Hiện tượng tự sát ở trẻ em đang dần trở thành vấn nạn xã hội
Hiện tại, vấn đề tự sát ở trẻ em đang trở thành vấn nạn xã hội, độ tuổi tự sát cũng ngày một thấp hơn. Việc trẻ em tự sát không chỉ là nỗi đau của riêng trẻ và gia đình mà còn mang tới hình ảnh đen tối cho xã hội, vì vậy cần đưa ra biện pháp để hạn chế càng sớm càng tốt. Và để làm được điều đó, cần phải làm rõ nguyên nhân trước.
Tuy nhiên, đây là một vấn đề phức tạp, trước hết cần phân biệt đó là tự sát hay tử vong do tai nạn, sau đó cần xem xét đến “nguyện vọng được chết” của trẻ. Mặt khác, có một vấn đề trong các biện pháp hạn chế tự sát hiện nay là làm thế nào để nhận biết những dấu hiệu của việc tự sát. Khi phân tích những dấu hiệu đó, tôi nghĩ cần phải xem chúng liên quan thế nào tới “nguyện vọng được chết” của trẻ.
Điều cần thiết khi làm rõ nguyên nhân tự sát là tách biệt giữa các sự việc với bản chất con người của trẻ. Đặc biệt, vấn đề nằm ở sự liên hệ giữa nhân cách của trẻ với quá trình trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình. Việc xem xét cả quá trình trẻ được nuôi dạy kéo theo rất nhiều khó khăn, nhưng tôi cho rằng đây là chìa khóa quan trọng để tìm ra nguyên nhân tự sát.
Ngoài ra, còn có những vấn đề tồn tại khác như cách giáo dục tại nhà trường, các phương tiện thông tin đại chúng (tivi, tạp chí…) hay phương pháp giáo dục của toàn xã hội…
Mối liên hệ giữa tự sát và tử vong do tai nạn
Tôi cho rằng từ trước tới nay, chưa có nhiều thảo luận về mối liên hệ giữa tự sát và tử vong do tai nạn. Tuy nhiên, khi thống kê các trường hợp tự sát, đương nhiên cần phải tìm hiểu vấn đề này.
Thứ nhất, tự sát có khả năng bị coi là tử vong do tai nạn. Việc trong gia đình có người tự sát thường mang tới những bất lợi về mặt xã hội và khiến cho nhiều cha mẹ sợ mang điều tiếng xấu. Do đó, họ thường bằng cách nào đó báo lên các cơ quan chức năng rằng đây là tử vong do tai nạn hoặc tử vong đột ngột. Để làm được như vậy, cha mẹ trẻ đã phải dùng cách thức nào đó để giấu diếm sự thật nên ít khi bị phát hiện, cũng khó để điều tra. Tuy nhiên, việc bị đồn thổi là không thể tránh khỏi.
Mặt khác, cũng có những trường hợp giả vờ tự sát dẫn tới tử vong thật. Trong trường hợp trẻ không để lại di thư và cha mẹ cũng không nghĩ ra được nguyên nhân nào, rất có thể đây là tử vong do tai nạn.
Nếu xem xét số lượng thống kê các vụ tự sát trên quan điểm này, không thể kết luận rằng tình hình tự sát đang tăng hay giảm. Việc thống kê trở nên rất vô nghĩa. Chuyện này cũng khiến tôi nghĩ tới những trường hợp trẻ sơ sinh tử vong ngay sau khi sinh được báo lên là tử vong trong khi sinh. Việc điều tra sự thật đối với trường hợp này cũng khó vô cùng.
Nguyện vọng được chết và kế hoạch tự sát
“Nguyện vọng được chết” là từ được dùng trong ngành thần kinh học, chỉ những người gặp vấn đề do bệnh trầm cảm và THỰC SỰ “muốn chết”. Thực sự có nghĩa là hoàn toàn nghiêm túc mong muốn điều đó, chỉ cần lơ là một chút là người đó sẽ tự sát thành công.
