Hành động bất thường ở trẻ là báo động đỏ thể hiện tâm trạng đang đau khổ của các em. Ngay cả khi biết sẽ bị mắng, các em vẫn làm như vậy để bị mắng. Những trăn trở, đau buồn đó là những dạng tâm lý nặng nề mà tự trẻ không thể giải quyết được. Do đó, cần có sự giúp đỡ của giáo viên và tác động của giáo viên đến phụ huynh. Nếu giải quyết được tâm lý lo buồn của trẻ, những hành động bất thường sẽ giảm và dần được xóa bỏ.
Thưa thầy cô, xin hãy chấp nhận con!
Nhu cầu được người khác chấp nhận là một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Ngay cả các giáo viên hẳn cũng có nhu cầu được hiệu trưởng hay đồng nghiệp chấp nhận. Nhu cầu đó ở trẻ em còn mạnh mẽ hơn. Việc được giáo viên chấp nhận đến mức nào sẽ quyết định toàn bộ niềm vui tại trường của trẻ, từ đó ảnh hưởng không ít tới đời sống sinh hoạt tại nhà.
Cũng chính vì vậy, vào mỗi năm học mới, trẻ thường lo lắng không biết sẽ gặp thầy cô nào. Tuy nhiên, nhu cầu của trẻ hoàn toàn không được để tâm trong quá trình phân công giáo viên vào từng lớp. Trẻ không có quyền lựa chọn giáo viên.
Trong xã hội Nhật, có ba nghề nghiệp được gọi là “thầy”, bao gồm nghề giáo viên, bác sĩ và luật sư. Tuy nhiên đối với bác sĩ hay luật sư, chúng ta có quyền được lựa chọn “thầy” cho mình, chỉ riêng với giáo viên là chúng ta không được phép lựa chọn. Thậm chí có phụ huynh còn cảm thấy con mình như bị bắt làm con tin khi có một giáo viên không hợp với con trở thành chủ nhiệm lớp. Trong trường hợp đó quan hệ thầy trò không phát triển, trẻ “thẩm thấu” năng lượng tiêu cực từ mối quan hệ này và phản ứng lại bằng những hành động bất thường với cường độ ngày một gia tăng.
Những giáo viên không coi trọng quan hệ với trẻ sẽ rất hách dịch trước những trẻ yếu đuối, thể hiện những hành động xem thường trẻ. Hơn nữa, họ luôn cố gắng nhồi trẻ vào cái khung “trẻ ngoan” của riêng họ, luôn đặt yêu cầu “nền nếp” lên hàng đầu khi đứng lớp và thấy tự hào nếu lớp giữ trật tự. Những giáo viên này không thấy được nét đặc trưng cũng như cá tính của mỗi trẻ nên dễ có xu hướng coi những trẻ có cá tính, không vừa với khung “trẻ ngoan” của mình là trẻ có vấn đề.
Nói cách khác, trong bối cảnh nền giáo dục đồng nhất, đối với những giáo viên thích kiểm soát trẻ bằng quy định thì hành động của những trẻ có cá tính và động lực tự thân luôn bị xem là hành động bất thường. Bởi vậy, tự bản thân giáo viên cần xem xét kĩ lưỡng xem trẻ như thế nào thì được đánh giá là “trẻ ngoan”, sau đó thảo luận với những giáo viên khác. Đặc biệt, có những trẻ mà giáo viên chủ nhiệm cũ cho là có vấn đề nhưng giáo viên mới lại không thấy có gì bất thường. Đây là một cơ hội tốt để hai giáo viên thảo luận với nhau. Có điều ngày nay, giáo viên thường không còn thói quen trao đổi với nhau nữa khiến trẻ mãi bị mắc kẹt trong đau khổ.
