Từ chối đến trường là hiện tượng chim trưởng thành không muốn rời tổ
Lần đầu tôi tiếp xúc với trẻ từ chối đến trường là vào năm 1953. Chuyện bắt đầu khi một người mẹ đến xin tôi tư vấn vì bị bạo hành bởi cậu con trai đã bỏ học từ kỳ hai năm lớp 7. Xuất hiện trước mặt tôi, người mẹ bị thâm tím mặt do bị đấm, còn tôi ngày ấy không thể tưởng tượng nổi có đứa con nào lại có thể đấm cha mẹ mình.
Tuy nhiên, từ những năm 1955 trở đi, tôi nhận được thêm nhiều trường hợp xin tư vấn về việc con bỏ học, ngay cả các hội thảo cũng bắt đầu bàn luận về vấn đề này và các trường hợp như tôi đã kể cũng nhiều lên. Hiện tại, mỗi ngày có khoảng 100 phụ huynh (hầu hết là các bà mẹ) đến phòng tư vấn tại trường đại học của tôi xin ý kiến về việc con bỏ học, còn danh sách đăng ký ngày một dài thêm.
Hiện tượng trẻ từ chối đến trường không xuất hiện ở những đất nước văn minh khác. Đương nhiên cũng có một số trường hợp đặc biệt, nhưng không nghiêm trọng tới mức được trở thành đề tài của các buổi hội thảo như tại Nhật Bản. Cần phải nhìn nhận rằng nước Nhật có một bối cảnh xã hội đặc thù dẫn tới hiện tượng này.
Một trong những đặc thù đó là chế độ giáo dục từ thời phong kiến vẫn còn tồn tại trong nhà trường cũng như trong gia đình. Thêm một điểm nữa là xã hội coi trọng bằng cấp nên thiên lệch về giáo dục kiến thức. Kết quả là nền giáo dục đã cho ra lò những đứa trẻ được đánh giá là “trẻ ngoan” khi có thành tích học tập tốt, biết nghe lời cha mẹ - thầy cô, có điều trên thực tế, trẻ lại chậm phát triển động lực tự thân. Bên cạnh việc chậm phát triển động lực tự thân, trẻ còn có tính phụ thuộc cao và quá chú trọng vào bản thân. Tính phụ thuộc là kết quả của việc được nhận sự chăm sóc quá mức, còn chú trọng vào bản thân là kết quả của việc được chiều chuộng. Chăm sóc quá mức là thái độ nuôi dưỡng bao bọc, giúp đỡ con mọi việc dù cho đến một lứa tuổi nhất định có thể giao phó cho con làm một việc nào đó phù hợp rồi. Nhất định trong gia đình nào cũng có những người như vậy. Còn chiều chuộng là thái độ đáp ứng bất cứ nhu cầu tiền bạc - vật chất nào của trẻ. Nhiều trường hợp hai thái độ này còn song song tồn tại.
Tính phụ thuộc là trạng thái trông đợi vào người lớn, nếu bên cạnh không có người lớn nào giúp đỡ mình, trẻ sẽ thấy lo lắng, chạy trốn về gia đình. Còn tính chú trọng vào bản thân xuất hiện ở những trẻ hành động dựa theo nhu cầu của bản thân mà không quan tâm những người xung quanh nghĩ gì, hay nói cách khác là ích kỉ. Những hành động này đương nhiên không được chấp nhận trong những tập thể ngoài gia đình nên trẻ lại trốn chạy về gia đình - nơi chấp nhận sự ích kỉ của trẻ.
Có thể nói, bỏ học là trạng thái “trốn chạy” về gia đình, một trạng thái đáng chú ý trong nhóm những hành vi có tính trốn tránh.
Các dạng từ chối đến trường
Tôi không thích phân tích bằng cách chia thành dạng như thế này, nhưng đành phải phân chia để giải thích rõ nguyên nhân.
Từ chối đến trường dạng cấp tính
Từ chối đến trường dạng cấp tính là trạng thái xuất hiện đột ngột khi trẻ đến tuổi dậy thì. Cho đến khi từ chối đến trường, trẻ vẫn được thầy cô đánh giá là “ngoan”, trong đó còn có những trẻ được khen đến mức “không còn gì phải phàn nàn”. Phụ huynh của trẻ cũng lầm tưởng con mình “ngoan” vì không quấy phá, bên cạnh đó trẻ cũng được hàng xóm xung quanh khen ngợi. Cho đến khi từ chối đến trường, không ít trẻ có cuộc đời thuận buồm xuôi gió, thậm chí còn thành công rực rỡ. Việc những trẻ này đột ngột từ chối đến trường vào tuổi dậy thì khiến cho cha mẹ vô cùng hoang mang.
