Sự hình thành nhân cách của trẻ chịu ảnh hưởng nhiều từ cha mẹ. Độ tuổi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là từ 0 đến 3 tuổi. Trong chương này, tôi sẽ trình bày kỹ hơn về vấn đề này.
Khoa học cũng dần chứng minh rằng toàn bộ nhân cách của một người trưởng thành đã được định hình từ khi người đó là một đứa trẻ 3 tuổi. Vì lẽ đó, trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ từ 0 đến 3 tuổi là vô cùng lớn lao.
Hãy cho con ngồi vào lòng cha mẹ đến khi con 3 tuổi
Việc ổn định cảm xúc không những cần thiết đối với trẻ mà còn đối với cả người lớn. Chúng ta sẽ hiểu điều này rõ hơn khi nhớ lại những lúc cảm xúc của mình bất ổn.
Ví dụ, sau khi cãi nhau với ông xã, trong lúc bạn vẫn còn nóng giận mà con lại làm nũng, chắc chắn bạn sẽ quát con ngay phải không? Cũng có thể bạn sẽ ôm con và khóc. Tuy nhiên, hành động đó của mẹ sẽ khiến con bất an bởi con đang mong đợi được mẹ dang tay đón và cho ngồi vào lòng.
Lòng mẹ chính là nơi giúp con ổn định cảm xúc. Vì vậy, mỗi khi buồn ngủ, mệt mỏi, lo lắng hay bị bất ngờ, con đều sà vào lòng mẹ để xóa tan mọi bất an.
Đặc biệt, độ tuổi từ 1 đến 2,5 thường thích làm nũng mẹ. Khi thấy hoảng sợ lúc nửa đêm, trẻ sẽ chui vào chăn cùng mẹ và muốn ngủ chung một lát.
Tôi gọi đó là “thời kỳ ngủ chung” và đặc biệt coi trọng khoảng thời gian này. Đây cũng là lúc con thường “bám dính” mẹ, cái gì cũng đòi mẹ, bắt mẹ làm cho. Khi mẹ đáp ứng những yêu cầu của trẻ, hình ảnh người mẹ dịu dàng sẽ khắc sâu trong lòng con. Nếu bạn nói: “Dù có chuyện gì xảy ra, mẹ cũng sẽ giúp con”, con sẽ càng tin cậy bạn hơn.
Về sau này, nếu mẹ không gây ra hành vi bất tín nào quá lớn, lòng tin này sẽ được khắc sâu và theo con suốt đời.
Những đứa trẻ biết làm nũng - không biết làm nũng qua cơ thể
Việc “làm nũng” qua điệu bộ cơ thể tiếp diễn đến khi trẻ 4 - 5 tuổi. Mỗi khi xảy ra chuyện gì, trẻ lại sà vào lòng mẹ. Khi trẻ bắt đầu vào tiểu học, số lần trẻ đòi ngồi vào lòng mẹ giảm hẳn, song thỉnh thoảng trẻ vẫn ngả người vào mẹ.
Mỗi khi có điều gì bất an như bị thầy cô giáo mắng hay cãi nhau với bạn bè, trẻ lại muốn dùng điệu bộ để “làm nũng” với mẹ, thông qua đó nhằm giải tỏa những nỗi bất an này. Những trẻ phát triển thuận lợi động lực tự thân sẽ hết làm nũng khi bước vào tuổi dậy thì do có sự thức tỉnh trong bản ngã cũng như sự bắt đầu quá trình độc lập về tâm lý (quá trình trẻ trở nên độc lập và tách khỏi gia đình về mặt tâm lý do đã hoàn thiện bản ngã và định hình nhân cách - BTV).
Những trẻ từ 0 đến 3 tuổi không biết “làm nũng” mẹ thông qua điệu bộ cơ thể có vẻ bề ngoài trông như trẻ có tính độc lập, song thực chất trong lòng đang ẩn chứa nỗi bất an.
