Là một bác sĩ đa khoa và do đặc thù công việc, tôi có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều ca bệnh đa dạng khác nhau.
Tôi nhận thấy trên thực tế, đa phần khi bệnh nhân phát hiện ra triệu chứng bệnh rõ rệt và tìm đến sự giúp đỡ của y tế, thì thường là bệnh đã ở những giai đoạn phát triển, không còn sớm để có thể giải quyết một cách nhanh chóng, triệt để và dễ dàng. Thêm nữa, không có nhiều bệnh nhân thực sự có đủ những kiến thức và kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cần thiết để bảo vệ cơ thể mình, cũng như phối hợp đúng cách với thầy thuốc trong quá trình điều trị bệnh. Do vậy, trong công việc chuyên môn, chúng tôi thường gặp phải khá nhiều thách thức, chưa kể đến những tổn thương không mong muốn cho những bộ phận khác của người bệnh, hay những biến chứng hoặc tác dụng phụ của các loại thuốc, trong nhiều trường hợp, chúng tôi cùng với bệnh nhân buộc phải cân nhắc, lựa chọn giữa cái được và cái mất trong quá trình chữa trị một căn bệnh nào đó, những lúc như vậy thật khó khăn.
Có lẽ quý độc giả cũng như chúng tôi đều biết và trân trọng những giá trị vô cùng to lớn của các thành tựu y khoa trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. Ngành y học hiện đại (thường được gọi là Tây y), tuy mới phát triển khoảng hơn 140 năm nay, nhưng đã chứng minh được thế mạnh vượt trội trong khám chữa bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực điều trị cấp cứu hay tổn thương thực thể, với sự ra đời của nhiều loại kháng sinh trị bệnh và vaccine phòng bệnh hiệu quả cao, cùng nhiều loại máy móc, trang thiết bị tối tân. Hoặc như các ngành y học cổ truyền của phương Đông, cùng nhiều môn y học bản địa thuộc nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới, có lịch sử hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, đều đóng góp rất nhiều giá trị đặc sắc và quý báu cho công cuộc chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh tật cho con người. Có một đặc điểm chung, nổi bật trong hầu hết các phương pháp y học mà chúng ta từng được biết, đó là sự phân định vai trò rất rạch ròi giữa người bệnh và thầy thuốc, một bên là thụ động và một bên là chủ động với yêu cầu chuyên môn rất cao, thậm chí, ngay cả khi người thầy thuốc không may bị mắc bệnh thì cũng phải đóng vai trò thụ động của một bệnh nhân.
Trong cuộc đời làm chuyên môn chữa bệnh cho người khác, tôi và nhiều đồng nghiệp luôn có một niềm trăn trở: Làm sao để có một giải pháp hữu hiệu giúp cho mỗi người đều có thể tự phòng bệnh và tự hỗ trợ chữa bệnh cho chính mình một cách dễ dàng nhưng an toàn và đúng đắn mà không cần đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn khó khăn? Chúng tôi đều hiểu sâu sắc giá trị của những khái niệm như, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “y tế dự phòng”, “y tế cộng đồng”,… Có lẽ cũng vì thế mà tôi đặc biệt yêu thích các phương pháp y học tự nhiên và vật lý trị liệu.
Trên con đường tìm kiếm, cơ duyên đã đưa tôi đến với một phương pháp khá đặc biệt, dưới góc nhìn và cảm nhận của riêng tôi, nếu gọi nó là một phương pháp y học thực thụ thì không có gì là quá phận cả, nhưng có lẽ chưa đủ điều kiện để định danh như vậy nếu xét ở góc độ đòi hỏi của quy trình chứng minh khoa học hiện hành và tất nhiên, còn liên quan đến yếu tố pháp lý nữa. Nhưng khi được trải nghiệm, thì chắc nhiều người cũng sẽ đồng ý với quan điểm của tôi, đây quả là một môn y học tự nhiên rất giá trị. Điều đặc biệt hơn cả đối với tôi, là nó lại có xuất xứ từ chính quê hương Việt Nam của mình, từ chính nền văn hóa truyền thống và thứ ngôn ngữ mà tổ tiên của dân tộc Việt đã sử dụng từ bao đời nay. Kho tàng rất quý giá này, do một người Việt Nam, một thầy thuốc giỏi, tìm ra. Người đó là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học danh dự Bùi Quốc Châu. Hệ thống khổng lồ các phương pháp dưỡng sinh và trị bệnh mà ông đã phát kiến được đặt tên là Việt Y Đạo, trong đó có rất nhiều bộ môn như Ẩm Thực Dưỡng Sinh, Âm Dương Khí Công, Thể Dục Tự Ý,… Nhưng bộ môn được nhiều người biết đến và được ứng dụng nhiều nhất có lẽ là môn Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp.
