Hầu hết mọi người cho rằng sỏi mật chỉ có trong túi mật. Đây là nhận thức phổ biến, nhưng sai lầm. Thực ra phần lớn sỏi mật được hình thành ở gan, chỉ có một số được tạo ra ở túi mật. Bạn có thể dễ dàng xác minh điều này bằng cách tự tẩy sỏi mật, bất kể bạn là người chẳng có chuyên môn y khoa, hay là bác sĩ, nhà khoa học, hay thậm chí là người đã cắt bỏ túi mật và do vậy được coi là không còn sỏi mật.
Kết quả tẩy sỏi mật1 là minh chứng hùng hồn nhất. Chẳng có bằng chứng khoa học hay giải thích y khoa nào khẳng định rõ ràng được giá trị của kết quả đó bằng chính nó. Khi bạn thấy hàng trăm viên sỏi màu xanh lá cây, nâu nâu vàng vàng hay màu đen trong bồn cầu sau lần tẩy sỏi đầu tiên, thì bạn nhận ra rằng mình đang trải qua một điều vô cùng quan trọng trong cuộc đời.
1 Tẩy sỏi gan cũng bao gồm cả tẩy sỏi mật.
Để thỏa mãn trí tò mò, bạn có thể mang những viên sỏi thải ra đến phòng thí nghiệm để phân tích hóa học hoặc hỏi ý kiến chuyên gia y tế. Bác sĩ có thể ủng hộ sáng kiến tự điều trị hoặc nói với bạn rằng đây là chuyện nhảm nhí và khuyên bạn đừng có dại dột thêm nữa. Dù ai có nói gì, điều quan trọng nhất trong thử nghiệm này là bạn đã chịu trách nhiệm, một cách tích cực, cho sức khỏe của chính mình, rất có thể đây là lần đầu tiên trong đời bạn dám làm như vậy.
Khoảng 20% dân số thế giới có sỏi trong túi mật tại những giai đoạn khác nhau trong đời; nhiều người phải phẫu thuật cắt bỏ cơ quan quan trọng này. Mặc dù rất ít khi cần phải cắt túi mật và nó có thể gây ra những hậu quả tai hại sau này1, hầu hết bệnh nhân không chịu nổi áp lực của bác sĩ hay người thân và đồng ý phẫu thuật. Một số bác sĩ thậm chí còn giải thích là cắt bỏ túi mật cũng chẳng ảnh hưởng gì. Nếu bạn không còn túi mật thì càng nên đọc tiếp. Bởi với bạn, tẩy sạch sỏi mật còn quan trọng hơn nhiều so với những người vẫn còn túi mật.
1 Biến chứng sau phẫu thuật túi mật, www.steadyhealth.com.
Số người bị sỏi mật trong gan nhiều hơn rất nhiều so với số người có loại sỏi này trong túi mật. Qua 35 năm làm việc trong lĩnh vực y học thiên nhiên và chứng kiến hàng ngàn người mắc đủ các loại bệnh mạn tính, tôi sẵn sàng chứng thực rằng bất cứ bệnh nhân nào, không có ngoại lệ, đều có lượng sỏi mật đáng kể trong gan. Điều ngạc nhiên là rất ít bệnh nhân khai báo có tiền sử sỏi mật trong túi mật. Rồi bạn sẽ thấy rõ khi đọc cuốn sách này, sỏi trong gan là trở ngại chính cho việc duy trì sức khỏe, sự trẻ trung và sức sống. Sỏi mật thực sự là một trong những lý do chính khiến người ta đổ bệnh và hồi phục khó khăn sau cơn bệnh.
Việc không công nhận sỏi có thể hình thành ở gan là hiện tượng rất phổ biến và có lẽ là sai lầm đáng tiếc nhất từ trước tới giờ trong lĩnh vực y khoa, cả y học chính thống và y học thay thế.