Có một cậu bé cho đến khi bỏ học vào năm lớp 8, quả thực cuộc đời cậu đã rất huy hoàng. Từ tầm 1 - 2 tuổi, cậu bé đã được đánh giá là có tính tự lập vì không gây phiền hà đến ai, cũng không làm nũng. Khi đi học mẫu giáo, cậu cũng được hàng xóm xung quanh đánh giá tốt vì lúc nào cũng thấy dắt tay em gái nhỏ hơn 1 tuổi đến trường.
Đến khi vào tiểu học, cậu bé vẫn là một đứa trẻ không có điều gì phải chê trách khi có thành tích học tập xuất sắc vượt trội, được thầy cô hết lời khen ngợi. Năm lớp 5 cậu còn tham gia Hội tìm hiểu chim hoang dã, có thành tích tốt đến mức được đồn đại là sẽ trở thành học giả nghiên cứu tài năng trong tương lai. Thế mà đến năm lớp 8, thành tích học tập của cậu sụt giảm, cậu bỏ học, nhốt mình 5 năm trời trong nhà và có những hành động như mắc chứng thần kinh. Tuy nhiên 3 năm sau đó, cậu đã lấy lại được động lực tự thân, thi đỗ kỳ thi tốt nghiệp cấp ba, cuối cùng cũng quay lại được quỹ đạo cuộc sống. Chính vì có quá khứ quá thành công nên cậu mới cần khoảng thời gian dài đến vậy để hồi phục.
Từ chối đến trường dạng mãn tính
Trạng thái từ chối đến trường dạng mãn tính xuất hiện từ khi trẻ học mẫu giáo. Từ sau khi vào tiểu học, trẻ vẫn thiếu tính tích cực đối với việc đến trường. Sau mỗi lần phải nghỉ dài vì ốm, hay nghỉ hè, nghỉ lễ là trẻ có xu hướng ghét quay trở lại trường.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, nếu có biện pháp thì trẻ vẫn sẽ đến trường, song từ sau thời kỳ dậy thì, trẻ sẽ cự tuyệt hoàn toàn. Những trẻ này do được chăm sóc quá mức nên động lực tự thân chậm phát triển, trong đó cũng có không ít trẻ do được nuông chiều nên chỉ biết đến bản thân mình. Trẻ không được rèn luyện khả năng chịu đựng nỗi đau.
Tôi cũng thấy rằng, hầu như những trẻ này không có bạn hoặc ít bạn.
Từ chối đến trường dạng hỗn hợp
Dạng hỗn hợp được chúng tôi phát hiện trong khi đang sắp xếp nguyên nhân từ chối đến trường ở trẻ, có không ít trường hợp không thể phân loại về dạng cấp tính hay mãn tính.
Như đã trình bày, nguyên nhân của dạng mãn tính là việc trẻ được bao bọc hoặc nuông chiều quá mức, còn của dạng cấp tính là việc trẻ phải làm theo sự kiểm soát hay mệnh lệnh của cha mẹ. Dạng hỗn hợp có nhiều trường hợp phức tạp trộn lẫn cả hai dạng này. Thái độ nuôi dạy con cái đầy mệnh lệnh và sự kiểm soát của cha mẹ đã hạn chế sự nghịch ngợm cũng như phản kháng của con, đưa con vào cái khung “trẻ ngoan” mà cha mẹ mong muốn. Nói cách khác, trong khi còn thơ ấu, trẻ được coi là “trẻ ngoan” nếu vâng lời cha mẹ. Thái độ nuôi dạy con như thế rất phổ biến. Đương nhiên, thái độ kiểm soát thường bao gồm cả việc mắng mỏ, nhưng cũng có những trẻ tâm sự rằng: “Bố mẹ con cũng nói nhẹ nhàng thôi, nhưng không biết từ lúc nào lại thành ra hướng con phải làm theo những gì bố mẹ nói”. Khi được cha mẹ đánh giá là “ngoan”, trẻ sẽ cố duy trì những hàng động được khen ngợi, từ đó không thể đi lệch khỏi hướng được vạch sẵn đó nữa. Chính xác là trẻ đã rơi vào trạng thái mất tự do, nhưng vì còn được khen nên vẫn tiếp tục. Trên quan điểm của chúng tôi, những trẻ này như những ông bà cụ non, tâm hồn trẻ thơ bị ức chế, nhưng trong mắt những người lớn thích con biết nghe lời, dễ bảo thì đây lại là “trẻ ngoan”.