Tôi coi đây là vấn đề vì trong một lần làm điều tra xã hội học, có tới 40 - 60% trẻ từ tuổi dậy thì trở đi trả lời: “Rồi” đối với câu hỏi: “Bạn đã bao giờ muốn chết chưa?”, khiến tôi hoài nghi không hiểu đây có phải là nguyện vọng được chết hay không. Không ít những người nghiên cứu về tự sát sử dụng thuật ngữ này đối với những trường hợp trả lời như vậy, nhưng quả là có vấn đề nếu xét trên lộ trình tự sát. Trong những người “muốn chết”, có những người chỉ đơn thuần vì tổn thương, có những người do phải đứng trước những tình huống khó khăn mà đột nhiên nảy ra ý định tự sát. Dùng “nguyện vọng được chết” cho những trường hợp này dễ bị xa rời vấn đề nguồn gốc của tự sát. Do đó, sau này cần luận giải kỹ hơn về những vấn đề liên quan tới “nguyện vọng được chết” như quy định về khái niệm, hay mức độ mong muốn được chết…
Hơn nữa, phần lớn trẻ từ chối tới trường thường có câu cửa miệng “muốn chết”. Nhưng khi tìm hiểu kỹ tình trạng của trẻ, tôi hiểu rằng trẻ chỉ muốn dùng cách này để “làm nũng”, và tôi cũng tin rằng những đứa trẻ nói đi nói lại “muốn chết” với cha mẹ mình chắc chắn sẽ không tự sát. Trên thực tế, những trẻ từ chối tới trường tham gia trị liệu cùng tôi chưa có ai tự sát cả. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ dùng dao cắt cổ tay, uống thuốc ngủ hoặc mở van ga, nhưng đều được người lớn phát hiện kịp thời cứu.
Tuy nhiên, tại Hội thảo Phòng tránh tự sát lần thứ tư, nghiên cứu viên Hirao Miyako thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Tokyo công bố rằng đã có trẻ bỏ học tự sát (tôi sẽ tập trung vào các thông tin trong hội thảo này). Cần phải bàn rõ về điểm này: nếu như cha mẹ và thầy cô cứ bắt ép trẻ đến trường (bằng cách dọa dẫm, trách mắng…), kết quả tự sát cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt là những trẻ nhút nhát sẽ bị dồn vào tình trạng chỉ còn cách tự sát để phủ nhận bản thân. Chúng tôi thường hướng dẫn để các vị phụ huynh có con từ chối đến trường hãy cho con nghỉ học. Nếu làm được như vậy, nhiều trẻ sẽ rạng rỡ hơn, không còn nói “muốn chết” nữa.
Ngoài ra, theo những gì tôi nhận thấy ở một bộ phận trẻ bỏ học, kế hoạch tự sát thường chỉ là giả. Do đó, trẻ cũng không quyết định sẵn phương pháp để tự sát. Bằng cách làm rõ phương pháp tự sát của trẻ, ta có thể biết được trẻ có ý đồ tự sát thật hay chỉ muốn dọa cha mẹ. Với ý nghĩa đó, ta cũng có thể nghi ngờ liệu ý định tự sát của trẻ bỏ học có nảy sinh từ mong muốn được chết hay không. Trong số những trẻ có kế hoạch tự sát đến tư vấn tại văn phòng của chúng tôi, có một trẻ đã tự thiêu hai lần nhưng đều không thành. Trải qua 5 năm đằng đẵng, nhờ việc tư vấn cho người mẹ mà cô bé đã quay trở lại xã hội thành công. Đây là một nữ sinh viên đại học có hoàn cảnh gia đình vô cùng phức tạp, động lực tự thân phát triển chưa trọn vẹn và chỉ biết quan tâm tới bản thân mình.
Từ nay, cần phải kiểm chứng xem kế hoạch tự sát và việc tự sát không thành có liên quan đến nhau và có cùng nằm trong một lộ trình đồng nhất hay không. Hơn nữa, tôi cho rằng, cần điều tra thật kĩ lưỡng về thái độ giáo dục con của gia đình (đặc biệt là người mẹ), lấy trọng tâm là sự hình thành nhân cách con người. Về điểm này, trong nội dung Hoạt động tư vấn giáo dục, nghiên cứu viên Hirao cũng chỉ ra rằng số ca tự sát không thành và mong muốn được chết đang gia tăng. Động cơ của những vấn đề này vô cùng đa dạng, từ những trường hợp “nhẹ” cho đến nghiêm trọng. Tôi thấy rằng cần xem xét xem nghiên cứu viên Hirao coi trường hợp “nhẹ” như thế nào thì có liên quan tới tự sát. Đặc biệt, trong những lần tư vấn cho các vị phụ huynh có con bỏ nhà hoặc bỏ học, có rất nhiều lần họ kể rằng con tự sát không thành. Tôi không cho rằng đó là trường hợp “nhẹ” như Hirao nói. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây là hành động dọa dẫm nhằm đẩy cha mẹ vào trạng thái bất an đỉnh điểm, nhưng không mang mong muốn được chết.
