Vấn đề nằm ở ý thức về “giới” của người mẹ
Từ năm 1947, tôi đã nhận thấy sự cần thiết của giáo dục giới tính cho trẻ và bắt tay vào thực hiện điều đó. Chúng tôi mở lớp trông trẻ ngoài trời từ suy nghĩ không thể để mặc lũ trẻ nhận thức vấn đề này. Thời đó, Tokyo vẫn còn hoang vu, các gia đình vẫn còn tự trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm với mục đích tự cung tự cấp. Một hôm mẹ của một em đang học ở lớp tôi đến gặp tôi mặt mày tái mét và run rẩy kể rằng nhìn thấy em bắt chước lũ thỏ ở nhà giao cấu. Người mẹ nổi giận trước hành động đó nên đã đánh con và giết chết lũ thỏ. Chị hỏi tôi phải làm thế nào để uốn nắn đứa “trẻ hư” này.
Tôi rất ngạc nhiên trước thái độ của người mẹ, không hiểu tại sao chị phải nhạy cảm trước vấn đề giới tính đến vậy. Trẻ nhỏ chưa có mối quan tâm đặc biệt tới chủ đề này. Chúng chỉ đơn giản bắt chước lũ thỏ mà thôi, cũng giống như các trò chơi bắt chước động vật tại lớp như làm vòi voi hay bật nhảy giống con ếch. Việc mẹ trầm trọng hóa điều đó mới chính là vấn đề, bởi cách xử này sẽ gây tổn thương cho con.
Tôi đã thực hiện một cuộc điều tra xem các mẹ suy nghĩ như thế nào về vấn đề giới tính, trả lời thế nào trước những câu hỏi của con như: “Em bé đến từ đâu?”, hay giải thích với con thế nào khi “con nhìn thấy chó giao cấu”.
Kết quả cho thấy, hầu hết các bà mẹ đều cho rằng các vấn đề liên quan tới giới tính là tục tĩu, hoặc coi đây là tội ác, là không trong sáng.
Trước đây tôi đã từng học ngành y, hiểu được sự tuyệt vời của tình dục nên thấy rằng đây là quan niệm rất sai lầm. Nhưng tôi cũng hiểu rằng nền giáo dục trước chiến tranh thực sự coi tình dục là tội ác nên không thể trách các bà mẹ được. Tôi chỉ cảm thấy nên giáo dục giới tính cho các bà mẹ thì tốt hơn.
Năm 1950, tình cờ tôi được trường trung học gần nhà mời tham gia giáo dục giới tính, tôi rất phấn khích về việc này. Cô hiệu trưởng của trường thấy lo lắng trước tình trạng hỗn loạn về tình dục lúc bấy giờ nên quyết định tích cực giáo dục trẻ. Cô mong muốn học sinh của mình bước ra xã hội với ý thức lành mạnh về giới tính. Hơn nữa, vào thời đó, 2/3 số học sinh tốt nghiệp trung học bắt đầu ra đời đi làm luôn, rất dễ bị cám dỗ trong thế giới đời thường, đặc biệt về tình dục.
Cảm nhận được tâm huyết của cô hiệu trưởng, tôi nhanh chóng cùng các thầy cô dạy môn Gia đình, Sinh vật, Xã hội của trường xây dựng đề cương cho môn giáo dục giới tính. Ví dụ như trong một giờ học, giáo viên môn Gia đình sẽ nói về ý nghĩa của gia đình, còn tôi sẽ phụ trách mảng sinh lý, giới tính.
Khi tôi đứng trên bục giảng, tất cả học sinh cả nam lẫn nữ đều im phăng phắc. Đến giờ tôi vẫn không quên ánh mắt nghiêm túc của các em khi nhìn tôi giảng bài, và tôi hiểu rằng các em mong muốn được biết những kiến thức đúng đắn.
Giáo dục giới tính đúng nghĩa phải được hậu thuẫn bởi “tình yêu”
Giáo dục giới tính đúng nghĩa là sự kết hợp giữa giáo dục nhân cách và giáo dục sức khỏe, trong đó trụ cột của giáo dục nhân cách là giáo dục về “tình yêu”. Giáo dục giới tính không có nền tảng “tình yêu” thì chỉ là giáo dục về các cơ quan sinh dục. Có thể nói cách thức giáo dục này đang tràn lan tại Nhật Bản.
