Hành động thật sự có ý nghĩa hơn lời nói
Ngôn ngữ cơ thể tích cực giúp bạn toát lên vẻ tự tin và cuốn hút.
Vì sao khi mặc quần áo mới - như diện một bộ âu phục hay mang một đôi giày mà ta tin chắc là sẽ khiến mình trông bảnh bao hay xinh đẹp hơn - ta sẽ có một phong thái khác, cười tươi hơn, ngực ưỡn ra và đi đứng hiên ngang hơn? Tuy chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng nó có thể thay đổi ngôn ngữ cơ thể của chúng ta và giúp ta thêm phần tự tin. Đó là một sự chuyển đổi tư duy được thể hiện qua thái độ và phong thái của chúng ta. Hãy nghĩ về những ngôi sao thể thao thường mang những đôi vớ hay mặc chiếc quần đùi may mắn của họ khi thi đấu. Tôi cũng có một bộ đầm dự tiệc yêu thích vì khi mặc nó, tôi luôn có những kỷ niệm đáng nhớ, những đêm khiêu vũ tuyệt vời. Ngoài ra, tôi còn có một bộ vét may mắn mà tôi luôn mặc khi đi ký kết thỏa thuận.
Có bao giờ sau khi đến một nơi nào đó, bạn ước gì mình đã chọn một bộ trang phục khác? Thế là bạn cố thu mình lại, thậm chí muốn trở nên vô hình cho đến khi có thể rời khỏi nơi đó. Trái lại, khi bạn ăn mặc chỉn chu và tự tin về vẻ ngoài của mình, bạn sẽ đứng thẳng hơn, nét mặt rạng rỡ hơn và nói chuyện hóm hỉnh hơn. Vậy bạn có thể làm gì để luôn có được cảm giác này?
Mỗi khi ra ngoài, hãy hình dung dáng vẻ cũng như tâm trạng mà bạn có khi diện bộ quần áo đẹp nhất dành riêng cho những sự kiện đặc biệt. Nếu bạn thể hiện được điều này, mọi người sẽ muốn ở gần bạn, bất kể bạn đang ăn mặc thế nào. Điều tôi đang nói đến chính là sự tự tin, và sự tự tin có sức hấp dẫn rất lớn. Bạn không cần phải tiêu tốn quá nhiều tiền để mua quần áo hay giày dép đắt đỏ mà chỉ cần nắm được bí quyết để chủ động toát lên sự tự tin.
Ngôn ngữ cơ thể tích cực là một yếu tố thiết yếu làm nên sự tự tin và là một thành phần chủ chốt của Cái bắt tay đáng giá triệu đô. Sở dĩ như vậy là vì những thông điệp phi ngôn từ mà bạn truyền đi có thể tạo ấn tượng mạnh, thường là mạnh hơn cả lời nói của bạn. Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về một số phương pháp kiểm soát hình ảnh bản thân thông qua việc cải thiện ngôn ngữ cơ thể.
Ngôn ngữ cơ thể có thể ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, chẳng hạn như cảm nhận của chúng ta về bản thân, thu nhập của chúng ta, số lượng hợp đồng ta ký kết được, lòng tin mọi người dành cho chúng ta, chất lượng dịch vụ ta cung cấp, hay cảm giác của người khác khi tương tác với ta. Xét trên nhiều phương diện, tìm hiểu về ngôn ngữ cơ thể cũng giống như học một ngôn ngữ mới: bạn cần đầu tư thời gian để thực hành và bồi dưỡng các kỹ năng mỗi ngày. Chúng ta không ngừng trao đổi thông tin với nhau, kể cả khi không nói chuyện. Theo nhiều nghiên cứu, những hành vi trao đổi không bằng lời chiếm từ 55% đến 80% nội dung truyền đạt giữa ta và những người khác. Ngôn ngữ cơ thể tác động đến cả công việc lẫn các mối quan hệ cá nhân của ta. Khi diễn giải được chính xác loại ngôn ngữ này cùng những tín hiệu quan trọng, bạn sẽ có thể cải thiện kỹ năng quản trị và đàm phán, đồng thời xây dựng các mối quan hệ ý nghĩa.
Vì đây không phải là hình thức giao tiếp có chủ ý, nên nhiều người thường bị ngôn ngữ cơ thể của mình “phản bội” và để lộ những thông tin họ muốn che giấu. Điều này có nghĩa là chỉ cần quan sát mọi người xung quanh thì bạn đã có thể nắm bắt ý nghĩ cũng như cảm xúc thầm kín của họ.
Ngôn ngữ cơ thể có sức ảnh hưởng trên nhiều phương diện:
Cơ thể con người có thể thực hiện tới bảy trăm ngàn sự cử động khác nhau. Đó là một năng lực phi thường mà không phải lúc nào chúng ta cũng sử dụng hiệu quả. Thỉnh thoảng chúng ta lại truyền cho chính mình cũng như cho người khác những tín hiệu tiêu cực bằng dáng điệu, động tác và cử chỉ của bản thân. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, chúng ta có thể thay đổi ngôn ngữ cơ thể để gửi đến bản thân và mọi người những thông điệp tốt đẹp, hoặc khiến cho tất cả cảm thấy khó chịu. Cách bạn sử dụng cơ thể có thể chứng minh, củng cố hoặc gây mâu thuẫn với những điều bạn nói. Khi không chú ý đến các tín hiệu phi ngôn từ của mình, bạn có thể truyền đi những thông điệp lộn xộn hoặc khó hiểu. Ngược lại, nếu bạn chủ động vận dụng ngôn ngữ cơ thể theo hướng tích cực, nó có thể giúp bạn dễ trò chuyện với người khác hơn, chứng tỏ bạn là người có năng lực và đáng tin cậy, đồng thời thể hiện thiện chí của bạn trong lần gặp gỡ đầu tiên với ai đó.
Một số yếu tố đặc trưng của ngôn ngữ cơ thể:
Không phải lúc nào người ta cũng nói cho bạn biết cảm nhận của họ về bạn, nhưng cứ mười người thì sẽ có chín người thể hiện điều đó trong vòng bảy giây đầu tiên họ gặp bạn.
