Bạn thường hành xử như thế nào?
Không phải niềm tin mà chính cách hành xử mới giúp bạn cải thiện bản thân.
Việc hiểu được bản thân là ai và thường hành xử như thế nào trong các tình huống khác nhau sẽ thay đổi cách chúng ta giao tiếp, trao đổi và bắt tay với người khác, giúp tất cả các bên đều đạt được điều mình mong muốn. Có bao giờ bạn có cảm giác như mọi người không hiểu mình, bạn không thích làm việc với ai đó, hoặc trạng thái cảm xúc của họ khiến tâm trạng của bạn bị chùng xuống không? Bạn lúc nào cũng vui vẻ, hay bạn thường thấy chán nản, bực bội và ước gì mình biết được nguyên nhân đằng sau những cảm xúc tiêu cực đó? Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem bạn có thể hiểu thế nào về phong cách hành vi của chính mình cũng như của những người xung quanh.
Tuy mỗi người là một cá thể độc nhất - điều này không có gì phải bàn cãi - nhưng đồng thời, chúng ta cũng có những đặc điểm hành vi giống nhau. Một số người có thể thích trở thành tâm điểm của sự chú ý trong khi những người khác thích làm việc một mình. Bên cạnh phong cách hành vi của riêng mình, chúng ta cũng dần học hỏi và thích ứng với phong cách hành vi của những người khác trong quá trình giao tiếp.
Khi đã hiểu rõ hơn về bản thân mình, chúng ta sẽ có thể khơi niềm đam mê và phát huy thế mạnh, đồng thời nhìn nhận và tìm cách khắc phục các điểm yếu. Hầu hết những cách hành xử tiêu cực đều bắt nguồn từ việc ta không ý thức được mình đang gây ảnh hưởng đến cả bản thân lẫn những người xung quanh. Khi biết trau dồi và phát huy ưu điểm của mình, chúng ta sẽ có thể làm cho cuộc sống bớt căng thẳng và trở nên thú vị hơn, vui vẻ hơn, cả về mặt cá nhân lẫn công việc. Nhờ vậy, ta có thể kết nối với mọi người và đạt được những kết quả mỹ mãn, khiến đôi bên đều cảm thấy hài lòng. Biết về phong cách hành vi của bản thân là chìa khóa để bạn hiểu được cách mình phản ứng và giúp bạn đáp ứng nhu cầu của chính mình cũng như của người khác.
Sự hiểu biết về phong cách hành vi cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực bán hàng và dịch vụ, khi mục tiêu của chúng ta là cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất. Và chúng ta có thể đạt mục tiêu này nếu hiểu được phong cách hành vi của khách hàng và dựa vào đó để cung cấp dịch vụ phù hợp. Ví dụ, chúng ta thấy người mua có thể thuộc tuýp người muốn dành thời gian tìm hiểu và sẽ đặt nhiều câu hỏi trước khi quyết định mua sản phẩm, hoặc là đã biết chính xác mình cần gì và không muốn mất thời gian trao đổi. Một khi đã hiểu được những hành động này xuất phát từ phong cách hành vi của khách hàng, ta sẽ biết cách làm họ hài lòng.
ĐIỀU GÌ KHIẾN BẠN KHÁC BIỆT?
Để trả lời câu hỏi trên, ta sẽ bắt đầu với việc xem xét khuynh hướng hành xử của bản thân trong các loại tình huống khác nhau. Bảng phân loại hành vi DISC sẽ giúp chúng ta thực hiện việc này.
Nói đến bảng phân loại DISC, chúng ta cần quay ngược thời gian về năm 1928, khi nhà tâm lý học William Moulton Marston phát triển một học thuyết tập trung vào bốn đặc điểm hành vi: Dominance (Thống trị), Inducement (Xui khiến), Submission (Phục tùng), Compliance (Tuân thủ). Ông đã viết về nghiên cứu này trong quyển Emotions of Normal People (tạm dịch: Cảm xúc người thường). Đến năm 1956, Walter V. Clarke - nhà tâm lý học người Mỹ chuyên về mảng nghề nghiệp - đã sử dụng học thuyết của Marston để phát triển bảng đánh giá tính cách DISC. Kể từ đó, rất nhiều tổ chức đã điều chỉnh và ứng dụng hệ thống đánh giá này cho phù hợp với thời đại cũng như tình huống cụ thể. Bản thân tôi cũng sử dụng một phiên bản điều chỉnh dựa trên mô hình của Clarke để phù hợp với khách hàng của mình cũng như bối cảnh hiện tại.
VÌ SAO VIỆC XÁC ĐỊNH PHONG CÁCH HÀNH VI LẠI QUAN TRỌNG?
Khi hiểu được chúng ta thường hành xử với những người khác nhau trong những tình huống cụ thể như thế nào và vì lý do gì, ta sẽ có thể kiểm soát hành động của mình và xây dựng các mối quan hệ bền vững hơn, tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, khi xác định được phong cách hành vi của người khác, bạn sẽ biết cách làm cho họ cảm thấy thoải mái và giúp họ đạt được những kết quả như ý trong quá trình hợp tác. Đồng thời, bảng phân loại hành vi DISC cũng giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân mình.
Sau khi hoàn thành bảng phân loại hành vi trong chương này, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về cách bản thân thường phản ứng trong nhiều tình huống khác nhau. Dựa vào khuynh hướng hành vi của mình, bạn sẽ có thể giữ thế chủ động để đạt được kết quả có lợi cho bạn và mọi người.
Việc bạn thuộc nhóm hành vi nào không quan trọng, vì không có phong cách hành vi nào là tốt hay xấu, đúng hay sai. Bất kể kết quả phân loại của bạn là gì, đó vẫn là phong cách phù hợp nhất với bạn.
