Tiêu hóa thức ăn tốt bảo vệ bạn chống lại hầu hết các bệnh tật. Khó tiêu sẽ dẫn bạn vào một vòng xoáy bất tận của bệnh tật và khổ sở.
Tiêu hóa thức ăn tốt bảo vệ bạn chống lại hầu hết các bệnh tật. Khó tiêu sẽ dẫn bạn vào một vòng xoáy bất tận của bệnh tật và khổ sở.
Hãy tưởng tượng gan giống như một thành phố lớn với hàng ngàn ngôi nhà và đường phố.
Ở đó có đường ống ngầm cung cấp nước, dầu và khí đốt. Hệ thống nước thải và xe vệ sinh loại bỏ rác rưởi của thành phố. Đường điện cấp năng lượng tới các khu chung cư và tòa nhà văn phòng. Các nhà máy, hệ thống giao thông, mạng lưới thông tin liên lạc và cửa hàng cửa hiệu đáp ứng yêu cầu sinh hoạt hằng ngày của cư dân.
Thành phố phải tổ chức như vậy để cung cấp dịch vụ thiết yếu cho cộng đồng tồn tại. Nhưng nếu có một cuộc tấn công lớn, một vụ mất điện diện rộng, một trận động đất kinh hoàng hoặc một vụ khủng bố… đột nhiên làm tê liệt cuộc sống thành phố, cư dân sẽ bắt đầu bị thiếu nghiêm trọng tất cả dịch vụ thiết yếu.
Cũng như cơ sở hạ tầng của một thành phố, gan người có hàng trăm chức năng khác nhau và được kết nối với mọi bộ phận trong cơ thể. Cơ quan tối quan trọng này luôn phải sản xuất, chế biến và cung cấp một lượng lớn chất dinh dưỡng cho 60 – 100 nghìn tỉ cư dân (là các tế bào) của cơ thể. Bản thân mỗi tế bào lại là một thành phố cực nhỏ, nhưng vô cùng phức tạp với hàng tỉ phản ứng sinh hóa mỗi giây.
Để duy trì hoạt động không ngừng của tất cả tế bào rất đa dạng trong cơ thể, gan phải liên tục cung cấp dòng dinh dưỡng, enzyme và hormone. Với mê cung rối rắm của vô vàn mạch máu, ống dẫn và tế bào chuyên biệt, gan cần được hoàn toàn thông suốt để duy trì một dây chuyền sản xuất trơn tru và đảm bảo hệ thống phân phối hiệu quả tới khắp mọi nơi trong cơ thể.
Gan không chỉ là cơ quan chính chịu trách nhiệm phân phối và tái tạo nguồn cung cấp nhiên liệu cho cơ thể, nó còn hoạt động để phân giải các hóa chất phức tạp và tổng hợp protein.
Gan hoạt động như một nhà máy lọc sạch máu; nó thậm chí còn vô hiệu hóa một lượng giới hạn hormone, rượu, và thuốc chữa bệnh. Gan làm thay đổi hoạt tính sinh học của các chất này để triệt tiêu tác hại của chúng – quá trình này gọi là giải độc. Các tế bào chuyên biệt trong mạch máu gan (tế bào Kupffer) thu gom các phần tử có hại và sinh vật truyền nhiễm xâm nhập vào gan từ ruột. Gan bài tiết chất thải từ các hoạt động này qua mạng lưới ống mật.
Lá gan khỏe mạnh tiếp nhận và lọc 1,4 lít máu mỗi phút và hằng ngày tạo ra 1 – 1,5 lít mật. Chính điều này đảm bảo cho mọi hoạt động trong gan cũng như toàn cơ thể thông suốt và hiệu quả. Như bạn sẽ tìm hiểu trong cuốn sách này, sỏi mật gây tắc ống dẫn mật trong gan sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng gan hóa giải những chất độc xâm nhập từ ngoài và được tạo ra trong máu. Những viên sỏi này cũng ngăn cản gan cung cấp dinh dưỡng và năng lượng thích hợp đúng nơi, đúng lúc cho cơ thể. Khi đó sự cân bằng tinh tế trong cơ thể, được gọi là cân bằng nội môi sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến các hệ thống bị đảo lộn và gây căng thẳng cho mọi cơ quan trong cơ thể.
Ví dụ điển hình cho xáo trộn cân bằng như vậy là nồng độ của hormone nội tiết estrogen và aldosterone trong máu. Những hormone này được sản xuất ở cả nam và nữ, chịu trách nhiệm điều chỉnh nồng độ muối và độ giữ nước. Khi sỏi làm tắc túi mật và ống dẫn mật trong gan, các hormone không bị phân giải và thải loại. Khi đó nồng độ của chúng trong máu tăng lên đến mức bất thường, gây sưng mô và giữ nước. Các bác sĩ ung thư thường coi nồng độ estrogen tăng cao là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư vú ở phụ nữ. Hormone này cao ở nam giới có thể dẫn đến mô vú phát triển quá mức và tăng cân mất kiểm soát.
Hơn 85% dân số Mỹ bị thừa cân hoặc béo phì. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong tình trạng này chủ yếu bị ứ nước (và tích rất ít mỡ). Chất lỏng được giữ lại để bẫy và trung hòa các chất độc hại mà gan không thể loại bỏ khỏi cơ thể. Tuy nhiên, tác dụng phụ tuy khó coi này lại giúp người thừa cân hoặc béo phì ngăn chặn, thậm chí sống qua những khủng hoảng độc tính có nguy cơ dẫn đến đau tim, ung thư hoặc nhiễm trùng nặng.
Tuy nhiên, vấn đề lại ở chỗ giữ nước kéo dài tại các mô làm độc tố và chất thải có hại khác (chất thải trao đổi chất và tế bào chết) bị tích tụ trong các bộ phận cơ thể, làm tắc nghẽn hệ thống lưu thông và đào thải. Cứ chỗ nào độc tố và chất thải vượt quá khả năng lưu trữ, thì chỗ đó xuất hiện triệu chứng bệnh tật. Những triệu chứng này chỉ đơn thuần chứng tỏ cơ thể đang hết sức cố gắng điều chỉnh sự mất cân bằng và tự chữa bệnh.
Qua theo dõi hàng trăm loại bệnh khác nhau trong 40 năm qua, tôi nhận thức rất rõ rằng bệnh tật là một cơ chế chữa trị rất tinh vi của cơ thể chứ không hề là sai lầm ngẫu nhiên mà cơ thể mắc phải. Tuy nhiên, nỗ lực tự chữa trị như vậy thường là trận chiến cam go, nên chúng ta cần phụ giúp nó, để giảm bớt khổ đau cho chính mình.
Sỏi mật trong gan được Đại học Johns Hopkins và một số trường y gọi là sỏi mật nội gan hoặc sỏi đường mật1, chúng thường tụ lại với nhau tạo thành các chướng ngại vật lớn làm ống mật bị phình ra (xem Hình 1a, trang 482) Sỏi mật nội gan gồm chủ yếu là cholesterol và các thành phần mật khác. (Xem ảnh kết quả xét nghiệm bên dưới).
1 Sỏi mật nội gan, Johns Hopkins University, Hệ tiêu hóa và & Huyết học, Ung thu tuyến tụy: Nguyên nhân; http://www.hopkins-gi.org
Kết quả xét nghiệm
(Sỏi cholesterol mềm, màu xanh lá)
Nếu bạn bị bất kỳ triệu chứng nào sau đây, rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn có khá nhiều sỏi mật trong gan và túi mật:
• Kém ăn • Thèm ăn • Tiêu chảy • Buồn nôn • Thường xuyên nôn • Đau bụng trên • Rùng mình và ớn lạnh • Táo bón • Phân màu đất sét • Thoát vị bẹn • Đầy hơi • Bệnh trĩ • Đau âm ỉ bụng bên phải • Khó thở • Xơ gan • Viêm gan • Hầu hết các bệnh nhiễm trùng • Cholesterol cao • Viêm tụy • Bệnh tim • Rối loạn não • Loét tá tràng • Nước da không khỏe mạnh • Lưỡi bóng hoặc phủ màu trắng/vàng • Vẹo cột sống • Bệnh gout • Cứng vai • Cứng cổ • Hen suyễn • Dị ứng • Nhức đầu và đau nửa đầu • Các vấn đề về răng và nướu • Mắt và da bị vàng • Đau thần kinh tọa • Tê và liệt chân • Bệnh khớp • Đau đầu gối • Loãng xương |
• Buồn nôn và nôn • Hay cáu giận • Trầm cảm • Bất lực sinh lý • Các vấn đề tình dục khác • Bệnh tuyến tiền liệt • Vấn đề đường tiết niệu • Mất cân bằng nội tiết tố • Rối loạn kinh nguyệt và mãn kinh • Thị lực có vấn đề • Sưng mắt • Bệnh da liễu • Đồi mồi, đặc biệt đốm ở mu bàn tay và vùng mặt • Hay chóng mặt và ngất xỉu • Mất trương lực cơ • Nặng cân quá mức • Đau nặng ở vai và lưng • Đau ở đỉnh xương bả vai và/hoặc giữa hai bả vai • Quầng thâm dưới mắt • Béo phì • Mệt mỏi kéo dài • Bệnh thận • Ung thư • Bệnh đa xơ cứng và đau cơ xơ hóa • Bệnh Alzheimer • Tứ chi lạnh • Nóng và đổ mồ hôi nhiều ở phần trên của cơ thể • Tóc rất nhờn và rụng tóc • Vết thương khó cầm máu • Khó ngủ, mất ngủ • Hay gặp ác mộng • Cứng khớp và cơ bắp • Nóng lạnh thất thường • Mẫn cảm với nhiều loại hóa chất |
Như đã đề cập, một trong những chức năng quan trọng nhất của gan là sản xuất mật, mỗi ngày khoảng 1 – 1,5 quart (0,95 – 1,4 lít). Dịch mật là một chất lỏng nhớt, màu vàng, nâu hoặc xanh lá cây, có tính kiềm cao (pH 9,5) và vị đắng. Nếu không đủ mật, axit clohydric vào ruột non từ dạ dày sẽ phá hoại toàn bộ đường tiêu hóa. Thêm nữa, thức ăn sẽ không được tiêu hóa hoặc chỉ tiêu được một phần. Ví dụ, để ruột non tiêu hóa và hấp thụ được chất béo và canxi từ thức ăn bạn nuốt vào, thì trước hết nó phải được kết hợp với dịch mật.
Dịch mật tiết ra không đủ làm các chất béo không được hấp thụ hết và bị sót lại trong đường ruột. Khi chúng đến ruột già cùng với các chất thải khác, vi khuẩn đường ruột sẽ phân hủy một số chất béo thành axit béo hoặc bài tiết nó cùng với phân. Chất béo nhẹ hơn nước nên làm phân nổi. Nếu chất béo không được hấp thụ, canxi cũng không được hấp thụ, khiến máu bị thiếu canxi và phải bổ sung từ xương.
Hầu hết các vấn đề về mật độ xương (loãng xương) thực ra đều phát sinh từ hiện tượng không đủ dịch mật và tiêu hóa chất béo kém, chứ không phải vì ăn thiếu canxi. Rất ít bác sĩ nhận thức được thực tế này, hầu hết họ chỉ kê đơn bổ sung canxi mà không tập trung giải quyết lý do thiếu canxi căn bản.
Tương tự, cơ thể cũng cần chất béo giúp tiêu hóa và sử dụng protein và carbohydrate (chất đường bột) hiệu quả. Để tiêu hóa chất béo, gan và túi mật phải giải phóng đủ dịch mật. Tiết mật kém làm chất béo không tiêu hóa hết và bị vi khuẩn phân hủy trong ruột già. Đầy bụng dai dẳng, khó chịu và trướng hơi là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy chức năng quan trọng này của gan bị tổn hại nghiêm trọng.
Không chỉ phân hủy chất béo trong thức ăn, dịch mật còn loại bỏ độc tố khỏi gan. Gan là cơ quan giải độc quan trọng nhất và sức khỏe của mọi tế bào phụ thuộc vào hiệu quả của quá trình thải loại các chất độc trong gan.
Như đã nói trong phần giới thiệu, các thành phần dịch mật quan trọng như bilirubin và biliverdin có đặc tính chống oxy hóa và chống đột biến đáng kể. Nồng độ sắc tố dịch mật cao đã được chứng minh là có khả năng giúp giảm tỉ lệ mắc ung thư và bệnh tim mạch.
Một chức năng ít được biết đến nhưng cực kỳ quan trọng của dịch mật là khử axit và làm sạch ruột. Dịch mật là thuốc nhuận tràng tự nhiên. Táo bón và nhu động ruột chậm là hậu quả phổ biến nhất của hiện tượng thiếu dịch mật.
Khi sỏi nội gan và sỏi túi mật làm tắc dòng dịch mật, phân có màu nâu vàng, vàng cam hoặc nhạt như màu đất sét, chứ không có màu nâu như bình thường.
Sỏi mật là hậu quả trực tiếp của chế độ ăn và lối sống không lành mạnh. Ngay cả khi tất cả các nguyên nhân khác của bệnh mạn tính đã được xử lý, nhưng vẫn còn sỏi trong gan hoặc túi mật, thì việc phục hồi sức khỏe là không thể, hay nếu có cũng chỉ là tạm thời.
Sỏi mật gây nguy cơ đáng kể cho sức khỏe, có thể dẫn đến bệnh tật và lão hóa sớm. Các trang sau mô tả những tác hại chính của sỏi mật với các cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Khi những viên sỏi này được loại bỏ, toàn bộ cơ thể sẽ khỏe mạnh và hoạt động bình thường trở lại.
Phần cơ thể bị ảnh hưởng trước tiên bởi sỏi trong gan và túi mật là hệ tiêu hóa, có thể so sánh nó với hệ thống rễ của cây.
Ống tiêu hóa của hệ tiêu hóa duy trì bốn hoạt động chính: ăn uống, tiêu hóa, hấp thụ và đào thải. Ống tiêu hóa bắt đầu từ miệng, tiếp tục qua vùng ngực, bụng và vùng chậu, cuối cùng kết thúc ở hậu môn (xem Hình 2, trang 484). Khi ta ăn vào, một loạt quá trình tiêu hóa bắt đầu diễn ra để xử lý thực phẩm theo hai cách chính: nghiền nhỏ cơ học thông qua động tác nhai và phân giải hóa học bởi các enzyme. Các enzyme này có trong dịch tiết ra từ nhiều tuyến của hệ tiêu hóa.
Enzyme là các protein liều lượng nhỏ kích ứng hoặc tăng tốc độ cho các phản ứng hóa học nhưng chính nó không bị thay đổi. Enzyme tiêu hóa có trong nước bọt của tuyến nước bọt, dịch dạ dày trong dạ dày, dịch ruột trong ruột non, dịch tụy trong tuyến tụy và dịch mật trong gan/túi mật.
Thức ăn sau khi được phân giải thành các hạt dinh dưỡng nhỏ sẽ được hấp thụ qua thành ruột vào máu và mạch bạch huyết, để qua đó phân phối đến các tế bào của cơ thể.
Nhu động ruột tiếp tục loại bỏ bất kỳ loại thực phẩm nào không thể tiêu hóa hoặc hấp thụ được nữa, như cellulose sợi thực vật, ra ngoài dưới dạng phân. Dịch mật thải ra theo phân cũng chứa nhiều độc tố và chất thải phát sinh khi hồng cầu bị phá vỡ (dị hóa). Mật chứa bilirubin có nguồn gốc từ các tế bào hồng cầu đã chết và làm phân có màu nâu tự nhiên.
Trong hệ tiêu hóa khỏe mạnh, khoảng một phần ba chất thải tạo thành từ xác vi khuẩn đường ruột. Phần còn lại của phân gồm chất xơ khó tiêu và mảng bong ra từ niêm mạc ruột. Cơ thể chỉ hoạt động trơn tru và hiệu quả khi ruột loại bỏ được các chất thải tạo ra hằng ngày. Nếu không cơ thể sẽ biến thành một bể phốt và dần dần chết ngạt trong đó.
Ta chỉ khỏe mạnh khi tất cả hoạt động của hệ tiêu hóa cân bằng và phối hợp tốt với các bộ phận và hệ thống khác trong cơ thể. Ngược lại, mỗi bất thường phát sinh trong hệ tiêu hóa sẽ lập tức ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác và làm chúng suy yếu. Sỏi nội gan và sỏi túi mật sẽ cản trở trực tiếp quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn cũng như hệ thống xử lý chất thải của cơ thể.
Sỏi nội gan và sỏi túi mật liên quan đến hầu hết các bệnh ở miệng. Sỏi cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, do đó chất thải lẽ ra phải được đào thải lại bị tồn đọng trong đường ruột. Chất thải tàng trữ trong ruột tạo ra môi trường độc hại, bẩn thỉu, kích thích vi sinh vật và ký sinh trùng có hại sinh sản vô độ, làm các mô yếu đi và mất tính đàn hồi.
Bệnh nhiễm vi khuẩn (tưa miệng) và nhiễm virus (herpes) ở miệng chỉ xảy ra khi chất thải đã tích lũy đáng kể trong ruột. Chất thải ứ đọng sẽ tự nhiên thu hút vi khuẩn tới làm phân rã và thối rữa nó. Nhất là các vi sinh vật kỵ khí trong đường tiêu hóa sẽ biến đổi carbohydrate, chất béo và cả protein chưa tiêu hóa để tạo ra axit hữu cơ (axit propionic, axit lactic) và các chất khí (metan, hydro sunfua, amoniac). Quá trình xâm nhập vi sinh, còn được gọi là quá trình thối rữa này, dẫn đến tình trạng đầy hơi rất khó chịu. Thậm chí bạn không thể cố gắng phớt lờ triệu chứng đó được, vì khi đó bạn sẽ cảm thấy như thể cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Một số khí và độc tố mạnh phát sinh do vi khuẩn phân hủy trong ruột sẽ được hấp thụ vào máu và dịch bạch huyết rồi tới gan và não, gây mất năng lượng và hội chứng sương mù não (brain fog). Những chất độc khác còn lại trong ruột cũng trở thành nguồn cơn gây kích thích niêm mạc toàn bộ đường ruột (bắt đầu từ miệng và kết thúc ở hậu môn). Cuối cùng nhiều chỗ thành ruột bị viêm và phát triển thành loét. Các mô ruột khi bị tổn thương sẽ thu hút một số loại vi khuẩn tới để phân hủy và loại bỏ các tế bào yếu hoặc bị hư hại. Chúng ta gọi đó là nhiễm trùng. Hầu hết các bác sĩ và bệnh nhân đều coi vi trùng là thủ phạm gây nhiễm trùng – mà không hề hiểu rằng cơ thể thực ra lại cần những vi khuẩn như vậy trợ giúp.
Nhiễm trùng là hiện tượng hoàn toàn bình thường xảy ra khắp mọi nơi trong thiên nhiên, khi có bất cứ thứ gì cần được phân hủy. Vi khuẩn không bao giờ tấn công (nhiễm vào) những cơ thể sạch sẽ, giàu sức sống và khỏe mạnh, thí dụ như một trái cây đang chín trên cành. Chỉ khi trái cây đó đã chín nục, thiếu dinh dưỡng hoặc rơi xuống đất, vi khuẩn mới xông đến làm nhiệm vụ dọn dẹp. Khi phân hủy thức ăn hoặc thịt sống, vi khuẩn sẽ sản xuất ra độc tố. Ta có thể nhận ra những độc tố này qua mùi nặng và chua. Quá trình tương tự xảy ra khi vi khuẩn phân rã thực phẩm không tiêu hóa hết trong ruột. Nếu tình trạng này diễn ra ngày này qua tháng khác, độc tố tạo ra sẽ dẫn đến các triệu chứng bệnh tật.
Tưa miệng là hiện tượng nhiễm nấm men, tạo thành các mảng trắng trong miệng và lưỡi, cho thấy số lượng lớn vi khuẩn nấm men đã lan rộng khắp đường tiêu hóa (ống tiêu hóa), gồm cả khoang miệng. Chúng xuất hiện ở miệng vì niêm mạc miệng không dày dặn và chắc chắn như ở phần dưới của đường tiêu hóa.
Nhưng nguồn gốc chính của tưa miệng lại bắt nguồn từ trong ruột. Phần chính yếu nhất của hệ miễn dịch nằm trong niêm mạc của đường ruột, tưa miệng chỉ là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đã bị yếu đi đáng kể. Khi đó nấm men đường ruột phát triển và lan tràn không thể kiểm soát.
Bệnh Herpes mà các bác sĩ coi là loại bệnh do virus gây ra, cũng có nguyên nhân tương tự như tưa miệng, chỉ khác là không phải vi khuẩn tấn công tế bào từ ngoài mà virus tấn công vào nhân hoặc bên trong tế bào. Trong cả hai trường hợp, những kẻ tấn công chỉ nhắm vào các tế bào yếu, không lành mạnh, tức là những tế bào đã bị hư hỏng hoặc rối loạn chức năng và có khả năng biến thành tế bào ung thư.
Tình hình còn trầm trọng hơn bởi sỏi mật còn chứa số lượng đáng kể vi khuẩn và virus thoát khỏi gan theo dịch mật và ảnh hưởng đến những cơ quan ít được bảo vệ hoặc đã bị suy yếu. Xin rất lưu ý là vi trùng không làm cơ thể bị nhiễm độc trừ khi cơ thể cần trợ giúp của chúng. Đường ruột cần dịch mật để được vệ sinh cho sạch sẽ gọn gàng. Khi thiếu dịch mật trong ruột, cơ thể sẽ phải viện đến giải pháp tiếp theo là cầu viện đến vi trùng để phân hủy và loại bỏ chất thải có hại.
Sỏi trong ống dẫn mật ở gan và túi mật còn dẫn đến các vấn đề khác trong miệng. Chúng ức chế tiết dịch mật, điều này làm giảm cảm giác thèm ăn tự nhiên và giảm tiết nước bọt trong miệng. Bạn cần lượng nước bọt dồi dào để giữ cho miệng sạch sẽ và làm mô miệng mềm mại, uyển chuyển. Khi tuyến nước bọt tiết ra quá ít nước bọt, vi trùng truyền nhiễm sẽ xâm nhập khoang miệng, dẫn đến sâu răng, làm tiêu nướu và các vấn đề nha khoa khác. Tuy nhiên, xin nhắc lại, vi khuẩn không xâm nhâp miệng để gây sâu răng hoặc viêm nướu. Chúng chỉ sinh sôi nảy nở tại những mô trong miệng vốn đã bị chất độc tấn công hoặc các mô bị thiếu dinh dưỡng và bị tắc nghẽn.
Bạn có thể thấy vị đắng và chua trong miệng do dịch mật trào ngược lên dạ dày rồi từ đó bị đưa lên miệng. Tình trạng này là do đường ruột bị tắc nghẽn nghiêm trọng, nhất là khi bị táo bón. Thay vì theo đường tiêu hóa xuống dưới và ra khỏi cơ thể, một phần thức ăn bị đẩy ngược lên. Đám chất thải ngược chiều này mang dịch mật, muối mật, vi khuẩn, chất khí, độc tố cũng như các chất kích thích khác chu du ngược lên ống tiêu hóa trên. Ở trong miệng, mật sẽ thay đổi đáng kể độ pH, ức chế khả năng làm sạch của nước bọt và làm cho miệng dễ bị vi trùng lây nhiễm hơn.
Loét môi dưới là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm tương tự trong ruột già. Các vết loét lặp đi lặp lại ở bên mép cũng là dấu hiệu loét hành tá tràng. Các vết lở loét trên lưỡi, tùy thuộc vào vị trí, là triệu chứng của túi viêm ở nhiều khu vực tương ứng trong ống tiêu hóa, như dạ dày, ruột non, ruột thừa hay ruột già.
Như đã đề cập, sỏi mật và các vấn đề tiêu hóa do nó gây ra có thể làm cho dịch mật và muối mật trào ngược vào dạ dày. Điều này gây ra những thay đổi bất lợi trong thành phần dịch dạ dày và lượng chất nhầy được tạo ra ở đó. Chất nhầy có nhiệm vụ bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi bị axit clohydric ăn mòn. Hiện tượng lá chắn bảo vệ này bị chọc thủng và tổn thương chính là viêm dạ dày.
Viêm dạ dày có thể cấp tính hoặc mạn tính. Khi tế bào bề mặt (biểu mô) của dạ dày tiếp xúc với dịch dạ dày có tính axit cao, chúng sẽ hấp thụ các ion hydro. Điều này làm tăng độ axit nội tế bào, quá trình trao đổi chất cơ bản bị mất cân bằng và gây ra phản ứng viêm. Nghiêm trọng hơn có thể gây ra loét niêm mạc (của dạ dày hoặc tá tràng), chảy máu, thủng dạ dày và viêm phúc mạc – vấn đề phát sinh khi vết loét ăn mòn qua thành rất dày của dạ dày, làm các chất trong dạ dày xâm nhập khoang phúc mạc.
Tá tràng bị loét khi axit clohydric từ dạ dày làm xói mòn niêm mạc tá tràng, nhiều khi vì axit được sản xuất ra quá nhiều. Ăn quá nhiều thực phẩm làm tiết nhiều axit, cũng như kết hợp thực phẩm không đúng cách, thường làm xáo trộn cân bằng sản xuất axit. Trào ngược thực quản, hay được gọi là chứng ợ nóng, là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản và gây kích thích hoặc tổn thương mô tế bào niêm mạc thực quản. Trái với quan niệm phổ biến, tình trạng này hiếm khi xảy ra do dạ dày sản xuất quá nhiều axit clohydric, mà thường do chất thải, chất độc và dịch mật bị trào ngược từ ruột vào dạ dày và thiếu axit trong dạ dày.
Dịch mật trào ngược đặc biệt cản trở tiết dịch dạ dày, gây ảnh hưởng xấu đến cơ chế hoạt động của cơ thắt thực quản (van thực quản). Do đó, axit dạ dày có thể xâm nhập lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát mà ta gọi là ợ nóng. Hầu hết các trường hợp trào ngược axit là do dạ dày tạo ra quá ít axit clohydric, làm thức ăn không tiêu hóa được, lưu cữu quá lâu và lên men. Uống thuốc kháng axit có thể làm suy yếu thêm quá trình tiêu hóa thức ăn và gây ra tổn thương ăn mòn nghiêm trọng cho dạ dày và hệ tiêu hóa nói chung.
Có những nguyên nhân khác gây viêm dạ dày và ợ nóng, như ăn quá nhiều, ăn nhiều đường, đồ ngọt và thực phẩm chiên rán, uống nhiều rượu, hút thuốc lá, uống nhiều cà phê (hơn hai cốc mỗi ngày), đồ uống có ga, ăn nhiều protein và mỡ động vật, phơi nhiễm bức xạ ion hóa (chụp X quang, chụp cắt lớp, tầm soát ung thư vú, v.v.), uống thuốc ức chế miễn dịch (gây độc tế bào), thuốc kháng sinh, aspirin và các loại thuốc kháng viêm khác. Hồi 53 tuổi, bố tôi phải điều trị thuốc kháng sinh cả năm trời dẫn đến bị thủng dạ dày, cuối cùng ông mất vì chảy máu dạ dày.
Ngộ độc thực phẩm, thực phẩm quá cay, đồ uống nhiều đá, mất nước và căng thẳng cảm xúc cũng dẫn đến những vấn đề về dạ dày. Bất kỳ yếu tố nào nêu trên đều có khả năng gây sỏi ở gan và túi mật, và vì thế bắt đầu một vòng luẩn quẩn và gây nên những trì trệ trong cả hệ tiêu hóa. Đến cao trào, u dạ dày ác tính có thể xuất hiện.
Hầu hết bác sĩ ngày nay cho rằng vi khuẩn H. pylori là nguyên nhân gây loét dạ dày. Chiến đấu với H. pylori bằng thuốc kháng sinh làm giảm đau và hết loét. Dù thuốc không hoàn toàn ngăn chặn tình trạng loét trở lại sau khi ngừng thuốc, nhưng tỉ lệ phục hồi tương đối cao. Tuy nhiên chính tình trạng được cho là phục hồi này lại có thể gây tác dụng phụ tệ hại hơn nhiễm trùng ban đầu.
Tình trạng nhiễm H. pylori chỉ xảy ra khi có các yếu tố khác làm suy yếu và gây hư hại các tế bào dạ dày, chứ chẳng thể đổ cho chính con vi khuẩn đó. Trong dạ dày khỏe mạnh, vi khuẩn này lại hoàn toàn vô hại. Phần lớn chúng ta đang chung sống với nó mà không gặp rắc rối gì.
