Bí quyết tạo nên sự kết nối mạnh mẽ
Cái bắt tay tuyệt vời là khởi điểm của những hành động tuyệt vời.
Liệu bảy giây tương tác đầu tiên có thật sự quyết định kết quả cuộc gặp gỡ? Bạn có cảm thấy mình đáng giá triệu đô khi gặp gỡ người khác không? Bạn có khiến người đối diện cảm thấy họ đáng giá triệu đô khi bạn bắt tay họ hay không? Dù bắt tay với người khác hầu như mỗi ngày, nhưng chúng ta lại thường không quan tâm hoặc không để tâm nhiều đến hành động này. Bạn có nhận ra sự kết nối đầu tiên ấy quan trọng đến mức nào không?
Cách bạn bắt tay có thể quyết định liệu khách hàng có hợp tác với bạn hay không, khiến cuộc thương lượng hoặc thỏa thuận của bạn xuôi chèo mát mái hoặc đi vào ngõ cụt. Trong chương này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các yếu tố giúp cải thiện màn chào hỏi và giúp bạn rèn luyện cách bắt tay đáng giá triệu đô.
Bạn sẽ bị người khác đánh giá qua cách bạn bắt tay, và bản thân bạn cũng sẽ đánh giá về người khác như thế, vì đó là cơ chế bẩm sinh mà tất cả chúng ta đều có để xác định đối tượng là bạn hay thù. Bạn có cảm nghĩ gì khi bắt tay ai đó mà không cảm nhận chút lực nắm nào, hoặc khi tay bạn bị đối phương siết quá chặt? Người đó có ý thức được cảm giác của bạn hay không? Bạn có thể biết gì về họ qua tương tác ban đầu này? Họ đang cho bạn biết gì qua cách họ bắt tay?
Trong thế giới hối hả ngày nay, chúng ta đã quen đưa ra quyết định nhanh chóng, gồm cả việc nhận xét về người khác chỉ sau vài giây đầu gặp gỡ. Ngay khi bước tới chào hỏi một người, bạn đã lập tức có một cái nhìn nhất định về người đó, có thể là dựa vào cách họ đi đứng hoặc năng lượng họ tỏa ra từ tác phong, nét mặt, cách họ nhìn bạn và giao tiếp với bạn bằng ánh mắt, giọng nói cũng như ngôn ngữ cơ thể. Ngược lại, hiển nhiên là đối phương cũng ngay lập tức đánh giá về bạn, dù việc đó có thể chỉ diễn ra trong tiềm thức của họ.
Khi chúng ta gặp nhau lần đầu tiên, những thông điệp phi ngôn ngữ có thể quan trọng hơn nhiều so với những gì ta nói. Dáng đứng, động tác tay, giọng nói, cách đi lại, biểu cảm trên gương mặt, đặc biệt là đôi mắt, có thể củng cố nhưng cũng có thể mâu thuẫn với lời nói của ta. Ấn tượng đầu tích cực sẽ tạo tiền đề cho các buổi gặp gỡ hoặc phỏng vấn khả quan, cũng như các cuộc thương lượng hay mua bán thành công. Trái lại, khi không chú ý đến các tín hiệu phi ngôn ngữ, chúng ta thường truyền đi những thông điệp không rõ ràng, khiến bản thân không đạt được mục đích giao tiếp và về sau phải tìm nhiều cách khác để xây dựng sự kết nối với đối tượng giao tiếp. Hãy kiểm soát các thông điệp mà bạn chuyển tải đến người khác bằng cách luôn để ý đến ngôn ngữ không lời của mình. Trước tiên, bạn có thể bắt đầu từ động tác bắt tay.
Cách bạn bắt tay có thể tạo ra tác động mạnh mẽ và tiết lộ nhiều điều về bạn. Hãy nhớ trong những tình huống giao tiếp vì công việc, chúng ta thường chỉ chạm vào người đối diện trong một khoảnh khắc duy nhất, đó là lúc bắt tay. Cái bắt tay có thể truyền tải lòng tin, sự ấm áp, cảm giác hứng thú hoặc sự quan tâm chân thành bạn dành cho đối phương, khiến họ cảm nhận được thái độ cứng rắn hoặc hòa nhã từ bạn. Cái bắt tay cũng có thể truyền tải sự phấn khích, hồi hộp, ngạo mạn, dửng dưng hay yếu kém. Bắt tay như thế nào để thể hiện sự chuyên nghiệp là một trong những kỹ năng giao tiếp tối cần thiết mà bạn có thể bồi dưỡng. Những cái bắt tay quan trọng tới mức trong thời gian vận động tranh cử, cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã tổ chức một cuộc nghiên cứu để xác định đâu là cách bắt tay hiệu quả nhất.
Khi bắt tay, bạn sẽ muốn thể hiện điều gì đó về bản thân mà không tiết lộ quá nhiều. Cái bắt tay của bạn nên khiến người đối diện cảm thấy thoải mái và có thiện cảm với bạn, cho họ thấy bạn thật sự quan tâm đến họ và họ có thể đặt lòng tin vào bạn. Có thể bạn đang cho rằng tất cả những điều này không thể nào được đáp ứng trong một động tác bắt tay đơn giản. Nhưng hãy thử nghĩ xem bạn sẽ có ấn tượng thế nào khi một người bắt tay bạn hời hợt đến mức tay bạn chỉ kịp chạm mấy đầu ngón tay của họ, hoặc khi họ bắt mạnh tới nỗi gần như lôi bạn về phía họ và khiến bạn bị mất thăng bằng. Hãy quan sát các chính khách trên khắp thế giới bắt tay nhau và để ý mức độ hòa nhã hoặc lấn lướt trong cách bắt tay của mỗi người. Điều đó khiến bạn có cảm nhận thế nào về họ? Bạn ngưỡng mộ sức mạnh của họ, hay bạn thấy họ có vẻ ngạo mạn và muốn thể hiện uy quyền? Nếu vị chính khách đó có cái bắt tay nồng nhiệt và ánh mắt nhìn thẳng vào đối phương, bạn có nghĩ là họ sẵn lòng hợp tác để đạt được kết quả tốt nhất không?
Vào thời Hy Lạp cổ đại, người vợ thường bắt tay chồng để tiễn chồng ra trận. Người La Mã xưa thì thường nắm lấy cẳng tay của người đối diện để thay cho lời chào hỏi, đồng thời để kiểm tra xem đối phương có giấu vũ khí hay không. Tay phải luôn được dùng để bắt tay vì tay trái thường phục vụ cho mục đích vệ sinh cá nhân. Ngày nay, bắt tay được xem là một nghi thức xã giao hoặc một cách để chúc mừng, chúc may mắn hay chào tạm biệt. Ngoài ra, bắt tay còn là một hành động thể hiện sự cam kết, đó là lý do vì sao chúng ta thường vừa bắt tay nhau vừa nói: “Thỏa thuận vậy nhé”. Nhưng vấn đề là ta nên bắt tay như thế nào đây?