MỐI LIÊN HỆ GIỮA NGHỀ NGHIỆP VÀ PHONG CÁCH HÀNH VI
Càng hiểu rõ bản thân là ai và có những thế mạnh gì, bạn càng dễ chọn cho mình một công việc đúng sở trường và khiến bạn hạnh phúc. Chúng tôi từng hợp tác với nhiều đơn vị tuyển dụng và đã sử dụng phương pháp phân loại hành vi DISC để giúp họ tuyển được ứng viên phù hợp cho từng vị trí. Chúng tôi cũng hỗ trợ nhiều người tìm việc xác định đúng lĩnh vực mà họ có thể phát huy, phù hợp với khả năng và tính cách của họ. Điều chúng tôi đã phát hiện ra chính là nếu có thể tuyển đúng người đúng việc thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, công sức, cũng như thời gian tư vấn và đào tạo về sau.
Bảng phân loại phong cách hành vi
Bảng trắc nghiệm sau đây có hai mươi ba mục, mỗi mục có bốn câu. Hãy chọn câu miêu tả đúng nhất về bản thân bạn và khoanh tròn con số ứng với câu đó ở cột bên phải.
Bạn chỉ mất từ năm đến bảy phút để hoàn thành bảng trắc nghiệm này, do đó hãy bắt tay làm ngay nhé!
Tính điểm
Bạn đã khoanh tròn bao nhiêu số 1?
= C
Bạn đã khoanh tròn bao nhiêu số 2?
= D
Bạn đã khoanh tròn bao nhiêu số 3?
= I
Bạn đã khoanh tròn bao nhiêu số 4?
= S
Hãy đảm bảo tổng điểm = 23
Tổng →
Các thuật ngữ Marston sử dụng là Dominance (Thống trị), Inducement (Xui khiến), Submission (Phục tùng), Compliance (Tuân thủ).
Các thuật ngữ tôi sử dụng là Directing (Chỉ đạo), Influencing (Ảnh hưởng), Stabilising (Kiên định), Complying (Nguyên tắc)
Bạn ghi điểm cao nhất ở chữ cái nào? (Chọn một)
D = Directing (Chỉ đạo)
I = Influencing (Ảnh hưởng)
S = Stabilising (Kiên định)
C = Complying (Nguyên tắc)
Bạn có phong cách hành vi __________.
Chắc hẳn bạn đang rất thắc mắc việc mình vừa làm có tác dụng gì. Hãy đọc hết chương này và bạn sẽ hiểu cũng như có thể vận dụng những kiến thức này để mài giũa kỹ năng giao tiếp của mình.
Nếu điểm số của bạn trong mỗi nhóm phân loại đều thấp hơn 10 nghĩa là bạn có rất nhiều điểm mạnh nhưng cũng không ít điểm yếu. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng: bạn cần chọn cách hành xử phù hợp trong từng tình huống để đạt kết quả như ý.
Nếu bạn đạt điểm cao hơn 10 ở bất cứ nhóm nào, hãy đọc kỹ thông tin tương ứng với nhóm đó ở phần tiếp theo, vì đó chính là nhóm tính cách của bạn. Nhưng nếu kết quả cho thấy bạn thuộc hai nhóm tính cách đối lập (ví dụ như D và S, hoặc C và I) thì chỉ có một nhóm là phong cách hành vi của bạn. Để xác định đâu mới là phong cách vốn có của mình, bạn hãy nhớ lại xem vào thời thơ ấu, bạn là một đứa trẻ hoạt bát, quyết đoán, thích đặt câu hỏi hay rụt rè?
Tất cả chúng ta đều có những tính cách “phái sinh”. Ví dụ như khi còn nhỏ, lúc nào tôi cũng chạy nhảy, cười đùa và tìm mọi cách để có thể vui chơi thỏa thích. Đến giờ tôi vẫn muốn được như thế, nhưng tính cách “D” (Chỉ đạo) đã xuất hiện để tôi có thể quán xuyến công ty và không trì hoãn hoặc do dự quá nhiều. Trong thời gian làm việc ở ngân hàng, tôi đã có thêm tính cách “I” (Ảnh hưởng) khi trở thành nhân viên kinh doanh hàng đầu nước Úc, nhưng đồng thời tôi cũng thể hiện phong cách hành vi “C” (Nguyên tắc) khi thực hiện các thủ tục pháp lý. Hãy thường xuyên suy ngẫm để xác định xem bạn cần những kỹ năng gì trong xã hội ngày nay và cần thực hiện những hành động cụ thể gì để phát triển các kỹ năng đó.
SƠ ĐỒ TÍNH CÁCH
Bây giờ là lúc chúng ta xác định xem bạn thuộc ô nào trong bốn ô vuông dưới đây và điều đó có ý nghĩa gì.
Động vật cũng có thể được phân loại theo phong cách hành vi. Như trong hình trên, bạn có thể thấy mỗi góc phần tư đều có một loài chim ứng với phong cách hành vi đó.
Khi nắm bắt được những thông tin sau đây về các phong cách hành vi, bạn sẽ có thể giao tiếp, bán hàng, mang đến sự hài lòng cho khách hàng, thậm chí là trở thành bậc thầy về giao tiếp. Bạn có muốn mang lại lợi ích cho hai bên và gặt hái thành quả rõ ràng sau mỗi cuộc thảo luận không? Cụ thể hơn, bạn có muốn bản thân không còn nổi giận, lớn tiếng, muốn cắt đứt liên lạc với đối phương, khiến người khác thấy bạn là người khó gần hoặc có thành kiến tương tự về họ?
Hãy nhớ rằng bạn chỉ có thể thỏa mãn mong muốn của bản thân và đối phương khi xác định được mỗi bên mong muốn những gì và có thể nhượng bộ đến mức nào.