Ngày nay, công nghệ chụp ảnh não bộ đã cho chúng ta biết rằng:
NGÔN NGỮ CƠ THỂ THAY ĐỔI KẾT QUẢ
Nghiên cứu cho thấy trong hoạt động giao tiếp của chúng ta, có đến 55% là diễn ra trong vô thức. Chúng ta cũng biết rằng mỗi giây, phần não bộ có ý thức chỉ có thể xử lý khoảng bốn mươi thông tin, trong khi phần tiềm thức có thể xử lý tới mười một triệu thông tin. Hãy thử hình dung những điều bạn có thể làm được nếu nhận thức rõ hơn về hoạt động tư duy trong tiềm thức này. Hãy tưởng tượng bạn có thể kiểm soát kết quả của cuộc gặp gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cùng đối phương xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, gia tăng doanh số và cung cấp những dịch vụ hàng đầu. Đây chính là bước đầu của quá trình làm chủ hoạt động giao tiếp, và ngôn ngữ cơ thể là một phần rất quan trọng trong hoạt động đó.
Ngôn ngữ cơ thể có thể ảnh hưởng đến kết quả giao tiếp theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Một số người thường vận dụng ngôn ngữ cơ thể để truyền đi những tín hiệu tích cực khi cần thiết, nhưng khi đã đạt được kết quả mong muốn, họ lại không quan tâm đến nó nữa. Đây là một hình thức thao túng hành vi có chủ đích. Trái lại, những người khác chủ động đưa ra những lựa chọn để kết nối và giao tiếp hiệu quả, vì họ hiểu được tầm quan trọng của loại ngôn ngữ này đối với bản thân họ cũng như mọi người xung quanh.
Khi tham dự một sự kiện cách đây vài năm, tôi ngồi cùng bàn ăn với một diễn giả chủ chốt và được trả thù lao hậu hĩnh nhưng lại có nét mặt cau có, khó chịu. Lẽ ra bài diễn thuyết của ông đã có thể bắt đầu sau khi bữa trưa kết thúc, nhưng nó đã bị hoãn lại vì trục trặc kỹ thuật và điều này khiến ông có vẻ không hài lòng. Ngôn ngữ cơ thể của vị diễn giả đó đã truyền tải toàn những thông điệp tiêu cực kể từ lúc bữa trưa bắt đầu nhưng đến khi bước lên sân khấu, ông lại nói về việc “Làm thế nào để hạnh phúc…”. Chà, có vẻ như nội dung ông trình bày chẳng ăn nhập gì với cách hành xử và ngôn ngữ cơ thể của ông.
Trong một buổi lễ khác vài tuần sau đó, có một nữ diễn giả đã thể hiện cực kỳ tốt trên sân khấu nhưng khi ở lại để gặp gỡ khán giả, cô cứ ngáp ngắn ngáp dài và nhìn bâng quơ chứ không nhìn thẳng vào những người đang nói chuyện với mình. Một lần nữa, hành vi của vị diễn giả này cũng không tương đồng với thông điệp trong bài diễn thuyết của cô. Phải, chúng ta đều là con người và có lẽ người phụ nữ này đang mệt mỏi hoặc chưa quen với nhịp sinh học mới do bị lệch múi giờ, nhưng một khi đã chọn đứng trước công chúng thì bạn phải giữ phong độ ổn định cả trên sân khấu lẫn khi đã bước xuống. Nếu không, làm sao khán giả có thể tin lời bạn?
Tôi sẽ chia sẻ những bí quyết giúp bạn làm chủ ngôn ngữ cơ thể của mình, và việc của bạn là vận dụng những bí quyết đó. Quan trọng là bạn sẽ phải tập luyện nhiều và sẽ cần ý thức về cơ thể mình để vận dụng thành thục những kỹ thuật kiểm soát ngôn ngữ cơ thể. Tôi có thể đảm bảo rằng một khi bạn đã hiểu và biết cách vận dụng hình thức giao tiếp phi ngôn từ này, bạn sẽ trở nên may mắn hơn, cả trong công việc lẫn trong chuyện tình cảm. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những thay đổi lớn. Càng nỗ lực bao nhiêu, bạn sẽ càng may mắn bấy nhiêu, bởi “may mắn” chính là “LUCK”, và “LUCK” chính là chữ viết tắt của “Labour Under Correct Knowledge” (nỗ lực dựa trên sự hiểu biết đúng đắn).
Ngôn ngữ cơ thể có thể được nhìn nhận như một hệ thống cảnh báo sớm về ý định, cảm xúc và tâm trạng. Chúng ta có một cử chỉ nhất định khi tiềm thức của ta muốn thể hiện một cảm xúc, ý định hoặc mong muốn mà ý thức còn chưa kịp nhận ra. Cơ thể biết ta muốn gì trước cả tâm trí ta. Khi có các bài diễn thuyết quan trọng, tôi thường vạch ra những động tác mà bản thân sẽ thực hiện như một cơ chế gợi nhắc, để mỗi cử chỉ đều có thể khơi gợi tâm trí tôi nhớ đến phần nội dung cần được trình bày. Nghiên cứu về việc ra quyết định chứng minh chúng ta thường quyết định trong vô thức và hành động trước khi ý thức được mình đang làm gì. Độ trễ giữa hành động và ý thức thường là từ bảy đến chín giây.
Mỗi người chúng ta đều có thể là “chuyên gia đọc vị”, dù chính bản thân ta cũng không hề hay biết. Một vài người thật sự sẽ “nóng lên” khi họ nổi giận, và bạn có thể cảm nhận thân nhiệt của họ khi đến gần. Bạn thường sẽ nhận ra nếu có ai đó đang đi sau lưng bạn hoặc đang nhìn bạn. Trước cả khi kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, chúng ta đã có thể phản xạ cực nhanh để chụp một cái ly đang rơi, bắt một quả bóng đang bay về phía mình hoặc nhảy sang bên để tránh một vật thể lớn đang lao tới.
Khi quan sát một con vật, ta có thể phần nào xác định liệu nó hiền lành hay hung hăng và sẽ cắn ta. Thế nhưng khi tham gia một cuộc họp, chúng ta lại không thể vận dụng thành thạo khả năng này để nhận định những thành viên khác thật sự nghĩ gì, hay đơn giản là đánh giá kết quả cuộc họp. Tôi vẫn thường nghe những người vừa bước ra từ phòng họp nói: “Cuộc họp thành công tốt đẹp”, nhưng rồi lại không thấy có bất kỳ tiến triển gì. Nguyên nhân chủ yếu là vì mỗi người chúng ta đều có những ý định riêng, và ý định của ta có thể không giống với mong muốn của người mà ta gặp gỡ. Đây là một trường hợp điển hình của việc không chủ động đầu tư tâm trí cho thời điểm hiện tại. Để tránh lâm vào tình huống này, hãy thường xuyên “tự kiểm chứng” để đảm bảo bạn và đối phương đều quan tâm cùng một vấn đề.
