối với các công dân của GDR. Những người ở phía Tây cũng chịu nhiều hy sinh to lớn. Trong 20 năm kể từ cột mốc 1990, người dân Tây Đức phải đóng một loại thuế đoàn kết đặc biệt dựa trên thu nhập của mình để trang trải kinh phí tái thiết và hỗ trợ xã hội cho Đông Đức cũ. Họ làm thế mà chỉ thỉnh thoảng cằn nhằn rằng dân Đông Đức vô ơn và vô trách nhiệm, cũng như dân Đông Đức phàn nàn về tính ngạo mạn và thái độ hợm hĩnh của dân Tây Đức. Nhưng nhìn chung, người Tây Đức sẵn lòng đóng thuế. Tất cả họ, nói cho cùng, là người dân của cùng một đất nước.
Trải nghiệm về sự thống nhất này – quãng thời gian mà thuật ngữ Wende (bước ngoặt) được sử dụng phổ biến – đã để lại ảnh hưởng tâm lý to lớn lên người dân Đức. Với người dân Đông Đức, thống nhất đồng nghĩa với tự do, nhưng trong suy nghĩ của những người đã ở vào tuổi trung niên hồi năm 1990, đó cũng là bị loại trừ khỏi thị trường việc làm và bỏ rơi mối dây liên kết với những ngày tháng cũ. Với người Tây Đức, đó là sự hy sinh về tài chính nhưng cũng ẩn chứa niềm tự hào: cuối cùng đất nước cũng thành khối thống nhất và bình thường trở lại. Như ông Willy Brandt(21) tuyên bố: “Jetzt wächst zusammen was zusammen gehört” (Giờ thì những gì thuộc về nhau sẽ phát triển cùng nhau).
(21) Thủ tướng Tây Đức giai đoạn 1969 – 1974.
Giai đoạn này cũng tác động rất nhiều đến thái độ của Đức đối với đồng euro. Đông Đức cũ chịu sức ép của một loại tiền tệ mạnh và phải thích ứng với việc mất đi khả năng cạnh tranh. GDR mất ít nhất một thập kỷ để khó khăn dịu bớt. Nhưng đó là điều Đông Đức cần. Thống nhất nước Đức, cũng như euro, là một dự án chính trị được thúc đẩy thông qua cái giá đắt về kinh tế. Nếu người dân Đông Đức có thể chịu được gánh nặng ấy thì (trong mắt người Đức) người Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha cũng chịu được. Bằng sự chủ động và hiểu biết, người dân những nước này đã chọn từ bỏ tiền tệ trước đây của họ.
Dĩ nhiên, có người lập luận rằng chính vì đã có kinh nghiệm về sự thống nhất cũng như mức độ chuyển giao nguồn lực cần thiết trong nội bộ Đức, người Đức lẽ ra cần thận trọng hơn khi cho phép quá nhiều nền kinh tế tương đối yếu ở miền Nam châu Âu gia nhập đồng euro vào năm 1999. Nhiều người Đức đồng tình với lập luận trên và chỉ trích chính phủ họ đã không thẳng thắn hơn khi chỉ ra các nguy cơ. Tuy nhiên, điểm chính yếu trong chính sách của Đức đối với euro – rằng đồng tiền này không nên góp phần tạo ra bất cứ “liên minh chuyển giao” nào – cũng bắt nguồn từ kinh nghiệm thống nhất đất nước. Người dân Đức sẵn lòng hy sinh về kinh tế cho đồng bào, nhưng họ không có ý định làm như thế, hoặc ít ra là với quy mô như vậy, cho người nước khác.
***
Còn một lần nữa kinh tế Đức chứng tỏ độ kiên cường vốn có – dù không kịch tính bằng khi hồi phục sau Thế chiến thứ hai, hay đạt thành tựu với quá trình thống nhất – và cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì vị thế của nước này ở châu Âu, cũng như ảnh hưởng đến thái độ của Đức đối với đồng euro. Vào cuối thập niên 1990, kinh tế Đức dường như rơi vào suy thoái. Tăng trưởng chậm lại (tới mức thấp hơn tăng trưởng của Anh trong vài năm), số người thất nghiệp lên đến 4,8 triệu (chiếm 9,4% lực lượng lao động) và nước Đức có vẻ phải vật lộn để thích nghi với hiện tượng mới là toàn cầu hóa. Cụm từ “người bệnh ở châu Âu”(22) được bàn tán khắp nơi, và chỉ lần này nó nhằm vào Đức hơn là Anh.