Nếu bạn thuộc nhóm D, hãy đọc trang 113
Nếu bạn thuộc nhóm I, hãy đọc trang 122
Nếu bạn thuộc nhóm S, hãy đọc trang 130
Nếu bạn thuộc nhóm C, hãy đọc trang 138
Bạn nên tìm hiểu về nhóm tính cách của mình trước, sau đó hãy đọc thêm về những nhóm tính cách khác cũng như làm thế nào để giao tiếp hiệu quả hơn với những người thuộc các nhóm đó. Việc hiểu về đối phương sẽ giúp bạn tạo được sự thoải mái cho cả hai, chứ không chỉ cho bản thân bạn. Hãy rèn luyện những kỹ năng giao tiếp được đề cập trong chương này như thể tương lai của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng giao tiếp của chính bạn, vì thật tình mà nói thì sự thật đúng là như vậy.
Nhóm tính cách D - Chỉ đạo
NGƯỜI CHỈ ĐẠO
Người chỉ đạo thích được tranh tài với người khác, giải quyết vấn đề hoặc xử lý những tình huống khó. Họ lấy thành công làm động lực và thích đối mặt với thử thách. Họ có tinh thần trách nhiệm cao và thường phát huy bản lĩnh trong những tình huống ngặt nghèo. Họ tôn trọng những người có quyền hành và sẵn sàng nỗ lực cho đến khi cả vấn đề nan giải nhất cũng được giải quyết triệt để.
Khi làm việc với người khác, Người chỉ đạo thường trao đổi ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề và chỉ tập trung vào công việc và kết quả. Đôi khi họ bị xem là người kiêu căng, độc đoán. Dù không hề hay biết, nhưng Người chỉ đạo có thể vô tình có những cách ứng xử khiến người khác bị tổn thương. Dù không hay để bụng nhưng đôi khi, vì bản tính bộc trực của mình mà họ lại thường gây hiềm khích với những người xung quanh. Người chỉ đạo thấy bản thân được mọi người tôn trọng; họ thích làm lãnh đạo, muốn trở thành trung tâm của sự chú ý và ưa những lời khen ngợi, tâng bốc. Thậm chí, họ còn có thể xem mình là cái rốn của vũ trụ.
Vì muốn là người chịu trách nhiệm và giải quyết vấn đề, nên đôi khi Người chỉ đạo sẽ có vẻ lấn lướt, phớt lờ hoặc gạt bỏ quan điểm của người khác để đạt được mục tiêu của mình. Vì chú trọng công việc, nên họ thường có những lời chỉ trích gay gắt hoặc cố “vạch lá tìm sâu” khi tiêu chuẩn của họ không được đáp ứng.
Tuýp người này thích một môi trường luôn thay đổi. Nếu một dự án không còn tính thử thách nữa thì họ sẽ hết hứng thú với nó. Họ có nhiều sở thích, ưa mạo hiểm và thậm chí là liều lĩnh. Người chỉ đạo rất hiếu kỳ, thích phiêu lưu và sẵn sàng thử mọi thứ. Họ thường có vẻ hào hứng và phấn khích đối mặt với những thử thách của quá trình phát triển sự nghiệp. Nhưng cũng có lúc, vì không đủ kiên nhẫn mà họ có thể hành động vượt quá thẩm quyền để đạt được mục tiêu.
Người chỉ đạo thường phân tán năng lượng của bản thân để có thể đóng vai trò chủ động trong càng nhiều khía cạnh của một dự án càng tốt. Vì vốn là người không thích ở yên một chỗ, nên họ sẽ luôn tìm kiếm những chân trời mới. Họ có thể làm những việc tỉ mỉ khi cần thiết để chinh phục mục tiêu, miễn là những việc đó đừng có tính lặp đi lặp lại hoặc duy trì bất biến.
Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, có thể họ sẽ thường xuyên nhảy việc do thiếu kiên nhẫn và hiếu thắng. Họ có thể hành động vượt quá quyền hạn khi muốn hoàn thành công việc hoặc nâng cao vị thế của bản thân. Họ luôn muốn thấy một mục tiêu rõ ràng và muốn nỗ lực của mình được công nhận.
Xét về mặt tích cực, phong cách hành vi này có thể tạo động lực để bạn nỗ lực chinh phục mục tiêu, chịu trách nhiệm ra quyết định và giúp người khác đạt được kết quả như ý. Người chỉ đạo thích nắm vai trò dẫn dắt trong các cuộc thảo luận. Họ là những người rất độc lập và nghiêm khắc. Họ thích những điều khác thường và có tính mạo hiểm. Họ hiếu kỳ, có nhiều sở thích khác nhau, sẵn sàng thử nghiệm những điều mới mẻ hoặc tự mình khởi tạo cái mới.
Nhìn chung, Người chỉ đạo có tài xoay xở và có thể thích ứng với mọi tình huống.
Nếu tận dụng được mặt tích cực trong tính cách của mình để quyết tâm theo đuổi mục tiêu và hỗ trợ người khác, Người chỉ đạo có thể vượt qua hầu như mọi trở ngại.
Chim đại bàng (D): Đại bàng không phải là loài chim nhút nhát. Chúng tập trung vào mục tiêu và ra quyết định nhanh chóng để theo đuổi mục tiêu và đạt được kết quả như mong muốn. Chúng ghi nhận cũng như truyền tải thông tin nhanh gọn, mau lẹ, và thường có khuynh hướng lấn át, áp đảo đối phương. Bạn có phải là đại bàng không?
Làm chủ kỹ năng giao tiếp
Đôi khi Người chỉ đạo cần kiên nhẫn hơn và học cách kiềm chế để không cướp lời người khác. Có thể bạn nghĩ mình biết đối phương sắp nói gì, nhưng không phải lúc nào suy đoán của bạn cũng đúng. Thay vì hấp tấp ra quyết định, hãy bình tĩnh cân nhắc xem hành động của bạn sẽ dẫn đến những tác động như thế nào. Ngay cả khi bạn là một quản lý dự án xuất sắc và thường quyết định dựa vào trực giác của mình, hãy dành thời gian để giải thích cho đội ngũ của bạn hiểu về vai trò của từng thành viên trong dự án.