Thực ra nghiên cứu gần đây cho biết chúng ta cần loại vi khuẩn này để điều chỉnh leptin. Là protein được tạo ra chủ yếu từ tế bào mỡ, leptin điều chỉnh lượng thức ăn, chi tiêu năng lượng và cân bằng nội môi. Nghiên cứu năm 2001 công bố trên tạp chí y khoa Gut về ảnh hưởng của H. pylori đối với biểu hiện của leptin dạ dày1 đã chứng minh rằng leptin dạ dày có thể góp phần làm tăng cân sau khi chữa khỏi nhiễm H. pylori.
1 Azuma và cộng sự (Gut 2001;49:324–9).
Dù vi khuẩn này ở đâu cũng có và ai cũng có, nhưng chỉ một số ít người bị loét dạ dày. Tại sao H. pylori gây ra loét dạ dày với 1/20 người mà không làm gì 19 người kia? Tương tự như vậy, hội chứng chèn ép dây thần kinh có thể là một nguyên nhân gây bệnh, nhưng không phải mọi dây thần kinh bị chèn ép đều dẫn đến bệnh. Thay vì truy tìm thủ phạm bên ngoài, quan trọng hơn là tìm lý do tại sao dây thần kinh bị chèn ép lại gây bệnh lý cho một số người, còn người khác thì không? Tại sao cùng một tình huống đáng sợ có thể gây ra một cơn hoảng loạn hoặc nhồi máu cơ tim nguy kịch đối với người này nhưng người khác lại không bị?
Y học thông thường đã nhận thức sai lầm rằng nếu loại bỏ được triệu chứng của bệnh hoặc vi khuẩn truyền nhiễm thì cũng chữa luôn được bệnh đó. Tuy nhiên trên thực tế, loại bỏ thành công các triệu chứng thường khiến tình hình nghiêm trọng hơn và có khi đe dọa đến tính mạng.
Như đã nói ở trên, các nghiên cứu khoa học cho thấy tận diệt vi khuẩn H. pylori trong các vết loét dạ dày có thể đã góp phần làm béo phì lan tràn như dịch bệnh. H. pylori điều tiết sản xuất leptin và ghrelin. Leptin là hormone protein quan trọng để điều chỉnh cảm giác thèm ăn, trọng lượng cơ thể, trao đổi chất và chức năng sinh sản. Ghrelin, một peptide giải phóng hormone tăng trưởng có nguồn gốc từ dạ dày, kích thích cơn đói và hành động nạp thức ăn.
Tiêu diệt H. pylori trong dạ dày có thể làm đảo lộn cân bằng của các hormone này, dẫn đến vòng xoáy tăng cân và gây tổn thương cho nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Thay triệu chứng của một bệnh như loét dạ dày bằng một triệu chứng khác như béo phì có thể dẫn đến ung thư, tiểu đường hoặc đau tim, không những chẳng ích lợi gì mà còn rất nguy hiểm.
Sẽ tốt hơn và dễ dàng hơn nhiều nếu ta truy tìm căn nguyên của bệnh thay vì chỉ dập tắt triệu chứng. Sỏi trong gan và túi mật làm tắc nghẽn đường ruột và do đó thường xuyên gây trào ngược dịch mật và độc tố vào dạ dày, làm tổn hại ngày càng nhiều tế bào dạ dày. Chưa kể kháng sinh và các loại thuốc khác phá hủy hệ thực vật tự nhiên trong dạ dày, kể cả những lợi khuẩn giúp phân giải tế bào bị hư hỏng hay điều chỉnh các hormone quan trọng như leptin và ghrelin.
Dù kháng sinh giúp giảm triệu chứng nhanh chóng, nhưng nó cũng làm giảm hiệu suất làm việc của dạ dày về lâu dài, tạo ra cho cơ thể nhiều thách thức, thường là nghiêm trọng hơn so với việc chỉ đối phó với vết loét.
Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature1 có tựa đề “Hãy dừng tiêu diệt lợi khuẩn”, kháng sinh có thể phá hủy vĩnh viễn cân bằng hệ thực vật đường ruột (còn gọi là hệ vi sinh đường ruột), dẫn đến bệnh cả đời. Có một điều, sử dụng kháng sinh chắc chắn sẽ dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm candida, gây ra bệnh béo phì, tiểu đường loại 1, bệnh viêm ruột, dị ứng và hen suyễn, rối loạn hệ thần kinh và làm hệ miễn dịch bị tổn thương tới mức không cứu vãn được.
1 Blaser MJ. “Stop the killing of beneficial bacteria”. Nature 476, 393–394 (25 Tháng 8, 2011). doi:10.1038/476393a.
Tác giả của bài xã luận, giáo sư Martin Blaser tại Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York (NYU) kêu gọi cắt giảm đáng kể việc sử dụng kháng sinh, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Blaser chỉ ra rằng thuốc kháng sinh thường xuyên được chỉ định cho trẻ em bị nhiễm trùng tai và cảm lạnh, dù biện pháp này chẳng có lợi ích gì đáng kể cho cả hai bệnh này. Ngoài ra, hiện nay đã có nhiều bằng chứng cho mối liên can chặt chẽ giữa mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột với các bệnh về não, kể cả bệnh tự kỷ và Alzheimer.
Đi tắt trong chữa bệnh chẳng hay ho gì. Áp chế được triệu chứng bệnh thực sự chỉ phá hoại khả năng tự chữa bệnh của cơ thể. Triệu chứng bệnh tật chỉ đơn thuần là biểu hiện của cơ thể đang phản ứng với sự mất cân bằng và đang tích cực tự chữa lành. Khi bác sĩ nói “tôi đã chữa khỏi bệnh cho bạn”, bạn phải hiểu ý ông ta là “tôi đã ngăn chặn thành công các nỗ lực chữa bệnh của cơ thể bạn”. Các phương pháp chữa trị nhằm chấm dứt hoặc giảm bớt triệu chứng của bệnh cũng ngăn chặn chính cơ thể bạn kiểm soát bệnh tật. Khi dập tắt các triệu chứng của bệnh như đau, nhiễm trùng, sốt, viêm cũng có nghĩa là ngăn không cho cơ thể nỗ lực tự chữa bệnh nữa và dẫn đến nhiều tác dụng phụ có thể hủy hoại sức khỏe của bạn. Tại Hoa Kỳ, hơn 980.000 người mỗi năm chết vì chữa bệnh chứ không phải do chính bệnh đó. Thế có nghĩa là với đại đa số người bệnh, việc điều trị y tế trở nên nguy hiểm hơn nhiều so với không làm gì cả.
Trong khi đó, các triệu chứng bệnh như rối loạn tiêu hóa có xu hướng biến mất một cách tự nhiên khi sỏi mật được loại bỏ và bạn tuân thủ chế độ ăn lành mạnh cùng lối sống cân bằng.
Tuyến tụy là một tuyến nhỏ, có một đầu nằm lọt trong khúc cong của tá tràng. Ống tụy nối với ống mật chủ để tạo thành bóng Vater và đổ vào quãng giữa tá tràng. Ngoài nhiệm vụ tiết hormone insulin và glucagon, tuyến tụy sản xuất dịch tụy chứa các enzyme tiêu hóa carbohydrate, protein và chất béo. Khi thức ăn có tính axit từ dạ dày đi vào tá tràng, chúng kết hợp với dịch tụy và dịch mật đều mang tính kiềm. Điều này tạo ra cân bằng axit/kiềm (độ pH) phù hợp cho enzyme tuyến tụy phát huy hiệu quả.
Sỏi mật làm giảm lượng dịch mật hằng ngày từ bình thường trên 1 lít xuống chỉ còn một cốc hoặc thậm chí ít hơn. Điều này gây trở ngại nghiêm trọng cho quá trình tiêu hóa, nhất là khi bạn ăn nhiều chất béo hoặc thực phẩm chứa chất béo. Cũng vì thiếu dịch mật, độ pH trong tá tràng ở mức rất thấp, gây ức chế hoạt động của các enzyme tuyến tụy, cũng như dịch ruột non. Kết quả là thực phẩm không được tiêu hóa hết. Thức ăn không được tiêu hóa đúng cách thấm đẫm axit clohydric nồng độ cao từ dạ dày gây tác động ăn mòn và rất khó chịu cho toàn bộ đường ruột.
Nếu sỏi mật chạy từ túi mật vào bóng Vater, nơi ống mật chủ và ống tụy nhập với nhau (Hình 3a, trang 485), thì dịch tụy cũng sẽ bị cản trở, còn dịch mật tràn sang tuyến tụy. Điều này làm một số enzyme có nhiệm vụ phân tách protein, bình thường phải vào đến tá tràng mới bắt đầu hoạt động, lại bị kích hoạt ngay trong tuyến tụy. Khi đó các enzyme này có sức tàn phá mãnh liệt. Chúng bắt đầu tiêu hóa các phần của mô tụy, có thể dẫn đến nhiễm trùng, mưng mủ và và huyết khối cục bộ. Tình trạng này được gọi là viêm tụy.
Sỏi mật làm tắc bóng Vater còn giải phóng vi khuẩn, virus và độc tố vào tuyến tụy, gây thêm tổn thương cho tế bào tuyến tụy và cuối cùng dẫn đến các khối u ác tính. U tuyến tụy chủ yếu hình thành ở đầu tụy, tại đây, chúng ức chế dòng chảy của dịch mật và dịch tụy. Tình trạng này thường đi kèm với vàng da (để biết chi tiết, mời xem mục“Bệnh về gan”).
Sỏi mật có trong gan, túi mật và bóng Vater cũng có thể phần nào gây ra cả hai loại bệnh tiểu đường: phụ thuộc insulin và không phụ thuộc insulin. Tất cả các bệnh nhân tiểu đường của tôi, kể cả trẻ em, đều có một lượng lớn sỏi trong gan. Mỗi lần tẩy sỏi mật đều cải thiện tình trạng của bệnh nhân, nếu họ tuân theo chế độ sinh hoạt lành mạnh và có chế độ ăn cân bằng, tránh sản phẩm đường và thịt động vật tinh chế.
Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể. Nó nặng tới khoảng 1,4 kg, được treo sau xương sườn phía trên bên phải của ổ bụng và choán gần như toàn bộ bề ngang của cơ thể. Chịu trách nhiệm cho hàng trăm chức năng khác nhau, gan cũng là cơ quan phức tạp và hoạt động tích cực nhất trong cơ thể.
Vì gan chịu trách nhiệm xử lý, chuyển đổi, phân phối và duy trì nguồn cung cấp nhiên liệu sống còn của cơ thể (các chất dinh dưỡng, enzyme và năng lượng), bất cứ thứ gì can thiệp vào các chức năng này đều gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của lá gan và toàn bộ cơ thể. Sỏi mật là nguồn gốc cho trở lực mạnh nhất đối với hoạt động của gan.
Ngoài sản xuất cholesterol (vật liệu xây dựng thiết yếu của tế bào nội tạng, hormone và mật), gan còn tạo ra nhiều hormone và protein, nhân tố đóng vai trò quan trọng cho sự vận hành của toàn cơ thể, từ phát triển tới tự chữa bệnh. Gan cũng tạo ra các axit amin mới và chuyển đổi axit amin đang có thành protein. Đây chính là các viên gạch xây nên tế bào, hormone, chất dẫn truyền thần kinh, gien, v.v.. Gan còn có nhiều chức năng thiết yếu khác như phân hủy tế bào cũ đã xuống cấp, tái tạo protein và sắt, lưu trữ vitamin và chất dinh dưỡng. Sỏi mật đồng nghĩa với mối đe dọa nguy hiểm cho tất cả các quá trình tối quan trọng này.
Ngoài nhiệm vụ phân hủy rượu trong máu, gan cũng hóa giải các chất độc hại khác, vi khuẩn, ký sinh trùng và một số thành phần của dược phẩm. Nó sử dụng các enzyme đặc biệt để chuyển đổi chất thải và độc tố thành các chất có thể được loại bỏ an toàn khỏi cơ thể.
Chưa hết, mỗi phút gan lọc gần 1 lít máu. Hầu hết các chất thải từ máu đều được đẩy ra khỏi gan qua dịch mật. Sỏi mật làm tắc nghẽn ống mật sẽ khiến gan bị nhiễm độc và cuối cùng gây ra các bệnh về gan. Tình hình trầm trọng hơn khi thường xuyên dùng dược phẩm, làm gan phải phân giải chúng. Sỏi mật ngăn cản quá trình thải độc, dẫn đến quá tải và tác dụng phụ nghiêm trọng ngay cả khi liều lượng thuốc không cao. Điều đó cũng có nghĩa là gan có nguy cơ bị tổn hại bởi các sản phẩm phân hủy từ các loại thuốc mà nó phải xử lý. Rượu không được gan thải độc kịp thời cũng gây tổn thương nghiêm trọng hoặc phá hủy tế bào gan.
Tất cả các bệnh chính ở gan đều phát sinh từ sỏi làm tắc nghẽn các ống dẫn mật. Sỏi mật làm biến dạng khung cấu trúc của các tiểu thùy gan (Hình 3a và 4a, trang 485 và 486), là các đơn vị chính cấu thành lá gan – gan có hơn 50.000 tiểu thùy gan như vậy. Sỏi làm cho việc lưu thông máu đến và đi từ những tiểu thùy này ngày càng khó khăn. Ngoài ra, chúng khiến tế bào gan cắt giảm sản xuất mật. Dịch mật bị mắc kẹt ngày càng nhiều sẽ quánh lại, biến thành bùn và cô thành sỏi (Hình 3b,trang 485). Các sợi thần kinh cũng bị hư hại.
Tắc nghẽn kéo dài do sỏi mật cuối cùng sẽ làm hư hại hoặc phá hủy các tế bào gan. Mô sẹo xơ thay thế dần các tế bào khỏe mạnh, gây ra trì trệ hơn nữa và tăng áp lực lên mạch máu gan. Khi tốc độ tái tạo của tế bào gan không theo kịp mức độ thiệt hại thì sẽ dẫn đến xơ gan (Hình 4b, trang 486). Xơ gan thường dẫn đến tử vong.
Suy gan xảy ra khi các tế bào bị nghẹt thở và chết nhiều đến nỗi không còn đủ quân số cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhất. Hậu quả của suy gan là buồn ngủ, lú lẫn, run tay, run rẩy, hạ đường huyết, nhiễm trùng, suy thận và ứ nước, chảy máu không kiểm soát, tệ hơn là hôn mê và tử vong. Tuy vậy gan có khả năng phục hồi rất mãnh liệt, thực sự là phi thường.
Khi gan loại bỏ được đám sỏi mật, bệnh nhân ngưng uống rượu và thuốc Tây y, thì cho dù nhiều tế bào gan đã bị phá hủy trong thời gian bị bệnh, hậu quả để lại thường cũng không đáng lo ngại. Lúc các tế bào phát triển trở lại, chúng sẽ tuân theo một trật tự cho phép hồi phục các chức năng gan. Điều này là có thể bởi khi bị suy gan (không như xơ gan), cấu trúc cơ bản của gan chưa đến nỗi bị tổn hại đáng kể.
Bệnh gan nhiễm mỡ (Hình 4c, trang 487) tương đối phổ biến nhưng có thể đảo ngược được. Bệnh sinh ra do lượng lớn chất béo triglyceride tích tụ trong tế bào gan một cách bất thường. Ở các nước phát triển, gan nhiễm mỡ ảnh hưởng đến 1/10 dân số. Dù có thể nêu nhiều lý do khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng tất cả các lá gan nhiễm mỡ đều có một điểm chung: nguyên nhân chính thường là tắc nghẽn hệ thống dẫn mật.
Nguyên nhân được biết đến nhiều nhất là uống quá nhiều rượu và ăn chất béo quá đà. Ngoài ra các loại thuốc như amiodarone, methotrexate, diltiazem, tetracycline, liệu pháp chống vi rút hoạt tính cao (điều trị HIV – ND), glucocorticoid và tamoxifen đều có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ.
Buồng gan khỏe mạnh đẩy chất béo dư thừa qua các ống dẫn mật vào đường tiêu hóa và ra khỏi cơ thể. Sỏi trong ống dẫn mật nội gan buộc tế bào gan phải tích chất béo, làm cho chúng phát phì lên. Gan càng bị nhiễm mỡ nặng thì càng khó khăn khi đẩy mỡ thừa ra khỏi cơ thể, bất kể ăn kiêng theo chế độ nào. Đó là nguyên nhân làm người bị gan nhiễm mỡ không thể giảm cân.
Bệnh gan nhiễm mỡ không chỉ ảnh hưởng đến người nghiện rượu lâu năm. Số lượng trẻ em béo phì ngày càng cao làm tăng số lượng thanh thiếu niên bị xơ gan và cần ghép gan do gan nhiễm mỡ. Các nghiên cứu cho thấy hàng triệu trẻ em ở Mỹ bị mắc bệnh gan không phải do rượu vì tích tụ chất béo trong tế bào gan.
Ngày 2 tháng 7 năm 2011, tờ Telegraph báo động: “Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2, đồng thời có thể dẫn đến xơ gan (sẹo gan), thường không được phát hiện cho đến khi đã quá muộn. Hiện không có phương pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh này, nhưng nó có thể được kiểm soát nhờ giảm cân và cải thiện chế độ ăn”.
Tuy nhiên nếu không thông ống dẫn mật thì rất khó giảm cân. Mà dù có cố làm cho được, giảm cân lại có thể gây hại thêm cho gan. Tất cả chất béo đều phải được gan xử lý, nên việc giải phóng chất béo tích lũy từ các bộ phận khác của cơ thể sẽ chất thêm gánh nặng cho gan, khiến nó càng dễ bị tắc nghẽn, thậm chí bị tê liệt hoàn toàn. Do đó, không nên giảm cân đột ngột.
Các biện pháp phẫu thuật dạ dày giảm cân ngày càng phổ biến cũng có thể tăng nặng mức nghiêm trọng của gan nhiễm mỡ, bởi gan bất thình lình phải tiếp nhận lượng chất béo khổng lồ từ khắp nơi trong cơ thể. Dù bệnh nhân có thể giảm cân thành công, gan cũng như phần còn lại của cơ thể phải đối mặt với nguy cơ của các bệnh khác, nghiêm trọng hơn nhiều so với béo phì, như bệnh tim, tiểu đường và ung thư.
Nhiều nhóm tế bào gan chết hàng loạt sẽ dẫn tới bệnh viêm gan cấp tính. Sỏi mật thường chứa virus, chúng tấn công và gây nhiễm trùng tế bào gan, làm thoái hóa tế bào. Kích thước và số lượng sỏi mật càng tăng, càng nhiều tế bào bị nhiễm trùng và chết, các tiểu thùy gan dần bị tê liệt, các mạch máu trong gan bị phát triển vẹo vọ đi. Lưu thông máu tới các tế bào gan còn lại cũng bị ảnh hưởng mạnh.
Mức độ thiệt hại cho gan do những thay đổi này và hiệu suất tổng thể của gan phụ thuộc vào tình trạng tắc nghẽn do sỏi trong ống mật gan. Ung thư gan chỉ có thể xảy ra khi rất nhiều ống mật gan đã bị tắc ngày càng nghiêm trọng trong nhiều năm. Khối u trong gan bắt nguồn từ khối u nguyên phát tại đường tiêu hóa, phổi hoặc vú cũng có cùng nguyên nhân như vậy.
Hầu hết bệnh nhiễm trùng gan (loại A, loại B, loại không A và loại không B) xuất hiện khi ống mật tại một vài tiểu thùy gan bị tắc nghẽn do sỏi mật và thậm chí có thể xảy ra ở tuổi rất sớm bởi nhiều lý do.
Ví dụ cắt dây rốn quá sớm, trước 40 – 60 phút sau khi sinh, có thể làm giảm tới hơn 40% quá trình oxy hóa máu cho trẻ sơ sinh. Cắt dây rốn quá sớm cũng làm nhiều độc tố, lẽ ra được lọc ra qua nhau thai trong giờ đầu tiên sau sinh, bị tồn lại trong cơ thể em bé, và nó cũng khiến đứa trẻ có ít kháng thể hơn để chống lại bệnh tật sau này.
Thông thường phải sau 40 – 60 phút dây rốn mới ngừng co bóp hoàn toàn. Cắt dây quá sớm có thể ảnh hưởng đến gan của bé ngay từ đầu và là tiền đề cho nguy cơ sỏi mật hình thành trong thời thơ ấu. Điều này sau đó có thể dẫn đến nhiễm trùng gan.
Thêm nữa, những đợt tiêm vắc-xin có nguy cơ làm lá gan phơi nhiễm với nhiều độc tố gây ung thư. Đặc biệt lá gan của trẻ nhỏ chưa thể phân hủy các độc tố này, khiến sỏi mật hình thành ngay sau mũi tiêm vắc-xin đầu tiên.
Chế độ ăn không hợp lý với nhiều đường, sữa bò tiệt trùng, protein động vật, thực phẩm chiên và các loại thức ăn nhanh, đồ ăn vặt cũng ảnh hưởng rất lớn đến gan của trẻ. Nếu người mẹ uống rượu, hút thuốc, ăn đồ ăn vặt, uống thuốc tây hoặc tiêm phòng trong thai kỳ thì cũng có thể tạo ra tác dụng bất lợi đối với lá gan của con.
Nghiên cứu của Nhóm Công tác Môi trường (Environmental Working Group – EWG) cho thấy các mẫu máu của trẻ sơ sinh chứa trung bình 287 chất độc, bao gồm thủy ngân, chất chống cháy, thuốc trừ sâu, phụ gia thực phẩm, hóa chất từ các sản phẩm chăm sóc cơ thể, chất ô nhiễm không khí, hợp chất nhựa độc hại và hóa chất Teflon. Nhiều chất độc này có khả năng gây ung thư cao. Lá gan một đứa trẻ không thể giải trừ ngần ấy hóa chất độc hại. Hình thành sỏi mật để gói ghém những chất độc đó lại là phương cách duy nhất mà cơ thể đứa bé buộc phải dùng đến.
Theo báo cáo của EWG, trong tháng trước khi sinh, dây rốn chuyển tải ít nhất 300 lít máu từ nhau thai sang thai nhi. Tức là đứa trẻ mới sinh ra chịu tải trọng hóa chất tương đương như người mẹ. Hơn nữa, các bà mẹ có sức khỏe không tốt vẫn cho con bú thực tế sẽ tiếp tục đưa các chất độc hại vào con. Tất cả điều đó làm lá gan nhỏ bé của trẻ bị quá tải.
Nhìn chung, nghiên cứu đã cho thấy một lượng hổ lốn đủ loại hóa chất ở 99 – 100% phụ nữ mang thai, quá đủ để gây ra giai đoạn đầu của rối loạn chức năng gan và thậm chí là phát triển ung thư ở thai nhi.
Trong một loạt nghiên cứu mới, hóa chất độc hại florua (ở dạng không tự nhiên), được thêm vào nước uống, kem đánh răng và nước súc miệng ở Hoa Kỳ và các nước khác, có liên quan rõ ràng tới việc gây tổn thương não, ung thư xương và các loại ung thư khác. Tất nhiên gan là cơ quan duy nhất có thể thải florua. Tuy nhiên độc tố này không thể bị phân hủy và nếu không được thải loại, nó tích lũy nguyên dạng trong cơ thể và có thể làm hỏng gan cũng như các tuyến nội tiết. Chỉ cần nửa thìa cà phê có thể giết một người lớn. Ăn uống florua thường xuyên dẫn đến gây ung thư tuyến giáp, tổn thương não và xơ gan.
Lá gan khỏe mạnh và hệ miễn dịch hoàn hảo có thể tiêu diệt virus, bất kể nó xâm nhập từ môi trường bên ngoài hay vào máu theo đường khác như qua tiêm chủng hoặc truyền máu.
Phần lớn chúng ta tiếp xúc với virus viêm gan nhưng không bao giờ bị bệnh. Thực ra ai cũng đang có hầu hết các chủng loại virus trong cơ thể. Tuy nhiên chỉ khi lượng lớn sỏi mật làm buồng gan tắc nghẽn và nhiễm độc thì mới biến nó thành môi trường thuận lợi cho virus gia tăng hoạt động.
Virus là những đoạn protein xâm nhập tế bào chủ và khiến nó tạo ra bản sao của đoạn protein đó (những con virus mới). Nhiều nghiên cứu kế tiếp nhau của các nhà khoa học Antoine Béchamp (1816 – 1908) – người phát hiện ra mầm bệnh, Gunther Enderlein (1872 – 1968), và nhà sinh vật học Royal Rife (1888 – 1971) đã phát hiện ra rằng trong môi trường sinh học có độ axit cao, virus có thể phát sinh từ nấm có trong tế bào. Enderlein cũng chứng minh nấm phát triển từ vi khuẩn, tùy thuộc vào thay đổi cụ thể của độ pH và môi trường dinh dưỡng. Trên thực tế, tùy thuộc vào môi trường trong cơ thể, với sự trợ giúp của nấm, bất cứ loại virus nào cũng có thể sinh sản và phát triển. Virus không có khả năng tự sinh sản mà chúng cần tế bào chủ, vi khuẩn và nấm để sinh sôi nảy nở.
Trái với quan niệm phổ biến, virus không phát triển và tấn công nhân tế bào một cách ngẫu nhiên. Tế bào khỏe không cho virus xâm nhập nhân bào. Chúng tạo ra các interferon, là các protein đặc biệt bảo vệ tế bào chống lại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào khối u bằng cách kích thích phản ứng phòng thủ của hệ miễn dịch. Virus có xu hướng chỉ chiếm quyền điều khiển nhân của tế bào yếu nhất và bị tổn thương nhiều nhất để ngăn chặn chúng biến đổi. Tuy nhiên không phải lúc nào virus cũng thành công và ung thư gan vẫn có thể xảy ra. Tôi muốn nói rõ rằng nếu thấy trong tế bào ung thư có virus không có nghĩa là virus có tác dụng tạo ra ung thư. Ngoài ra, các tế bào ung thư cũng có mục đích riêng. Chúng nhặt nhạnh rất nhiều độc tố, nhờ đó cứu các mô nội tạng khỏi bị suy sụp đột ngột.
Sỏi mật chứa rất nhiều virus. Một số loại virus thoát ra và xâm nhập máu, gây ra viêm gan mạn tính. Các loại nhiễm trùng gan không do virus có thể được kích hoạt (chứ không phải bị gây ra) khi vi khuẩn sinh sôi bên trong ống mật bị tắc nghẽn vì sỏi mật, rồi lây lan từ đó.
Sỏi mật cũng làm suy yếu khả năng của tế bào gan trong việc xử lý các chất độc hại như chloroform, thuốc gây độc tế bào, steroid đồng hóa, rượu, aspirin, nấm, phụ gia thực phẩm và các loại tương tự. Khi đó cơ thể sẽ trở nên quá nhạy cảm với những độc tố này cũng như nhiều loại dược phẩm khác. Rất nhiều loại dị ứng bắt nguồn từ tình trạng mẫn cảm như vậy. Cũng vì lý do tương tự, tình trạng nhiễm độc có lẽ đang gia tăng mạnh mẽ do tác dụng phụ khi uống thuốc theo đơn cũng như thuốc không kê đơn – mà đến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cùng các công ty dược phẩm rất có thể còn không hề biết đến.
Dạng vàng da phổ biến phát sinh do sỏi mật bị kẹt trong ống mật dẫn vào tá tràng, hoặc do sỏi mật và mô xơ làm biến dạng khung cấu trúc của các tiểu thùy gan. Dòng chảy của dịch mật qua các vi quản bị cản trở và các tế bào gan không còn có thể tiếp hợp1 để bài tiết sắc tố mật, được gọi là bilirubin. Khi đó mật và các chất cấu thành bị dồn ứ trong máu. Khi bilirubin tích tụ trong máu, nó làm da bị vàng.
1 Tiếp hợp là quá trình sinh hóa liên kết một chất với một axit, qua đó vô hiệu hóa hoạt động sinh học của nó, khiến nó có khả năng hòa tan trong nước và được bài tiết dễ dàng.
Khi nhận ra được màu vàng ở da và kết mạc mắt thì nồng độ bilirubin trong máu có thể đã tăng đến ba lần. Bilirubin không được tiếp hợp có thể gây độc hại đối với các tế bào não. Vàng da cũng có thể là kết quả của một khối u ở đầu tụy làm tắc nghẽn ống dẫn mật.