Bạn có thể tập quan sát ngôn ngữ cơ thể của người khác để xác định họ đang nghĩ gì và có cảm giác thế nào, sau đó xác nhận với họ xem bạn đoán có đúng hay không.
Bạn cũng có thể làm điều tương tự với người thân của mình. Khi chủ động dành thời gian để quan sát, đọc ngôn ngữ cơ thể của họ và biết được chúng ta đang mang đến cho họ cảm giác thế nào (đặc biệt là những lúc xảy ra tranh cãi), có lẽ chúng ta sẽ giải quyết vấn đề được nhanh hơn và đạt kết quả tốt đẹp hơn nhiều.
Thực hành
Khi hiểu được những bí ẩn của ngôn ngữ không lời, bạn sẽ có thể giao tiếp và kết nối với mọi người nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả đôi bên.
NGÔN NGỮ CƠ THỂ VÀ CÁI BẮT TAY ĐÁNG GIÁ TRIỆU ĐÔ
Trong hai trường hợp dưới đây, bạn thấy mình giống với trường hợp nào hơn?
Ngôn ngữ cơ thể của bạn đã truyền tải điều gì đến người đối diện? Liệu nó có khiến hình ảnh của bạn xấu đi trong mắt người khác hay thậm chí là che giấu con người thật của bạn không?
Sau đây là bảy phương pháp phi ngôn từ có thể nhanh chóng giúp bạn tạo ấn tượng tốt đẹp trong vòng bảy giây đầu tiên khi gặp gỡ người khác:
Bây giờ, chúng ta sẽ phân tích sâu hơn về từng loại ngôn ngữ cơ thể, những điều nó tiết lộ về chúng ta và cách làm chủ ngôn ngữ cơ thể để đảm bảo ta luôn tạo được ấn tượng tích cực trong mắt người khác.
CẢM XÚC VÀ ẤN TƯỢNG
Trong bài 7 Surprising Truths about Body Language (tạm dịch: 7 Sự thật bất ngờ về ngôn ngữ cơ thể) được đăng trên tạp chí Forbes, nhà nghiên cứu về giao tiếp Nick Morgan đã cho biết ngôn ngữ cơ thể thường tiết lộ cảm giác của chúng ta vài giây trước khi ý thức của ta kịp ghi nhận cảm giác đó. Điều này nghĩa là nếu một người nào đó chú tâm quan sát bạn, họ có thể biết được cảm nhận của bạn trước cả khi bạn nhận ra. Dù bạn không muốn, nhưng cơ thể của bạn có thể đã phát ra một tín hiệu nào đó mà bạn không thể nào thu hồi.
Ví dụ, bạn bước vào phòng với khuôn mặt rầu rĩ đang cúi gằm, sau đó bạn ngẩng cao đầu và tự nhủ: “Mọi việc sẽ ổn thôi”.
Nhưng bộ dạng của bạn lúc nãy đã nói lên tất cả. Một đồng nghiệp chú ý quan sát bạn từ đầu có thể sẽ hỏi: “Em có sao không?”.
Bạn vội trả lời: “Dạ không. Không có gì ạ”.
Cả bạn lẫn người quan sát bạn đều biết rõ sự thật không như bạn nói. Nhưng thường thì chúng ta sẽ chọn phớt lờ thông điệp của cơ thể, vì ta muốn coi như không có chuyện gì, ta muốn tiếp tục công việc và muốn tin rằng mọi thứ đều ổn. Nick Morgan từng nói: “Mục đích cốt lõi của việc giải mã ngôn ngữ cơ thể là để hiểu được ý muốn của người khác, chứ không phải để xác định những ý nghĩ cụ thể của họ”.
ÁNH MẮT
Gương mặt, và nhất là đôi mắt, chính là những phương tiện giao tiếp phi ngôn từ hữu hiệu nhất. Mắt của chúng ta sẽ phản ứng trước nhiều loại tác nhân khác nhau, và một số phản ứng là hoàn toàn tự động. Hãy nhớ lại hồi còn nhỏ, khi chúng ta bị bố mẹ phát hiện là đang nói dối. Có thể đó là vì khi nhìn vào mắt chúng ta, họ thấy đồng tử của ta đang giãn nở. Tất nhiên, đồng tử không chỉ giãn nở khi ta nói dối, mà còn cả khi ta cảm thấy sợ hãi, tức giận hay thích thú. Một cái nheo mắt chớp nhoáng của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của người đối diện về bạn. Bạn nheo mắt để nhìn rõ hơn hay đó là vì bạn đang nói dối? Bất kể là có chủ ý hay không, chúng ta vẫn luôn truyền đi rất nhiều thông điệp qua đôi mắt của mình.
Dù việc nhìn vào mắt người đối diện có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng hãy thử nghĩ xem bản thân bạn có cảm giác gì khi tránh né ánh mắt của người khác, hoặc bạn cảm thấy thế nào và có ấn tượng ra sao về người thường tránh nhìn vào mắt bạn. Trong nhiều nền văn hóa, người tránh giao tiếp bằng mắt thường bị cho là thiếu trung thực và không tự tin.
Ứng viên “gần như” hoàn hảo
Một khách hàng của chúng tôi cần tuyển trợ lý điều hành mới. Anh cần một người làm việc có kế hoạch và trong buổi phỏng vấn, Michelle có vẻ là một ứng viên hoàn hảo. Vì trả lời được tất cả các câu hỏi, có bằng cấp phù hợp và kinh nghiệm cần thiết, nên Michelle đã được chọn.
Trong thời gian Michelle thử việc, một số đồng nghiệp đã phàn nàn về cách hành xử của cô. Họ cho rằng Michelle thô lỗ và thích lấn lướt người khác. Thật ra, cô chưa bao giờ nói bất cứ điều gì tiêu cực, nhưng chính giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của cô đã khiến mọi người đánh giá như vậy. Cụ thể là Michelle hay đảo mắt khi nói chuyện và thường vội vã giành đường để vượt lên trước người khác.
Sau một thời gian, Michelle tìm đến tôi để học cách giao tiếp phi ngôn từ vì cô muốn tránh làm cho đồng nghiệp và khách hàng cảm thấy khó chịu.
Câu chuyện của Michelle đã minh chứng hành động có ý nghĩa hơn lời nói, và ấn tượng của chúng ta về người khác thường được tạo nên bởi nhiều yếu tố chứ không chỉ là những lời ta nói ra.
