Con hẻm 194B ở một đường lớn ngay quận 3 hóa ra lại là một khu chung cư cũ và... hoang vắng. Người ta đã bán nhà đi gần hết, thế nên ngay ngoài sân chung, dưới bóng 2 cây mận mà tuổi của nó còn nhiều hơn tuổi con trai út nhà văn Nguyễn Quang Sáng (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), ông nhà văn quen tên với lứa học trò từ thuở Chiếc lược ngà, Con gà trống đang lụi hụi châm trà, ăn sáng.
***
Cuối tháng này, cả gia đình nhà văn sẽ chuyển sang nhà mới, chính thức xa cách ngôi nhà chung cư gắn bó với ông hơn 30 năm trời. Hai cây mận ông đang tính sẽ chiết cành để mang sang nhà mới trồng. Dưới tán mận này, đã có bao văn nghệ sĩ (Trịnh Công Sơn, Nguyễn Duy, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyễn Tuân) đã từng đến ngồi trà lá và rượu nữa ở đây. Ngôi nhà mới được anh con trai là kiến trúc sư tự tay thiết kế và xây dựng. Quận 7, nhưng không phải là Phú Mỹ Hưng, nghe nói là xinh xắn lắm. Ông khoe Dũng cũng mới chạy qua xem rồi về nói gọn lỏn: Đẹp đó, ba! Vậy là yên tâm rồi.
77 tuổi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng than mình đang phải uống thuốc mỗi bữa vì sức khỏe. Không phải vì rượu, nên không phải vì gan, ông mới đi khám toàn diện, bác sĩ cho ông biết mọi thứ cũng vẫn ổn. Điện thoại cho bạn bè, họ bảo: có lẽ là bệnh già! Hỏi gì cũng thấy không mới, vì người ta viết, người ta hỏi về ông đã quá nhiều trên đủ thứ phương tiện truyền thông. Ông cũng thủng thẳng bảo, nói hoài, nói riết nên khi nói sẽ phỏng vấn là thấy ngán ngẩm. Sáng nay còn bao nhiêu truyện dự thi ông phải đọc để chấm, giải thưởng không cao nên chất lượng cũng vừa vừa. Nhiều cái ngán ngẩm quá thì nói chuyện cũng… mất sướng. Nhưng mà bù lại, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã nguyên một tượng đài, để nói về ông với tôi, vẫn có quá nhiều bí mật mà tò mò nên không ngán. Câu chuyện cứ lan man, không đầu, chẳng cuối, theo mạch nói bâng quơ, lơ đãng của ông trong một buổi sáng Sài Gòn quá đẹp trời, nắng trong vắt và gió thơm.
NGHIỆP
Viết văn là tình cờ, bức xúc trong người quá thì viết. Ông chẳng định trở thành nhà văn bao giờ. Thế mà viết một hồi nổi tiếng khi nào chẳng biết. Không chỉ văn mà còn là phim, 2 bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam là Mùa gió chướng và Cánh đồng hoang đều do ông viết kịch bản.
Ít nhà văn đi theo phim từ đầu đến cuối như ông. Mùa gió chướng, ê kip toàn là những người đầu tiên làm phim nên nội bộ trục trặc hoài. Đạo diễn Hồng Sến lần đầu tiên làm phim, Nguyễn Quang Sáng lần đầu tiên viết kịch bản, Lâm Tới lần đầu tiên làm phó đạo diễn và Thúy An cũng lần đầu tiên là diễn viên. Những rắc rối ban đầu khiến cho ông Mai Lộc định giải tán đoàn làm phim, may mà có Nguyễn Quang Sáng, ông Mai Lộc phân cho ông làm "chính ủy" của bộ phim, giải quyết mâu thuẫn của đoàn. Đó là lý do ông đi theo từ lúc chọn cảnh cho đến hậu kỳ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người "biết nhạc" (ông từng chơi đàn Mandolin), nên khi nghe nhạc phim, ông không thích tiếng echo của sáo, ông phản đối quyết liệt, Hồng Sến không chịu cho đến khi ông nói, ông sẽ không giao Cánh đồng hoang để Hồng Sến làm nữa. Hồng Sến chịu và cắt. Hơn 300 trang kịch bản, theo phim từ đầu mà nên phim, nhà văn biết được, kịch bản là gì để đến Cánh đồng hoang, ông viết ngắn hơn rất nhiều và tuân theo tư duy: câu phải là hình ảnh.
- Những truyện hay nhất của nhà văn thường là truyện bị nghi ngại khi nó mới ra đời?
"Nhiều khi sự liên hệ xa xôi của người đọc khiến mình cũng choáng người, té ngửa. Mình chẳng nghĩ được đến vậy khi viết. Thế nên truyện ‘Con gà trống’ sau này được đưa vào sách giáo khoa chứ khi mới viết, gửi đi in, có ông bạn còn nói: Tôi không in là tôi cứu sinh mạng chính trị của ông đó! Thật quái gở, mình không hiểu họ sợ điều gì!"