Bất cứ đứa trẻ nào, kể cả trẻ có vấn đề trong hành động, cũng đều có “mặt tốt”. Những người nghiên cứu tâm lý lâm sàng trẻ em như chúng tôi có nhiệm vụ tìm ra những mặt tốt đó để làm nền tảng cho việc điều trị. Tuy nhiên, có nhiều giáo viên lại tìm mọi lý do để loại bỏ những trẻ khó đối phó ra khỏi lớp học. Những trẻ có hành động bất thường lại vô cùng nhạy cảm với điều này. Các em cảm nhận được việc giáo viên không chào đón mình, từ đó càng thêm bất an và gia tăng hành vi bất thường, khiến các giáo viên lại càng có lí do để loại bỏ các em khỏi lớp học.
Ngược lại, nếu giáo viên nào cũng nỗ lực nhìn nhận những “mặt tốt” của trẻ, chắc chắn sẽ tìm ra những mặt tốt đó. Ngay cả những trẻ có thành tích học tập không cao, nhưng chỉ cần được khen vì vận động tốt hay làm tốt phiên lao động của mình thôi cũng cảm thấy được sự ghi nhận từ giáo viên dành cho mình, từ đó thân thiết với giáo viên hơn. Việc được học sinh yêu quý cũng giúp giáo viên truyền đạt nguyện vọng của mình tới trẻ dễ dàng hơn. Để đạt đến giai đoạn này cần nhiều thời gian, ban đầu có thể lớp học sẽ khá ồn ào vô tổ chức, nhưng dần dần không khí lớp học sẽ ôn hòa hơn, đôi mắt mỗi trẻ sẽ sáng lấp lánh, nét mặt đầy năng lượng. Điều này khác với những giáo viên rèn kỷ luật cho học trò bằng cách giận dữ hay quát tháo. Do đó, khi đánh giá cách điều hành một lớp học, tôi thường chú ý đầu tiên đến nét mặt của trẻ, xem trẻ hoạt động có sôi nổi hay không. Ví dụ trong một lớp học có kỷ luật mà nét mặt học sinh có vẻ gượng gạo, tôi nghĩ cần xem lại nhân cách của giáo viên đứng lớp đó. Cho đến nay, tôi đã chứng kiến một vài trường hợp trẻ bị “ra rìa” do các hành xử thiên lệch của giáo viên.
Tôi muốn thay trẻ nhắn nhủ đến các thầy cô rằng: “Thưa thầy cô, xin hãy chấp nhận con!”. Dù ở bất cứ mặt nào, chỉ cần các thầy cô đón nhận trẻ mà thôi.
Những biến dạng trong nhân cách được tạo ra từ gia đình
Trẻ đến trường vì trách nhiệm với gia đình. Gia đình là môi trường sống chính yếu của trẻ trong suốt quá trình từ khi trẻ sinh ra đến khi lớn lên, đó cũng là môi trường giúp định hình nhân cách cho trẻ. Có không ít trường hợp nhân cách của trẻ bị biến dạng hoặc trẻ có những hành động bất thường do chịu ảnh hưởng từ cha mẹ và những thành viên khác trong gia đình. Không chỉ có vậy, nếu giữa cha mẹ nảy sinh bất hòa, điều đó sẽ ảnh hưởng đến con, làm cho trẻ thấy bất an và nỗi bất an đó được biểu hiện ra bằng những hành động bất thường.
Tại trại hè của chúng tôi, đã từng có một em học sinh lớp 5 không mấy điềm tĩnh, không muốn chơi với các bạn, lúc nào cũng đội mũ sùm sụp và mang theo hành lý trên vai. Chúng tôi không thể nào hiểu nổi hành động đó, cho đến khi nói chuyện với mẹ em, chúng tôi mới biết rằng, cha mẹ em đã ly hôn trong khi cho em đi trại hè. Người mẹ đã cố giữ ý để việc ly hôn không làm ảnh hưởng tới con, song con đã cảm nhận được điều đó và cảm thấy sợ hãi trước tương lai đầy bất ổn.
Mặt khác, sự biến dạng trong nhân cách cũng nảy sinh từ quá trình sống của trẻ. Đặc biệt, trong số những trẻ có cảm xúc không ổn định có không ít em thiếu gắn kết tình cảm với mẹ. Điều đó trở thành nguyên nhân khiến các em có những hành vi thiếu điềm tĩnh, phá phách, làm náo loạn lớp học.
