Cháu ngoại tôi mới sinh đã bị viêm màng não, suýt nữa thì không qua khỏi. Tôi đau lòng đến mức chỉ muốn được chết thay cho cháu, không ăn không ngủ nổi. May mắn thay, nhờ nỗ lực của các y bác sĩ với phương pháp điều trị thích hợp, cháu đã lấy lại được mạng sống, cũng không còn lưu lại triệu chứng nào. Nhìn cháu đi lại phăm phăm, đùa nghịch vui vẻ, không hiểu sao nước mắt tôi cứ tuôn trào. Thật cảm động trước những đứa trẻ sống vui khỏe.
Với tư cách là bác sĩ nhi khoa lâm sàng, tôi đã cùng rất nhiều bệnh nhi chiến đấu với bênh tật trong vòng 10 năm giai đoạn từ 1945 - 1955. Tuy nhiên, cho đến giờ tôi vẫn không quên được những em bé bỏ mạng vì bệnh tật, khi nỗ lực của tôi trở nên vô nghĩa. Những cái chết do viêm phổi, ho gà, u não, máu trắng… vẫn còn khắc sâu trong tâm trí tôi. Mỗi khi nghĩ đến việc ngày nay hầu như các bệnh truyền nhiễm đã được chữa khỏi, tôi lại nghĩ đến những đứa trẻ khi xưa, tưởng tượng ra cảnh nếu chúng được hưởng ân huệ này, có lẽ giờ chúng đã đi làm rồi. Ngoài ra, còn nhiều em bé bị đột tử hay những em học sinh tiểu học tự sát nữa. Tôi cũng không thể quên được sự vô dụng của bản thân khi xung quanh đầy những tiếng khóc oán thán của cha mẹ các em.
Sau đó, tôi được tiếp xúc với những em bé mắc các chứng bệnh tâm lý, mỗi nụ cười hiếm hoi trên môi các em dành cho mình cũng là niềm vui lớn đối với tôi. Càng tiếp xúc nhiều, tôi càng thấy lũ trẻ thật đáng yêu, càng mong các em tiếp tục đấu tranh vì sự sống.
“Vận mệnh”
Tuy nhiên, cái chết còn liên quan tới vận mệnh. Tôi hiểu như vậy từ những câu chuyện xảy ra trong quân đội. Khi nhập ngũ vào Bộ Tư lệnh Moji, nhóm quân y mới chúng tôi có 4 người, trong đó 1 người được lệnh cử đi Đài Loan. Chúng tôi quyết định sẽ oẳn tù tì để chọn ra người đó và tôi thắng nên được làm việc trên thuyền lưu động. Nhưng đến khi về nước sau khi chiến tranh kết thúc, tôi được biết 3 người còn lại được điều lên chiến hạm hải quân và đã tử vong do tàu bị đánh chìm. Hơn nữa, trong những đợt thả bom ở Đài Loan, nếu không nhanh chân chạy chắc tôi cũng đã chết rồi. 4, 5 người vào hầm trú ẩn ngay sau tôi đều thiệt mạng.
Cuối cùng, trước khi chiến tranh kết thúc tầm nửa năm, tiểu đội tôi trực thuộc nhận được lệnh về nước. Dù biết rằng chúng tôi đã thua cuộc, nhưng chúng tôi rất vui khi nhận được lệnh này. Tuy nhiên, ngay sau đó lại có điện báo chỉ thị rằng số lượng quân y quá ít cần người ở lại, một mình tôi phải ở lại trong nước mắt. Đêm hôm đó, chiếc thuyền vừa rời bến không lâu đã phát tín hiệu SOS rồi đắm, không một ai sống sót. Tôi khóc không ngừng vì tất cả đều là chiến hữu của tôi. Chỉ còn mình tôi sống sót.
Sau chiến tranh, tôi mới biết tin có người bạn dùng nhiều cách để trở thành quân y trong nước khiến chúng tôi vô cùng ghen tị đã qua đời vì một trận không kích trước ga. Tình trạng của tôi thật hợp với từ vận mệnh.
Sau đó, nhìn lại 3 lần thoát chết của mình, tôi đã quyết tâm sẽ làm việc hăng say chừng nào mình còn sống. Tuy nhiên, nếu cứ sống như hiện tại thì tôi sẽ dần thành lười nhác, trong đầu chỉ ngập tràn dục vọng mà thôi. Nỗ lực cơm áo gạo tiền dễ khiến chúng ta quên đi việc phải sống như thế nào cho đúng. Nếu không tự nhắc nhở mình như vậy, tôi đã không thoát khỏi sự đáng thương của một kẻ phàm phu rồi. Tôi cũng tự an ủi bản thân rằng như thế mới là con người mỗi khi chịu thua sự lười nhác và dục vọng. Thực sự để sống hết mình thật khó.
Để mỗi ngày đầy sinh lực
Tôi bắt đầu nghĩ về cái chết của mình từ khi tôi bước qua mốc 45 tuổi. 30 năm qua, hằng năm lần lượt những người bạn của tôi ở khoa y đã qua đời. Không khí lo lắng không biết ai sẽ là người tiếp theo cũng phảng phất trong các cuộc họp lớp, khiến cho rượu uống cũng không thấy ngon nữa.
Tuy nhiên, điều tôi biết rõ nhất là con người có số mệnh. Khi con người nhận được sự sống cũng là lúc được hứa hẹn về cái chết. Tuổi thọ thì khác nhau, nhưng đã là con người thì ai cũng phải chết. Vì thế, trong lúc còn sống, nhất định phải sống một cuộc sống tràn đầy năng lượng. Bên cạnh việc phải sống như thế nào mỗi ngày, còn cần phải nghĩ xem mình chết như thế nào nữa.