Trẻ thuộc dạng hỗn hợp một mặt bị giới hạn trong cái khung “trẻ ngoan” của người lớn, mặt khác lại được bao bọc hoặc chiều chuộng quá mức. Ví dụ có những trường hợp vì trẻ học giỏi như ý muốn của cha mẹ nên cha mẹ cũng không ngần ngại mua đồ chơi hay dụng cụ học tập để đáp ứng đòi hỏi của trẻ. Mặt khác cũng có trẻ được bao bọc quá mức, đến độ cha mẹ luôn phải quan tâm xem con có để quên đồ ở trường hay không…
Như vậy, dạng hỗn hợp không có đặc trưng rõ ràng dẫn tới việc từ chối đến trường, có những trường hợp giống dạng cấp tính, cũng có những trường hợp giống dạng mãn tính.
Từ chối đến trường dạng tiềm ẩn
Dạng tiềm ẩn bao gồm những trẻ không bỏ học hẳn, nhưng không có ý muốn học tập nên thành tích học tập sụt giảm. Trẻ đến trường không mục đích, chỉ cần có một lý do vu vơ nào đó cũng khiến trẻ rơi vào trạng thái từ chối đến trường. Xem xét kỹ quá trình sống của những trẻ này, có thể thấy rõ trẻ cũng được nuôi dạy bởi thái độ kiểm soát và mệnh lệnh của cha mẹ hoặc được bao bọc yêu chiều quá mức. Những trẻ này thường bị lưu ban. Khi nghiên cứu về những trẻ bị lưu ban này, chúng tôi thấy rằng có không ít trẻ bị lưu ban không phải vì trí tuệ kém mà do động lực tự thân của trẻ chậm phát triển. Do đó, chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm rằng chỉ cần thúc đẩy sự phát triển động lực tự thân, lòng ham học của các em sẽ trỗi dậy và thành tích sẽ được nâng cao hơn. Để làm được như vậy, tất cả chỉ cần “giao phó” cho trẻ là được.
Quá trình từ chối đến trường
Quá trình từ khi trẻ bắt đầu bỏ học cho đến khi hồi phục và chủ động quay lại trường được diễn ra như dưới đây, tất nhiên trong đó có không ít trường hợp các dấu hiệu tồn tại lẫn lộn không theo trật tự này.
Trạng thái ban đầu
Ban đầu, trẻ thường kêu bị ốm như đau đầu, đau bụng, ngoài ra còn rất nhiều dạng bệnh khác. Khi trẻ bị ốm, cha mẹ đương nhiên phải cho con nghỉ học, khiến con càng lười đến trường hơn.
Nếu ép buộc trẻ đến trường, trạng thái từ chối sẽ được thể hiện rõ. Sau nhiều dọa nạt, ép buộc, người cha thường sẽ đánh con, khiến cho trẻ càng kiên quyết từ chối, có trường hợp còn chống đối lại bằng bạo lực, đến mức cha mẹ phải chịu thua.
Thời kỳ bạo lực
Bạo lực xuất hiện ở phần lớn những trẻ bỏ học. Dựa vào tính chất của hành vi bạo lực, có thể chia thành ba nhóm như sau:
Tấn công thân thể:
Phần lớn nạn nhân trong các vụ tấn công này là người mẹ. Trẻ đấm, đá hoặc xô ngã mẹ. Thậm chí có những trường hợp do trẻ quá hung hăng nên cha mẹ phải cho trẻ ở riêng nhà. Tuy đây mới chỉ là tình trạng bạo lực trong gia đình vì những trẻ này vẫn đến trường nhưng cũng có thể coi đây là tình trạng bạo lực của trẻ từ chối đến trường.
Phá hoại đồ đạc:
Có nhiều trường hợp trẻ vừa tấn công thân thể vừa phá hoại đồ đạc, nhưng cũng có những trường hợp chỉ xuất hiện trạng thái phá hoại đồ đạc. Ngoài những ví dụ điển hình như đập vỡ chén bát hay đồ sứ/thủy tinh, còn có trẻ xé hoặc ném quần áo của cha mẹ vào nước, cắt nát hoặc làm bẩn chiếu/thảm, đốt album ảnh hồi nhỏ của mình hay những món đồ khác… Trong đó có cả những sinh viên học ngành kiến trúc phá cột nhà, không ít người bị chẩn đoán nhầm là mắc bệnh thần kinh.
Gây rối:
Đây là trạng thái trẻ tấn công bằng lời nói, đưa ra cho cha mẹ những yêu cầu vô lý và hối thúc cha mẹ thực hiện, khiến cho cha mẹ kiệt quệ về mặt tinh thần. Những yêu cầu vô lý được đưa ra như là “làm cho mũi con cao lên”, “làm thon chân cho con” hay “làm cho con cao lên”…, thậm chí có trẻ còn hỗn hào với mẹ: “Bà đẻ ra tôi mà, làm sao thì làm đi”. Không dừng ở đó, còn có những trẻ nói rằng cách ăn nói của người mẹ “bẩn thỉu”, yêu cầu phải sửa đổi…
Những trạng thái bạo lực kể trên có trường hợp xuất hiện đơn lẻ, nhưng cũng nhiều trường hợp hòa trộn phức tạp trong cùng một cá thể.