Nếu được từ 10 điểm trở lên ở nhóm D, bạn được xem là người có phong cách hành vi Chỉ đạo và thường có những đặc điểm như sau:
Cải thiện hiệu quả giao tiếp
Cách giao tiếp với Người chỉ đạo
Người chỉ đạo thường ra quyết định rất nhanh nên khi bạn đến gặp họ, hãy chuẩn bị sẵn những giải pháp hữu hiệu.
Nghề nghiệp phù hợp
Nhóm người có phong cách hành vi Chỉ đạo thường tập trung vào hành động để đạt được kết quả mong muốn. Người chỉ đạo có khuynh hướng nhắm đến những vị trí quyền lực và nghề nghiệp mang lại cho họ quyền tự kiểm soát hoặc lãnh đạo người khác. Một số nghề nghiệp có thể phù hợp với Người chỉ đạo là:
Khi khai thác được những ưu điểm của mình, Người chỉ đạo có thể trở thành những nhà cải cách hoặc lãnh đạo. Nhưng trái lại, họ cũng có nguy cơ trở thành những kẻ thích hô hào hay thậm chí là độc tài.
Làm việc với Người chỉ đạo
Bất luận bạn thuộc nhóm nào theo bảng phân loại hành vi DISC thì khi làm việc với Người chỉ đạo, hãy luôn thẳng thắn khi tương tác với họ và họ sẽ rất trân trọng điều đó. Thông thường, Người chỉ đạo tìm đến bạn vì họ đang có một nhu cầu và họ muốn nó được đáp ứng càng sớm càng tốt.
Tóm tắt phong cách hành vi của Người chỉ đạo
Nhóm tính cách I - Ảnh hưởng
NGƯỜI TẠO ẢNH HƯỞNG
Người tạo ảnh hưởng thường thân thiện, dễ gần và có tài thuyết phục. Họ hòa đồng, có thái độ tích cực, tự tin và chắc chắn. Họ có tinh thần lạc quan và thường nhìn nhận mọi việc theo hướng tốt đẹp. Họ sẵn sàng giúp người khác quảng bá dự án như thể đó là dự án của chính họ. Vì vốn thích giúp đỡ mọi người nên đôi khi, Người tạo ảnh hưởng có thể quên mất mục tiêu của bản thân. Người tạo ảnh hưởng thường dễ có được sự hưởng ứng của mọi người, và vì thế họ thường tham gia các tổ chức hoạt động xã hội.
Người tạo ảnh hưởng rất chú trọng yếu tố con người. Họ quan tâm đến vấn đề, sở thích và hoạt động của người khác. Họ có thể khá thoải mái trong cách xưng hô và cư xử thân tình như thể đã quen biết bạn từ lâu. Họ thường tự tin rằng mình là người quen biết rộng và đôi khi trong lúc trò chuyện với bạn, họ còn nêu tên của vài người mà họ nghĩ là người quen chung của cả hai.
Với bản tính muốn dĩ hòa vi quý, Người tạo ảnh hưởng dễ bị người khác đánh giá là giả tạo hoặc hời hợt vì trong cuộc tranh luận, họ dễ thay đổi lập trường mà không hề nhận ra bản thân thiếu sự kiên định.
Người tạo ảnh hưởng thường vội vàng đi đến kết luận. Họ dễ hành động theo cảm tính hoặc quyết định dựa trên những phân tích sơ bộ. Họ vốn dễ tin người và có thể đánh giá sai về khả năng của người khác. Họ nghĩ mình có thể thuyết phục và khuyến khích đối phương cư xử theo cách họ mong muốn.
Truyền thông, quan hệ công chúng và quảng cáo là những lĩnh vực phù hợp với Người tạo ảnh hưởng. Đôi khi, vì không muốn làm hỏng mối quan hệ tốt đẹp hiện có mà họ sẽ cảm thấy khó khăn trong việc kỷ luật cấp dưới và sẽ chọn cách động viên hoặc khuyến khích nhân viên thay đổi.
Chim công (I): Chim công rất dễ được nhận ra bởi chúng thích trở thành tâm điểm của sự chú ý. Chim công tạo nên sự bất ngờ, huyên náo và mất trật tự. Chúng thích tự ý làm những điều mình muốn, đồng thời cũng là những con vật hiếu kỳ không ngại đương đầu với thử thách. Chúng rất vui khi được trình diễn trước mặt mọi người và được chụp ảnh. Bạn có giống như vậy không?
Làm chủ kỹ năng giao tiếp
Đôi khi Người tạo ảnh hưởng cần phải chậm lại một chút, lắng nghe nhiều hơn và ngừng bận tâm về điều tiếp theo mình muốn nói. Họ cần nhận ra không phải lúc nào họ cũng là nhân vật chính của câu chuyện. Dù sao đi nữa, Người tạo ảnh hưởng có ưu điểm là yêu quý mọi người, hết lòng giúp đỡ người khác và cảm thấy hạnh phúc khi làm điều đó.
Nếu được từ 10 điểm trở lên ở nhóm I thì bạn có thể được xem là có phong cách hành vi Ảnh hưởng và có những đặc điểm tính cách như trong bảng sau:
Cải thiện hiệu quả giao tiếp
Cách giao tiếp với Người tạo ảnh hưởng:
Nghề nghiệp phù hợp
Người tạo ảnh hưởng thường chú trọng quá trình giao tiếp và con người. Họ có năng khiếu cũng như khuynh hướng đảm nhận những vị trí có thể giúp họ tối đa hóa tầm ảnh hưởng của mình, hoặc những công việc mang đến cho họ cơ hội giao lưu, hòa nhập và nhận được những phản hồi tích cực. Sau đây là một số ví dụ:
Theo hướng tích cực, Người tạo ảnh hưởng có thể trở thành những nhà cải cách, người có tầm nhìn xa trông rộng hoặc truyền cảm hứng cho người khác. Ngược lại, nếu không vận dụng tốt phong cách hành vi của mình thì họ có thể biến thành kẻ ba hoa, ngồi lê đôi mách.