(22) Từ nguyên: “sick man of Europe”.
Kinh tế đình trệ trùng thời điểm kết thúc 18 năm làm thủ tướng của ông Helmut Kohl, một tượng đài không chỉ trong lịch sử Đức mà còn ở châu Âu – người đã đương đầu đầy ấn tượng với thử thách chính trị khi Đức thống nhất, song lại chưa bao giờ quan tâm nhiều tới kinh tế. Ông dự báo việc nhập GDR vào FRG sẽ dễ dàng và nhanh chóng tạo ra Blühende Landschaften (triển vọng tươi sáng). Tuy nhiên, hóa ra ông lạc quan quá mức. Vào năm 1997 – 1998, cả nước Đức cho rằng cần có một sự thay đổi cơ bản nếu họ còn muốn duy trì khả năng cạnh tranh quốc tế. Tổng thống Đức khi ấy là ông Roman Herzog cũng đưa ra điều này trong một bài phát biểu vào năm 1997 (đọc diễn văn là tất cả những gì mà các tổng thống Đức được làm) và đánh trúng vào tâm lý chung của đất nước – Đức cần một “Ruck” (cú bật dậy).
Các đánh giá cũng cho rằng lý do kinh tế Đức suy thoái bao gồm: cái giá của sự thống nhất; tình hình thê thảm của công nghiệp Đông Đức cũ; các mức lương quá cao và thiếu linh hoạt trong thỏa thuận lương; những gánh nặng chi phí ngoài lương mà các công ty phải gánh; những khó khăn và phí tổn tốn kém để sa thải nhân công, từ đó khiến các công ty không mặn mà tuyển dụng; bộ máy hành chính cồng kềnh và tình trạng thừa mứa quy định; và không khuyến khích phát triển khu vực lương thấp để giúp tạo việc làm trong các ngành dịch vụ. Vấn đề là Thủ tướng Helmut Kohl không thể, hoặc không sẵn sàng, thuyết phục giới công nhân cổ cồn xanh và các nghiệp đoàn của Đức rằng cần phải thay đổi.
Người kế nhiệm ông Kohl, ông Gerhard Schröder, đã hành động. Ông ban hành một phiên bản mới về thị trường xã hội mà ông gọi là Neue Mitte (Trung tâm mới). Trong một thời gian, Neue Mitte chạy song hành với chính sách Third Way (Con đường thứ ba) của thủ tướng Anh khi đó là ông Tony Blair. Triết lý của hai chiến lược này là chính phủ đóng vai trò như một tấm bạt lò xo để giúp những người mất việc “nảy” trở lại thị trường lao động, thay vì chỉ làm tấm nệm cho họ nghỉ ngơi thoải mái. Ông Schröder thành lập một ủy ban – do ông Peter Hartz, giám đốc nhân sự của Volkswagen, điều hành – để xem xét lại cách vận hành của thị trường việc làm.
Ông Hartz có quan hệ tốt với các nghiệp đoàn từ thời ông còn ở Volkswagen (các quan hệ này có vẻ quá tốt khi ông phải từ chức do dính tới bê bối cung cấp gái gọi Brazil cho các cuộc gặp của Hội đồng Lao động Volkswagen), và ông đã thành công trong việc đạt thỏa thuận chung với họ. Các cải cách do ủy ban của ông Hartz đề xuất được chính phủ Schröder hậu thuẫn và được Bundestag thông qua theo bốn giai đoạn từ năm 2001 – 2005. Các cải cách không hoài nghi quy tắc cơ bản của mô hình thị trường xã hội Đức, nhưng chúng đề ra các yếu tố linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và công ty khởi nghiệp, đồng thời đơn giản hóa và hợp lý hóa các quyền lợi phúc lợi xã hội cũng như kiểm soát chi tiêu chặt chẽ hơn. Song song với công việc tại ủy ban, ông Hartz thuyết phục được các nghiệp đoàn Volkswagen chấp nhận các hợp đồng làm việc bán thời gian và tạm thời. Vì Volkswagen được xem là cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp ô tô Đức nói chung nên những thay đổi này rất có ảnh hưởng và thúc đẩy các nơi khác làm theo.