Bên cạnh đó, việc giải thích như thế nào về di thư để lại cũng là vấn đề. Động cơ viết thư thường nhằm để tự tôn vinh bản thân, đổ lỗi cho người khác và vấn đề nằm ở chính bản thân người viết. Hirao cũng chỉ ra rằng hầu hết những trẻ đã tự sát thường viết rằng: “Thực sự con rất muốn sống”, nhưng đó đương nhiên là nhu cầu tự nhiên của mỗi đứa trẻ. Tôi cho rằng cần phải hiểu từ “mong muốn được chết” không thể diễn tả được cảm giác của những đứa trẻ đang đứng giữa sự sống và cái chết.
Sự hình thành nhân cách và thái độ chăm sóc của cha mẹ
Về nhân cách của trẻ, Hirao chỉ ra các đặc điểm “không có bạn”, “không có tính tập thể”, “cô độc”. Những đặc điểm này đã được tôi lý giải trong nghiên cứu của mình rằng việc động lực tự thân bị hạn chế ảnh hưởng tới khả năng kết bạn của trẻ, mà nguyên nhân sâu xa nằm ở việc cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình quá bao bọc và can thiệp từ khi trẻ được 1 - 3 tuổi.
Đặc biệt, những trẻ luôn làm theo lời cha mẹ khi bị đặt vào tình huống phải tự đưa ra quyết định sẽ lập tức nản lòng như “diều đứt dây” (Hirao nói) và hành động một cách bột phát. Mặt khác, những trẻ chịu sự bao bọc quá mức lại trốn tránh khi phải đứng trước những tình huống khó khăn đòi hỏi động lực tự thân. Có thể coi tự sát là hành động có tính bột phát hoặc trốn chạy. Hành động khám phá (nghịch ngợm) khi trẻ từ 1 đến 3 tuổi và thời kỳ phản kháng đầu tiên lẽ ra phải xuất hiện khi trẻ từ 2 đến 4 tuổi lại không xuất hiện ở những trẻ bị hạn chế động lực tự thân. Ngược lại trẻ còn được coi là “trẻ ngoan”, và chính đánh giá đó lại hình thành nên cảm xúc sai lầm về giá trị cá nhân. Việc trẻ “nhút nhát, hay hốt hoảng” cũng liên quan với việc sợ nhận được đánh giá không tốt của người khác, từ đó trở nên khó kết bạn.
Đứng trên quan điểm này, việc phòng tránh tự sát có thể bắt đầu ngay từ thời thơ ấu của trẻ bằng cách để mắt tới việc hình thành nhân cách, đồng thời hướng dẫn cho các vị phụ huynh thúc đẩy phát triển động lực tự thân cho trẻ.
Tuy nhiên, dù có cho rằng động lực tự thân là nền tảng dẫn tới các nguyên nhân của tự sát đi nữa, cũng cần phải xem xét tại sao trẻ lại lựa chọn “cái chết”.
Ở điểm này, chúng tôi cho rằng hình tượng cha mẹ (đặc biệt là người mẹ) đã không được khắc ghi trong lòng con. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp lâm sàng trong đó những trẻ từ 1 đến 3 tuổi không thân thiết với mẹ, không biết “làm nũng” thông qua tiếp xúc gần gũi với mẹ. Để trị liệu, cần cho trẻ tiếp xúc gần gũi với mẹ bằng bất cứ cách nào, dù trẻ ở bất cứ độ tuổi nào. Khi đó, trạng thái “làm nũng” sẽ xuất hiện, hình ảnh mẹ sẽ khắc sâu trong tâm trí con, từ đó quan hệ tin cậy giữa mẹ và con được hình thành, giúp giải quyết những vấn đề lâm sàng. Khi hình ảnh thân thiết của cha mẹ (đặc biệt là người mẹ) được khắc ghi, con sẽ không “trốn chạy” khỏi gia đình nữa.
Do đó, vấn đề cơ bản phòng ngừa tự sát là coi trọng sự phát triển động lực tự thân, bên cạnh đó cần có những hướng dẫn về giáo dục trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi) nhằm tạo dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Ngoài ra các trường mẫu giáo và tiểu học cũng cần có chức năng xác nhận sự phát triển động lực tự thân và quan hệ cha mẹ - con cái để nhanh chóng phát hiện vấn đề.
Có điều, đối với những trường hợp tự sát ở trẻ trước tuổi dậy thì, vấn đề lại nằm ở khả năng chịu đựng bất mãn vì không được đáp ứng nhu cầu.
