V
ào tháng 11 năm 2011, một chính trị gia Đức ít tiếng tăm trên thế giới đã đạt được “15 phút nổi tiếng”(3) khi phát biểu: “Jetzt auf einmal wird in Europa deutsch gesprochen” (“Giờ thì cả châu Âu đột ngột nói tiếng Đức”).
(3) “15 phút nổi tiếng”: Khái niệm nói về sự nổi tiếng ngắn ngủi của một cá nhân hay hiện tượng, lấy cảm hứng từ câu nói: “Trong tương lai, ai cũng sẽ nổi tiếng trên toàn thế giới trong vòng 15 phút” của bậc thầy nghệ thuật đại chúng người Mỹ Andy Warhol (1928 – 1987).
Ông Volker Kauder, thủ lĩnh nhóm nghị sĩ của đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) tại quốc hội Đức, nói rõ phát ngôn của ông mang tính ẩn dụ chứ không phải theo nghĩa đen. Ông không đề cập đến việc sử dụng tiếng Đức, thay vào đó ý ông muốn nói là quan điểm của chính phủ Đức về cách đạt được sự ổn định kinh tế trong eurozone (khu vực đồng tiền chung euro) – cụ thể là loại trừ thâm hụt ngân sách, tăng thuế và giảm chi tiêu công – đã được áp dụng bởi tất cả các chính phủ khác ở châu Âu. Ông Kauder đúng ở cả hai vế. Một khảo sát công bố vài tuần trước bài phát biểu của ông cho thấy trong vòng 5 năm trước đó, số học sinh học tiếng Đức như ngoại ngữ ở các trường châu Âu giảm đáng kể. Ở Hà Lan chẳng hạn, số học sinh học tiếng Đức giảm mạnh từ 86% xuống còn 44% (con số này ở Anh còn thấp hơn nữa, tới mức một số hiệu trưởng bắt đầu bàn đến khả năng tiếng Đức không còn là môn học trong trường học Anh). Trong cùng tháng đó, giữa cao điểm của khủng hoàng tài chính eurozone, Hội đồng châu Âu quyết định bắt đầu đàm phán về cái gọi là “Hiệp định Liên minh Tài chính”. Các quy định trong hiệp định này chính xác là những gì mà chính phủ Đức chủ trương lâu nay: Luật hóa các cam kết cân bằng ngân sách quốc gia và giới hạn quy mô nợ công, cũng như thâm hụt quốc gia. Có ý kiến cho rằng một khi hiệp định có hiệu lực, người Đức có thể cởi mở hơn với các ý tưởng xử lý khủng hoảng khác như trái phiếu euro hay để Ngân hàng Trung ương châu Âu can thiệp nhiều hơn. Tuy nhiên, chính phủ Đức không đưa ra cam kết nào như thế. Thông điệp từ quyết định nêu trên rất rõ ràng: Nếu đồng euro cần được giải cứu, nó sẽ được cứu theo cách của Đức.
Hiệp định này cuối cùng được tất cả thành viên EU – trừ Vương quốc Anh và Cộng hòa Czech – ký kết vào tháng 3 năm 2012. Nó lập nên khung pháp lý buộc thành viên eurozone thực thi các chính sách tài chính và ngân sách, đồng thời đề ra cơ chế giám sát và trừng phạt nếu các nước này không tuân thủ quy định. Hiệp định trên phản ánh một quan điểm về cách tổ chức nền kinh tế quốc gia – tuy không phải chỉ Đức mới có, song được chính phủ nước này (qua các nhiệm kỳ liên tiếp) tích cực cổ xúy. Từ nay trở đi, quan điểm này sẽ chi phối toàn bộ eurozone, không cho phép bất kỳ sự chệch hướng nào.
Từ năm 2012, sự thống trị của Đức trong việc hoạch định chính sách EU càng lúc càng tăng. Giữa lúc châu Âu liên tiếp hứng chịu khủng hoảng – Hy Lạp phá sản, căng thẳng ở Ukraine, làn sóng nhập cư – chính nước Đức đề xuất các giải pháp (như hiện nay) và đi đầu thúc đẩy thực hiện. Cũng chính Đức thiết lập quy tắc cho việc tái đàm phán các điều khoản về tư cách thành viên của Anh, đồng thời là nước có tiếng nói quyết định EU sẽ đưa ra loại thỏa thuận nào sau khi Anh dứt áo ra đi.
Đây là thời đại vàng cho quyền lực Đức. Trùng hợp là cùng lúc ấy, Đức thành công trong lĩnh vực được các công dân châu Âu quan tâm nhiều nhất – bóng đá. Năm 2013, hai đội bóng Đức là Bayern Munich và Borussia Dortmund tranh tài trong trận chung kết Champions League ở sân vận động Wembley (Anh). Tới năm 2014, Đức vô địch World Cup ở Rio de Janeiro (Brazil). Trong trận bán kết của kỳ World Cup này, Đức chạm trán chủ nhà Brazil. Cả hai đội đều bất khả chiến bại trước đó, song Brazil vẫn được đánh giá nhỉnh hơn. Kết quả là Brazil thảm bại. Đức ghi tới 4 bàn trong vỏn vẹn 6 phút, mới hết hiệp 1 đã dẫn 5 – 0 và cuối cùng đè bẹp đối thủ với tỉ số 7 – 1. Tỏ ra khiêm tốn và cao thượng sau chiến thắng, đội tuyển Đức trở thành anh hùng quốc gia. Lúc đó, cứ như Đức đang thực sự thống trị thế giới.
Kể từ khi Liên minh châu Âu (ban đầu là Cộng đồng Kinh tế châu Âu – EEC) thành lập vào năm 1957, Đức là một trong hai thành viên quan trọng nhất – cùng với Pháp. EU ra đời từ sự hòa giải giữa Pháp - Đức và phát triển thông qua sự lãnh đạo của Pháp - Đức. Sự thấu hiểu lẫn nhau giữa Đức và Pháp, thường ngấm ngầm hơn là hiển hiện, là cơ sở cho nhiều quyết định then chốt của EEC. Sự kết hợp giữa thương mại tự do và hỗ trợ nông nghiệp là một ví dụ cho sự thấu hiểu kín đáo nói trên. Một ví dụ khác là việc tán thành nước Đức thống nhất và cam kết sử dụng đồng tiền chung.
Trong khoảng 40 năm đầu tồn tại của EU, kinh tế Pháp và Đức tương đương nhau về quy mô. Tuy kinh tế Đức có mức tăng trưởng và GDP bình quân đầu người tốt hơn, song không vì thế mà uy tín của Pháp – với vị thế đối tác ngang bằng trong việc quản lý châu Âu – bị ảnh hưởng. Nước Đức thống nhất vào năm 1990 đã làm thay đổi nhiều số liệu. Đức có thêm 20 triệu công dân và 1/3 lãnh thổ. Dù vậy, trong hai thập kỷ đầu sau thống nhất, vị thế cân bằng giữa Pháp và Đức dường như vẫn được duy trì. Hiệp định Liên minh Tài chính là đề xuất chung của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. “Merkozy” trở thành thuật ngữ thịnh hành một thời để chỉ nguồn sức mạnh của châu Âu.
Trên thực tế, từ đó trở đi, Đức mới là nước ra quyết định. Quan hệ Đức - Pháp dần hình thành thế trên - dưới. Các ý tưởng và sáng kiến của Pháp đều được lắng nghe và cho đến khi chúng phù hợp với lợi ích của Đức thì chính phủ Đức sẽ hỗ trợ. Pháp không thể thúc đẩy thông qua các chính sách EU mà Đức phản đối.
Việc ông François Hollande đắc cử tổng thống Pháp vào tháng 4 năm 2012 đã làm rõ điều này. Ông Hollande không thách thức Hiệp định Liên minh Tài chính dù ông từng chỉ trích nó trong chiến dịch tranh cử. Thay vào đó, ông tìm cách bổ sung vào hiệp định các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm việc toàn khối eurozone có trách nhiệm chung với nợ quốc gia của các thành viên riêng rẽ. Thậm chí, tại Hội đồng châu Âu vào tháng 6 năm 2012, ông Hollande cùng các thủ tướng của Ý và Tây Ban Nha đã gây áp lực ép thủ tướng Đức đi theo hướng này (điều mà chưa tổng thống Pháp nào từng thực hiện một cách công khai như vậy). Vụ việc khiến báo chí Đức suốt một thời gian dài viết về chuyện bà Angela Merkel bị lấn át hoặc cô lập.
Thực sự quan điểm của chính phủ Đức có mềm mỏng đi. Ngân hàng Trung ương châu Âu được phép chủ động tham gia nhiều hơn vào các thị trường trái phiếu, đồng thời quy mô của Cơ chế Ổn định châu Âu – quỹ thành lập năm 2012 để hỗ trợ các thành viên eurozone gặp khó khăn tài chính tạm thời – được mở rộng. Nhưng đây chỉ là các giải pháp cần thiết để xử lý những vấn đề ngắn hạn. Ngay trong lòng nước Đức, cũng có nhiều người thừa nhận rằng để ngăn đồng euro sụp đổ, Đức buộc phải tiến hành những bước đi có thể khiến chính mình gặp rủi ro tài chính nhiều hơn. Điều không thay đổi là quyết tâm của Đức nhằm đảm bảo một khi giải quyết xong các vấn đề ngắn hạn, sẽ không thành viên nào của eurozone có thể hành xử thiếu trách nhiệm thêm lần nữa. Bất cứ nhượng bộ nào mà Đức sẵn sàng chấp nhận để xử lý di sản quản lý yếu kém của các thành viên khác trong quá khứ càng khiến nước này thêm kiên quyết tạo dựng sự đúng đắn trong tương lai.