Ở Thụy Điển, chương trình giáo dục giới tính ca ngợi “hành động giao cấu trên nền tảng tình yêu” hoàn toàn mang ý nghĩa trên. Khi chương trình giáo dục giới tính của Thụy Điển được phát sóng với nội dung cho rằng giao cấu được chấp nhận nếu hai người nam nữ có tình cảm với nhau, truyền thông Nhật Bản thậm chí còn cho đó là quan hệ bừa bãi. Điều đó thể hiện bối cảnh văn hóa - xã hội của Nhật Bản, một xã hội không đào sâu suy nghĩ xem tình yêu thực sự là gì.
Vậy yêu thực sự là gì? Đó không phải là sự yêu thích mặt ngoài mà là tấm lòng muốn hy sinh hết bản thân mình cho đối phương. Người Nhật ghét từ “hy sinh” vì chúng ta thường bị người khác áp đặt chứ không có quyền quyết định dựa trên động lực tự thân của mình. Sự hy sinh dựa trên động lực tự thân chính là tình yêu. Mặc dù yêu là một việc không dễ dàng nhưng thông qua tình yêu, tình dục mới trở nên có ý nghĩa. Mặt khác, nếu chỉ dừng lại ở tìm kiếm khoái lạc từ tình dục, con người sẽ đánh mất đi nhân tính.
Trẻ em học cách yêu thương từ tình yêu thương của cha mẹ, vì thế việc có nhiều trải nghiệm được yêu thương là rất quan trọng đối với trẻ. Hơn nữa, trẻ càng nhỏ tuổi càng cần được tiếp xúc thân mật và “cùng vui chơi”. Sau đó, nhờ vào quan hệ thân thiết giữa cha mẹ vào con cái, trẻ sẽ vừa được ổn định cảm xúc vừa trở nên biết quan tâm tới đối phương và yêu thương sâu sắc những người xung quanh. Với nền tảng nhân cách như vậy, khi những đôi trai gái yêu nhau, kết nối về thể xác sẽ thăng hoa. Đây chính là ý nghĩa của tình dục có nền tảng tình yêu.
Những con người này biết coi trọng cơ thể mình, và việc được giáo dục sao cho biết coi trọng các cơ quan sinh dục của mình cũng là một trong những nền tảng của giáo dục giới tính. Ở điểm này, giáo dục trong gia đình và nhà trường lại xem nhẹ các cơ quan sinh dục, coi là tục tĩu hoặc xem như tội ác khi nói đến chuyện tình dục, cũng bởi cha mẹ hay thầy cô được nuôi lớn lên trong môi trường coi chuyện tình dục là tục tĩu. Kết quả, họ thấy ngại ngùng khi phải giáo dục giới tính cho trẻ.
Ngay cả hiện tại, khi tôi hỏi các bà mẹ có ấn tượng gì khi nghe đến từ “giới tính”, 70 - 80% đều trả lời là “tình dục”. Thế mới thấy truyền thông có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào. Trong khi đó, những quan điểm giáo dục giới tính đúng đắn vẫn còn chưa được phổ cập. Nếu như giáo dục giới tính chỉ là giáo dục tình dục, quả thực chính tôi cũng ái ngại khi phải dạy cho trẻ. Do đó, trước tiên chính người lớn cần phải học về giáo dục giới tính một cách đúng đắn nhất.
Mối quan tâm tới người khác giới
Trẻ bắt đầu ý thức rõ việc có hứng thú về những người khác giới và mở lòng với họ khi bước vào tuổi dậy thì. Điều này còn được gọi là “sự thức tỉnh về giới”. Nhờ vào sự thức tỉnh này, chúng ta có thể lựa chọn được người bạn đời và bắt đầu xây dựng gia đình tương lai. Trường hợp ai đó không có sự thức tỉnh về giới, chắc chắn họ đã phải chịu đựng sự kìm hãm nào đó trong đời sống. Đặc biệt, những trẻ được mẹ nuông chiều thường thích ôm mẹ, suốt ngày “bám váy” mẹ nên không có hoặc ít quan tâm tới người khác giới. Bên cạnh đó, những trẻ thường chơi với anh chị em cùng giới tính lại ít có cơ hội giao lưu với những bạn bè khác giới cũng chậm thức tỉnh về giới. Tóm lại, nếu là một đứa trẻ được phát triển lành mạnh về tâm hồn, chắc chắn sẽ xuất hiện biểu hiện thức tỉnh về giới. Do đó, cha mẹ hay thầy cô cần thấy may mắn vì trẻ ở tuổi dậy thì quan tâm tới bạn khác giới.