Chết như thế nào - tôi gọi đó là cách lựa chọn cái chết. Bà tôi bị xuất huyết não, hai năm trời sống mà không đi lại được. Bà là người khó tính, không ưa việc những người xung quanh làm, tự coi mình giờ đây như kẻ vô dụng, suốt ngày la hét và cuối cùng bà qua đời trong lần xuất huyết thứ hai. Chứng kiến hình ảnh của bà, tôi có nói với bố rằng: “Con chẳng muốn chết như vậy đâu”. Tuy nhiên về sau bố cũng bị nhũn não, trở thành “người mất trí”, cả năm trời cứ ăn hay làm gì xong là quên hết luôn, giữa đêm bỏ ra khỏi nhà, khiến cho cả gia đình mỗi ngày đều lo lắng, bất an. Chứng kiến tất cả những điều đó, dù đã cố hết sức mong bố hồi phục nhưng tôi biết chẳng có ích gì. Vì qua những lần mổ phân tích, các tế bào não đã tiêu biến, không hoạt động nữa nên không thể mong cơ hội hồi phục.
Như vậy, trong các bệnh nhũn não gây ra nhiều phiền phức không thể tránh được cho gia đình, cũng có nhiều mặt giống bệnh xuất huyết não. Ung thư cũng khá là đau đớn, tôi cũng không muốn chết theo cách đó. Còn lại là bệnh hẹp van tim. Nếu chết đột ngột do bệnh này chắc sẽ không làm phiền đến ai cả. Trước đây, trong lễ trao giải của giải đấu tại một trường đại học có liên quan đến thể thao, thầy hiệu trưởng - cũng chính là người thành lập giải đã lên cơn đau tim và mất ngay trên bục trao giải. Trong bài điếu văn đưa tiễn thầy, bạn thân của thầy đã dùng từ “sự toại nguyện của người đàn ông”, cũng có điểm khiến tôi đồng cảm. Nếu chết do bị hẹp van tim là tốt, cần phải chuẩn bị chu đáo để mắc bệnh này, vậy thì phải thực hành nhiều hoạt động không tốt cho van tim.
Kẻ ngỗ ngược như tôi đã quyết tâm rồi, nhưng không phải vì mình nỗ lực làm điều đó mà sẽ chết được bằng bệnh hẹp van tim. Nếu thực sự muốn chọn cái chết, chỉ có thể nghĩ cách tự sát vào một thời điểm nào đó thôi. Nhưng cũng có những người không bước qua được suy nghĩ này. Lựa chọn cách chết quả là một vấn đề khó.
Có câu chuyện về cái chết của lão sư phụ phái Thiền Tông khiến tôi rất chú ý. Khi nghe được chuyện lão tăng dự đoán được cái chết sắp đến, ngài đào hố và xuống đó ngồi thiền đến khi chết khô, tôi liền hỏi vị sư - người kể câu chuyện này cho tôi rằng có thể coi đó là “tự sát” hay không? Tuy nhiên, câu trả lời dành cho tôi là, trong Phật giáo không có “cái chết”, chỉ có “sự chuyển hóa” mà thôi. Khi tôi đáp lại rằng: “Tôi cũng đang nghĩ tới việc chuyển hóa”, nhà sư bèn trả lời rằng, nếu không “tu hành” thì không thể “chuyển hóa” được.
Tôi nghĩ rằng một con người luôn hướng đến cuộc sống đầy năng lượng như tôi thì khó có thể sống lâu được. Do đó, tôi đã thử một thống kê kỳ cục. Đó là, trong vòng 30 năm qua, mỗi ngày tôi ngủ 5 tiếng, có nghĩa là tôi làm việc nhiều hơn những người ngủ mỗi ngày 8 tiếng là 3 giờ. Khi thống kê lại khoảng thời gian này, tôi thấy rằng mình làm việc nhiều hơn những người khác tương đương với 6, 7 năm gì đó. Với cường độ như vậy, tuổi thọ trung bình của tôi cũng không thể quá dài được. Hơn nữa, trong vài năm tới, tôi muốn lưu lại những nghiên cứu quan trọng nên có lẽ thời gian ngủ còn ít hơn nữa. Nếu vậy, tôi cho rằng sau khi kết thúc nghiên cứu này, tôi cũng sẽ đột ngột… [ra đi - BTV).
Tuy nhiên, lựa chọn cái chết không bao giờ được như ý muốn cả, nên có thể vào thời điểm đó tôi lại nghĩ ra cái gì khác cũng nên.
Tóm lại, khi nào còn sống, tôi vẫn sẽ chối bỏ sự lười nhác, hạn chế tham vọng và chăm chỉ làm việc. Khi đạt được mục đích này rồi, dù có trải qua bao nhiêu vất vả đi nữa, dù cho thân thể có mệt mỏi đến đâu, tinh thần tôi vẫn sảng khoái, đặc biệt nếu được nghiên cứu thứ tôi yêu thích thì mức độ sảng khoái còn tăng lên cao hơn.
Khi cơ thể có vấn đề, tôi sẽ không đi bác sĩ, cũng không uống thuốc mà sẽ cố gắng học hành hơn cả trước đây. Các bác sĩ ngày nay thường chỉ chữa trị về mặt vật lý chứ không nghĩ cho tinh thần bệnh nhân nên thường đưa ra những đề xuất bỏ qua mặt tinh thần.
Con người được ban cho “cuộc sống” để hướng tới “cái chết”. Càng nhiều tuổi, chúng ta lại càng tiến gần đến cái chết. Vì vậy, tôi nghĩ rằng không được sống lười nhác mà phải nỗ lực sống sao cho mỗi ngày đầy năng lượng.