Phản kháng lại người cha nóng tính
Kỷ niệm về cha của tôi được chia làm hai thời kỳ lớn. Khi tôi tròn 17 tuổi, tương đương với thời điểm tốt nghiệp cấp ba của chế độ cũ, cha tôi là một người vô cùng nóng tính. Tôi cảm thấy ông có thể nổi trận lôi đình với bất cứ điều gì, giống như động đất, sấm sét hay hỏa hoạn, nhất là thời tôi học tiểu học. Mỗi lần đến gần bố, tôi đều thấy căng thẳng vì sợ bị mắng một việc gì đó không ngờ tới.
Tôi nhớ là hồi nhỏ tôi luôn bị mắng mỏ mặc dù tôi không thể nhớ nổi mình bị mắng vì lí do gì. Không chỉ riêng tôi mà cả mẹ tôi hay bất cứ ai cũng vậy. Những khi bị bố quát mắng, có lúc tôi còn nghĩ thà ông chết đi còn hơn.
Có điều, tính nghiêm khắc trong giờ giấc của ông ảnh hưởng lớn đến tôi về sau này. Chỉ cần tôi muộn giờ hẹn xem phim dù chỉ 1 phút ông cũng không chờ. Có lần tôi còn vừa khóc vừa quay về nhà một mình. Hơn nữa khi bố về tôi còn bị mắng nữa, với lý do là không biết quý trọng thời gian và không được phép để người lớn phải chờ đợi. Khi trở thành giáo viên, tôi chưa bao giờ muộn giờ chắc cũng do ảnh hưởng từ bố. Trong những cuộc hội họp khác tôi cũng là người luôn đúng giờ, và tôi cũng yêu cầu sinh viên phải như vậy.
Cũng may là vì công việc nên bố chỉ có mặt ở nhà vào Thứ Bảy và Chủ nhật, còn ngày thường chúng tôi như được “giải thoát” - chính mẹ tôi phải công nhận như vậy.
Trong suốt những năm trung học, tôi luôn mang trong mình tâm lý muốn phản kháng lại bố. Và thời gian này cũng trùng vào thời kỳ phản kháng thứ hai. Dù không thể phản kháng một cách trực tiếp, tôi say mê đọc những cuốn sách mà bố ghét, phấn đấu trở thành một chàng thanh niên say mê văn chương, hay cắm đầu nghe những bản nhạc phương Tây mà bố tôi cho rằng chỉ mấy kẻ hay tán tỉnh phụ nữ mới nghe. Tôi cũng bắt đầu hút thuốc - điều mà bố ghét nhất - rồi bị phát hiện và được giáo huấn một bài dài nên không thể hút tại nhà nữa. Bố cũng là người không uống một giọt rượu nào, để giấu bố tôi đã uống ở bên ngoài và không thể nào quên được hương vị lần đầu được nếm thử.
Phấn đấu trở thành một người cha “không mắng mỏ”
Tôi có hai con trai và một con gái. Vì không muốn trở thành người cha giống như bố, lại có điều kiện được nghiên cứu về trẻ em từ trước nên tôi hiểu được tầm quan trọng phải thấu hiểu tâm trạng của con. Vì thế tôi đã trở thành một người cha “không mắng mỏ”. Tôi không có ký ức gì về việc đã từng mắng hai cậu con trai. Tuy nhiên, với trẻ con thì việc người lớn không đáp ứng đòi hỏi của chúng cũng làm cho chúng có cảm giác như là bị mắng rồi. Nên tôi cũng không rõ các con tôi cảm thấy thế nào khi chúng còn bé.
Tôi hầu như không dạy lễ nghĩa, tôn trọng động lực tự thân của con nên các con đã được “nghịch ngợm” thỏa thích. Cửa trượt ở phòng các con rách tơi bời, các thanh gỗ gẫy hết. Tường thì đầy nét vẽ bằng bút chì. Chúng tôi đã tháo chiếu ra thay bằng thảm tập judo. Những năm 1940, cuộc sống cũng nghèo khó, kinh tế thiếu thốn nhưng chúng tôi đã cho các con được hoạt động đủ đầy.