Nói cách khác, có những trẻ tự sát bột phát khi không được đáp ứng nhu cầu tiền bạc, vật chất do đã quen với việc được nuông chiều. Trong những trường hợp này, trẻ không có cảm xúc bối rối khi đứng giữa sự sống và cái chết do chưa đủ nhận thức về cái chết và chỉ đơn thuần muốn làm cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp này cũng cần phải suy xét về điểm: liệu hình ảnh của cha mẹ (đặc biệt là mẹ) đã được khắc ghi trong con chưa, liệu con có biết “làm nũng” mẹ khi còn nhỏ không.
Về mặt này, Hội thảo cũng chỉ ra rằng cha mẹ nên lo lắng về thái độ giáo dục con cái trong vòng 20 năm qua. Đặc biệt, anh Kikuchi - điện thoại viên đường dây nóng Sinh mệnh Tokyo đã chỉ ra rằng, mặc dù không liên quan trực tiếp tới trẻ tự sát, song càng ngày càng có nhiều bà mẹ thấy con phiền phức hay nhiều cha mẹ không truyền cảm hứng cho con về niềm vui sống… Anh cho rằng các vị phụ huynh cần nuôi dưỡng cho con cảm xúc về giá trị sinh - tử. Tuy nhiên, cụ thể phải làm thế nào thì vẫn là vấn đề cần giải quyết trong những nghiên cứu sau này.
Dấu hiệu tự sát
Từ ba hội thảo phòng chống tự sát đã đề cập, các nhà nghiên cứu đã nêu lên tầm quan trọng của việc phát hiện sớm những dấu hiệu tự sát. Chị Hirao đã nói về trường hợp những trẻ có kế hoạch tự sát và trẻ nói “muốn chết”, phân tích dấu hiệu của hai trường hợp tự sát này. Chị chỉ ra rằng cần tìm dấu hiệu tự sát trong mối liên hệ với vấn đề nhân cách, hay nói cách khác là “sự cô độc”.
Tuy nhiên, nếu không tách biệt lời nói và suy nghĩ “muốn chết” của trẻ với những trường hợp “nhẹ” và những thứ liên quan tới mong muốn được chết, cả cha mẹ và giáo viên sẽ bị đẩy vào tình trạng lo lắng bất an. Nếu coi việc trẻ nói “muốn chết” là triệu chứng và dấu hiệu của tự sát, sẽ có một nửa số phụ huynh phải lo lắng, và trách nhiệm phòng tránh tự sát sẽ trở nên quá nặng nề đối với các phụ huynh. Do đó, cần phải sử dụng thật cẩn thận những từ như “dấu hiệu”, bên cạnh đó cũng cần xem xét vấn đề hình thành nhân cách.
Có điều, như giáo sư Inamura Hiroshi từ trường Đại học Ibaraki chủ trương rằng: mục đích khơi dậy nhận thức về tầm quan trọng của việc thanh lọc tinh thần rất có ý nghĩa, và mục đích đó chỉ được hoàn thành khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giáo viên và học sinh được nhìn nhận lại.
Vấn đề về dấu hiệu cần được bàn luận cụ thể hơn. Hirao cho rằng: “Có điều gì đó phía sau việc muốn chết”, nhưng “điều gì đó” cụ thể là như thế nào thì lại không được chỉ ra. Việc giải quyết vấn đề sẽ trở nên vô cùng khó khăn nếu như “cả gia đình, nhà trường và địa phương phải cùng chung tay lý giải cảm xúc chủ quan của người tự sát”. Hirao muốn làm rõ vấn đề dấu hiệu của tự sát trong khi tìm hiểu về “điều gì đó”. Còn tôi thì cho rằng “điều gì đó” nằm trong sự biến dạng của quá trình hình thành nhân cách.
Ảnh hưởng mà giáo dục trường học và truyền thông mang lại
Hiện nay, mọi người đều nhận thấy có sự biến chất trong giáo dục, ví dụ như “trận chiến thi cử”. Tuy nhiên, khi chưa có tình trạng phải quyết chiến với thi cử như ngày nay, trẻ cũng đã tự sát, và khi phải thi cử rồi cũng vẫn có những trẻ không tự sát nên không thể coi trường học là nguyên nhân của tự sát. Trong phát biểu của Hirao, chị có đưa ra một số trường hợp tự sát do trẻ đang giữ vị trí đứng đầu ở trường lại tụt xuống thứ 10, hay do không thi đỗ vào Đại học Tokyo, và tôi nghĩ, để làm rõ nguyên nhân của những trường hợp như trên cần xem xét quá trình hình thành nhân cách của những trẻ này.