Quan hệ với Pháp trở thành nạn nhân của sự quyết tâm này. Thái độ miễn cưỡng của Tổng thống Hollande đối với các biện pháp thắt lưng buộc bụng và sự trì trệ của kinh tế Pháp đồng nghĩa với việc Pháp không còn là đối tác tự nhiên của Đức khi bàn về đường lối quản trị nền kinh tế châu Âu. Trong một thời gian dài, giới chính trị gia Đức im lặng trước nhu cầu hồi sinh quan hệ Pháp - Đức, nhưng hiện nay dường như có một vài lĩnh vực mà hai nước có cùng lợi ích thực sự.
Điều này trở nên rõ ràng trong quá trình thảo luận về cách đàm phán các điều kiện để Anh rời EU. Chính phủ Đức xem đó là cú sốc lớn cho châu Âu, song vẫn muốn có thỏa thuận nào đó về thương mại để đảm bảo hàng hóa Đức tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Anh (dù ưu tiên chính của Đức là bảo tồn tính toàn vẹn của các nguyên tắc cơ bản của EU, bao gồm quy định về tự do đi lại). Còn Pháp, dù bày tỏ sự tiếc nuối, lại xem chuyện Anh ra đi là cơ hội để giành được lợi thế về chính trị và kinh tế.
Một vài khu vực châu Âu từng nuôi hy vọng cuộc bầu cử liên bang tại Đức vào tháng 9 năm 2013 có thể khiến nước này thay đổi cách tiếp cận với eurozone. Một vài nhà bình luận cho rằng sự kiên quyết của Thủ tướng Merkel đối với các biện pháp tài chính khắc khổ là nhằm phục vụ mục đích chính trị trong nước, đồng thời dự báo một cách lạc quan rằng sau khi bầu cử kết thúc, bà hoặc người kế nhiệm sẽ “mềm hóa” quan điểm của Đức.
Cuộc bầu cử thực sự đã thay đổi cảnh quan chính trị Đức. Đảng của bà Angela Merkel – Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) – và đảng “chị em” của mình ở Bavaria là Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) đạt được tỷ lệ phiếu bầu ấn tượng (42%). Đây là kết quả tốt nhất của họ kể từ cuộc bầu cử hậu thống nhất năm 1990. Với 311 ghế trong Bundestag(4), họ chỉ còn thiếu 5 ghế nữa là đạt thế đa số tuyệt đối. Quả là một chiến thắng cá nhân khổng lồ đối với bà Merkel.
(4) Nghị viện Liên bang Đức.
Tuy nhiên, kết quả này cũng khiến bà không còn đồng minh chính trị nào rõ ràng để cùng thành lập chính phủ. Đảng Dân chủ Tự do (FDP), thuộc liên minh cầm quyền cũ với CDU/CSU, không chạm được ngưỡng 5% số phiều bầu cần thiết để có ghế trong Bundestag. Do đó, lựa chọn còn lại là đảng Xanh hoặc đảng Dân chủ Xã hội (SPD); sau các cuộc đàm phán sơ bộ, bà Merkel chọn thành lập một Đại liên minh với SPD, qua đó lặp lại mô hình mà bà từng trải nghiệm khi làm thủ tướng giai đoạn 2005 – 2009.
Các cuộc đàm phán cho chương trình của chính phủ Đại liên minh kéo dài hơn 2 tháng. Đảng SPD bảo đảm được nhiều cam kết đối với các vấn đề mà họ gắn bó, nổi bật là lần đầu tiên áp dụng mức lương quốc gia tối thiểu của Đức. Thế mạnh của SPD trong các cuộc đàm phán không phản ánh kết quả bầu cử quá thành công của đảng này. Với 25,7% số phiếu bầu và 193 ghế, SPD chỉ cải thiện chút ít kết quả ảm đạm của mình vào năm 2009. Nhưng lúc đó, nhìn chung trong Bundestag đã hình thành thế đa số “Đỏ/Đỏ/Xanh” – đảng SPD, đảng Xanh và đảng cực tả Die Linke có tổng cộng 320 ghế. Có điều cả SPD lẫn đảng Xanh đều không chịu chia sẻ quyền lực với Die Linke – trong mắt hầu hết người Đức là kẻ kế thừa trực tiếp của đảng Cộng sản tại Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây.
Dù chương trình của chính phủ Đại liên minh về các vấn đề trong nước có nét dân chủ xã hội nhưng về chính sách châu Âu, có rất ít thay đổi. Chính phủ Đức tiếp tục phản đối chuyện phải chia sẻ nợ của các quốc gia thành viên EU và sẽ thúc đẩy việc luật hóa các cam kết buộc họ tôn trọng các quy tắc tài chính của eurozone. Trong lĩnh vực này, Thủ tướng “Thép” – thỉnh thoảng được dùng để mô tả bà Angela Merkel – duy trì chính sách của mình cũng như giữ lại Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble, người gắn liền với chính sách nói trên. Chính sách này phản ánh ý kiến chủ yếu của người dân Đức. Không ai trong nước này kêu gọi hào phóng hơn với những nước EU vướng phải khó khăn tài chính (cũng như không ai đề nghị cư xử rộng lượng hơn với Anh sau quyết định rút khỏi EU). Trên thực tế, công luận Đức còn cứng rắn hơn cả chính phủ mình.
***
Theo các hiệp ước châu Âu, vị thế chính thức của Đức không có gì khác so với bất cứ quốc gia thành viên nào còn lại – theo lý thuyết, Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm đưa ra các đề xuất và Hội đồng châu Âu cùng Nghị viện châu Âu ra quyết định. Nhưng trên thực tế, Ủy ban châu Âu và các chính phủ khác phải tham khảo quan điểm của Đức trước khi hành động.
Thiếu sự hỗ trợ của Đức, gần như không thể có được thay đổi quan trọng nào ở châu Âu. Thực tế này thể hiện rõ ràng trong việc chọn lựa người kế nhiệm ông José Manuel Barroso làm chủ tịch Ủy ban châu Âu vào cuối năm 2014. Quy trình bổ nhiệm chủ tịch mới cho Ủy ban châu Âu được quy định khá mơ hồ trong Hiệp ước EU. Trong quá khứ, Hội đồng châu Âu – tức người đứng đầu chính phủ của các nước thành viên – ra quyết định dựa trên sự đồng thuận. Tuy nhiên, theo bản sửa đổi mới nhất của hiệp ước – được ký kết tại Lisbon (Bồ Đào Nha) vào năm 2007, Hội đồng châu Âu đưa ra đề cử sau khi tham khảo kết quả các cuộc bầu cử ở châu Âu, tiếp đó Nghị viện châu Âu sẽ thông qua hoặc bác bỏ đề cử này – tất cả đều theo nguyên tắc đa số.
Trước thềm các cuộc bầu cử châu Âu năm 2014, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz (người Đức) chớp thời cơ ra tay trước Hội đồng châu Âu. Ông thuyết phục các thành viên của nhóm Xã hội trong Nghị viện – vốn do ông làm thủ lĩnh trước đây – chọn ông làm Spitzenkandidat (tức “ứng viên hàng đầu”) của nhóm, đồng nghĩa với việc ông trở thành đề cử của nhóm cho chức chủ tịch kế tiếp của Ủy ban châu Âu.
Đây chính xác là điều xảy ra trong các cuộc bầu cử ở Đức. Trong vòng 6 tháng trước bầu cử, mỗi đảng, hoặc ít nhất là mỗi đảng lớn, xác định một cá nhân mà họ chọn làm ứng viên cho chức thủ tướng liên bang hoặc thủ hiến (trong trường hợp bầu cử cấp bang). Do đó, mọi người biết rõ mình đang bỏ phiếu cho ai.
Vào thời điểm ông Schulz khởi động ý tưởng của mình, phe Xã hội có thành tích tốt trong các cuộc thăm dò tại nhiều nước châu Âu và họ nhiều khả năng trở thành nhóm lớn nhất trong Nghị viện châu Âu. Thế nhưng, ông Schulz không hành động chỉ vì triển vọng thăng tiến cá nhân mà ông còn muốn tạo lập nguyên tắc rằng Nghị viện, thay vì Hội đồng, sẽ quyết định ai ngồi vào ghế chủ tịch Ủy ban châu Âu. Ông xem Nghị viện châu Âu, chứ không phải quốc hội hay chính phủ các nước thành viên, mới là nguồn gốc của tính dân chủ chính danh trong EU.
Nhóm lớn khác trong Nghị viện châu Âu là đảng Nhân dân châu Âu (EPP) nhanh chóng theo chân và đề cử cựu thủ tướng kỳ cựu của Luxembourg, ông Jean-Claude Juncker, làm ứng viên của mình. Là tập hợp của các đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo và trung hữu, EPP cũng ủng hộ EU hội nhập hơn nữa như phe Xã hội, với mục đích cuối cùng là tạo ra một nhà nước liên bang châu Âu.
Điểm chung khác của hai nhóm là họ có đa số thành viên là người Đức. Trong cả hai nhóm, các đảng của Đức thường tạo thành khối đông đảo nhất (dù trong cuộc bầu cử năm 2014, đảng Xã hội Ý đã đạt kết quả đặc biệt tốt, giành được nhiều ghế hơn các đồng nghiệp Đức), và họ thường nắm quyền lãnh đạo trong nhóm. Điều này tái diễn trong năm 2014. Cả EPP và Xã hội đều chọn người Đức làm thủ lĩnh. Và cũng như những người tiền nhiệm, họ nhất trí rằng sẽ chia sẻ chức chủ tịch Nghị viện trong 5 năm tiếp đó.