Khi cảm xúc bột phát nhanh chóng, trẻ rất dễ có hành vi phá phách tại trường mẫu giáo hoặc bắt nạt những bạn yếu hơn tại trường tiểu học.
Đã từng có vụ án một bé gái lớp 4 đẩy em bé lớp 2 từ trên mái nhà xuống, và tôi nghĩ rằng nguyên nhân nằm ở việc trong suốt 3 năm đầu đời em không được biết “làm nũng” là gì. Đối với hầu hết mọi người, em là trẻ hư, nhưng quả thực em chỉ là nạn nhân đáng thương của việc không được mẹ cũng như những người lớn khác chào đón trong tình yêu thương ấm áp.
Nếu như người mẹ cho em ngủ cùng hay ngồi trong lòng, tiếp nhận những cử chỉ “làm nũng” của em thì vụ án này chắc chắn đã không bao giờ xảy ra.
Những trẻ bỏ nhà hay có những hành vi không tốt vào tuổi dậy thì thường có một tuổi thơ không biết “làm nũng” mẹ qua điệu bộ cơ thể.
Tôi cũng cho rằng nguyên nhân của việc trẻ tự tử nằm ở chỗ hình ảnh ấm áp của người mẹ không được khắc ghi trong lòng trẻ. Có những trường hợp trẻ còn thể hiện những hành động được xem như có bệnh về thần kinh.
Có một học sinh nữ lớp 9 còn nhảy ra khỏi nhà trong tình trạng bán khỏa thân. Nghe giống với biểu hiện bệnh tâm thần phân liệt, nhưng thực chất là em mong đợi được mẹ đuổi theo. Sau đó, khi mẹ em nỗ lực tiếp xúc với con thân mật hơn, giành được lòng tin của con thì các hành động bất thường cũng không xảy ra nữa.
Những trẻ không ổn định cảm xúc có biểu cảm nét mặt nghèo nàn. Hơn nữa, cho đến khi xảy ra vấn đề, chúng trầm tính nên rất khó phát hiện.
Tuy nhiên, chỉ cần hỏi trong quá khứ trẻ có biết làm nũng qua cử chỉ điệu bộ hay không là có thể phỏng đoán được. Hơn nữa, có thể hiểu ngay vấn đề nếu thử âu yếm trẻ vì trẻ sẽ lập tức thân thiết với người yêu thương chúng.
Trẻ càng gần gũi bao nhiêu càng chứng tỏ trước đây chưa từng được làm nũng bấy nhiêu. Trong số đó có những trẻ còn cứng đờ người khi được âu yếm. Những trẻ này hầu như chưa từng được nếm trải cảm giác làm nũng.
Bên cạnh đó, các bạn cần biết rằng nếu như trẻ không có phản ứng khi phải tách rời mẹ trong hai lần kiểm tra sức khỏe vào năm 1,5 và 3 tuổi thì có thể nói đây là chứng cứ của việc hình ảnh hiền dịu của mẹ không được khắc ghi trong tâm trí trẻ. Những trẻ không chịu rời xa mẹ mới đúng là “trẻ ngoan”.
Khi nhắc đến chuyện này, có những người mẹ nói với tôi: “Là do con không làm nũng tôi đấy chứ”. Nhưng nguyên nhân là khi còn ở giai đoạn sơ sinh, trẻ chưa được vuốt ve, âu yếm đủ.
Những trẻ này chắc chắn không biết “lạ”, hoặc có thì cũng rất ít. Trẻ “biết lạ” trong khoảng từ 6 đến 8 tháng tuổi là minh chứng của sự phát triển quan hệ mẹ - con.
Quan hệ mẹ - con ấm áp cùng sự ổn định cảm xúc là những chất dinh dưỡng không thể thiếu để giúp tấm lòng “biết quan tâm” nảy mầm trong tâm hồn trẻ.
Can thiệp quá sâu và bao bọc làm ngưng trệ sự phát triển động lực tự thân
Một yếu tố quan trọng khác giúp định hình nhân cách là “động lực tự thân”. Động lực tự thân phát triển là nền tảng để khai phóng lòng say mê và tính sáng tạo.
