Những đứa trẻ không thể tự quyết định mình sẽ làm gì
Khi được cho “tự do”, biểu hiện chậm phát triển động lực tự thân ở trẻ sẽ lộ rõ. Những trẻ này không biết phải làm gì, chỉ đi lăng xăng hết theo người lớn lại theo bạn bè, lơ đãng xem các bạn chơi đùa. Biểu hiện này nảy sinh từ việc trẻ không có khả năng tự quyết. Với bất cứ việc gì, trẻ cũng đều đến chỗ chúng tôi và hỏi: “Em làm cái này có được không ạ?”. Bên cạnh đó cũng có những trẻ đột nhiên có những hành vi kích động. Điều này là do trẻ không thể lựa chọn hành động “có trách nhiệm” vì trẻ luôn bị kìm hãm trong đời sống thiếu tự do nên dễ bùng phát khi không phải chịu “trách nhiệm”.
Ngay cả khi cho trẻ được “tự do”, chúng tôi vẫn quan sát từng trẻ xem các em hành động như thế nào, không lúc nào rời mắt khỏi trẻ. Nếu như để cho trẻ tự ý làm mọi việc, còn chúng tôi đi làm việc khác thì đó là “bỏ mặc” chứ không phải là cho trẻ “tự do”. Việc “bỏ mặc” chỉ tạo ra những đứa trẻ bê tha, không thể gọi là giáo dục được.
Có lần tôi quan sát thấy một trẻ đang ngồi vẽ tranh quái vật trông có vẻ như rất chủ động, nhưng vì trẻ chỉ vẽ duy nhất tranh về quái vật nên đó là hành động rập khuôn chứ không thể ghi nhận đó là sự phát triển tính sáng tạo mà nền tảng là động lực tự thân được. Những trẻ thiếu động lực tự thân không thích chơi ngoài trời bởi chúng không biết cách sử dụng thiên nhiên làm “đồ chơi”. Trong khi đó trại hè của chúng tôi lại được bao phủ bởi thiên nhiên. Được chạy nhảy tại cao nguyên trong những ngày đẹp trời là điều vô cùng sảng khoái, tuy nhiên những trẻ thiếu động lực tự thân chỉ chơi loanh quanh trong nhà và trao đổi với nhau: “Không biết giờ này tivi đang chiếu cái gì nhỉ…”. Chúng là những đứa trẻ có thói quen vừa nằm lăn lóc vừa xem tivi.
Những đứa trẻ chậm phát triển động lực tự thân như trên chỉ tự lập trong thói quen sinh hoạt cá nhân. Hằng ngày các em đều chăm chỉ rửa mặt, đánh răng, tự thay quần áo. Nhưng những thói quen tự lập trong sinh hoạt này không hẳn là bằng chứng của tính tự lập, chúng chỉ đơn thuần là phản xạ có điều kiện mà thôi.
Bên cạnh đó, có những trẻ khi ở nhà thì rất tự giác làm vệ sinh cá nhân và được mẹ cho là tự lập, song tại trại hè thì cả tuần cũng không đánh răng, rửa mặt. Hằng ngày các em làm là vì bị mẹ nhắc nhở, điều đó không liên quan đến phát triển động lực tự thân của các em. Tại trại hè, chúng tôi hoàn toàn không chỉ bảo hay ra lệnh cho các em làm điều đó nên bản năng của các em được thể hiện rõ.
Quá trình nuôi dạy “trẻ ngoan”
Khi xem lại quá trình nuôi dạy những trẻ chậm phát triển động lực tự thân, tôi nhận thấy rằng các em không được trao đầy đủ điều kiện cần cho việc phát triển nó. Tôi đã nhắc đến vấn đề này trong những mục trước rồi, tuy nhiên một lần nữa chúng ta hãy cùng nhau sắp xếp lại “quá trình nuôi dạy” đó tại đây nhé.
Trong khoảng từ 1 đến 3 tuổi, trẻ không có “hành động khám phá” hoặc có nhưng rất ít. “Hành động khám phá” còn được hiểu là những trò nghịch ngợm. Trong thời kỳ này, nếu cho trẻ “tự do”, con sẽ say sưa bày đủ trò “nghịch ngợm”, thể hiện đầy nhiệt huyết trong đó. Những hành động này mang lại không ít thiệt hại cho người lớn. Tuy “nghịch ngợm” nhưng chúng lại chính là hành động dựa trên nhu cầu tìm hiểu, cũng giống với đam mê nghiên cứu của người lớn. Những trẻ “trầm tính” không xuất hiện các hành động khám phá này được những người lớn không có hiểu biết về động lực tự thân coi là “trẻ ngoan”, nhưng trên thực tế động lực tự thân của trẻ đang bị kìm hãm.
Việc kìm hãm này thể hiện ở những hành động cấm đoán hết lần này đến lần khác đối với những trò “nghịch ngợm” của con, ở việc coi trọng lễ nghĩa, khuôn khổ hay cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình can thiệp vào những việc trẻ làm… Để được đánh giá là trẻ ngoan qua sự “trầm tính”, trẻ dần không còn “nghịch ngợm” nữa, chỉ nỗ lực để duy trì những lời khen đó.