Bà Angela Merkel không để ý nhiều đến ông Jean-Claude Juncker. Bà ủng hộ việc ông được chọn làm ứng viên hàng đầu của EPP chủ yếu nhằm chống lại đối thủ của ông – cựu ủy viên châu Âu kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Michel Barnier. Dù theo đường lối bảo thủ, song quan điểm của ông Barnier về đồng euro vẫn phản ánh cách nhìn của Pháp. Ngược lại, Juncker là người Luxembourg và ông có thể sẽ “nhạy” hơn với các lo ngại của Đức, cũng như dễ phục tùng hơn.
Tuy nhiên, khi EPP giành được số phiếu bầu cao nhất (dù vẫn ít hơn cuộc bầu cử trước đó và cách xa thế đa số), bà Angela Merkel rõ ràng không nghĩ rằng ông Juncker coi như đã có chức chủ tịch Ủy ban châu Âu. Cả trước và sau cuộc bầu cử, bà nhấn mạnh dù Nghị viện có tiếng nói cuối cùng, song Hội đồng mới là nơi đưa ra đề cử đầu tiên. Vào ngày 27 tháng 5, tức 5 ngày sau cuộc bầu cử, bà Merkel nói bà muốn có nhiều ứng cử viên hơn để Hội đồng châu Âu lựa chọn.
Những người đứng đầu chính phủ khác cũng tỏ ra không tin tưởng ông Juncker lẫn quy trình mà Nghị viện châu Âu đã áp dụng. Trên thực tế, khó mà tìm ra ai trong số họ sẵn sàng đồng tình rằng ông Juncker hội đủ phẩm chất nhất cho công việc trên.
Thủ tướng Anh David Cameron chỉ trích kịch liệt nhất – dù chiến thuật của ông tỏ ra khá lạc lõng khi tập trung công kích cá nhân thay vì đòi hỏi những thay đổi cần thiết cho chính sách của EU (nói như một cựu thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao Anh là “bỏ bóng đá người”) và dường như có ý đe dọa rằng nếu ông Juncker được chọn thì Anh sẽ khó ở lại EU hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo khác, như thủ tướng Hà Lan, Thụy Điển và Hungary, cũng công khai nói ông Juncker không phải là lựa chọn đúng đắn trong khi những người khác chia sẻ riêng với nhau mối nghi ngờ tương tự. Do đó, Hội đồng châu Âu khi ấy có vẻ cân nhắc những cái tên khác.
Rồi đột nhiên bà Angela Merkel đổi ý. Bà chịu sức ép từ cả những nhân vật cấp cao trong đảng của mình lẫn phe Dân chủ Xã hội. Với hai phía trên, động cơ gây áp lực đều không liên quan gì đến bản thân ông Juncker mà là quyết tâm đảm bảo vị thế hàng đầu của Nghị viện châu Âu trong việc bổ nhiệm chức vụ chủ tịch Ủy ban châu Âu. Phe Dân chủ Xã hội thà ủng hộ ứng viên hàng đầu từ nhóm đối thủ hơn là xem xét các lựa chọn có thể dẫn đến một nhân vật Xã hội khác.
Ông Juncker cũng nhận được sự hỗ trợ bất ngờ từ Bild, tờ báo có lượng phát hành lớn nhất châu Âu. Tác giả bài xã luận yêu cầu bổ nhiệm ông nhân danh lợi ích của nền dân chủ không phải là biên tập viên tờ báo mà là giám đốc điều hành tập đoàn Axel Springer, chủ sở hữu của Bild. Điều này dẫn đến các luận điệu – chưa bao giờ được chứng minh – là ông Juncker đã bí mật bảo đảm sẽ đứng về phía Axel Springer trong việc phàn nàn Google thống trị một số lĩnh vực nhất định dẫn đến cạnh tranh không công bằng.
Có vẻ không có ảnh hưởng gì mấy khi tên và khuôn mặt ông Juncker không hề xuất hiện trong các bài viết về chiến dịch tranh cử được đăng tải ở Đức. Không mấy người Đức biết ông là ai. Tình hình cũng tương tự cho đối thủ của ông, người tiến hành một chiến dịch thuần túy dân tộc chủ nghĩa với khẩu hiệu “Nur wenn Sie Martin Schulz und die SPD wählen, kann ein Deutscher Präsident der EU Kommission werden” (tạm dịch:“Chỉ khi bạn bỏ phiếu cho Martin Schulz và đảng SPD, người Đức mới trở thành chủ tịch Ủy ban châu Âu”). Tại Đức, cuộc bầu cử này đã trở thành vấn đề thuộc ý thức hệ Liên minh châu Âu.
Đó cũng là một vấn đề về chính trị đảng phái trong nội bộ nước Đức. Hai đảng trong liên minh cầm quyền không chỉ thương thảo về chuyện ai sẽ trở thành chủ tịch Ủy ban châu Âu mà còn tính đến việc ai nên làm chủ tịch Nghị viện châu Âu. Họ dường như nghiễm nhiên cho rằng những gì họ thỏa thuận sẽ quyết định kết quả. Xét theo tầm ảnh hưởng bao trùm của Đức ở cả Hội đồng châu Âu và Nghị viện, 27 quốc gia thành viên còn lại chỉ còn cách thuận theo quyết định của Berlin.
Sau tất cả, ngay khi chính phủ Đức tỏ rõ sự ủng hộ đối với ông Juncker và không còn mặn mà với bất cứ ứng cử viên tiềm năng nào khác, những phản đối dành cho ông tan biến. Một số nước trước đây do dự, như Pháp và Ý, nay tìm cách đánh đổi sự ủng hộ của họ lấy những thỏa thuận bí mật về Hiệp định Liên minh Tài chính. Những nước từng phản đối, như Thụy Điển và Hà Lan, cũng ngụ ý họ sẽ xuôi theo, với hy vọng giúp các ủy viên nước mình có vị trí quan trọng hơn. Chỉ còn thủ tướng Anh và Hungary giữ nguyên quan điểm và bỏ phiếu phản đối.
Kết quả bỏ phiếu bị xem là một thất bại bẽ bàng cho ông David Cameron và Vương quốc Anh. Người nhậm chức chủ tịch của Ủy ban châu Âu không nhận được bất cứ phiếu bầu nào từ Anh, bị cả chính phủ Anh lẫn tất cả đảng chính trị lớn của nước này phản đối và không được bất cứ thành viên người Anh nào trong Nghị viện châu Âu ủng hộ. Như vậy, một sự chuyển giao quyền lực quan trọng từ các nước thành viên sang Nghị viện đã diễn ra mà không quốc gia thành viên nào lường trước để phản đối.
Đây cũng là một biểu hiện của loại sức mạnh mà Đức, và thủ tướng của Đức, đang thực thi trong EU. Miễn là chính phủ Đức còn duy trì quan điểm cởi mở thì vẫn còn cửa cho bàn bạc và tranh luận. Nhưng một khi họ đã chốt ý kiến, thường là vấn đề kết thúc. Dường như không ai có ý muốn thách thức chính phủ Đức khi họ đã quyết định xong.
Trong suy nghĩ của những cử tri chọn “ra đi” trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về tư cách thành viên EU, sự bổ nhiệm ông Jean-Claude Juncker không để lại nhiều dấu ấn. Họ chú ý nhiều hơn đến những vấn đề trong nước, đặc biệt là nhập cư. Thế nhưng, sự bổ nhiệm trên đã chỉ rõ thế tiến thoái lưỡng nan của Anh trong EU trước khi có quyết định ra đi: hoàn toàn không có ảnh hưởng ở Nghị viện châu Âu và không có khả năng thuyết phục các thành viên Hội đồng khác chống lại bước thâu tóm quyền lực của Nghị viện.
Kể từ khi được bổ nhiệm, ông Juncker chưa hề làm gì để xua tan ấn tượng về sự nhạy cảm, nếu không muốn nói là phụ thuộc, đối với các lợi ích của Đức. Ông chọn Martin Selmayr, một người Đức tham vọng và cứng rắn, làm chánh văn phòng và khi sắp xếp lại các vị trí cấp cao trong Ủy ban, ông bổ nhiệm 6 người Đức làm các giám đốc – nhiều hơn bất kỳ quốc tịch nào khác. Không dừng lại ở đó, nhiều ủy viên khác làm theo ông Juncker, bổ nhiệm người Đức nắm giữ các vị trí then chốt tại văn phòng riêng của họ. Nếu trước đây các hoạt động của Ủy ban bắt nguồn từ văn hóa Pháp và sau đó bao gồm một nhóm quan chức Anh ấn tượng thì nay chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Đức. Các chính sách và sáng kiến mà Ủy ban đưa ra cũng vậy, đặc biệt là những chính sách liên quan đến hai vấn đề bao trùm chương trình nghị sự của EU – xử lý mối quan hệ của Hy Lạp với đồng euro, và ứng phó cuộc khủng hoảng tị nạn trên biển Địa Trung Hải.
Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp bắt đầu vào cuối năm 2009. Nó là một trong năm cuộc khủng hoảng nợ từng xảy ra ở châu Âu nhưng tính tới nay là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Từ năm 2009 đến năm 2015, Hy Lạp nhận được hai gói cứu trợ tài chính khẩn cấp từ Cơ chế Bình ổn châu Âu và các cơ chế trước đó. Điều kiện để được giải cứu là Hy Lạp phải chấp nhận một loạt biện pháp hạn chế chi tiêu công, tăng thu thuế và cải cách nền kinh tế. Hai đảng chính trị lớn ở Hy Lạp là PASOK (theo đường lối xã hội) và Dân chủ mới (theo đường lối bảo thủ) chấp nhận trong miễn cưỡng. Nhưng tới tháng 1 năm 2015, đảng Syriza – từng kêu gọi chống lại các biện pháp khắc khổ trong chiến dịch tranh cử – giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ở Hy Lạp. Các khẩu hiệu và tuyên ngôn tranh cử của Syriza thể hiện rõ tâm lý chống Đức. Trong số đòi hỏi của họ có việc Hy Lạp của năm 2015 nên được xóa nợ theo cách mà Đức được xóa vào năm 1953 và/hoặc Đức nên bồi thường cho thiệt hại kinh tế của Hy Lạp trong Thế chiến thứ hai. Tới khi nắm được chính phủ, Syriza điều chỉnh giọng điệu chống Đức của mình song vẫn yêu cầu thay đổi các điều kiện giải cứu. Lập luận của Syriza là nếu kinh tế Hy Lạp không được tạo điều kiện tăng trưởng, nước này sẽ không thể trả nợ.
Cảnh tượng những bộ trưởng mới trẻ trung, không đeo cà vạt của Hy Lạp tranh luận trôi chảy về một cách tiếp cận khác đối với các vấn đề của eurozone đem lại cảm giác thật sự mới mẻ. Đảng của họ không đẩy Hy Lạp vào hỗn loạn. Sự lên án họ dành cho nạn tham nhũng đã thành trầm kha trong đời sống chính trị và kinh tế Hy Lạp nhiều thập kỷ liền rất thẳng thắn. Lập luận Hy Lạp chỉ trả được nợ nếu kinh tế có đất phát triển được nhiều nhà kinh tế học tán thành.
Thế nhưng, Hy Lạp chỉ nhận được phản hồi hạn chế trong eurozone. Thủ tướng Ý Matteo Renzi tỏ ra thông cảm và ngụ ý ủng hộ việc kéo dài thời hạn trả nợ. Tổng thống Pháp nói về sự cần thiết phải thỏa hiệp và bóng gió rằng Pháp có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình tìm kiếm giải pháp.
Thế nhưng, không ai tán thành ý tưởng xóa nợ. Và không ai đề xuất phương án cụ thể nào cho những đòi hỏi của chính phủ mới tại Hy Lạp cho tới khi bà Angela Merkel lên tiếng.
Như mọi khi, bà vẫn từ tốn. Nhưng ngay từ khi bắt đầu, bà và Bộ trưởng Tài chính Đức là ông Wolfgang Schäuble đã ám chỉ những ưu tiên của bà. Bà nhấn mạnh Hy Lạp cần kiên trì theo đuổi chương trình cải cách mà họ đã cam kết. Bà loại trừ bất cứ khả năng hủy nợ nào cho Hy Lạp. Dù vậy, bà cũng ngụ ý sẵn lòng xem xét gói giải cứu thứ ba để giúp điều chỉnh cơ cấu vốn cho các ngân hàng Hy Lạp. Như vậy, các điều kiện của một thỏa thuận mới, nếu có, đã được chính phủ Đức nói rõ hoàn toàn. Bất cứ hỗ trợ tài chính bổ sung nào cũng phụ thuộc vào các cải cách của kinh tế Hy Lạp nhằm đảm bảo ngân sách nước này trong tương lai sẽ cân bằng và những số liệu thống kê phải đáng tin cậy.
Không nước nào trong eurozone chỉ trích quan điểm của Đức. Không ai trong số họ biểu lộ điều gì ngoài sự cảm thông thầm lặng dành cho cử tri Hy Lạp. Suy nghĩ của họ dường như là chính phủ Đức có quyền quyết định sẽ hỗ trợ thứ gì, nếu có.
Có thể hiểu được sự im lặng nói trên bởi chính người đóng thuế Đức phải hứng chịu gánh nặng tài chính của bất cứ thay đổi nào trong điều khoản trả nợ của Hy Lạp. Có nhiều nguyên nhân khách quan để cứng rắn với Hy Lạp: những nước khác cũng có thể đòi được đối xử tương tự, kinh tế Hy Lạp chỉ tồn tại được trong eurozone nếu áp dụng các biện pháp cải cách năng lực cạnh tranh, và các thành viên không được phép đơn phương bội ước.
Tuy nhiên, cả Tổng thống Hollande của Pháp và Thủ tướng Renzi của Ý – cũng như ông Pierre Moscovici, ủy viên (người Pháp) về các vấn đề kinh tế – trước đây đều chỉ trích các điều khoản của Hiệp ước Liên minh Tài chính. Do đó, sự ưng thuận của họ đối với lối tiếp cận chỉ đem lại những nhượng bộ tối thiểu cho một đất nước rõ ràng đang trải qua thảm họa kinh tế là điều rất đáng chú ý.
Khi khủng hoảng Hy Lạp trầm trọng hơn và bầu không khí đàm phán tệ đi, sự kiểm soát của Đức đối với thỏa thuận (tương lai) càng rõ nét. Nếu người Hy Lạp nghĩ có thể khiến Đức mềm lòng bằng cách đẩy sự việc tới bờ vực, hoặc khiến các thành viên eurozone khác tranh luận công khai về một hướng đi bớt khắc nghiệt hơn, thì họ đã tính sai. Chiêu bài kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về các điều khoản do các chủ nợ đưa ra mà thủ tướng Hy Lạp sử dụng đã bị phản tác dụng. Chính phủ Đức không hề bị lay chuyển và thậm chí tỏ ý sẽ rời khỏi bàn đàm phán nếu cần thiết. Ông Wolfgang Schäuble còn lần đầu tiên đệ trình một kế hoạch, trong đó xem xét phương án Hy Lạp tạm ra khỏi eurozone.
Trong khi đó, người dân Hy Lạp không thể rút hơn 60 euro một ngày từ tài khoản của mình, còn các ngân hàng nước này như sắp tuyên bố vỡ nợ tới nơi. Chính phủ Pháp bức thiết níu kéo Hy Lạp ở lại eurozone và phái một nhóm chuyên gia tới Athens để tư vấn – nhưng là tư vấn Hy Lạp phải làm gì để thỏa mãn các đòi hỏi của Đức. Những lời khuyên này có lẽ không phải là điều mà chính phủ Hy Lạp muốn nghe.
Kết quả là một sự đầu hàng. Cuộc họp gay gắt của những nhà lãnh đạo các nước eurozone vào ngày 11 và 12 tháng 7 năm 2015 được một số người tham dự mô tả là tàn nhẫn nhất mà EU từng trải qua. Tại đó, chính phủ Hy Lạp buộc phải lựa chọn giữa rời eurozone hoặc chấp nhận các biện pháp thậm chí còn khắc nghiệt hơn những biện pháp mà người dân nước này đã bác bỏ trong cuộc trưng cầu chỉ một tuần trước đó. Thủ tướng Hy Lạp cay đắng chọn vế thứ hai.
Sự nhục nhã của Hy Lạp càng bị chà xát bởi việc áp dụng thỏa thuận sau đó. Trong vòng ba ngày, quốc hội Hy Lạp phải ban hành các đạo luật quan trọng để thực thi các cải cách được yêu cầu, trước khi bắt đầu bất cứ cuộc thảo luận nào về quy mô và tính chất của gói giải cứu. Một đòi hỏi khác của Hy Lạp – được giảm nợ dài hạn – không hề được đề cập.
Chiến thuật đàm phán của chính phủ Hy Lạp làm tất cả đối tác bực bội. Có lúc bà Christine Lagarde, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, phải thốt lên sẽ chỉ có tiến triển nếu trong phòng đàm phán có người trưởng thành. Nhưng tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất thuộc về bộ trưởng tài chính Đức. Ông không hề giấu giếm chuyện ông không tin chính phủ Hy Lạp sẽ hành động theo những gì mình hứa. Do đó, trước hết quốc hội Hy Lạp phải thông qua luật.
Tổng thống Hollande của Pháp nhấn mạnh một cách kiên quyết rằng Hy Lạp nên ở lại eurozone. Ông còn kín đáo thuyết phục Thủ tướng Merkel bớt cứng rắn. Chắc chắn họ đã dành nhiều thời gian trao đổi trước và trong cuộc họp thượng đỉnh. Họ tổ chức nhiều cuộc họp chung với thủ tướng Hy Lạp. Tuy nhiên, những ý tưởng của Pháp không tạo được nhiều ảnh hưởng. Quan điểm của Pháp là phải giữ Hy Lạp ở lại eurozone bằng mọi giá. Còn với chính phủ Đức, cho tới trước cuộc họp ngày 11 và 12 tháng 7, tư cách thành viên của Hy Lạp đã trở thành một giá trị không chắc chắn. Người Đức không ép người Hy Lạp ra đi song họ nói rõ nếu Hy Lạp chọn rời bỏ eurozone, Đức sẽ không cố ngăn lại, còn muốn ở lại thì phải tuân thủ các điều khoản mà Đức đề ra.