Động lực tự thân bắt đầu phát triển trong khoảng từ 1 đến 3 tuổi, biểu hiện ở những trò “nghịch ngợm” mà tôi có nhắc tới như: lật úp thùng giấy vụn, bôi bẩn lên gương, rút hết giấy ăn trong hộp ra hay xé giấy dán tường…
Nhờ vào việc được cho phép nghịch ngợm mà động lực tự thân của trẻ phát triển, trẻ trở thành em bé sống có đam mê.
Tuy nhiên có nhiều cha mẹ lại cấm con nghịch ngợm. Trẻ bị cấm nghịch ngợm sẽ trở nên trầm tính, dễ bảo, song động lực tự thân lại bị ngưng trệ.
Còn việc động lực tự thân chậm phát triển thì do trẻ được nuôi dạy trong môi trường bị bao bọc hoặc bị can thiệp, kiểm soát quá mức.
Bao bọc là việc làm giúp trẻ mọi thứ, kể cả những việc trẻ có thể tự làm được. Cha mẹ sẽ ngay lập tức đỡ trẻ dậy nếu trẻ bị ngã, mặc giúp quần áo, lau mặt giúp… tóm lại là chăm sóc tới “tận chân răng”. Có những cha mẹ còn bao bọc đến mức nhất định không cho con làm điều gì nguy hiểm hay không cho con ra ngoài. Xu hướng này càng xuất hiện rõ ở những gia đình sống chung với người già.
Mặt khác, can thiệp - kiểm soát là cách nuôi dạy con với quan điểm coi những đứa trẻ lễ phép, trầm tính, biết vâng lời là “trẻ ngoan”. Từ đó cha mẹ tạo áp lực lên những hành động “nghịch ngợm” và “phản kháng” của trẻ.
Những trẻ vừa bị can thiệp vừa bị bao bọc thì luôn phụ thuộc vào người khác, thiếu trầm trọng năng lực hành động dựa trên suy nghĩ của mình. Chính vì vậy, trẻ không biết cách chơi với bạn bè.
Cứ như vậy bước vào tiểu học, thời kỳ nổi loạn từ 7 đến 9 tuổi cũng không xuất hiện.
Tình bạn trải qua những lần kết bè phái, giao kết bí mật sẽ có ích cho trẻ từ sau khi bước vào tuổi dậy thì. Sau khi dậy thì, trẻ bắt đầu quá trình độc lập về tâm lý nên thường tìm đến bạn bè để giải quyết những phiền não của mình. Những trẻ cô độc không làm được điều này, chỉ biết chịu đựng một mình cũng bởi động lực tự thân của trẻ phát triển chậm.
Đặc biệt, hiện trạng trẻ từ chối đến trường đang bùng phát tại Nhật Bản cũng có nguyên nhân lớn nằm ở động lực tự thân chậm phát triển mà tôi đã đề cập tới. Cụ thể hơn là bởi trẻ đã quen với cuộc sống được bao bọc và kiểm soát, từ đó được đánh giá là “trẻ ngoan” rồi.
Tuy nhiên, khi bước vào cấp hai và cấp ba, bị đặt vào những trường hợp cần đến động lực tự thân, trẻ lại không biết phải làm thế nào nên không thể đến trường vì quá lo lắng. Bằng chứng là, nếu như cha mẹ “phó thác” cho trẻ một cách triệt để, trẻ sẽ bắt đầu phát triển động lực tự thân, và khi động lực tự thân ấy đạt đến mức độ tương ứng với lứa tuổi, trẻ sẽ chủ động đến trường.
Tuy nhiên, để tới được cái đích đó cần khoảng 2 - 3 năm và cha mẹ cũng phải chịu nhiều cay đắng trong quãng thời gian này. Bất giác tôi nghĩ: “Nếu từ nhỏ cha mẹ không can thiệp, không giúp đỡ quá mức như vậy thì cha mẹ đã không phải chịu đựng những nỗi buồn này...”
