S
au cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 6 năm 2016, mối bận tâm chính của chính phủ Anh trong khoảng 10 năm nữa là làm sao đảm bảo một sự rút lui thỏa đáng khỏi Liên minh châu Âu và tìm được vị thế mới trong thế giới rộng lớn hơn bên ngoài tổ chức này.
Khi Vương quốc Anh nộp đơn gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu vào năm 1961, Pháp là nước quyết định có đồng ý hay không, và nếu có thì dựa trên những điều kiện nào. Ban đầu, Tổng thống de Gaulle(1) nói “Không” và câu trả lời này được 5 quốc gia thành viên khác chấp thuận mà không hề lưỡng lự. Điều tương tự xảy ra khi Tổng thống Pompidou(2) bằng lòng tiến hành đàm phán. Suốt những cuộc thương lượng đó, chính những lo ngại và lợi ích của Pháp tạo nên chương trình nghị sự. Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm đàm phán trực tiếp và thực hiện các công đoạn chuẩn bị về mặt kỹ thuật. Nhưng về cơ bản, ủy ban này hoạt động dựa trên sự ủy nhiệm được định hình phần lớn bởi chính phủ Pháp.
(1) Tướng Charles de Gaulle, người giữ chức tổng thống Pháp giai đoạn 1959 – 1969.
(2) Georges Jean Raymond Pompidou, tổng thống Pháp giai đoạn 1969 – 1974.
Giờ đây, khi chúng ta sắp rời EU, Đức là nước chủ trì. 27 nước thành viên khác sẽ cùng đưa ra khung đàm phán; song, tiếng nói của Đức mới mang tính quyết định. Chính phủ Đức sẽ xác định loại quan hệ thương mại nào mà Anh có thể đạt được với EU, tổ chức chiếm gần 50% xuất khẩu của Anh. Số phận của yếu tố kể trên trong nền kinh tế chúng ta sẽ nằm trong tay Đức. Trong quá khứ, đã nhiều lần Đức chứng tỏ sức mạnh bằng cách này và, nói một cách dễ nghe là, chính phủ Anh không thích như vậy. Thỏa thuận về các điều khoản thống nhất nước Đức vào năm 1990 của Thủ tướng Đức Helmut Kohl với Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã làm Thủ tướng Anh Margaret Thatcher khó chịu bởi bà là người quyết liệt ngăn chặn chuyện này. Năm 1992, đến lượt người kế nhiệm bà Thatcher là ông John Major tức tối vì chính phủ Đức từ chối can thiệp khi Anh bị buộc rời khỏi Cơ chế Tỷ giá hối đoái châu Âu. Tuy nhiên, về tổng thế, Đức vẫn là một đồng minh và đối tác mà Anh chia sẻ nhiều lợi ích và thiên hướng.
Đối với các bộ trưởng và quan chức Anh chịu trách nhiệm đàm phán quá trình rút khỏi EU, thương thảo với các đối thủ người Đức là một kinh nghiệm mới lạ. Chúng ta sẽ đối mặt trực tiếp với quyền lực thực sự của Đức ở châu Âu.
Nước Đức không chỉ thống trị việc hoạch định chính sách kinh tế của EU mà còn dẫn đầu ngày càng nhiều vấn đề quốc tế. Chẳng hạn, EU trong tương lai xử lý quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ra sao về cơ bản sẽ được quyết định ở Berlin. Với Mỹ (cũng như với Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil), Đức sẽ đại diện cho lợi ích hàng đầu và tầm quan trọng của châu Âu. Sau khi rút khỏi EU, Anh phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế mới này. Chúng ta vẫn có vai trò quan trọng trên thế giới. Vị trí thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, mối quan hệ với các nước nói tiếng Anh khác, vai trò trong NATO và năng lực quân sự của chúng ta sẽ vẫn là những tài sản quan trọng. Nhưng chúng ta sẽ không có thẩm quyền hay cơ hội nếm trải quyền lãnh đạo mà Đức sẽ có.
Tiếng nói của Đức không chỉ quyết định các điều khoản cho cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU mà còn vạch ra con đường phát triển của EU sau khi chúng ta ra đi. Số thành viên, quyền lực và các chính sách của EU sẽ tương ứng với các lựa chọn và ưu tiên của chính phủ Đức để rồi sau đó biến thành một sản phẩm của lịch sử Đức, của các cấu trúc xã hội, chính trị và trên hết là lợi ích kinh tế của nước này. Bất cứ dự báo nào về tương lai EU trong khoảng 20 năm nữa cũng cần bắt nguồn từ việc nắm rõ những lợi ích này cũng như hiểu cách phát biểu lẫn hành xử của giới chính trị gia Đức trong lòng châu Âu. Mối quan hệ của Anh với châu Âu, cả về chính trị và kinh tế, chiếm phần lớn sự nghiệp của tôi. Tôi có mặt ở Brussels khi nước Anh ký Hiệp ước Gia nhập vào ngày 22 tháng 1 năm 1972. Vợ tương lai của tôi cũng có mặt ở đó và cô ấy là người đã lau vết mực do một phụ nữ Anh giận dữ – biết đâu là thành viên đầu tiên của UKIP (đảng Vương quốc Anh độc lập theo đường lối ủng hộ Anh rời EU) – hất vào bộ veste của thủ tướng Anh vì cho rằng ông đã từ bỏ chủ quyền quốc gia. Tôi làm việc trong Ủy ban châu Âu vào những năm 1980. Đến thập niên 1990, tôi là quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Anh chuyên thương thảo với EU. Từ năm 1997 đến 2003, tôi là đại sứ Anh tại Đức.
Trong suốt quãng thời gian này, tôi theo dõi sự phát triển của sức mạnh Đức và nhìn chung, tôi ngưỡng mộ cách mà các chính trị gia cấp cao của Đức sử dụng nó. Một số người, như Willy Brandt, Helmut Schmidt và Helmut Kohl, là những nhân vật xuất chúng. Những người khác, như bà Angela Merkel, có đức tính khiêm nhường hơn. Nhưng gần như tất cả họ đều là người có thực tài và ưu tú.
Tôi có gần 40 năm làm việc với các quan chức Đức. Với tính cách vui vẻ, cởi mở và giỏi giang, họ vừa là đối tác tốt nhất để giải quyết những vấn đề chung, vừa là bầu bạn số một bên ngoài công việc. Nhiều người trong số họ trở thành bạn bè của tôi. Do người Anh và người Đức có ít cơ hội làm việc cùng nhau trong tương lai hơn, tôi lấy làm tiếc là những người kế thừa tôi ở Bộ Ngoại giao Anh có thể sẽ không được hưởng cùng mối quan hệ dễ chịu với các đối tác Đức như tôi.
Sức mạnh Đức mang tính độc đáo. Nó không dựa trên sức mạnh quân sự và giới lãnh đạo Đức cũng không dựa vào đó để tự mãn hay tán tụng. Tuy vậy, nó là thực tế cơ bản ở châu Âu ngày nay. Tôi hy vọng quyển sách này sẽ góp phần nhỏ vào việc hiểu được điều đó.