Tuy nhiên, tại Nhật Bản, cha mẹ và thầy cô lại có xu hướng không vui mừng vì điều này. Một phần vì còn mang nặng tư tưởng phong kiến, mặt khác do họ cảm thấy việc qua lại giữa các đôi nam nữ trẻ rất nguy hiểm. Tư tưởng phong kiến cho rằng cha mẹ là người quyết định chuyện hôn nhân của con cái và con cái không được phản đối người mà cha mẹ chọn, hay nói cách khác, tự do yêu đương đồng nghĩa với bất hiếu. Nếu họ yêu người cha mẹ không thích, họ sẽ không thể kết hôn, nếu làm trái lời có thể còn bị cha mẹ cắt đứt quan hệ. Tư tưởng này vẫn còn tồn tại trong những vị phụ huynh tuổi trung niên trở lên. Do đó, khi thấy con có quan hệ với những người khác giới, nhiều cha mẹ sẽ lo lắng, những cha mẹ hay giáo viên thấy mừng vì điều này rất ít. Họ sẽ lập tức cảnh cáo con “đừng có mà yêu đương nhăng nhít, lo mà học hành đi”.
Tình hình thực tế tại Nhật Bản cũng cho thấy trẻ không có điều kiện để kết đôi với bạn khác giới một cách lành mạnh. Nhật Bản không có kiểu vì hai đứa trẻ đi lại với nhau mà phụ huynh hai bên cũng qua lại, cũng không có nơi phù hợp để các bạn trẻ đi chơi một cách cởi mở. Trong không gian như vậy, trẻ đành phải lén lút đi lại với nhau, còn các vị phụ huynh phản đối cật lực, hoặc đứng từ xa theo dõi với tâm trạng đầy lo lắng.
Bên cạnh đó, các cha mẹ và thầy cô lúc nào cũng lo lắng về việc bọn trẻ sẽ nhanh chóng “vượt rào” để tiến đến quan hệ thể xác. Sở dĩ người lớn lo lắng vì đã có những báo cáo về các trường hợp quan hệ khi yêu đương, thậm chí có cả trường hợp một em gái mang thai. Ngoài ra, phía truyền thông còn thêm thắt rằng các cặp nam nữ trẻ có xu hướng ít do dự khi tìm kiếm khoái lạc từ tình dục. Điều này cho thấy tất cả mọi người chưa được giáo dục giới tính một cách đúng đắn.
Giáo dục và sự phát triển ý thức về giới
Giáo dục giới tính một cách đúng đắn phải được bắt đầu khi trẻ còn nhỏ.
Thứ nhất, cha mẹ phải trở thành hình mẫu trong việc chăm sóc, quan tâm lẫn nhau. Trong đó, dù hành động và vai trò của cha mẹ có khác nhau cũng vẫn phải đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ. Những cặp vợ chồng có đời sống biết quan tâm lẫn nhau như vậy sẽ không bảo thủ mà lưu giữ những quan niệm cổ hủ từ xưa truyền lại. Ví dụ, người cha coi chuyện làm việc nhà hay chăm sóc con cái là đương nhiên. Những người chồng trong thời phong kiến lại nghĩ rằng đàn ông không cần phải tham gia làm việc nhà hay nuôi dạy con cái, và coi vợ như nô tì trong nhà. Ngược lại, các gia đình dân chủ không chấp nhận hình ảnh đó của người đàn ông.