Thời kỳ và mức độ bạo lực cũng vô cùng đa dạng, từ mức có thể chịu được cho đến mức gay gắt khiến cha mẹ không thể chịu đựng nổi. Tuy nhiên, việc có chịu được hay không cũng liên quan tới cách tiếp nhận của cha mẹ. Có những cha mẹ không chịu được vũ lực dù nhẹ nhàng nhất, nhưng cũng có những cha mẹ cố chịu đựng những hành vi vũ lực khủng khiếp của trẻ. Về phía trẻ thì cha mẹ càng hốt hoảng, trẻ càng trở nên mất bình tĩnh hơn. Có bà mẹ nọ không chịu nổi vũ lực của con đã nhanh tay tóm lấy tay con và tát con một cái, từ đó trẻ không còn thực hiện hành vi bạo lực với mẹ nữa. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ những người mẹ cứng rắn được như vậy không nhiều.
Thời kỳ uể oải
Sau thời kỳ bạo lực, rất nhiều trường hợp chuyển sang thời kỳ uể oải. Khi thời kỳ này xuất hiện, các hành vi bạo lực giảm dần, cuối cùng hết hẳn.
Đến thời kỳ này, trẻ có biểu hiện thích ngủ nướng, trẻ thường ngủ đến trưa mới dậy, có những trẻ ngủ đến tận chiều tối. Đời sống sinh hoạt bị đảo lộn khi trẻ xem tivi và nghe đài suốt đêm, đến sáng lại buồn ngủ. Trẻ cũng không thèm đánh răng rửa mặt, không thay đồ ngủ, không tắm hay không cắt tóc. Vì trẻ không quét dọn hay sắp xếp lại phòng mình nên phòng trở nên bừa bộn. Trẻ cũng không ra ngoài nên da dẻ trở nên xanh tái, đầu tóc luộm thuộm. Các bà mẹ thường vô cùng đau lòng khi con không đến trường mà ở trong trạng thái lười nhác như vậy. Vào lúc này, tôi khuyên các bà mẹ nên làm những việc gì mình thích hay đi làm thêm để bớt đau đầu.
Chúng tôi còn gọi trạng thái này là “làm tổ” vì trẻ nhốt mình trong phòng suốt, chỉ đến giờ ăn mới xuất hiện, hơn nữa tần suất cũng rất ít. Đặc biệt trẻ tránh gặp mặt bố. Có những trẻ bị chẩn đoán nhầm là mắc bệnh “trầm cảm”, nhưng ngược lại, đây là thời kỳ quan trọng để trẻ chuẩn bị tinh thần tự lập.
Thời kỳ hồi phục
Cuối cùng cũng đến lúc trẻ muốn nghĩ tới bản thân mình. Điều này đồng nghĩa với việc động lực tự thân bắt đầu nảy mầm.
Nhờ đó, trước hết trẻ bắt đầu điều chỉnh lại sinh hoạt của mình. Trẻ sẽ ngủ dậy trong buổi sáng, khoảng tầm 8 giờ, rồi tự động rửa mặt, đi tắm và thay đồ. Trong số đó có trẻ tự cắt tóc, cũng có trẻ nhờ mẹ giúp. Nói cách khác, trẻ đã quay về nếp sinh hoạt bình thường và điều chỉnh lại những thói quen của mình.
Có những trẻ còn bắt đầu tập thể dục, chạy bộ hay ra ngoài đạp xe vào chiều tối lúc ít người nhìn thấy để cơ thể bớt yếu ớt. Vào giai đoạn này, trẻ đã nói chuyện bình thường trở lại với mẹ và mẹ cũng bớt “dè chừng” con hơn. Nếu như trước đây mỗi khi nhắc đến chuyện trường lớp trẻ đều tức giận, khó chịu thì lúc này trẻ có thể tỏ ra bình thường, không bận tâm.
Cuối cùng trẻ bắt đầu giao lưu với những người bên ngoài gia đình. Có khách đến nhà trẻ cũng giao tiếp bình thường, bắt đầu nghe điện thoại gọi đến, trả lời một cách bình thường. Có những trẻ còn gọi điện đến nhà bạn và ra ngoài nhiều hơn. Nếu đạt đến trạng thái này thì việc trẻ tự giác đến trường sẽ tới vào một ngày không xa.