KỸ THUẬT BẮT TAY ĐÁNG GIÁ TRIỆU ĐÔ
Nếu có thể, hãy bắt đầu bằng cách bước đến trước mặt người đối diện với đầu ngẩng cao và vai thả lỏng, sao cho đầu, vai và hông của bạn thẳng hàng với nhau. Hãy nhìn vào mắt đối phương một cách thân thiện và mỉm cười, nhưng nhớ là đừng nhìn họ trừng trừng. Hãy hoàn toàn tập trung vào họ, dù chỉ là trong vài giây. Khi bạn duy trì giao tiếp bằng mắt, đối phương sẽ thấy bạn đang dành cho họ toàn bộ sự chú ý của mình, tin tưởng và quan tâm đến họ. Đừng nhìn ra phía sau họ để xem có ai khác ở trong phòng không, cũng đừng liếc ngang liếc dọc để xem người tiếp theo bạn cần bắt tay là ai. Nếu bạn nhìn đi nơi khác, đối phương có thể nghĩ là bạn đang ngại ngùng, hay tệ hơn là thiếu tôn trọng, không thành thật hoặc không quan tâm đến họ. Trong nghiên cứu về cái bắt tay theo yêu cầu của cố Tổng thống John F. Kennedy, các chuyên gia đã phát hiện giao tiếp bằng mắt cũng quan trọng không kém gì cái bắt tay. Vì vậy, hãy nhìn vào mắt người đối diện và kết nối với họ. Tất nhiên, nếu bạn đang làm ăn với một đối tác đến từ nền văn hóa không khuyến khích giao tiếp bằng mắt thì hãy tùy cơ ứng biến. Chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn về việc giao tiếp xuyên văn hóa trong Chương 5.
Mỉm cười
Khi bạn sắp bắt tay ai đó, một nụ cười sẽ có thể thu hẹp khoảng cách, giúp bạn thư giãn và tạo thiện cảm với người đối diện. Trong những tình huống và nền văn hóa phù hợp, bạn có thể mỉm cười khi chìa tay ra, nhưng đừng cố gượng cười hay để cho nụ cười của bạn có vẻ giả tạo. Khi gượng cười, chúng ta có khuynh hướng cười lâu hơn và chỉ cử động phần cơ ở nửa dưới khuôn mặt, hay nói đơn giản là miệng cười mà mắt không cười. Kiểu cười giả tạo như thế sẽ khiến chúng ta có vẻ thiếu chân thành hoặc không nhiệt tình, đồng thời nó cũng không thể giúp cho đối phương cảm thấy thoải mái.
Đây là lý do vì sao chúng ta nên soi gương mỗi ngày và quan sát từng chi tiết trên khuôn mặt của mình. Mỗi sáng, hãy đứng trước gương, mỉm cười và nhìn hình ảnh phản chiếu trong gương để xem vẻ mặt của mình đang truyền tải những thông điệp gì đến những người xung quanh. Một lợi ích khác của việc tự mỉm cười với bản thân là bạn sẽ thấy hứng khởi hơn và sẵn sàng bắt đầu ngày mới.
Đứng thẳng lưng
Khi đã sẵn sàng bắt tay, hãy giữ cho lưng thẳng, bước về phía đối phương, đứng đối diện với họ sao cho mũi bàn chân, hông, vai, đầu và mắt của bạn đều hướng về phía họ. Để thể hiện sự chú tâm trọn vẹn dành cho đối phương, hãy đảm bảo là vai của bạn song song với vai của họ. Hãy luôn đứng thẳng chân, vì nếu khuỵu chân thì bạn có thể sẽ truyền tải sự lạnh nhạt hoặc thờ ơ. Sau cùng, bạn sẽ có một thế đứng trung tính, không thể hiện thái độ tiêu cực hay hào hứng thái quá, và vẫn có thể cho đối phương thấy bạn đang tập trung vào họ. Nhưng muốn được như thế thì bạn sẽ cần tập luyện nhiều. Vì vậy, hãy dành thời gian để luyện tập trước một chiếc gương soi toàn thân. Khi bước đến trước gương, hãy để ý xem bạn hướng mặt về phía gương hay hơi nghiêng về phía khác. Bạn đứng thẳng với vẻ tự tin nhưng không khiêu khích, hay bạn đứng chân trước chân sau và trông có vẻ thiếu chắc chắn? Bạn có bị ngả người về phía sau hay chúi người về phía trước không? Bạn đang đứng ngay trước gương hay hơi lệch sang một bên?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trong những tình huống bắt tay để chụp ảnh, vị trí thể hiện quyền lực là đứng ở phía bên phải của đối phương, vì khi người khác nhìn vào bức ảnh, họ sẽ thấy cả cánh tay bạn đang vươn ra để bắt tay người đối diện. Mặc dù vậy, tôi tin rằng vị trí này dễ khiến bạn bị gò bó và khó xoay trở, trong khi người kia vẫn duy trì được tư thế mở và thoải mái ở phần mặt và thân. Vậy nên, không phải lúc nào vị trí lý tưởng cũng là “phía bên phải của đối phương”. Dù đứng ở bên nào đi nữa, bạn luôn có thể tận dụng thế đứng của mình và có được một bức ảnh đẹp. Hãy mỉm cười và khiến đối phương cảm thấy thoải mái, bạn sẽ thể hiện được là mình thật sự muốn phát triển mối quan hệ giữa đôi bên và sẵn sàng lắng nghe suy nghĩ của họ.