Ông Schröder chưa bao giờ được ghi nhận công trạng, cả trong và ngoài nước Đức, về những nỗ lực cải cách thị trường lao động nói trên. Phần lớn cải cách có hiệu lực sau khi ông rời chức vụ vào năm 2005. Trong khi đó, danh tiếng của ông bị lu mờ bởi sự bảo vệ ông dành cho Tổng thống Vladimir Putin của Nga và bởi việc ông nhận ghế chủ tịch của liên danh chịu trách nhiệm xây dựng một đường ống khí đốt từ Nga xuyên qua biển Baltic tới Đức – do tập đoàn dầu khí Nga Gazprom dẫn đầu. Tuy nhiên, cũng như dũng khí chính trị mà chính phủ ông thể hiện khi triển khai lực lượng vũ trang Đức tham gia các chiến dịch của NATO ở Kosovo và Afghanistan (điều mà nhiều nhà quan sát trước đó xem là không thể tưởng tượng nổi và cần trải qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Bundestag), bản thân ông cũng dũng cảm thúc đẩy hiện đại hóa mô hình xã hội Đức – bởi đó là cam kết của riêng ông đối với những thay đổi mang tính quyết định.
Ít ra thì so với Anh, Đức vẫn có những tiêu chuẩn rộng rãi về trợ cấp xã hội và quy định chi tiết trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Tâm lý người dân thường thích được đảm bảo công việc hiện tại hơn là triển vọng tạo ra nhiều việc làm mới. Dù vậy, người dân Đức, bao gồm các nghiệp đoàn nước này, không ngoảnh mặt với sự thay đổi. Họ sẵn lòng chấp nhận cải cách khi thấy cần thiết và chính họ thương thảo những cải cách này cho riêng mình. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi họ thấy dân Hy Lạp và Ý – những người trong chừng mực nào đó hưởng nhiều quyền lợi hơn họ – cũng nên chấp nhận.
***
Xuất khẩu dựa trên công nghệ là nguyên nhân then chốt làm nên sự thành công của kinh tế Đức. Nền tài chính công vững chắc cũng là một nguyên nhân. Điều này đồng nghĩa với thặng dư thương mại cân bằng, lượng thâm hụt tài khoản vãng lai nhỏ, vay mượn ít, tăng trưởng bền vững, và trên hết là lạm phát thấp. Gần như toàn bộ giới chính trị ở Đức đồng thuận rằng những điều trên nên là mục tiêu của chính sách kinh tế. Nhìn chung, hầu hết các chính phủ Đức trong 50 năm qua đều đạt được chúng – hoặc ít nhất là làm tốt hơn các nước châu Âu khác.
Họ làm được điều đó một phần thông qua việc chủ động lựa chọn chính sách và một phần nhờ các mẫu hành vi của công chúng. Cho tới năm 1999, lạm phát được duy trì ở mức thấp nhờ các hoạt động của Bundesbank (cơ quan có nhiệm vụ ưu tiên tuyệt đối là kiềm chế lạm phát) và sau đó là Ngân hàng Trung ương châu Âu (cơ quan mà dưới sức ép của chính phủ Đức cũng có mục đích tương tự). Đáng chú ý, các thành viên người Đức trong ban giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu, cũng như các quan chức thường trực người Đức trong ngân hàng, là những nhân vật diễn giải nghiêm ngặt nhất về nhiệm vụ chống lạm phát của cơ quan này, đồng thời tranh luận quyết liệt nhất khi có bất cứ chính sách nào (mà họ cho là) đe dọa nhiệm vụ đó.
Đôi khi có những nhà bình luận khẳng định rằng sự ác cảm của Đức đối với lạm phát bắt nguồn từ thời Cộng hòa Weimar(23) vào những năm 1920 và những lời kể xưa cũ về loại tiền giấy trị giá triệu mark, còn giá cả thay đổi mỗi giờ một lần. Những ký ức này ít nhiều có thật nhưng với thế hệ người Đức hiện đại, quãng thời gian giữa năm 1945 và 1948 (năm xảy ra cải cách tiền tệ để cho ra đời đồng Deutschmark) mới có ảnh hưởng nhiều hơn. Trong bất cứ trường hợp nào, không chỉ có hồi tưởng của người lớn tuổi là đáng kể, khó chịu với lạm phát đã ghi dấu sâu đậm vào suy nghĩ của dân Đức nói chung.
(23) Là tên các sử gia gọi chính phủ Đức trong khoảng thời gian 1918 – 1933.