Trong quan hệ tình cảm giữa mẹ và con, sự gắn kết da thịt trong thời kỳ con từ 1 đến 3 tuổi có ý nghĩa quan trọng. Cảm xúc của con trở nên ổn định thông qua việc mẹ cho con ngồi trong lòng, cho con ngủ chung, đồng thời, hình ảnh dịu dàng của mẹ cũng được khắc sâu trong lòng con. Tôi hiểu rõ điều này sau khi lắng nghe những người mẹ của những đứa trẻ có hành động bất thường chia sẻ về quá trình sinh hoạt của con mình. Thì ra, hai mẹ con họ đã thiếu những gắn kết thân mật như vậy.
Lý do cho sự thiếu thốn này là việc cha mẹ mong muốn rèn luyện tính độc lập cho con, hoặc mẹ quá bận rộn cho việc khởi nghiệp… Cũng có trường hợp tự người mẹ không thích cảm giác nóng bức khi ôm con.
Nếu con không được trao cho những cơ hội gắn kết da thịt với mẹ trong khoảng từ 1 đến 3 tuổi, về sau này sẽ rất khó để thực hiện lại điều đó. Trẻ sẽ không đòi hỏi sự gắn kết thân mật nữa và mẹ cũng không còn tích cực thể hiện nữa. Cũng có những bà mẹ đánh giá sai rằng con là đứa trẻ độc lập khi không làm nũng mẹ. Tuy nhiên, ẩn giấu trong đó là trạng thái cảm xúc bất an, chỉ chờ dịp để được biểu hiện thành những hành động bất thường. Cần phải chú ý rằng gần đây, số lượng những trẻ này đang gia tăng nhanh chóng tại các trường tiểu học. Vì vậy, giáo viên cần gặp gỡ gia đình, lắng nghe kĩ quá trình trẻ được nuôi dạy và xác nhận lại điểm này.
Nếu đúng là trẻ ít được mẹ âu yếm khi còn bé, kể cả trẻ đang học tiểu học đi nữa, tôi vẫn đề xuất gia tăng những hành động gắn kết tình cảm mẹ con như cho trẻ ngồi trong lòng hay ngủ chung…
Khi làm vậy, có thể mẹ sẽ thấy phiền hà một chút, nhưng vẫn cần ấp ôm con cho đến khi nào tự con muốn rời khỏi mình thì thôi. Nhờ vậy, nét gượng gạo trên khuôn mặt con sẽ tan biến, con trở nên rạng rỡ hơn, tình cảm được bộc lộ rõ rệt hơn và trở nên dễ bảo hơn. Các hành vi bất thường cũng sẽ giảm dần trong quãng thời gian này.
Đối với những đứa trẻ ích kỷ, trước tiên cha mẹ phải hợp tác
Những đứa trẻ ích kỉ có lẽ là những đứa trẻ khó đối phó hạng nhì (chỉ sau trẻ tự kỉ - BT). Những đứa trẻ này trong quá trình được nuôi dạy đã không được rèn luyện khả năng tự kiểm soát bản thân. Hay nói cách khác, trẻ được yêu chiều quá mức, được đáp ứng mọi yêu cầu. Khi nói chuyện với các bà mẹ, tôi thường được nghe tâm sự rằng họ cũng đã cố hạn chế ham muốn của các con, song trong gia đình có người lớn tuổi nên khó thực hiện, hoặc không được chồng hợp tác nên việc dạy con trở nên rối rắm vì mẹ lúc nào cũng trong tâm trạng khó chịu và lo lắng. Có rất nhiều trường hợp sự lặp lại tai hại cứ tiếp diễn như thế này: Người già thường chiều chuộng cháu nên khi thấy người mẹ khó tính lại cho đó là người lạnh lùng và càng thêm chiều chuộng cháu hơn.