NÉT MẶT
Gương mặt có sáu loại biểu cảm với những ý nghĩa như nhau trên toàn thế giới: vui, buồn, sợ hãi, ghê tởm, ngạc nhiên và giận dữ. Hãy lưu ý đến những cảm xúc đang được biểu lộ trên gương mặt bạn cũng như cách bạn vận dụng những nét biểu cảm mà bạn thường thể hiện trong vô thức.
Đừng bước vào phòng với vẻ mặt cáu kỉnh hay nhăn nhó, vì vẻ mặt đó sẽ lập tức khiến bầu không khí chuyển từ tích cực sang tiêu cực. Bạn có thể sẽ truyền đi thông điệp rằng bạn đang không vui, lo lắng, bất đồng quan điểm với người khác hoặc không bằng lòng về một việc nào đó. Trên thực tế, lý do bạn chau mày có thể đơn giản là bạn có thói quen làm vậy khi tập trung. Tương tự những trường hợp khác, có lẽ bạn không cố tình phát tín hiệu tiêu cực qua ngôn ngữ cơ thể và thậm chí còn không biết mình đang bị người khác hiểu lầm. Hãy đặt mình vào vị trí của người đối diện để tự quan sát bản thân và thực hiện bất cứ điều chỉnh nào có thể để cải thiện ngôn ngữ cơ thể. Bạn có thể làm được điều này bằng cách đứng trước gương và quan sát toàn bộ gương mặt của mình để xem bạn trông thế nào trong mắt người khác.
Câu chuyện của Sarah
Sarah - một tác giả được nhiều người mến mộ - đang trao đổi ý tưởng về quyển sách mới nhất của mình với biên tập viên Brad. Họ ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn. Sarah cảm thấy rất hào hứng và đang giải thích cặn kẽ cho Brad nghe ngay cả những chi tiết nhỏ nhất. Thế nhưng, cảm hứng và sự tự tin của Sarah dần tan biến khi Brad không biểu lộ chút cảm xúc nào, dù anh vẫn đang nhìn cô với đôi mắt có vẻ chăm chú. Anh không mỉm cười, không gật đầu khích lệ, không nghiêng người về phía trước và cũng chẳng nói lời nào. Sarah càng lúc càng nhỏ giọng và cuối cùng nói: “Có lẽ hôm nay không phải là ngày thích hợp để gặp nhau nhỉ. Chị có thể thấy là em không thích ý tưởng của chị”.
“Ý chị là sao ạ? Ý tưởng của chị hay lắm.”
“Nhưng em chẳng nói chẳng rằng và còn có vẻ rất chán nữa.”
“Không phải đâu ạ, em chỉ tập trung nghe chị nói và không muốn ngắt lời chị thôi.”
Ngày hôm đó, cả Sarah và Brad đều học được một bài học về các tín hiệu vô tình được cơ thể truyền đi và việc người khác có thể hiểu lầm ý nghĩa của các tín hiệu đó như thế nào. Vậy nên, ta cần kiểm tra lại với người đối diện, vì cách họ nhìn nhận ngôn ngữ cơ thể có thể hoàn toàn khác với của ta.
Ngôn ngữ cơ thể mang tính chủ quan, và bạn sẽ phải tìm kiếm nhiều tín hiệu để hiểu được đối phương. Trong quá trình giao tiếp, hãy thường xuyên kiểm tra, đặt những câu hỏi mở và điều chỉnh lời nói cho phù hợp với ngôn ngữ không lời của bản thân để đạt được kết quả giao tiếp tốt nhất.
Biểu cảm trên gương mặt bạn đang tiết lộ điều gì?
Khi đọc tiếp danh sách dưới đây, bạn sẽ thấy biểu cảm và cử chỉ của mình có thể xuất phát từ những hành động có chủ đích (chẳng hạn như dụi con mắt bị ngứa), nhưng cũng có thể là dấu hiệu biểu lộ thái độ của bạn. Hãy để ý những biểu hiện trên gương mặt bạn cũng như cách người khác hiểu về chúng. Bạn sẽ không muốn truyền đi những tín hiệu sai lệch hoặc hiểu sai về ngôn ngữ cơ thể của người khác đâu.
Dụi mắt
Đây có thể là dấu hiệu cho thấy đối phương đang muốn làm bạn phân tâm khỏi một điều nào đó (như lời nói dối của chính họ chẳng hạn), hoặc đơn giản là mắt họ bị ngứa. Nếu người dụi mắt là bạn, có thể mắt bạn bị khô, nhức, mỏi, hoặc bạn vừa ở trong phòng máy lạnh hay bị bụi rơi vào mắt. Hành động dụi mắt còn có thể mang ý nghĩa là bạn không muốn nhìn thấy hoặc biết đến một chuyện gì đó ngay thời điểm hiện tại. Nếu có người đặt ra cho bạn một vấn đề, có thể bạn sẽ dụi mắt để tránh đối diện với nó. Lúc này, thông điệp bạn gửi đi sẽ khiến đối phương không yên tâm, đồng thời bạn cũng tự tạo cảm xúc tiêu cực cho bản thân: “Trời ơi, lại có vấn đề nữa rồi. Mình phải làm sao đây?”.
Che mắt
Chúng ta thường đưa tay che mắt để tránh nhìn thấy một thứ gì đó có thật, do ta tưởng tượng ra hoặc mới được nghe kể. Hành động này trông “hơi lố” và không hề có tính xây dựng. Tôi thường bịt mắt khi xem phim kinh dị, và các con của tôi cứ chọc quê tôi. Bạn sẽ không thể thoát khỏi một chuyện gì đó chỉ bằng cách bịt mắt.
Sờ hoặc gãi mũi
Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn không thoải mái hoặc không thích chủ đề đang bàn luận và muốn đổi sang chuyện khác. Cũng có thể bạn đang ngứa mũi, bị sổ mũi hoặc không thích mùi nào đó trong phòng. Khi đưa tay lên sờ mũi thì hầu như bạn sẽ che luôn cả miệng. Hành động che miệng có thể khiến người khác nghĩ rằng bạn bị hôi miệng, không tự tin về răng của mình, muốn che giấu một điều gì đó, hoặc thậm chí là đang nói dối. Lời khuyên tốt nhất tôi có thể đưa ra là đừng đưa tay sờ mặt hay che mặt, mọi người không biết tại sao bạn làm vậy và họ có thể sẽ thấy bối rối hoặc không tin tưởng bạn.