Chủ động đến trường
Nhiều trẻ sẽ bắt đầu đi học trở lại vào học kỳ mới hoặc năm học mới, nhưng cũng có những trẻ sẽ quay lại ngay giữa kỳ. Trẻ đi học lại do quyết định chủ động nên sẽ không từ chối đến trường nữa. Nhiều trẻ tích cực kết bạn, tham gia các câu lạc bộ và thể hiện sự ham học. Có những trẻ còn trở thành đội trưởng đội cổ vũ của trường cấp ba hay làm lớp trưởng nữa. Thời gian từ chối đến trường là quãng thời gian buồn khổ đối với trẻ, nhưng nếu vượt qua được chính bản thân mình, nhân cách của trẻ sẽ thay đổi.
Trên đây tôi đã ghi lại quá trình hướng dẫn các bậc phụ huynh điều trị cho con. Đối với học sinh cấp 2 là 1 - 2 năm, học sinh cấp 3 là 2 - 3 năm. Cũng có trường hợp kéo dài hơn, song chúng ta cần phải thật kiên nhẫn.
Nguyên nhân trẻ từ chối tới trường
Chậm phát triển động lực tự thân
Dù là dạng cấp tính hay mãn tính, nguyên nhân từ chối tới trường cũng nằm ở việc chậm phát triển động lực tự thân. Động lực tự thân là khả năng tự suy nghĩ, tự lựa chọn hành động và tự hành động. Khả năng tự suy nghĩ được bồi đắp khi trẻ được cha mẹ cho phép thử nghiệm và thất bại. Khả năng tự lựa chọn hành động là kinh nghiệm được rút ra từ những trải nghiệm phong phú trẻ đã từng có trong quá khứ, trong đó bao gồm cả những thất bại. Xem xét lại quá trình lớn khôn của những đứa trẻ từ chối tới trường, tôi thấy rằng trẻ ít được “giao phó”, mức độ trải nghiệm cũng rất hạn chế. Ít được “giao phó” bởi trẻ đã phải chịu nhiều can thiệp, chi phối hoặc được bao bọc quá mức. Bên cạnh đó, mức độ trải nghiệm hạn chế cũng xuất phát từ việc trẻ được bao bọc quá mức và có đặc trưng là ít trải nghiệm thất bại.
Khi xem xét kỹ lưỡng quá trình được nuôi dạy của những trẻ này và so sánh với những bạn bè đồng trang lứa, tôi thấy các em ít “nghịch ngợm” hay “phản kháng” - những yếu tố cần thiết cho sự phát triển động lực tự thân. Vì thế, phần lớn phụ huynh cho rằng con mình dễ nuôi và đánh giá sai lầm rằng đó là “trẻ ngoan”.
Như đã trình bày, sự “nghịch ngợm (hành động khám phá)” và “thời kỳ phản kháng đầu tiên” từ 2 đến 4 tuổi là cần thiết cho sự phát triển động lực tự thân, từ đó giúp hình thành năng lực tự suy nghĩ và năng lực tự lựa chọn hành động phù hợp từ những trải nghiệm đã có. Những trẻ được phát triển động lực tự thân một cách thuận lợi thì từ 3 đến 4 tuổi sẽ thích chơi với bạn bè một cách chủ động, cần những nơi tập trung nhiều trẻ con như nhà trẻ. Có bạn bè, trẻ sẽ cùng nhau vui chơi, cùng nhau “nghịch ngợm” và “cãi vã/đánh nhau” nhiều dựa trên việc tự khẳng định bản thân. Hay nói cách khác, những trẻ biết “cãi vã/đánh nhau” được xem là đang phát triển động lực tự thân.
Nếu việc kết bạn suôn sẻ trong những năm từ 4 đến 6 tuổi thì khi bước vào tuổi nổi loạn 7 - 9 tuổi, trẻ sẽ biết kết bè phái với bạn bè, thực hiện những giao ước bí mật. Chính trong khoảng thời gian này, “thời kỳ trả treo” mà tôi đặt tên là “thời kỳ phản kháng trung gian” xuất hiện. Trẻ sẽ đối đáp, phản bác tất cả mọi thứ cha mẹ nói. Tuy nhiên, những kiểu cảnh cáo từ thời phong kiến như: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “Dám cãi cha mẹ à!”… vẫn còn tồn tại nên trẻ không được phép nêu ý kiến cá nhân. Cách dạy con này trái ngược hẳn với các nước Âu - Mỹ, nơi trẻ được dạy phải thể hiện rõ ý kiến cá nhân. Do đó, dù cho trẻ có phản đối hành động của cha mẹ đi nữa, hầu hết cha mẹ đều tiếp nhận, coi đó là một ý kiến đóng góp.