Tâm lý ngại vay mượn cũng vậy. Người Đức nhiệt tình mua sắm nhưng họ chỉ chi xài trong giới hạn tiền bạc của mình. Họ không quen với chuyện nợ nần đầm đìa. Thẻ tín dụng xuất hiện ở Đức muộn màng và cho tới ngày nay, tiền mặt vẫn được sử dụng nhiều đến mức đáng ngạc nhiên: bê bối chính trị về gây quỹ cho đảng CDU vào năm 2002 – nhờ bê bối này mà bà Angela Merkel vươn lên vị trí chủ tịch đảng – liên quan đến việc trao nhận những phong bì màu nâu chứa đầy euro chứ không phải viết séc. Người Đức cũng không hứng thú với hình thức mua trả góp – vốn là một đặc trưng về thương mại của Anh.
Hầu như không có quảng cáo nào về thỏa thuận tín dụng. Các hộ gia đình ở Đức không bị “bỏ bom” bởi những lá thư hối thúc họ đi làm thẻ mới; các bảng quảng cáo khổng lồ không chứa các nội dung về cho vay. Không có quy định nào hạn chế những hình thức tài chính này, chẳng qua là cả các định chế tài chính lẫn khách hàng nhìn chung đều cho rằng đây không phải là lĩnh vực để nghệ thuật quảng cáo trổ tài.
Một phóng viên của báo Financial Times (Anh) được phái đến Berlin vào đầu thập niên 2000 nhớ lại trải nghiệm làm thẻ tín dụng tại một ngân hàng Đức. Ngân hàng kiểm tra và biết ông có nguồn thu nhập thường xuyên từ tòa báo nên sẵn sàng cấp thẻ. Phóng viên này nhấn mạnh ông không muốn sở hữu một tấm thẻ khiến ông mang nợ, ông muốn loại thẻ chi trả trực tiếp cho các khoản thanh toán phát sinh. “Không vấn đề gì” là câu trả lời của ngân hàng, “đó là kiểu thanh toán duy nhất của chúng tôi”.
Ở Đức, cũng không nhiều người có những khoản thế chấp lớn. Tỷ lệ dân số sở hữu nhà, thay vì thuê, thấp hơn ở Anh nhiều. Những người chọn mua nhà là để thuận tiện và có thể tự do trang trí hay sửa chữa, chứ không phải mong bán kiếm lời. Giá nhà ở Đức từ xưa tới nay tương đối ổn định và thường không rõ mua nhà có lợi hơn thuê nhà hay không. Những ai mua nhà thường vay có thế chấp chỉ trong khoảng 10 năm.
Trong nhiều năm, nước Đức không khuyến khích xu hướng chi tiêu tiêu dùng quá mức, thể hiện qua các đạo luật hà khắc về giờ mở cửa hàng. Cho tới cuối những năm 1990, các cửa hàng ở Đức đóng cửa lúc 18 giờ các ngày trong tuần và lúc 12 giờ ngày thứ Bảy. Vào Chủ nhật, các lò bánh được mở cửa buổi sáng, còn thức ăn (và rượu) có thể mua ở nhà ga hoặc trạm xăng, nhưng mọi thứ khác (kể cả các nhà vườn) đều đóng cửa.
Ngoài ra, còn nhiều hạn chế khác. Các “factory outlet”(24) của các xí nghiệp không được tạo điều kiện mở cửa, một phần do các luật chống phân biệt đối xử và một phần bởi lập luận người tiêu dùng có thể bị “bối rối” khi được chào mời những món hàng sản xuất vào năm trước. Lập luận “người tiêu dùng có thể bị bối rối” cũng được sử dụng để ngăn chặn một công ty bán hàng qua bưu điện làm ăn ở Đức, bởi công ty này áp dụng chính sách trả hàng vô điều kiện. Chính phủ cho rằng tuy chính sách như vậy có lợi hơn cho khách hàng so với tiêu chuẩn tối thiểu trong luật Đức, nhưng nó đã sai vì áp dụng một mức độ bảo vệ người tiêu dùng khác. Hoạt động bán hạ giá cũng bị giới hạn vào một số thời gian cụ thể trong năm.
(24) Cửa hàng tiêu thụ hàng tồn kho, hàng giảm giá và hàng trực tiếp từ nhà sản xuất.