Đảo mắt
Đây là cử chỉ tỏ ý khinh thường đối phương và có phần trịch thượng. Người hay đảo mắt sẽ khiến đối phương nghĩ rằng họ thấy cuộc trò chuyện quá phiền phức, ngớ ngẩn hoặc sai lệch. Cử chỉ này làm cho người đối diện cảm thấy họ bị xem thường và không được lắng nghe. Bạn sẽ không tôn trọng một người hay đảo mắt và về sau sẽ không muốn chia sẻ ý tưởng với người đó nữa. Đó là lý do vì sao những người ưa đảo mắt vì cho rằng họ có lợi thế sẽ mất hết quyền lực trong cuộc giao tiếp. Nếu bạn là người hay đảo mắt, hãy bỏ hẳn thói quen đó. Thử nghĩ xem khi người trò chuyện với bạn cứ đảo mắt liên tục thì bạn sẽ cảm thấy thế nào - đây chính là cảm giác mà bạn tạo ra cho người khác.
Đá lông nheo
Đừng bao giờ thực hiện hành động này, bất kể là ở nơi công sở hay trong cuộc gặp gỡ.
Nhìn đối phương qua cặp kính trễ
Cử chỉ này có thể khiến bạn trông như đang phán xét hay ra vẻ kẻ cả với ai đó, dù có thể bạn làm vậy chỉ vì mắt bạn mắc hai tật khúc xạ khác nhau và bạn đang mang kính hai tròng.
Mỉm cười
Nụ cười có thể truyền tải thông điệp về thái độ tích cực và sự cởi mở. Nhưng hãy để ý đến cảm xúc của người khác và đừng bao giờ nở một nụ cười hớn hở khi đứng cạnh một người đang khóc hoặc có chuyện phiền lòng. Nụ cười gượng gạo rất dễ bị nhận ra nếu kéo dài quá lâu và không đi kèm với ánh mắt thoải mái. Vì vậy, bạn nên lưu ý khi kết nối bằng nụ cười.
CỬ CHỈ
Diễn giả kiêm chuyên gia về lĩnh vực giao tiếp Mark Bowden từng xác định khi bạn đang đứng, tư thế giúp bạn thể hiện được sự chân thành là để hai bàn tay ở khu vực giữa bụng, ngay trên rốn. Khi để tay như vậy, bạn vừa có vẻ đáng tin cậy vừa có thể giữ cho khuỷu tay của mình sát hông và thoải mái cử động hai bàn tay. Bạn có thể đan hai bàn tay vào nhau hoặc chỉ cần để các đầu ngón tay chạm nhau. Tư thế này hiện được nhiều chính khách sử dụng để tạo phong thái đĩnh đạc và khôn ngoan, nhưng nếu giữ như vậy quá lâu thì bạn sẽ trông như thể đang cảm thấy bất an rằng người khác có thể nhìn thấy rốn của bạn. Việc đặt tay trước bụng cũng có thể tạo ra rào cản trước mặt bạn, vì vậy hãy cẩn thận khi sử dụng tư thế này.
Nếu thường huơ tay trong lúc trò chuyện thì bạn cần cân nhắc một số điểm sau đây:
Mọi người sẽ quan sát đôi tay bạn, vì vậy bạn hãy nắm rõ những động tác tay của mình đang truyền đạt thông điệp gì.
Một số cử chỉ phổ biến
Cử chỉ | Ý nghĩa |
Đặt cả bàn tay hoặc các ngón tay lên miệng hoặc một bên miệng | Cử chỉ này cho thấy bạn chưa muốn chia sẻ điều gì đó, có thể là suy nghĩ hoặc quan điểm của bạn. |
Dùng tay gãi cằm | Động tác này có thể cho thấy bạn đang ra quyết định. |
Đặt ngón trỏ hoặc cả bàn tay lên một bên mặt | Bộ dạng này có thể cho thấy bạn đang mệt nên phải đỡ lấy đầu, hoặc bạn đang suy nghĩ (xác suất cao là bạn đang nghĩ theo hướng tiêu cực). |
Đặt bàn tay dưới cằm, hoặc dùng ngón tay sờ cằm | Cử chỉ này khiến bạn có vẻ như đang có những ý nghĩ tích cực. |
Dùng tay che miệng | Hành động này có thể cho thấy bạn muốn kiềm chế những lời lẽ có thể gây xúc phạm, gây sốc hoặc khiến người khác lo ngại, cũng có thể là bạn vừa lỡ lời (như tiết lộ bí mật nào đó chẳng hạn). |
TƯ THẾ
Ngay từ thời xa xưa, chúng ta đã được lập trình khả năng “đọc” ngôn ngữ cơ thể để có thể nhanh chóng nhận định xem kẻ lạ mặt đang từ xa tiến về phía mình là bạn hay thù. Sự sống còn của ta phụ thuộc vào việc ta có đọc được trạng thái cảm xúc của đối phương hay không, và cái đầu tiên ta sẽ đọc khi họ đến gần chính là tư thế của họ.
Nếu bạn sắp bước vào một cuộc họp mà không cảm thấy tự tin, hãy thẳng lưng lên, ngẩng cao đầu, ưỡn ngực, hít thở sâu và mỉm cười. Khi đó, trông bạn sẽ cao và hiên ngang hơn. Mọi người sẽ đối xử với bạn như với một người tự tin, và thái độ của bạn đối với bản thân cũng sẽ thay đổi. Việc điều chỉnh tư thế có thể giúp bạn đạt được sự thay đổi lớn đó trong vòng vài giây.
Một tư thế lòm khòm có thể khiến người khác nghĩ rằng bạn thiếu tự tin, không thấy tự hào về bản thân hoặc đang cạn kiệt năng lượng. Việc bạn khòm lưng không những cho người khác thấy là bạn đang chán nản, không biết hoặc không quan tâm đến những người khác nghĩ về bạn, mà còn có thể làm cho đồng đội của bạn bị xuống tinh thần.
Vì vậy, bạn cần đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, tác động của nó đối với bạn và người khác, cũng như những thông điệp mà nó chuyển tải khi bạn không hề hay biết. Hãy thử nghĩ xem dáng đi hay thế đứng của người khác có thể tạo cho bạn những cảm giác ra sao. Nói một cách cụ thể hơn, tư thế vai và lưng của bạn có thể tác động đến cảm nhận của người khác về bạn, làm thay đổi bầu không khí, cảm giác của chính bạn và của những người xung quanh.
Nếu bạn bước vào văn phòng và thấy một người đang khòm lưng, chùng vai, chẳng buồn nhìn lên khi nghe tiếng bạn chào và trông như sắp kiệt sức tới nơi, tâm trạng của bạn sẽ lập tức xấu đi. Bạn bắt đầu có cảm giác nặng nề, như thể mình sẽ phải kéo theo một sợi dây xích gắn quả cầu sắt nặng trịch suốt cả ngày. Ngược lại, nếu một người có dáng ngồi thẳng thớm ngẩng lên nhìn bạn và mỉm cười khi bạn bước vào, bạn sẽ có tinh thần và động lực để cùng họ bắt tay vào việc ngay.