Hầu như những trẻ từ chối đến trường đều không tích cực chơi với bạn bè từ thời học mẫu giáo, hoặc dù có chơi với bạn cũng chỉ chơi với những bạn giống như mình cho có bạn chứ không “cãi vã/đánh nhau” với người bạn đó. Cũng vì vậy mà nhà trường nhầm lẫn đánh giá các em là “trẻ ngoan”.
Những trẻ từ chối đến trường dạng cấp tính thường bị giới hạn trong cái khung lệch lạc “trẻ ngoan” và không được chấp nhận những hành động mang tính chủ động.
Thiếu năng lực thích nghi
Năng lực thích nghi là khả năng thích ứng với xã hội. Để có được năng lực này cần có động lực tự thân, song những trẻ được bao bọc quá mức không rèn luyện được năng lực này, luôn cảm thấy bất an mỗi khi rời khỏi gia đình, từ đó chán ghét mà trở lại “làm tổ” trong nhà. Có trường hợp trẻ được bao bọc đến mức học hết cấp hai rồi còn được mẹ bóc sẵn trứng cho ăn.
Phần đông những bà mẹ bao bọc con là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Họ luôn muốn ăn mặc thật chỉnh tề, muốn nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp, gọn gàng. Khi con phá vỡ những trật tự đó, vì mong mỏi giới hạn con vào khuôn khổ “trẻ ngoan” nên các bà mẹ này không thể đứng nhìn con làm mà phải lao vào trợ giúp ngay, vô hình trung trở thành bao bọc con quá mức.
Mặt khác, để phát triển được năng lực thích nghi cũng cần có khả năng khống chế ham muốn của bản thân, đặc biệt là ham muốn về tiền bạc, vật chất. Những trẻ bỏ học dạng mãn tính đặc biệt thiếu năng lực này. Trong số đó có nhiều trẻ có tính ích kỷ. Đó cũng là hệ quả của việc được chiều chuộng quá mức.
Những thái độ nuôi dạy con sai lầm như trên nảy sinh từ việc cha mẹ thiếu kiến thức về quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Kết quả là, với hiểu biết sai lầm của mình, cha mẹ luôn muốn con trở nên trầm tính, vâng lời và không làm cha mẹ vướng bận. Hơn nữa, việc chăm sóc con mọi mặt, cưng chiều con cũng khiến cho sự phát triển động lực tự thân của con bị chậm trễ.
Sống chung với người già
Trong những trẻ từ chối đến trường tới tư vấn chỗ chúng tôi, có 60% số trẻ sống chung với người già trong thời thơ ấu. Phần đông người già thích cuộc sống yên tĩnh, ngăn nắp, còn các bà mẹ lại “ngại” với các ông bà nên nhiều người đã gây áp lực khi con “nghịch ngợm”. Mặt khác, cũng có nhiều người già nhầm lẫn giữa việc yêu chiều cháu với việc đáp ứng những nhu cầu vật chất của cháu. Trẻ thiếu năng lực chế ngự bản thân, trở thành trẻ ích kỷ cũng vì được cưng chiều như vậy.
Quan hệ vợ chồng không hòa hợp
Khi quan hệ vợ chồng không hòa hợp, người mẹ có xu hướng củng cố quan hệ với con, nhất là về mặt tâm lý, nên dễ nảy sinh tình trạng bao bọc hoặc cưng chiều con quá mức. Khi sự thiếu hòa hợp giữa hai vợ chồng chưa được biểu hiện rõ nét, nhìn từ ngoài vào, họ trông vẫn giống một gia đình hạnh phúc. Nhưng khi tôi tiếp tục tư vấn sâu hơn, nhiều người vợ thể hiện rõ sự bất mãn đối với chồng. Có nhiều người mẹ trong số này chậm phát triển động lực tự thân nên không thể tự quyết định được những vấn đề liên quan đến con.
Ngoài ra, cần phải nhấn mạnh rằng số lượng trẻ bỏ học gia tăng là do chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ bối cảnh xã hội trọng bằng cấp khiến giáo dục nhà trường rơi vào tình trạng thiên về kiến thức, cộng thêm việc thiếu chỗ vui chơi khiến trẻ bị nhốt trong nhà. Để cải thiện vấn đề này đương nhiên cần nỗ lực, nhưng không thể trong một sớm một chiều, vì vậy trong gia đình cha mẹ cần đặc biệt cố gắng hỗ trợ trẻ phát triển động lực tự thân.
Phương pháp trị liệu
Chính vì nguyên nhân từ chối đến trường nằm ở chậm phát triển động lực tự thân nên cần phải giúp trẻ khôi phục tốc độ phát triển động lực tự thân càng sớm càng tốt.