Nhiều người hỏi tôi liệu có thể tẩy sỏi gan nếu họ có u nang không. Nang gan đơn thuần hầu như không có triệu chứng và thường được phát hiện tình cờ trong quá trình kiểm tra sức khỏe tổng quát. Có lúc xét nghiệm cho thấy một u nang, vài ngày sau xét nghiệm khác có thể cho thấy năm u nang hoặc chẳng có cái nào.
Những u nang này không phải ung thư, thậm chí không nguy hiểm. Khoảng 700 triệu người trên toàn thế giới có u nang nhưng chỉ 250.000 người trong số đó có thể sẽ bị biến chứng nào đó khiến u nang trở nên quá lớn và gây chèn ép.
Phần lớn nang gan chứa đầy nước. Ngành y chưa biết chúng sinh ra từ đâu. Tôi cho rằng các mao bạch huyết nhỏ sẽ bị phình ra khi gặp tắc nghẽn tạm thời, thường là khi các ống mật trong gan bị tắc. Nếu phình ra lâu tới một vài tuần, chúng có thể giữ nguyên trạng như vậy và trở thành u nang.
Nhiều người có u nang gan đã tẩy sỏi mật mà không gặp vấn đề gì. Trong nhiều trường hợp, nhưng không phải tất cả, u nang biến mất. Ít ra thì chúng không xuất hiện trong các xét nghiệm liền sau đó nữa.
Tôi sẽ bắt đầu phần này bằng cách giải thích hai vai trò chính của dịch mật. Dịch mật được các tế bào gan sản xuất và tiết vào mạng lưới ống dẫn mật trong gan (tiểu mật quản – ND). Dịch mật chảy ra khỏi gan theo hai ống mật lớn (ống gan trái và ống gan phải) và vào ống gan chung, cuối cùng vào ống mật chủ.
Từ đó dịch mật đi theo hai hướng. Hướng thứ nhất là vào ống túi mật (cuống mật) và vào túi mật. Hầu hết dịch mật được sản xuất trong gan chảy vào túi mật. Đó là một túi hình quả lê khoảng 10 cm có thành bằng cơ, nối với cuống mật, nằm ở phía sau gan (Hình 5, trang 487). Dịch mật trong túi mật được xử lý để thành trợ thủ đắc lực cho quá trình tiêu hóa.
Hướng thứ hai là xuống ống mật chủ dẫn vào tá tràng, phần đầu tiên của ruột non. Chỉ có một lượng mật nhỏ chảy trực tiếp vào ruột non. Mật đi theo đường này chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ cho tiêu hóa nhiệm vụ chính của nó là cuốn theo các chất độc và chất thải.
Túi mật khỏe mạnh chứa khoảng 60 ml dịch mật. Thành túi mật cực kỳ đàn hồi cho phép nó phình ra.
Dịch mật trong túi mật có tính chất khác với dịch mật trong gan. Trong túi mật, hầu hết muối và nước trong dịch mật được tái hấp thụ nên nó giảm thể tích chỉ còn 1/10 so với ban đầu. Tuy nhiên muối mật (không phải muối thường) lại không bị hấp thụ, nghĩa là nồng độ của muối mật tăng khoảng 10 lần. Túi mật cũng bổ sung chất nhầy, làm dịch mật sệt lại. Nồng độ cao làm dịch mật trở thành chất hỗ trợ tiêu hóa rất mạnh.
Thành túi mật co bóp đẩy dịch mật khi thức ăn chứa chất béo và protein (hầu hết các loại) đi từ dạ dày vào tá tràng. Chức năng này được hormone cholecystokinin điều chỉnh.
Hoạt động túi mật tăng rõ rệt nếu thức ăn vào tá tràng chứa tỉ lệ chất béo cao. Cơ thể cần muối mật có trong dịch mật để nhũ hóa chất béo, giúp nó được tiêu hóa.
Khi muối mật đã hoàn thành nhiệm vụ, tức là chất béo đã được nhũ hóa để hấp thụ vào đường ruột, nó tiếp tục đi theo ống tiêu hóa và phần lớn được tái hấp thụ ở phần cuối của ruột non (hồi tràng) rồi được đưa trở lại gan. Khi đã về đến gan, muối mật được hòa vào dịch mật và sẵn sàng tiết vào tá tràng.
Không đủ dịch mật dẫn đến thức ăn tiêu hóa không hết và có thể làm tắc ruột. Tắc nghẽn đường ruột làm loại vi khuẩn phân rã muối mật phát triển vô độ. Thiếu muối mật sẽ cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất béo, gây nhiễm mỡ. Phân nhiễm mỡ là tình trạng phổ biến ở những người ăn nhiều thức ăn nhanh hoặc thực phẩm chế biến sẵn. Rất dễ nhận ra điều này vì chất béo dư thừa làm phân nổi. Phân như vậy trông rất nhờn và có mùi hôi. Tiêu chảy nhờn không phải hiếm. Nhiều khi bị tiêu chảy xen kẽ với táo bón.
Không chỉ gây tắc nghẽn và kích thích đường ruột, muối mật bị phân hủy do vi khuẩn dẫn đến thiếu muối mật trong gan. Điều này làm thay đổi cân bằng trong thành phần dịch mật. Nồng độ muối mật giảm trong dịch mật là nguyên nhân chính gây sỏi mật ở gan và túi mật.
Trong đường ruột của những người dùng nhiều thuốc Tây y như kháng sinh thường có nhiều vi khuẩn có hại, do đó rất dễ bị sỏi mật.
Sỏi mật là những viên sỏi mềm hoặc cứng chỉ hình thành trong túi mật. Sỏi túi mật được tạo ra chủ yếu từ tinh thể cholesterol, canxi, axit béo chuỗi dài và sắc tố mật như bilirubin. Dù cholesterol chỉ chiếm 5% dịch mật, nhưng nó là thành phần phổ biến trong ít nhất là 75% các loại sỏi mật. Tuy nhiên nhiều viên sỏi có kết cấu hỗn hợp. Ngoài các thành phần trên, sỏi mật có thể chứa muối mật, nước, chất nhầy, độc tố, vi khuẩn và đôi khi là xác ký sinh trùng, cũng như lecithin.
Cholesterol tại gan thường ở dạng tan lơ lửng trong chất lỏng. Nó hòa tan được nhờ các cụm muối mật tạo thành các hạt micelle. Tuy nhiên khi nồng độ muối mật bị giảm, dịch mật sẽ chuyển thành dạng bùn đặc (Hình 3b, trang 485) Bùn mật chủ yếu bao gồm tinh thể cholesterol, chất nhầy và canxi bilirubin (bilirubin bị vôi hóa). Khi các tinh thể cholesterol đạt đến điểm siêu bão hòa, sỏi cholesterol bắt đầu hình thành.
Sỏi cholesterol dễ dàng hình thành khi các ống mật gan đã có sẵn một số sỏi. Tắc nghẽn ống mật làm cho gan tích tụ bilirubin, do đó làm tăng lượng sỏi cholesterol.
Một số loại sỏi khác gồm 50 – 100% chất không kết tinh, theo nghiên cứu được công bố trên World Journal of Gastroenterology (Tạp chí Thế giới về Tiêu hóa)1. Chúng có hình dạng như chất rắn, nhưng giống như chất lỏng, chúng không có một cấu trúc kết tinh (một số loại sỏi dẻo như gel). Siêu âm và các phương pháp chẩn đoán khác không phát hiện ra chúng.
1 World J Gastronternol 2004;10(2)303-305.
Sỏi mật có kích thước từ bằng đầu kim đến quả bóng chơi golf.
Sỏi trong túi mật có tính đồng nhất khác nhau và thường được tạo ra từ bilirubin bị vôi hóa, gọi là bilirubinate. Chúng có thể có màu nâu nhạt (Hình 1c, trang 483) hoặc màu đen, hay bất kỳ màu nào giữa hai màu này, tùy nồng độ bilirubin. Những người bị thiếu máu tán huyết (loại thiếu máu tương đối hiếm do tế bào hồng cầu bị phá hủy), hoặc xơ gan (gan bị sẹo), thường có sỏi màu đen. Sỏi màu nâu chứa nhiều cholesterol và canxi hơn sỏi màu đen.
Sỏi mật có thể hình thành trong cả hệ ống dẫn mật nội gan và trong túi mật. Sỏi ở trong gan hiếm khi được thừa nhận. Cũng tương tự, hầu hết những người bị sỏi trong túi mật không biết rằng họ đang có sỏi. Trừ một số trường hợp, sỏi gây kích ứng hoặc viêm thành túi mật, dẫn đến co thắt đau đớn, nhiễm trùng và các biến chứng khác. Đôi khi sỏi mật cũng có thể hình thành trong các ống mật ngoài gan, chẳng hạn như tại ống mật chủ. Tình trạng này gọi là sỏi ống mật chủ và chỉ xảy ra ở khoảng 10% số bệnh nhân bị sỏi mật. Hầu hết sỏi cứng đều bắt nguồn từ túi mật.
Không phải bệnh nào ở túi mật cũng do sỏi cứng trong túi mật gây ra. Bệnh nhân viêm túi mật không sỏi có triệu chứng sỏi túi mật, nhưng không tìm thấy sỏi cứng trong túi mật hoặc ống dẫn mật. Tuy vậy bùn mật hoặc sỏi mật mềm tác động vào túi mật hoặc ống mật chủ gây ra triệu chứng ảo của bệnh viêm cấp tính. Siêu âm thường bỏ qua vật cản này vì nó chỉ gồm bùn mật bị tắc nghẽn và sóng âm xuyên qua nó (mà không bị phản hồi – ND). Các triệu chứng có thể cấp tính hoặc mạn tính tùy thuộc tắc nghẽn nghiêm trọng đến đâu. Bệnh cũng có thể xảy ra khi lượng máu cung cấp cho túi mật không đủ hoặc túi mật không thể bơm được dịch mật ra bình thường.
Trong sách giáo khoa y học của Đức, Pathologie der Leber und Gallenwege (Bệnh lý về Gan và Ống mật)1, trang 1067, các tác giả giải thích rằng sỏi có thể hình thành trong ống mật của gan qua nhiều tháng hoặc nhiều năm mà không cho thấy bất kỳ triệu chứng hay bất thường nào trong xét nghiệm chức năng gan. Họ khẳng định rất khó phát hiện những viên sỏi này bằng siêu âm, chụp X quang hoặc chụp cắt lớp (chụp CT). Đây là một phát hiện rất quan trọng giải thích tại sao sỏi mật trong gan rất hiếm khi được chẩn đoán và tại sao hầu hết bác sĩ thậm chí không hay biết về sự tồn tại của chúng.
1 NXB Springer Verlag, ISBN, Các tác giả Helmut Denk, J. Düllmann, H -P Fischer, O Klinge, W Lierse, K -H Meyer Zum Bueschelfelde, U Pfeifer, K H Preisegger, G Ramadori, A Tannapfel, C Wittekind, U Wulfhekel, H Zhou, Springer Verlag, ISBN 3-540-65511-5.
Tóm lại, sỏi mật trong gan là hiện tượng cực kỳ phổ biến nhưng lại không được đại đa số các chuyên gia y tế biết đến.
Sỏi trong túi mật thường tăng kích thước liên tục trong khoảng 8 năm trước khi bạn nhận ra các triệu chứng. Những viên sỏi lớn hơn thường bị vôi hóa hoặc bán vôi hóa (Hình 6a và 6d, trang 488 và 489) và có thể phát hiện dễ dàng qua chụp X quang hoặc siêu âm. Khoảng 85% sỏi trong túi mật có đường kính quãng 2 cm (Hình 6b và 6c trang 488 và 489), một số có thể lên đến 5 – 8 cm. Hình 6d (trang 489) là viên sỏi mật lớn bị vôi hóa do tôi trực tiếp khám và chụp ảnh, ngay sau khi vợ tôi thải nó ra (không đau đớn gì) trong lần thứ 9 cô ấy tẩy gan mật. Viên sỏi này phát ra mùi cực kỳ gắt, tôi chưa gặp phải bao giờ. Hình 6e (trang 490) chụp đám sỏi vôi hóa lớn hơn. Thành phần mấy viên sỏi này tương tự những thứ tôi thấy trong các túi mật được mổ ra. Nguyên nhân và thời điểm hình thành của chúng, như sẽ giải thích trong Chương 3, là do dịch mật trong túi mật quá bão hòa và các thành phần không được hấp thụ dần bị đông cứng lại.
Khi sỏi thoát ra khỏi túi mật và tắc ở cuống mật, nó gây ra bệnh đau bụng đường mật. Tắc nghẽn tại cuống mật gây ra viêm mô xung quanh sẽ sinh ra bệnh viêm túi mật. Thêm vào đó có thể là nhiễm trùng vi khuẩn, dẫn đến loét các mô giữa túi mật và tá tràng hoặc đại tràng, bệnh lý sinh ra các lỗ rò và dính ruột.
Sỏi kẹt trong ống mật chủ cũng gây ra bệnh sỏi ống mật chủ. Tất cả các vật cản trong hệ thống ống mật, kể cả sỏi, thường gắn liền với triệu chứng đau bụng theo cơn. Những cơn co thắt mạnh là những nỗ lực tống khứ những viên sỏi bị mắc kẹt trong đường dẫn mật.
Đau bụng đường mật thường đi kèm với túi mật bị căng phồng lên. Nếu túi mật chứa đầy sỏi mật, nó còn gây ra những cơn co thắt cực kỳ đau đớn.
Bệnh ở túi mật thường bắt nguồn từ gan. Sỏi tại ống dẫn mật trong gan, sau đó là sự phát triển các mô sợi, làm biến dạng cấu trúc của các tiểu thùy gan, huyết áp tĩnh mạch cửa bị tăng lên. Khi đó huyết áp trong tĩnh mạch cuống mật cũng tăng theo, đẩy máu từ túi mật vào tĩnh mạch cửa. Các chất thải không được loại bỏ qua cuống mật làm tích tụ chất thải có tính axit cao trong các mô cấu thành nên túi mật. Dần dần túi mật bị yếu đi và giảm hiệu suất làm việc, không còn khả năng đẩy dịch mật. Điều này dẫn đến việc dồn và ứ dịch mật trong túi mật. Khi đó sự hình thành sỏi mật bị khoáng hóa chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sỏi túi mật thường được hình thành tại túi mật. Tuy nhiên vẫn có một số viên sỏi có thể chui từ gan vào túi mật nếu ống mật chủ bị tắc và chúng không còn đường đi nào khác. Trường hợp này cũng gây bệnh vàng da.
Ruột non nối với dạ dày qua cơ thắt môn vị, nó có chiều dài trung bình ở đàn ông trưởng thành là 6,9 m, còn ở phụ nữ là 7,1 m. Tiếp theo đến ruột già, dài khoảng 1 – 1,5 m (Hình 2, trang 484). Cấu trúc ruột non gồm ba phần: tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng.
Ruột non là nơi diễn ra gần như toàn bộ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Nó tiết ra dịch ruột để tiêu hóa carbohydrate, protein và chất béo. Nó hấp thụ các dưỡng chất để nuôi sống và duy trì cơ thể cũng như bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm các vi khuẩn chưa bị axit clohydric có tính kháng khuẩn cao trong dạ dày tiêu diệt.
Thức ăn có độ axit cao từ dạ dày đi vào tá tràng, đầu tiên sẽ kết hợp với dịch mật và dịch tụy, sau đó với dịch ruột. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của dịch mật là kích hoạt các enzyme tuyến tụy. Sỏi mật trong gan và túi mật làm giảm đáng kể việc tiết dịch mật, làm suy yếu khả năng tiêu hóa tinh bột, protein và chất béo của các enzyme tuyến tụy. Kết quả là ruột non không hấp thụ đầy đủ được thành phần dinh dưỡng của những thực phẩm này. Hấp thụ dưỡng chất kém dẫn đến suy dinh dưỡng và thèm ăn sau đó.
Vì ruột rất cần dịch mật để hấp thụ các chất béo thiết yếu, canxi cùng các vitamin A, D, E và K hòa tan trong chất béo – sỏi mật có thể gây ra các bệnh đe dọa đến tính mạng, như bệnh tim, loãng xương và ung thư. Ví dụ, gan sử dụng vitamin K để sản xuất các hợp chất làm đông máu, hấp thụ vitamin K kém dẫn đến bệnh xuất huyết.
Tương tự, hấp thụ kém vitamin D (thực chất là một hormone steroid) có thể gây tàn phá toàn cơ thể. Vitamin D điều chỉnh hàng ngàn gien và hệ miễn dịch. Thiếu hụt hormone quan trọng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiễm trùng nghiêm trọng dễ dẫn đến tử vong, gây suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi, hen suyễn nặng ở trẻ em và là nguyên nhân của nhiều loại ung thư.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 năm 2011 của European Journal of Clinical Nutrition (Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng châu Âu), W.B. Grant thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tia mặt trời, Dinh dưỡng và Sức khỏe ở San Francisco đã chứng minh rằng tăng lượng vitamin D trong máu không chỉ làm tăng thêm nhiều năm tuổi thọ mà còn ngăn ngừa nhiều căn bệnh thông thường.
Theo nghiên cứu đó, các bệnh đáp ứng với vitamin D chịu trách nhiệm cho hơn một nửa tỉ lệ tử vong trên thế giới, bao gồm ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh lao, bệnh đường hô hấp và nhiễm trùng. Khôi phục vitamin D về mức bình thường có thể ngăn ngừa hoặc loại bỏ những bệnh này.
Nghiên cứu khác gần đây công bố trên tạp chí y khoa PLos ONE1 chứng tỏ thiếu vitamin D thúc đẩy tổn thương ADN và tăng nguy cơ ung thư đại tràng – là thứ ung thư phổ biến thứ ba trên thế giới. Do vậy có nhiều lý do để chúng ta không những phải đảm bảo đủ lượng vitamin ánh nắng mặt trời này trong cơ thể mà còn phải hấp thụ nó đúng cách.
1 PLoS ONE 6(8): e23524. doi:10.1371/journal.pone.0023524.
Vitamin D cũng rất cần thiết cho quá trình canxi hóa xương và răng một cách khỏe mạnh. Canxi rất cần thiết cho việc làm cứng xương và răng, đông máu và cơ chế co cơ. Dịch mật nghèo nàn có thể làm suy yếu khả năng hấp thụ canxi, một khoáng chất mà cơ thể cần cho một số hoạt động quan trọng nhất của nó. (Lưu ý: Các vấn đề về răng có thể cản trở quá trình ăn uống và dẫn đến nhiều rối loạn tiêu hóa).
Tiết không đủ dịch mật cũng cản trở ruột non hấp thụ đủ vitamin A và carotene. Hấp thụ không đủ vitamin A, các tế bào biểu mô sẽ bị tổn thương. Những tế bào này đóng vai trò thiết yếu trong tất cả các cơ quan, mạch máu, mạch bạch huyết và nhiều bộ phận quan trọng khác trong cơ thể. Vitamin A cũng cần thiết để duy trì đôi mắt khỏe mạnh và bảo vệ chống nhiễm trùng. Có một điều rất quan trọng ta phải nhận thức được, đó là chỉ bổ sung các vitamin này không hề giải quyết được vấn đề thiếu hụt. Ngược lại, bổ sung vitamin lại gây ra chính sự thiếu hụt mà ta đang cố khắc phục, nhất là khi bạn uống vitamin tổng hợp.
Tóm lại, cơ thể không thể hấp thụ đầy đủ các vitamin này khi chất béo không được tiêu hóa đúng cách. Nguyên nhân chính của việc hấp thụ không đủ bốn loại vitamin thiết yếu tan trong chất béo là không đủ dịch mật, enzyme lipase từ tụy và mỡ tụy. Dịch mật được tiết ra để đáp ứng với việc tiêu hóa chất béo và dầu được ăn vào. Đó là lý do khiến chế độ ăn ít béo hoặc không béo có thể gây nguy hại thực sự cho cuộc sống của bạn. Những thông tin sai lầm về việc chất béo tự nhiên, không tinh chế có thể làm hại cho sức khỏe đã góp công lớn cho tốc độ gia tăng bệnh tim mạch chóng mặt trên toàn thế giới.
Tóm lại, nếu không có dịch mật thông thường và chất béo, cơ thể không thể tiêu hóa và hấp thụ đủ các vitamin này, do đó, có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho các hệ tuần hoàn, bạch huyết, miễn dịch, tiêu hóa, hô hấp và hệ xương.
Thực phẩm không tiêu hóa hết sẽ lên men và thối rữa trong ruột non và ruột già. Chúng hấp dẫn lượng vi khuẩn khổng lồ đến góp sức đẩy nhanh quá trình phân hủy. Những sản phẩm phụ của quá trình thối rữa như chất bài tiết từ vi khuẩn là cực kỳ độc hại.
Tất cả những điều này làm kích ứng lớp màng nhầy vốn góp phần hình thành phòng tuyến hàng đầu của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh (mầm bệnh).
Phơi nhiễm thường xuyên với những chất độc này sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, mà 60% hệ miễn dịch nằm ở ruột.
Ruột non và ruột già bị quá tải bởi độc tố xâm lấn liên tục sẽ có thể gặp nhiều loại rối loạn như tiêu chảy, táo bón, chướng bụng, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm loét đại tràng, bệnh thoát vị, bệnh trĩ, polyp, kiết lỵ, viêm ruột thừa, xoắn ruột, lồng ruột, cũng như các khối u lành và ác tính.
Nhiều bệnh tật kiểu này buộc bác sĩ phải xử lý bằng lỗ thông nhân tạo, chẳng hạn làm hậu môn giả hoặc mở thông hồi tràng (Hình 7, trang 490). Những ca phẫu thuật này tạo cửa thoát cho chất thải phân chảy từ ruột vào một cái túi.
Ước tính ở Mỹ có 800.000 bệnh nhân được tạo hậu môn nhân tạo vào năm 2000. Từ đó, mỗi năm có 120.000 ca phẫu thuật mới được thực hiện. Với tốc độ như vậy, vào cuối năm 2011 có tới hai triệu bệnh nhân đã được phẫu thuật tạo hậu môn nhân tạo.
Độc tố gây viêm và tổn thương ruột thường sinh ra từ quá trinh vi khuẩn lên men và làm thối rữa các thức ăn không được tiêu hóa bình thường. Có hàng chục các chất cực độc như vậy: sepsin, skarol, notifyan, putrescine, cadaverine và octopamine. Octopamine đã được chứng minh là ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng của não. Đối với trẻ em nó góp phần gây các vấn đề về phát triển, kể cả chứng tự kỷ1.
1 Về liên hệ giữa bệnh đường ruột và tự kỷ: http://www.dailymail.co.uk/news/article-388051/Scientists-fear-MMR-link-autism.html#ixzz1Bajg4Fra
Có nhiều dấu hiệu điển hình của ảnh hưởng độc tố trong ruột, bao gồm: hơi thở có mùi hôi, mùi hôi cơ thể, tưa lưỡi, loét miệng và lưỡi, tắc nghẽn xoang, trào ngược, hay buồn nôn, hệ miễn dịch yếu, các vấn đề về thận và bàng quang, đau đầu, đầy hơi, chướng bụng, chuột rút bụng, béo phì, đau khớp, cứng cơ, liên tục thấy kiệt sức hoặc mệt mỏi, rối loạn tâm thần, trầm cảm, lo lắng, hồi hộp, giảm trí nhớ và khả năng tập trung, tâm thần phân liệt, các triệu chứng giống như tự kỷ, sương mù não, mất ngủ, các dấu hiệu lão hóa sớm như da nhăn và mất đàn hồi, viêm da thần kinh, bệnh chàm, bệnh vẩy nến, rối loạn thị lực, chuột rút kinh nguyệt, tử cung ngả sau, mất cân bằng nội tiết tố và phì đại tuyến tiền liệt.
Dòng dịch mật dồi dào duy trì tiêu hóa tốt, hấp thụ thức ăn hiệu quả và có tác dụng làm sạch đường ruột. Mọi bộ phận cơ thể đều phụ thuộc vào các chất dinh dưỡng mà hệ tiêu hóa cung cấp, cũng như khả năng loại bỏ chất thải cũng của chính hệ thống này. Sỏi trong gan và túi mật phá hoại đáng kể cả hai quá trình quan trọng đó. Do vậy chúng là thủ phạm của hầu hết các loại bệnh trong cơ thể. Loại bỏ sỏi mật giúp bình thường hóa các chức năng tiêu hóa và đào thải, cải thiện chuyển hóa tế bào, duy trì cân bằng trong cơ thể và tâm trí.
Lưu ý quan trọng về ghế kê chân vệ sinh: Ngồi trên bệ toilet kiểu phương Tây làm ta hơi phải lên gân, khiến quá trình loại bỏ chất thải trở nên khó khăn và không triệt để. Cơ thể con người được cấu tạo để đi vệ sinh trong tư thế ngồi xổm, như ta có thể thấy trong tất cả các cộng đồng sơ khai. Để giải phóng hết chất thải, ruột già cần được hai đùi ép vào. Hơn nữa, để loại bỏ hoàn toàn khối phân, cơ mu trực tràng phải thư giãn và van hồi tràng từ ruột non phải được đóng kín. Bồn cầu hiện đại không đáp ứng các yêu cầu tự nhiên này và do vậy ruột già không thể được dọn sạch. Trong tư thế ngồi, cơ mu trực tràng đẩy trực tràng lệch khỏi vị trí tự nhiên và bóp hẹp nó lại. Do vậy cả khí và chất rắn đều khó di chuyển. Điều này dẫn đến ứ đọng phân và bệnh trĩ, viêm ruột thừa, polyp, viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích, bệnh túi thừa và ung thư đại tràng. Ngược lại, ngồi xổm làm thư giãn cơ mu trực tràng và giữ thẳng trực tràng. Trẻ sơ sinh ở bất cứ đâu cũng đều áp dụng tư thế này theo bản năng khi đi cầu. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người không được huấn luyện ngồi bồn cầu kiểu Tây lại hiếm khi mắc các chứng rối loạn đường ruột, trừ phi có thói quen ăn uống và lối sống quá mất cân bằng.
Để mô tả đơn giản, tôi chia hệ thống tuần hoàn thành hai phần chính: hệ tuần hoàn máu và hệ bạch huyết.
Hệ tuần hoàn máu gồm có tim hoạt động như một máy bơm và các mạch máu để lưu thông máu.
Hệ bạch huyết gồm các hạch bạch huyết và mạch bạch huyết để bạch huyết không màu chảy trong đó. Bạch huyết có rất nhiều chức năng liên quan đến nhau. Nó có nhiệm vụ loại bỏ chất lỏng xung quanh tế bào khỏi các mô và đưa axit béo từ đường ruột tới gan. Nó cũng vận chuyển tế bào bạch cầu giữa các hạch bạch huyết và xương.
Lượng bạch huyết trong cơ thể nhiều gấp ba lần so với máu. Bạch huyết lấy chất thải từ tế bào cùng các mảnh vụn tế bào rồi thải loại chúng khỏi cơ thể.
Hệ bạch huyết là hệ thống tuần hoàn chính được tất cả các tế bào miễn dịch sử dụng: đại thực bào, tế bào T, tế bào B, tế bào lympho, v.v.. Hệ bạch huyết thông suốt là điều kiện tối cần thiết để duy trì khả năng miễn dịch và cân bằng nội môi khỏe mạnh.
Nhồi máu cơ tim lấy đi nhiều sinh mạng người Mỹ hơn bất cứ nguyên nhân nào khác. Dù đột ngột, cơn đau tim thực ra là giai đoạn cuối của chứng rối loạn ngấm ngầm đã tồn tại nhiều năm. Rối loạn này được gọi là bệnh tim mạch vành. Bởi nó xảy ra chủ yếu tại các quốc gia thịnh vượng và trước năm 1900, nó hiếm khi làm chết người, chúng ta phải quy nguyên nhân trực tiếp của xã hội yếu tim ngày nay cho lối sống hiện đại, thực phẩm không tự nhiên và thói quen ăn uống thiếu cân bằng. Tuy nhiên, từ rất lâu trước khi trái tim gặp trục trặc, lá gan đã mất đi nhiều sức sống và hoạt động thiếu hiệu quả.
Gan ảnh hưởng đến toàn bộ hệ tuần hoàn, kể cả tim. Thực ra gan có vai trò lớn nhất trong việc bảo vệ tim. Lá gan bình thường sẽ triệt để giải độc và thanh lọc máu tĩnh mạch đi qua tĩnh mạch cửa từ phần dưới của hệ tiêu hóa, lá lách và tuyến tụy.