Ngày nay vẫn có những cha mẹ mắc “bệnh Đại học Tokyo”1, hoặc quá coi trọng thành tích học tập, hướng con nhận thức giá trị bản thân qua học thức. Hơn nữa, những đứa trẻ cố gắng nâng thành tích học tập theo yêu cầu của cha mẹ không những chậm phát triển động lực tự thân mà còn ít có cơ hội “làm nũng” cha mẹ. Những đứa trẻ này thiếu năng lực kết bạn, tất yếu trở nên “cô độc” khi bước vào tuổi dậy thì hay khi trưởng thành.
1 Trường đại học danh giá nhất Nhật Bản.
Do đó, cần phải đặt ra câu hỏi cha mẹ nuôi dạy trẻ dựa trên giá trị quan nào. Ở điểm này, Hirao có nêu lên vấn đề của nhà trường và đưa ra nhận xét rất chuẩn xác rằng: “Điểm mấu chốt nằm ở mối quan hệ bạn bè và mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái trong đời sống của trẻ”.
Ngoài ra, tại hội thảo này, những vấn đề mang tính xã hội như xã hội Nhật Bản thường lý tưởng hóa tự sát hay cách tiếp cận vấn đề “cái chết” của giới truyền thông cũng được đề cập đến.
Trong một xã hội coi trọng thứ bậc, việc lý tưởng hóa tự sát xuất phát từ tinh thần vì việc công mà quên đi cá nhân, hết lòng phụng sự cho chủ. Tư tưởng ấy thực sự không nên được áp dụng trong nền giáo dục ngày nay. Ngược lại, các nước Âu - Mỹ lại coi tự sát là một tội ác, tuy nhiên cũng khó giải thích khi tại Đức (Tây Đức cũ) và Áo, tỉ lệ tự sát vẫn rất cao. Những nghiên cứu so sánh văn hóa như thế này khá thú vị đối với các học giả, song không có lợi ích gì cho việc phòng tránh tự sát ở trẻ em Nhật Bản.
Ở điểm này, Hirao đã nêu lên được một ý rất đáng nghe: “Do giới trẻ khi đọc các bức thư tuyệt mệnh thường lý tưởng hóa cái chết, nên có thể áp dụng việc này vào giáo dục bằng cách cho một nhóm cùng đọc và chia sẻ ý kiến. Cũng có thể làm tương tự với những trẻ tự sát không thành hay các nhóm trẻ quậy phá tại các trung tâm tư vấn”. Hiện tại có nhiều lời phàn nàn rằng các trung tâm tư vấn còn đang hoạt động chiếu lệ, chưa có đủ tâm huyết. Đây đúng là vấn đề chung của các trung tâm, song điều đó không liên quan trực tiếp tới vấn đề tự sát. Tuy nhiên, ngay cả những đường dây nóng như “Điện thoại sinh mệnh”, dù có chức năng trực 24/24 để tư vấn đi nữa cũng chưa hẳn đã có ích cho việc phòng tránh tự sát ở trẻ.
Hội thảo cũng đề cập tới ảnh hưởng của truyện tranh và tivi. Các học giả chỉ ra rằng, những sản phẩm có nội dung nói đến vấn đề giết người vào nội dung khiến trẻ mang suy nghĩ coi thường sinh mạng. Như tôi đã nói việc làm thế nào để nuôi dưỡng giá trị quan về sinh tử trong tâm hồn trẻ cần được nghiên cứu thêm về sau này, thế nhưng việc liên hệ văn hóa truyền thông với giá trị quan về sinh tử của trẻ thì có lẽ là chỉ làm rối thêm quan điểm phòng ngừa tự sát ở trẻ mà thôi. Tôi cho rằng giá trị quan về sinh tử chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ tác động của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình thông qua những sinh hoạt đời thường của trẻ.
Hiện tại, không thể phủ nhận rằng sự biến chất trong giáo dục trường học hay khuynh hướng suồng sã, thiếu nghiêm túc của giới truyền thông có ảnh hưởng lớn tới trẻ em, song suy luận những điều này là nguyên nhân khiến trẻ tự sát là khá cường điệu.
Để phòng tránh tự sát ở trẻ, bên cạnh làm rõ nguyên nhân còn cần có những biện pháp phù hợp, tuy nhiên những biện pháp được đưa ra này rất dễ mâu thuẫn với nguyên nhân. Do đó, cần làm rõ mối liên quan giữa sự hình thành nhân cách với thái độ nuôi dạy trẻ. Về việc hình thành nhân cách, có lẽ vấn đề đang nằm ở sự phát triển động lực tự thân cùng sự kết nối tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó, sự hình thành giá trị quan về sự sống và cái chết cũng là vấn đề cần giải quyết.