Dần dần những hạn chế này biến mất hoặc bớt cứng nhắc hơn, dù việc mở cửa vào Chủ nhật vẫn là điều cấm kỵ. Thói quen mua sắm ở Đức bây giờ đã giống các nước châu Âu khác. Áp lực của người dân – và thực tế là ở các khu vực biên giới, người ta có thể qua nước khác mua những thứ không bán ở quê nhà – theo thời gian vượt qua sự phản đối của các nghiệp đoàn và các nhóm khác.
Có một câu hỏi hoàn toàn vắng bóng trong suốt nhiều năm tranh cãi về giờ mở cửa hàng ở Đức – trong khi nó được nêu ra sớm hơn nhiều so với tại Anh. Không người nào, dù là một chủ cửa hàng nhỏ hay người ủng hộ tự do chủ nghĩa, từng hỏi: “Nhà nước có quyền gì mà cấm tôi buôn bán khi tôi muốn?”. Có lẽ do nhiều chủ cửa hàng nhỏ ở Đức là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ nên họ ngại ra mặt tranh luận. Cũng có khi việc chất vấn về vai trò của nhà nước trong việc quy định hành vi của người dân không phải là bản tính của người dân Đức.
Chính phủ Đức cho rằng thặng dư thương mại khổng lồ của nước này có được là nhờ quyết định của từng cá nhân người tiêu dùng ở Đức và nơi khác. Cơ bản là đúng. Nếu xuất khẩu Đức thành công, có nghĩa là khách hàng ở các nước khác quyết định mua sản phẩm Đức. Nếu nhập khẩu vào Đức thấp hơn ở những nơi khác, đó là vì khách hàng Đức thích tiết kiệm hơn là tiêu xài.
Không thể sao chép mô hình của Đức trong khắp Liên minh châu Âu hay eurozone. Đây là thái độ mà chính phủ Đức thường thể hiện khi được hỏi các nước bên ngoài hay các nước châu Âu nợ ngập đầu nên làm thế nào để lập lại trật tự nền kinh tế của họ. Thông điệp là hãy như chúng tôi; cải thiện khả năng cạnh tranh, tự đứng trên đôi chân của các bạn; đừng hy vọng người khác cứu mình.
Những ý kiến phản bác cho rằng thặng dư của nước này là sự thâm hụt của nước khác; về mặt thống kê, không thể có chuyện tất cả quốc gia thành viên EU đều có thặng dư với nhau; nếu Đức muốn duy trì cán cân thương mại hiện nay của mình thì trong chừng mực nào đó họ phải chịu trách nhiệm với những hậu quả mà các nước khác gánh chịu. Do đó, chính phủ Đức thường xuyên bị kêu gọi phải có biện pháp khuyến khích nhập khẩu từ các nước EU khác hoặc ít nhất là kích thích nhu cầu chung. Phía chính phủ Đức trước sau đều phản đối, như bà Angela Merkel từng nhấn mạnh: “Đức là một nền kinh tế nhiều nợ, định hướng xuất khẩu và có dân số già. Đức không thể hy sinh xuất khẩu để thúc đẩy tiêu dùng”.
Trong bất cứ trường hợp nào cũng không dễ để chỉ ra chính phủ Đức nên hành động thế nào. Họ không thể áp thuế lên hàng xuất khẩu của Đức để giảm bớt tính cạnh tranh ở các quốc gia châu Âu khác. Còn về việc quy định lãi suất và chính sách tiền tệ, đó là trách nhiệm của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Thị trường Đức hoàn toàn mở cửa; người tiêu dùng Đức chọn mua sản phẩm Đức không phải vì nước này dựng lên các hàng rào thương mại hay đề ra các biện pháp bảo hộ. Các công ty không phải của Đức khi xuất khẩu hàng hóa vào nước này không hề than phiền rằng bị phân biệt đối xử hay khó tìm cửa hàng tiêu thụ, nhà phân phối. Ngược lại, nhiều công ty rất thành công khi thâm nhập thị trường Đức. Chẳng qua là các nhà xuất khẩu Đức thành công nhiều hơn thôi.
***
Các mẫu cân bằng thương mại phản ánh hành vi của cá nhân, còn thâm hụt và nợ thì soi chiếu các quyết sách của chính phủ. Kinh tế Đức tuy tốt hơn hầu hết các nước châu Âu khác nhưng lại khó hiểu hơn.