Dựa dẫm thái quá vào xét nghiệm máu để chẩn bệnh, điều thường thấy tại các bệnh viện, thực ra có thể thành tai hại khi đánh giá sức khỏe của gan. Hầu hết những người có thể trạng bất an đều có thể có mức men gan trong máu hết sức bình thường, mặc dù họ đang bị tắc tuyến mật gan mạn tính.
Ống mật gan bị tắc là một trong những vấn đề hàng đầu về sức khỏe, tuy nhiên y học chính thống ít khi đề cập đến, mà các bác sĩ cũng không có phương tiện đáng tin cậy để phát hiện và chẩn đoán bệnh này. Xét nghiệm gan tiêu chuẩn thường đo men gan trong máu. Men gan chỉ tăng khi các tế bào gan bị phá hủy đáng kể, như trong các trường hợp nhiễm trùng gan, viêm gan hay xơ gan. Thường phải sau nhiều năm tắc nghẽn ống mật gan mạn tính thì tổn thương gan mới trở nên rõ ràng.
Xét nghiệm lâm sàng bình thường hầu như không phát hiện được sỏi ở gan. Vì vậy, khi thấy những viên sỏi bệnh nhân thải ra qua quá trình tẩy sỏi trong gan, các bác sĩ thường lắc đầu tuyên bố: “Đấy không phải sỏi mật!”. Trên thực tế, hầu hết bác sĩ thậm chí không biết là sỏi mật được tạo ra ở gan, dù các tài liệu y khoa không thiếu những nghiên cứu mô tả chúng rất chi tiết.
Cũng phải nói rằng hầu hết các nghiên cứu được tiến hành trước khi có lưu trữ kỹ thuật số (trong khoảng năm 1920 – 1960), và các chuyên gia y tế giờ đây không có thời gian đọc những nghiên cứu từ hơn 50 năm trước, chưa nói đến những nghiên cứu được xuất bản trong vài ba năm gần đây. Giờ đây công nghệ quét kỹ thuật số cho ta khả năng tiếp cận dễ dàng các thông tin y học trong lịch sử, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các loại sỏi nội gan hay sỏi mật trong gan.
Trong một ấn bản gần đây “Sỏi nội gan – nghiên cứu lâm sàng”, nhóm nhà nghiên cứu đã mô tả kết quả điều trị bệnh nhân bị sỏi làm tắc nghẽn ống mật. Nghiên cứu này in trong Biên niên sử Phẫu thuật số tháng 2 năm 19721, phân biệt rõ sỏi mật trong túi mật và sỏi mật trong gan. Các tác giả khẳng định: “Trong nhiều thế kỷ, cả ngành phẫu thuật và bệnh học đều nhận thấy một loại sỏi khác ở ống dẫn mật trong gan. Vị trí, độ cứng, số lượng và tập tính của chúng hoàn toàn khác với sỏi hình thành trong túi mật. Hiện tượng này được đặt tên là sỏi gan hay sỏi nội gan.”
1 “Sỏi nội gan – nghiên cứu lâm sàng”: Ann Surg. 2/1972; 175(2): 166-177.
Một số viện nghiên cứu tiên tiến như Đại học Johns Hopkins danh tiếng đã bắt đầu miêu tả và minh họa những viên sỏi gan này trong các ấn phẩm hoặc trên trang mạng. Bất chấp những bằng chứng khoa học áp đảo về sự tồn tại của sỏi gan, điều ngạc nhiên là nhiều chuyên gia y tế vẫn khăng khăng phủ nhận rằng sỏi có thể hình thành trong gan. Họ cho rằng những viên sỏi thải ra khi tẩy sỏi gan chỉ đơn thuần là những mẩu xà phòng dầu ô-liu bằng cách nào đó được tạo ra từ những thành phần dùng trong quá trình tẩy gan. (Tôi sẽ đề cập đến chủ đề này trong Chương 7)
Tôi thường lập luận rằng sỏi mật trong gan là hiện tượng tương đối mới trong dân cư Tây bán cầu. Các đối tượng trong nghiên cứu này chủ yếu là những người bị suy dinh dưỡng, thiếu cân và không có đủ chất béo trong chế độ ăn để kích thích sản sinh mật giúp cân bằng thảm thực vật trong dịch mật. Giảm cân là một trong những nguyên nhân dễ nhận biết gây ra sỏi mật trong gan.