Để làm được điều này, cần có tư vấn tâm lý cho các bậc phụ huynh, đề xuất tới họ thái độ “giao phó” cho con. Thái độ “giao phó” không phải là bỏ mặc một cách vô trách nhiệm. Đó là thái độ quan sát những gì trẻ làm mà không can thiệp, không giúp đỡ, khiến cho trẻ có trách nhiệm với cách sống của mình, từ đó phát triển được động lực tự thân. Để đạt được thái độ này, cha mẹ phải thật quyết tâm.
Nói một cách cụ thể hơn là cha mẹ cần giao phó hết cho con mọi việc, kể cả việc quyết định có đi học hay không. Đương nhiên con sẽ lựa chọn không đi, nên cha mẹ cần nộp đơn xin nghỉ học, rồi giúp con phát triển tính tự phát một cách chậm rãi.
Hơn nữa cha mẹ không được can thiệp, hay nói cách khác là phải giao phó hoàn toàn cho con trong các sinh hoạt thường ngày. Làm như vậy, trẻ có thể sẽ rơi vào trạng thái lười nhác, song từ đó khả năng tự giải quyết vấn đề của trẻ sẽ được rèn giũa. Nói cách khác, trẻ sẽ biết nghĩ rằng mình không thể mãi sống vô tổ chức như vậy, cần tự mình làm mọi việc. Từ đó, trạng thái hồi phục xuất hiện và đến giai đoạn này phụ huynh đã có thể tin cậy con hoàn toàn. Cho đến lúc đó, điều duy nhất mẹ cần làm là nấu cơm cho con ăn, còn ăn hay không hãy để con toàn quyền quyết định.
Thái độ “giao phó” này thực sự rất khó. Vì thế trong khi thực hiện có nhiều bà mẹ liên tục tỏ ra bất an, thành ra thực hiện không triệt để. Dù bên ngoài mẹ tỏ ra “giao phó” nhưng trong lòng lại chưa thực sự quyết tâm. Do đó, tôi vẫn phải tiếp tục tư vấn để giúp người mẹ thực sự biết “giao phó”.
Giai đoạn khó khăn nhất trong suốt quá trình tư vấn trị liệu là giai đoạn trẻ bước vào thời kì bạo lực. Đặc biệt, các bà mẹ khi cảm thấy nguy hiểm cho bản thân thường tỏ ra quá sợ hãi. Thái độ đó làm cho không ít trẻ trở nên hung hăng hơn. Người mẹ cần phải cứng rắn, ví dụ như có bà mẹ đã tát con thật mạnh khiến con sau đó không còn dám đánh mẹ nữa. Thế nhưng hầu hết các bà mẹ đều không làm được điều này. Cũng có những trường hợp người mẹ phải nhập viện điều trị bệnh tâm lý vì phải chịu bạo lực, sau khi quay về nhà tình trạng vẫn không khá hơn khiến việc hồi phục của trẻ lại càng kéo dài. Chúng tôi chỉ biết động viên bằng một chữ “nhẫn” với tất cả những bà mẹ ngày ngày gọi điện đến văn phòng chúng tôi, ấy vậy mà vẫn có những bà mẹ không chịu được, phải ra sống riêng.
Giai đoạn khó khăn thứ hai là giai đoạn trẻ bước vào thời kỳ uể oải. Lúc này, người mẹ không ngừng lo lắng rằng nếu tình trạng này cứ tiếp diễn con sẽ trở thành con người vô dụng. Đây cũng là lúc người mẹ cần giải thích để con hiểu rằng con cần phải đứng dậy bằng chính sức mình, song điều đó cũng không giúp giải tỏa nỗi lo lắng của mẹ. Thành ra tôi phải liên tục ngăn các bà mẹ tỏ thái độ “muốn giúp” con. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu các bà mẹ viết chi tiết về những sinh hoạt thường ngày của trẻ, dù rất ít nhưng cũng đã xuất hiện một số mặt trẻ đã hành động một cách chủ động. Khi được tôi chỉ cho thấy những mặt này thì thông thường các bà mẹ lại có thể tiếp tục thái độ “giao phó” cho con.
Những trẻ bỏ học dạng mãn tính nhận được sự cưng chiều quá mức nên trong số đó có không ít trẻ có ham muốn vật chất cao. Hơn nữa, có những trường hợp cha mẹ hứa sẽ đáp ứng nguyện vọng nếu trẻ chịu đến trường, nhưng cuối cùng dù có được đáp ứng, trẻ vẫn không chịu đi học, hoặc còn trở nên tham lam hơn, sử dụng bạo lực để đòi hỏi. Tuy nhiên, cha mẹ cần từ chối những ham muốn này. Hoặc nếu không thể thực hiện triệt để, cha mẹ có thể giảm bớt hoặc giới hạn số tiền để giúp con rèn luyện khả năng chịu đựng. Dù tốn thời gian nhưng khả năng này sẽ được rèn luyện, trẻ dần dần sẽ không đòi hỏi nữa.