Làm việc với Người tạo ảnh hưởng
Bất kể bạn có phong cách hành vi nào theo bảng mô tả DISC thì khi làm việc với Người tạo ảnh hưởng, hãy thường xuyên mỉm cười và giữ thái độ vui vẻ. Bạn sẽ rất dễ hợp tác cũng như nói chuyện với tuýp người này. Đây cũng là nhóm khách hàng ưa thích của tôi, vì họ sẽ cho tôi biết họ muốn sử dụng những sản phẩm nào và với mục đích gì. Thêm vào đó, họ luôn chú ý đến những điều tôi nói và rất cởi mở trước những ý tưởng mới.
Tóm tắt phong cách hành vi của Người tạo ảnh hưởng
Nhóm tính cách S - Kiên định
NGƯỜI KIÊN ĐỊNH
Người kiên định thường tốt bụng, tử tế và dễ tính. Họ biết lắng nghe và làm việc đến nơi đến chốn. Với tính khí ổn định và bình tĩnh, họ ít khi nào nổi nóng hoặc trở nên kích động, nhưng lại thường che giấu sự bất bình và hay để bụng.
Người kiên định thường có vẻ thư thái, kiên nhẫn và hài lòng với cuộc sống. Họ đáng tin cậy và sẵn lòng giúp đỡ những người họ xem là bạn.
Họ thích mọi thứ giữ nguyên hiện trạng, không thích những thay đổi bất ngờ và đột ngột. Khi đã bắt đầu một quy trình làm việc được xác lập từ trước theo từng bước cố định, họ có thể theo đuổi quy trình đó đến cùng với sự kiên nhẫn gần như vô tận.
Họ muốn xây dựng mối quan hệ mật thiết với khách hàng cũng như cộng sự. Họ có tính chiếm hữu và thường gắn bó sâu sắc với đội ngũ ở nơi làm việc, với câu lạc bộ họ tham gia và đặc biệt là với gia đình. Bên cạnh đó, vì cực kỳ gắn kết với gia đình, nên họ sẽ cảm thấy bất an khi không ở gần người thân trong một thời gian dài.
Người kiên định thường lên kế hoạch và sắp xếp cuộc sống của bản thân, cũng như đặt ra quy trình làm việc và điều phối các thành viên trong nhóm.
Với tính cách chu đáo và đáng tin cậy, Người kiên định là một đồng đội tốt và có thể phối hợp ăn ý với các thành viên khác trong nhóm.
Khi quản lý nhân sự, Người kiên định thường áp dụng những phương pháp quen thuộc như vun đắp sự tín nhiệm và vận dụng phong cách lãnh đạo có hệ thống, tuân thủ quy trình, sẵn sàng hỗ trợ và tích cực tham gia cùng cấp dưới. Họ không chủ động nắm bắt cơ hội trong những tình huống thuận lợi và thường từng bước hoàn thành nhiệm vụ trong các lĩnh vực quen thuộc để duy trì trạng thái hiện có.
Chim bồ câu (S): Bồ câu là loài chim dễ đoán, điềm đạm và đều đặn. Bồ câu có thể chung thủy cả đời. Chúng không thích sự thay đổi và xáo trộn. Chúng chỉ thay đổi khi tình thế bắt buộc (và có thể còn rất đau khổ nếu rơi vào tình huống đó). Mức năng lượng của chúng thấp hơn và ổn định hơn so với đại bàng và chim công. Chúng hay giúp đỡ người khác, giỏi chăm sóc gia đình cũng như bầy đàn của mình. Bạn có làm việc với người có tính cách giống chim bồ câu không?
Làm chủ kỹ năng giao tiếp
Người kiên định có khuynh hướng làm việc theo cảm xúc nên đối với họ, điều quan trọng là họ phải kiểm soát được cảm xúc, cũng như thẳng thắn chia sẻ và nói về cảm giác của bản thân. Cuộc sống vốn liên tục biến động và đôi khi điều đó sẽ khiến bạn căng thẳng, tuy nhiên bạn hãy nhớ rằng sự thay đổi luôn mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Những Người kiên định dễ mến tuy trầm lặng và điềm tĩnh nhưng đôi khi cũng rất cố chấp và cứng đầu.
Nếu bạn được 10 điểm trở lên ở nhóm S thì những đặc điểm sau đây có thể đúng với bạn và bạn có thể được xem là người có phong cách hành vi Kiên định.
Cải thiện hiệu quả giao tiếp
Cách giao tiếp với Người kiên định
Nghề nghiệp phù hợp
Những người có tính cách kiên định thường tập trung vào các mối quan hệ và quy trình. Họ có khuynh hướng nhắm đến những vị trí cho phép họ tập trung vào một lĩnh vực chuyên môn nhất định, cũng như những nghề nghiệp mà họ có thể làm việc theo nhóm, chẳng hạn:
Khi phát huy được thế mạnh của mình, Người kiên định có thể trở thành người hòa giải và hoạt động vì hòa bình. Nhưng nếu để điểm yếu lấn át thì họ có nguy cơ trở thành kẻ tử vì đạo hoặc người thích đóng vai nạn nhân.
Làm việc với Người kiên định
Bất kể bạn thuộc nhóm tính cách nào trong bảng phân loại DISC, hãy ưu tiên gây dựng lòng tin và phát triển mối quan hệ khi làm việc với Người kiên định. Một khách hàng thuộc nhóm kiên định thường sẽ không ra quyết định ngay tại cửa hàng mà sẽ ra về, dành thời gian suy nghĩ hoặc tham khảo ý kiến người khác trước khi quyết định mua hàng.