Trước đây phương Tây có nguồn thực phẩm phong phú hơn (ngoại trừ trong thời chiến), được trồng hữu cơ, không nhiễm bẩn, không thuốc trừ sâu và không chế biến công nghiệp. Hầu hết người dân ăn các sản phẩm tươi sống hoặc thực phẩm tự nhiên mua từ nông dân quanh vùng. Hồi đó cũng không có chất bảo quản hóa học. Với sự ra đời của các nhà máy thực phẩm và thực phẩm chế biến trong phòng thí nghiệm (tới nay có trên 44.000 loại), các chiến dịch tiêm chủng đại trà, các mỹ phẩm độc hại, công nghệ xử lý nước bằng florua, các chất độc môi trường, phun hóa chất và việc uống thuốc chứa các thành phần độc hại, lá gan con người bắt đầu sản sinh hàng loạt sỏi nội gan. Ngày nay hầu như chẳng thể nào không có sỏi gan, trừ khi bạn biết cách tránh chúng. Trong khi đó hầu hết mọi người, kể cả bác sĩ, hoàn toàn chẳng hay biết gì về chúng.
Khi hiểu rõ sỏi mật trong gan góp phần làm mọi loại bệnh tật xuất hiện hoặc nặng thêm, và chỉ cần thực hiện vài bước đơn giản để loại bỏ chúng, bạn sẽ giành lấy quyền phục hồi sức khỏe và sức sống cho chính bản thân mình. Tác dụng của tẩy sỏi gan cho chính bạn (hoặc cho bệnh nhân, nếu bạn là chuyên gia y tế) sẽ vô cùng bổ ích. Sở hữu một lá gan sạch chắc chắn sẽ đưa cuộc đời bạn sang một trang mới.
Dù có vô vàn yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn theo cách này hay cách khác, nhưng phần lớn chúng đều tác động lên gan. Nếu bạn quan tâm đến những yếu tố gây bệnh đó mà lại bỏ qua lá gan thì thật không hay chút nào, bởi làm vậy có thể vô hiệu hóa các phương pháp chữa trị khác.
Gan kiểm soát trực tiếp sự phát triển và hoạt động của mọi tế bào trong cơ thể. Bất kỳ dạng hư hỏng, thiếu hụt, hoặc tăng trưởng bất thường nào của tế bào đều chủ yếu do hoạt động gan kém. Ngay cả khi mất đi 60% hiệu suất ban đầu, cấu tạo tuyệt diệu và khả năng thích ứng của gan vẫn cho phép nó hoạt động bình thường, nghĩa là giữ cho các chỉ số máu trong khoảng cho phép. Có thể cả bệnh nhân và bác sĩ đều cho thấy khó mà tin nổi, nhưng nguồn gốc của hầu hết các bệnh đều có thể dễ dàng truy nguyên đến gan. Chương đầu tiên của cuốn sách này dành để bàn về những mối liên hệ sống còn đó.
Mọi bệnh tật hay triệu chứng sức khỏe sa sút đều do tắc nghẽn ở đâu đó. Ví dụ, mao mạch máu bị tắc không thể cung cấp oxy và chất dinh dưỡng quan trọng cho một nhóm tế bào nào đó. Để tồn tại, các tế bào này sẽ buộc phải thực thi một số biện pháp sống còn. Tất nhiên, nhiều tế bào không qua khỏi nạn đói và chết đi. Nhưng các tế bào khác kiên cường hơn sẽ tự điều chỉnh thông qua quá trình đột biến gien để có thể tiêu thụ chất thải chuyển hóa bị tắc lại, như axit lactic chẳng hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của chúng. Có thể so sánh những tế bào này với một người hết nước giữa sa mạc, phải uống nước tiểu để sống lâu thêm một chút.