Tôi sống cùng bố nhưng bố cũng chỉ lưu ý về cách dạy con của tôi có 1, 2 lần. Sau khi về hưu, bố thích chăm sóc vườn nhà, cả ngày ở ngoài vườn. Nhưng khi thấy tôi bắt đầu cho bọn trẻ ra ngoài vườn chơi, ông liền dùng những thanh nứa thấp ngăn riêng một khoảng vườn để thỏa mãn thú vui, nhường phần sân rộng cho các cháu. Các con tôi đã được đào hố, nhổ hoa, vẩy nước cho đến khi người lấm lem bùn đất.
Bố cũng hầu như không bao giờ chiều cháu bằng cách cho bánh kẹo hay mua đồ chơi. Tóm lại, bố giao phó chuyện nuôi dạy con cái cho vợ chồng tôi. Có thể một phần do bố biết tôi là nhà nghiên cứu về trẻ em, nhưng một phần có thể do tính ông là người thích phân định rạch ròi. Còn mẹ tôi rất trầm tính nên không có nhiều ảnh hưởng trực tiếp tới các cháu.
Tích cực giúp đỡ việc nhà
Khi bắt đầu sống tại nước ngoài, tôi đã có cơ hội quan sát trọn vẹn cuộc sống gia đình mang tính dân chủ. Nhờ đó, gia đình tôi cũng bắt đầu được dân chủ hóa. Trước tiên, tôi giúp đỡ vợ làm việc nhà nhiều hơn. Trước đó, do tôi là chuyên gia về nuôi dạy trẻ nên tôi phụ trách phần lớn việc dạy con, còn việc nhà tôi vẫn cho là lĩnh vực của người vợ nên không hề động tay đến. Chỉ từ khi sống ở nước ngoài, tôi mới tích cực tham gia làm việc nhà mỗi khi vợ bận hoặc bản thân rảnh rỗi.
Đầu tiên là việc rửa bát sau các bữa ăn. Việc này có vẻ hợp với tôi nên tôi hay xung phong làm, nhất là khi nhà có khách vì dùng nhiều bát đĩa hơn bình thường. Tôi cũng khá thích thú với việc tìm ra bí kíp để rửa bát được nhanh sạch hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng thường dọn bàn ăn, bưng bê thức ăn hoặc phụ trách chuẩn bị chăn đệm. Tóm lại, tôi đã biết hỗ trợ việc nhà để vợ có thể yên tâm làm việc hơn và mất hẳn suy nghĩ “sử dụng” vợ. Vợ tôi cũng đã từng mang suy nghĩ cũ, không vui khi thấy tôi làm việc nhà, song chắc chắn cô ấy cũng vui vì đỡ vất vả hơn.
Thái độ này của tôi được thể hiện rõ ở các con sau khi chúng kết hôn có gia đình riêng. Hai vợ chồng con trai cả đều phải đi làm nên chồng thường xuyên làm việc nhà, chăm sóc con còn con trai thứ cũng không có tâm lý chống đối khi phải làm việc nhà. Nhất là khi vợ có bầu, chúng làm việc nhà rất hăng hái. Khi còn học trung học, hai đứa không hề có thái độ này, hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ, khiến tôi đã từng nghĩ rằng có lẽ mình làm mẫu cũng không có ý nghĩa gì, song sau khi kết hôn, tôi lại thấy chúng chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh của mình. Có lẽ đây chính là dấu hiệu của thời đại mới.
Các con trai tôi, những đứa trẻ được tôn trọng động lực tự thân
Do tôi tôn trọng động lực tự thân của các con nên tôi đồng ý cho chúng tự quyết định tương lai của mình, nghĩa là chúng có thể chọn bất cứ nghề nghiệp nào và trường nào hợp với nghề đó cũng được. Chỉ cần các con sống cuộc sống đúng với cá tính của mình, hợp với khả năng của mình nhất là được nên tôi cũng không bao giờ xem kết quả học tập của chúng.
Cả hai đứa con trai của tôi đều say mê tham gia các hoạt động câu lạc bộ. Vì tôi cho rằng việc say mê một thứ gì đó trong thời kỳ trẻ phát triển sẽ có ích cho cuộc đời con sau này nên tôi đã nói với chúng là cứ nỗ lực cho hoạt động của câu lạc bộ, bị đúp cũng được. Tuy nhiên, vì các thầy cô ở trường bắt học thi nên cả hai đều không chú tâm được việc gì và đều trượt đại học. Dù sao thì đến khi học đại học, chúng cũng tìm được thứ mình say mê.