Tóm tắt phong cách hành vi của Người kiên định
Nhóm tính cách C - Nguyên tắc
NGƯỜI NGUYÊN TẮC
Người nguyên tắc rất kỹ tính, logic và chính xác. Với mục đích là tìm kiếm sự chính xác, họ thường thích nghi với mọi hoàn cảnh để tránh gây mâu thuẫn, phiền hà và rắc rối. Họ là những người cầu toàn luôn nhất mực tuân thủ các hệ thống cũng như luật lệ. Trong trường hợp không có quy trình nào để làm theo, họ sẽ tự thiết kế và áp đặt nguyên tắc bất cứ khi nào có thể.
Mặc dù không thể hiện ra nhưng Người nguyên tắc khá nhạy cảm, muốn tìm kiếm sự công nhận và dễ bị người khác làm cho tổn thương. Họ thường cố gắng hết sức để đáp ứng kỳ vọng của người khác.
Với bản tính cẩn trọng và quy củ, Người nguyên tắc thường không vội ra quyết định mà phải kiểm tra hết các thông tin sẵn có, và hành vi này có thể khiến những cộng sự hành động nhanh hơn họ cảm thấy bực mình. Dù vậy, Người nguyên tắc cũng biết nắm bắt thời cơ và có thể đưa ra những quyết định đúng đắn vào những thời điểm thích hợp.
Người nguyên tắc có khả năng “gò” bản thân theo hình tượng mà họ tin rằng mọi người đang mong đợi ở họ. Họ hiếm khi làm mất lòng người khác và luôn nỗ lực hết sức để tránh xảy ra xung đột. Họ muốn có nhiều thông tin và sẽ áp dụng những hiểu biết của mình vào việc quản lý nhân viên.
Người nguyên tắc muốn có một cuộc sống đơn giản; họ thường áp dụng một cách tiếp cận nhất định trong cả đời sống cá nhân lẫn công việc. Họ là những nhà tư tưởng và những người làm việc có hệ thống, luôn tiến hành công việc theo một quy trình định sẵn. Họ chú trọng chi tiết và thường sẽ tiếp tục áp dụng những phương pháp từng mang đến thành công cho họ trong quá khứ.
Ngoài ra, Người nguyên tắc cũng có khuynh hướng né tránh tình huống bất lợi, nhất là khi phải đối chọi với người khác.
Chim cú (C): Cú thích làm việc theo quy trình và thường muốn ngồi yên quan sát. Vì tập trung vào nhiệm vụ, nên chúng cũng lên kế hoạch trước khi hành động. Chim cú không chỉ muốn biết ai là người thực hiện nhiệm vụ, mà nó còn muốn biết tại sao lại thực hiện nhiệm vụ đó và những tình huống có thể xảy ra là gì. Chim cú thích làm việc ở hậu trường chứ không thích được chú ý như chim công. Chỉ có khoảng 15% dân số thế giới thuộc nhóm nguyên tắc. Bạn có phải là chim cú không?
Làm chủ kỹ năng giao tiếp
Đôi lúc Người nguyên tắc cần chấp nhận một mức độ sai sót nhất định chứ đừng cố phân tích quá tỉ mỉ.
Tất cả những người thuộc nhóm C mà tôi từng tư vấn đều băn khoăn không biết họ đã điền bảng phân loại DISC đúng cách hay chưa. Họ hoài nghi rằng có khi mình thật ra là thuộc nhóm S hoặc nhóm D. Đừng phân tích quá chi li, bạn đang tự làm khó mình đấy.
Nếu bạn được 10 điểm trở lên ở nhóm C, những đặc điểm sau đây có thể đúng với bạn và bạn được xem là người có tính Nguyên tắc.
Cải thiện hiệu quả giao tiếp
Cách giao tiếp với Người nguyên tắc
Nghề nghiệp phù hợp
Những người có tính nguyên tắc thường tập trung vào chất lượng và sự chính xác. Do đó, họ có khuynh hướng lựa chọn những vị trí mà họ có thể đạt được sự hoàn hảo và hợp lý, hoặc được phát huy tính tỉ mỉ và óc sáng tạo của mình. Sau đây là một số công việc có thể phù hợp với Người nguyên tắc:
Người nguyên tắc có khả năng trở thành nhà ngoại giao giỏi, những người có trình độ chuyên môn cao hoặc chuyên gia phân tích; nhưng đồng thời, họ cũng có nguy cơ biến thành người hay chỉ trích và không bao giờ biết hài lòng.
Làm việc với Người nguyên tắc
Khi làm việc với Người nguyên tắc, bạn cần đưa ra những dữ liệu và con số chính xác, hoặc cung cấp tài liệu để họ mang về nghiên cứu. Khi một khách hàng thuộc nhóm người có tính nguyên tắc tìm đến bạn, nhiều khả năng là họ đã có đủ thông tin cần thiết về một sản phẩm họ muốn mua. Nếu bạn có bán một sản phẩm tốt hơn và có đủ dữ liệu cũng như thông số để chứng minh điều đó, hãy lập tức chia sẻ những thông tin đó với họ.
Tóm tắt phong cách hành vi của Người nguyên tắc
TÓM TẮT CÁC ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA BỐN NHÓM TÍNH CÁCH
Điểm mạnh
Tính cách
Tìm hiểu về phong cách hành vi của bản thân và của người khác sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu, cũng như những yếu tố mà ta có thể cải thiện trong cách giao tiếp của mình.
Khi một nhóm có đủ bốn tuýp người, Người chỉ đạo sẽ muốn thực hiện công việc ngay lập tức, Người tạo ảnh hưởng muốn các thành viên cùng hợp tác, Người kiên định muốn mọi người đối xử tử tế với nhau, và Người nguyên tắc muốn đảm bảo cả nhóm đều làm đúng quy định. Tương tự, phong cách lãnh đạo của mỗi kiểu người lần lượt sẽ là: làm ngay, làm cùng nhau, tử tế với nhau và đảm bảo phải làm đúng.