Tư thế có thể mang đến cho ta cảm giác nhẹ nhõm hoặc nặng nề. Bạn có quyền lựa chọn cũng như thay đổi cảm nhận của bản thân và của những người xung quanh mà không cần phải nói một lời. Đúng là bạn không thể dạy hay học về thái độ, nhưng bạn có thể điều chỉnh cách thể hiện thái độ của chính mình. Hãy chú ý xem cơ thể đang tiết lộ điều gì về trạng thái cảm xúc của bạn.
Thực hành
Khi bạn ngồi ở bàn làm việc hoặc đi lại trong văn phòng, hãy dành một ít thời gian để xem lại tư thế của mình.
Tư thế đó khiến bạn cảm thấy thế nào? Bạn nghĩ người khác sẽ có cảm giác gì khi họ nhìn bạn? Hãy thử thay đổi đôi chút: thả lỏng vai, ưỡn ngực, ngẩng cao đầu, giữ thẳng lưng và cổ.
Bây giờ bạn cảm thấy thế nào? Bạn cho rằng cảm giác của người khác về bạn sẽ thay đổi ra sao? Hãy giữ nguyên tư thế mới và cảm nhận xem tâm trạng của bạn có tích cực hơn, tràn đầy năng lượng hơn, tự tin và chắc hơn hay không nhé.
GIỌNG NÓI
Giống như ngôn ngữ cơ thể, giọng nói cũng thể hiện thái độ và tâm trạng. Khi trò chuyện với khách hàng, giọng điệu của bạn nên ngầm truyền đạt thông điệp: “Tôi đang cố hết sức để giúp bạn”.
Ngay cả khi không hiểu những lời bạn nói, đối tượng giao tiếp vẫn có thể hiểu giọng điệu của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn la rầy một con chó, nó sẽ ngưng ngay hành động đang làm; còn nếu bạn khen nó giỏi bằng giọng điệu thân thiện và vui vẻ thì nó sẽ vẫy đuôi. Tương tự, khi trò chuyện với mọi người, chúng ta thường có thể hiểu thêm một tầng ý nghĩa nào đó dựa trên giọng nói của họ.
Bạn có thể thay đổi tâm trạng của người nghe chỉ bằng giọng nói của mình. Nếu bạn phản ứng với một người đang giận dữ bằng cách nói lớn tiếng, tỏ vẻ bực bội, mất kiên nhẫn và trịch thượng, rất có thể bạn sẽ khiến họ càng tức giận hơn và chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thay vì vậy, hãy đối thoại bằng giọng kiên quyết nhưng từ tốn, vừa quan tâm vừa xoa dịu. Đừng bao giờ để giọng điệu của bạn nghe có vẻ như bạn đang xem thường đối phương hay muốn bác bỏ ý kiến của họ, mà hãy xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau để việc giao tiếp trở nên thoải mái, dễ chịu và mọi người cũng thấu hiểu nhau hơn.
Hãy tự lắng nghe xem bản thân bạn và những người xung quanh đang nói chuyện với âm lượng thế nào. Bạn có nói quá to hay quá nhỏ so với bầu không khí chung không? Nếu có thì hãy điều chỉnh ngay.
Tốc độ và ngữ điệu của giọng nói cũng rất quan trọng. Nếu đối phương nói nhanh hoặc chậm hơn bạn, hãy cân nhắc xem bạn có cần điều chỉnh tốc độ nói cho tương đương với họ không. Liệu bạn có đang nói quá chậm và làm họ mất kiên nhẫn hay đang liến thoắng đến mức họ không kịp hiểu bạn nói gì? Hãy nhớ rằng nhiều người thường cảm thấy căng thẳng khi trò chuyện với ai đó nói nhanh hơn họ.
Bạn có thể tự điều chỉnh tông giọng của mình để phù hợp với tốc độ và âm lượng nói của người khác, nhưng đừng bao giờ cố bắt chước giọng nói hay ngữ điệu của họ. Điều này có thể sẽ diễn ra trong vô thức nhưng ngay khi bạn nhận ra, hãy lập tức dừng lại. Nhại giọng hầu như luôn được xem là một hành vi xúc phạm.
Các yếu tố làm nên giọng nói hay:
KHÔNG GIAN RIÊNG
Ngôn ngữ cơ thể luôn đi đôi với không gian riêng của mỗi người. Vì vậy, bên cạnh ngôn ngữ cơ thể, bạn cũng nên ý thức về không gian riêng của mình và của những người khác. Bạn có thể vô tình hoặc cố ý gửi đi các thông điệp khác nhau qua khoảng cách mà bạn dành ra giữa bạn với đối phương. Chẳng hạn, khi bạn đứng thẳng, bạn sẽ thấy mình cao hơn, to hơn và chiếm nhiều không gian hơn theo hướng tích cực.
Theo nguyên tắc thông thường, không gian riêng của mỗi người có thể có bán kính lên đến nửa mét, và nếu bạn bước vào khu vực đó thì họ có thể cảm thấy bạn đang xâm phạm không gian của họ. Khi trò chuyện, bạn có thể đứng cách người đối diện khoảng một mét để cả hai đều cảm thấy thoải mái. Khoảng cách dưới một mét sẽ khiến đôi bên bắt đầu thấy ngại ngùng, khó xử. Bên ngoài khoảng không gian đó là không gian công cộng. Tất nhiên, nguyên tắc này có thể thay đổi tùy theo văn hóa cũng như quốc gia mà bạn đang sinh sống và làm việc.
Cá nhân tôi cảm thấy rất khó chịu khi người khác xâm phạm không gian riêng của mình, đặc biệt nếu họ chồm người tới hoặc đứng quá gần và cúi xuống nhìn tôi. Khi đó, năng lượng của họ như đang “ập vào” mặt tôi, và cảm giác này thật không thoải mái chút nào. Khoảng cách này chỉ thích hợp với những người đang có quan hệ tình cảm, nhất là ở giai đoạn tán tỉnh khi hai người muốn lại gần và chạm vào nhau. Trong các trường hợp khác, đây là một nước đi thể hiện quyền lực và có thể khiến đối phương cảm thấy khó chịu, bồn chồn.