Điều chỉnh lực tay
Hãy luôn chú ý đến cường độ và trường độ của cái bắt tay. Không nên buông tay quá nhanh hoặc nắm quá lâu. Mỗi lần bắt tay nên kéo dài từ hai đến ba giây, với khoảng một hoặc hai lần lắc tay lên xuống. Nếu bạn bắt tay lâu hơn, đối phương sẽ không biết khi nào nên thả tay ra và họ có thể bắt đầu thấy không thoải mái. Một số người cứ nắm lấy tay của người đối diện, rồi vừa liên tục lắc tay lên xuống vừa hỏi: “Anh khỏe không? ...”, khiến người kia không biết khi nào cái bắt tay này mới kết thúc hay thậm chí là bắt đầu cảm nhận lực lắc tay tác động lên cả cánh tay. Hành động lắc tay liên tục này cũng kỳ quặc như khi bạn cố cười quá lâu. Ngoài việc không lắc tay đối phương quá ba lần, bạn cũng cần lưu ý rằng lắc mạnh một lần cũng gây ấn tượng không tốt y như lắc nhẹ nhiều lần. Việc kéo mạnh cả cánh tay của người đối diện cũng có thể khiến bạn có vẻ lấn lướt hoặc lố bịch. Hãy nhớ rằng chẳng ai muốn tay mình bị kéo lìa khỏi vai! Nói tóm lại, cái bắt tay hoàn hảo chỉ kéo dài tối đa ba giây, với một hoặc hai cái lắc nhẹ nhưng dứt khoát. Nếu rút tay lại sớm hơn, bạn có thể khiến đối phương có cảm giác là bạn không quan tâm đến họ, còn nếu bắt tay quá lâu thì bạn sẽ làm cho họ thấy không thoải mái và bối rối. Hãy chủ động rút tay lại sau ba giây, ngay cả khi bạn và đối phương vẫn đang nói dở một câu gì đó. Đừng trở thành kẻ gây khó chịu.
Cái bắt tay cần đơn giản, thân thiện và vừa đủ chặt. Bạn không cần siết tay người kia quá mạnh mà chỉ cần thể hiện rằng bạn rất vinh hạnh khi được có mặt ở đó và được gặp họ. Nếu xét theo thang độ từ một tới mười thì lực bắt tay của hai người đàn ông khỏe mạnh thường dao động ở mức tám hoặc chín. Bắt tay quá nhẹ sẽ khiến bạn có vẻ không đáng tin cậy và vì vậy mà không thể khiến đối phương tin tưởng. Ngược lại, nếu bắt tay quá mạnh thì bạn có thể gây cảm giác mình là một kẻ ngạo mạn, thích lấn lướt, hoặc đơn giản là không quan tâm đến người mình đang gặp gỡ. Hãy xác định mức độ tác động lực vừa phải và sẵn sàng điều chỉnh cho phù hợp với đối phương. Bạn thường chỉ mất một giây để điều chỉnh lực tay của mình cho tương đồng với người đối diện để họ không cảm thấy bạn đang áp đảo họ (hay họ đang áp đảo bạn).
Nếu đối phương là người có cái bắt tay chặt và chắc, bạn có thể ngay lập tức điều chỉnh lực tay của mình để tương xứng với của họ, từ đó tạo được ấn tượng tốt đẹp và mang tới cảm giác dễ chịu cho cả đôi bên trong lần gặp gỡ đầu tiên. Tương tự, nếu gặp người có kiểu bắt tay nhẹ nhàng, bạn cũng nên điều chỉnh theo để đối phương cảm thấy thoải mái sau màn chào hỏi và có thiện cảm với bạn. Khi điều chỉnh, bạn hãy đảm bảo là mình nắm chặt hơn đối phương một chút chứ không phải nhẹ hơn. Hãy đặc biệt cẩn trọng khi bắt tay người đang bị thương, người đeo nhiều nhẫn, người già, người có vẻ yếu ớt, hoặc người đang làm nhiệm vụ tiếp đón vì họ còn phải bắt tay nhiều người nữa.
Tạo dựng lòng tin
Cái bắt tay hoàn hảo là khi hai lòng bàn tay chạm vào nhau. Đồng thời, hãy đảm bảo là phần da giữa ngón cái và ngón trỏ của bạn chạm vào phần da giữa ngón cái và ngón trỏ của đối phương. Đây là điều kiện cần thiết để hai bên có cảm giác tin tưởng lẫn nhau - nền tảng cần thiết để phát triển mối quan hệ. Những người mới gặp bạn lần đầu tiên cần biết rằng họ có thể tin tưởng bạn, hợp tác và tiến xa cùng bạn. Bản thân bạn cũng muốn có cảm giác tương tự về họ.
Nếu phần da giữa ngón cái và ngón trỏ của hai người không chạm nhau thì cái bắt tay giữa đôi bên sẽ gây cảm giác xa cách, khiến một hoặc cả hai người cảm thấy mình chưa thật sự kết nối được với người đối diện. Khi đó, bạn sẽ phải tìm cách khác để tạo dựng lòng tin cũng như thiện cảm với đối phương. Lãng phí bảy giây gặp gỡ đầu tiên sẽ khiến bạn mất thêm rất nhiều thời gian về sau. Khi bắt tay một người lần đầu tiên, tôi cũng không thể nào có được cảm giác mình đã thật sự “gặp gỡ” người đó nếu phần da ở má trong ngón tay cái của chúng tôi không chạm nhau. Vị trí này chính là nơi tạo ra sự kết nối thật sự. Vì vậy, nếu là người hay đề phòng và thường chỉ nắm hờ phần ngón tay của đối phương, bạn nên chủ động thay đổi cách bắt tay của mình để xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy ngay từ lần chào hỏi đầu tiên.
Khi bạn đưa tay ra để bắt, hãy để bàn tay thẳng đứng, ngón cái hướng lên trên, ngón út hơi nghiêng xuống. Nếu bạn ngửa lòng bàn tay của mình, đối phương có thể hiểu đó là dấu hiệu của sự phục tùng hoặc là bạn đang áp dụng một mẹo giao tiếp để họ thấy bản thân họ quan trọng và chiếm ưu thế. Không chỉ chuyển tải những thông điệp không rõ ràng, hành động ngửa lòng bàn tay còn có thể khiến đối phương không thoải mái. Theo tôi thấy, bạn không nên làm xáo trộn bảy giây quan trọng đầu tiên của cuộc gặp gỡ, mà hãy thể hiện sự cởi mở và chuyên nghiệp qua cái bắt tay.
Chào hỏi
Hãy nói gì đó trong lúc bắt tay. Bạn không nhất định phải thốt ra một câu đùa dí dỏm mà luôn có thể dùng lời chào thông thường như: “Rất vui được gặp anh/chị”. Hãy nói thật rõ ràng và tự tin, sau đó giới thiệu tên của mình. Đây chính là thời điểm thích hợp để bạn gọi tên đối phương, và có thể cũng là lần đầu tiên. Hãy đảm bảo là bạn phát âm đúng tên của họ. Nếu cần, hãy dành thời gian để tập phát âm trước buổi gặp gỡ. Nếu không chắc lắm về cách phát âm, bạn có thể gọi điện trước cho công ty của họ và hỏi nhân viên lễ tân về cách đọc sao cho chính xác. Nếu cách này không khả thi, bạn có thể hỏi trực tiếp người mình đang gặp gỡ xem bạn đã phát âm đúng tên của họ hay chưa. Chắc hẳn họ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi giúp bạn sửa cách đọc ngay từ đầu, thay vì phải nghe bạn phát âm sai suốt buổi gặp mặt. Vài lời thăm hỏi trong lúc bắt tay cùng mấy câu tán gẫu ngay sau đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khi đi vào vấn đề chính, bạn có thể có buổi trò chuyện hiệu quả và có tính xây dựng. Trong lúc thăm hỏi, bạn có thể nói về bất kỳ chủ đề nào mà bạn thấy phù hợp. Đừng cố tỏ vẻ hài hước, vì việc này có thể sẽ gây phản tác dụng.