Khi ý thức được nhóm tính cách của bản thân cũng như của người mà mình đang tiếp xúc, bạn sẽ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai bên và không còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “phải thắng bằng mọi giá”.
CÁCH HÀNH XỬ VÀ VIỆC BẮT TAY
Phong cách hành vi của chúng ta cũng tác động đến cách chúng ta bắt tay, và điều này được thể hiện ngay từ lúc chúng ta gặp gỡ và chào hỏi người khác. Chúng ta luôn mang theo cảm nhận, suy nghĩ cùng các vấn đề của cá nhân mình vào quá trình tương tác. Hãy thử nghĩ xem phong cách hành vi của bạn và của người mà bạn hẹn gặp có thể tác động thế nào đến bảy giây đầu tiên của cuộc gặp gỡ. Liệu bạn có thể khiến đối phương cảm thấy thoải mái và hài lòng khi ra về hay không?
Chúng ta thường lập tức có cảm tình với những người giống mình, bất kể là trong tình huống nào. Nhưng bạn sẽ xử lý thế nào khi gặp gỡ và làm việc với những người khác mình? Đây chính là lúc bạn cần làm chủ quá trình giao tiếp và tạo ấn tượng tốt đẹp trong mắt người đối diện.
Kinh nghiệm tôi có được khi làm việc và tìm hiểu về những người có phong cách hành vi khác nhau đã cho thấy nếu tôi càng phát huy được điểm mạnh của mình thì mọi việc sẽ càng trôi chảy và dễ dàng hơn. Nhưng nếu không nhìn ra những điểm yếu (điểm mù) để cải thiện, tôi sẽ thường xuyên gặp phải tình huống bất lợi. Ví dụ, tôi đạt điểm khá cao ở nhóm tạo ảnh hưởng (I), và điều này có nghĩa là tôi thích gặp gỡ mọi người, tham dự sự kiện, trình bày những bài diễn thuyết quan trọng hay tổ chức hội thảo. Tuy nhiên, điểm yếu đặc trưng của người thuộc nhóm I là không thể quản lý thời gian và theo dõi công việc. Nếu không nỗ lực khắc phục những nhược điểm này, tôi sẽ thường xuyên bị trễ trong các buổi họp hoặc thuyết trình và khiến người khác cảm thấy khó chịu, hoặc thậm chí là không thể kết nối với cấp trên hoặc nhân viên của mình. Nếu không phát triển khả năng theo dõi công việc chặt chẽ, tôi sẽ khó mà điều hành doanh nghiệp hay tìm được khách hàng. Đáng mừng thay, nhiều người từng tiếp xúc với tôi đều nói rằng tôi thực hiện rất tốt khoản duy trì kết nối và theo dõi công việc. Nhờ tập trung cải thiện điểm yếu, tôi đã biến nó thành điểm mạnh và từ đó mới có thể đào tạo người khác về kỹ năng giao tiếp cũng như quản lý. Chính việc phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm đã giúp tôi đạt được doanh số hàng đầu ở tất cả những công ty mà tôi từng làm.
Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có những thế mạnh và phong cách hành vi bẩm sinh. Nhưng trong quá trình trưởng thành, chúng ta bắt đầu phát triển các ưu điểm cũng như phong cách hành vi khác tùy thuộc vào hoàn cảnh và môi trường xung quanh. Khi bạn gặp phải khó khăn, hãy nhìn nhận những nhược điểm của bản thân, tìm cách khắc phục và biến chúng thành những ưu điểm mà trước nay bạn chưa từng có. Hãy yêu quý bản thân và chấp nhận con người bạn ngay tại thời điểm này - một người tuyệt vời đang nỗ lực cải thiện và tạo dựng cuộc sống theo cách mình mong muốn.
Một khi đã nhận ra phong cách hành vi của bản thân, bạn sẽ bắt đầu hiểu được mình thường mua hàng như thế nào, cư xử với người khác ra sao trong lúc khủng hoảng và phản ứng thế nào khi đối mặt với những tình huống căng thẳng. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ có thể làm chủ quá trình giao tiếp. Bạn sẽ tìm được công việc phù hợp với phong cách hành vi của bản thân, biết cách bán hàng cho mọi kiểu người và đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn nhất cho khách hàng cũng như đồng nghiệp.
Quan trọng nhất, bạn cần biết rằng bất kể có phong cách hành vi gì thì bạn cũng có thể:
Từ cải thiện hành vi đến thành công trong cuộc sống
Tất cả những việc ta làm hoặc không làm đều tác động đến cuộc sống của ta. Khi một người đã hiểu được bản thân mình, những thay đổi tích cực sẽ bắt đầu diễn ra trong cuộc sống của họ. Và đây chính xác là điều mà Paige đã trải qua.
Paige là một trong hàng ngàn học viên đã hoàn thành khóa học Làm chủ kỹ năng giao tiếp (Mastering Communication) của chúng tôi. Thật ra, Paige không chọn tham gia khóa học mà em buộc phải làm thế để tiếp tục được nhận trợ cấp của chính phủ. Khi gặp Paige lần đầu tiên, chúng tôi cứ tưởng em đã mười chín hay hai mười tuổi, nhưng hóa ra em chỉ mới mười bảy. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi phát hiện Paige hiện có một cuộc sống không mấy sáng sủa.