Ngoài ra, một “sản phẩm” khác của sự chậm phát triển động lực tự thân là những đứa trẻ không ý chí - không trách nhiệm - không quan tâm, hay còn được gọi là “chủ nghĩa ba không”.
Bên cạnh đó, khi xem xét kỹ quá trình sinh hoạt của những trẻ mắc chứng thần kinh, có thể thấy rằng trẻ bị cha mẹ bao bọc hoặc can thiệp quá mức. Trẻ tự sát cũng có quá trình sinh hoạt mà từ đó có thể suy ra rằng trẻ bị chậm phát triển động lực tự thân.
Tại Nhật Bản vẫn còn tồn tại tư tưởng giáo dục phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, ngay cả trong giới giáo dục, đâu đâu cũng thấy “mùi” của sự kiểm soát, học sinh nhất nhất phải tuân theo lời giáo viên.
Nếu cứ mãi mãi như vậy thì thật nguy hiểm cho tương lai của Nhật Bản. Vì khi đất nước phải đối mặt với khó khăn, những con người thiếu động lực tự thân đang ngày càng đông lên ấy sẽ dễ dàng gục ngã.
Kiềm chế - giúp đỡ - trải nghiệm xã hội
Nhằm nuôi dưỡng năng lực thích nghi cho trẻ, cần phải nuôi dưỡng khả năng kiềm chế trước những nhu cầu về tiền bạc, vật chất. Nếu bạn hay “nuông chiều” trẻ, trẻ sẽ trở thành đứa trẻ ích kỷ, thậm chí có thể sử dụng bạo lực gia đình để đòi hỏi điều mình muốn. Chúng ta cần dạy trẻ biết nêu rõ thứ mình mong muốn (có động lực tự thân) nhưng đồng thời cũng biết kiềm chế trước chúng.
Bên cạnh đó, hãy để trẻ giúp đỡ việc nhà. Khi trẻ nói muốn giúp, hãy để cho trẻ giúp. Việc này cũng có ích đối với việc phát triển động lực tự thân.
Hơn nữa, cũng cần phải mang lại cho trẻ nhiều trải nghiệm xã hội, trong đó bao gồm cả những trải nghiệm về nỗi vất vả. Trẻ không thể nào có tinh thần vững vàng nếu cha mẹ không muốn con vất vả mà chỉ hưởng thụ an nhàn. Những trẻ hơi đi bộ một chút đã kêu mệt là do được đi ô tô quá nhiều. Hãy cho con đi leo núi hay sử dụng các phương tiện công cộng như tàu, xe bus… Những trải nghiệm này rất có ích giúp trẻ rèn luyện ý chí, việc gì cũng muốn thử sức mình.
Cha mẹ cùng hợp sức
Cuối cùng, việc cha mẹ cùng bàn bạc, thống nhất phương hướng để nuôi con là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ ở Nhật Bản từ xưa đến nay lại không có thói quen bàn bạc với nhau. Điều đó tạo ra những người cha vô trách nhiệm đổ hết việc dạy con lên đầu người vợ.
Việc giao trách nhiệm cho ai đó lẽ ra phải là biểu hiện của sự tin cậy, nhưng thực chất đây lại là sự phó mặc, vô trách nhiệm. Bằng chứng là khi có vấn đề gì xảy ra với con, nhiều ông bố ngay lập tức trách mắng và đổ lỗi cho người mẹ.
Khi tìm hiểu về vấn của trẻ, tôi nhận thấy sự thiếu gắn kết trong tâm hồn cha mẹ hay việc cả cha lẫn mẹ đều thiếu động lực tự thân là khá nổi bật.
Tóm lại, nhằm bồi đắp động lực tự thân cho người dân Nhật Bản, tôi nghĩ đã đến lúc phải điều chỉnh lại một cách căn bản nền giáo dục, từ giai đoạn trẻ sơ sinh. Nếu không, những cuộc khủng hoảng lớn sẽ “ghé thăm” Nhật Bản trong thế kỷ XXI.