Ngoài phân giải chất cồn, gan còn hóa giải các chất độc hại, chẳng hạn như độc tố do vi khuẩn sinh ra. Gan cũng diệt vi khuẩn và ký sinh trùng có hại, vô hiệu hóa một số dược chất nhờ sự trợ giúp của các enzyme đặc biệt. Gan làm một việc rất tài tình là loại bỏ thành phần nitơ trong axit amin, vì nitơ không cần cho quá trình tạo protein mới. Gan biến nó thành urê, đẩy qua máu để được bài tiết theo nước tiểu. Gan cũng phá vỡ nhân của các tế bào đã bị suy kiệt. Sản phẩm phụ của quá trình này là axit uric, cũng được bài tiết qua nước tiểu.
Gan phải lọc hơn một lít máu mỗi phút, chỉ bỏ lại carbon dioxide (khí cacbonic) có tính axit để thải loại qua đường phổi (Hình 8, trang 491).
Sau khi được thanh lọc trong gan, máu đi qua tĩnh mạch gan vào tĩnh mạch chủ dưới rồi vào thẳng nửa bên phải của tim (tâm nhĩ phải – ND). Sau đó (từ tâm thất phải – ND) máu được đưa đến phổi, nơi diễn ra quá trình trao đổi khí: thải khí cacbonic và hấp thụ oxy. Từ phổi, máu giàu oxy đi vào nửa trái của tim và được tim bơm vào để đi khắp cơ thể, cung cấp oxy cho tất cả các mô.
Sỏi mật trong ống mật nội gan làm biến dạng cấu trúc cơ bản của các nhóm tế bào gan (tiểu thùy gan). Do vậy nhiều đoạn mạch máu ở thùy gan bị hẹp lại, làm giảm đáng kể nguồn cung cấp máu. Các tế bào gan bị yếu đi hoặc bị hư hại, và các mảnh vỡ tế bào sẽ xâm nhập máu. Điều này càng ảnh hưởng xấu tới khả năng giải độc máu của gan. Do đó ngày càng có nhiều chất hại bị đọng lại cả trong gan và trong máu.
Lá gan bị tắc nghẽn cản trở lưu lượng máu tĩnh mạch đến tim, làm tim đập nhanh hoặc thậm chí dẫn đến đau tim. Các độc tố không được vô hiệu hóa tại gan sẽ gây tổn hại cho tim và mạng lưới mạch máu.
Hậu quả tai hại khác của tắc nghẽn gan là protein từ các tế bào chết (cơ thể phải loại bỏ khoảng 30 tỉ tế bào mỗi ngày) và protein thực phẩm còn thừa sẽ không được phân giải triệt để và do vậy nồng độ protein trong máu tăng lên. Máu bị đặc hơn sẽ gây tình trạng tăng tiểu cầu. Do đó cơ thể phải cố lưu trữ các protein này trong màng đáy của thành mạch máu.
Khi cơ thể không còn khả năng lưu trữ thêm protein, protein mới được hấp thụ vẫn bị giữ lại trong máu. Vì thế lượng tế bào hồng cầu tăng lên, làm tăng thể tích tế bào máu tới mức bất thường. Đồng thời, nồng độ hemoglobin trong máu cũng tăng lên, làm da bị đỏ, nhất là ở mặt và ngực trên. (Lưu ý: Hemoglobin là protein phức tạp kết hợp với oxy trong phổi để vận chuyển nó đến tất cả các tế bào). Do đó các tế bào hồng cầu bị phình ra và không thể lưu thông qua các mạch nhỏ trong mạng lưới mao mạch. Điều này khiến máu quá đặc, di chuyển chậm chạp, làm tăng xu hướng đông máu (tiểu cầu dính vào nhau).
Máu đông cục được coi là yếu tố nguy cơ chính của bệnh đau tim hoặc đột quỵ. Chất béo không có khả năng làm đông máu, nên nguy cơ này bắt nguồn chủ yếu từ nồng độ protein cao trong máu và thành mạch.
Các nghiên cứu cho thấy axit amin có chứa lưu huỳnh, gọi là homocysteine (HC) dễ sinh ra những cục máu li ti làm tổn thương động mạch, còn những cục to gây ra hầu hết các cơn đau tim và đột quỵ.1 Xin lưu ý rằng dựa vào HC có thể dự đoán chính xác hơn 40 lần so với cholesterol khi đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch. HC hình thành như kết quả chuyển hóa bình thường của axit amin methionine, có nhiều trong thịt đỏ, sữa và các sản phẩm sữa. Nồng độ protein cao trong máu cản trở quá trình phân phối liên tục các dưỡng chất quan trọng, đặc biệt là nước, glucose và oxy đến tế bào.
1 Ann Clin & Lab Sci 1991; Lancet 1981.
Protein thừa trong máu cũng là nguyên nhân khiến máu bị mất nước, tức là máu bị đặc lại – một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra huyết áp cao và bệnh tim. Hơn nữa, những protein này cản trở quá trình loại bỏ triệt để các chất thải chuyển hóa (xem phần sau, “Lưu thông máu kém”).
Nếu do tắc nghẽn ống mật, gan không thể loại bỏ axit uric dư thừa ra khỏi máu, thì lượng axit này có thể làm tổn thương mạch máu. Ở nồng độ bình thường, axit uric đóng vai trò chất chống oxy hóa và ngăn ngừa tổn thương cho niêm mạc mạch máu. Nhưng ở nồng độ quá cao, nó sẽ gây bệnh tim mạch, đau tim, đột quỵ và các bệnh dạng viêm khớp (bệnh gout).
Chế độ ăn đóng vai trò chính gây ra nồng độ axit uric quá cao. Thực phẩm chứa nhiều purin như hải sản và thịt đỏ, cũng như bia và nước ngọt có đường (có chứa xirô ngô cao phân tử (high fructose corn syrup – đường lỏng) là thủ phạm chính làm tăng nồng độ axit uric trong máu.
Những đồ ăn thức uống này buộc cơ thể tăng huyết áp. Tình trạng này, thường được gọi là huyết áp cao, làm máu đỡ bị đặc quánh và ở mức độ nhất định, giảm nguy hiểm đến tính mạng. Nó cho phép máu giàu chất dinh dưỡng lưu thông dễ dàng hơn trong cơ thể đang bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, phản xạ cứu mạng này lại tạo áp lực và làm hư hại mạch máu.
Thực ra cứ để cho cơ thể tăng huyết áp vẫn tốt hơn là uống thuốc giảm huyết áp. Các chuyên gia y tế hàng đầu hiện nay công nhận thuốc chống huyết áp cao là nguyên nhân chính gây suy tim sung huyết và các suy nhược khác.
Một trong những cách thức đầu tiên và rất hiệu quả của cơ thể để tránh nguy cơ đau tim sắp xảy đến là loại protein thừa ra khỏi máu và cất nó ở chỗ khác (Hình 9, trang 491).
Nơi duy nhất protein có thể được chứa chấp với số lượng lớn là mạng lưới mạch máu. Thành mao mạch hấp thụ được hầu hết các protein dư thừa, không dùng đến hoặc vô dụng. Cơ thể chuyển đổi protein hòa tan thành sợi collagen (thành phần 100% protein) và lưu trữ nó tại màng đáy của thành mạch. Màng đáy đó có khả năng dày thêm 8 đến 10 lần thì bắt đầu không thể tiếp nhận thêm protein nữa.
Tuy nhiên, biện pháp khẩn cấp này đòi hỏi phải trả giá đắt. Protein lưu trữ trong thành mạch làm cơ thể không thể truyền đủ lượng oxy, glucose và các chất dinh dưỡng cần thiết cho tế bào. Các tế bào cơ tim cũng bị nạn đói như vậy hoành hành. Kết quả là yếu cơ tim và giảm hiệu suất của tim. Điều này góp phần gây ra các loại bệnh thoái hóa, như bệnh tiểu đường, đau cơ xơ, viêm khớp và ung thư. Nói cách khác, một khi trái tim “đau khổ”, toàn bộ cơ thể phải hứng chịu theo.
Khi thành mao mạch không còn chỗ chứa protein dư thừa, màng đáy động mạch sẽ bắt đầu tiếp nhận protein. Việc này giữ cho máu đủ loãng để tránh nguy cơ đau tim, ít nhất cầm cự trong một thời gian. Nhưng cuối cùng thì chính biện pháp ngăn chặn nguy cơ đột tử này lại làm hỏng các thành mạch máu. Thành phía trong động mạch sẽ bị thô và dày lên, giống như rỉ sét trong đường ống nước. Các vết nứt, vết thương và tổn thương sẽ xuất hiện ở nhiều chỗ.
Tiểu cầu sẽ xử lý những chấn thương mạch máu nhỏ. Chúng giải phóng hormone serotonin, giúp co thắt mạch máu và giảm chảy máu. Tuy nhiên, vết thương lớn hơn như thường gặp tại động mạch vành bị bệnh không thể được hàn gắn chỉ bằng tiểu cầu mà cần đến quá trình làm đông máu phức tạp hơn. Nếu cục máu đông đó vỡ ra, nó có thể xâm nhập tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim, thường được gọi là cơn đau tim. Nếu cục máu đông này tới được não, nó sẽ gây đột quỵ. Những cục máu đông chặn lối vào động mạch phổi sẽ làm tắc nghẽn dòng máu cũ đến phổi và có thể gây tử vong.
Để phòng ngừa mối nguy hiểm này, cơ thể phải huy động toàn bộ tủ thuốc sơ cứu, bao gồm cả việc giải phóng lipoprotein huyết hóa (LP5) và cholesterol. Nhờ tính dính, LP5 hoạt động như băng gạc y tế dán xung quanh các tổn thương trong động mạch.
Hoạt động cấp cứu thứ cấp nhưng không kém phần quan trọng khác của cơ thể là dùng cholesterol đặc biệt trám vào chỗ động mạch bị tổn thương (xem thêm trong phần “Cholesterol cao”), tạo ra lớp băng gạc chắc chắn hơn LP5. Vì lớp cholesterol vẫn không đủ chắc chắn, các mô liên kết và tế bào cơ trơn cũng được tạo ra bên trong mạch máu.
Thêm nữa, cơ thể tăng cường canxi cho những miếng gạc cấp cứu này nhằm làm chúng cứng cáp hơn và tạo độ ổn định cần thiết. Có tên gọi là xơ vữa động mạch, những mảng giàu canxi đó có thể làm tắc hẳn động mạch, cản trở nghiêm trọng dòng chảy của máu tới tim. Y học đối phó với tình huống gây chết người này bằng can thiệp phẫu thuật bắc cầu, nong mạch vành hoặc đặt stent, còn cơ thể tự khắc phục bằng cách biến các mao mạch hiện có hay mao mạch mới thành những động mạch nhỏ để cung cấp máu. Dù cách này có thể đỡ nguy hại hơn phẫu thuật, nhưng không làm giảm được đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Không như ta thường nghĩ, nhồi máu cơ tim không phải là do tắc nghẽn mạch máu, mà vì cục máu đông và/hoặc các mảng xơ vữa động mạch mềm xâm nhập tim. Những cục máu đông và các mảnh cholesterol mềm gây ra nhồi máu cơ tim lại rất ít khi xuất phát từ cấu trúc đã cứng chắc tại những chỗ thắt gây tắc nghẽn trong động mạch, mà thường bong ra từ các tổn thương mới, nơi có các miếng băng gạc cấp cứu bằng cholesterol. Vì vậy, phẫu thuật bắc cầu hay đặt stent không giải quyết được những mảnh xơ vữa nhỏ và mềm trong động mạch, cũng chẳng giảm được tỉ lệ nhồi máu cơ tim cũng như tỉ lệ tử vong vì đau tim.
Bạn chẳng cần phải tin tôi mà hãy nghe bác sĩ Dwight Lundell, một trong những bác sĩ phẫu thuật tim vĩ đại nhất thế giới, là bác sĩ chuyên khoa và nhà phẫu thuật tim trong 25 năm, đã thực hiện 5.000 ca phẫu thuật tim hở. Ông là trưởng khoa phẫu thuật tại bệnh viện Banner Heart ở Mesa bang Arizona.
Bác sĩ Lundell viết trong một bức thư được công bố trực tuyến trên tờ Prevent Desease (Phòng bệnh) vào tháng 3 năm 2012: “Nói đơn giản, nếu không có hiện tượng viêm trong cơ thể thì cholesterol không có cách nào tích tụ trong thành mạch để gây ra bệnh tim và đột quỵ. Nếu không bị viêm, cholesterol sẽ di chuyển tự do khắp cơ thể một cách tự nhiên. Chính tình trạng viêm khiến cholesterol bị mắc kẹt.”
Ông nói tiếp, “Tôi đã soi kỹ bên trong động mạch của nhiều ngàn bệnh nhân. Động mạch mắc bệnh trông như thể có ai lấy bàn chải chà xát liên tục vào thành của nó. Nhiều lần mỗi ngày, thực phẩm chúng ta ăn vào sẽ tạo ra những vết thương nhỏ, dồn lại thành vết thương lớn hơn, làm cơ thể phải phản ứng liên tục và thích nghi bằng cách tạo ra tình trạng viêm.”
Sự phá hủy dần dần các mạch máu, được gọi là xơ vữa động mạch, ban đầu nhằm bảo vệ mạng sống khỏi bị nhồi máu tim do cục máu đông gây ra, nhưng nó sẽ làm suy yếu tim và toàn bộ cơ thể. Hầu hết các dạng bệnh tim mạch vành có thể được đảo ngược bằng cách thải độc gan và loại bỏ lượng protein tồn trữ trong mao mạch và động mạch. Bệnh nhân cũng cần thay đổi chế độ ăn và lối sống (xem Chương 3).
Các loại thuốc hạ cholesterol đã được chứng minh là gây ung thư, tiểu đường, tổn thương gan và thậm chí mất trí nhớ. Chúng chẳng làm gì để bảo vệ chúng ta khỏi nhồi máu cơ tim, thay vào đó còn làm tăng nguy cơ suy tim. Bác sĩ Lundell nói thế này: “Dù thực tế là 25% dân số đang sử dụng thuốc statin đắt tiền và dù trên thực tế chúng ta đã giảm hàm lượng chất béo trong chế độ ăn kiêng, nhưng năm nay người Mỹ sẽ chết vì bệnh tim nhiều hơn bao giờ hết.” Rồi ông đặt câu hỏi rất quan trọng này: “Còn phải giảm ăn chất béo tới cỡ nào thì chúng ta mới chịu thừa nhận rằng giảm cholesterol chẳng can hệ gì đến nguy cơ đau tim cả?”
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, hơn 75 triệu người Mỹ hiện đang mắc bệnh tim, 20 triệu người mắc bệnh tiểu đường và 57 triệu người bị tiền tiểu đường. Như bạn sắp thấy dưới đây, các loại thuốc giảm cholesterol có liên quan rất nhiều đến hiện trạng đáng buồn này.
Một nghiên cứu của Na Uy được công bố trên Journalof Evaluation in Clinical Practice (Tạp chí Đánh giá Thực hành Lâm sàng) ngày 25 tháng 9 năm 20111 cho biết, nếu có mức cholesterol trên 5,0 mmol/lít (193 mg/dl) bạn sẽ sống lâu hơn.
1 Journal of Evaluation in Clinical Practice, 25 SEP 2011; DOI: 10.1111/j.1365- 2753.2011.01767.x;
Mức cholesterol cao đặc biệt tốt cho phụ nữ. Chẳng hạn, so với phụ nữ có cholesterol dưới 5,0 mmol/lít (193 mg/dl) thì người có mức trên 7,0 mmol/lít (270 mg/dl) giảm tử vong đến 28% và giảm 26% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Dù đàn ông có vẻ ít được hưởng lợi hơn từ mức cholesterol cao, nhưng rõ ràng nó cũng tốt cho nam giới. So với người có cholesterol dưới 5,0 mmol/lít (193 mg/dl), đàn ông với mức 5,0 mmol/lít (228 mg/dl) giảm tử vong 11% và giảm 20% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Những phát hiện tại nghiên cứu có tiêu đề “Dùng cholesterol để đo nguy cơ tử vong trong các hướng dẫn lâm sàng liệu có xác đáng không?” đã mâu thuẫn với lý thuyết y học rằng giảm mức cholesterol toàn phần làm giảm tỉ lệ tử vong gây ra bởi bệnh tim mạch và các nguyên nhân khác.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy đã theo dõi 52.087 người (24.235 nam và 27.852 nữ) trong độ tuổi 20 – 74 không mắc bệnh tim mạch khi bắt đầu nghiên cứu trong quãng thời gian 10 năm.
Họ phát hiện nhiều sai sót lớn trong các nghiên cứu trước đây gán nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho mức cholesterol cao. Những nghiên cứu đó đã đưa vào theo dõi hàng ngàn người từ 75 tuổi trở lên, bị mắc các bệnh tim mạch và có tiền sử đau tim, đột quỵ và đau thắt ngực. Hơn nữa, nhiều dữ liệu quan trọng như cholesterol huyết thanh, huyết áp tâm thu và tình trạng hút thuốc lá không được thu thập cho hàng ngàn ca khác. Thực ra, đây mới là những yếu tố đóng vai trò quyết định trong nguyên nhân tử vong do bệnh tim. Những động thái thao túng dữ liệu kiểu này trong các nghiên cứu lâm sàng quan trọng đã làm sai lệch kết quả và đổ lỗi cho cholesterol là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch và tử vong.
“Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra những dấu hiệu dịch tễ học cho thấy các sai sót có thể có trong thuật toán đánh giá rủi ro của bệnh tim mạch trong nhiều hướng dẫn lâm sàng”, các nhà nghiên cứu tuyên bố và khuyến nghị: “Các khuyến cáo lâm sàng và sức khỏe cộng đồng về hiểm họa của cholesterol cần được xem xét lại. Điều này đặc biệt đúng đối với phụ nữ, bởi mức tăng cholesterol vừa phải (theo tiêu chuẩn hiện tại) không chỉ vô hại mà thậm chí còn có lợi cho họ.”
Cholesterol là cấu phần trọng yếu của mọi tế bào và rất cần thiết cho tất cả các quá trình trao đổi chất. Nó đặc biệt quan trọng trong sản xuất mô thần kinh, dịch mật và hormone. Không có nó, bạn thậm chí không thể có lấy một suy nghĩ, tiêu hóa một miligam chất béo hay tạo ra một loại hormone nào.
Cơ thể ta sản xuất khoảng 0,5 đến 1 gam cholesterol mỗi ngày, tùy vào nhu cầu. Cơ thể người trưởng thành mỗi ngày có thể sản xuất cholesterol nhiều gấp 400 lần so với lượng thu nạp được từ một lạng bơ. Nơi sản xuất cholesterol chính là gan và ruột non. Thông thường, cholesterol được giải phóng trực tiếp vào máu, nơi nó được gắn vào protein máu. Những protein này được gọi là lipoprotein, chịu trách nhiệm vận chuyển cholesterol đến các nơi trong cơ thể. Ba loại lipoprotein chính phụ trách công việc này là lipoprotein mật độ thấp (LDL), lipoprotein mật độ rất thấp (VLDL) và lipoprotein mật độ cao (HDL).
So với HDL (được cái nhà nghiên cứu phong là cholesterol tốt) thì LDL và VLDL là các phân tử cholesterol tương đối lớn; chúng chứa nhiều cholesterol nên có kích thước lớn. Không như HDL dễ dàng đi qua thành mạch máu, các loại cholesterol LDL và VLDL được quy định đi theo một con đường khác – chúng rời khỏi hệ tuần hoàn ở gan.
Hệ thống mạch máu ở gan có cấu trúc khá khác biệt so với ở các bộ phận khác của cơ thể. Chúng được gọi là võng huyết quản, có cấu trúc mạng lưới cho phép tế bào gan nhận được toàn bộ lượng máu, kể cả các phân tử cholesterol lớn. Các tế bào gan tái tạo cholesterol và đẩy nó theo mật vào ruột. Cholesterol khi tới ruột sẽ kết hợp với chất béo, sau đó được hấp thụ vào hệ bạch huyết rồi đi vào máu.
Sỏi tại ống mật trong gan ức chế tiết mật và phần nào cản đường thoát của cholesterol, thậm chí chặn hẳn. Tế bào gan lúc đó bị áp lực ngược nên giảm sản xuất mật.
Lá gan khỏe mạnh tạo ra khoảng một lít mật mỗi ngày. Khi các ống dẫn mật chính bị tắc, chỉ còn quãng một cốc dịch mật, thậm chí ít hơn, đến được đường ruột. Điều này ngăn cản không cho cholesterol VLDL và LDL được bài tiết qua dịch mật. Và như bạn sẽ thấy, hậu quả cho toàn bộ cơ thể sẽ là thảm khốc.
Sỏi trong ống mật ở gan làm biến dạng cấu trúc các tiểu thùy gan, gây tổn thương và tắc nghẽn huyết quản. Võng huyết quản là các mạch máu nhỏ như mao mạch nhưng có lớp nội mạc có lỗ nhỏ tại thành mạch làm tăng đáng kể tính thẩm thấu. Gan, lá lách và tủy xương có võng huyết quản thay cho mao mạch thông thường, cho phép các phân tử lớn hơn và chất thải được trao đổi qua thành mỏng của võng huyết quản. Các mảng protein có thể bịt các lỗ lưới tại những mạch máu này (xem giải thích chi tiết hơn trong phần trước).
Cholesterol tốt HDL với kích thước phân tử đủ nhỏ để thoát khỏi máu qua các mao mạch thông thường. Nếu võng huyết quản bị tắc nghẽn, các phân tử LDL và VLDL lớn hơn không lọt qua được và ít nhiều bị mắc kẹt trong máu. Khi đó nồng độ LDL và VLDL bắt đầu tăng trong máu đến mức có thể gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, ngay cả tình huống này cũng là một phần trong các chiến thuật duy trì sự sống của cơ thể.
Cơ thể sẽ cần thêm cholesterol để vá những vết nứt và tổn thương ngày càng nhiều do tích tụ protein trong thành mạch máu hoặc vì chế độ ăn hay lối sống thiếu lành mạnh. Cholesterol bị gọi là xấu phải tả xung hữu đột trám các vết thương tổn, nhưng cũng không thể hoàn toàn ngăn chặn những cục máu đông hình thành trong động mạch vành. Nếu thoát ra, một cục máu đông như vậy có thể xâm nhập tim và chặn đường cung cấp oxy cho nó.
Ngoài tai biến này, giảm tiết dịch mật còn làm suy yếu quá trình tiêu hóa thức ăn, nhất là chất béo. Chất béo rất cần thiết để duy trì trao đổi chất. Do đó, không đủ cholesterol sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa, bao gồm cả bệnh tiểu đường (xem thêm trong phần sau “Cú lừa Statin”) và dẫn đến tổn thương tế bào nghiêm trọng cho các cơ quan và hệ thống trong cơ thể.
Khi các tế bào gan không được nhận đủ lượng LDL và VLDL, chúng cho rằng máu thiếu các loại cholesterol đó và bị kích thích sản xuất thêm, làm tăng cholesterol LDL và VLDL trong máu. Thực ra các cholesterol xấu này bị mắc kẹt trong hệ tuần hoàn vì các cửa thoát của nó (ống dẫn mật và võng huyết quản) bị tắc nghẽn hoặc hư hại.
Trong khi đó, các động mạch càng phải dùng nhiều cholesterol xấu để dặm vá các vết thương trên thành mạch do tế bào bị thương tổn ngày càng nhiều. Canxi được tích hợp vào các miếng vá cholesterol làm thành động mạch ngày càng cứng và mất độ mềm dẻo. Dù vậy biện pháp bảo vệ này vẫn còn tốt hơn là để các vết thương trên thành mạch tiếp xúc trực tiếp với dòng máu liên tục chảy.
Bệnh tim mạch vành, bất kể do nguyên nhân hút thuốc, uống quá nhiều rượu, ăn nhiều đường, protein, căng thẳng, dùng thuốc Tây y hay vì bất kỳ lý do nào khác, thường không xảy ra, nếu sỏi mật không làm tắc nghẽn ống mật nội gan.
Tẩy và túi mật không những có thể ngăn ngừa những cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, mà còn giúp đảo ngược bệnh tim mạch vành và tổn thương cơ tim. Nồng độ cholesterol sẽ bình thường trở lại khi các tiểu thùy gan đã bị biến dạng và thương tổn được hồi phục và các vết thương trong mạch máu lành trở lại.
Thuốc hạ cholesterol (statin) không làm cơ thể khỏe mạnh trở lại, trong khi gan có thể bình ổn cholesterol trong máu một cách tự nhiên. Thực ra statin chỉ giảm mức cholesterol trong máu, nhưng theo cách rất trí trá là chặn loại enzyme chịu trách nhiệm sản xuất cholesterol trong gan. Nhưng khi nạn đói cholesterol trong gan được gây ra nhân tạo như vậy, mật sẽ không được sản xuất bình thường, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật và cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn.
Như sẽ chứng minh dưới đây, không có bằng chứng nào cho thấy statin làm giảm nguy cơ đau tim hoặc tử vong, nhất là với phụ nữ trẻ, hay người trên 69 tuổi bị cholesterol cao. Thực ra, bệnh nhân lớn tuổi có cholesterol thấp có nguy cơ tử vong cao hơn những người có cholesterol cao. Điều này đúng với bất cứ quốc gia nào. Dân cư có cholesterol trung bình cao hơn người Mỹ, chẳng hạn ở Tây Ban Nha và Thụy Sĩ, cũng ít mắc bệnh tim hơn.
Bạn cũng cần biết rằng 75% người bị nhồi máu cơ tim có mức cholesterol bình thường. Dù không có bằng chứng khoa học nào về mối liên quan của mức cholesterol với nguyên nhân nhồi máu cơ tim (hiện nay viêm mạch máu mới bị coi là thủ phạm chính), nhưng nhiều bác sĩ vẫn tiếp tục bắt bệnh nhân điều trị bằng statin.
Nếu bác sĩ kê cho bạn hai loại thuốc (Zocor và Zetia) để kiểm soát cholesterol hiệu quả hơn, bạn nêu hiểu là điều này chỉ dẫn đến sự tích tụ nhiều mảng bám trong động mạch chứ không làm đỡ nhồi máu cơ tim. Chúng ta phải trả giá rất đắt khi cho phép những loại thuốc này thao túng một chất quan trọng như cholesterol. Cholesterol là tiền chất của tất cả các hormone steroid trong cơ thể; nếu can thiệp thô bạo làm chúng dao động lên xuống mà không do cơ chế hoạt động bình thường của cơ thể, thì có thể gây ra hậu quả rất tai hại.
Statin có rất nhiều tác dụng phụ; bao gồm tiểu đường, suy thận, bệnh gan và thật trớ trêu, kể cả bệnh tim.
Phân tích tổng hợp được báo cáo năm 2011 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ1 đã chứng minh rằng dùng statin làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường khởi phát mới. Dữ liệu trên 32.000 bệnh nhân cho thấy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tỉ lệ thuận trực tiếp với liều dùng. Do vậy, số đơn thuốc statin khổng lồ được kê cho đông đảo dân số trong vòng 15 – 20 năm qua hẳn đã là nhân tố chính góp phần vào dịch bệnh tiểu đường khởi phát hiện nay.
1 Journal of the American Medical Association JAMA, June 22, 2011; 305(24): 2556-2564.
Theo báo cáo mới của Trường Y Harvard1, phụ nữ trên 45 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 50% nếu dùng thuốc statin.
Tiểu đường không còn được coi là bệnh của người cao tuổi nữa. Giờ đây nó thường xuất hiện nhiều hơn trong nhóm tuổi lao động hoặc trẻ hơn. Theo Liên đoàn bệnh Tiểu đường Quốc tế, tiểu đường loại 2 ở trẻ em đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu2. Và giờ đây statin thậm chí được kê đơn cho cả trẻ em 8 tuổi.
1 Nghiên cứu - statin liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (Naturalnews.com).
2 International Diabetes Federation, “Backgrounder,” Diabetes Atlas, Third Edition (2006), p.2, [truy cập 18 tháng 8, 2008].
Mỗi năm bệnh tiểu đường cướp đi khoảng 3,8 triệu sinh mạng trên toàn thế giới, ngang bằng với tỉ lệ tử vong do HIV/AIDS gây ra. Ước tính toàn cầu có hơn 250 triệu bệnh nhân tiểu đường, thêm vào đó là 380 triệu người mắc bệnh tiền tiểu đường.