***
Nghề văn chẳng giàu, con cái đi học là tốn kém. Ông rất nhớ đã có lần đưa một truyện ngắn cho một tòa soạn báo lớn mà phải xin họ ứng tiền trước để nộp học phí cho con. Mãi truyện không đăng, ông định đem tiền trả lại cho họ, thì mới biết, họ lại nghi ngại tư tưởng! Ông thấy các bạn trẻ bây giờ viết bạo, đang phá rào, phá được nhưng thiếu chiều sâu, ông chấm giải văn chương mà thấy tiếc cho họ.
Nguyễn Quang Sáng ưa dùng từ "phá sản", ông đang viết dở hai kịch bản, đã có người muốn đầu tư nhiều tỷ để làm phim, mà ông viết xong lại chưa thích, nên tự phá sản luôn, vẫn để đó, chưa làm…
TÌNH
Không nói đâu! Ông buông ngay một câu rõ ràng khi tôi mới chỉ bóng gió rằng tôi muốn chia bài viết thành ba phần rõ rệt. Mà không thể nào không nói đến chuyện… tình yêu!
Nhất định là không nói! Ông nhắc lại kiên quyết, và rút thuốc ra điềm nhiên hút.
Nguyên nhân sự tò mò cũng có cơn cớ của nó, là tại nhà thơ Nguyễn Duy, thay vì viết một bài tham luận đọc dài miên man về Nguyễn Quang Sáng, ông lại làm nguyên một bài lục bát 20 câu tổng kết luôn nghiệp văn và "tranh thủ" bật mí một số bí mật mà người ngoài thì "choáng lắm" còn người trong thì thấy cũng sự thường!
20 câu ấy có ẩn ý thế này:
Nam kỳ có bác Nguyễn Quang
Sáng, dân Chợ Mới gốc làng Mỹ Luông
Phong lưu từ thuở ở truồng
Vừa cầm bút đã ngoáy Con Chim Vàng
Qua thời Đất Lửa gian nan
Thênh thang một Cánh Đồng Hoang tung hoành
Mấy Mùa Gió Chướng qua nhanh
Dòng Sông Thơ Ấu chảy thành ngày xưa
Còn Bông Cẩm Thạch đong đưa
Lược Ngà chải tóc cho mưa... vẫn còn
Vẫn ngày mấy cữ rượu ngon
Và còn… đủ các loại Con trên đời
Con chim quên tiếng hát rồi
Thì Con Gà Trống gáy chơi vang nhà
Thêm Con Mèo Fu-ji-ta
Có mèo, có cả đô la đãi mèo
Kệ ai giả khổ, giả nghèo
Dù ai khen õng, chê eo mặc lòng
Con ngoài hòa thuận Con trong
Phúc-Lộc-Thọ được như ông nhất đời!
Ông chẳng giấu khi tôi kỳ cạch hỏi, con ngoài, con trong là sao? Nhưng chuyện ấy ông cũng không nỡ công khai làm gì, dù người ấy thuở ấy và ông cũng là một mối tình trong sáng. Hai người cùng ra trận, trước cuộc chiến mà không biết trước ai còn, ai mất, cô con gái riêng của ông ra đời như một kết quả tất yếu. Chị là con gái của một diễn viên nổi tiếng, bây giờ chị đã lấy chồng ngoài Sài Gòn nhưng vẫn qua lại luôn luôn, vẫn gọi ông là ba và thân thuộc với mấy người con của ông như một người chị gái. Người diễn viên ấy cũng có gia đình riêng, êm ấm như ông. Quá vãng dẫu không quá xa xôi và sợi dây máu thịt liên kết còn đó nhưng cái gì đã qua cũng phải cho qua. Ông ngại nhắc tên của họ cũng có lý do, nên ngay cả lời đồn về một mối tình qua chiếc máy quay đĩa với bản giao hưởng số 6 của Beethoven với một cô gái từ lúc ông còn sống ở Hà Nội, cũng chỉ là một lời đồn đại mà thôi.
"Tôi cũng từng ngông ngạo lắm đấy. Nhưng có con, tự nhiên tính mình nó mềm hẳn ra. Nhìn con mà sống, nhìn con để nhìn trước ngó sau. Chuyện riêng cũng vậy, chẳng công khai, cũng chẳng bí mật. Ai biết thì biết, ai không biết thì thôi".
- Quá khứ có bao giờ là hệ lụy, để mình cứ phải suy nghĩ cho đến mãi sau này với ông không?
"Có chứ, chính hệ lụy đó khiến mình phải cẩn trọng hơn. Có những chuyện, chắc chỉ khi những người liên quan chết hết rồi, khi đó ai muốn nói gì thì nói!"