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM
Bắt tay kiểu quyền lực
Kiểu bắt tay lấn át của những năm 1980, hay Cái bắt tay quyền lực theo cách gọi của tôi, đến nay vẫn được sử dụng rộng rãi.
Khi bắt tay theo kiểu này, bạn đưa tay ra với lòng bàn tay úp xuống. Bạn giữ vai trò dẫn dắt, khiến đối phương phải thuận theo và ngửa lòng bàn tay của họ lên để bắt tay bạn. Có thể bạn cho rằng kiểu bắt tay này sẽ cho thấy bạn là người mạnh mẽ, nhưng thật ra nó sẽ khiến mọi người có cảm giác là bạn không tôn trọng đối phương. Ngoài ra, cái bắt tay quyền lực còn có thể bị xem là biểu hiện của tính háo thắng. Trên thực tế, khi bắt tay theo kiểu quyền lực, bạn đã chuyển giao quyền lực sang cho đối phương, vì hành động của bạn đã tiết lộ cho họ biết bạn muốn được đối xử như thế nào. Lúc này, người ở thế bị lấn át đã trở thành người sở hữu quyền lực, họ biết bản thân nên làm thế nào để bán được hàng, tạo sức ảnh hưởng, thương lượng hay chủ động kiểm soát tình hình.
Bạn có thể lợi dụng thực tế này để xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi nhất cho mình. Nếu bạn gặp phải người có kiểu bắt tay quyền lực thì thay vì cố giành thế áp đảo với họ, hãy giữ thái độ trung dung và chuyên nghiệp, đồng thời nắm bắt tất cả tín hiệu họ truyền tải mà không để họ nhận ra bản thân đã chuyển giao ưu thế trong cuộc gặp gỡ sang cho bạn. Bạn có thể tiến hành thương lượng để đi đến một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Quyền lực lúc này đã nằm trong tay bạn rồi.
Bắt tay kiểu công chúa
Bắt tay kiểu công chúa là khi bạn chìa bàn tay ra theo chiều ngang, lòng bàn tay úp xuống, các ngón tay khép lại và hơi cong. Hành động này sẽ khiến đối phương tự hỏi liệu họ nên bắt tay, hôn tay hay cúi chào bạn. Bắt tay kiểu công chúa cũng có thể gây ấn tượng rằng bạn đang mặc định là đối phương có địa vị thấp hơn mình. Nếu bạn gặp phải một người có kiểu bắt tay thế này, đừng đưa tay nắm lấy phần ngón tay hay đầu ngón tay của họ, vì đó có thể bị xem là dấu hiệu của sự phục tùng. Ngược lại, nếu ai đó túm lấy những đầu ngón tay của bạn trong lúc bắt tay thì bạn cần hiểu rằng bản thân sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tạo điều kiện thuận lợi và phát triển mối quan hệ giữa đôi bên. Thật không may là vẫn có rất nhiều đàn ông bắt tay phụ nữ theo cách này, và ngay cả phụ nữ cũng bắt tay người cùng phái như vậy. Bạn có thể sống như một công chúa, nhưng đừng bắt tay theo kiểu công chúa. Nếu bạn là một nữ doanh nhân và muốn được mọi người tôn trọng, hãy đưa tay ra theo chiều thẳng đứng và bắt tay một cách chuyên nghiệp, tự tin. Bạn có thể xem thêm những lưu ý dành cho phụ nữ khi bắt tay ở trang 47.
Ấn tượng về những cái bắt tay tồi tệ thường lưu lại rất lâu trong tâm trí của mỗi người chúng ta. Một giám đốc sự kiện mà tôi gặp gần đây kể rằng cô đã rất hào hứng khi được gặp một trong những ca sĩ biểu diễn tại một chương trình do cô tổ chức, nhưng khi họ bắt tay nhau, cô có cảm giác như mình vừa bị đuổi khéo. Sau lần đó, cô không còn hứng thú với ca sĩ này nữa. Tương tự, giám đốc của một nhà xuất bản cũng từng nói với tôi rằng cô hết sức phấn khởi khi được gặp một nhà văn nổi tiếng mà cô ngưỡng mộ, nhưng vào khoảnh khắc nhận được cái bắt tay đã theo kiểu công chúa lại còn mướt mồ hôi, cô cảm thấy vô cùng hụt hẫng.
Bắt bằng cả hai tay
Đó là khi bạn dùng một tay để bắt, rồi đặt tay còn lại lên mu bàn tay của đối phương và ôm gọn tay họ trong hai bàn tay mình. Tuy đây có thể là tín hiệu cho thấy sự nhiệt tình, chân thành và gần gũi, nhưng bạn cũng có thể bị coi là trịch thượng hay suồng sã nếu bắt tay người khác theo kiểu này trong lần gặp đầu tiên. Đối phương sẽ phải làm gì tiếp theo? Họ có nên đặt tay còn lại của họ lên mu bàn tay bạn không? Nếu họ thật sự làm vậy, cả hai sẽ lâm vào tình thế khó xử, thậm chí là kỳ quặc. Bạn chỉ nên áp dụng kiểu bắt tay này khi chào hỏi những người mà mình đã quen được một thời gian. Nếu một người nào đó dùng cả hai tay để bắt tay bạn trong lần đầu gặp gỡ thì rất có thể họ muốn nắm quyền kiểm soát. Như những gì tôi đã chia sẻ khi nói về cái bắt tay quyền lực, nếu ai đó muốn nắm quyền kiểm soát thì bạn hãy cứ thân thiện và chấp nhận rằng họ đã cho biết họ muốn được đối xử như vậy, rồi dựa vào đó để tạo không khí thoải mái cho đôi bên.
Trong một số môn võ thuật, nếu nắm được cổ tay của đối thủ ở một vị trí nhất định thì bạn sẽ có thể tác động lực vào đó và quật họ ngã xuống đất. Vậy nên khi bắt tay, đừng để các ngón tay của bạn chạm đến cổ tay của đối phương, cũng đừng nắm lấy cổ tay họ. Hành động này có thể thể hiện sự lấn lướt và khiến người kia cảm thấy bạn đang xâm phạm không gian của họ.