Đáng chú ý, Tổng thống Hollande chưa bao giờ công khai chỉ trích quan điểm của Đức. Pháp cũng không đề xuất bất cứ giải pháp phút chót nào để tháo gỡ bế tắc. Bỏ qua những lo ngại cá nhân, Tổng thống Hollande dường như cho rằng tốt hơn là cứ thỏa hiệp với các yêu cầu của Đức thay vì liều lĩnh nhận lấy sự cự tuyệt về mặt chính trị. Những nhà lãnh đạo khác có lẽ cũng nghĩ vậy, như thủ tướng Ý chẳng hạn – dù ông có thể từng được người Hy Lạp kỳ vọng là biết cảm thông hơn. Họ nhận ra rằng một khi Đức cứng rắn thì dù cho là họ hay bất kỳ ai khác cũng không thể thay đổi được.
Các cuộc đàm phán với chính phủ Hy Lạp được tổ chức bởi eurogroup – nhóm bộ trưởng tài chính của eurozone do Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem làm chủ tịch – có sự tham gia của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Quan điểm của ông Dijsselbloem tương tự chính phủ Đức và ông cũng rất thất vọng trước sự thể hiện của các bộ trưởng Hy Lạp. Tuy nhiên, ở những thời điểm then chốt, tiếng nói của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble mới mang tính quyết định.
Ngược lại, Ủy ban châu Âu chẳng có vai trò gì ghê gớm. Ông Jean-Claude Juncker đôi lần phát biểu rằng cần phải tìm giải pháp nhưng lại không đưa ra đề xuất cụ thể nào. Với sự thiếu sót đó, ông ngụ ý đây là việc do chính phủ Đức quyết định. Khi chánh văn phòng của ông Juncker bình luận trên Twitter rằng phản ứng của chính phủ Hy Lạp là đáng khích lệ, ngay lập tức ông bị ông Schäuble công khai quở trách và nói “im miệng đi”.
Với tư cách thủ tướng liên bang, bà Angela Merkel có tiếng nói cuối cùng trong việc quyết định chính sách của Đức đối với Hy Lạp. Đảng của bà, và nhất là bộ trưởng tài chính của bà, thậm chí muốn cứng rắn hơn nữa. Khi khủng hoảng tăng nhiệt, tỷ lệ ủng hộ ông Schäuble trong các cuộc thăm dò về giới chính trị gia Đức lần đầu tiên vượt qua bà Angela Merkel. Đến khi Bundestag bỏ phiếu về việc có ủy quyền cho chính phủ bắt đầu đàm phán với Hy Lạp về gói giải cứu thứ ba hay không, hơn 50 thành viên trong đảng của bà Merkel bỏ phiếu chống.
***
Về phần mình, thái độ của bà Angela Merkel đối với Hy Lạp đại diện cho số đông công chúng Đức và luôn nhất quán. Khi đương đầu với cuộc khủng hoảng tị nạn vào mùa hè năm 2015, ảnh hưởng của bà không chắc chắn bằng. Tuy nhiên, một khi bà đã thông báo muốn EU làm gì thì Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất tương ứng và bất chấp những phản đối cay đắng từ 4 nước ở Trung và Đông Âu, người Đức vẫn có điều mình muốn.
Làn sóng nhập cư trái phép xuyên qua Địa Trung Hải đến nhiều nước EU – đặc biệt là Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha – đã tồn tại nhiều năm, nhưng tới đầu mùa hè năm 2015, nó đạt tới quy mô chưa từng có. Hàng trăm ngàn người tị nạn bị bọn buôn người lợi dụng và nhồi nhét trên những chiếc thuyền nhỏ. Họ đánh cược mạng sống để đến được châu Âu. Hàng ngàn người trong số đó nằm lại biển sâu.
Những thỏa thuận trước đó của EU về vấn đề tị nạn nhanh chóng trở nên không tương xứng và bị quá tải. Theo Quy tắc Dublin năm 2003, nước EU đầu tiên mà người tị nạn đặt chân đến có trách nhiệm nhận đăng ký và lấy dấu vân tay cũng như xử lý bất cứ yêu cầu tị nạn nào. Thế nhưng, số lượng người tị nạn quá lớn khiến Hy Lạp và Ý không đảm đương nổi. Bản thân người tị nạn cũng không muốn ở lại những nước đó nên họ đi tiếp về phía bắc. Đích đến cuối cùng của nhiều người là Đức.
Nhiều người tị nạn đến từ những nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, Iraq, Afghanistan hoặc Eritrea và do đó, họ có thể đủ tiêu chuẩn để được tị nạn. Số còn lại là di dân kinh tế, tức chỉ muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Hầu hết số này là nam giới trẻ khỏe và sống ở những nơi tương đối an toàn trước khi tới châu Âu, như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon hay Jordan. Cơ quan bảo vệ biên giới của EU, FRONTEX, được thành lập năm 2004 nhằm giúp kiểm soát các biên giới của Khu vực Schengen – vốn cho phép công dân EU hoặc công dân các nước khác đi lại tự do bên trong. FRONTEX chủ yếu mang tính tư vấn và thiếu các nguồn lực để tuần tra Địa Trung Hải. Một chiến dịch hải quân đặc biệt được tiến hành, song tất cả những gì họ làm được là giải cứu người di cư trên biển và đưa người di cư đến nơi an toàn trên lãnh thổ EU.
Cả châu Âu bị sốc trước cuộc khủng hoảng. Tấm ảnh chụp thi thể một đứa bé được một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bế lên trên bờ biển đặc biệt thương tâm. Tâm trạng thương cảm cho tình cảnh thê thảm của người tị nạn lan nhanh ở Đức. Một phần tâm trạng này nảy sinh vì lòng nhân đạo đơn thuần, phần khác có thể bắt nguồn từ ký ức của 12 – 15 triệu người Đức buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình ở nhiều nơi tại châu Âu sau Thế chiến thứ hai.
Tính đến tháng 6 năm 2015, 400.000 người tị nạn đã đến Đức và chính phủ cảnh báo con số này cho cả năm có thể lên tới 800.000 người. Không phải tất cả người mới đều đến từ các quốc gia có chiến tranh hay bị đàn áp. Gần phân nửa trong số họ ra đi từ phía tây Balkan – bao gồm Albania, Kosovo, Bosnia, Macedonia hay Serbia – những nước khao khát tư cách thành viên EU và công dân của họ hầu như không đạt tiêu chuẩn để xin tị nạn. Thất bại của Đức là không sàng lọc được những di dân kinh tế này, khiến cho dòng người tị nạn đến Đức quá đông. Tuy nhiên, thay vì tìm cách giảm bớt số lượng người đến, bà Angela Merkel lại bất ngờ thông báo do Quy tắc Dublin không hiệu quả, Đức sẽ cho phép bất cứ ai đến từ Syria nhập cảnh một cách tự động.
Quyết định này được các tổ chức nhân đạo hoan nghênh, song lại khiến các đối tác của Đức trong EU sửng sốt, đặc biệt là những nước nằm trên đường di chuyển của người tị nạn đến Đức. Quyết định này cũng khuyến khích nhiều người tìm tới những kẻ buôn người hơn và từ đó làm nghiêm trọng thêm vấn đề. Phản ứng của người dân Đức với thông báo của bà Merkel không đồng nhất. Nhiều cơ sở cá nhân chào đón người tị nạn, cũng như xảy ra một vài vụ bày tỏ thái độ thù địch. Nhưng nhìn chung người ta lo lắng sẽ có nhiều dân di cư tràn tới Đức hơn, đồng thời xuất hiện một số chỉ trích rằng chính phủ quyết định mà không có sự phối hợp với các đối tác EU.
Bên ngoài nước Đức, hỗn loạn bao trùm. Hungary xây một hàng rào dọc biên giới với Serbia và Croatia để ngăn người tị nạn. Các nước Balkan khác chở người tị nạn xuyên qua nước mình hướng về phía Áo và Đức càng nhanh càng tốt. Nhiều nước tăng cường kiểm soát biên giới (Đức cuối cùng cũng phải triển khai biện pháp này). Khu vực Schengen cứ như đang bắt đầu sụp đổ.
Kết quả là có sự thay đổi chính sách trong vòng một vài tuần. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maizière yêu cầu tất cả thành viên EU phải cung cấp nơi ở cho người tị nạn và đề nghị cần có một hệ thống hạn ngạch bắt buộc cho các nước. Ông nói thêm bất cứ nước nào từ chối nhận hạn ngạch người nhập cư sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt tài chính (chưa xác định).
Ủy ban châu Âu nhanh chóng lập đề xuất theo ý của Đức (nhưng không có phần trừng phạt tài chính), trong đó dự tính tất cả thành viên (ngoài những nước không chịu tham gia chính sách tị nạn của EU như Anh) sẽ tiếp nhận một số lượng nhất định trong số những người tị nạn đã tới Hy Lạp và Ý. Tổng số người tị nạn được tiếp nhận theo kế hoạch là 120.000 người – một con số khổng lồ nhưng cũng chỉ là một giọt nước giữa đại dương nếu so với quy mô của vấn đề.
Các nước Trung và Đông Âu phản bác quyết liệt đề xuất trên. Họ chỉ ra rằng mình không hề có kinh nghiệm thu nhận người từ một nền văn hóa và tôn giáo khác biệt, cũng như không có cơ sở vật chất để làm vậy. Theo họ, đây là vấn đề của Đức chứ không phải của châu Âu. Những nước này sử dụng ngôn ngữ cứng rắn. Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orbán, cáo buộc Đức là “đế quốc đạo đức”. Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico, nói về một “mệnh lệnh vô lý của Berlin/Brussels” và đe dọa không áp dụng quyết định.