Statin không thể được coi là thuốc phòng bệnh khi nó thực sự gây ra hoặc góp phần vào những căn bệnh nghiêm trọng nhất trong xã hội hiện đại.
Theo một cuộc điều tra lớn của Tạp chí Thuốc tim mạch Hoa Kỳ1, hiện có hơn 900 nghiên cứu lâm sàng cho thấy vô số tác dụng phụ rất tai hại do statin gây ra. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm mất nhận thức, bệnh lý thần kinh, phá hủy cơ bắp, rối loạn chức năng tuyến tụy và gan, rối loạn chức năng tình dục; nhưng những điều này hiếm khi được các bác sĩ thừa nhận.
1 Tác dụng phụ của Statin: đánh giá tài liệu và bằng chứng cho cơ chế ty thể. Am J Cardiovasc Drugs. 2008;8(6):373-418. doi:
Nghiên cứu của Khoa Y tại Đại học California, San Diego cho biết, “Nhận thức của bác sĩ về tác dụng phụ của statin là thấp, ngay cả đối với những tác dụng phụ hay được bệnh nhân phản ảnh nhất.”
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân gặp các vấn đề nghiêm trọng do dùng thuốc statin, nhưng hầu hết bác sĩ sẽ không coi thuốc này là căn nguyên. Họ thường giả định rằng bệnh nhân vừa mắc phải một căn bệnh khác, trong khi statin mới là tội đồ.
Thật đáng lo ngại khi người trẻ tuổi cũng được kê đơn statin, nhất là phụ nữ có ý định mang thai và muốn sinh con khỏe mạnh. Statin thực ra đã được liệt vào thuốc loại X cho thai phụ, nghĩa là statin có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng! Tuy nhiên, hầu như không bác sĩ sản khoa nào từ chối kê đơn statin cho phụ nữ đang hoặc muốn mang thai mà có mức cholesterol cao.
Statin thậm chí không hiệu quả cho chính mục đích nó được chế ra. Đã có trường hợp 155 người dễ bị bệnh tim mạch (nguy cơ nhồi máu cơ tim cao), cần phải dùng statin liều cao trong vòng một năm. Kết quả chỉ có một người ngăn ngừa được nhồi máu cơ tim. Dĩ nhiên, tất cả họ đều bị tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc các tác dụng phụ tai hại khác.
Một tác dụng phụ nghiêm trọng của statin là làm cơ thể cạn kiệt vitamin D, một loại hormone steroid thiết yếu mà cơ thể sử dụng để điều chỉnh hàng ngàn gien, hệ miễn dịch và nhiều quá trình rất quan trọng. Cơ thể cũng dùng vitamin D để ngăn ngừa hoặc giảm kháng insulin – chính là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường. Để tạo ra vitamin D, cơ thể cần cholesterol. Giảm cholesterol một cách ép uổng khác nào hút nhựa ra khỏi cây, mà thiếu nhựa, cây không thể lớn.
Trớ trêu thay, statin cũng làm tăng nguy cơ suy tim mãn tính, huyết áp cao và nhồi máu cơ tim. Nó ngăn chặn chuỗi phản ứng hóa sinh sản xuất ra cholesterol và CoQ10. CoQ10 là chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ tế bào và ADN ty thể. Khi làm giảm cholesterol trong máu, statin cản trở CoQ10 và các chất chống oxy hóa hòa tan khác trong chất béo đến được tế bào cơ, kể cả tế bào tim. Kết quả là hoạt động gốc tự do tăng lên và ty thể bị tổn thương. Rút cuộc, trái tim thiếu cholesterol và CoQ10 không thể hoạt động được rồi bị tê liệt.
Tất nhiên, các công ty dược phẩm không thể chính thức tuyên bố statin làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, nhưng họ đã khéo léo tạo ra quan niệm như vậy trong dân chúng.
Thuốc giảm cholesterol được kê đơn nhiều nhất là Lipitor. Bạn nên đọc cảnh báo sau trên trang web chính thức của Lipitor:
“LIPITOR® (atorvastatin canxi) là thuốc theo đơn sử dụng kết hợp với chế độ dinh dưỡng để giảm cholesterol. LIPITOR không dành cho tất cả mọi người, nhất là người mắc bệnh gan hoặc các vấn đề về gan; phụ nữ đang cho con bú, đang mang thai hoặc có thể mang thai. LIPITOR không được khẳng định là có thể ngăn ngừa bệnh tim hoặc nhồi máu cơ tim.”
Trang web của LIPITOR, cũng như tất cả các trang web về statin khác, đưa ra tuyên bố đại loại thế này: “Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động, LIPITOR giúp giảm cholesterol xấu 39 – 60% (hiệu quả trung bình theo liều lượng).” Nhà sản xuất biết rõ rằng chẳng có bằng chứng nào của việc statin tự thân làm giảm cholesterol xấu. Thực ra thành tích giảm cholesterol thuộc về chế độ dinh dưỡng và tập thể dục, dù có dùng statin hay không. Khi bệnh nhân dùng thuốc mà không kết hợp tập thể dục và thay đổi chế độ ăn, thì trách nhiệm sẽ được đẩy về phía bệnh nhân nếu họ không đạt được kết quả mong đợi.
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao nhà sản xuất thuốc lại tích cực quảng bá chương trình tập thể dục và dinh dưỡng lành mạnh, trong khi họ chỉ quan tâm thực sự đến bán thuốc, chứ đâu phải sách dạy nấu ăn hay máy chạy bộ? Đơn giản, vì nếu không có hai điều đó, statin hoàn toàn vô tích sự.
Thêm nữa, không có bằng chứng lâm sàng cho thấy statin thực sự làm giảm cholesterol. Tất cả nghiên cứu statin cho đến nay đều sử dụng giả dược không được tiết lộ. Thường các công ty dược phẩm dùng giả dược cho một nhóm đối tượng có kết quả kém hơn so với đối tượng trong nhóm dùng thuốc thật. Khi thuốc thật tốt hơn giả dược, nó tất nhiên được coi là có công dụng. Bí quyết ở chỗ chọn loại giả dược có chứa chất béo nồng độ cao để làm tăng cholesterol.
Những nghiên cứu chân thực (không được các công ty dược phẩm tài trợ) cho bạn kết quả hoàn toàn khác. Như trong nghiên cứu của Đại học Michigan, sức khỏe tim mạch của đối tượng không dùng statin tốt hơn hẳn những người dùng thuốc.
Ngành công nghiệp y tế tuyên truyền dữ dội để ngăn chặn sụt giảm doanh số statin và làm lượng bán tăng trở lại. Một nghiên cứu tháng 12 năm 2011 cố gắng gán cho statin những tác dụng khác ngoài giảm cholesterol trong máu. Kết luận của nghiên cứu1 được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm tháng 1 năm 2012 cho rằng “sử dụng statin có thể liên can đến giảm 50% ca tử vong của bệnh nhân nhập viện do cúm.” Thế là giới truyền thông vội loan báo: “Statin làm giảm một nửa nguy cơ tử vong do cúm.”
1 Journal of Infectious Diseases. J Infect Dis. Tháng 1 2012;205(1):13-9. Epub 2011, 13 tháng 12.
Tóm tắt nghiên cứu này không nói rõ rằng trong khi 33% bệnh nhân được cho uống statin, những người còn lại được chỉ định thuốc kháng virus. Nói cách khác, đây không thể gọi là nghiên cứu lâm sàng, bởi bất cứ nghiên cứu khoa học nào cũng đều phải có một nhóm dùng giả dược thì mới xác định được công dụng và hiệu quả của thuốc thật. Trong nghiên cứu này, thuốc statin được mang so với thuốc kháng virus độc hại, chứ không phải với giả dược.
Nói cách khác, nghiên cứu này thực ra chứng tỏ rằng thuốc kháng virus giết bệnh nhân nhiễm virus cúm nhanh gấp đôi so với statin. Điều này chẳng làm ai ngạc nhiên, bởi tác dụng phụ của thuốc chống siêu vi như Tamiflu và Relenza có thể rất nghiêm trọng, nhất là đối với người nhập viện vì một căn bệnh khác hoặc đã bị suy giảm miễn dịch. Chẳng có gì đề cập trong nghiên cứu này có thể giải thích được tại sao statin lại ngăn ngừa được tử vong do cúm.
Sự gian lận này lên đỉnh điểm khi hai nhân viên của một công ty truyền thông gần đây thừa nhận họ đã được trả tiền để phịa ra một số nghiên cứu về Tamiflu, với những hướng dẫn rõ ràng để kết luận chính xác về hiệu quả của nó1. Có thể bạn còn nhớ, tổng thống George W. Bush đã chi hơn một tỉ đô la tiền thuế của dân để dự trữ thuốc này, nhằm tránh đại dịch cúm H1N1 chưa từng xảy ra.
1 Bác sĩ phẫn nộ sau khi khuyến cáo thuốc (mà bạn có thể đang dùng), BS Joseph Mercola, ngày 07 tháng 2 năm 2012 http://www.mercola.com
Những khám phá mới tại Đại học California công bố trên Biên niên sử Y khoa vào tháng 10 năm 2010 đã cho thấy 92% trong 145 thử nghiệm lâm sàng thực hiện năm 2008 – 2009, là không hợp lệ vì không tiết lộ loại giả dược đã sử dụng. Khi chọn một giả dược làm tăng mức cholesterol trong nhóm kiểm soát, nhà nghiên cứu có thể dễ dàng chứng minh rằng statin có hiệu quả hơn so với giả dược.
Nhiều bác sĩ và nhà khoa học đã viện dẫn nghiên cứu đáng xấu hổ JUPITER2 để biện minh cho việc điều trị bằng statin. Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Y học New England năm 2008, khoe khoang rằng statin làm giảm nguy cơ đau tim 54% và nguy cơ đột quỵ tới 46%. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Astra – Zeneca, công ty sản xuất thuốc statin Crestor.
2 Nghiên cứu JUPITER, N Engl J Med 2008; 359:2195-2207, 20 tháng 11, 2008
Mới đầu, kết luận tích cực của nghiên cứu đã đẩy mạnh doanh số statin trên toàn thế giới và ai cũng vui mừng. Tuy nhiên, hai năm sau rắc rối xuất hiện chính trong nội bộ nhà sản xuất. Các tuyên bố statin ngăn ngừa nhồi máu cơ tim và đột quỵ đã bị bác bỏ trong ba bài báo công bố trên tạp chí Lưu trữ Nội khoa (Archives of Internal Medicine).
Một trong ba nghiên cứu đã rà soát các phương pháp và kết quả của thử nghiệm JUPITER cho thấy nó chứa nhiều sai sót. “Đặc biệt, lợi ích thương mại to lớn trong nghiên cứu gây lo ngại về tính thiên vị trong các thử nghiệm”. Thử nghiệm statin đã bị ngừng sau chưa đầy hai năm theo dõi, và các tiêu chí khách quan nhất không cho thấy khác biệt nào giữa nhóm uống thuốc thật và nhóm dùng giả dược.
Bệnh nhân và chuyên gia y tế không chỉ bị lừa bởi nghiên cứu gian lận, mà ngay cả lý thuyết khoa học làm nền tảng cho các phương pháp nghiên cứu tiêu chuẩn cũng thiếu sót và thiếu căn cứ. Các nhà nghiên cứu nổi tiếng từ Đại học Oxford, Trung tâm Y tế Đại học Hamburg – Eppendorf, Đại học Cambridge và Đại học Kỹ thuật Munich, nhận thấy rằng yếu tố quyết định và ảnh hưởng nhất tới hiệu quả của việc điều trị bằng thuốc chẳng qua là tâm lý của chính bệnh nhân. Nghiên cứu mà họ công bố ngày 16 tháng 2 năm 2011 trên tạp chí Khoa học Y khoa Tịnh tiến (Science Translational Medicine)1, xóa bỏ mọi nghi ngờ rằng thực ra hiệu ứng giả dược mới là yếu tố chữa bệnh, chứ không phải do thuốc hay thậm chí phẫu thuật.
1 [Sci Transl Med 16 February 2011: Vol. 3, Issue 70, p. 70ra14, DOI: 10.1126/scitranslmed.3001244]
Bản tóm tắt của nghiên cứu nêu rõ: “Bằng chứng từ dữ liệu về hành vi và lời chứng của bệnh nhân cho thấy niềm tin và hy vọng của họ có thể định hình cả tác dụng điều trị và tác dụng phụ của bất kỳ loại thuốc nào.” Họ đã dùng hình ảnh não để phát hiện ra rằng kỳ vọng khác nhau của bệnh nhân làm thay đổi hiệu quả giảm đau của opioid (một loại thuốc giảm đau).
Trong nghiên cứu đó, khi đối tượng thử nghiệm được báo rằng họ không có thuốc giảm đau (dù thực ra họ có dùng), thì thuốc hoàn toàn không hiệu quả. Trên thực tế, tác dụng của thuốc giảm đau có thể được tăng cường hoặc triệt tiêu hoàn toàn chỉ bằng cách điều chỉnh kỳ vọng của bệnh nhân, tức là họ mới là người quyết định mình có đỡ đau hay không.
Phản ứng phụ của statin phổ biến nhất do Ủy ban Tư vấn Phản ứng thuốc Thụy Điển (Swedish Adverse Drug Reactions Advisory Committee) ghi nhận từ 1988 – 2010 là chấn thương gan nghiêm trọng. Dù các bác sĩ được huấn luyện để hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh gan, hiếm khi họ nói cho bệnh nhân rằng dùng statin có thể dẫn đến vàng da, ghép gan và tử vong do suy gan cấp. Những bệnh tật như vậy chiếm tới 57% trong số tác dụng phụ liên quan đến statin và có thể xảy ra rất đột ngột, không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào.
Rất nhiều ảnh hưởng xấu khác có thể xảy đến khi mức cholesterol xuống quá thấp, như trầm cảm, lo lắng, các hành vi bạo lực, mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn chức năng tình dục, thiếu máu, ức chế miễn dịch, đục thủy tinh thể, rối loạn chức năng tuyến tụy, bệnh Parkinson, thần kinh tổn thương ở tay và chân, tăng nguy cơ ung thư (cholesterol càng thấp, nguy cơ càng cao) và đột quỵ.
Theo một nghiên cứu lớn công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (Journal of the American Medical Association)1, đàn ông có cholesterol 330 mg/dl bị đột quỵ do xuất huyết ít hơn những người có cholesterol dưới 180 mg/dl. Tức là nồng độ cholesterol trong huyết thanh cao hơn sẽ nâng cao mức bảo vệ khỏi đột quỵ do xuất huyết.
1 JAMA (Journal of the American Medical Association), 28/11/1986 - Vol. 296, No 20
Khi dùng statin để kéo cholesterol LDL xuống quá thấp, bệnh nhân sẽ gặp các vấn đề về trí nhớ hoặc tiền Alzheimer, thậm chí mất trí nhớ hoàn toàn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer đã tăng rất nhanh từ khi statin trở thành loại thuốc phổ biến nhất mọi thời đại.
Điều tối quan trọng là phải thừa nhận cholesterol vô cùng cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ miễn dịch, đặc biệt cho phản ứng của cơ thể với hàng triệu tế bào ung thư mà mỗi chúng ta sinh ra hằng ngày (thông tin chi tiết về nguyên nhân gây ung thư và cách chữa, xin xem cuốn sách của tôi Ung thư không phải là bệnh, mà là cơ chế chữa lành).
Dù nhiều vấn đề sức khỏe dường như có liên quan đến mức cholesterol cao, chúng ta không nên gắng sức loại bỏ chất quan trọng này khỏi cơ thể. Chỉ vì cholesterol có mặt tại hiện trường vụ án không có nghĩa nó là thủ phạm. Cholesterol có lợi nhiều hơn là có hại. Tổn thương thực ra là bằng chứng của các vấn đề khác. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, cholesterol xấu chỉ được trám vào thành động mạch nhằm tránh cho ta các vấn đề tim mạch chứ nó không phải nguyên nhân. Dù thế nào đi nữa, cơ thể không bao giờ có ý định tự tử.
Cần nói thêm về hiện tượng cholesterol không bao giờ tự trám vào thành tĩnh mạch. Khi kiểm tra mức cholesterol, mẫu máu được lấy là ở tĩnh mạch chứ không phải động mạch. Do dòng máu trong tĩnh mạch chậm hơn nhiều so với trong động mạch, nên lẽ ra cholesterol dễ làm tắc tĩnh mạch hơn nhiều so với động mạch, nhưng chuyện đó lại không bao giờ xảy ra. Đơn giản là không cần thiết. Tại sao? Bởi vì niêm mạc của tĩnh mạch không bị bào mòn và thương tổn để phải vá lại. Cholesterol chỉ trám vào động mạch để phủ lên và dặm vá các vết trầy xước nhằm bảo vệ các mô bên dưới, như vai trò của băng cứu thương. Tĩnh mạch không hấp thụ protein trong màng đáy như mao mạch hay động mạch, nên nó không bị trầy xước như thế.
Cholesterol xấu cứu người chứ không giết người. LDL cho phép máu lưu thông qua các mạch máu bị tổn thương mà không gây ra nguy hiểm tính mạng. Giả thuyết rằng mức LDL cao là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch vành vẫn chưa bao giờ được chứng minh và phản khoa học. Nó đã khiến chúng ta lầm tưởng cholesterol là kẻ thù mà ta phải chiến đấu và tiêu diệt bằng mọi giá. Các nghiên cứu ở người chưa hề chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa cholesterol và bệnh tim.
Có hàng trăm nghiên cứu cố chứng minh rằng mối quan hệ đó tồn tại, nhưng may thay, tất cả chỉ là tương quan thống kê giữa cholesterol và bệnh tim. Nếu không có cholesterol xấu để trám động mạch bị tổn thương, loài người đã có thêm nhiều triệu ca tử vong do nhồi máu cơ tim. Ngược lại, hàng chục nghiên cứu đã cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim tăng đáng kể ở những người có mức HDL thấp. Cách tiếp cận sáng suốt hơn nhiều là tìm cách giữ HDL ở mức bình thường, thay vì ức chế gan sản xuất cholesterol và do vậy phá hủy cơ quan quý giá này. Mức cholesterol LDL tăng cao không phải nguyên nhân gây ra bệnh tim; đúng hơn, đó là hậu quả của lá gan mất cân bằng, hệ tuần hoàn bị tắc nghẽn, mất nước cùng chế độ ăn và lối sống không phù hợp.
Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, tựa đề “Cholesterol và tử vong”, tỉ lệ tử vong sau độ tuổi 50 không liên quan đến cholesterol cao. Nghiên cứu tương tự cho thấy 1 mg/dl cholesterol bị giảm đi trong cơ thể sẽ làm nguy cơ tử vong vọt lên con số khổng lồ 14%. Nói cách khác, uống statin có thể gây chết người.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao phải gây nguy hiểm cho sức khỏe hoặc tính mạng của bệnh nhân bằng loại thuốc chẳng có tác dụng gì? Giảm mức cholesterol chẳng thể ngăn ngừa bệnh tim, bởi cholesterol không hề gây ra bệnh tim.
Vấn đề mấu chốt của cholesterol là cơ thể sử dụng nó và các chất béo khác hiệu quả tới mức nào. Khả năng tiêu hóa, xử lý và sử dụng chất béo của cơ thể phụ thuộc vào độ sạch sẽ và thông suốt của các ống dẫn mật trong gan. Khi dòng dịch mật được khai thông nhờ các động tác của thải độc gan, thì mức LDL lẫn HDL đều tự nhiên được cân bằng, nếu chế độ ăn và lối sống cũng lành mạnh. Ngoài ra, cho toàn thân tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời sẽ giữ cholesterol ở mức cần thiết. Các biện pháp phòng ngừa cơ bản này là điều tốt nhất bạn có thể làm để phòng bệnh tim mạch vành.
Sỏi mật trong gan có thể dẫn đến lưu thông máu kém, tim và lá lách to, giãn tĩnh mạch, tắc mạch bạch huyết và mất cân bằng nội tiết tố. Khi sỏi mật phát triển lớn tới mức làm biến dạng nghiêm trọng khung cấu trúc các tiểu thùy gan, lưu thông máu qua gan ngày càng khó khăn. Điều này không chỉ làm tăng huyết áp tĩnh mạch trong gan, mà còn làm tăng huyết áp ở tất cả các cơ quan và khu vực cơ thể có máu chảy qua trước khi đổ vào tĩnh mạch cửa gan (Hình 8, trang 491). Lưu lượng máu bị hạn chế trong tĩnh mạch cửa gây nhiều tắc nghẽn, nhất là tại lá lách, dạ dày, thực quản, tụy, túi mật, ruột non và ruột già. Tình trạng đó lại dẫn tới các cơ quan này bị phình to, do chúng bị giảm khả năng loại bỏ chất thải tế bào và tĩnh mạch ở đó bị nghẽn.
Giãn tĩnh mạch là bệnh xảy ra khi tĩnh mạch bị giãn ra đến mức các van không đóng khít được để ngăn máu chảy ngược. Áp lực lên tĩnh mạch tại điểm nối của trực tràng và hậu môn ở ruột già dẫn đến bệnh trĩ – cũng là một loại bệnh suy tĩnh mạch. Các vị trí phổ biến khác của chứng giãn tĩnh mạch là chân, thực quản và bìu. Hiện tượng giãn ở tĩnh mạch và tĩnh mạch nhỏ có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong cơ thể và nó luôn là dấu hiệu của tắc nghẽn lưu thông máu1.
1 Các bác sĩ ở Đức điều trị giãn tĩnh mạch bằng thảo dược hạt dẻ ngựa đã thành công trong việc điều trị bệnh “nặng chân”, bệnh trĩ và chuột rút. Kết hợp với tẩy gan, thải độc thận và thụt rửa đại tràng, hạt dẻ ngựa có thể giúp phục hồi hoàn toàn. Uống ¼ - ½ thìa cà phê ớt cayenne pha nước hoặc dạng viên nang mỗi ngày cũng giúp chữa bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch.
Lưu lượng máu qua gan giảm sút cũng ảnh hưởng đến tim. Khi các cơ quan của hệ tiêu hóa bị suy yếu do áp lực tĩnh mạch gia tăng, chúng bị tắc nghẽn và tích tụ chất thải có hại, gồm cả chất thải trao đổi chất và xác tế bào chết. Lá lách bị phình to ra, bởi phải quán xuyến thêm lượng công việc để loại bỏ tế bào máu bị hư hại hoặc già cỗi. Kết quả là làm chậm quá trình lưu thông máu đi và đến ở các bộ phận của hệ tiêu hóa, gây căng thẳng cho tim, làm tăng huyết áp và làm tổn thương mạch máu.
Nửa tim bên phải, tiếp nhận máu qua tĩnh mạch chủ dưới từ gan và các bộ phận phía dưới phổi, trở nên quá tải vì độc tố, đôi khi vì cả các vật chất truyền nhiễm. Chuyện này cuối cùng sẽ dẫn đến sự giãn nở cũng như nhiễm trùng ở nửa tim bên phải.
Hầu như mọi loại bệnh tim đều có chung một đặc điểm: máu bị cản trở lưu thông. Nhưng tuần hoàn máu không dễ bị gián đoạn như vậy. Trước đó phải là hiện tượng ống dẫn mật trong gan bị tắc nghẽn. Sỏi mật trong ống mật làm giảm đáng kể hoặc cắt đứt nguồn cung cấp máu cho nhiều tế bào gan. Lưu lượng máu qua gan sụt giảm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu trong toàn bộ cơ thể, và do đó gây tác động ức chế hệ bạch huyết.
Hệ bạch huyết liên hệ chặt chẽ với hệ miễn dịch, giúp quét sạch chất thải chuyển hóa, vật chất lạ và xác tế bào ra khỏi cơ thể. Tất cả các tế bào giải phóng chất thải trao đổi chất và lấy chất dinh dưỡng từ dung dịch bao quanh chúng, gọi là dịch ngoại bào hoặc mô liên kết. Sức khỏe và hiệu quả của tế bào phụ thuộc vào tốc độ và độ triệt để mà chất thải được đào thải ra khỏi chất lỏng ngoại bào. Vì hầu hết các chất thải không đi trực tiếp vào máu để bài tiết, chúng tích tụ trong dịch ngoại bào đến khi được thải loại qua hệ bạch huyết. Vật chất gây hại được lọc và trung hòa tại các hạch bạch huyết, nằm tại nhiều vị trí chiến lược trên khắp cơ thể. Một chức năng chính của hệ bạch huyết là giữ cho dịch ngoại bào không chứa chất độc hại, bởi vậy hệ thống này hết sức quan trọng.
Lưu thông máu kém gây quá tải chất thải có hại trong mô ngoại bào cũng như tại các mạch bạch huyết và hạch bạch huyết. Khi dẫn lưu bạch huyết bị chậm lại hoặc bị tắc nghẽn, tuyến ức, amidan và lá lách bị ảnh hưởng nhanh chóng. Các cơ quan này vốn là phần quan trọng trong hệ thống thanh lọc và hệ miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, vi khuẩn trong sỏi mật còn là nguyên nhân cho hiện tượng viêm nhiễm lặp đi lặp lại trong cơ thể, làm vô hiệu hóa hệ bạch huyết và hệ miễn dịch trong cuộc chiến chống các bệnh viêm nhiễm nghiêm trọng hơn, như bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (còn gọi là bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng EBV), bệnh thương hàn, lao, giang mai và nhiều bệnh tương tự.
Khi dòng dịch mật bị bó hẹp tại gan và túi mật, khả năng tiêu hóa thức ăn của ruột non bị ảnh hưởng theo. Thế là một số lượng đáng kể chất thải và các chất độc hại, như cadaverine và putrescine (hợp chất có mùi hôi tạo ra khi protein động vật bị phân hủy) sẽ thấm vào mạch bạch huyết.
Những độc tố này cùng với chất béo và protein xâm nhập mạch bạch huyết lớn nhất cơ thể là ống ngực, tại bể dưỡng trấp. Bể dưỡng trấp là một túi giãn ở đầu dưới của ống ngực, nơi bạch huyết chảy vào từ nhánh mạch bạch huyết ruột non và hai nhánh mạch bạch huyết thắt lưng. Nó nằm phía trước hai đốt sống thắt lưng đầu tiên ngang rốn (xem Hình 10, trang 492) và tạo thành mạch chính vận chuyển bạch huyết và nhũ trấp mỡ từ bụng qua cửa động mạch chủ đến ngã ba của tĩnh mạch dưới đòn trái và tĩnh mạch cảnh trong.
Dù tổ hợp bể dưỡng trấp/ống ngực là kênh thoát chính cho hầu hết các hoạt động bạch huyết, các bác sĩ hiếm khi nhận ra rằng chính tình trạng tắc nghẽn ở đó là nguyên nhân quan trọng sinh bệnh. Còn bạn sẽ thấy ngay dưới đây, nó đóng vai trò quan trọng nhường nào trong cơ thể.
Các chất độc, kháng nguyên và protein động vật chưa tiêu hóa hết, như thịt, cá, trứng, sữa, cùng protein huyết tương bị rò rỉ, đều làm các túi bạch huyết sưng lên và bị viêm. Ngay sau khi con vật bị giết thịt, tế bào chết đi và các liên kết protein bị phá vỡ bởi các enzyme của tế bào. Các protein được gọi là thoái hóa này không thể sử dụng trong cơ thể nữa, chúng trở nên rất có hại trừ khi được hệ bạch huyết loại bỏ kịp thời.
Thịt chết cũng tăng cường hoạt động của vi sinh vật. Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, gần 80% thịt bò xay có nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Sự ô nhiễm tiếp diễn tồi tệ hơn khi thức ăn thịt cá được đẩy đến ruột, nơi có nhiều vi khuẩn, nấm, giun và ký sinh trùng ăn chất thải.
Cơ thể con người chỉ tiêu hóa một lúc được 15 – 20% hamburger kích thước trung bình (khoảng 70 gam), phần lớn còn lại biến thành chất thải và thối rữa.
Thịt ăn vào bị phân hủy và trở thành nguồn protein thoái hóa và các chất độc hại, các chất này được hấp thụ làm tắc nghẽn bể dưỡng trấp. Trong nhiều trường hợp, cơ thể phản ứng bằng cách nổi dị ứng.
Khi mạch bể dưỡng trấp bị quá tải và tắc nghẽn, hệ bạch huyết mất khả năng thải loại hết protein thoái hóa do chính cơ thể sinh ra (từ các tế bào già cỗi). Điều này dẫn đến phù bạch huyết.