Hiệp ước Maastricht, ký kết vào năm 1992, đã hình thành tiêu chuẩn cơ bản cho tư cách thành viên của đồng tiền chung châu Âu. Tất cả thành viên phải duy trì lạm phát thấp, thâm hụt không quá 3% GDP và nợ quốc gia dưới 60% GDP. Những con số này sau đó được đưa vào Hiệp định Tăng trưởng và Ổn định (đạt đồng thuận vào năm 1997) và trở thành các quy định của đồng euro. Chúng chính là các yêu cầu của Đức để đổi lấy việc từ bỏ đồng Deutschmark. Giữ lạm phát ở mức thấp là mục đích tồn tại của Bundesbank, và các đời bộ trưởng tài chính Đức liên tiếp áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt về thuế và thâm hụt. Trong các cuộc đàm phán về việc thiết lập đồng tiền chung, Bộ trưởng Tài chính Đức Theo Waigel quyết tâm muốn đồng euro phải giữ được danh tiếng là đồng tiền mạnh và ổn định như Deutschmark. Hiệp định Tăng trưởng và Ổn định mang dấu ấn của ông Waigel rất nhiều.
Việc tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn này chưa bao giờ được làm tốt. Với vấn đề thâm hụt, mức trung bình của EU vào năm 1997 là dưới 3%, giảm từ con số 5,5% của 5 năm trước đó, nhưng mục tiêu chỉ mới đạt được gần đây. Bản thân Đức có thâm hụt trên 3% vào năm 1994, 1995 và 1996. Và chỉ tiêu nợ dưới 60% GDP chưa bao giờ được thi hành nghiêm túc. Chỉ có số ít nước EU làm đúng yêu cầu khi đồng euro ra đời. Đức là một trong số này, nhưng kể từ năm 2003 trở đi, họ không làm được như thế hàng năm.
Trong quá trình đàm phán cho Hiệp định Tăng trưởng và Ổn định, ông Waigel đặc biệt muốn chắc rằng sẽ không có điều khoản nào về việc giải cứu tài chính hay chuyển giao nguồn lực thông qua ngân sách EU. Ông đã thành công. Đồng tiền chung ra đời mà không có điều khoản nào về việc sẽ làm gì trong trường hợp xảy ra các cú sốc bất đối xứng (tức một hoặc nhiều hơn các nước thành viên gặp khó khăn về kinh tế nhưng không ảnh hưởng tới đa số còn lại). Các báo cáo Werner và MacDougall hồi thập niên 1980 cho rằng đồng tiền chung chỉ có thể tồn tại khi có một ngân sách trung ương EU bằng khoảng 3% tổng GDP của EU nhưng những phân tích này bị phớt lờ.
Thất bại chủ yếu của ông Waigel là không đưa vào hiệp định bất cứ điều khoản nào về những gì phải làm một khi một nước thành viên không tuân thủ quy định. Khi bị chất vấn, ông trả lời đơn giản là áp lực nội bộ sẽ mạnh tới mức không bộ trưởng tài chính nào dám xuất hiện ở Hội đồng châu Âu nếu nước ông ta đang có vi phạm. Ủy ban châu Âu được ủy quyền khởi động tiến trình chống lại quốc gia thành viên mà họ cho là có thâm hụt quá mức, nhưng thủ tục rất phức tạp trong khi tiền phạt mà quốc gia đó có thể phải trả lại chỉ mang tính tượng trưng.
Có thể ông Waigel cho rằng những nước duy nhất, ít nhất lúc ban đầu, tham gia đồng euro sẽ là những cột trụ truyền thống của sự minh bạch và thận trọng đến từ Bắc Âu. Ngay cả tới khi Ủy ban châu Âu công bố báo cáo năm 1998, người ta vẫn nghĩ rằng đồng euro sẽ ra đời với các thành viên hạn chế là Đức, Pháp, Benelux(25), Áo và Phần Lan. Nhưng Ủy ban đề nghị nên cho Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland cùng tham gia dù số liệu kinh tế của những nước này không tin cậy lắm. Cuối cùng, đồng euro ra mắt vào năm 1999 với 11 thành viên (Hy Lạp được kết nạp một năm sau đó với dữ liệu kinh tế còn đáng ngờ hơn). Thay vì khăng khăng một đồng euro hẹp hơn, Đức lúc đó chọn thuận theo ý Ủy ban châu Âu và chấp nhận nguy cơ.
(25) Liên minh Benelux là một liên minh chính trị - kinh tế bao gồm 3 nước láng giềng ở Tây Âu: Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, được thành lập vào năm 1944.
