Đâu phải đến Vân Vy, cái tên Thuận mới nổi tiếng? Từ khi viết, Thuận ra sách đều đặn, không cuốn nào mờ nhạt. Ngược lại, cuốn nào cũng làm cho độc giả vốn ăn cũng theo thói quen gặp Thuận là... nghẹn!
***
Thuận sống tại Pháp. Chị là con dâu của nhà thơ cách tân Trần Dần, vợ của họa sĩ Trần Trọng Vũ và một điều rất vô tình khi nhà văn Nguyễn Việt Hà vào chơi Sài Gòn, bất ngờ nói ra: Thuận chính là chị em song sinh với dịch giả, nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi. Người ta biết đến những chi tiết đó sau khi biết đến sách của Thuận. Những Made in Vietnam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, Vân Vy là những cuốn sách vừa đủ độ mỏng nhưng khi được phát hành, bạn đọc cũng như nhận một cơn dư chấn. Từ Paris, Thuận chỉ đồng ý trả lời phỏng vấn sau khi đã đọc câu hỏi.
- Bắt đầu với sex nhé, chị đi rất rón rén, hai cuốn đầu gần như chưa có, T mất tích có và nhẹ như một trào lộng. Đến VânVy thì thực sự bất ngờ. Một dẫn dắt vô tình như bắt đầu bằng bài học vỡ lòng, một "ô nhiễm" vô thức?
"Tình dục hấp dẫn và là đề tài muôn thuở, nên với người cầm bút, văn chương không tình dục là thử thách, văn chương có tình dục cũng là thử thách: viết thế nào để vắng nó vẫn hay, mà thừa nó cũng không nhàm. Hành trình của tôi từ không tới có. Chắc chắn có những người đi từ có tới không. Quan trọng là có dám đương đầu với thử thách".
- Chị tin rằng bản chất của sex không phụ thuộc vào văn hóa, vào thứ bậc hay nhiều giá trị khác thuộc về văn minh mà con người đang khoác lên người?
"Tình dục có lẽ độc lập hoàn toàn với sự phát triển của nhân loại. Bằng chứng là ngày nay con người đã thành công trong rất nhiều lĩnh vực, chinh phục được cả mặt trăng, thế mà vẫn dễ bị cơn thèm khát dục tình đánh gục".
- Nhưng hình như với sex, người ta sẽ dễ thở hơn khi biết cư xử một cách "có văn hóa"?
"Đó có vẻ là quy tắc của cuộc sống. Nhưng nghệ thuật lại khác. Một trong những yêu cầu đầu tiên của nghệ thuật là chối bỏ. Nghệ thuật không thể lịch sự nhã nhặn, kính trên nhường dưới, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, tập thể cứ quyết cá nhân xin theo… Vì thế, nếu ai muốn dễ thở thì nên tới rì-dọt nghỉ mát, chứ đừng tiếp xúc với nghệ thuật".
- Theo chị, ranh giới giữa một tác phẩm văn học có nhiều yếu tố sex và thậm chí chuyên về sex với một cuốn sách khiêu dâm có khó nhận biết không?
"Sách khiêu dâm có mục đích duy nhất là kích thích, tình dục vì vậy không phải là đối tượng sáng tạo. Nhưng thế nào là sáng tạo? Độc giả nhẹ dạ thì vài từ bay bướm và một thiên tình sử là lai láng chất văn. Độc giả định kiến thì mấy động tác mành mạnh là đủ vứt tác phẩm vào sọt rác dâm thư. Thế mới có chuyện nghệ thuật với người này là phi nghệ thuật với kẻ khác, hay thương mại thuần túy lại biến thành đỉnh cao văn chương. Vấn đề vẫn là trình độ thẩm mỹ".
- Chị đã nói: "không có gì bất thường và ám ảnh hơn tình dục". Đã thấy rõ sự ám ảnh nhưng tôi chưa hiểu sự bất thường ở đây, chị đang nói về nhục thể hay cảm giác?
"Với tôi, tất cả những gì lôi cuốn đều khó xác định, mà đã khó xác định thì không thể biết đâu là cảm giác đâu là nhục thể".
- Yếu tố văn minh, văn hóa ngăn cản người ta phát ngôn về sex một cách quá thẳng thắn, nhưng lại được chị viết ra, đặc biệt trong "Vân Vy". Có bao giờ những câu chữ ấy khi mới được viết ra nó cho chị một sự ngượng ngập?
"Trong văn chương, mọi đề tài đều bình đẳng. Không thể khi phát ngôn cho chính trị hay chiến tranh thì hùng hồn thẳng thắn, còn với tình dục thì lẩn tránh hoặc cầm chừng. Tình dục trong Vân Vy được viết một cách trực tiếp, không rào trước đón sau, không khẽ khàng che đậy. Và đương nhiên không chút ngượng ngập. Nói chung, trong nghệ thuật, đã ngượng ngập thì tốt nhất là đừng tiếp tục, vì ngượng ngập rất gần với tự-kiểm-duyệt".
- Không chỉ riêng những đoạn văn miêu tả trần trụi một cảnh sex nào đó trong "Vân Vy", những yếu tố khác thực ra lại ngầm ý kích thích mãnh liệt, như que kem Tràng Tiền đến những cách hôn trên phố của một cặp tình nhân. Nó sinh ra từ đâu? Từ sự cô đơn đến lạc lõng nơi xứ người hay bởi những tù túng của một nếp sống được lên lịch và kẻ thẳng hàng mỗi ngày?