Kết quả là khi trẻ được 2 đến 4 tuổi, “thời kỳ phản kháng đầu tiên” lẽ ra phải xuất hiện nhưng lại không xảy ra nữa. “Trong khi đó, thời kỳ phản kháng đầu tiên”, cùng với thời kỳ phản kháng thứ hai - thời kỳ dậy thì là thời gian để động lực tự thân phát triển mạnh mẽ nhất. Trẻ sẽ phản đối tất cả mọi thứ, đòi tự làm tất cả mọi việc khiến cả nhà đau đầu. Song chính trạng thái này lại cần được khen ngợi vì nó thể hiện rằng động lực tự thân đang phát triển thuận lợi. Trong trường hợp “thời kỳ phản kháng đầu tiên” không xảy ra, cần phải nỗ lực để giải phóng trẻ khỏi sự kìm hãm. Tuy nhiên, những người lớn thiếu kiến thức về sự phát triển của trẻ vẫn tiếp tục đánh giá đây là “trẻ ngoan”.
Cứ như vậy, đến tuổi mầm non, động lực tự thân của trẻ đã phát triển quá chậm nên trẻ không thể vui chơi với bạn bè. Dù có chơi với bạn thì trẻ cũng tìm bạn giống mình để chơi “đẹp” chứ không hề “đánh nhau”. “Cãi vã/đánh nhau” là biểu hiện của việc thể hiện bản thân dựa trên động lực tự thân. Giữa những trẻ được phát triển động lực tự thân, các cuộc cãi vã/đánh nhau xảy ra thường xuyên, từ đó trẻ học được cách chơi với bạn một cách thân ái, thực tâm.
Tuy nhiên, nhiều trường mẫu giáo lại chủ trương “thân ái với nhau”, các cô trông trẻ lại đánh giá “đánh nhau là trẻ hư”, vô hình trung kìm hãm động lực tự thân của trẻ. Có những cô giáo còn phản ánh với phụ huynh về sự nghịch ngợm của trẻ, khiến cho các bà mẹ coi con như “đứa trẻ gây rối”, dọa sẽ không cho con đến trường, cuối cùng khiến các con trở thành những đứa trẻ không còn biết “cãi vã/đánh nhau” là gì.
Từ 7 đến 9 tuổi, ở những trẻ mà động lực tự thân phát triển một cách thuận lợi sẽ xuất hiện “thời kỳ phản kháng trung gian”. Đây là khái niệm do tôi đặt ra, có nghĩa là “trả treo”. Lúc này, tần suất trẻ “trả treo” người lớn, nhất là với cha mẹ, có xu hướng nhiều lên. Những câu “trả treo” này thể hiện rõ ý kiến cá nhân của trẻ nên tại những đất nước coi trọng việc thể hiện rõ ý kiến cá nhân như Âu - Mỹ, điều này được người lớn lắng nghe và hoan nghênh nhiệt liệt.
Tuy nhiên, tại những nhà trường và gia đình còn tồn tại nền giáo dục phong kiến như ở Nhật Bản, chỉ có tình trạng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, còn “trả treo” là “điều xấu”, bị coi là hỗn láo với cha mẹ, dẫn đến kìm hãm động lực tự thân ở trẻ.
“Thời kỳ phản kháng trung gian” không xuất hiện ở những trẻ chậm phát triển động lực tự thân. Đó là những trẻ được đánh giá là “ngoan”, và nếu như trẻ có thành tích học tập tốt, lễ phép thì còn được những giáo viên không biết về sự phát triển động lực tự thân đánh giá là “không có gì phải phàn nàn”, khiến cho các bậc phụ huynh thêm tự hào về cách giáo dục con cái của mình.
Động lực tự thân chưa phát triển hoàn thiện dẫn đến điều gì?
Tất cả sẽ bùng nổ vào tuổi dậy thì. Có thể nói những “đứa trẻ từ chối đến trường” xuất hiện nhiều ở bậc trung học chính là những đứa trẻ bị kìm hãm động lực tự thân từ nhỏ, đến tuổi dậy thì không thể chịu đựng thêm được dẫn đến bùng nổ. Chỉ cần xem xét lại quá trình được nuôi dạy của các em là sẽ thấy rõ nguyên nhân. Sự phát triển động lực tự thân của các em đã ngưng trệ từ thời thơ ấu. Ngay cả việc trẻ có những hành vi bạo lực, tinh thần uể oải đến việc bỏ học, nếu xem xét kĩ lưỡng thì cũng là những bước phát triển từ những biểu hiện trong thời thơ ấu. Dù trẻ có mang trí tuệ phù hợp với lứa tuổi đi chăng nữa, do động lực tự thân chậm phát triển nên hành động của trẻ vẫn mang tính trẻ con.