Vỗ nhẹ lên mu bàn tay
Tương tự kiểu bắt bằng hai tay, kiểu vỗ nhẹ lên mu bàn tay có thể cũng xuất phát từ nỗ lực muốn thể hiện lòng nhiệt tình, nhưng hiệu ứng mà nó tạo ra thì hoàn toàn trái ngược. Trong kiểu bắt tay này, một người cũng ngửa lòng bàn tay trong khi người còn lại úp lòng bàn tay giống kiểu bắt tay quyền lực. Nhưng sau đó, người đang để tay ở dưới sẽ dùng tay còn lại vỗ nhẹ lên mu bàn tay của đối phương theo kiểu “trấn an”, hay đại loại là vậy. Cách bắt tay này có thể khiến đối phương có cảm giác ban đầu là bạn đang đặt họ ở vai trên, nhưng sau đó họ lại thấy mình không được tôn trọng khi bạn vỗ nhẹ lên tay họ.
Trước đây, đoạn video quay cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt và vỗ nhẹ lên tay của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng được lan truyền rất rộng rãi. Nếu bạn không muốn bị người khác để ý thì hãy tránh sử dụng kiểu bắt tay này.
Có lần sau khi tôi hoàn thành bài diễn thuyết của mình ở một hội thảo, người quay phim đã đến gặp tôi và nói: “Tôi luôn bắt tay kiểu này để khiến đối phương cảm thấy họ quan trọng”. Tôi đáp: “Vâng, hầu như ai áp dụng cách bắt tay này cũng đều nghĩ làm vậy là tốt”. Sau khi gợi ý là hãy để tôi bắt tay anh theo kiểu đó, tôi chìa tay phải ra với lòng bàn tay ngửa lên và khi anh đặt tay lên thì tôi dùng tay trái vỗ nhẹ lên mu bàn tay anh. Anh thừa nhận anh có cảm giác rất khó chịu và thảng thốt nhận ra mình đã làm thế với rất nhiều người suốt thời gian qua.
Hãy nhớ suy nghĩ của chúng ta không phải lúc nào cũng đúng. Vì thế, hãy giữ cho cái bắt tay của bạn thật đơn giản và chuyên nghiệp.
Vừa bắt tay vừa kéo
Một vài người có thói quen kéo tay người khác về phía mình trong lúc bắt tay, và đôi khi lực kéo có thể mạnh đến nỗi làm đối phương mất thăng bằng. Hành động này sẽ khiến bạn mất kết nối với đối phương, vì khi đó bạn đã kéo họ theo góc chéo về phía vai mình và hai người không còn đứng đối diện nhau nữa. Khi cảm thấy hồi hộp hoặc không thoải mái trong lúc bắt tay, chúng ta có thể sẽ thu cánh tay của mình về sát hông. Nếu bạn cũng thường hành động như thế, hãy nhớ rằng động tác thu tay về sẽ làm cho người đối diện bị kéo theo, khiến bầu không khí trở nên căng thẳng và gượng gạo.
Đừng bao giờ vừa bắt tay vừa kéo. Hãy bước đến trước mặt đối phương với phong thái tự tin, thả lỏng các cơ trên cánh tay, đưa tay xa khỏi hông của bạn và bắt tay người kia. Nếu họ bất thình lình kéo tay bạn, hãy cứ bình tĩnh và thả lỏng. Sau khi bắt tay xong, hãy chủ động chỉnh lại tư thế của mình và nghĩ xem bạn vừa biết được điều gì về đối phương. Có lẽ họ thấy không thoải mái khi bắt tay, hoặc họ đang căng thẳng hay hồi hộp. Vậy bạn có thể làm gì để giúp họ cảm thấy thoải mái hơn và tạo dựng mối quan hệ? Đối phương thường sẽ rất cảm kích những điều bạn làm vì họ.
Để tay đẫm mồ hôi
Tất cả chúng ta đều muốn người mình bắt tay có một bàn tay khô ráo, nhưng thực tế là một số người thường tiết nhiều mồ hôi hơn người khác. Phản ứng của hệ thần kinh, tác động của nhiệt độ hay một số loại thuốc đều là những nguyên nhân có thể gây đổ mồ hôi tay. Nếu bạn là người hay đổ mồ hôi tay, hãy thủ sẵn khăn giấy hoặc khăn mùi xoa trong túi để lau tay trước khi bắt tay người khác. Tất nhiên, hãy làm điều đó một cách kín đáo. Việc để người khác thấy bạn dùng khăn lau sạch tay ngay trước khi bắt tay họ chỉ có thể được chấp nhận nếu bạn đang dự một buổi tiệc và vừa ăn một món dùng tay hoặc đang cầm một ly nước lạnh. Nếu bị đổ mồ hôi tay quá nhiều hoặc cảm thấy quá ngượng ngùng vì điều này, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp tiêm Botox để hạn chế mồ hôi.
✴ ✴ ✴
Bạn không cần tiết lộ bất cứ điều gì về mình qua cái bắt tay, trừ khi bạn muốn. Nếu ý thức được hành vi của bản thân và luyện tập nhuần nhuyễn Cái bắt tay đáng giá triệu đô, bạn sẽ có thể che giấu sự thật là mình đang hồi hộp, lo lắng, phấn khích quá mức, khó lòng tin tưởng người khác ngay lập tức hay không nghĩ cho đối phương. Khi đã tự tin với cái bắt tay của mình, bạn sẽ điều khiển được cảm xúc của bản thân và hiểu rằng điều quan trọng nhất không phải là cảm giác của bản thân bạn mà là cảm giác bạn mang đến cho người đang tiếp xúc với bạn.
Trong một đợt tập huấn dành cho các giám đốc ngân hàng, một trong những vị giám đốc tài chính hàng đầu đã nói rằng ông cảm thấy mình có vẻ oai hơn khi vừa bắt tay vừa đút tay còn lại vào túi quần. Tôi đã mời ông thực hiện kiểu bắt tay đó và hỏi bảy mươi người khác trong buổi tập huấn: “Các bạn thấy ông ấy có vẻ quyền lực hơn khi nào, khi đút tay vào túi quần hay khi để tay ở ngoài?”.
Bạn có đoán được câu trả lời không?
“Để tay ở ngoài!”, mọi người đồng thanh đáp.
Đây là một ví dụ điển hình về nhận thức thiên lệch. Chính vì từng thấy một doanh nhân giàu có đứng bắt tay như thế, nên vị giám đốc tài chính nói trên cho rằng đó là dấu hiệu của sự thành đạt và đã hiểu sai về thông điệp mà mình truyền tải qua cách bắt tay đó.