Trẻ sẽ nhìn vào hình ảnh của cha mẹ mà ý thức về vai trò của giới. Hay nói cách khác, ý thức về vai trò của giới sẽ được quyết định bởi những điều trẻ được dạy. Ví dụ, những bé trai được sinh ra trong những gia đình có người cha tích cực làm việc nhà thì khi bé được mẹ cho làm việc nhà sẽ vui vẻ làm. Ngược lại, những bé trai sinh ra trong gia đình có người cha coi vợ như người hầu, còn người mẹ coi việc nhà là dành cho con gái, không phải việc dành cho con trai thì bé sẽ mang ý thức giống cha mình, nghĩa là đàn ông sử dụng người phụ nữ như người hầu. Ý thức này có khả năng lưu truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình.
Tóm lại, ý thức về vai trò của giới được hình thành khác nhau tùy thuộc vào hiện trạng xã hội (phong kiến hay dân chủ) và gia đình. Mà ngày nay, ý thức hệ phong kiến vẫn còn tồn tại trong xã hội Nhật Bản, điều đó được thể hiện trong hình ảnh trẻ em của chúng ta.
Ý thức về người khác giới bắt đầu phát triển từ tầm 2 - 3 tuổi, bắt đầu từ nhận thức về hình thức (cấu tạo cơ thể, điệu bộ), sau đó đến sự khác nhau về vai trò của từng giới. Trong quá trình này, cha mẹ, tiếp đó là thầy cô là hình mẫu in sâu vào ý thức của trẻ.
Tuy nhiên, ý thức này còn tiếp tục biến đổi khi trẻ được chơi với những bạn bè khác giới đồng trang lứa. Vì lẽ đó, anh chị em hay bạn bè khác giới đóng vai trò rất quan trọng. Đúng là việc trẻ chủ động chơi với bạn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ suy nghĩ về nam - nữ của cha mẹ và thầy cô giáo, song thông qua việc chơi cùng trẻ khác giới, trẻ sẽ biết được chính xác bản chất của bạn khác giới với mình. Bản chất này ít nhất sẽ không có nhiều khác biệt trong những năm đầu tiểu học.
Do đó, ít nhất cho tới khi trẻ đến tuổi có sự thức tỉnh về giới, không cần phải tạo khác biệt trong cách ứng xử với bé gái hay với bé trai. Thế nhưng tại Nhật Bản, các phụ huynh thường muốn nuôi dạy con “nữ tính” từ sớm, nên phụ nữ Nhật Bản thường có khuynh hướng không có “động lực tự thân”, hay nói cách khác là bị hạn chế động lực tự thân. Những phụ nữ không có động lực tự thân thường ngoan ngoãn vâng lời, được coi là người vợ tốt, song khi rơi vào trường hợp phải tự quyết định lại không biết phải làm thế nào, trở nên rối loạn, có khi còn đưa ra những quyết định sai lầm ảnh hưởng lớn tới con nữa. Có những bà mẹ còn ngược đãi, thậm chí giết chết con, hay có những bà mẹ cố đưa con vào khuôn khổ học tập, kỷ luật thép.
Suy nghĩ theo hướng này thì quan niệm giáo dục con gái trở nên “nữ tính” đã vướng phải sai lầm cơ bản. Thêm vào đó, cần phải để con trai giúp việc nhà thật nhiều.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu từ trước tới nay, khi trẻ học lớp 3 lớp 4 - tương đương với lứa tuổi nổi loạn, trẻ sẽ chơi nhiều với các bạn đồng giới và xa lánh bạn bè khác giới. Thường thì khi chơi chung trong một nhóm, các bé trai hay khinh khỉnh nói: “Cái bọn con gái…”, còn các bé gái lại thường xuyên cho rằng: “Mình ghét bọn con trai hay đánh nhau!”, thế nhưng khi chỉ có một bạn trai một bạn gái, các em lại trở nên thân thiết với nhau.
Cuối cùng, trẻ bước vào thời kỳ dậy thì và nhận thức rõ hơn về giới.