Đột biến tế bào dẫn đến ung thư chẳng qua là sự gắng gượng cuối cùng của tế bào nhằm tránh bị hủy diệt do quá tải chất độc và một cấu trúc cơ quan bị tổn thương. Dù là cách nói phổ biến trên thực tế, nhưng nếu gọi những biện pháp cơ thể thích ứng với chất thải độc hại và vật liệu tế bào bị phân hủy là bệnh tật thì thật không công bằng. Sự thiếu hiểu biết về bản chất thật của cơ thể làm nhiều người tin rằng bản năng sinh tồn này là một bệnh tự miễn, bởi thuật ngữ tự miễn dịch miêu tả hiện tượng cơ thể cố gắng tự tấn công, thực ra là cố tự sát. Nhưng ở đây không phải vậy. Ngoài những lý do khác, các khối u ung thư hình thành do các tắc nghẽn tại mô liên kết, thành mạch máu và ống bạch huyết – tất cả đều ngăn không cho tế bào khỏe mạnh nhận được đủ oxy và các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Mọi tế bào ung thư đều bị thiếu oxy. Để chữa trị thương tổn tại chỗ bị hư hại, cơ thể sinh ra các mạch máu mới để duy trì các tế bào ung thư và ngăn không cho bộ phận đó khỏi bị suy kiệt hoàn toàn, ít nhất là kéo được càng lâu càng tốt.1
1 Để hiểu rõ hơn về ung thư là gì và nguyên nhân của có, mời đọc cuốn sách của tôi Cancer is Not a Disease - It’s Healing Mechanism (bản tiếng Việt: Ung thư không phải là bệnh, mà là cơ chế chữa lành đã được Thái Hà Books xuất bản và phát hành năm 2019.)
Những tắc nghẽn dễ nhận thấy hơn trong cơ thể cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Chẳng hạn như táo bón làm cơ thể khó loại bỏ chất thải trong phân. Phân bị dồn ứ ở ruột già gây nên môi trường độc hại trong toàn bộ đường tiêu hóa, rồi lan ra cả cơ thể nếu tình trạng này không được giải quyết. Táo bón kinh niên có thể làm cho bạn cảm thấy u ám, lo lắng, hoặc chán nản.
Các chất khoáng ta ăn vào có thể kết thành tinh thể trong thận, cản trở dòng nước tiểu trong thận và bàng quang, rồi gây nhiễm trùng thận và suy thận. Tích tụ khoáng chất trong hệ tiết niệu cũng dễ dẫn đến hiện tượng ứ nước, tăng cân, huyết áp cao, và hàng tá triệu chứng bệnh khác.
Khi chất thải axit độc hại tích tụ trong ngực và phổi, cơ thể đáp ứng bằng cách tiết chất nhầy để bẫy chúng. Kết quả là luồng khí qua phổi bị nghẽn và cơ thể bị thiếu không khí. Đến lúc cơ thể đã nhiễm độc và bị tắc nghẽn thì dễ bị nhiễm trùng phổi.
Các hiện tượng nhiễm trùng phổi thực ra nhằm tiêu diệt và loại bỏ tế bào phổi yếu, bị hư hỏng, bởi nếu không chúng sẽ bị thối rữa và hình thành mủ. Tắc nghẽn phổi ngăn chặn quá trình dọn chiến trường tự nhiên này. Nếu tắc nghẽn không được giải quyết bằng biện pháp tự nhiên như ho hoặc chảy nước mũi, mủ có thể bị kẹt trong mô phổi. Đương nhiên, vi khuẩn truyền nhiễm sẽ ngày càng sinh sôi nảy nở trong nỗ lực tuyệt vọng của cơ thể nhằm tự làm sạch khu vực tắc nghẽn đang chứa đầy các tế bào phân hủy và chất thải. Các bác sĩ gọi cơ chế chữa bệnh này là bệnh nhiễm trùng tụ cầu khuẩn, hay viêm phổi.