Theo như kinh nghiệm của chúng tôi, càng những trẻ được yêu chiều quá mức càng có xu hướng sử dụng vũ lực với mẹ.
Ngoài ra cũng có những trẻ lại đòi nằm chung hay lẽo đẽo đi theo mẹ sau khi bỏ học. Nếu là con gái thì dễ cho ngủ cùng hơn, nhưng nếu là con trai, lại vào tuổi dậy thì thì khá khó thực hiện. Tuy nhiên, đôi khi sẽ có cơ hội để trẻ và mẹ gần gũi nhau như khi mát xa chẳng hạn, khi đó các bà mẹ đừng để lỡ cơ hội này mà hãy tận dụng cơ hội tiếp xúc gần gũi với con hơn. Khi xem xét kỹ quá trình nuôi dạy những trẻ này, chúng tôi nhận ra rằng trong giai đoạn thơ ấu từ 1 đến 3 tuổi, trẻ ít hoặc không được tiếp xúc cơ thể với mẹ. Để điều trị, chúng tôi đã đề nghị các bà mẹ tiếp xúc cơ thể với con bằng bất cứ hình thức nào.
Đối với những hành động phi lý (rửa tay vô số lần trong ngày, mỗi lần dùng hết 1 cuộn giấy vệ sinh,...) xảy ra trong thời gian trẻ từ chối đến trường, cha mẹ không cần ngăn cản. Khi động lực tự thân phát triển đầy đủ chúng sẽ tự kết thúc.
Bên cạnh đó, có cả những trẻ luôn mồm nói “muốn chết”, thậm chí cắt cổ tay, nhưng phần đa chỉ nhằm thu hút sự quan tâm của mẹ. Tuy nhiên, vẫn cần phải chú ý đến trẻ để tránh nguy cơ. Theo báo cáo về các trường hợp trẻ tự sát chúng tôi nhận được từ các trung tâm tư vấn khác, đây thường là những trẻ bị cha mẹ mắng nhiếc sau khi bị thầy cô dọa đuổi học. Cha mẹ tuyệt đối không được đe dọa trẻ trong trường hợp này mà cần cho con nghỉ một thời gian.
Hiện trạng gia tăng trẻ từ chối đến trường đã nói lên bối cảnh xã hội đặc thù của Nhật Bản. Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ từ chối đến trường nằm ở việc chậm phát triển động lực tự thân, do đó chắc chắn bối cảnh xã hội có góp phần vào việc kìm hãm động lực tự thân của trẻ. Tư tưởng phong kiến coi trọng thứ bậc còn tồn tại mạnh mẽ trong xã hội, chương trình giáo dục nhồi nhét sinh ra từ một xã hội trọng bằng cấp và sự thiếu hụt các khu vui chơi nơi trẻ em có thể hoạt động một cách chủ động, đó là những điều đã góp phần kìm hãm sự phát triển động lực tự thân ở trẻ. Từ bối cảnh xã hội này, cha mẹ, đặc biệt là người mẹ dễ có xu hướng ép con vào cái khung sai lệch “trẻ ngoan” bằng thái độ nuôi dạy đầy can thiệp và kiểm soát, hoặc có xu hướng bao bọc con quá mức khi liên tục xen vào hoặc giúp đỡ con. Những bà mẹ này bản thân cũng thiếu động lực tự thân, hoặc theo chủ nghĩa hoàn hảo. Cũng có thể giữa vợ chồng có trục trặc khiến họ trở nên gần gũi con bất thường hoặc do sống chung với người già nên “ngại” mà hạn chế những trò “nghịch ngợm” (hành động khám phá) của con. Hơn nữa vì những trẻ chậm phát triển động lực tự thân lại ngây thơ, trầm tính nên các trường học thường đánh giá sai các em là “trẻ ngoan”, khiến động lực tự thân của trẻ ngày một chậm phát triển hơn.
Thực tế, dù trẻ có từ chối đến trường đi nữa, chỉ cần cố gắng hết sức để phát triển động lực tự thân, hầu hết trẻ sẽ lại chủ động đến trường hoặc tự quyết định cuộc đời mình, trở nên vui vẻ đầy năng lượng hay nói cách khác là thay đổi nhân cách. Dù trẻ có bỏ học nhưng nếu nhận được phương pháp trị liệu phù hợp, họa sẽ chuyển đổi thành phúc.