Một khi hiểu rõ nguồn gốc sự ích kỉ của trẻ, trước tiên, cha mẹ cần nỗ lực hạn chế ham muốn của con, trong đó không thể thiếu sự hợp tác của người cha. Làm được như vậy, trẻ sẽ dần rèn luyện được năng lực tự kiểm soát bản thân, có thái độ hợp tác với bạn bè và ít làm loạn trong lớp hơn.
Có điều, những trẻ bị cha mẹ bỏ bê thường hạn chế năng lực tự kiểm soát bản thân. Hơn nữa, mối gắn kết tình cảm mẹ con không bền chặt khiến các em trở nên rất khó đối phó. Một trong những khó khăn tồn tại là có nhiều bà mẹ không thích trẻ con, nên khi nhận được đề xuất của giáo viên thì họ không tích cực phản hồi. Tuy nhiên, nếu cứ để mặc như vậy, hành động bất thường của trẻ sẽ ngày một tăng, từ sau tuổi dậy thì sẽ phát triển thành những hành động xấu có tính nguy hiểm. Vậy nên, sự hợp tác của phụ huynh là vô cùng cần thiết.
Trong trường hợp không nhận được sự hợp tác, giáo viên cần đặc biệt tiếp xúc với trẻ bằng thái độ mềm mỏng, thân thiện. Để bắt đầu, giáo viên phải thấy được “mặt tốt” và chấp nhận trẻ, sau đó chờ cơ hội để gần gũi với trẻ hơn. Được như vậy, giáo viên, đặc biệt là giáo viên nữ, sẽ trở thành người giống như mẹ. Hình tượng này sẽ được khắc ghi trong lòng trẻ. Đương nhiên ngay cả giáo viên nam cũng có thể gần gũi, âu yếm trẻ. Ở trại hè, chúng tôi vẫn làm như vậy, từ đó chúng tôi trở thành chỗ dựa tinh thần cho trẻ và về sau, chúng tôi vẫn duy trì mối quan hệ bằng cách tiếp tục trao đổi với nhau qua thư.
Cần hết sức chú ý tới những đứa trẻ trầm tính
Xếp hạng ba, cần phải chú ý tới những trẻ trầm tính, không có bạn bè. Vì những trẻ này không nổi bật nên rất dễ khiến người lớn không để ý, nhưng khi hỏi kỹ về quá trình các em được nuôi dạy, có thể nhận ra sự phát triển động lực tự thân của các em đã bị kìm hãm. Có thể hiểu như vậy thông qua việc các em không hề có những hành động khám phá (nghịch ngợm) cần thiết để phát triển động lực tự thân, không có “thời kỳ phản kháng đầu tiên” trong giai đoạn từ 2 - 4 tuổi, cũng không phát triển đầy đủ khả năng kết bạn cần thiết trong giai đoạn mẫu giáo. Gia đình các em mong muốn con trầm tính để không vướng bận nên thường đưa con vào khuôn khổ kỷ luật ở bề nổi, quá tập trung vào việc nâng cao năng lực trí tuệ khiến áp lực luôn đè nặng lên con. Nếu không nhanh chóng giải thoát trẻ khỏi áp lực gia đình, thúc đẩy phát triển động lực tự thân, từ sau tuổi dậy thì, trẻ sẽ có nguy cơ từ chối đến trường hoặc mắc các chứng bệnh tâm lý. Vậy nên, các giáo viên cần nỗ lực để mắt tới sự phát triển động lực tự thân ở trẻ, tránh những đánh giá sai lầm.
Mắng mỏ không phải là cách giải quyết vấn đề
Những trẻ có hành động bất thường chắc chắn mang trong lòng những lo lắng, buồn khổ. Do đó, có mắng mỏ trẻ cũng không giải quyết được gì. Nếu giáo viên có tâm lý muốn loại bỏ trẻ, dù chỉ chút ít thôi thì trẻ vẫn cảm nhận được sự lạnh lùng ấy, từ đó càng gia tăng những hành động bất thường. Đặc biệt khi gia đình có vấn đề thì càng cần cả gia đình phải nỗ lực để giải quyết.