Vậy phải điều trị cho những trẻ này như thế nào? Vì trẻ hầu như không chủ động tâm sự, nên chúng tôi sẽ hướng dẫn để các vị phụ huynh thay đổi thái độ khi tiếp xúc với trẻ, từ đó đưa ra các phương pháp thúc đẩy động lực tự thân cho trẻ. Cụ thể hơn là “giao phó” triệt để cho trẻ. “Giao phó” không có nghĩa là bỏ mặc một cách vô trách nhiệm. Thông qua việc trao cho trẻ “tự do”, cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển năng lực thực hiện hành động “một cách có trách nhiệm”. Để làm được điều đó, cha mẹ không được can thiệp bằng cách chỉ dẫn, đưa ra mệnh lệnh và phải quyết tâm không giúp đỡ trẻ. Nghe thì có vẻ dễ, nhưng bắt đầu rồi mới thấy khó vô cùng.
Trong vô thức, cha mẹ lại xen vào hoặc giúp đỡ trẻ. Do vậy, cần một khoảng thời gian dài cha mẹ mới có thể nhận ra rằng tâm lý đó hạn chế sự phát triển động lực tự thân của con. Có rất nhiều bà mẹ tỏ thái độ “giao phó” nhưng thực chất trong tâm chưa đạt đến mức độ đó. Trẻ nhìn thấu điều này nên sẽ mãi phụ thuộc vào cha mẹ, sẽ luôn làm phiền hoặc trở nên hỗn láo với cha mẹ.
Không chỉ những trẻ bỏ học mà ngay cả những trẻ mắc các chứng bệnh tâm lý, rối loạn thần kinh hay trẻ tự sát cũng bị kìm hãm động lực tự thân và phải trải qua quá trình nuôi dạy tương tự như vậy.
Cảm xúc không ổn định là do tiếp xúc không đủ với mẹ
Khi cảm xúc không ổn định, thường con người sẽ hành động bất thường, nhưng điều đáng ngạc nhiên là trước khi bước vào tuổi dậy thì trẻ rất điềm tĩnh, chỉ sau đó mới xuất hiện những hành vi bất thường. Ví dụ, có những học sinh cấp 2 hoặc cấp 3 đuổi theo mẹ, chui vào chăn của mẹ trong đêm. Hành động này có thể dễ hiểu nếu trẻ là con gái, nhưng với con trai thì hơi khó chấp nhận. Hơn nữa, có những học sinh cấp 2, cấp 3 còn tự ý bỏ đi, hay chạy ra ngoài trong tình trạng khỏa thân khiến cho mẹ lo lắng… Và trẻ thấy vui khi chứng kiến mẹ như vậy.
Xem xét lại quá trình nuôi dạy những trẻ này thì có thể thấy, gần 3 tuổi, trẻ hầu như không còn được tiếp xúc cơ thể với mẹ nữa, trẻ và mẹ cũng không mấy khi vui chơi với nhau. Ngược lại, trẻ thậm chí còn được khen là “người lớn” vì không “làm nũng” mẹ. Đây chính là bằng chứng cho sự thiếu hụt gắn kết tình cảm mẹ con, đặc biệt từ 1,5 đến 2,5 tuổi là giai đoạn tình cảm mẹ con gắn bó bền chặt nhất. Trẻ sẽ bám lấy mẹ bất cứ khi nào thấy sợ hãi, sà vào lòng mẹ bất cứ lúc nào hay đòi ngủ chung với mẹ… Việc đáp ứng đủ những nhu cầu này của con thông qua sự âu yếm vuốt ve, tiếp xúc cơ thể sẽ có ích ổn định cảm xúc. Nếu mẹ không biết đến điều này, lười gắn kết với con, con sẽ có những hành động bất ổn tại nhà trẻ, hay bắt nạt anh chị em hoặc trở nên hung hăng với bạn học vào tuổi tiểu học, và nhất là như đã trình bày phía trên, những trẻ “người lớn” cho đến tuổi dậy thì đột nhiên sẽ xuất hiện những hành động bất thường. Trên thực tế, những hành động này đã nhen nhóm từ khi con còn nhỏ rồi.
Có điều, dù con có những hành động bất thường từ sau tuổi dậy thì đi chăng nữa, nếu các bà mẹ dành cho con những âu yếm có tiếp xúc cơ thể hợp lý, hoặc chăm chỉ tạo những cơ hội đi du lịch riêng hai mẹ con, chắc chắn cảm xúc của con sẽ bắt đầu ổn định trở lại, những hành động bất thường cũng tiêu biến mất.
Vậy khi được hỏi trẻ em hiện đại thiếu thứ gì trong nhân cách, câu trả lời của tôi trước hết là động lực tự thân và tiếp theo là sự ổn định cảm xúc. Đây là những vấn đề cấp bách cần được phát hiện và cải thiện sớm. Đặc biệt mong rằng giáo viên sẽ phát hiện ra những vấn đề này ngay trong những năm trẻ còn học tiểu học và tạo ra những nơi như trại hè của chúng tôi…