Nhiễm trùng tai và giảm thính lực có thể do chất nhầy chứa đầy độc tố và vi khuẩn sống hay chết xâm nhập vào các ống dẫn từ cổ họng đến tai (ống Eustachian).
Tương tự, máu bị đặc lại (khi tiểu cầu kết lại với nhau) do dùng nhiều đồ ăn thức uống có tính tạo axit làm hạn chế lưu thông ở mao mạch và động mạch, do vậy dẫn tới nhiều bệnh tật, từ kích ứng da đến viêm khớp hoặc huyết áp cao, đau tim hay đột quỵ.
Những tắc nghẽn kiểu này đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới sự suy yếu trong hoạt động của gan – nhất là do sỏi mật tắc nghẽn trong gan và túi mật. Dịch mật bị cô đặc cùng các chất vô cơ hoặc hữu cơ mắc kẹt trong hai cơ quan này sẽ gây trở ngại lớn đến nhiều quá trình quan trọng như tiêu hóa thức ăn, loại bỏ chất thải và giải độc tố trong máu.
Khi các ống mật trong gan và túi mật được thông thoáng, 60 – 100 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể sẽ được thở nhiều oxy hơn, nhận đủ lượng chất dinh dưỡng, loại bỏ các chất thải chuyển hóa và duy trì liên hệ tốt với não bộ, hệ thần kinh, hệ miễn dịch, hệ nội tiết cũng như tất cả các bộ phận khác của cơ thể.
Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đều có đầy sỏi mật trong gan. Bác sĩ có thể dễ dàng xác nhận điều này bằng cách tẩy sỏi gan cho họ. Đáng tiếc, nếu không một bệnh gan cụ thể nào đó được phát hiện, thì cơ quan quan trọng này hiếm khi bị coi là thủ phạm gây ra bệnh khác.
Phần lớn sỏi mật trong gan gồm các thành phần vô hại giống như trong dịch mật, với thành phần chính là cholesterol. Một số loại sỏi bao gồm axit béo và các chất hữu cơ khác đọng lại trong các ống mật. Thực ra đa phần những viên sỏi này chỉ là khối dịch mật tích tụ và các chất hữu cơ, vì thế chúng trở nên “tàng hình” trên phim chụp X quang, siêu âm hay cắt lớp (CT).
Sỏi canxi hiếm thấy trong gan của nhóm cư dân phía Tây bán cầu, nhưng lại hay gặp ở các cộng đồng châu Á như Nhật Bản và Trung Quốc.
Nhưng với sỏi mật thì tình hình lại khác hẳn. Khoảng 20% sỏi mật chứa toàn khoáng chất, chủ yếu là muối canxi, tinh thể cholesterol và sắc tố mật. Các xét nghiệm chẩn đoán có thể dễ dàng phát hiện ra những cục sỏi cứng và to trong túi mật, nhưng lại để lọt lưới những viên sỏi mềm hơn không bị vôi hóa trong gan.
Chỉ đến khi sỏi cholesterol (cholesterol chiếm 85 – 95% trong thành phần sỏi) hoặc các mảng chất béo khác làm tắc nghẽn đường dẫn mật trong gan, máy siêu âm mới có thể nhận ra những hiện tượng của căn bệnh hay được gọi là gan nhiễm mỡ. Khi đó hình ảnh siêu âm cho thấy lá gan không còn đen nữa mà gần như trắng hoàn toàn. Buồng gan nhiễm mỡ có khi tích tụ đến 70.000 viên sỏi rồi mới đầu hàng vì nghẹt thở và ngừng hoạt động.