Những phản ứng này không có chút hiệu quả nào. Theo quy định của EU, các vấn đề về tị nạn được quyết định theo nguyên tắc đa số. Và dưới sức ép của Đức, vị chủ tịch người Luxembourg của Ủy ban châu Âu tổ chức bỏ phiếu. Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia và Romania bỏ phiếu chống; Phần Lan bỏ phiếu trắng; còn lại đều bỏ phiếu thuận. Chính phủ Ba Lan ban đầu đứng về phía các đối tác Trung Âu phản đối đề xuất, song sau đó lại bỏ phiếu thuận với lời giải thích yếu ớt rằng do không thể ngăn chặn nên họ cũng đi theo chính sách này. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức đặc biệt cảm ơn Ba Lan vì sự đổi ý trên.
Thế rồi tình hình ở Đức thay đổi. Lượng người di cư tràn vào ngày càng nhiều từ biên giới với Áo khiến Đức gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở cho họ. Những tranh luận trong nội bộ EU về việc chia sẻ gánh nặng nay lặp lại ở chính nước Đức. Mỗi bang đe dọa áp đặt hạn ngạch tiếp nhận của riêng họ. Bavaria, nơi hứng chịu ảnh hưởng đầu tiên và do đảng CSU có đường lối cứng rắn về nhập cư cầm quyền, lên tiếng cực kỳ mạnh mẽ. Thủ hiến bang này, ông Horst Seehofer, chỉ trích gay gắt chính sách của chính phủ liên bang.
Nhiều chỉ trích nhắm trực diện vào bà Angela Merkel. Bà bị cho là đánh giá sai dư luận và bị chi phối bởi cảm xúc. Kết quả là tỷ lệ ủng hộ bà – đang ở mức 73% của năm 2014, mức cao nhất từ trước tới nay dành cho một thủ tướng Đức – giảm xuống dưới 50% vào mùa hè 2015. Dù vậy, tỷ lệ này sau đó phục hồi và tới cuối năm 2016 thì lên trở lại gần 60%. Người Đức vẫn không hài lòng với chính sách nhập cư của bà nhưng họ có vẻ tôn trọng bà về điều đó.
***
Nước Anh cảm nhận rõ ràng sức mạnh của Đức trong EU khi ông David Cameron tìm cách tái đàm phán về tư cách thành viên của nước này. Đó là một trải nghiệm chưa hề có. Trước khi đàm phán bắt đầu, đã diễn ra nhiều tháng thăm dò, trong đó có nhiều suy đoán về việc các lo ngại của Anh, đặc biệt là vấn đề nhập cư, sẽ được đáp ứng ra sao. Tuy nhiên, khi bàn tới bất cứ đề xuất giới hạn số người nhập cư nào – ví dụ thông qua một cơ chế “hãm phanh” khẩn cấp, phản ứng của Đức rất tiêu cực. Bản thân bà Angela Merkel khẳng định trước sau như một rằng bà sẽ không để nguyên tắc đi lại tự do bị xâm phạm. Cuối cùng, ông David Cameron phải dàn xếp bằng cách chỉ chỉnh sửa chút ít các quyền lợi an sinh xã hội. Đây được xem là một thất bại, và quả thật như vậy.
Trên thực tế, bà Angela Merkel định đoạt trước các điều khoản cho cuộc tái đàm phán của Anh. Chỉ bằng cách xác định những gì mà bà Merkel có thể và không thể chấp nhận thì chính phủ Anh mới có hy vọng thuyết phục các đối tác EU còn lại. Tương tự là giải pháp cho quá trình thương lượng về quan hệ thương mại Anh - EU sau cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh. Về phía EU, Ủy ban châu Âu là cơ quan tiến hành đàm phán, song tiếng nói quyết định thuộc về Đức.
***
Bà Angela Merkel là nhân vật thống trị chính trường Đức, đồng thời là người phụ nữ quan trọng nhất thế giới, theo tạp chí Forbes. Bà trở thành thủ tướng Đức từ năm 2005 nhưng chưa hề tỏ dấu hiệu mệt mỏi với công việc này. Vào tháng 12 năm 2016, bà được đảng CDU chọn làm ứng cử viên thủ tướng cho cuộc tổng tuyển cử liên bang năm 2017 và được tái bổ nhiệm làm chủ tịch đảng – vị trí mà bà nắm giữ từ năm 2002. Không hề có ứng cử viên đối thủ. Trước khi bà công bố quyết định tái tranh cử, báo giới Đức đồn đoán CSU, đảng “chị em” của CDU tại Bavaria, không sẵn lòng ủng hộ bà. Nhưng một khi bà công khai ý định, CSU đứng sau lưng bà.
Không chắc chắn là bà Merkel sẽ tiếp tục làm thủ tướng sau cuộc bầu cử. Cho đến đầu năm 2017, bà vẫn dẫn đầu các cuộc thăm dò nhưng việc ông Martin Schulz được chọn làm ứng cử viên thủ tướng của đảng SPD đã gây ảnh hưởng đáng kể. Nếu tái đắc cử và phục vụ hết nhiệm kỳ thứ tư, bà Merkel sẽ nắm quyền trong 16 năm, bằng với ông Helmut Kohl. Ông Kohl chính là người đầu tiên bổ nhiệm bà Merkel làm bộ trưởng. Ở tuổi 66, bà vẫn trẻ hơn ông Konrad Adenauer 7 tuổi khi ông này lần đầu trở thành thủ tướng Đức.
Kể từ Thế chiến thứ hai, chưa thủ tướng Đức nào rời nhiệm sở một cách tự nguyện. Một vài vị, như các ông Adenauer và Willy Brandt, buộc phải ra đi do bê bối. Số khác, như ông Ludwig Erhard và Helmut Schmidt, bị thua trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Bundestag. Còn các ông Kurt Georg Kiesinger, Helmut Kohl và Gerhard Schröder bại trận trong bầu cử. Bà Angela Merkel có khả năng trở thành người đầu tiên tự quyết định khi nào nên nhường chỗ.
Cho tới lúc đó, bà sẽ vẫn tiếp tục gầy dựng một mức độ quyền lực mà chưa nhà lãnh đạo nào với tới được ở cả trong nước và EU – dù bên ngoài không có vẻ gì bà phải đấu tranh vì điều đó. Như biên tập viên ngoại giao của tạp chí The Times chỉ ra hồi tháng 6 năm 2014: “Bộ luật Thép đầu tiên của châu Âu đơn giản đến mức có thể học thuộc lòng. Đó là châu Âu bàn bạc, bà Angela Merkel quyết định”.
Trong số tất cả thủ tướng gần đây của Đức, bà Angela Merkel có ít kinh nghiệm làm việc trực tiếp với EU nhất trước khi lên nắm quyền. Sinh năm 1954, bà lớn lên ở Đông Đức. Chỉ đến khi trưởng thành, bà mới đến được Tây Âu. Chào đời sau Thế chiến thứ hai, không như những người tiền nhiệm, bà không được dạy rằng EU là một nhân tố đảm bảo hòa bình.
Lần đầu tiên bà có liên hệ với một cơ quan của EU là vào giữa thập niên 1990. Với tư cách là một bộ trưởng Đức, thỉnh thoảng bà tham dự các cuộc họp của Hội đồng Môi trường EU. Đây cũng là dịp đầu tiên bà gặp một chính trị gia Anh. Bà có quan hệ khá tốt với người đồng cấp Anh thời điểm đó là ông John Gummer. Ông mời bà thăm khu vực bầu cử của mình ở Suffolk, nơi khiến bà kinh ngạc về thái độ thù địch EU của hầu hết những người mà bà gặp.
Quan điểm về châu Âu của bà vì thế không phản ánh tư duy vốn đã ăn sâu vào hầu hết chính trị gia Tây Đức. Bà không mặc nhiên tin rằng EU và đồng euro tốt cho Đức. Bà đi đến kết luận đó bằng đánh giá thực tế của riêng mình. Đó là đánh giá của cái đầu hơn là từ trái tim.
Đôi khi bà Angela Merkel bị chỉ trích là không có tầm nhìn. Những người chê bai nói bà chỉ đơn giản là phản ứng lại vụ việc, đợi một thời gian dài mới đưa ra quyết định và chưa bao giờ đặt ra những mục tiêu dài hạn. Đúng là bà thường mất khá lâu để đi tới quyết định. Hồi bà còn nhỏ, có lần trong lớp học bơi, bà được yêu cầu nhảy từ ván cao rồi lặn xuống hồ nước lạnh. Người ta kể bà đứng im lặng trên tấm ván hết nửa tiếng trước khi lặn xuống, đúng lúc chuông hết giờ học vang lên. Cũng đúng là bà có quan điểm thực dụng. Không hề có “chủ nghĩa Merkel” để so sánh với “chủ nghĩa Thatcher”, không có hệ tư tưởng hay học thuyết nào gắn liền với tên bà. Bà không có những bài diễn văn vạch ra đường hướng tương lai. Bà chỉ đơn giản là xử lý những vấn đề của hiện tại.
Và bà có khuynh hướng che giấu cá tính. Khi gặp gỡ riêng tư, bà là người bầu bạn tốt: vui vẻ, khiêm tốn với đôi mắt xanh sắc sảo, nụ cười thường trực và dễ làm người ta cười lây. Bà có cuộc hôn nhân hạnh phúc (với một nhà vật lý danh tiếng tầm cỡ thế giới) và nhiều sở thích như nấu nướng, xem nhạc kịch, đi dạo. Nếu sự nghiệp chính trị của bà đột ngột chấm dứt, bà sẽ tiếp tục tận hưởng cuộc sống một cách đủ đầy.