Khi bạn chào hỏi người khác để bắt đầu một cuộc gặp gỡ nhằm bàn chuyện làm ăn hoặc phát triển các mối quan hệ, hãy chủ động bắt tay họ. Nếu cái bắt tay của bạn quá nhẹ hoặc quá mạnh, bạn vẫn có thể ngay lập tức điều chỉnh lực tay của mình. Nếu đối phương có cái bắt tay chặt và chắc thì bạn cũng nên làm điều tương tự để họ biết được bạn đang dành toàn bộ sự chú ý của mình cho khoảnh khắc đó. Hãy mỉm cười, nhìn vào mắt họ và chủ động kết nối. Bạn sẽ không bao giờ biết được ấn tượng đầu tiên mà bạn để lại trong mắt người đối diện có thể đưa bạn đến đâu, hay thậm chí là họ sẽ giới thiệu bạn với ai trong số những người họ biết.
Thực hành
Trong tuần tới, hãy bắt tay với tất cả những người mà bạn có thể bắt tay. Hãy để ý xem phần da ở giữa ngón trỏ và ngón cái của bạn và của người kia có chạm nhau không. Họ có kiểu bắt tay như thế nào so với bạn: quá chặt hay quá lỏng, cánh tay của họ duỗi ra hay thu lại và khiến bạn bị kéo về phía họ? Chẳng mấy chốc, bạn sẽ bắt đầu phát hiện những manh mối cho thấy bạn nên cư xử với người khác thế nào sau khi bắt tay với họ. Về phần bạn, hãy thể hiện sự chuyên nghiệp, tự tin và cho đối phương thấy bạn quan tâm đến họ cũng như những gì hai bên có thể đạt được cùng nhau. Nếu có ấn tượng xấu với cách bắt tay của ai đó, hãy chắc chắn là bạn không phạm phải những sai lầm giống họ. Nếu cái bắt tay của người khác khiến bạn thấy dễ chịu và có cảm giác được quan tâm, hãy tìm hiểu xem họ đã làm gì và bạn có thể vận dụng kỹ thuật của họ như thế nào. Ngoài ra, bạn cũng nên quan sát cách mọi người bắt tay nhau trên chương trình thời sự và phân tích xem hành động nào có vẻ hiệu quả, những người đó đang truyền tải thông điệp gì qua cái bắt tay của họ, điều gì tạo nên ấn tượng tốt và những yếu tố nào sẽ gây ấn tượng xấu.
Biết cách bắt tay tự tin và chiếm được cảm tình của mọi người là một kỹ năng thiết yếu đối với tất cả chúng ta, từ nhân viên bán hàng đến nhà thương thuyết, chính trị gia, người đang tìm việc... Khi có thể tạo thiện cảm trong lần đầu tiên gặp mặt, bạn sẽ có được kết quả tích cực lâu dài và tối đa hóa cơ hội thành công.
Tin vui dành cho bạn là ngay cả khi chưa có cái bắt tay hoàn hảo, bạn vẫn có thể khiến đối phương có cảm giác triệu đô nếu biết cách giao tiếp bằng mắt và nở nụ cười chân thành. Điều bạn cần làm chỉ là tiếp tục cố gắng và dùng những cách khác để chứng minh cho họ thấy sự tự tin cũng như năng lực của mình. Nếu thấy đối phương quá vồ vập hoặc ngượng ngùng, bạn cũng có thể “cứu vãn” cái bắt tay đó bằng thế đứng và ánh nhìn của mình.
Bạn không thể thay đổi cách bắt tay của người khác. Có thể họ sẽ không để phần da giữa ngón trỏ và ngón cái của họ chạm vào phần da đó của bạn, hoặc họ chỉ nắm hờ các ngón tay của bạn. Đây chính là những dấu hiệu mà họ đang tiết lộ về bản thân: ngập ngừng, không chắc chắn. Nhưng cũng có thể họ đang hồi hộp, và đây chính là cơ hội để bạn giúp họ cảm thấy thoải mái hơn thông qua ngôn ngữ cơ thể, nụ cười hay ánh mắt của bạn. Cái bắt tay gượng gạo và căng thẳng của họ cho bạn biết rằng bạn cần dành nhiều thời gian hơn để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp. Khi đọc đến những chương sau, bạn sẽ khám phá thêm nhiều giải pháp và có thể dựa vào đó để phát triển cho mình một bộ kỹ năng hữu dụng.
NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM
Giả sử bạn sắp có một cuộc hẹn và bạn mong là mình sẽ ký kết được một hợp đồng lớn. Bạn đã nghiên cứu kỹ càng và chuẩn bị đầy đủ thông tin cho phần trình bày của mình.
Sau đây là một số việc làm thiết thực theo từng thời điểm của cuộc hẹn mà bạn có thể áp dụng.
Đêm trước cuộc hẹn
Hãy chọn và treo riêng bộ trang phục bạn sẽ mặc vào ngày hôm sau, nhớ đảm bảo là nó đã được giặt sạch sẽ và ủi thẳng thớm. Điều này nghe có vẻ thừa, nhưng chắc chắn là bạn không muốn bị muộn giờ hẹn chỉ vì phải ủi chiếc áo ưa thích vào phút chót. Hãy xem lại địa chỉ nơi bạn cần đến và phương tiện bạn sẽ dùng để đến đó. Hãy chắc chắn là bạn đã lưu đầy đủ tên và số điện thoại của người mà mình sắp gặp. Đừng quên bỏ tất cả giấy tờ và vật dụng cần thiết vào túi xách hoặc cặp đựng hồ sơ của bạn.
Cuối cùng, hãy yên tâm ngủ một giấc thật ngon vì bạn đã chuẩn bị sẵn sàng. Vẻ mặt mệt mỏi có thể gây ấn tượng không tốt.
Trước khi đến điểm hẹn
Hãy đặt đồng hồ báo thức và dậy sớm hơn một chút để không bị cập rập.
Hãy đứng trước gương, mỉm cười với chính mình và nói thành tiếng rằng bạn sẽ tạo ra những cơ hội có lợi cho cả đôi bên và rằng bạn chính là người thích hợp để đến cuộc hẹn ngay lúc này, ký kết hợp đồng và cung cấp dịch vụ tuyệt vời cho đối tác.
Khi đến điểm hẹn, đừng vội vào ngay mà hãy dành chút thời gian để tự nhủ thêm lần nữa rằng bạn chính là người thích hợp nhất để tiếp chuyện người đang ngồi trong kia. Hãy thư giãn, vì đây là cuộc gặp gỡ của bạn.