Hệ quả có thể đoán được là việc tuân thủ tiêu chuẩn của Hiệp định Tăng trưởng và Ổn định trở thành kỳ vọng, thay vì là yêu cầu tuyệt đối. Năm 2001, Bồ Đào Nha vi phạm quy định về giới hạn thâm hụt và Ủy ban châu Âu tiến hành điều tra. Tới năm sau, cả Đức và Pháp đều vi phạm. Lẽ ra nên nhấn mạnh tiêu chuẩn trên thì Ủy ban kết luận sẽ xem xét lại tiêu chuẩn. Cuộc điều tra nhằm vào Bồ Đào Nha bị hủy bỏ trong khi các cuộc thảo luận về việc hạ thấp tiêu chuẩn được tổ chức. Vào năm 2005, họ đạt thỏa thuận rằng trần thâm hụt sẽ được tính toán dựa trên một chu kỳ kinh tế (thay vì một năm đơn lẻ) và cần coi trọng các xu hướng cũng như giá trị tuyệt đối (nghĩa là một nước chỉ cần phát triển đúng hướng là được, không cần quan tâm nhiều đến việc có cán đích hay không).
Thực ra về mặt kinh tế, xem xét dữ liệu về thâm hụt và nợ theo cách nêu trên cũng hợp lý. Tuy nhiên, việc tạo ra tiền lệ như thế lại không hay. Đức từng nhấn mạnh tầm quan trọng của luật lệ nghiêm ngặt, nhưng sau đó lại không thể tuân thủ và nhắm mắt làm ngơ cho luật lệ thay đổi. Với việc một lần nữa từ chối trả lời câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu một thành viên eurozone không thể tuân thủ quy định của Hiệp định Tăng trưởng và Ổn định vào năm 2005, Đức gần như hoãn lại ngày trả lời.
Dĩ nhiên đây là một phản ứng khi mà chuyện đã rồi. Cho tới khi cuộc khủng hoảng ngân hàng và nợ công bùng phát từ năm 2008 trở đi, đồng euro có vẻ khá ổn. Người dân châu Âu nhiệt tình chấp nhận nó, Ngân hàng Trung ương châu Âu thành công trong nhiệm vụ đầu tiên – kiểm soát lạm phát, và euro tự vượt qua được sự yếu kém ban đầu để trở thành đồng tiền quốc tế bên cạnh đô-la Mỹ. Cả châu Âu dường như bước vào chu kỳ phát triển vững chắc, tăng trưởng ổn định. Những quốc gia thành viên không gặp vấn đề gì khi cần vay mượn. Vậy còn gì phải lo lắng?
Mặc dù Đức có thể đã “phá luật” của Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định, song nước này vẫn rất thận trọng nếu so với hầu hết các nước khác. Kể từ khi euro ra đời, lần thâm hụt tệ nhất của Đức là vào năm 2003 – vượt quá 4% một chút và nợ công đạt kỷ lục ở mức khoảng 80% GDP. Chưa bao giờ mức đánh giá tín dụng AAA của Đức bị đặt dấu chấm hỏi trong khi nước này trả lãi suất cho trái phiếu của mình thấp nhất châu Âu. Không nền kinh tế nào ở châu Âu làm được như vậy. Đức chính là một hình mẫu để học theo.
***
Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Đức thể hiện ở việc họ thâm nhập thành công thị trường trên khắp thế giới: ở trong hay ngoài EU họ cũng hoạt động tốt. Nhưng sự tồn tại của EU và đồng euro đem lại cho Đức lợi ích khổng lồ và giúp nước này củng cố tính cạnh tranh. Ngay từ khi bắt đầu, EU đã trao cho Đức một thị trường miễn thuế rộng lớn, song song đó là một chế độ bảo hộ thuế quan chống lại các đối thủ cạnh tranh từ bên ngoài. Ngay từ năm 1957, năm diễn ra lễ ký kết Hiệp định Rome, các công ty Đức đã tự tin về năng lực vượt trội so với các nước châu Âu khác. Trong nhiều thập niên sau đó, họ tiếp tục phát triển. Họ xem EU là thị trường sân nhà và cứ thế lớn mạnh.