Mối quan tâm tới vấn đề sinh sản và cơ quan sinh sản
Trẻ bắt đầu quan tâm tới vấn đề sinh sản và các cơ quan sinh sản vào tuổi dậy thì, hay còn gọi là thời kỳ thức tỉnh về giới tính. Trẻ cũng quan tâm tới sự hình thành con người, việc mang thai, sinh nở hay sự khác biệt về cấu tạo và chức năng trong bộ phận sinh dục của nam và nữ…
Chỉ có điều trước đó trẻ được dạy rằng quan tâm tới vấn đề sinh sản và các cơ quan sinh sản là “điều xấu” nên các em chỉ biết tìm hiểu một cách lén lút từ những sách báo, tạp chí khiêu dâm mà không được trang bị những kiến thức chính thống. Các em coi đó là chuyện đương nhiên, hoặc ngược lại, có em lại cảm thấy tội lỗi. Tôi đã từng phụ trách mục tư vấn trên báo dành cho học sinh trung học trong hơn 10 năm và nhận thấy rằng, câu hỏi về vấn đề sinh sản và các cơ quan sinh sản rất nhiều. Hơn nữa, 100% các em khi gửi câu hỏi đều dặn người tư vấn phải giữ bí mật về chuyện này. Cần phải cung cấp kiến thức chính xác về giới và đính chính những hiểu biết sai lầm cho các em. Thông qua đó, cần dạy các em biết chăm sóc bộ phận sinh dục của mình và có ý thức coi trọng nó.
Ngược lại, các bạn cần biết rằng trước khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ nhỏ quan tâm đến mọi thứ xung quanh và các hiện tượng về giới chỉ là một trong số đó mà thôi. Câu hỏi: “Em bé đến từ đâu” cũng khác với những vấn đề mà trẻ sau tuổi dậy thì thắc mắc, và các em sẽ hài lòng với bất cứ câu trả lời nào của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ lại thường cảm thấy lo lắng vì thiếu tự tin khi phải trả lời chính xác về tình dục. Nỗi lo ấy hiện rõ trên nét mặt cũng như trong ánh mắt của mẹ, trẻ con thường nhạy cảm nên nhìn thấu hết. Như vậy lại càng đáng sợ hơn.
Mối quan tâm đến giới tính của trẻ tiểu học cũng giống của trẻ mẫu giáo. Tại trại hè của tôi, có lần một học sinh nam lớp 4 cầm áo lót của cô giáo đem đi giấu. Nhắc đến áo lót là nhiều người nghĩ tới những hành vi đồi bại, song trên thực tế trẻ thấy vui vì được cô giáo đuổi theo đòi áo mà thôi. Bằng chứng là khi cô giáo tức giận nói: “Thôi cho con luôn đấy”, cậu bé chẳng còn hứng thú nữa.
Tuy nhiên, trong những bé trai bị mẹ nuôi dạy theo lối can thiệp, tạo áp lực, có những em do bản ngã chưa hoàn thiện, hoặc do muốn giải tỏa những nhu cầu không được đáp ứng nên thường cố tình để lộ cơ quan sinh dục của mình hoặc thu thập quần áo phụ nữ. Tuy nhiên, khi bản ngã của những trẻ này hoàn thiện và chúng được giải phóng khỏi áp lực, những vấn đề này cũng sẽ kết thúc. Sau đó các em bắt đầu thức tỉnh về giới, thể hiện sự quan tâm tới việc sinh sản và các cơ quan sinh dục và cũng có nhu cầu tìm hiểu người khác giới. Đó chính là sự phát triển bình thường.
Tôi đã lên tiếng về tầm quan trọng của giáo dục giới tính trong suốt hơn 40 năm nay. Trong khoảng thời gian này, vấn đề giáo dục giới tính đã được viết thành sách cũng như được đưa lên truyền thông nhiều. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trẻ đã được ý thức và nhận thức đúng đắn về giới tính hay chưa? Đúng là số lượng trẻ có hiểu biết về sinh sản cũng như các bộ phận sinh dục ngày một nhiều lên, song đó chỉ đơn thuần dừng lại ở giáo dục về các bộ phận sinh dục chứ chưa thể được coi là giáo dục giới tính xuất phát từ nền tảng nhân cách. Không chỉ vậy, những tạp chí kích thích ngày một tràn lan, khiến cho ý thức về giới của trẻ bị sai lệch. Cách giáo dục này càng khiến các bà mẹ liên tưởng tới “tình dục” khi nhắc tới “giới tính”. Đây cũng là một biểu hiện của hình thức giáo dục giới tính bỏ qua nền tảng “tình yêu”.
Đã đến lúc Nhật Bản phải điều chỉnh lại từ gốc rễ cách giáo dục giới tính của mình.