Nếu bạn cảm thấy hồi hộp và bắt đầu thở gấp, hãy đứng lại để hít thở sâu. Bạn nên thả lỏng hai vai và cố đi chậm chứ đừng hớt hải chạy vào phòng rồi nói thao thao bất tuyệt đến nỗi chẳng ai nghe kịp. Nếu bạn vốn quen nói chậm, hãy soạn trước nội dung trình bày để khi cần thiết bạn có thể nói nhanh hơn mà không cần ngừng lại và suy nghĩ xem nên nói gì tiếp theo.
Trong lúc bước vào điểm hẹn, bạn có thể vừa đi vừa nghĩ: “Mình sẽ làm được. Mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ”.
Hãy chủ động dành vài giây để nghĩ đến những điều tích cực. Cách hữu hiệu nhất để tự lên dây cót tinh thần cho bản thân là dùng những câu khẳng định ngắn bắt đầu với từ “tôi”, chẳng hạn như: Tôi điềm tĩnh. Tôi giỏi. Tôi tuyệt vời. Tôi sẵn sàng. Tôi chuyên nghiệp.
Trong cuộc hẹn
Ngay khi bạn bước vào phòng, hãy lập tức giao tiếp bằng mắt với một người trong đó, mỉm cười trong lúc đưa tay ra, và làm cho đối phương cảm thấy bạn đang chủ động kết nối với họ. Sau đó, hãy vận dụng kỹ năng chào hỏi triệu đô để kết nối với những người còn lại trong phòng.
Hãy tập trung vào người mà bạn đã hẹn gặp để họ thấy rằng bạn thật sự quan tâm đến họ và để bạn có thể nhanh chóng có được những nhận định sơ bộ trong từng tình huống cụ thể. Chẳng hạn, khi đối phương nói nhanh còn bạn nói chậm, hãy cố gắng nói nhanh bằng họ nếu bạn thấy điều đó là hợp lý và không khiến bạn thấy khó chịu; nếu họ bắt tay mạnh, hãy tự điều chỉnh để lực tay của bạn cũng mạnh tương đương. Hãy nhớ là bạn sẽ mất không quá một giây để thay đổi cường độ của cái bắt tay.
Nếu diễn biến cuộc hẹn không như bạn mong đợi, đừng thể hiện thái độ gì cả. Hãy lập tức loại bỏ mọi lo lắng ra khỏi đầu và tiếp tục tập trung vào những việc bạn cần làm trong cuộc hẹn đó. Sau này bạn sẽ có thời gian để phân tích những gì đã diễn ra và tại sao lúc đó bạn lại cảm thấy lo lắng hay không thoải mái. Bạn cũng có thể kể cho các đồng nghiệp nghe về cuộc hẹn và cùng họ tìm hiểu lý do vì sao bạn không đạt được những kết quả khả quan. Có thể còn thông tin gì đó mà đối phương chưa nói cho bạn biết, hoặc bạn đã không đánh giá chính xác tình hình và không đặt ra những câu cần hỏi phù hợp từ trước. Hãy dành thời gian để xác định xem bạn nên làm gì trong những lần tiếp xúc tiếp theo với người này.
Đừng quá lo lắng trong quá trình trao đổi với đối tác mà hãy tập trung vào kết quả. Nói cách khác, tôi nghĩ bạn nên tự nhủ: “Tôi đang ở đây. Tôi có thể thành công”. Hãy luôn giữ cho ý nghĩ này hiện hữu trong tâm trí bạn. Ngay khi bạn bắt đầu suy nghĩ tiêu cực, thái độ và ngôn ngữ cơ thể của bạn sẽ thay đổi, bạn sẽ bị phân tâm, và mọi người sẽ lập tức nhận ra. Hãy loại bỏ mọi ý nghĩ bi quan, tập trung vào những việc mà bạn và mọi người đang làm ở thời điểm hiện tại.
Sau cuộc hẹn
Hãy luôn làm chủ hành động của bản thân cũng như tình huống mà bạn đang đối mặt. Nói cách khác, mưu sự tại nhân, thành sự cũng tại nhân.
Nếu cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp, hãy ngẫm lại xem đâu là những việc bạn đã làm tốt và có thể tiếp tục áp dụng trong các lần sau. Nếu cuộc hẹn không diễn ra như dự định nhưng vẫn có kết quả tốt đẹp thì có lẽ bạn càng nên cảm thấy tự hào về bản thân mình.
Nếu mọi chuyện không suôn sẻ như bạn mong muốn, hãy ngẫm xem bạn có thể cải thiện ở điểm nào. Bạn đã xác nhận đúng người mình cần gặp chưa? Trước đó bạn có giải thích rõ lý do gặp gỡ và kết quả bạn mong muốn không? Bạn có hỏi đối phương là họ kỳ vọng điều gì khi gặp mình không? Nếu cuộc gặp gỡ nào bạn cũng gặp phải cùng một trở ngại, đã đến lúc bạn làm một điều gì đó khác biệt.
PHỤ NỮ VÀ VIỆC BẮT TAY
Tại sao có quá nhiều phụ nữ thấy ngại khi bắt tay? Tôi từng nghe nhiều người phụ nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội kể về trải nghiệm bắt tay tồi tệ, và tôi từng gặp nhiều người đàn ông thừa nhận rằng họ không biết phải làm gì khi bắt tay với phụ nữ. Tôi đã nhận được những câu hỏi giống nhau về vấn đề phổ biến này từ khắp nơi trên thế giới, dù phong tục và tập quán của mỗi nước đều khác nhau. Tôi đã nói về chuyện này với phụ nữ đến từ Ả Rập Xê Út cũng như phụ nữ ở Úc.
Tôi biết rất nhiều người đã tìm được việc làm nhờ sở hữu những kỹ năng chào hỏi tuyệt vời. Họ có phong thái tự tin và có khả năng truyền tải những thông điệp tích cực qua cái bắt tay, lời nói và hành động.
Có lần, một cô gái trẻ đã đến văn phòng của chúng tôi, bắt tay với tất cả mọi người, nộp đơn xin việc, rồi lại bắt tay với chúng tôi lần nữa khi cô ra về. Sau đó, có ba nhân viên đến nói với tôi: “Chị phải tuyển cô gái đó đi”.
Khi tôi hỏi lý do, cả ba người đều cho rằng nữ ứng viên đó rất tự tin và có thể trở thành một thành viên đáng giá của công ty.
“Vậy điều gì khiến cô ấy có vẻ tự tin đến vậy?”, tôi hỏi thêm.
Họ nhìn tôi, mỉm cười và nói cô ấy có cách bắt tay tuyệt vời.