Trong những năm đầu, khi thuế xuất nhập khẩu thế giới còn khá cao, Đức còn hưởng lợi vì EU là một liên minh thuế quan. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp Đức – không chỉ ở Đức mà còn ở các nước thành viên EU khác – được bảo vệ trước sự cạnh tranh từ bên ngoài EU, ví dụ từ Mỹ hoặc Nhật Bản. Ngày nay, họ không cần sự bảo hộ như vậy nữa; các chính phủ Đức đã thúc đẩy EU đi theo con đường thương mại tự do cả trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới lẫn các thỏa thuận song phương. Nhưng vào những ngày đầu, đối với Đức, EU vừa đại diện cho cơ hội nội khối lẫn sự phòng vệ trước ngoại lực.
Điều này càng đúng hơn với euro. Một khi đã tham gia vào đồng tiền chung, các thành viên khác không còn khả năng tăng cường cạnh tranh bằng cách phá giá đồng nội tệ. Họ chỉ có thể sống sót và phát triển nhờ đẩy mạnh hiệu quả của các doanh nghiệp và/hoặc cắt giảm chi phí nhân công. Không có gì ngạc nhiên khi một số nước cảm thấy cực kỳ khó khăn.
Đồng euro đã chứng tỏ khả năng ổn định của mình (bây giờ nó vẫn thế, bất chấp sự hỗn loạn bên trong các nền kinh tế eurozone) và Ngân hàng Trung ương châu Âu kiểm soát chặt chẽ lạm phát – như Bundesbank từng làm. Nhiều năm sau khi ra mắt, giá trị của euro bị sụt giảm so với đô-la Mỹ và các loại tiền tệ quan trọng khác, nhưng rồi nó đã phục hồi (dù không bằng Deutschmark trước đây). Nếu Đức duy trì nội tệ, đồng tiền đó sẽ tăng giá lên tới mức mà hàng hóa Đức, bất kể chất lượng, sẽ trở nên đắt đỏ quá mức ở nhiều thị trường.
Thụy Sĩ đang gặp phải tình trạng này, nhưng vì kinh tế nước này ít phụ thuộc vào sản xuất nên vẫn có thể đối phó. Với Đức, thử thách lớn hơn nhiều.
Cho tới nay, Đức là bên thụ hưởng lớn nhất từ euro, cũng như khi họ hưởng lợi nhờ thị trường nội khối của EU. Đây không phải là điều trùng hợp. Chính sách của Đức là nhằm đảm bảo cấu trúc và luật lệ của EU, và euro tái hiện hình ảnh Đức. Họ đã thành công.
Các nước thành viên EU khác ngưỡng mộ mô hình Đức và chủ động áp dụng như một hình mẫu của EU. Đó không phải là lỗi của Đức khi những nước khác không thể tuân theo quy định của cơ chế mà mình tham gia. Nếu các đối tác EU của Đức đầu tư nhiều hơn và chi tiêu ít đi, đồng thời giúp các doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn tài chính dài hạn, khuyến khích sáng tạo và trau dồi kỹ năng công nghệ, họ có thể tiến gần Đức của ngày hôm nay. Các nước như Phần Lan và Hàn Quốc đã chứng tỏ không cần hàng thế kỷ tích lũy công nghiệp để trở thành một nền kinh tế hiện đại và hiệu quả.
Tương tự, nếu tất cả các nước eurozone quản lý tài chính công theo cách của Đức, họ sẽ bớt đi nhu cầu vay mượn và nếu phải vay cũng gặp ít rắc rối hơn. Giờ đây, họ không có lựa chọn nào. Hiệp ước Tài chính (đồng thuận vào tháng 3 năm 2012) bắt buộc họ phải theo gương Đức, bất kể cái giá phải trả đối với các dịch vụ công hay hệ thống an sinh xã hội.
Tuy nhiên, ở đây vẫn tồn tại một tình thế tiến thoái lưỡng nan cố hữu. Mô hình kinh tế Đức dựa trên sự vượt trội so với các đối tác châu Âu. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc nhiều nước trong số đối tác trên không thể cạnh tranh trong khu vực đồng tiền chung. Do đó, họ chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để đạt đủ mức tăng trưởng nhằm tuân thủ quy định tài chính mà họ cam kết (với sự thúc ép của Đức).
Trên thực tế, có thể dùng bình luận được cho là do ông Gore Vidal(26) tự nói về danh tiếng văn chương của mình: “Một mình tôi thành công chưa đủ. Những người khác còn phải thất bại nữa” để bàn về vị thế của Đức.
(26) Nhà văn Mỹ nổi tiếng (1925 – 2012).