"Không rõ huyễn tưởng tình dục của Vy có bắt nguồn từ cô đơn hay tù túng, nhưng có vẻ Vy khao khát được hành động như V: được công khai đưa Y vào khách sạn, được ngang nhiên hôn Y giữa phố đông, được bình thản bỏ Y ở góc đường… Vy và V mới nghe đã thấy gần. Vy và V và Y lại còn gần hơn. Không phải ngẫu nhiên mà các nhân vật trong Vân Vy có tên chỉ là một chữ cái".
- Làm sao để phân biệt được tình yêu nếu nó thiếu đi yếu tố sex? Ở đây là sự thần tượng hay cảm giác thân thuộc đến gần gũi mà chị đã tạo ra trong mối quan hệ mẹ-con trong Vân Vy, có phải là một thứ tình yêu cũng mãnh liệt, ám ảnh và bất thường như sex không?
"Tôi thì thấy tình yêu thuần khiết pla-tô-ních lại dễ phân biệt hơn vì nó không bị tình dục lấn át. Trong khi đó, tình yêu trộn lẫn tình dục giống như một món ăn ngon được nấu từ thịt tươi, rất khó biết là do chất lượng thực phẩm hay tay nghề đầu bếp. Tình mẫu tử mà nhân vật Liz dành cho con trai thực ra không phải là chuyện hiếm, nhiều người mẹ còn tôn sùng và hy sinh cho con hơn thế, nhưng Liz và B nội tâm phức tạp nên cách thể hiện tình cảm trở nên khác thường, có cảm giác mọi thứ đều bị họ làm cho nổ tung. Nhưng dù mãnh liệt và ám ảnh đến đâu, tình mẫu tử vẫn khác tình yêu. Tình yêu có sự si mê độc quyền của riêng nó".
- Viết một cuốn sách có giống như yêu không, với chị?
"Viết mà giống yêu thì người ta tranh nhau cầm bút và nhà văn sẽ là nghề duy nhất trên thế gian. Mới tưởng tượng đã thấy không thể".
- Thông minh có cần thiết cho viết văn không?
"Lĩnh vực nào cũng yêu cầu trí thông minh, lý do gì khiến văn chương chỉ cần chỉ số IQ tối thiểu?"
- Đạo diễn Trần Anh Hùng có một lần nói, anh không sao mà lấy cảm hứng từ Paris để làm phim vì nó cứ như một viện bảo tàng. Còn chị?
"Mỗi người có những cách riêng để tìm cảm hứng. Đúng là nhiều địa điểm của Paris, đứng về mặt nghệ thuật tạo hình, hoàn hảo đến lạnh lùng, và anh Hùng đã có lý khi ví chúng với viện bảo tàng. Nhưng Paris còn là những khu bình dân, nghèo nao lòng, buồn không khác thế giới thứ Ba, chẳng mấy khi được văn chương nghệ thuật để mắt. Với tôi, mặt trái bao giờ cũng là mảnh đất màu mỡ cho sáng tạo".
- Đặt ra những plan chính xác và thực hiện bằng được nó trong hành trình văn chương, ngạc nhiên thay chị thành công. Bút lực của chị dường như dư thừa hơn những gì chị đã thể hiện?
"Nhìn lên các tác giả khác, tôi thấy mình là một hạt cát bé nhỏ. Marguerite Duras chẳng hạn, đã để lại hơn bốn mươi tác phẩm, không phải cái nào cũng là tuyệt tác, nhưng Người Tình thì hơn cả tuyệt tác, thế mà vẫn chưa lúc nào tỏ ra mãn nguyện. Người ta bảo mỗi người chúng ta chỉ sử dụng hết một phần bộ não của chính mình".
- Chạm vào những gì mà người đời, nhất là người Á đông cố che giấu đi, chị có bao giờ đau đớn chưa?
"Nguyên tắc Á đông là đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại. Nhưng đẹp có phải là giàu có, thành công? Xấu có phải là nghèo hèn, thất bại? Sự thật nào khó tìm cũng khiến người ta đau đớn".
***
Cao Việt Dũng - lời dẫn trong T mất tích: Lối viết thể hiện trong T mất tích đã rất gần với mức độ mà một người đọc khó tính đòi hỏi. Không có cuốn sách hoàn hảo, và quyết định luận tri thức đòi hỏi phải dành cho người tiếp nhận một phần trăm nhất định cho tự vấn và nghi ngờ, và cả phản bác. Theo nghĩa đó, T mất tích rất có thể mở ra một chặng đường văn chương khác của nhà văn Thuận. Ít nhất đó cũng là điều người ta có thể chờ đợi một cách bình tĩnh từ một cuốn tiểu thuyết khác, và lạ, như T mất tích. T mất tích là một sự tiếp tục theo hai nghĩa. Một mang tính khẳng định, một khẳng định quyết liệt: Thuận tiếp tục con đường của một nhà văn đầy ý thức. Một mang tính phủ định, một phủ định không dễ dàng: Thuận từ chối làm ngôi sao băng.