Tuy nhiên đó là những thứ mà tôi không thể nào tưởng tượng được. Con trai thứ của tôi say mê trượt tuyết. Thậm chí nó còn gom tiền cùng bạn làm một ngôi nhà trên núi nữa. Sau khi ngôi nhà hoàn thiện, nó bắt đầu làm chủ kinh doanh, những ngày đến đó còn nhiều hơn có mặt ở đại học. Tôi thì thấy thế cũng được, nhưng khi nó nói: “Con thích vào núi sống” thì tôi rất bất ngờ. Dù trả lời rằng: “Đó cũng là một cách sống”, nhưng trong lòng cũng thấy tiếc vì nó đã nỗ lực biết bao để vào được đại học. Sau đó tôi còn nói thêm rằng: “Hãy bàn thêm cùng các bạn và các anh chị khóa trên đi”. Kết cục nó cũng không thực hiện điều đó, song vẫn bảo lưu một năm.
Còn con trai cả làm tôi bất ngờ như bị dội gáo nước lạnh. Đột nhiên một ngày nó thông báo tuần tới sẽ rửa tội để theo đạo Thiên chúa. Tôi còn nhớ vợ tôi đã sốc đến mức còn hỏi: “Mộ phần thì làm thế nào?”. Bởi nếu theo đạo, người bảo vệ mộ phần đời thứ 14 nhà Hirai sẽ không còn nữa. Bất ngờ hơn là sau 3 năm nghiên cứu cao học, nó đột nhiên tuyên bố: “Con muốn trở thành cha xứ”. Tôi cũng lại trả lời câu quen thuộc: “Đó cũng là một cách sống”, không quên nói thêm: “Bố đã giao phó cuộc đời con cho con rồi”, nhưng thực tâm tôi không hề tán thành. Kết cục, sau khi tự mình suy nghĩ, nó lại tiếp tục con đường nghiên cứu khiến tôi thở phào nhẹ nhõm.
Thực ra, hướng nghiên cứu nó chọn không liên quan gì tới tôi, thậm chí còn hoàn toàn trái ngược với tôi. Tôi không rõ nó đã ý thức về con đường này từ khi chọn khoa bậc đại học chưa, nhưng tôi cảm thấy đó là cách nó phản kháng lại tôi. Nhìn lại bản thân mình, tôi tự thấy rằng những đứa con trai luôn muốn phản kháng lại cha mình, thông qua đó tự rèn luyện khả năng vượt lên cha mình.
Cha hãy là chỗ dựa cho con trai
Thực ra, khi con trai thứ của tôi học cấp ba, tôi được kể rằng nó nói với thầy giáo ở lớp là: “Bố em chẳng bao giờ nói gì cả, không thú vị chút nào”. Tự so mình với bố, tôi thấy mình đúng là một ông bố hiểu chuyện, cho con được hưởng trọn “tự do”, song nếu đứng trên quan điểm của các con, có lẽ chúng cần một đối tượng để tranh luận.
Và tôi nhớ lại câu nói từ xưa truyền lại: “Cha hãy làm chỗ dựa cho con”, rồi tự kiểm điểm rằng có lẽ mình làm chưa trọn vẹn vai trò này. Nhìn cách lựa chọn vợ của chúng, tôi nghĩ rằng có lẽ đây là cách phản đối ngầm chúng dành cho tôi.
Cô gái mà con trai cả dẫn về nhà cũng như vậy. Hơn nữa, cô bé còn lớn hơn nó đến 3 tuổi. Tuy nhiên nhờ có kinh nghiệm từ lần trước nên chúng tôi đỡ bị sốc hơn.
Sau đó, khi cùng sống chung dưới một mái nhà và trở nên thân thiết hơn, tôi mới nhận ra hai đứa con dâu đều rất hợp với hai đứa con tôi, tính cách tốt, hơn nữa gia đình thông gia cũng rất dễ chịu. Các con dâu tôi không hề giữ kẽ mà cũng làm nũng bố mẹ chồng, hơn nữa còn rất “biết quan tâm” nhưng không phải kiểu giả tạo, hình thức.
Các cháu của tôi ra đời cũng được yêu thương, hai vợ chồng cùng nhau chăm sóc con khiến tôi thấy ấm lòng vô cùng. Nghĩ lại, các con tôi đã không chọn lầm người, bản thân tôi cũng thấy thêm hạnh phúc.