CON
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một đạo diễn trẻ vừa rất thành công với bộ phim "Nụ hôn thần chết" lại đang quay "Giải cứu thần chết", phim sẽ chiếu Tết năm nay. Ông bảo, Dũng đi từ sáng, hình như hôm nay quay bên Phú Mỹ Hưng.
Ký ức về cậu con trai út Nguyễn Quang Dũng là những kỷ niệm về một cậu con trai hơi… bất bình thường. Từ khi còn bé xíu, đi học ở Võ Văn Tần, ba đi đón ở cổng trường, con người ta thấy ba mẹ đón thì chạy ùa ra ôm, còn Dũng thì ba toàn phải lo tìm xem con ở đâu trong số bọn nhóc trứng gà, trứng vịt giống hệt nhau kia. Nếu ba không kịp nhìn thấy Dũng, cậu sẽ lơ luôn và trốn đi lang thang một mình. Lần nào đi đón, ba Sáng cũng phải lo rượt theo con để túm được Dũng, bắt lên xe mới "đem" được cậu về nhà. Dũng "tâm sự" với ba, cậu chán lắm vì nhà gần trường quá, không được đi xa để sẽ gặp nhiều chuyện hơn mỗi ngày. Ngay khi lớn, cũng chưa hết lo khi con trai suýt nữa thì hư, ông phải lọ mọ tìm trường chuyển Dũng sang đó vì nếu ở trường cũ (Lê Quý Đôn), chơi với một nhóm bạn xấu, rất có thể Dũng sẽ hỏng mất!
"Mình không đặt tên nó là Quang Dũng đâu, anh trai nó đặt đó. Anh trai Dũng tên Quang mà. Mình bạn với ông nhà thơ Quang Dũng nổi tiếng thấy bà, ai mà đi đặt tên con là Quang Dũng, cũng không nghĩ nó theo nghệ thuật, bây giờ nó theo mà lỡ nó không nổi tiếng bằng ông Quang Dũng kia lại trùng tên ông, kỳ! Nó làm được gì nó cứ làm, mình thả lỏng thôi. Riêng có một thứ, ba cha con cực kỳ bạn bè với nhau là bóng bàn. Thậm chí còn dắt nhau đi đánh độ, đánh ăn tiền đó. Năm mười ngàn thôi nhưng thế nó mới vui. Ngày xưa Dũng ngủ cùng phòng mình, nó mà nói, có khi đến 12 giờ đêm chưa ngừng. Bây giờ Dũng bận quá, lại ngủ riêng, gần như chẳng nói chuyện với ba nó nữa, mình cũng già, chẳng đánh được bóng bàn như xưa…"
***
Ông châm một điếu thuốc mới, tỉnh khô nhả khói lên trời.
Quick chat
- Người ta đồn ông uống rượu rất nhiều?
"Rất tiếc là hình như chưa có ai nhìn thấy mình say bao giờ! Nói chính xác là mình uống đều, chứ không phải uống nhiều".
- Hàng ngày ông thức dậy lúc mấy giờ?
"Vô chừng, nếu đi chơi đến 12 giờ đêm thì phải 8 giờ sáng hôm sau mình mới dậy".
- Ông thấy mình và con trai út giống nhau nhất ở điều gì?
"Có lẽ là khi đi học cùng học dốt như nhau! Trình độ của mình ghi trong lý lịch là hết lớp 7 thôi đó nghe. Và hai cha con đều sai chính tả khi viết văn!"
- Dũng có trao đổi với ông về kịch bản của Dũng trước khi làm phim không?
"Không bao giờ!"
- Ông có những lời khuyên nào cho con trai của mình khi cậu ấy làm nghệ thuật?
"Mình bảo nó, viết phim hãy cẩn trọng nhất với thoại, và đừng bao giờ xin vào bất cứ hội nào hết!"
- Cảm giác sẽ chuyển khỏi ngôi nhà thân thuộc này với ông để thích nghi với một nơi ở mới?
"Đến tuổi này, cảm giác của mình cũng không còn mạnh nữa".
- Bây giờ ông còn viết không?
"Mình viết hoài, làm sao dừng được? Có điều ngày trước viết bằng ký ức, bằng thực tiễn mình sống còn bây giờ phải gắng viết thời nay. Không dễ".
- Ông còn thời gian và sức lực để đọc sách không? Ông đang đọc gì vậy?
"Mình đọc nhiều, nhưng gần 20 năm nay mình đọc chủ yếu là kinh Phật".
- Ông tìm thấy triết lý hay lời dạy nào từ những cuốn sách ấy?
"Mình thích ý này: Ai ngự trị trái tim ta? Có 3 thứ: Nhan sắc, mùi hương và âm thanh. Vậy thôi".
- Tuổi này, ông sẽ phiền muộn nhất nếu phải đối mặt với điều gì?
"Ngày xưa nghèo, đồng tiền chi phối quá. Còn bây giờ, mình đã bắt đầu cầu an".
- Cảm ơn ông.