Khi nằm ngửa, chỗ phù bạch huyết có thể sờ thấy được như những nút thắt cứng, có khi to bằng nắm tay ở khu vực rốn. Những cục đá này là nguyên nhân chính của cơn đau giữa lưng và thắt lưng cũng như phình bụng và hầu hết các triệu chứng của sức khỏe kém. Nhiều người bụng phệ coi đây chỉ là phiền toái vô hại hoặc một phần tự nhiên của hiện tượng lão hóa. Họ không biết rằng một quả bom nổ chậm đang hình thành và có thể phát nổ lúc nào đó, làm tổn thương các bộ phận quan trọng của cơ thể. Trong thực tế, người bụng phình nào cũng bị tắc nghẽn bạch huyết nghiêm trọng.
Hệ miễn dịch và hệ bạch huyết có quan hệ chặt chẽ với nhau. Khoảng 80% hệ bạch huyết liên quan đến ruột, làm cho khu vực này trở thành trung tâm hoạt động miễn dịch lớn nhất. Đây không phải là sự trùng hợp. Đường ruột là nơi hầu hết các tác nhân gây bệnh được vô hiệu hóa. Tuy nhiên, nơi đây cũng có thể trở thành bể chứa độc tố và mầm bệnh nếu nó hoạt động không hiệu quả. Bất kỳ hiện tượng phù bạch huyết nào, hoặc tắc nghẽn nhỏ tại khu vực trọng yếu này của hệ bạch huyết, đều có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng ở nơi khác trong cơ thể.
Ống ngực phải loại bỏ khoảng 85% chất thải mà tế bào tạo ra hằng ngày cũng như các vật liệu nguy hại khác, tắc nghẽn ở đây sẽ làm chất thải độc hại bị lưu trữ vào các phần khác xa hơn của cơ thể.
Nếu chất thải trao đổi chất và xác tế bào không được loại bỏ, sau thời gian ngắn sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh. Có thể kể đến những triệu chứng bệnh điển hình phát sinh trực tiếp từ tắc nghẽn mãn tính ở hệ bạch huyết: béo phì, u nang tử cung hoặc buồng trứng, phì đại tuyến tiền liệt, thấp khớp, tim to, suy tim sung huyết, tắc nghẽn phế quản và phổi, sưng cổ hoặc to cổ, cứng ở cổ và vai, đau lưng, nhức đầu, đau nửa đầu, chóng mặt, ù tai, đau tai, điếc, có nhiều gàu, cảm lạnh thường xuyên, viêm xoang, sốt, các loại hen suyễn, phì đại tuyến giáp, các bệnh về mắt, thị lực kém, sưng vú, một số bệnh ung thư vú, các vấn đề về thận, đau lưng dưới, sưng chân và mắt cá chân, vẹo cột sống, rối loạn não, mất trí nhớ, đau dạ dày, lá lách to, hội chứng ruột kích thích, thoát vị, polyp ở đại tràng và nhiều bệnh khác.
Từ ống ngực, các chất thải đã được giải độc thường được đẩy vào tĩnh mạch dưới xương đòn trái ở gốc cổ. Tĩnh mạch này nối với tĩnh mạch chủ trên và dẫn thẳng vào tim. Tắc nghẽn ống ngực và bể dưỡng trấp không những ngăn chặn dẫn lưu bạch huyết trong cơ thể mà còn làm cho vật liệu độc hại truyền vào tim và động mạch tim, gây căng thẳng lên tim. Nó cũng làm độc tố và tác nhân gây bệnh xâm nhập hệ tuần hoàn và lan sang các bộ phận khác trong cơ thể.
Khó tìm được bệnh nào không phải do tắc nghẽn bạch huyết. Bạch huyết bị cản trở hầu hết đều bắt nguồn từ ách tắc ở gan và kèm theo các vấn đề tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, kém hấp thụ chất dinh dưỡng, rò rỉ ruột, hội chứng ruột kích thích, hệ vi khuẩn đường ruột bị xáo trộn, dị ứng thực phẩm, nấm candida phát triển quá mức, nhiễm ký sinh trùng, v.v.. Tệ hơn có thể dẫn đến ung thư hạch hay ung thư bạch huyết, nhất là bệnh Hodgkin rất phổ biến.
Khi hệ tuần hoàn gặp trục trặc do có sỏi trong gan, hệ nội tiết cũng bị ảnh hưởng. Các tuyến nội tiết sản xuất ra hormone được truyền trực tiếp từ các tế bào tuyến vào máu, gây tác động đến tất cả các hoạt động, sự phát triển và dinh dưỡng trong cơ thể. Các tuyến hay bị ảnh hưởng do tắc nghẽn bạch huyết là tuyến tụy, vỏ thượng thận, buồng trứng, tinh hoàn, nhưng nhiều nhất vẫn là tuyến giáp và tuyến cận giáp.
Tuyến giáp hoạt động kém rất đáng lo ngại bởi nó kéo theo nhiều loại bệnh mà người ta không công nhận là do sỏi mật và tắc nghẽn bạch huyết gây ra.
Một nghiên cứu của Đức đã tìm thấy sự liên hệ giữa bệnh tuyến giáp và sỏi mật với một mối quan hệ đặc thù giới tính giữa bệnh suy giáp và bệnh sỏi đường mật.1 Kinh nghiệm của tôi với bệnh nhân tuyến giáp yếu là sau một loạt các đợt tẩy sỏi mật, họ phục hồi được chức năng tuyến giáp. Do đó tôi tin rằng mối liên hệ này thực sự mang tính nhân quả.
1 World J Gastroenterol 2005;11(35):5530-5534
Dù vậy, tôi đồng ý với các tác giả của nghiên cứu trên, rằng thiếu hụt hormone tuyến giáp có thể khiến ống dẫn mật hoạt động chậm chạp, nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy rất rõ rằng gan và túi mật yếu cũng dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp và nhiều triệu chứng khác, như mệt mỏi, khô da, tóc mỏng, tóc rụng, trầm cảm, đau đầu buổi sáng, đầu óc lơ mơ, mất trí nhớ, giọng nói khàn, khó tập trung, chịu lạnh kém, thân nhiệt thấp, tuần hoàn kém, tê tay chân, chuột rút cơ bắp, tăng cân và khó giảm, chán ăn, táo bón, các bệnh về túi mật như sỏi mật, các vấn đề tiêu hóa mãn tính như axit dạ dày thấp.
Rối loạn chức năng tuần hoàn nghiêm trọng hơn dẫn đến mất cân bằng trong hoạt động tiết hormone tại tiểu đảo tụy, tuyến tùng và tuyến yên.
Tắc mạch máu, biểu hiện rõ rệt là máu bị đặc lại, sẽ ngăn chặn các hormone tới được đích đầy đủ và kịp thời. Khi đó các tuyến buộc phải tăng cường tiết hormone (gây khủng hoảng thừa).
Khi dẫn lưu bạch huyết từ các tuyến bị yếu đi, chúng sẽ bị tắc nghẽn và gây thiếu hụt hormone. Bệnh tật do mất cân bằng tuyến giáp gây ra phải kể đến bướu giáp độc, Basedow, tiểu đường, phù niêm, các khối u tuyến giáp và suy tuyến cận giáp. Rối loạn tuyến giáp cũng có thể làm giảm hấp thụ canxi và gây đục thủy tinh thể, cũng như rụng tóc, rối loạn hành vi và mất trí nhớ. Bản thân hấp thụ canxi kém cũng gây ra nhiều bệnh, bao gồm cả loãng xương. Trục trặc về tuần hoàn mà làm gián đoạn tiết insulin tại tiểu đảo tụy sẽ dễ gây bệnh tiểu đường.
Sỏi mật trong gan có thể khiến tế bào gan cắt giảm tổng hợp protein. Điều này thúc ép tuyến thượng thận sản xuất quá mức cortisol, là hormone kích thích tổng hợp protein. Tuy nhiên, quá nhiều cortisol trong máu làm phát sinh teo mô bạch huyết và phản ứng miễn dịch trầm cảm, được coi là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và nhiều bệnh nghiêm trọng khác.
(Lưu ý: Tại đây tôi xin nói lại rằng cách hiểu của tôi về bệnh tật khác với chính giới y khoa. Tôi có thừa lý do để tin rằng các triệu chứng của bệnh, như khối u ung thư, là nỗ lực chữa bệnh một cách hợp lý và hữu ích của cơ thể trong cố gắng cân bằng và khắc phục những tình trạng tiềm tàng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết thuốc Tây y chỉ nhằm vào chế ngự triệu chứng bệnh chứ không chữa chính bệnh đó.)
Mất cân bằng trong tiết hormone tuyến thượng thận có thể gây ra nhiều rối loạn, bởi nó dẫn đến giảm phản ứng sốt và giảm tổng hợp protein. Protein là viên gạch chính xây nên tế bào mô, hormone, v.v.. Gan là nơi có khả năng sản xuất rất nhiều loại hormone, là điều phối viên xác định chương trình phát triển và chữa bệnh của cơ thể.
Gan cũng ức chế một số hormone, như insulin, glucagon, cortisol, aldosterone, hormone tuyến giáp và hormone giới tính. Sỏi trong gan làm suy yếu chức năng sống còn này, dẫn đến tăng nồng độ hormone trong máu. Mất cân bằng nội tiết tố là một tình trạng cực kỳ nghiêm trọng và có thể dễ dàng xảy đến khi sỏi mật trong gan làm nghẽn các ngả đường tuần hoàn chính, cũng là đường dẫn truyền của hormone.
Ví dụ khi cortisol trong máu bị mất cân bằng, cơ thể sẽ tích lũy quá nhiều chất béo. Nếu estrogen không được phân giải hợp lý, nguy cơ ung thư vú sẽ tăng lên. Khi insulin trong máu không được phân giải phù hợp, nguy cơ ung thư cũng tăng lên và tế bào trong cơ thể trở nên kháng insulin, đây là tiền đề chính của bệnh tiểu đường.
Bệnh tật sẽ tự nhiên biến mất khi máu và bạch huyết không bị cản trở và trở lại lưu thông bình thường. Tất cả các vấn đề về tuần hoàn và bạch huyết đều có thể được cải thiện hoặc loại bỏ bằng cách tẩy sỏi mật, kèm theo chế độ dinh dưỡng và lối sống cân bằng.
Sức khỏe cả về tinh thần lẫn thể chất đều phụ thuộc vào hiệu quả và sức sống của tế bào. Chúng lấy phần lớn năng lượng từ các phản ứng sinh hóa diễn ra với sự tham gia của oxy. Một trong các chất thải được sinh ra là khí cacbonic. Hệ hô hấp tạo ra đường dẫn cho oxy được đưa vào cơ thể và khí cacbonic được thải ra ngoài. Máu chính là mạng lưới vận chuyển để trao đổi các khí này giữa phổi và các tế bào.
Sỏi mật trong gan có thể làm suy giảm chức năng hô hấp và gây dị ứng, rối loạn chức năng ở mũi và khoang mũi, các bệnh về phế quản và phổi. Khi sỏi mật làm biến dạng hoặc tổn thương các tiểu thùy gan, thì khả năng lọc máu của gan, ruột non, hệ bạch huyết và hệ miễn dịch cũng bị giảm sút. Chất thải độc hại, lẽ ra đã bị vô hiệu hóa tại các cơ quan và hệ thống này, giờ ngấm vào tim, phổi, phế quản và các đường hô hấp khác. Tiếp xúc liên tục với các chất gây kích ứng này làm giảm sức đề kháng của hệ hô hấp. Tắc nghẽn bạch huyết ở vùng bụng, đặc biệt ở bể dưỡng trấp và ống ngực, cản trở bạch huyết rút khỏi cơ quan hô hấp. Hầu hết các bệnh về đường hô hấp xảy ra do bạch huyết bị tắc như vậy.
Viêm phổi xảy ra khi các biện pháp bảo vệ tự nhiên của cơ thể không ngăn được vi khuẩn xâm nhập khi hít vào hoặc qua máu làm ổ trong phổi. Sỏi mật trong các ống mật tại gan chứa nhiều vi khuẩn có hại, cũng như các chất kích ứng độc hại tìm đường xâm nhập máu qua các khu vực gan bị những viên sỏi đó làm tổn thương. Chúng cũng làm suy yếu khả năng lọc và trung hòa độc tố của gan. Sỏi mật là nguồn ức chế miễn dịch liên tục, khiến cơ thể và đặc biệt là đường hô hấp trên, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kích hoạt bệnh cả từ bên trong và bên ngoài. Các yếu tố này gồm vi khuẩn sinh ra trong máu và trong không khí (gây viêm phổi), khói thuốc lá, rượu, X quang, thuốc kháng viêm corticosteroid, chất gây dị ứng, kháng nguyên, không khí ô nhiễm, hóa chất có trong thực phẩm và nước uống, chất thải độc hại từ đường tiêu hóa.
Biến chứng hô hấp còn phát sinh do sỏi mật tích tụ trong ống mật gan dẫn đến gan bị to ra. Gan nằm trong khoang bụng trên, trải dài gần hết chiều rộng của cơ thể. Bề mặt trên và trước mịn, có hình dạng uốn khớp với mặt cơ hoành. Khi bị phình to, gan cản trở cử động của cơ hoành và không cho phổi nở hết dung tích lúc ta hít vào.
Lá gan khỏe mạnh, mịn màng cho phép phổi dễ dàng nở rộng, tạo áp lực lên vùng bụng, ép vào bạch huyết và mạch máu để dồn dịch bạch huyết và máu về phía tim. Cơ chế thở này thường được gọi là thở bằng bụng, có thể dễ dàng quan sát thấy, nhất là ở những em bé khỏe mạnh.
Lá gan to ngăn cản cơ hoành và phổi giãn nở tối đa, làm giảm trao đổi khí trong phổi, gây tắc nghẽn bạch huyết và tồn quá nhiều khí cacbonic trong phổi. Hấp thụ oxy bị hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng của tế bào trên toàn cơ thể.
Trong thế giới công nghiệp hóa hiện nay, hầu như mọi lá gan đều bị to, nhất là người thừa cân hoặc béo phì. Lá gan vẫn được các bác sĩ cho là có kích thước bình thường thực ra là đã quá khổ. Khi toàn bộ sỏi mật được tống khứ qua các lần tẩy sỏi, gan có thể dần trở lại kích thước ban đầu. Hầu hết các bệnh về phổi, phế quản và đường hô hấp trên đều là phát sinh hoặc bị làm trầm trọng thêm vì sỏi mật trong gan và có thể được cải thiện hoặc loại bỏ khi ta loại trừ được những viên sỏi này thông qua tẩy gan.
Hệ tiết niệu là hệ thống bài tiết và điều tiết cực kỳ quan trọng trong cơ thể. Nó bao gồm hai quả thận, nơi hình thành và bài tiết nước tiểu; hai niệu quản, để dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang; bàng quang, nơi thu gom và lưu trữ tạm thời nước tiểu; và niệu đạo, qua đó nước tiểu từ bàng quang thải ra ngoài cơ thể (Hình 12, trang 494).
Hệ tiết niệu hoạt động thông suốt là điều kiện rất cần cho việc duy trì lượng chất lỏng phù hợp bằng cách điều chỉnh lượng nước bài tiết qua nước tiểu. Nó đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh nồng độ các chất điện giải1 trong dịch cơ thể và duy trì độ pH (cân bằng axit/kiềm) của máu. Hệ thống này cũng tham gia xử lý các chất thải hình thành trong quá trình phân giải (dị hóa) một số chất, ví dụ như protein tế bào trong gan.
1 Chất điện giải trở thành ion trong dung dịch và có khả năng dẫn điện. Cân bằng chất điện giải trong cơ thể rất cần thiết cho chức năng bình thường của tế bào và các cơ quan. Chất điện giải phổ biến nhất gồm natri, kali, clorua và bicarbonate.
Hầu hết các bệnh về thận và hệ tiết niệu đều liên quan đến mất cân bằng hệ thống lọc đơn giản tại thận. Có khoảng 100 – 150 lít dịch lọc loãng hình thành mỗi ngày trong hai quả thận. Trong đó chỉ 1 – 1,5 lít được bài tiết dưới dạng nước tiểu (phần còn lại được tái hấp thụ và tuần hoàn). Chỉ trừ tế bào máu, tiểu cầu và protein máu, tất cả thành phần khác trong máu đều phải đi qua thận. Quá trình lọc này bị gián đoạn và suy yếu khi hệ tiêu hóa, nhất là gan hoạt động kém hiệu quả.
Sỏi trong gan và túi mật làm giảm lượng dịch mật mà gan tiết ra, khi đó thức ăn rất khó được tiêu hóa. Thực phẩm không tiêu hết sẽ lên men và thối rữa, sinh ra chất thải độc hại trong máu và bạch huyết. Bình thường các chất bài tiết như nước tiểu, mồ hôi, khí và phân không chứa chất thải sinh bệnh, đó là trong điều kiện hệ thống đào thải đủ thông thoáng để đẩy nhanh chất thải ra khỏi cơ thể.
Mầm bệnh là các phân tử nhỏ li ti trong máu và bạch huyết, chỉ thấy được qua kính hiển vi điện tử độ phân giải cao, chúng có tác động axit hóa rất mạnh trong máu. Để tránh nhiễm bệnh hoặc rơi vào hôn mê, máu phải tìm cách loại bỏ các độc tố bằng cách tống khứ “bọn du thủ du thực” này vào mô liên kết của các bộ phận. Mô liên kết là chất lỏng giống như gel (bạch huyết) bao quanh mọi tế bào.
Trong điều kiện bình thường, cơ thể biết cách xử lý các chất thải có tính axit cao được xả vào mô liên kết. Nó giải phóng natri bicarbonate (NaHCO3 – được biết như baking soda – ND) có tính kiềm vào máu để trung hòa các độc tố axit, rồi loại bỏ qua các cơ quan bài tiết. Tuy nhiên, hệ thống thanh lọc tài tình này bị suy yếu đi khi chất độc lắng đọng nhanh hơn khả năng thu gom và thải loại của cơ thể. Lúc đó mô liên kết sẽ đặc lên như thạch. Các dưỡng chất, nước và oxy không thể tự do lưu thông, tế bào tại các cơ quan sẽ bị suy dinh dưỡng, mất nước và thiếu oxy.
Một trong những hợp chất có tính axit hóa mạnh nhất đối với cơ thể người là các loại protein từ thịt. Sỏi mật ức chế khả năng tiêu hóa và phân giải những protein này thành axit amin cần cho cơ thể. Axit amin phải nguyên vẹn, không bị hư hại thì mới được vận chuyển nhanh chóng qua màng tiêu hóa để cơ thể có thể tiếp nhận lợi ích từ chúng.
Đun nấu thực phẩm động vật như thịt, thịt gia cầm, cá, trứng và phô mai sẽ phá hủy cấu trúc ba chiều của protein, làm nó bị đông đặc lại. Chẳng hạn, bạn thấy quả trứng lỏng lúc còn sống nhưng cứng lại khi đem luộc; nhiệt đã phá vỡ liên kết của phân tử protein. Sự thay đổi này được gọi là biến tính protein.
Protein biến tính cũng mất khả năng hòa tan trong nước và pha loãng dung dịch muối. Trong khi đó, tính hòa tan lại rất cần thiết cho việc sử dụng và vận chuyển axit amin qua màng tiêu hóa và màng tế bào. Protein bị biến tính tạo ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe bởi chúng kích hoạt phản ứng viêm trong mạch máu, mạch bạch huyết, khớp, dây thần kinh và nhiều bộ phận khác. Nó góp phần sinh nhiều bệnh tật, kể cả ung thư, bệnh tim mạch vành, viêm khớp, rối loạn hệ thần kinh và các bệnh khác.
Nhiệt độ không phải nguyên nhân duy nhất gây đông tụ và biến tính protein. Một số muối độc, rượu, chấn thương vật lý, bức xạ ion hóa (tia X, quét CT) và sóng siêu âm cũng có thể làm biến tính protein, khiến nó không còn hòa tan được trong cơ thể.
Ta cần nhớ rằng protein là những viên gạch cơ bản xây tế bào. Thường xuyên tiếp xúc với bức xạ y tế và sóng siêu âm có thể gây ra tác hại nghiêm trọng, phá hủy các cụm protein tạo thành tế bào trong cơ thể.
Dù sao, cơ thể vẫn có biện pháp giải cứu giúp loại bỏ tối đa những protein bị hỏng này ra khỏi máu. Các protein biến tính và dư thừa được lưu trữ tạm thời trong các mô liên kết, sau đó được chuyển đổi thành sợi collagen. Sợi collagen rồi sẽ được chôn vào màng đáy thành mao mạch (Hình 9, trang 491).
Màng đáy thành mạch máu do vậy có thể dày lên đến 10 lần so với bình thường. Thành mạch càng bị tắc nghẽn thì càng ít protein có thể thoát ra khỏi mạch máu. Điều này làm máu đặc lại và ngày càng khó được lọc trong thận. (Lưu ý: Thận không lọc tế bào máu, mà chỉ lọc phần huyết tương của máu, gồm các dưỡng chất, kháng thể, chất thải, hormone, khoáng chất, vitamin, v.v..)
Trong khi đó, màng đáy thành mạch dẫn máu đến thận cũng bị tắc nghẽn, trở nên cứng hơn. Khi quá trình xơ cứng mạch máu tiến triển thêm, huyết áp bắt đầu tăng và hiệu suất làm việc của thận càng giảm. Ngày càng nhiều các chất thải chuyển hóa được tế bào thận bài tiết mà lẽ ra phải được thải qua tĩnh mạch và ống bạch huyết, giờ đây bị tồn lại và gây ảnh hưởng xấu hơn đến thận.
Kết quả là thận bị quá tải, không thể duy trì cân bằng chất lỏng và chất điện giải bình thường cho cơ thể.
Thêm nữa, các thành phần tiết niệu như muối và khoáng chất có thể kết tủa, tạo thành tinh thể và sỏi với nhiều loại và kích cỡ khác nhau (Hình 13a, trang 494), nhỏ từ hạt cát đến lớn như quả bóng chơi golf. Sỏi thận có thể gây đau đớn dữ dội ở bụng, sườn hoặc háng và là nguyên nhân của hiện tượng có máu trong nước tiểu. Những hòn sỏi có hình dạng tinh thể (Hình 13b, trang 495) đặc biệt có hại vì dễ làm vỡ mạch máu và gây viêm các mô thận mỏng manh.
Cứ 20 người thì có một người bị sỏi thận ở giai đoạn nào đó trong đời, thường là do chế độ ăn gây ra.
Loại sỏi phổ biến nhất hình thành khi nồng độ axit uric trong nước tiểu vượt quá 2 – 4 mg%. Con số này từng được coi là ngưỡng cho phép cho đến giữa thập niên 1960, sau đó được điều chỉnh tăng lên. Axit uric là sản phẩm phụ của quá trình phân giải protein trong gan. Từ khi lượng tiêu thụ thịt tăng mạnh, mức tiêu chuẩn được điều chỉnh lên 7,5 mg%. Việc gia tăng tiêu thụ đường lỏng (high fructose corn syrup) trong nước ngọt cũng góp phần rất lớn vào đẩy cao nồng độ axit uric trong dân số nói chung1.
1 Fructose là thủ phạm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường ở thanh thiếu niên, www.naturalnews.com
Tuy nhiên, sự điều chỉnh tăng này chẳng làm cho nồng độ axit uric từ 4 đến 7,5 mg% ít gây hại hơn cho cơ thể. Tất cả sỏi đều hình thành từ nồng độ axit uric 4 mg% trở lên (xem hình ảnh sỏi bàng quang trong Hình 13c, trang 495), dẫn đến tắc nghẽn đường tiểu, nhiễm trùng thận và cuối cùng là suy thận.
Khi tế bào thận càng ngày càng thiếu dưỡng chất quan trọng, nhất là oxy, các khối u ác tính có thể hình thành. Thêm nữa, các tinh thể axit uric nhỏ không được đào thải qua thận sẽ lắng vào khớp và gây ra bệnh thấp khớp, bệnh gout và phù.
Biểu hiện của bệnh thận đang tiến triển thường nhẹ nhàng một cách gian giảo so với tầm nghiêm trọng của bệnh. Các dấu hiệu thấy rõ và phổ biến nhất của các vấn đề về thận là thay đổi bất thường về thể tích, tần suất và màu sắc của nước tiểu. Chúng hay đi kèm với sưng mắt, mặt và mắt cá chân, cũng như đau ở lưng trên và lưng dưới. Khi bệnh tiến xa hơn, có thể bị mờ mắt, mệt mỏi, giảm hoạt động và buồn nôn.
Các triệu chứng khác cũng thể hiện trục trặc tại thận: huyết áp cao, huyết áp thấp, đau chạy từ bụng trên xuống dưới, nước tiểu màu nâu sẫm, đau ngay phía trên thắt lưng, háo nước, tăng đi tiểu (đặc biệt là trong đêm), tiểu ít hơn 500 ml mỗi ngày, cảm giác đầy bàng quang, đau khi đi tiểu, da khô hơn và sẫm màu hơn, sưng mắt cá chân vào ban đêm hay buổi sáng, bầm tím và xuất huyết.
Tất cả bệnh phổ biến tại hệ tiết niệu đều do máu nhiễm độc; nói cách khác là do máu chứa đầy phân tử chất thải li ti và protein dư thừa hoặc biến tính. Sỏi mật trong gan và túi mật làm suy yếu tiêu hóa, gây tắc nghẽn máu và bạch huyết, cản trở toàn bộ lưu thông máu, bao gồm cả ở hệ tiết niệu.
Khi loại được sỏi, hệ tiết niệu có cơ hội phục hồi, loại bỏ độc tố và tích tụ sỏi, cũng như duy trì cân bằng dịch và huyết áp. Đây là điều tối cần thiết để mọi hoạt động trong cơ thể được trơn tru và hiệu quả.
Khuyến cáo: Hãy đảm bảo uống đủ 6 – 8 ly nước mỗi ngày và tránh thừa cân. Thiếu nước và tăng cân là những nguy cơ chính dẫn đến sỏi thận. Ăn nhiều protein động vật, muối tinh chế, thực phẩm chế biến, đường và bổ sung vitamin D quá mức cũng gây tác hại tương tự. Nếu bị sỏi thận, ngoài tẩy sỏi mật, bạn cũng cần tẩy sỏi thận (xem mục “Giữ sạch thận” ở Chương 5).
Tính cách, hành vi, cách tương tác với người xung quanh, tâm trạng, ham muốn, mức độ kiên nhẫn, khả năng chịu đựng và phản ứng với sự việc xung quanh – tất thảy những điều này ở chúng ta đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi trạng thái của hệ thần kinh. Trong guồng quay cuộc sống ngày nay, chúng ta đối mặt với nhiều căng thẳng có thể tàn phá cơ thể. Não là trung tâm điều khiển, nếu nó không được nuôi dưỡng tử tế, được nghỉ ngơi và hồi phục thường xuyên thì ta rất dễ bị choáng và mất cân bằng. Lo lắng liên tục, sốt ruột, thiếu kiên nhẫn, tức giận, cáu kỉnh, hung hăng, trầm cảm, v.v. là những dấu hiệu cho thấy hệ thần kinh bị suy yếu và quá tải.
Bình thường, tế bào não có thể dễ dàng sản xuất một số lượng khổng lồ neuropeptide – loại hormone não quan trọng rất cần cho nhiều nhiệm vụ phức tạp mà não phải thực hiện ngày này qua tháng khác. Tuy nhiên, nó có làm việc hiệu quả được hay không phụ thuộc vào dòng dưỡng chất liên tục cần thiết để sản xuất các hormone đó. Thâm canh nông nghiệp hiện đại đã làm đất nông nghiệp bạc màu và vắt kiệt dưỡng chất cơ bản (xem “Dung nạp Ion và Khoáng chất Thiết yếu” ở Chương 5). Dinh dưỡng đất nghèo đi, trong khi cơ man chất độc hóa học được phun bón, thực phẩm thì bị đầu độc bằng phương pháp chế biến hiện đại, những điều này đã làm hiện tượng thiếu hụt dinh dưỡng càng ngày càng trầm trọng trong cư dân các nước công nghiệp hóa. Tuy nhiên, thiếu dinh dưỡng hầu hết vẫn là kết quả trực tiếp của việc hệ tiêu hóa, đặc biệt là gan, hoạt động kém. Thiếu hụt dưỡng chất như vậy cản trở khả năng não bộ sản xuất các hormone mà nó cần để hoạt động hiệu quả.