Thế nhưng, trước công chúng, bà che giấu phần lớn khía cạnh cá nhân của mình. Bà không nói đùa, không để lộ cảm xúc và luôn mặc một bộ đồ dài. Bà như là sự nhân cách hóa của đất nước mà bà dẫn dắt: hiệu quả, tổ chức tốt và thành công, nhưng có một chút nghiêm khắc.
(Chuyện bà hay mặc bộ đồ dài không có nghĩa là bà mù tịt về thời trang. Trước khi bà trở thành thủ tướng, có lần tôi đứng cạnh bà trong đêm khai mạc lễ hội nhạc kịch Wagner ở Bayreuth. Khi trò chuyện, tôi khen bà rất hợp với chiếc váy dài khá nổi bật, dù kiểu dáng đơn giản song cực kỳ thanh lịch. Rõ ràng bà hài lòng khi thấy có người chú ý đến chiếc váy và vui vẻ kể về nơi bà đã mua và vì sao nó lại hấp dẫn bà.
Sự việc làm tôi nhớ lại năm 1979 khi bà Margaret Thatcher, lúc ấy mới được bầu làm thủ tướng Anh, lần đầu tham dự cuộc họp Hội đồng châu Âu ở Strasbourg (Pháp). Khi bà rời phòng khách sạn để dự tiệc chiêu đãi tối, các quan chức ở phòng bên cạnh (trong đó có tôi) đứng dậy và thư ký riêng của bà không kìm được nói: “Ôi, thủ tướng, trông bà đẹp quá”. Quả đúng vậy, rõ ràng là bà đã tốn nhiều công sức sửa soạn và hẳn nhiên rất vui khi thành quả được công nhận.)
Trong quá khứ, bà Angela Merkel từng chứng tỏ mình có thể ra tay không khoan nhượng. Trong chính trường Đức, rất nhiều người – thường là nam giới ở độ tuổi trung niên – đánh giá thấp bà trong những năm đầu sự nghiệp. Bà giành được quyền lực trong đảng của mình, như bà Margaret Thatcher đã làm, bằng cách thách thức đương kim lãnh đạo đảng trong khi những người kế nhiệm tiềm tàng khác né tránh điều này. Có quyền lực rồi, bà khôn khéo và kiên quyết củng cố vị trí của mình.
Tuy nhiên, bà không thích thú với những cuộc đối đầu chính trị trong nước và thỉnh thoảng có thể nhượng bộ áp lực ngắn hạn mà không suy xét các hậu quả lâu dài. Bà cũng làm vậy trong vụ bổ nhiệm ông Jean-Claude Juncker và cuộc khủng hoảng di cư. Trước đó, bà cho thấy xu hướng tương tự ở những lĩnh vực khác: như khi bà quyết định để Đức bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Libya vào năm 2011 và đột ngột thay đổi chính sách năng lượng hạt nhân của Đức – ra lệnh tất cả nhà máy hạt nhân trong nước đóng cửa sớm hơn 20 năm so với kế hoạch – sau tai nạn hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) cùng năm. Trong cả hai trường hợp trên, viễn cảnh phải đi ngược dòng dư luận khiến bà đưa ra những quyết định mà nhiều người Đức xem là sai lầm. Bà có thể chậm ra quyết định, song lại đổi ý khá nhanh.
***
Chính sách về châu Âu của bà Angela Merkel không làm nước Đức được yêu mến. Ở nhiều nước từng nhận các gói giải cứu của EU (có lẽ Ireland là ngoại lệ), tâm lý oán giận các điều kiện mà EU áp đặt, theo yêu cầu của Đức, khá cao. Trên đường phố Athens trong những năm 2014 và 2015, xuất hiện nhan nhản các poster in hình bà Merkel với bộ ria Hitler. Tuy nhiên, được yêu thích bên ngoài nước Đức không phải là điều mà bà Angela Merkel đặc biệt quan tâm. Cứu đồng euro mới là ưu tiên của bà.
Chính sách cứu euro của bà chính là những gì được tất cả quốc gia thành viên EU tán thành khi đồng tiền chung được thai nghén và ra đời. Tiêu chuẩn để gia nhập eurozone được Hội đồng châu Âu đặt ra ở Maastricht (Hà Lan) vào năm 1991. Các quy tắc về kỷ luật ngân sách được các bộ trưởng tài chính đồng thuận vào tháng 5 năm 1998. Các nước thành viên có trách nhiệm tuân thủ các quy tắc này; và chưa từng có đề xuất nào cho phép họ hưởng lợi từ các khoản vay hoặc chuyển nhượng tài nguyên từ các nước khác để đối phó với hậu quả của việc không tuân thủ quy tắc.
Khi gây sức ép để đạt được một hiệp ước tài chính cũng như luật hóa các giao kèo về nợ và thâm hụt, Đức không hề đòi hỏi chuyện gì mới mẻ. Tương tự, Đức cũng không bội ước khi bác bỏ các đề xuất về trái phiếu châu Âu hay các hình thức chia sẻ nợ. Ngược lại, chính trị gia Đức thuộc tất cả đảng phái luôn luôn nhấn mạnh châu Âu không thể trở thành một “liên minh chuyển giao”.
Dù vậy, quan điểm cứng nhắc của Đức dường như khiến nhiều đối tác trong eurozone bị sốc. Có thể họ hiểu những phát biểu hấp dẫn kiểu như “châu Âu hơn nữa” – thường nghe được từ miệng các chính trị gia Đức – thành Đức sẽ chịu trách nhiệm cho thất bại của những nước khác. Cũng có thể họ nghĩ các nhà kinh tế học của Đức sẽ hoài nghi về các biện pháp khắc khổ trong thời suy thoái. Dù lý do là gì thì họ cũng thấy thất vọng. Thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền ở Đức vào tháng 12 năm 2013 cho thấy không có khả năng nước này thay đổi chính sách. Cách Đức phản ứng với việc Hy Lạp đòi hỏi tái đàm phán các điều khoản giải cứu cho thấy họ không hề lay chuyển.
Việc Đức ngồi chiếu trên trong các vấn đề quản trị kinh tế nay đã là một thực tế được chấp nhận trong đời sống EU. Ủy ban châu Âu, vốn đã quen dựa vào tư duy kinh tế của Đức, không đưa ra những đề xuất mà Đức phản đối. Và những thành viên khác, bất chấp những lời cằn nhằn thỉnh thoảng phát ra từ các nước miền nam, nhận ra rằng họ phải uống thuốc mà Đức kê đơn.
Cách tiếp cận của Đức với châu Âu không nhằm suy tính bất cứ vị trí lãnh đạo nào cho bản thân Đức. Điều mà Đức hướng tới, ít nhất trong lĩnh vực kinh tế, là vai trò lớn hơn dành cho các định chế của EU. Chỉ cần bộ khung kinh tế EU được luật hóa theo mô hình của Đức, nước này sẵn sàng để Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và Tòa án châu Âu thực thi thẩm quyền ở mức độ mà hầu hết người Anh thấy không thể chấp nhận được. Nhưng thẩm quyền này có những giới hạn và những giới hạn đó, dù được tất cả thông qua, phải do Đức định đoạt.
***
Trong gần phân nửa thiên niên kỷ vừa qua, mục tiêu trọng tâm của chính sách ngoại giao Anh là ngăn chặn bất cứ nước nào thống trị lục địa châu Âu. Những liên minh và cả các cuộc chiến mà Anh tham gia chủ yếu đều liên quan tới mục tiêu này. Duy trì thế cân bằng quyền lực ở châu Âu là những gì mà các vị vua và thủ tướng ở Anh theo đuổi – và về tổng thể là thành công lớn. Hàng ngàn năm tự do của Anh – điều mà không đất nước châu Âu nào khác được thụ hưởng – đã chứng thực điều này.
Dĩ nhiên, sức mạnh khiến Anh lo ngại trong những năm ấy là sức mạnh quân sự. Đức ngày nay không phô trương kiểu sức mạnh ấy. Lực lượng vũ trang của Đức mạnh và năng lực của họ không thể đùa nhưng cũng không vượt trội so với quân đội Anh hay Pháp. Không quốc gia nào ở châu Âu xem Đức là mối đe dọa về mặt quân sự. Đối với họ, nếu có phải e ngại về khía cạnh quân sự của Đức thì đó là việc Đức không sẵn sàng sử dụng nó.
Dù Đức thống trị châu Âu bằng quyền lực mềm song không vì thế mà hiệu quả bớt chân thực. Theo thời gian, sự thống trị này sẽ vượt ra ngoài lĩnh vực hoạch định chính sách của EU. Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chính Đức là nước dẫn đầu quá trình tìm kiếm một giải pháp chính trị: cả ngay sau các cuộc biểu tình ở Kiev năm 2012 lẫn khi đương đầu chiến sự bùng nổ ở miền đông Ukraine vào năm 2014 và 2015.
Bà Angela Merkel đã lèo lái cuộc đàm phán để đạt Thỏa thuận Minsk vào ngày 12 tháng 2 năm 2015, qua đó có một thỏa thuận ngừng bắn và xuống thang căng thẳng cuộc xung đột. Trong các chuyến công du khác nhau cũng như các cuộc đàm phán ở Minsk, bà đi cùng Tổng thống Hollande của Pháp nhưng ai cũng rõ bà là người dẫn dắt. Trong một tuần lễ đầy những sự kiện ngoại giao, bà di chuyển 12.500 dặm, tới Kiev, Moscow, Washington, Ottawa, Munich (nơi diễn ra một hội nghị an ninh xuyên Đại Tây Dương cấp cao) và Brussels, dĩ nhiên bao gồm Minsk. Bà dành nhiều thời gian điện đàm với cả Tổng thống Putin lẫn Tổng thống Obama hơn bất cứ nhà lãnh đạo thế giới nào khác. Bà đã trả lời cho câu hỏi được cho là của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger: “Tôi sẽ gọi điện cho ai nếu tôi muốn nói chuyện với châu Âu?”. Năm 1832, Clausewitz(5) nhận ra rằng chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị bằng những phương thức khác. Nước Đức hiện đại đã chứng tỏ chính trị có thể đạt được điều mà trước đây thường phải viện tới chiến tranh.