Trong khóa học, các học viên cũng thực hiện bài trắc nghiệm như tôi đã giới thiệu trong chương này để xác định phong cách hành vi của mỗi người. Theo lời của Paige thì bài trắc nghiệm đó đã “thay đổi cuộc đời em”. Suốt mười bảy năm tuổi đời, lần đầu tiên em mới nhận ra mình cũng có nhiều khả năng và phẩm chất tốt đẹp. Trước đó, em chưa bao giờ nghĩ là mình có thể làm những việc hữu ích. Em nhận ra dù tốt hay xấu thì mọi việc cũng đều bắt nguồn từ chính hành vi của bản thân em.
Vào thời điểm chúng tôi gặp Paige, em đang ở chung nhà với năm người khác, tất cả đều thất nghiệp, thậm chí còn có vài người nghiện ma túy. Em đã không còn liên lạc với cha mẹ, và em nghĩ cuộc sống chẳng còn điều gì tốt đẹp.
Sau khi tìm hiểu kỹ về phong cách hành vi và biết được những điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình, Paige bắt đầu ý thức về bản thân: em nhận ra em cần chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, và việc có quyết định thay đổi hay không hoàn toàn tùy thuộc vào em. Người phải chịu trách nhiệm cho những việc đã và đang xảy ra là Paige, chứ không phải gia đình em hay những người đang sống cùng nhà với em. Em dần hiểu ra: “Mình chính là kiểu người này và có những tính cách này. Mình phải nắm quyền kiểm soát, mình phải điều khiển được suy nghĩ của bản thân và viết nên câu chuyện đời mình”.
Khi vừa tham gia khóa học của chúng tôi, Paige không nghĩ em cần thay đổi lối sống; nhưng sau khi biết về phong cách hành vi của bản thân, em đã ý thức được em có thể làm gì và nên làm gì. Trước thời điểm đó, Paige chỉ nhìn thấy những nhược điểm, chứ không hề biết đến ưu điểm của mình. Vì thế, em có khuynh hướng tự hủy hoại để không phải thay đổi, không phải cải thiện vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Suy nghĩ được thể hiện qua lời nói, lời nói trở thành câu chuyện, câu chuyện dẫn đến hành động và hành vi ứng xử, từ đó tạo nên tính cách của Paige. Chính tính cách ấy đã khiến em lầm đường lạc lối và đánh mất cả gia đình lẫn bạn bè.
Sau khi tiếp thu tất cả kỹ năng cần thiết để có được Cái bắt tay đáng giá triệu đô, cũng như khả năng kết nối và giao tiếp - bao gồm cả cách tư duy và kiến thức về phong cách hành vi - Paige đã quyết định đi tìm việc làm. Một tuần sau đó, em tìm được hai công việc. Paige dọn khỏi căn nhà chung, tránh xa sự ảnh hưởng của năm người cùng nhà và thuê được căn hộ nhỏ - một thành quả rất đáng để em tự hào. Em đã làm lành với mẹ, và theo lời chia sẻ của em trong lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau thì em cũng đã kết nối lại với cha của mình. Paige không còn liên lạc với những người chung nhà ngày trước mà đã có một vài người bạn thân. Hiện tại, em đang sống rất tích cực và có mục tiêu rõ ràng. Em ăn uống điều độ, biết tự chăm sóc sức khỏe, và đã tham gia thêm bốn khóa học vì em thật sự muốn học chứ không phải vì bị ép buộc như lần đầu em đến với chúng tôi.
Paige cho rằng sở dĩ em có thể tạo ra sự thay đổi toàn diện trong cuộc sống là nhờ em ý thức được hành vi của bản thân, tập trung phát triển điểm mạnh chứ không còn chăm chăm vào điểm yếu, đồng thời nỗ lực làm chủ đời mình. Em không còn viện cớ hay đổ lỗi cho người khác mà đã dám chịu trách nhiệm về bản thân. Em đã trở thành người có tư duy cầu tiến. Em nhận ra những điều em nghĩ mình không thể làm được thật ra hoàn toàn khả thi. Thêm vào đó, em còn hạ quyết tâm là sẽ luôn có trách nhiệm với bản thân.
Nói tóm lại, câu chuyện của Paige đã chứng minh nếu tìm hiểu về phong cách hành vi và ứng dụng kiến thức đó vào thực tế, bạn sẽ có thể cải thiện mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình, cũng như các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
NGỪNG VIỆN CỚ
Nhiều người trong chúng ta thường quen thói biện minh và đổ lỗi. Chỉ khi chúng ta học được cách làm chủ cuộc đời mình và chịu trách nhiệm với bản thân thì cuộc sống của ta mới thay đổi. Nói vậy có nghĩa là dù tình huống bạn đang đối mặt là tốt hay xấu, bạn vẫn có thể chọn cách phản ứng tích cực. Ngay từ lúc bắt đầu nghiên cứu về những phong cách ứng xử cơ bản, tôi đã có thể hợp tác, kết nối và bán hàng cho mọi người thuộc mọi nhóm hành vi khác nhau.
Thời khắc tôi thành thật nhìn nhận và ý thức được sức ảnh hưởng của tôi đối với bản thân mình và với người khác cũng chính là lúc tôi nhận ra rằng những thay đổi đột phá thật sự có thể xảy ra. Thật tuyệt vời khi chúng ta có thể hiểu rõ điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình, nhưng điều quan trọng hơn cả là ta cần quyết định xem mình sẽ sử dụng thông tin đó như thế nào để tạo nên sự khác biệt rõ rệt cho chính ta và cho mọi người. Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn mang đến cho cuộc sống của mình và cho thế giới.
Chương này đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để bạn tự điều chỉnh ngôn ngữ, hành vi, và tạo nên sự khác biệt đáng kể trong các mối quan hệ. Giờ đây bạn đã biết mình thường giao tiếp theo phong cách hành vi nào, vậy bạn có sẵn sàng vận dụng hiểu biết đó khi gặp gỡ người khác để tạo ra những cái kết đáng thỏa mãn hơn trong công việc và đời sống cá nhân hay chưa?
Bí quyết tạo ấn tượng trong lần gặp đầu tiên