Não có thể hoạt động trong thời gian dài với tình trạng dinh dưỡng kém tiêu chuẩn, nhưng cái giá phải trả là mệt mỏi, thiếu năng lượng, thay đổi tâm trạng, trầm cảm, ốm yếu, đau nhức và khó chịu nói chung. Thiếu hụt trầm trọng sẽ biểu hiện qua các rối loạn tâm thần, như tâm thần phân liệt, tự kỷ và Alzheimer.
Hoạt động của hệ thần kinh (gồm não, tủy sống, thần kinh cột sống và thần kinh sọ não), cùng các chức năng thần kinh tự chủ, đều phụ thuộc vào chất lượng máu. Máu bao gồm huyết tương (chất lỏng trong suốt màu vàng rơm) và các tế bào. Thành phần huyết tương có nước, protein huyết tương, muối khoáng, kích thích tố, vitamin, nguyên liệu dinh dưỡng, chất thải hữu cơ, kháng thể và khí. Có ba loại tế bào máu: bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Bất kỳ thay đổi bất thường nào trong máu đều ảnh hưởng đến hệ thần kinh cũng như toàn bộ cơ thể.
Cả ba loại tế bào máu đều hình thành trong tủy xương đỏ, được nuôi dưỡng và duy trì nhờ dưỡng chất mà hệ tiêu hóa cung cấp. Sỏi mật trong gan cản trở quá trình tiêu hóa và đồng hóa thức ăn, nhồi nhét chất thải vào huyết tương và hạn chế nguồn cung dưỡng chất cho tủy xương đỏ. Điều này làm đảo lộn cân bằng của các thành phần tế bào máu, phá vỡ mạch nội tiết tố và gây ra phản ứng bất thường ở hệ thần kinh.
Hầu hết các bệnh làm hại đến hệ thần kinh đều bắt nguồn từ việc máu được hình thành không đúng cách, do rối loạn chức năng gan, dẫn đến mất cân bằng trong quần thể vi khuẩn đường ruột.
Mỗi một chức năng gan đều ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, đặc biệt là não. Các tế bào gan chuyển đổi glycogen (đường phức tạp) thành glucose, là thứ cùng với oxy và nước đóng vai trò dinh dưỡng thiết yếu nhất cho hệ thần kinh. Glucose đáp ứng hầu hết nhu cầu năng lượng của hệ thần kinh.
Bộ não dù chỉ chiếm 1/15 trọng lượng cơ thể nhưng cần khoảng 1/5 tổng lượng máu. Nó ngốn lượng lớn glucose. Sỏi mật trong gan làm giảm mạnh nguồn cung glucose cho não và các phần khác của hệ thần kinh. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến hiệu suất làm việc của các bộ phận, các giác quan và tâm trí. Bạn đã bao giờ cảm thấy bị cạn kiệt năng lượng mà chẳng có lý do gì rõ ràng không? Đó là do thiếu hụt tạm thời glucose cấp cho tế bào não. Trong giai đoạn đầu, bạn có cảm giác thèm ăn, nhất là thực phẩm ngọt hoặc tinh bột và bị thay đổi tâm trạng thường xuyên hoặc thấy căng thẳng cảm xúc.
Còn nhiều vấn đề khác, có thể nghiêm trọng hơn do sỏi mật trong gan gây ra. Gan tạo các protein huyết tương và hầu hết các yếu tố đông máu từ quỹ axit amin chung trong cơ thể. Sỏi mật trong ống mật của gan ức chế chức năng quan trọng này. Khi các yếu tố đông máu bị giảm, lượng tiểu cầu cũng giảm theo và có thể gây xuất huyết mao mạch tự phát.
Xuất huyết não dẫn đến phá hủy mô não, gây liệt hoặc tử vong. Mức độ nghiêm trọng của xuất huyết não có thể tăng lên do những yếu tố khác như cao huyết áp và uống nhiều rượu bia. Tiểu cầu cũng giảm khi việc sản xuất tế bào mới không theo kịp tốc độ chết đi của tế bào bị hư hỏng hoặc già cỗi; chuyện này xảy ra khi sỏi mật cắt đứt nguồn cung máu cho tế bào gan.
Vitamin K là thành phần thiết yếu để tổng hợp các yếu tố đông máu chính. Nó là vitamin tan trong chất béo và được lưu giữ tại gan. Để hấp thụ chất béo trong ruột non, cơ thể cần muối mật được tạo ra trong dịch mật. Sỏi mật trong gan và túi mật làm tắc nghẽn dòng dịch mật, dẫn đến chất béo không hấp thụ đủ và thiếu vitamin K.
Như nói ở trên, sỏi mật trong gan dễ dẫn đến rối loạn hệ thống mạch máu. Khi máu bị thay đổi và quá đặc, mạch máu bị cứng lại và bị tổn thương. Khi máu bị đông cục trong động mạch vốn bị viêm hay bị thương, một mảnh máu đông (vật tắc mạch) có thể bị đẩy vào động mạch nhỏ cách xa vết thương và bịt dòng máu lại, gây thiếu máu cục bộ và nhồi máu. Nhồi máu trong động mạch não gọi là đột quỵ.
Rối loạn tuần hoàn ảnh hưởng đến não và toàn bộ hệ thần kinh. Các chức năng gan bị gián đoạn sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến tế bào hình sao – tế bào tạo nên mô hỗ trợ chính của hệ thần kinh trung ương. Dấu hiệu đặc trưng là thái độ lãnh đạm, mất phương hướng, đầu óc lơ mơ, mê sảng, cứng cơ và hôn mê.
Chất thải nitơ của vi khuẩn được hấp thụ từ ruột già, nếu không được gan giải độc, có thể xâm nhập tế bào não qua máu. Những chất thải chuyển hóa khác, như amoniac lúc có nồng độ đến mức độc hại sẽ thay đổi tính thấm của mạch máu trong não, làm yếu hàng rào máu não. Khi đó nhiều chất độc hại khác sẽ đua nhau hành quân xuyên vào não để gây thêm thiệt hại.
Bệnh teo mô thần kinh, nguyên nhân chính gây chứng mất trí nhớ hoặc bệnh Alzheimer, phát sinh khi nhiều tế bào thần kinh não không nhận đủ dinh dưỡng. Lúc tế bào thần kinh chịu trách nhiệm sản xuất hormone não và chất dẫn truyền thần kinh dopamine bị suy dinh dưỡng, bệnh Parkinson sẽ phát triển. Tiếp xúc nhiều với một số độc tố môi trường cũng có thể gây ra bệnh này.
Đa xơ cứng là bệnh do tế bào sản xuất myelin (vỏ bọc chất béo bao quanh hầu hết các sợi trục tế bào thần kinh) bị suy dinh dưỡng làm dẫn lưu bạch huyết không còn hiệu quả. Vỏ myelin tiêu biến dần và các sợi trục bị tổn thương. Bệnh nhân thường bị tắc nghẽn ở đường ruột, ngăn cản hấp thụ đầy đủ dưỡng chất. Làm sạch các cơ quan đào thải và cải thiện dinh dưỡng là cách tốt nhất để ngăn chặn, thậm chí đảo ngược bệnh đa xơ cứng.
Gan kiểm soát quá trình tiêu hóa, hấp thụ và chuyển hóa các chất béo trên toàn cơ thể. Sỏi mật can thiệp vào quá trình chuyển hóa chất béo và ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu. Cholesterol là một nhân tố xây dựng thiết yếu của tất cả các tế bào cơ thể và đóng một vai trò thiết yếu trong chuyển hóa tế bào. Não bao gồm hơn 10% cholesterol tinh khiết (loại bỏ tất cả nước). Cholesterol rất quan trọng cho sự phát triển não bộ và chức năng não. Nó bảo vệ các dây thần kinh chống lại hư hại hoặc chấn thương.
Mất cân bằng mỡ máu và cholesterol cũng ảnh hưởng nặng nề đến não và hệ thần kinh cũng như sinh ra nhiều bệnh tật. Tẩy sỏi trong gan và túi mật sẽ tăng nguồn cung cấp dinh dưỡng cho tất cả các tế bào, làm trẻ hóa hệ thần kinh và cải thiện mọi chức năng trong cơ thể.
Dù là loại mô cứng nhất và đặc nhất trong cơ thể, xương lại rất sống động. Xương người chứa 20% nước, 30 – 40% chất hữu cơ như tế bào sống và 40 – 50% vật liệu vô cơ, như canxi chẳng hạn. Mô xương chứa nhiều mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh. Tế bào chịu trách nhiệm cho xương phát triển cân bằng là các tạo cốt bào và hủy cốt bào. Tạo cốt bào là tế bào tạo xương, còn hủy cốt bào chịu trách nhiệm tái hấp thụ các vật liệu xương để duy trì hình dạng tối ưu. Một nhóm tế bào thứ ba, được gọi là tế bào sụn, có nhiệm vụ làm ra sụn. Phần ít đặc hơn của xương, được gọi là xương xốp, chứa tủy xương đỏ, tạo ra các tế bào hồng cầu và bạch cầu.
Hầu hết bệnh liên quan đến xương phát sinh khi tế bào xương không nhận đủ dinh dưỡng. Hoạt động tiết mật cân bằng đóng một vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa và hấp thụ khoáng chất thiết yếu như canxi, magiê và kẽm – những vật liệu xây dựng quan trọng cho bộ xương vững chắc.
Bộ xương khỏe mạnh là kết quả của cân bằng bền vững giữa các chức năng của tạo cốt bào và hủy cốt bào. Sự cân bằng tài tình này bị phá vỡ khi nguồn cung cấp dưỡng chất bị thiếu hụt và do đó làm chậm quá trình sản xuất mô xương mới từ tạo cốt bào. Loãng xương xảy ra khi lượng mô xương giảm vì sự phát triển của xương mới không theo kịp tốc độ phá hủy xương cũ. Xương xốp thường bị ảnh hưởng trước xương vỏ. Xương vỏ tạo nên lớp ngoài của xương. Điều này khiến ta khó nhận ra khi nào ta thực sự bị mắc chứng loãng xương.
Ở bệnh nhân loãng xương nói chung, canxi thải ra từ xương được tái hấp thụ, làm tăng nồng độ canxi trong máu và nước tiểu, làm bệnh nhân có sỏi thận và có thể bị suy thận. Canxi máu dư thừa cũng dễ dẫn đến sỏi mật trong túi mật. Sỏi mật làm giảm đáng kể tiết dịch mật. Mật lại rất cần thiết cho hấp thụ canxi từ ruột non, gây ra một vòng luẩn quẩn và dẫn đến tăng vôi hóa và giảm tạo xương.
Ngay cả khi cơ thể nhận dư thừa canxi từ thực phẩm hoặc khoáng chất bổ sung, tình trạng thiếu mật khiến phần lớn khoáng chất ăn vào để tạo xương và các quá trình trao đổi chất quan trọng khác trở nên vô dụng.
Tệ hơn thế, sỏi trong gan cản trở việc đào thải chất cặn bã và chất độc chuyển hóa có tính axit cao, do đó để lại quá nhiều axit có hại trong máu. Để tránh sự thay đổi nguy hiểm của độ pH (cân bằng axit/kiềm), máu sẽ tẩy khoáng chất từ xương và răng. Câu chuyện tương tự như khi ta uống sữa bò. Để trung hòa phốt pho có tính axit cao vốn nhiều trong sữa, cơ thể không chỉ sử dụng canxi trong sữa mà còn phải dùng đến canxi từ xương và răng.
Thế là dự trữ canxi của cơ thể càng cạn kiệt, làm giảm mật độ xương hay khối lượng xương. Điều này dễ dẫn đến gãy xương và hông, thậm chí tử vong. Ở các nước công nghiệp, hơn một nửa số phụ nữ trên 50 tuổi bị bệnh loãng xương. Lời khuyên y tế hiện nay về việc bổ sung hormone hay bổ sung canxi và uống sữa rõ ràng là vô căn cứ; nó chẳng giúp gì cho việc giải quyết mất cân bằng ở gan và túi mật vì giảm sản lượng dịch mật do sỏi mật.
Những đơn thuốc làm chậm quá trình phân hủy xương đã thất bại thảm hại trong cuộc chiến chống bệnh loãng xương. Trên thực tế, chúng lại sinh ra nhiều tác dụng phụ khủng khiếp, như xương giòn nghiêm trọng, có thể bị vỡ vụn dưới tác động nhỏ.
Còi xương và nhuyễn xương là những bệnh ảnh hưởng tới quá trình vôi hóa xương. Trong cả hai trường hợp, xương bị mềm đi, đặc biệt ở chi dưới, nơi chịu sức nặng của trọng lượng cơ thể. Vitamin D tan trong chất béo (calciferol) là chất rất cần thiết cho chuyển hóa canxi và phốt pho để có cấu trúc xương khỏe mạnh. Tiết không đủ dịch mật và rối loạn chuyển hóa cholesterol, cả hai đều do sỏi trong gan, sẽ dẫn đến thiếu vitamin D. Thiếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc sử dụng kem chống nắng, trên thực tế, có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn các tình trạng này.
Nhiễm trùng xương, hay còn gọi là viêm tủy xương, dễ xảy ra khi hệ bạch huyết bị tắc nghẽn kéo dài, đặc biệt là tắc nghẽn ở trong hay xung quanh các mô xương. Khi đó vi khuẩn tự do xâm nhập xương qua đường máu. Như đã đề cập ở trên, vi khuẩn truyền nhiễm chỉ tấn công được các mô tế bào bị axit hóa, suy yếu, không ổn định hoặc bị hư hại. Vi khuẩn có thể xuất phát từ sỏi mật, áp xe răng hoặc mụn nhọt.
Khối u ác tính trong xương thường hình thành khi hệ bạch huyết trong cơ thể và trong xương bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Hệ miễn dịch bị ức chế và các hạt khối u ác tính từ vú, phổi hoặc tuyến tiền liệt có thể di căn hoặc phát sinh ở phần xương có mô mềm nhất, dễ bị tắc nghẽn và axit hóa, như xương xốp.
Ung thư xương và tất cả bệnh xương khác đều kèm theo mô xương thiếu dinh dưỡng. Những bệnh này thường thách thức mọi phương pháp điều trị, trừ khi sỏi trong gan bị thải loại và các cơ quan, hệ thống đào thải khác cũng được thông suốt.
Cơ thể con người có ba loại khớp: khớp xơ, khớp sụn (cử động ít), và khớp hoạt dịch (cử động tự do). Các khớp tay, chân, đầu gối, vai, khuỷu tay và hông dễ mắc bệnh hơn cả. Viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp và bệnh gout là những rối loạn khớp thường gặp.
Hầu hết bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đều có tiền sử bệnh đường ruột mạn tính: đầy hơi, đầy bụng, ợ nóng, ợ hơi, táo bón, tiêu chảy, lạnh và sưng tay, ra nhiều mồ hôi, mệt mỏi, chán ăn, giảm cân, và nhiều bệnh khác. Do vậy, viêm khớp dạng thấp có liên quan đến những triệu chứng tương tự với các triệu chứng rối loạn đường ruột và rối loạn chuyển hóa.
Bản thân tôi đã trải qua tất cả các triệu chứng nói trên khi bị những cơn đau khớp dạng thấp hành hạ suốt trong những năm thơ ấu. Tôi cũng bị nhiều rối loạn tiêu hóa, gồm cả trào ngược axit, táo bón xen kẽ với tiêu chảy và kém hấp thụ. Các triệu chứng viêm khớp của tôi hoàn toàn biến mất ngay sau khi tôi khôi phục các chức năng tiêu hóa.
Vì tôi coi viêm khớp là sự kết hợp của nhiều tình trạng sức khỏe và một số nguyên nhân cụ thể, tôi sẽ trình bày chi tiết chủ đề quan trọng này trong phần sau đây về bệnh tự miễn.
Ống tiêu hóa tiếp xúc thường xuyên với vô số virus, vi khuẩn và ký sinh trùng cùng nhiều kháng nguyên tự nhiên khác (vật thể lạ) có trong thực phẩm động vật. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa còn phải đối phó với thuốc trừ sâu, hormone, dư lượng kháng sinh, chất bảo quản và chất tạo màu có trong rất nhiều thực phẩm chế biến hiện nay. Thêm nữa, hợp chất nhựa hữu cơ bisphenol A (BPA) – chất chống oxy hóa trong chai nhựa và bao bì thực phẩm – cũng thôi nhiễm vào thực phẩm và đồ uống. Thành phần tai hại này còn có trong các lớp tráng kim loại của hộp đựng thực phẩm và lon đồ uống.
Rất nhiều người vẫn tiếp xúc với hóa chất florua cực độc hại được thêm vào nước máy tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Một số loại thuốc Tây y phân tử lớn như penicillin cũng tác động như chất độc. Chưa kể các kháng nguyên tự nhiên như phấn hoa, thực vật, kháng thể thực vật và chất ức chế enzyme, nấm, nấm mốc và nhiều thứ tương tự.
Nhiệm vụ của hệ miễn dịch (nằm hầu hết ở niêm mạc ruột) là bảo vệ chúng ta chống lại tất cả những kẻ xâm lăng và các chất độc hại kể trên. Để luôn hoàn thành nhiệm vụ, cả hệ tiêu hóa và hệ bạch huyết phải thông thoáng và hiệu quả. Sỏi trong gan sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng quá trình tiêu hóa, dẫn đến quá tải chất độc hại trong ruột, máu và bạch huyết.
Hầu hết bác sĩ coi viêm khớp là dạng bệnh tự miễn tác động đến màng hoạt dịch. Tự miễn dịch là tình huống hệ miễn dịch phát triển khả năng miễn dịch với chính tế bào của nó. Bệnh này phát sinh khi tổ hợp kháng nguyên/kháng thể (yếu tố thấp khớp – RF) được hình thành trong máu.
Tế bào lympho B (tế bào miễn dịch) trong thành ruột bị kích thích và tạo ra các kháng thể (immunoglobulin) khi nó tiếp xúc với các kháng nguyên này. Tuy nhiên, hệ miễn dịch bình thường chỉ kích hoạt tế bào B bằng tế bào T (tế bào lympho đặc biệt đóng vai trò trung tâm trong miễn dịch trung gian tế bào) để tế bào B có thể sinh ra số lượng lớn kháng thể.
Điều quan trọng là tế bào T phải được kích hoạt thì hệ miễn dịch mới tạo ra được phản ứng viêm trong ruột hay một nơi khác trong cơ thể. Dù cơ chế này đã được nghiên cứu rất kỹ càng, y học hiện đại vẫn đưa ra giả thuyết rằng phản ứng viêm này thể hiện là cơ thể đang tấn công nhầm vào tế bào của chính nó. Tuy nhiên, giả thuyết này mắc phải sai lầm lớn khi cho rằng cơ thể lại có thể nhầm lẫn trầm trọng như vậy. Chúng ta không thể kết luận rằng cơ thể đã nhầm lẫn chỉ vì chúng ta không hiểu tại sao cơ thể lại xử sự như thế. Chúng ta không được phép đổ vấy sự thiếu hiểu biết của mình về cơ chế đích thực của bệnh tật và chữa bệnh cho sự kém cỏi của cơ thể.
Cách hành xử của cơ thể trong phản ứng tự miễn dịch không hề sai lầm hay tình cờ, mà thật ra được dựa trên sự sáng suốt vốn có của cơ thể và hoàn toàn có chủ đích.
Được tế bào T kích hoạt, các tế bào miễn dịch lưu thông trong máu, một số lắng đọng lại trong hạch bạch huyết, lá lách, màng nhầy của tuyến nước bọt, hệ bạch huyết của ống phế quản, âm đạo hoặc tử cung, tuyến vú và nang mô của khớp.
Nếu gặp lại cùng loại kháng nguyên độc hại trong niêm mạc ruột, kháng thể sẽ được sản xuất tăng lên gấp bội, nhất là ở khu vực cơ thể có tế bào miễn dịch đã lưu trú do từng gặp kẻ xâm lược từ ngoài vào gây hại. Lúc đó cơ thể kích hoạt cơ chế viêm.
Hiện có đến cả 101 loại bệnh được coi là bệnh tự miễn, bao gồm rối loạn tự kỷ, bệnh Alzheimer, bệnh đa xơ cứng, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, bệnh lupus, viêm não, rụng tóc, bệnh tiểu đường loại 1, bệnh động kinh, bệnh mệt mỏi mạn tính, bệnh Parkinson, bệnh vẩy nến, viêm tuyến giáp, viêm cơ tim và viêm khớp – thuật ngữ chung cho hơn 100 bệnh ảnh hưởng đến khớp.
Bởi mọi bệnh tự miễn đều có chung một cơ chế chủ yếu, y học đối chứng điều trị chúng về cơ bản theo cùng một liệu pháp, sử dụng IVIG (immunoglobulin tiêm tĩnh mạch), liệu pháp steroid, tách huyết tương, hoặc các phương pháp điều trị độc sát tế bào và ức chế miễn dịch khác. Các phương pháp điều trị này thường dẫn đến nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như suy thận, giữ nước, u gan, đau tim, đột quỵ và tử vong.
Những phương pháp tiếp cận theo y học hiện đại bỏ qua thực tế là bệnh tự miễn thực ra được kích hoạt bởi một protein trên bề mặt của virus, vi khuẩn, thực phẩm hay chất khác. Tế bào T chỉ kích thích tế bào B xông ra hành động sau khi đã xảy ra hiện tượng nhiễm trùng hoặc khi chúng tiếp xúc với hóa chất hay protein có hại trong thực phẩm. Nếu tránh được thực phẩm hoặc chất làm kích thích tổ hợp kháng thể/kháng nguyên, phản ứng tự miễn sẽ giảm. Bí quyết là làm thế nào tìm ra protein đóng vai trò kích hoạt phản ứng tự miễn dịch.
Thịt nấu chín làm dư thừa axit uric và amoniac, cả hai đều độc hại cho cơ thể. Dưới nhiệt độ cao, thực phẩm giàu protein này bị đông tụ (cứng lại) và biến tính. Khi đó các liên kết polypeptide không thể được phân giải thành axit amin. Hệ miễn dịch coi các polypeptide bị tổn thương này là những kẻ xâm lược có hại và phản ứng lại bằng cách đưa tế bào T vào cuộc, tạo ra tổ hợp kháng thể dẫn đến viêm.
Thanh trùng sản phẩm sữa, phô mai và sữa chua cũng gây ra hư hại cho polypeptide trong thực phẩm, do đó có thể dẫn đến phản ứng tự miễn trong cơ thể. Tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân bị suy nhược vì bệnh tự miễn chết người đã phục hồi ngay lập tức sau khi họ nghe theo khuyến cáo mà ngừng ăn sản phẩm từ sữa (hoặc lạc – cây họ đậu gây hàng triệu ca dị ứng nghiêm trọng mỗi năm1). Chẳng cần phải điều trị gì khác.
1 Lạc (đậu phộng): loại hạt hay gây dị ứng với người phương Tây nhưng với người phương Đông, đặc hiệt là Đông Nam Á lại rất quen thuộc với loại hạt này và sử dụng đa dạng trong các món ăn hằng ngày mà hầu như không gây hại gì, thậm chí còn rất bổ dưỡng và thơm ngon (chú thích của người dịch, từ nay ký hiệu là ND).
Bệnh nhân bệnh tự miễn thường có lượng vitamin D thấp do thường xuyên thiếu ánh sáng mặt trời hoặc có sử dụng kem chống nắng. Một lý do khác, độc tính cao kích thích nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm làm hệ miễn dịch phản ứng thái quá với độc tố môi trường hay thực phẩm. Lý do thứ ba là suy giảm miễn dịch đáng kể. Thiếu hụt miễn dịch không phải là một tình trạng chỉ xảy ra với người lớn tuổi, nó đang ngày càng trở nên phổ biến ở người trẻ tuổi và ngay cả trẻ em.
Khoa học bắt đầu nhận ra rằng việc làm tổn thương niêm mạc ruột bằng hóa chất mạnh với độ ăn mòn cao, bị mất nước và dinh dưỡng kém đang gây ra nhiều bệnh hơn hẳn so với quan niệm trước kia. Gần đây, các nghiên cứu tại Trung tâm y tế UT Southwestern ở Dallas, Texas đã phát hiện ra một quần thể tế bào bí ẩn lẩn khuất trong niêm mạc ruột lại rất cần thiết để ngăn chặn một loại vi khuẩn có lợi không xâm nhập mô sâu hơn, nơi chúng có thể gây tình trạng suy nhược như bệnh viêm ruột (IBD)2.
2 Các nhà khoa học Đại học UT Southwestern phát hiện các tế bào bí ẩn là "lính biên phòng” quan trọng trong ruột, ngày 9 tháng 5, 2011 trên tạp chí Health & Medicine.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có nhiều vi khuẩn bám bên trên hoặc xâm nhập niêm mạc ruột của bệnh nhân IBD. Khi hệ miễn dịch tấn công lũ vi khuẩn xâm lăng này, chúng gây những vết loét đau đớn và tiêu chảy ra máu.
Nghiên cứu cũng phát hiện một loại tế bào T chuyên biệt thường xuất hiện trên các bề mặt cơ thể, như da và đường tiêu hóa, làm nhiệm vụ tuần tra ở ruột, phát hiện vi sinh vật xâm chiếm các tế bào biểu mô trong niêm mạc ruột. “Khi đó, các tế bào T này lập tức lâm trận, tạo ra protein kháng sinh tiêu diệt lũ vi khuẩn xảo trá và ngăn chặn không cho chúng xâm nhập vào mô sâu hơn”, bác sĩ Hooper, điều tra viên của Viện Y khoa Howard Hughes tại UT Southwestern cho biết. Cuộc chiến này kéo dài vài giờ, đến khi tế bào miễn dịch khác có thể được huy động tới trợ lực. Tuy nhiên, cũng có những di chứng để lại khi đường ruột thành chiến trường liên miên.
Rất dễ nhận ra một bãi chiến trường qua vẻ tiêu điều ở đó. Tiếp xúc quá nhiều với độc tố, phụ gia thực phẩm, axit béo dạng trans (có trong thức ăn nhanh, như hamburger và khoai tây chiên), thuốc Tây y, rượu, thực phẩm khử chất béo, protein biến tính và nhiều thứ khác, dễ gây ra bệnh gọi là hội chứng ruột bị rò, nơi vi khuẩn và độc tố xâm nhập vào mô ruột, máu và bạch huyết. Phản ứng miễn dịch ban đầu chỉ giới hạn và cục bộ, sau có thể leo thang và lan sang các khu vực khác trong cơ thể. Tế bào T đáng ra chỉ có nhiệm vụ đối phó với những kẻ ngoại lai, nhưng chúng sẽ cần phải được kích hoạt chống lại chính các mô của cơ thể khi các độc tố (kháng nguyên) tích tụ ở đó.
Cuộc đụng độ với các kháng nguyên sẽ làm tăng tổ hợp kháng nguyên/kháng thể trong máu và làm đảo lộn cân bằng thích hợp giữa phản ứng miễn dịch và cơ chế ức chế nó. Các bệnh tự miễn sinh ra mức độc tính cực cao trong cơ thể mà hậu quả nhãn tiền chính là rối loạn sự cân bằng này. Nếu sản xuất kháng thể liên tục ở mức cao tại các khớp hoạt dịch, tình trạng viêm sẽ trở thành mạn tính, dẫn đến tăng mức độ biến dạng, đau đớn và suy thoái chức năng.
Bóc lột hệ miễn dịch quá mức tất yếu dẫn đến tự hủy hoại. Nếu hình thức tự hủy hoại này xảy ra, lấy ví dụ là tại vỏ bọc myelin béo của mô thần kinh, thì nó được gán cho cái tên là bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, ta cũng biết mô mỡ có khả năng hấp thụ một lượng lớn độc tố và kim loại nặng để ngăn cản chúng gây hại trực tiếp.
Độc tố đương nhiên di trú về phía mô mỡ. Gan nhiễm mỡ chỉ là nỗ lực sinh tồn của cơ thể để đối phó với lượng độc tố mà gan không còn có thể phân hủy và loại bỏ, do các ống dẫn mật bị tắc nghẽn mạn tính. Nhìn từ khía cạnh sâu sắc hơn, những hành động dường như tự hủy hoại này thực ra lại là nỗ lực cuối cùng để tự bảo tồn. Cơ thể chỉ tấn công vào chính nó nếu độc tính đã tăng đến mức gây nhiều thiệt hại hơn là phản ứng tự miễn.