Nam giới ngày nay vẫn thường không xác định được là họ có nên bắt tay nữ giới hay không. Thông lệ trước đây là đàn ông cần chờ phụ nữ đưa tay ra trước, nhưng bây giờ thì không còn như vậy nữa. Quy tắc ứng xử hiện nay là bạn nên dành vài giây để chờ người có địa vị cao hơn đưa tay ra, nhưng nếu họ không làm thế thì bạn nên chủ động. Điểm mấu chốt chính là chúng ta cần bắt tay nhau khi chào hỏi. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi biết là nếu chưa bắt tay người đối diện, bất kể là vì lý do gì, tôi sẽ phải nỗ lực gấp đôi để xây dựng mối quan hệ công việc tốt đẹp về sau.
Phụ nữ cũng nhận ra sức mạnh của Cái bắt tay đáng giá triệu đô, nhưng nhiều người dường như vẫn chưa rõ nên đưa tay ra thế nào và làm sao để có thể tự tin chào hỏi người khác. Cái bắt tay của phụ nữ thường quá mạnh và chặt, hoặc quá nhẹ và lỏng lẻo; đôi khi, họ còn thu cùi chỏ về sát hông mình và khiến cả bàn tay lẫn cánh tay của đối phương bị kéo căng. Nhiều phụ nữ vốn không quen bắt tay nên khi cần làm vậy, họ thường hay ngập ngừng, do dự. Nguyên nhân không phải vì họ được dặn là đừng bắt tay, mà vì họ không cần phải làm vậy cho đến khi bước vào lĩnh vực kinh doanh. Tôi từng bắt tay với phụ nữ ở nhiều quốc gia và họ cho rằng mình bắt tay khá chặt, nhưng theo thang độ từ một đến mười thì lực nắm của họ chỉ ở mức năm. Khi bắt tay nam giới, những người phụ nữ này thường cho rằng đối phương đang áp đảo họ, nhưng thực tế là họ bắt tay không mạnh bằng người đàn ông đối diện. Tôi đã bắt tay với những người này để giúp họ điều chỉnh cường độ cái bắt tay lên mức tám - mức độ lực mà họ cho là phù hợp. Khi áp dụng cường độ này trong lần tiếp theo họ bắt tay với một người đàn ông, những người phụ nữ này đã không còn cảm giác khó chịu nữa. Bạn cũng hãy tập tăng và giảm lực của cái bắt tay, việc điều chỉnh lực tay sẽ không khiến bạn mất quá một giây.
Ngày nay, cả nam giới lẫn nữ giới đều đang kết nối với nhau và nắm giữ những vai trò tương tự nhau, vì vậy tất cả chúng ta đều phải biết cách bắt tay. Giới tính, chiều cao hay sức mạnh của bạn đều không liên quan đến cách bạn bắt tay. Tuy nhiên, một số quốc gia xem việc nam và nữ bắt tay nhau ở nơi công cộng là không phù hợp và có thể bị xử phạt. Thực tế này hẳn đã khiến nhiều người cảm thấy lúng túng. Chúng ta sẽ bàn kỹ về cái bắt tay và ngôn ngữ cơ thể trong những nền văn hóa khác nhau ở Chương 5. Nhưng ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt thì ở mọi nơi trên thế giới, tất cả chúng ta đều đang gặp gỡ nhau vì những mục đích cụ thể và cử chỉ của chúng ta đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc gặp gỡ. Bí quyết để có Cái bắt tay đáng giá triệu đô là ngừng lo lắng về bản thân và bắt đầu chú ý đến người mà bạn đang gặp gỡ. Hãy luôn đưa bàn tay của bạn ra theo chiều dọc với lòng bàn tay xoay ngang và bắt tay đối phương sao cho lực bắt của cả hai bên tương đương nhau.
Sau khi tham dự các buổi hội thảo hoặc xem các bài diễn thuyết của tôi, nhiều người phụ nữ đã đến gặp tôi hoặc gửi email cho tôi để chia sẻ rằng họ từng không nhận ra họ có sức mạnh lớn đến thế nào trong màn chào hỏi, và giờ đây khi biết cách tận dụng sức mạnh đó, họ đã có thể ký kết nhiều thỏa thuận mà trước đây họ chưa đạt được.
Theo một nghiên cứu được trích dẫn trong quyển The Definitive Book of Body Language (Cuốn sách hoàn hảo về ngôn ngữ cơ thể), chúng ta có thể truyền đạt đến 80% cảm giác của mình mà không cần đến lời nói. Điều này sẽ được bàn luận sâu hơn trong chương tiếp theo.
Có lần khi tôi sắp bắt đầu bài diễn thuyết của mình ở Hồng Kông, vài người đàn ông trong nhóm khán giả đã nói với tôi: “Chỉ là bắt tay thôi mà”. Ngay sau đó, tôi lập tức bắt tay với từng người trong số họ và chỉ trong vài giây, tôi đã nêu được cụ thể là họ làm ăn ra sao và cái bắt tay của mỗi người cho tôi biết nhiều điều về họ thế nào. Họ sững sờ nhận ra mình đã để lộ quá nhiều thông tin cá nhân qua cái bắt tay. Họ nghĩ mình là những người đàn ông mạnh mẽ và tự tin, nhưng có đúng là vậy không?
Bắt tay với phong thái tự tin là một cách tuyệt vời để chúng ta tạo sức ảnh hưởng và thuyết phục người khác nhằm đạt được kết quả ta mong muốn. Đã đến lúc phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi cũng như mọi tầng lớp xã hội cảm nhận sức mạnh của cái bắt tay và vận dụng sức mạnh đó để chủ động kết nối với người khác.
Bí quyết bắt tay
Không phải ai cũng muốn ôm hôn khi chào hỏi. Những người có phong cách thận trọng (xem Chương 3) sẽ chỉ muốn giao tiếp bằng lời nói chứ không muốn có tiếp xúc thân thể. Tuy vậy, bắt tay là kiểu tiếp xúc mà mọi người đều có thể sử dụng và dần trở nên thoải mái với nó. Hầu hết mọi người thường không cảm thấy họ đã thật sự gặp gỡ bạn cho đến khi bắt tay bạn. Dù có cảm nhận thế nào về việc bắt tay thì bạn cũng cần hiểu rằng trên thương trường, mọi người sẽ luôn mong chờ và chấp nhận cái bắt tay từ bạn. Nếu muốn nhanh chóng tạo dựng mối quan hệ, bạn cần học kỹ năng bắt tay. Vì cách người khác nhìn nhận về bạn hoàn toàn phụ thuộc vào trực giác của họ, nên bạn hãy tận dụng cái bắt tay của mình. Cách bạn bắt tay sẽ cho đối phương biết bạn thấy sao về họ, và đã đến lúc bạn khiến mọi người thấy vui lòng.