(5) Carl von Clausewitz, vị tướng và là nhà lý luận quân sự người Phổ, người đề xuất thuyết chiến tranh cục bộ và chiến tranh như một nghệ thuật mở rộng ngoại giao.
Sự lãnh đạo của Đức đối với châu Âu có thể không mang tính đe dọa, song các thế hệ lãnh đạo Anh trước đây sẽ xem đó là sự thất bại về chính sách đối ngoại của nước này. Giờ đây, khi chúng ta sắp rời khỏi EU, chúng ta sẽ không còn khả năng tác động đến điều đó.
***
Theo học giả hàng đầu nước Anh về nước Đức, Giáo sư William Paterson, Đức là “bá chủ bất đắc dĩ”. Sức mạnh mà Đức sử dụng ở châu Âu hiện nay không phải là thứ họ cố ý kiếm tìm hay là thứ công chúng Đức chào đón. Không chính trị gia Đức nào mơ tới chuyện nói ra những cụm từ vốn quen thuộc với chính giới Mỹ – “sinh ra để dẫn đầu”, “định mệnh hiển nhiên”, “thành phố trên đồi”(6) – khi bàn về vai trò của Đức trên thế giới. Năm 1990, ông Nicholas Ridley(7) nói Liên minh Kinh tế và Tiền tệ là mưu mô do Đức tạo nên nhằm thâu tóm toàn bộ châu Âu. Nhận định này khiến ông từ chức khỏi chính phủ Anh và nó vẫn vô lý từ lúc đó đến tận ngày nay. Đức không toan tính vị thế dẫn đầu, chính những nước khác chọn đi theo Đức.
(6) Ý nói người khác phải ngước nhìn.
(7) Nicholas Ridley (1929 – 1993) từng nắm giữ nhiều vị trí bộ trưởng trong chính phủ Anh.
Và họ đã chọn đi theo một đất nước đáng ngưỡng mộ. Đức là một nền dân chủ tự do với những tiêu chuẩn cao về kỷ luật, liêm chính và tự do, cộng với một hệ thống dịch vụ và hành chính công hiệu quả. Nước này có truyền thống văn hóa và tri thức đặc biệt, luôn cởi mở với thế giới bên ngoài. Bằng nỗ lực của riêng mình, Đức đã hồi sinh sau thảm họa chính trị và kinh tế, đồng thời chấp nhận quá khứ theo cách mà chưa nước nào làm được. Phản ứng của Đức với cuộc khủng hoảng tị nạn có thể lóng ngóng nhưng nó bắt nguồn từ lòng trắc ẩn sâu xa đáng ganh tỵ của người dân nước này. Sống trong lòng nước Đức ngày nay – như tôi được may mắn sống hơn 5 năm – là cơ hội trải nghiệm đến tận cùng những giá trị của nền văn minh châu Âu và phương Tây.
Ngay cả khi rời khỏi EU, Anh vẫn sẽ bị ảnh hưởng một cách sâu sắc bởi những phát triển của EU. Do đó, có lẽ đáng để tìm hiểu vì sao Đức trở thành thế lực thống trị đến vậy ở châu Âu, và quan trọng hơn là Đức muốn đạt được điều gì. Như bất kỳ đất nước nào, Đức có những lợi ích quốc gia riêng, khiến nước này khác biệt với bạn bè và láng giềng. Những lợi ích này đang hòa hợp với mô hình hiện nay của EU – không có gì ngạc nhiên bởi EU phần lớn do chính Đức định hình. Thế nhưng, ngoài việc muốn có những kết quả tốt cho mình, Đức còn mong đợi gì khi nắm vai trò lãnh đạo EU?
Giới chính trị gia Đức thường làm ra vẻ là có. Họ hay nói về sự cần thiết của một “liên minh chính trị” ở châu Âu, nhưng lại không làm rõ một liên minh như vậy sẽ như thế nào và khác gì với các thỏa thuận hiện có. Điều duy nhất mà tất cả họ có vẻ đồng tình là liên minh này không nên dính gì thêm tới tiền đóng thuế của dân Đức.
Đức cũng có khuynh hướng xem thường những ai đánh giá EU mà chỉ dựa vào những thịnh vượng mà tổ chức này đem lại cho họ. Tại Đức, sẽ bị xem là không phù hợp khi chỉ chú trọng vào việc kinh tế Đức được hưởng lợi bao nhiêu từ thị trường nội khối, từ chính sách thương mại chung, từ các quy định cạnh tranh và trên hết là từ đồng tiền chung. Không phải điều này không đúng, song trên chính trường Đức, EU được mô tả là điều gì đó to lớn hơn, cao quý hơn, chứ không đơn thuần là một cơ chế truyền động giúp kinh tế Đức thành công.
Khẩu hiệu kêu gọi một liên minh chặt chẽ hơn bao giờ hết giúp duy trì ý niệm EU đang kiên trì con đường tự cải thiện. Khác với Anh, các đối tác của Đức cho đến nay vẫn sẵn sàng đi theo hành trình này mà không đưa ra những câu hỏi khó xử về điểm đến cuối cùng. Luôn có viễn cảnh về một hội nghị liên chính phủ hoặc một sáng kiến mới để EU hoạt động suôn sẻ, cũng như nuôi dưỡng hy vọng về sự đổi mới.
Viễn cảnh này đang ngày càng lung lay. Dù Anh đã quyết định ra đi, vẫn không có kế hoạch nào nhằm rà soát lại hoạt động hay cách vận hành của EU. Chính xác là vậy, có thảo luận về những quy định mới cho eurozone, nhưng không có thỏa thuận nào về hình thức khả dĩ của những quy định mới này. Liệu chúng có nên ràng buộc pháp lý nhiều hơn đối với kỷ luật ngân sách và hoạt động giám sát, song song đó là đồng bộ thuế – như chủ trương của Đức? Hoặc chúng tạo điều kiện nhiều hơn cho việc chia sẻ nợ lẫn vay mượn chung giữa các nước eurozone – như các nước khác mong muốn? Chừng nào những câu hỏi cơ bản trên chưa được giải đáp, EU sẽ tiếp tục tồn tại với mô hình hiện tại. Bất cứ hiệp định mới nào cũng cần trưng cầu ý kiến ở nhiều nước thành viên. Kinh nghiệm về trưng cầu dân ý ở Anh sẽ khiến hầu hết chính phủ không dám liều lĩnh.
Trong khi đó, EU dần đánh mất niềm tin của người dân. Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành hồi tháng 6 năm 2016 cho thấy chỉ có 37% người được hỏi ở Pháp và 47% ở Tây Ban Nha có cái nhìn tích cực về EU. Ở Đức, con số này là 50%. Những tỷ lệ này giảm rất mạnh so với 5 – 10 năm trước. Các đảng hoài nghi châu Âu đang trỗi dậy ở nhiều nước thành viên và không có dấu hiệu xu hướng này dừng lại.
Quyền lực của Đức trong EU tăng lên cũng đồng nghĩa với việc chính các lãnh đạo chính trị của nước này sẽ chịu áp lực giải thích về con đường phía trước. Những nước đã áp dụng các chính sách kiềm chế lạm phát và thắt chặt ngân sách – dưới sức ép của Đức – để ở lại eurozone sẽ muốn biết họ nhận lại được gì từ những hy sinh như vậy. Cử tri không chỉ ở Hy Lạp mà còn ở Tây Ban Nha, Ý và Pháp đang dần tỉnh ngộ. Họ sẽ hướng về phía Đức để chờ nghe giải thích tình hình sẽ cải thiện ra sao.
Với mô hình hiện nay, họ sẽ không nhận được câu trả lời nào. Không đảng phái nào ở Đức có kế hoạch cải thiện tình hình kinh tế của bất cứ đối tác EU nào. Không chính trị gia nào ở Đức chủ trương thay đổi cách tiếp cận tổng thể của EU. Không có tầm nhìn nào cho tương lai. Tình hình lúc này phù hợp với Đức.
Sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây, châu Âu không còn giống với những gì mà những người sáng lập mường tượng trước đó. Nó trở thành châu Âu kiểu Đức. Không phải các nhà lãnh đạo Đức tìm cách áp đặt luật chơi mà chính các đối tác của họ tự nguyện để Đức dẫn dắt. Họ ngưỡng mộ và khao khát các thành tựu của Đức. Họ hy vọng dưới sự lãnh đạo của Đức, họ sẽ có được một vài thành công như vậy.
Hy vọng của họ có thể hão huyền. Rõ ràng sức mạnh của Đức đang bao trùm châu Âu và thúc đẩy mọi quyết định của EU, nhưng những quyết định này không nhắm vào mục tiêu nào, không có ánh sáng cuối đường hầm hay lọ vàng nào ở cuối cầu vồng(8). Quyền lực của Đức, nói một cách khác, là quyền lực không mục đích.
(8) Thần thoại kể rằng cuối mỗi cầu vồng đều có một con yêu tinh và nó sẽ tiết lộ nơi cất giấu lọ vàng.