Khi nói chuyện với một người đang ngồi (làm việc trước máy tính chẳng hạn), tôi sẽ kéo ghế ngồi cạnh người đó để cả hai ngang tầm với nhau theo đúng nghĩa đen, nhờ vậy chúng tôi có thể cùng tập trung vào công việc mà không ai cảm thấy bất tiện hay thấy mình có vị trí thấp hơn. Nếu cần sử dụng máy tính, tôi sẽ xin phép người đó cho tôi sử dụng máy của họ và đề nghị đổi chỗ để tôi có thể ngồi ngay trước màn hình, thay vì ngồi ở ngoài và chồm qua người họ để thao tác. Việc đứng hay ngồi gần đồng nghiệp với khoảng cách chưa đầy nửa mét, hoặc tự ý sử dụng tài sản và không gian văn phòng của họ là những hành động cho thấy bạn thiếu tôn trọng đồng nghiệp và không hiểu các giới hạn nơi công sở.
Ngược lại, nếu giữ khoảng cách quá xa với người đối diện, xoay người ra hướng khác hoặc không nghiêng người về phía họ một chút để tập trung lắng nghe, bạn có thể truyền tải thông điệp là bạn đang không thoải mái, thiếu lòng tin, hoặc không quan tâm đến cuộc trò chuyện hay gặp gỡ đó. Hành động xoay người đi hướng khác có thể được đối phương hiểu là “tôi không muốn tham gia chuyện này”.
Khi có ai đó không tập trung vào những gì bạn đang nói trong một cuộc họp, hãy giơ cao tờ giấy liệt kê những điều cần lưu ý hoặc mẩu quảng cáo và dùng một cây viết để chỉ cho họ thấy một điều gì đó quan trọng, buộc họ phải xoay người về phía bạn và chú ý đến cuộc thảo luận. Sau khi đã khiến họ chú tâm trở lại, bạn có thể tiếp tục cuộc họp. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm hiểu xem vì sao người ta lại quay đi. Có phải bạn đã khiến họ phật lòng, chán nản hoặc không tin tưởng bạn? Có phải bạn có mùi cơ thể hoặc đã xịt quá nhiều nước hoa? Có phải bạn vừa uống cà phê hay hút thuốc? Hãy luôn giữ cho cơ thể của mình sạch sẽ và thơm tho. Mùi cơ thể hoặc hơi thở có thể là một rào cản lớn khiến người khác không muốn tiếp xúc nhiều với bạn.
Ngôn ngữ cơ thể của người đối diện có thể cho bạn biết nhiều điều về họ, nhưng đồng thời cũng có thể chuyển tải những thông điệp về bản thân bạn. Hãy để ý những thông điệp này, cân nhắc ý nghĩa của chúng và có những hành động phù hợp để làm cho người khác cảm thấy thoải mái cũng như hứng thú khi trò chuyện với bạn.
Câu chuyện của tôi
Hồi tôi khoảng hai mươi hai tuổi và đang làm việc cho ngân hàng, tôi bắt đầu quan sát ngôn ngữ cơ thể của khách hàng và để tâm đến những cử chỉ cũng như hình ảnh của bản thân. Tôi nhanh chóng nhận ra mọi người có cách phản ứng khác khi tôi điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể của mình. Khi chủ động mỉm cười trong lúc giữ cho lưng thẳng, ngực ưỡn, đầu ngẩng cao, tôi cảm thấy tâm trạng mình tốt lên, và những người xung quanh tôi cũng bắt đầu thấy thoải mái, vui vẻ hơn.
Khi tiếp xúc với khách hàng, tôi thể hiện sự quan tâm qua từng cử chỉ của mình và quan sát các dấu hiệu phi ngôn từ của họ. Nếu thấy khách hàng đang vội, tôi sẽ không làm mất thời gian mà chỉ nói ngắn gọn: “Thưa bà Jones, ngân hàng chúng tôi vừa ra mắt một sản phẩm tiết kiệm mới. Tôi biết bà đang bận, vậy nên tôi xin phép gửi bà một số thông tin để bà mang về đọc”. Lúc này, bà Jones có thể đáp: “À không, cô nói luôn bây giờ cũng được”, hoặc: “Cảm ơn, chúng ta sẽ trao đổi sau nhé”.
Nhờ hiểu ngôn ngữ cơ thể của khách hàng mà tôi có thể xác định liệu họ có thời gian không, có quan tâm đến sản phẩm tôi giới thiệu không, hay thậm chí là họ đang cảm thấy thế nào. Nếu khách hàng trông có vẻ không vui thì dù họ không nói gì, tôi vẫn hỏi: “Em có thể giúp được gì khác không ạ?”, hoặc “Mọi việc vẫn ổn cả chứ ạ?”. Một khi bạn đã chủ động mở lời, đối phương thường sẽ chia sẻ với bạn. Đây chính là cách để bạn giúp đỡ khách hàng và khởi đầu một mối quan hệ tốt đẹp.
Nếu có một người bước vào ngân hàng với vẻ bực bội, tự nhiên tôi cũng thấy khó chịu theo. Vì giống như hầu hết mọi người, tôi đã lập tức sao chép hành vi và thái độ của vị khách hàng đó. Sau này khi nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể, tôi mới hiểu chúng ta có phản ứng như vậy vì sở hữu một loại tế bào não được gọi là tế bào thần kinh gương. Các tế bào thần kinh này được kích hoạt khi chúng ta thể hiện một cảm xúc hay thực hiện một hành động, hoặc khi ta chứng kiến người khác trải qua trạng thái cảm xúc đó hay thực hiện hành động đó. Đây cũng là lý do vì sao chúng ta có thể đồng cảm với người khác.
Tôi dần nhận ra cảm xúc tôi đang có không hẳn là của tôi, mà là của khách hàng hoặc những người mình đang tiếp xúc. Tôi không cần phải buồn bã hay bối rối như họ để giúp được họ. Thay vì vậy, tôi chỉ cần lắng nghe và suy nghĩ xem mình có thể làm gì cho họ. Tôi nhận ra sẽ không hiệu quả chút nào nếu tôi khuyên một người đang trong cơn bực bội nên làm gì. Đó là lý do vì sao trước khi giúp khách hàng giải quyết vấn đề, tôi luôn cố gắng làm cho họ cảm thấy thoải mái hơn. Chỉ khi tìm được thời điểm thích hợp, tôi mới bắt đầu đưa ra lời khuyên hoặc chia sẻ những thông tin mình có với họ.