Chắc chắn cơ thể không hề muốn tự sát, cho dù thuật ngữ bệnh tự miễn có hàm ý như vậy. Khi màng tế bào đã bị tắc vì hóa chất lạ có hại, mảnh protein lạ và các hạt chất độc như axit béo dạng trans, sẽ là rất bình thường khi phản ứng của hệ miễn dịch là tấn công những chất gây ô nhiễm này. Phản ứng viêm sau đó đem lại cơ hội gột rửa và ít nhất loại bỏ được một số độc tố. Việc coi phản ứng sinh tồn này là một căn bệnh thật vô lý, phi khoa học và cho thấy sự thiếu hiểu biết về bản chất thật của cơ thể.
Sỏi mật ức chế khả năng giữ cho cơ thể có đủ dinh dưỡng và sạch sẽ, cho nên trở thành nguyên nhân hàng đầu gây độc tính. Chúng cản trở gan thải chất độc hại ra khỏi máu. Độc tố tích tụ trong máu sẽ được dồn vào dịch ngoại bào. Càng nhiều độc tố trong dịch ngoại bào, càng nhiều màng tế bào bị tắc nghẽn. Phản ứng tự miễn dịch là cần thiết để diệt các tế bào bị ô nhiễm nhất và do đó cứu được phần còn lại của cơ thể, ít nhất cũng là trong một thời gian. Khi sỏi được loại bỏ khỏi gan và túi mật, hệ miễn dịch sẽ không phải thực hiện các biện pháp cực đoan như vậy để bảo vệ ở cấp độ tế bào nữa.
Chế độ ăn cân bằng, lành mạnh hỗ trợ rất nhiều để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nghiên cứu tại Đại học Cambridge công bố trên tạp chí Cell vào tháng 10 năm 2011 cho thấy các hợp chất được tìm thấy trong các loại rau họ cải, như bông cải xanh, cải xoăn, cải thìa và nhiều loại rau xanh đóng vai trò là tín hiệu hóa học cần thiết cho hệ miễn dịch hoạt động đầy đủ1.
1 Ying Li, Silvia Innocentin, David R. Withers, Natalie A. Roberts, Alec R. Gallagher, Elena F. Grigorieva, Christoph Wilhelm, Marc Veldhoen. Kích thích ngoại sinh bảo trì tế bào lympho nội mô thông qua kích hoạt thụ thể AHR. Cell, 13 tháng 10, 2011 DOI: 10.1016/j.cell.2011.09.025 – Về các khuyến cáo dinh dưỡng, mời xem cuốn sách của tôi Bí mật vượt thời gian để khỏe và trẻ.
Viêm xương khớp là một bệnh thoái hóa, không phải là bệnh dạng viêm. Nó xảy ra khi tốc độ tái tạo sụn khớp (bề mặt mịn, chắc, bao phủ quanh xương ở phần tiếp xúc xương khác) không theo kịp với tốc độ bào mòn. Sụn khớp dần trở nên mỏng hơn cho đến khi bề mặt xương ở khớp bị lộ ra và xương bắt đầu bị thoái hóa. Mất khả năng hồi phục xương và viêm mạn tính sẽ là hậu quả của tình trạng này.
Giống như hầu hết các bệnh khác, triệu chứng này là kết quả của rối loạn tiêu hóa lâu dài. Khi dưỡng chất được hấp thụ quá ít, không đủ để xây dựng mô, việc duy trì xương và sụn khớp khỏe mạnh ngày càng khó khăn. Sỏi trong gan làm suy yếu các quá trình tiêu hóa cơ bản và do vậy đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của viêm xương khớp.
Bệnh gout là bệnh khớp liên quan đến hoạt động kém của gan, gây ra bởi tinh thể natri urat ở khớp và gân. Bệnh gout thường gặp ở những người có axit uric trong máu cao bất thường. Khi sỏi mật trong gan ảnh hưởng đến lưu thông máu ở thận (xem “Bất ổn ở Hệ Tiết niệu”), bài tiết axit uric bị yếu đi. Điều này cũng làm tăng tổn thương tế bào và phá hủy tế bào ở gan và thận, cũng như ở các bộ phận khác trong cơ thể.
Axit uric, sản phẩm thải tự nhiên của quá trình phân giải purin trong nhân tế bào, được tạo ra quá mức khi nhiều tế bào bị phá hủy. Purin là thành phần của tất cả các mô trong người và trong nhiều loại thực phẩm. Dư lượng này tồn lại khi lượng sản xuất axit uric quá cao hoặc do thận thải axit uric quá kém. Hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu, sử dụng chất kích thích, v.v.. đều có thể khiến lượng tế bào bị phá hủy tăng vọt, giải phóng một lượng lớn purin và xả protein tế bào vào máu. Khi rượu tích trong máu quá lâu vì gan xử lý không xuể, hoặc lượng rượu uống vào quá nhiều, thì dư lượng axit uric không được hòa tan sẽ kết tinh lại và lắng đọng vào khớp.
Lượng sản xuất axit uric cũng tăng mạnh cùng mức tiêu thụ thịt, hải sản và lòng đỏ trứng1. Mặc dù ăn nhiều thịt và hải sản tăng nguy cơ mắc bệnh gout, nhưng việc ăn vừa phải các loại rau giàu purin lại không làm tăng nguy cơ này. Fructose, loại đường có trong các sản phẩm đường thương mại và trái cây, được thêm vào hàng ngàn thực phẩm chế biến và đồ uống dưới dạng xi-rô ngô fructose (HFCS) cũng là một nguyên nhân lớn gây tích tụ axit uric trong cơ thể. (Lưu ý: Ăn trái cây vừa phải không gây ra vấn đề cho cơ thể, nhưng nước trái cây có chứa lượng fructose đậm đặc có thể dễ làm tăng nồng độ axit uric trong máu tới mức bất thường).
1 Để hòa tan tinh thể axit uric và chữa trị bệnh gout, xem mục “Làm sạch Thận” trong Chương 5.
Tất cả các loại thực phẩm và các chất nói trên cũng dễ dẫn đến hình thành sỏi mật ở gan và túi mật.
Bản tóm tắt một nghiên cứu do Đại học Florida thực hiện có tiêu đề “Axit uric, Hội chứng Chuyển hóa và Bệnh thận”, cho rằng các thực phẩm giàu fructose và purin có chung đặc điểm làm tăng axit uric có thể đã đóng vai trò trong nạn dịch của hội chứng chuyển hóa và bệnh thận đang phổ biến trên toàn thế giới”2.
2 J Am Soc Nephrol 17: 165-168, 2006.
Ngoài tăng nguy cơ mắc tiểu đường, huyết áp cao, nguy hại cho sức khỏe tim mạch, bệnh gout, bệnh thận và béo phì, nồng độ axit uric cao cũng thường làm trầm trọng thêm hầu hết các bệnh khác.
Cơ quan sinh sản của cả nam và nữ đều phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động thông suốt của gan.
Sỏi trong gan cản trở dịch mật lưu thông qua ống dẫn mật, làm suy yếu tiêu hóa và biến dạng khung cấu trúc của các tiểu thùy gan. Điều này làm giảm khả năng sản xuất albumin huyết thanh và yếu tố đông máu của gan. Albumin huyết thanh là protein phổ biến và phong phú nhất trong máu, chịu trách nhiệm duy trì áp suất thẩm thấu huyết tương ở mức bình thường 25 mmHg. Các yếu tố đông máu rất cần thiết cho quá trình đông máu. Áp suất thẩm thấu không đủ sẽ làm giảm cung cấp dưỡng chất cho tế bào, bao gồm cả tế bào của các cơ quan sinh sản.
Nguồn dinh dưỡng cho tế bào kém làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa tế bào và cản trở dẫn lưu bạch huyết. Bạch huyết không dẫn lưu tốt từ các cơ quan sinh sản có thể gây ứ nước và phù nề có chứa nhiều chất thải trao đổi chất và xác tế bào. Tất cả những điều này dẫn đến suy giảm chức năng tình dục.
Hầu hết chứng tật của hệ sinh dục phát sinh do dẫn lưu bạch huyết kém. Các ống ngực (xem “Bất ổn ở Hệ Tuần hoàn”) hút dịch bạch huyết từ tất cả các cơ quan của hệ tiêu hóa, bao gồm gan, lá lách, tuyến tụy, dạ dày và ruột. Ống dẫn lớn này lại hay bị tắc nghẽn nghiêm trọng khi sỏi trong gan làm suy giảm tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Có một điều rất rõ ràng, nhưng hầu như không được công nhận trong y học chính thống, là tắc nghẽn trong ống ngực ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của hệ sinh dục.
Các cơ quan này, giống như hầu hết các bộ phận khác trong cơ thể, cần giải phóng hàng triệu tế bào bị thải loại và chất thải trao đổi chất vào ống ngực.
Dẫn lưu bạch huyết bị suy yếu từ vùng xương chậu phụ nữ là nguyên nhân gây ức chế miễn dịch, mất cân bằng hormone, các vấn đề về kinh nguyệt, căng thẳng tiền kinh nguyệt (PMS), các triệu chứng mãn kinh, bệnh viêm vùng chậu, viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến, u nang và khối u buồng trứng, phá hủy tế bào, ham muốn thấp, vô sinh và đột biến gien ở tế bào dẫn đến khối u ung thư.
Tắc nghẽn ống ngực cũng có thể dẫn đến ngưng trệ bạch huyết ở vú trái, sinh độc tố và chất thải gây viêm, sưng, hình thành cục, tắc nghẽn tuyến sữa và khối u ung thư. Nếu mạch bạch huyết bên phải, làm nhiệm vụ dẫn lưu bạch huyết từ nửa phải của ngực, đầu, cổ và cánh tay phải, mà bị tắc nghẽn, thì chất thải sẽ tích tụ ở vú phải, gây ra những vấn đề tương tự.
Dẫn lưu bạch huyết từ vùng chậu nam giới bị hạn chế cũng dẫn tới phì đại tuyến tiền liệt lành tính và ác tính, cũng như viêm tinh hoàn, dương vật và niệu đạo. Bất lực là hậu quả rất có thể xảy ra của tình trạng này.
Sự gia tăng liên tục của sỏi trong gan, điều rất phổ biến ở đàn ông trung niên có cuộc sống sung túc, là một lý do chính gây tắc nghẽn bạch huyết ở cơ quan quan trọng này trong cơ thể.
Bệnh hoa liễu xuất hiện khi các bộ phận bị ảnh hưởng đạt mức độ độc tính cao, thành thử mất khả năng tiễu trừ vi khuẩn. Hiện tượng nhiễm khuẩn thường xảy ra sau khi hệ bạch huyết bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Hệ bạch huyết bị suy sụp, mất khả năng đẩy lùi vi sinh vật xâm nhập là lý do thực sự cho hầu hết các rối loạn về sinh sản và sinh dục.
Khi loại bỏ được toàn bộ sỏi từ gan và duy trì chế độ ăn cũng như lối sống lành mạnh, hoạt động bạch huyết sẽ khôi phục lại bình thường. Các mô sinh sản được cải thiện dinh dưỡng sẽ trở nên kiên cường hơn. Nhiễm trùng giảm dần; u nang, mô sợi và khối u sẽ bị phá vỡ và thải loại; chức năng tình dục được phục hồi. Nhiều phụ nữ không thể mang thai trong nhiều năm đã báo tin vui rằng tẩy gan giúp họ thụ thai.
Hầu hết các bệnh về da như eczema, mụn trứng cá và bệnh vẩy nến đều chung một vấn đề: sỏi mật trong gan. Các bệnh nhân mắc bệnh ngoài da đều có vấn đề về đường ruột và đặc biệt là máu không sạch. Một hệ miễn dịch phản ứng quá mức và các chứng dị ứng cũng có thể đóng vai trò nào đó. Những vấn đề này chủ yếu do sỏi mật và những tác động tai hại mà chúng gây ra cho toàn bộ cơ thể, cùng với đó là chế độ ăn và lối sống mất cân bằng.
Sỏi mật có thể kích hoạt nhiều cơ chế bảo vệ trên toàn cơ thể – đặc biệt là trong các hệ tiêu hóa, tuần hoàn và tiết niệu. Cái ta gọi là bệnh ngoài da – nhẹ nhất cũng gây khó chịu – thực ra là cách cơ thể đang cố gắng tự cứu lấy mình. Trong nỗ lực trục xuất những gì đại tràng, thận, phổi, gan và hệ bạch huyết không thể loại bỏ hoặc giải độc, các lớp dưới của da bị ngập ngụa các chất thải axit. Dù da là cơ quan đào thải lớn nhất trong cơ thể, nhưng rồi nó cũng chịu thua trước những cuộc tấn công của axit từ phía trong cơ thể.
Các chất độc hại mới đầu lắng đọng trong các mô liên kết bên dưới lớp hạ bì. Khi kho chất thải này bị đầy ứ lên, da bắt đầu gặp sự cố và phát sinh vấn đề theo cách này hay cách khác.
Tế bào da và hệ miễn dịch trong da phản ứng khác nhau với từng loại độc tố hoặc kháng nguyên mà nó tiếp xúc.
Vì trong cuộc sống ngày nay có hàng chục ngàn chất độc hóa học xâm nhập cơ thể thông qua tiêm chủng, không khí ô nhiễm, thực phẩm chế biến, nước có florua và clo, hóa chất và các sản phẩm chăm sóc cơ thể, v.v. – gây ra hàng ngàn tình trạng da bất thường khác nhau. Hệ miễn dịch cần phản ứng khác nhau với từng loại độc tố hoặc kháng nguyên, có nghĩa là vấn đề về da của một người không bao giờ y hệt với bất kỳ ai khác, cũng như người mắc bệnh ung thư hay bệnh tiểu đường không bao giờ giống như đúc người khác cũng bị những bệnh đó. Nói chung, bệnh chàm, mụn trứng cá hoặc viêm da là thứ bệnh biểu hiện không ai giống ai. Dù vậy, hầu như tất cả các bệnh về da đều kèm theo kích ứng, sưng, viêm và một số kiểu mất màu da.
Quá nhiều chất độc hại, axit, xác tế bào, vi khuẩn từ các nguồn khác nhau (như sỏi mật) và các kháng nguyên từ thức ăn được tiêu hóa sai cách, làm tắc nghẽn hệ bạch huyết và ức chế dẫn lưu bạch huyết từ các lớp khác nhau của da. Độc tố và protein thối rữa từ tế bào da bị hư hại hay bị phá hủy thu hút vi khuẩn và trở thành nguồn gây kích ứng và viêm da liên tục. Tế bào da bắt đầu bị suy dinh dưỡng, làm giảm đáng kể thời gian thay tế bào mới của chúng, thường phải mất bốn đến sáu tuần. Thần kinh da cũng có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Bạn hãy xem Hình 14 (trang 496) về một phụ nữ Đức trẻ bị viêm da thần kinh và hoàn toàn lành thương chỉ sau sáu lần tẩy gan mật.
Viêm da mạn tính là kiểu rối loạn cực kỳ khó chữa, thuốc trị dị ứng chỉ có thể trợ giúp tạm thời. Người phụ nữ trẻ này đã kể với tôi rằng trong vài lần tẩy đầu tiên, cô ấy đã xả ra rất nhiều sỏi và độc tố khiến tình trạng da còn tồi tệ hơn, cho đến khi sỏi mật được tẩy hoàn toàn. Đây là một phần tất yếu của quá trình chữa trị hầu hết mọi tình trạng sức khỏe mạn tính.
Khi tôi xin phép đăng bức ảnh này, cô đã yêu cầu tôi kèm theo chú thích như sau: “Thời gian giữa hai lần chụp là năm tháng... Tôi tự chụp bức ảnh đầu tiên, còn bức thứ hai do thợ ảnh chụp với ánh sáng tốt hơn. Tôi chỉ sử dụng mascara, phấn mắt và son bóng. Ngoài ra không trang điểm gì khác. Có thể thấy phát ban đã lành mà không để lại vết sẹo nào, dù tôi vẫn chưa hoàn thành hết các đợt tẩy sỏi”.
Nếu các tuyến bã nhờn (tiết chất nhờn, bã nhờn vào nang lông) mà bị thiếu dinh dưỡng, lông và tóc sẽ mọc kém, đặc biệt tóc có thể bị rụng. Khi cơ thể thiếu melanin, tóc sẽ bị bạc sớm. Thiếu bã nhờn làm thay đổi kết cấu tóc và làm cho nó xỉn màu, xấu xí. Trên da, bã nhờn hoạt động như chất diệt khuẩn và diệt nấm, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập. Nó cũng ngăn ngừa da bị khô, nứt, nhất là khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và không khí nóng, khô.
Thiên hướng di truyền dễ bị hói đầu hoặc bất kỳ rối loạn da nào khác có thể góp phần nhưng không phải là nguyên nhân chính gây rụng tóc như quan niệm thông thường. Chức năng da khỏe mạnh thường được phục hồi hoàn toàn và tóc lại mọc bình thường, nhất là ở phụ nữ, một khi sỏi mật được loại bỏ, đồng thời ruột già và thận/bàng quang được giữ gìn sạch sẽ.
Suy giáp, căn bệnh thường gây rụng tóc, cũng đáp ứng tốt khi các cơ quan thải độc quan trọng nói trên được tổng vệ sinh.
Sỏi mật là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh cho cơ thể. Chúng làm suy yếu chức năng của một cơ quan phức tạp và quan trọng bậc nhất trong cơ thể – lá gan. Không ai dám nghĩ đến chuyện làm gan nhân tạo, vì nó quá phức tạp. Đứng chỉ sau bộ não về độ tinh vi, gan điều khiển các quá trình tiêu hóa và trao đổi chất quan trọng nhất, từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của mọi tế bào trong cơ thể. Các trục trặc mô tả trong chương này chỉ phản ánh một phần những sự mất cân bằng liên can trực tiếp hoặc gián tiếp đến sỏi mật.
Có ít nhất 6.000 bệnh hiếm gặp và hơn 12.000 chủng loại bệnh được liệt kê trên trang web của WHO. Các nhà khoa học xác định được hơn 44.000 triệu chứng bệnh. Trên thực tế, ngoại trừ một số rất ít, còn hầu hết bệnh tật đều có chung một hoặc cả hai nguyên nhân: thiếu hụt và độc tính.
Chúng ta không thể coi một bệnh chỉ đơn giản là bệnh của một bộ phận riêng lẻ. Ví dụ, triệu chứng của lượng đường huyết cao không phải là nguyên nhân của bệnh tiểu đường, mà là hậu quả của nó. Tương tự như vậy, loãng xương không phải là bệnh thiếu canxi và nhồi máu cơ tim không phải là bệnh cholesterol cao. Một chứng bệnh không phát sinh từ các biểu hiện triệu chứng, mà do sự suy đồi của các quá trình rất cơ bản trong cơ thể.
Kết cục bi thảm thường xảy ra khi ta điều trị triệu chứng của bệnh thay vì nguyên nhân của nó. Hãy xem ví dụ về một nghiên cứu gần đây công bố trên Tạp chí Y học Anh Quốc1. Các nhà nghiên cứu thấy rằng cả đàn ông và phụ nữ trên 40 tuổi sử dụng chất bổ sung canxi đều bị tăng nguy cơ đau tim lên tới 30% so với những người không dùng.
1 Hậu quả của bổ sung canxi với nguy cơ nhồi máu cơ tim và các biến cố tim mạch: phân tích tổng hợp: BMJ 2010; 341doi: 10.1136 / bmj.c3691 (Xuất bản 29 tháng 7 năm 2010)
Cho tới giờ, các bác sĩ thiếu hiểu biết vẫn khuyên bệnh nhân uống bổ sung canxi để tránh loãng xương. Tin tưởng mù quáng vào lời khuyên của bác sĩ, bệnh nhân có thể tự gây ra nhồi máu cơ tim mà vẫn không ngăn được gãy xương. Bổ sung canxi gây vôi hóa mạch máu, sỏi thận, sỏi mật, ung thư vú và nhiều rối loạn khác trong khi đem lại ích lợi không đáng kể cho bệnh loãng xương.
Thật vậy, rất nhiều nghiên cứu nghiêm túc cho thấy mật độ xương cao hơn đạt được một cách nhân tạo, bằng canxi bổ sung, thực sự có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ác tính ít nhất 300%2! Cứ để bác sĩ điều trị triệu chứng bệnh, hay chính xác hơn là những gì họ coi là bệnh, thường là cạm bẫy hơn là một phương thuốc. Theo Ayurveda, nền y học cổ truyền Ấn Độ, cơ thể tạng Vata có mật độ xương tự nhiên thấp hơn đáng kể so với cơ thể tạng Kapha3. Chẩn đoán mật độ xương thấp sai lầm cho người tạng Vata rồi cho bổ sung canxi thì chẳng khác nào giết người ta vậy.
Ý niệm đã ăn sâu vào tâm trí những người hành nghề y về việc dùng các chất bổ sung canxi để tăng mật độ xương, không những sai lầm, mà còn làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư và tim mạch4. Theo 11 nghiên cứu lâm sàng, canxi từ các nguồn như đá vôi, vỏ hàu và bột xương có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cao nhất.
2 “Mật độ xương cao tăng nguy cơ ung thư vú ác tính lên 300%”: http://www.greenmedinfo.com/anti-therapeutic-action/high-bone-density.
3 Theo quan niệm Ayurveda, có 3 dạng năng lượng (dosha) là vata, pitta và kapha – kết hợp với nhau để tạo nên bản chất (prakriti) của mỗi người. Tùy theo tỷ lệ giữa các dạng năng lượng mà một người có thể thuộc về những tạng khác nhau. Cơ thể tạng Vata thuộc về người có tỷ lệ năng lượng Vata trội hơn (ND).
4 “Tác hại của bổ sung canxi đối với nguy cơ nhồi máu cơ tim và các biến cố tim mạch: Tổng hợp các phân tích”. BMJ 2010; 341 doi: 10.1136 / bmj.c3691.
Rõ ràng, y học đối chứng và ngành dược học hiện đại chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Thậm chí có nhiều loại thuốc hiện nay chẳng những không chữa được khỏi bệnh mà còn gây ra nhiều hậu quả to lớn.
Ví dụ, dù thuốc trị ung thư vú Avastin chưa bao giờ được chứng minh là hiệu quả hơn giả dược, nhưng nó đã được bán trên thị trường trong nhiều năm để điều trị ung thư vú với chi phí gần 90.000 đô la mỗi năm cho bệnh nhân, bất chấp tất cả tác dụng phụ chết người mà nó tạo ra (như huyết áp cao nghiêm trọng, xuất huyết và tử vong). Dù Cục Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) từ nhiều năm đã biết rằng loại thuốc này vô dụng, chỉ gần đây cơ quan này mới cấm sử dụng nó trong ung thư vú, nhưng vẫn tiếp tục cho phép dùng với các bệnh ung thư khác.
Tôi đã viết nhiều về những cạm bẫy của thuốc chống ung thư trong cuốn sách Ung thư không phải là bệnh, mà là cơ chế chữa lành, nhưng ở đây tôi muốn đề cập đến thuốc tamoxifen đang được sử dụng rộng rãi. Tamoxifen là ví dụ rành rành về những luận điểm xảo trá và ngụy biện đã được dùng để cổ xúy cho thuốc điều trị ung thư.
Hàng triệu phụ nữ có nguy cơ cao đang được kê đơn tamoxifen để ngăn ngừa ung thư vú hoặc ung thư vú tái phát, và thường được kê cho năm năm. Tuy nhiên, nghiên cứu tiến hành tại Israel cho thấy tamoxifen thay vì chữa trị, lại có thể gây ung thư. Theo nghiên cứu năm 2008 công bố trên Tạp chí Quốc tế về Ung thư Phụ khoa Quốc tế1, điều trị ung thư vú bằng tamoxifen làm tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung và tử vong so với không dùng thuốc.
1 Nguy cơ ung thư tử cung sau khi sử dụng Tamoxifen, International Journal of Gynecological Cancer, 352–356 doi:10.1111/j.1525-1438.2007.01025.x
Thêm nữa, theo các nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Tenovus, Đại học Cardiff, dù các loại thuốc như tamoxifen có mang lại chút hiệu quả trong điều trị ung thư vú, nhưng có tỉ lệ rất lớn bệnh nhân không đáp ứng thuốc hoặc sau kết quả khả quan lúc đầu, bệnh lại tái phát bởi ung thư có khả năng kháng thuốc.
Theo tôi, thay thế một loại ung thư bằng loại ung thư khác không thể là phương thức điều trị được mang ra áp dụng. Tồi tệ hơn nữa, hầu hết phụ nữ có nguy cơ cao này sẽ chẳng bao giờ bị ung thư, nhưng khi đã dùng tamoxifen thì khả năng mắc bệnh ung thư tăng lên rất nhiều.
Càng ngày càng rõ ràng, dù các loại thuốc kê đơn có ngăn chặn được một vài triệu chứng của bệnh nào đó (hầu như luôn đồng hành với nỗ lực tự chữa lành của cơ thể), thì đều phải trả giá bằng nguy cơ suy thận hoặc suy gan, hoặc bị nhồi máu cơ tim nghiêm trọng hay đột quỵ.
Y học định hướng triệu chứng đã trở nên quá ư phổ biến trong giới bác sĩ và cả bệnh nhân, đến nỗi ngay cả ý nghĩ chữa nguyên nhân sâu xa của bệnh cũng bị coi là kỳ lạ hoặc lãng phí thời gian và công sức. Theo con đường đánh nhanh thắng nhanh có vẻ hấp dẫn hơn nhiều đối với mọi người. Hơn 90% bệnh nhân thậm chí không bao giờ hỏi bác sĩ về tác dụng phụ của phương pháp điều trị. Tất cả những gì họ quan tâm là phải kiểm soát ngay được cái “căn bệnh chết tiệt này”.
Mặc dù kiểm soát triệu chứng của bệnh thực ra chỉ ngăn cản việc chữa khỏi nó, nhưng người bệnh lại rất mơ hồ về căn nguyên của bệnh tật và sẵn sàng hy sinh sức khỏe tương lai để đánh đổi lấy cứu rỗi nhất thời.
Thường thì, việc phát hiện được chỉ một triệu chứng nào đó của một căn bệnh mới được phát minh lại trở thành cái cớ để một công ty dược sáng chế ra một loại thuốc hóa học mới và bán trên thị trường để điều trị căn bệnh đó. Ví dụ việc liên tục hạ thấp chỉ số/ngưỡng chelesterol bình thường mới trong vài thập kỷ đã biến hàng triệu người tương đối khỏe mạnh, có mức cholesterol thực sự bình thường, thành bệnh nhân có nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Ngày qua ngày, tất cả bệnh nhân này bỗng dưng mắc bệnh cholesterol cao, dù cholesterol cao chưa bao giờ được chứng minh là nguyên nhân của bệnh tim. Đó chính là lý do tại sao các nhà sản xuất statin không thể tuyên bố rằng sản phẩm của họ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Vấn đề ở chỗ hơn 3/4 người Mỹ trưởng thành hiện đang được chẩn đoán mắc một bệnh mạn tính nào đó và ngành y tế muốn điều trị cho họ. Mỗi tuần, nhiều ngàn người khỏe mạnh trở thành bệnh nhân của các căn bệnh mới đang được phát minh từ nghiên cứu khoa học do các công ty dược phẩm tài trợ.
Trên thực tế, độc tính và thiếu hụt mới là nguyên nhân chính của mọi chứng bệnh mạn tính, và hai vấn đề ấy hoàn toàn không phải là bệnh. Chúng chỉ đòi hỏi tẩy độc cơ thể, quan tâm đến nhu cầu cơ bản của bản thân về dinh dưỡng lành mạnh và lối sống cân bằng.
Từ năm 1994, tôi bắt đầu mang phương pháp tẩy sỏi gan và túi mật tới rất nhiều người trên thế giới. Tôi phát hiện ra rằng, khi loại bỏ được chướng ngại vật ngăn cản buồng gan hoàn thành tốt hàng trăm nhiệm vụ của nó, thì cơ thể bạn sẽ sẵn sàng trở lại trạng thái cân bằng với sức sống mãnh liệt.
Chăm sóc sức khỏe đúng cách không cần phải là cuộc chiến, cũng chẳng cần phải tốn kém. Hippocrates, cha đẻ y học hiện đại, đã phát biểu rất thông thái: “Hãy để thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn của bạn”. Quy trình tẩy gan đơn giản này sử dụng thực phẩm rất rẻ tiền, để thực hiện những điều ngay cả loại thuốc đắt tiền nhất cũng không thể đạt được, đó là hãy để cơ thể tự chữa lành.