Để nuôi dạy một đứa trẻ giàu tình cảm
“Giàu tình cảm” cũng là một mục tiêu được ngành giáo dục đề cao. Tuy nhiên nội hàm của khái niệm này thế nào? Khi nghĩ về điều này, cần phải bắt đầu từ việc xem xét xem giáo viên và phụ huynh có phải là người giàu tình cảm hay không.
Khái niệm “tình cảm” thường được tôi gắn liền với khái niệm “biết quan tâm”. “Biết quan tâm” là khả năng đứng trên lập trường của đối phương, thấu hiểu cảm giác của đối phương. Các bác sĩ tâm lý còn gọi đó là khả năng tiếp nhận và đồng cảm.
Tấm lòng “biết quan tâm” của trẻ được phát huy khi có cha mẹ “quan tâm” trong gia đình và giáo viên “quan tâm” trong nhà trường. Những giáo viên “biết quan tâm” đương nhiên sẽ trân trọng từng đứa trẻ, kể cả trong trường hợp lớp có đến hơn 40 em.
Họ nỗ lực tìm ra “điểm tốt” của trẻ ở mọi mặt, đáp ứng nhu cầu được chấp nhận của trẻ, khiến trẻ gắn bó với mình. Việc thấu hiểu cảm xúc của trẻ cũng giúp giáo viên cảm nhận được giá trị công việc của mình, từ đó mỗi ngày của người giáo viên trở nên đầy năng lượng. Không chỉ có vậy, họ còn biết rằng “điểm tốt” của trẻ sẽ không thể phát huy trong nền giáo dục đồng nhất, nên họ nỗ lực trân trọng “động lực tự thân” và mang lại “tự do” cho trẻ.
Những thiết chế giáo dục thực hiện triệt để tinh thần này được gọi là Giáo dục phi chính quy (Informal Education) hoặc Mô hình trường mở (Open School). Đây là hình thức giáo dục tự do, vì thế đòi hỏi trách nhiệm vô cùng to lớn ở mỗi người giáo viên. Hình thức giáo dục này chỉ được thực hiện khi những nhu cầu của trẻ được lắng nghe và chấp nhận trọn vẹn. Một yếu tố nữa quyết định sự thành công của hình thức giáo dục này là thái độ “biết quan tâm” giữa các giáo viên với nhau khi áp dụng phương pháp dạy theo nhóm (Team Teaching).
Nếu ý thức trân trọng từng trẻ được định hình trong các thầy cô giáo, hay nói cách khác, nếu ý thức cởi bỏ nền giáo dục đồng nhất được phổ biến, phương pháp giáo dục (đang thịnh hành tại Anh - Mỹ) này có thể nhanh chóng được thực hiện. Tiền đề của nó là cải cách ý thức giáo viên, quả là một việc không đơn giản, song vẫn khả thi đối với Nhật Bản.
Hãy nuôi dưỡng tấm lòng “biết quan tâm”
Tấm lòng “biết quan tâm” của người giáo viên sẽ giúp nuôi dưỡng tấm lòng “biết quan tâm” của trẻ, giúp trẻ dù có cãi vã/đánh nhau vẫn có thể tìm ra “điểm tốt” của đối phương. Đặc biệt ngay cả trong những lớp có trẻ khuyết tật, trẻ cũng biết “chăm lo” cho bạn bằng cách riêng của mình (một cách chủ động). Đây chính là tấm lòng biết tương trợ.
Tấm lòng “biết quan tâm” được bồi đắp sẽ có ích để giải quyết các vấn đề quốc tế. Giữa các nước luôn có sự cạnh tranh, nếu ai cũng muốn thắng thế, chỉ biết tập trung vào lợi ích quốc gia mình thì rất dễ bị loại ra khỏi đấu trường quốc tế. Ngay cả khi cạnh tranh lẫn nhau, tấm lòng quan tâm tới đối phương vẫn vô cùng cần thiết. Về điểm này, có không ít trường học của Nhật Bản thường dạy những điều như “cá lớn nuốt cá bé”. Có thể nói, các giáo viên đang đào tạo ra những con “cá lớn” khi chỉ khen ngợi, cưng chiều học sinh có thành tích vượt trội hơn các bạn.
Tại các trại hè dành cho học sinh tiểu học, chúng tôi cũng thường thấy những trẻ như vậy. Những trẻ có thành tích học tập tốt được giáo viên chủ nhiệm khen là “trẻ ngoan” lại thường là mối lo ngại đối với chúng tôi. Tại trại hè có một phần nhỏ là trẻ khuyết tật. Những “trẻ ngoan” có thành tích học tập tốt đối xử với trẻ khuyết tật rất lạnh lùng. Hơn nữa, tại trại hè, nơi chúng tôi chấp nhận tất cả những hành động ngẫu hứng (không có thời gian biểu, không có kỉ luật cấm đoán), các em lại không biết phải làm gì, thường chỉ ngồi thẫn thờ hoặc đi đi lại lại trong phòng. Rõ ràng động lực tự thân của các em chưa phát triển.
Nhưng khi được chúng tôi giao cho nhiệm vụ nào đó, các em này lại trở nên tràn trề năng lượng. Hóa ra, phần đông các em được khen chỉ vì có thành tích cao khi được giao nhiệm vụ. Những trẻ này bị hạn chế động lực tự thân cũng như tấm lòng biết quan tâm. Những giáo viên không coi trọng động lực tự thân của trẻ sẽ không thể nhìn ra sự chậm phát triển động lực tự thân, tấm lòng biết quan tâm và cũng không tạo ra cơ hội để trẻ tìm ra chúng.
Để Nhật Bản thể hiện tích cực tại môi trường quốc tế trong thế kỷ XXI, những người làm giáo dục cần thảo luận kỹ lưỡng về nội dung giáo dục cho trẻ - những nhà lãnh đạo tương lai. Cụ thể, trước hết, chính giáo viên cần phải nhận ra còn quá nhiều ý thức và hành vi mang hơi hướng phong kiến vẫn tồn tại. Vấn đề là làm sao để họ nhận ra điều đó. Có lẽ các giáo viên nên bắt đầu bằng việc lấy “động lực tự thân” và tấm lòng “biết quan tâm” làm kim chỉ nam, tự xem xét những vấn đề của bản thân mình, sau đó thảo luận với các giáo viên khác. Tất cả vì phồn vinh của Nhật Bản trong thế kỷ XXI.