Tôi thường hỏi thăm khách hàng xem họ có đang gặp vấn đề gì không và chú ý lắng nghe câu trả lời. Vì ý thức được ngôn ngữ cơ thể mình, nên tôi ngồi với tư thế cho thấy thái độ sẵn lòng hỗ trợ nhưng không áp đảo và chăm chú nhìn khách hàng. Tôi sẽ dành cho họ toàn bộ sự chú ý của mình, sau đó nhẹ nhàng nói những câu như: “Tôi rất tiếc vì ông đã gặp phải vấn đề này, thưa ông Jones. Theo ông thấy thì vấn đề này nên được giải quyết như thế nào ạ”.
Có thể Jones cảm thấy bực bội vì chưa hiểu về thủ tục ngân hàng, cũng có thể ông hiểu nhưng cứ khăng khăng rằng mình không hiểu. Ngay cả khi đã tự mình trình bày hoặc đã nghe người khác phổ biến quy định cho Jones biết, tôi cũng không bao giờ nói sự thật này ra để phản bác lời nói của Jones. Trái lại, tôi vẫn sẽ lắng nghe Jones và thể hiện sự tôn trọng dành cho ông qua lời lẽ và cử chỉ của mình để không ai bị mất mặt. Sau khi vấn đề được giải quyết, tôi sẽ dùng lời lẽ thích hợp và phải phép để phổ biến lại thông tin cho ông.
Đừng đổ thêm dầu vào lửa. Điều quan trọng không phải là bạn đúng hay sai, giận dữ hay khó chịu, mà là giúp đỡ đối phương và khiến họ hiểu rằng có người đang nghiêm túc lắng nghe họ. Hãy hơi ngả người và nghiêng đầu về phía họ, đồng thời nhìn vào mắt họ để chứng tỏ bạn thật sự đang lắng nghe và quan tâm đến họ. Sau đó hãy hỗ trợ họ bằng tất cả khả năng của mình.
VẬN DỤNG NGÔN NGỮ CƠ THỂ ĐỂ XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ
Một cách hiệu quả để xây dựng mối quan hệ là khéo léo điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể của bạn cho “khớp” với ngôn ngữ cơ thể của đối phương như tư thế, nhịp thở và cử chỉ. Ví dụ, nếu họ ngả người ra sau thì lát sau bạn có thể kín đáo làm y như vậy.
Hoặc bạn cũng có thể “phản chiếu” hành động của họ, ví dụ như họ nghiêng đầu sang trái thì bạn nghiêng đầu sang phải. Chẳng mấy chốc, họ sẽ cảm thấy bạn có điểm gì đó rất đáng mến và dễ nói chuyện. Hãy nhớ là bạn chỉ nên phản chiếu những cử chỉ mà bạn thấy tự nhiên chứ đừng cố gắng bắt chước, hay nói cách khác là chỉ cần hòa cùng một nhịp với họ. Đồng thời, đừng quên giữ cho ngôn ngữ cơ thể nhất quán với lời nói của bạn.
Quan trọng hơn cả, bạn cần lưu ý rằng điểm mấu chốt của hai phương pháp trên chính là sự tinh tế.
BA SỰ THẬT VỀ NGÔN NGỮ CƠ THỂ VÀ GIAO TIẾP PHI NGÔN TỪ
Ngôn ngữ cơ thể có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Hành động khoanh tay trước ngực có thể ngụ ý rằng bạn muốn tạo khoảng cách với đối phương, không thích những gì họ nói hoặc không cảm thấy thuyết phục. Ngay cả việc ôm một tập hồ sơ trước ngực cũng có thể mang một ý nghĩa mà bạn không hề ngờ tới, đó là tạo sự ngăn cách giữa bạn với người đối diện. Tư thế khoanh tay có thể được hiểu là bạn đang thu mình và không muốn tham gia trò chuyện, nhưng thực tế đôi khi lại đơn giản là bạn thấy lạnh, mệt mỏi hoặc không thoải mái. Thậm chí, có thể bạn chỉ khoanh tay để có cảm giác dễ chịu như khi được ôm. Dù sao đi nữa, nếu bạn đang trình bày một điều gì đó và tất cả người ngồi trong phòng đều khoanh tay lại, hãy thử kiểm tra xem nhiệt độ phòng có quá thấp hay bạn có làm họ chán ngấy không.
Hãy duy trì trạng thái “mở” cả về tư thế lẫn tư duy để đón nhận những thông tin và cơ hội mới. Nếu tham dự một sự kiện xã giao, chắc hẳn bạn sẽ không muốn bắt chuyện với một người đang khoanh tay. Bản thân người đó có thể cảm thấy thoải mái khi khoanh tay, nhưng cử chỉ đó lại khiến họ có vẻ khó gần và làm cho người khác e dè. Nếu bạn có thói quen này, hãy lập tức điều chỉnh.
Bạn thấy đấy, một cử chỉ có thể được diễn giải thành rất nhiều thông điệp. Đây là lý do vì sao bạn luôn phải ý thức được ngôn ngữ cơ thể của mình và những ý nghĩa mà người khác có thể suy ra từ đó. Trong từng tình huống giao tiếp cụ thể, bạn phải liên tục tự đánh giá về ngôn ngữ cơ thể của bản thân để điều chỉnh hoặc thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh cũng như thông điệp mà bạn muốn truyền tải.
Mỗi cử chỉ có thể được hiểu theo nhiều cách, vì vậy bạn cần lưu ý về một số việc nên và không nên làm như sau:
Tất cả chúng ta đều sử dụng những cử chỉ kể trên, thường là trước cả khi ta mở lời. Như bạn đã thấy, mỗi cử chỉ của chúng ta có thể mang nhiều thông điệp khác nhau, bất kể ta có ý định truyền tải những thông điệp này hay không.
Hãy cân nhắc xem mọi người xung quanh đang hiểu thế nào về ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ của bạn. Đôi khi, ta làm một điều gì đó để bản thân cảm thấy thoải mái nhưng lại vô tình khiến người khác khó chịu. Khi tình trạng này xảy ra, chúng ta sẽ không thể xây dựng được mối quan hệ bình đẳng với người khác và cũng không thể tạo điều kiện thuận lợi cho đôi bên. Hãy ý thức rõ về bản thân bạn trước khi kết nối với người khác. Hãy tự hỏi: “Tại sao mình lại khoanh tay? Hành động này sẽ khiến người khác nghĩ gì? Tại sao mình lại làm việc này hay việc kia?”. Theo thời gian, bạn sẽ có thói quen cân nhắc kỹ càng hành động của bản thân, nhưng trước hết bạn cần ý thức được những cử chỉ của mình.
Một số bí quyết hữu ích