Mặc dù mới chỉ tiếp cận phương pháp Diện Chẩn Việt Y Đạo của Giáo sư Bùi Quốc Châu trong một thời gian không lâu nhưng tôi thực sự bị chinh phục bởi sự mới mẻ và kỳ lạ của nó, thể hiện ở những đồ hình phản chiếu toàn bộ cơ thể trên gương mặt và nhiều vùng khác trên bề mặt da với mọi góc độ, cùng ý nghĩa “đồng ứng” trong tiếng Việt, được ứng dụng vào trị liệu vô cùng độc đáo. Trong đó bao hàm đầy đủ tính khoa học với hệ thống lý luận logic chặt chẽ, tính uyển chuyển của những triết lý Đông phương huyền bí, và có hiệu quả một cách bất ngờ. Chính tôi đã tự thực hành cho bản thân mình cùng với người thân và trải nghiệm những kết quả của phương pháp này, phải nói là rất kỳ diệu. Đơn cử, nhờ có kỹ thuật gạch mặt của Diện Chẩn mà tôi đã học được và hướng dẫn lại cho vợ tôi, cô ấy đã cấp cứu cho tôi thoát khỏi một cơn đột quỵ. Tôi chưa từng thấy điều gì như thế trước đây. Thật không có lời nào nói hết được sự biết ơn và vui mừng của tôi. Cũng nhờ phương pháp này, tôi và vợ tôi đã giúp cho những người thân, bạn bè khác vượt qua những cơn đau hay triệu chứng bệnh một cách nhanh chóng và dễ dàng khó tưởng tượng nổi… Những trải nghiệm này tôi có viết đầy đủ trong bài thu hoạch cuối khóa học Diện Chẩn nâng cao K157 do thầy Bùi Quốc Châu trực tiếp giảng dạy. Trong đó, có nhiều điều khó diễn tả bằng lời hay chữ viết, chỉ có thể cảm nghiệm để thấy, đây có thể gọi là một môn nghệ thuật chữa bệnh.
Tôi đã hầu như tìm thấy câu trả lời cho sự trăn trở của mình, bởi phương pháp này, bên cạnh hiệu quả trong việc phòng và hỗ trợ chữa bệnh, thì nó đặc biệt dễ thực hiện và cực kỳ an toàn bởi cơ chế tác động phản xạ thần kinh trên bề mặt da, không có sự xâm lấn dưới da, cũng không có đưa thuốc từ bên ngoài vào trong cơ thể, cho nên hầu như bất kỳ ai cũng có thể tự thực hiện nếu được hướng dẫn, thậm chí chỉ cần tự tìm hiểu cũng làm được nữa.
Tôi thiết nghĩ, nếu các kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ trị bệnh do Giáo sư Bùi Quốc Châu phát kiến này, nhất là môn Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp, được phổ cập trong lĩnh vực y tế cộng đồng với những mức độ nhất định, thì sẽ là một phương tiện vô cùng giá trị để nâng cao sức khỏe cho người dân ở bất kỳ quốc gia nào, không riêng Việt Nam. Điều đó sẽ giúp làm giảm tải đáng kể gánh nặng cho các chuyên gia y tế, khiến việc điều trị bệnh tật trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, đồng thời, cũng làm giảm đi rất nhiều các chi phí chung cho toàn xã hội. Nhưng quan trọng hơn cả, theo tôi, khi mỗi người dân trong một đất nước đều có thể tự chăm sóc sức khỏe và tự xử lý những chứng bệnh thông thường được cho bản thân mình hay cho người thân, thì đất nước ấy thật là hạnh phúc và mạnh mẽ.
Tôi rất vui mừng khi biết thầy Bùi Quốc Châu cùng các học trò thân cận của thầy đã dành rất nhiều tâm huyết để cho ra đời cuốn sách Cẩm nang Diện Chẩn - Phương pháp đơn giản áp dụng tại gia, một tài liệu ứng dụng rất tuyệt vời, với những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về các kỹ năng, kỹ thuật tự xử lý nhiều chứng bệnh thường gặp trong đời sống của mỗi người hay mỗi gia đình chúng ta. Đặc biệt nhất, hầu hết các kỹ thuật đều rất dễ thực hiện và an toàn, giúp cho hầu như ai cũng có thể làm được, cho dù chưa hề tham gia một khóa học cơ bản nào về Diện Chẩn nói riêng hay y khoa nói chung. Bạn chỉ cần đọc và làm theo đúng những gì được hướng dẫn trong sách, y như bạn đọc hướng dẫn sử dụng một thiết bị gia dụng vậy.
Việc làm vô cùng ý nghĩa này sẽ đưa phương pháp Diện Chẩn gần gũi hơn với mọi người và thực sự đem lại nhiều lợi ích về bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đóng góp một phần nền tảng vào sự bền vững của nền y tế cộng đồng.
Tôi cảm thấy may mắn và vinh hạnh vô cùng khi được thầy cho phép viết đôi dòng cảm nhận cùng đôi chút nhận định cá nhân mang tính chuyên môn trong Lời tựa của tác phẩm này với tư cách là một người học trò của thầy.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Bùi Quốc Châu cùng nhóm biên soạn sách, vì những cống hiến quý báu cho cộng đồng.
Mong bạn đọc cũng trân quý tài sản này như tôi và chúng ta nên đặt cuốn sách Cẩm nang Diện Chẩn - Phương pháp đơn giản áp dụng tại gia bên cạnh tủ thuốc của gia đình mình, tôi tin điều đó sẽ rất hữu ích.
Tháng 12 năm 2021
Doctor Nguyễn Hoàng Anh
Bác sĩ Đa khoa, Vật lý trị liệu, Thạc sĩ Y tế khoa học
Sống và làm việc tại Sydney/Australia.
Email: [email protected].