Nếu bạn bị gan nhiễm mỡ, bác sĩ sẽ bảo là bạn có quá nhiều mô mỡ trong gan. Ít bác sĩ nào thông báo rằng bạn có sỏi nội gan (thứ sỏi làm nghẽn ống mật trong gan). Như đã nói ở trên, hầu hết các viên sỏi nhỏ trong gan không thể phát hiện bằng siêu âm hoặc chụp CT. Tuy nhiên, nếu phân tích cẩn thận hình ảnh chẩn đoán, các chuyên gia sẽ có thể phát hiện nhiều ống dẫn mật trong gan đã giãn nở ra do bị tắc nghẽn.
Có thể phát hiện ống dẫn mật bị giãn nở vì những viên sỏi lớn và cứng, hoặc các đám sỏi qua hình ảnh cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên, trừ khi gan có dấu hiệu bệnh nặng, hiếm khi bác sĩ kiểm tra sỏi trong gan. Tiếc thay, dù ai cũng biết gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, nhưng những rối loạn của nó lại thường xuyên không được đánh giá đúng mực.
Ngay cả khi đã xác định và chẩn đoán là gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu hoặc có sỏi mật trong ống dẫn mật, các cơ sở y tế ngày nay cũng không đưa ra phương án điều trị nào để giảm tải cho bộ phận tối quan trọng này.
Phần lớn người dân ở các nước công nghiệp phát triển cũng tích lũy hàng trăm, thậm chí hàng ngàn viên mật đông quánh và cặn mỡ trong gan. Những viên sỏi này thường xuyên làm nghẽn ống mật trong gan, bóp nghẹt cơ quan sống còn này và cơ thể nói chung.
Dù thành phần có là gì thì sỏi cũng gây tác hại lớn với lá gan. Dù bác sĩ hay chính bạn có coi chúng chỉ là viên sỏi khoáng chất thông thường hay là cặn mỡ hoặc cục dịch mật đông quánh, thì hậu quả do sỏi gây ra vẫn là khiến dòng mật tối cần thiết không tới được ruột.
Câu hỏi quan trọng ở đây là: làm thế nào mà một điều đơn giản như dòng mật tắc nghẽn lại gây ra những căn bệnh phức tạp như suy tim sung huyết, tiểu đường và ung thư.
Mật gan là chất lỏng có vị đắng, tính kiềm, màu vàng, nâu hoặc xanh lá cây. Nó có nhiều chức năng và mỗi chức năng đều ảnh hưởng rất lớn tới tất cả các cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Ngoài việc hỗ trợ tiêu hóa các chất béo, canxi và protein, mật rất cần để duy trì lượng chất béo bình thường trong máu, loại bỏ chất độc từ gan, đảm bảo cân bằng axit/kiềm trong đường ruột và ngăn không cho đại tràng sinh ra vi khuẩn độc hại.
Mật ngăn ngừa và có thể chữa ung thư và bệnh tim, hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong! Vai trò của mật trong việc duy trì sức khỏe ổn định vẫn chưa được thừa nhận đầy đủ, ít nhất là trong y học chính thống. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rằng bilirubin và biliverdin, các sắc tố làm nên màu của mật, có vai trò sinh lý cực kỳ quan trọng với con người.
Theo nghiên cứu công bố năm 2008 trên tạp chí uy tín Mutation Research, các sắc tố mật có đặc tính chống đột biến gien rất mạnh1. Các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng trong quá khứ, sắc tố mật, nhất là bilirubin, bị coi như những sản phẩm phụ vô dụng của quá trình dị hóa hem2 (heme catabolism), thậm chí độc hại nếu chúng tích tụ lại. “Tuy nhiên, trong 20 năm qua, nhiều khảo sát về độ liên quan sinh lý của sắc tố mật cho thấy các chất này có tính chống oxy hóa và kháng độc tố đáng kể”, nghiên cứu kết luận.
1 Mutation Research. Tháng 1, 2 năm 2008(l-2):28-41. 18/5/2007.
2 Thành phần của hemoglobin, sắc tố đỏ trong máu.
Bác sĩ sẽ dọa cho bạn phát khiếp nếu da hoặc mắt của bạn ngả vàng (bệnh vàng da). Họ sẽ không nói rằng cơ thể bạn thực ra đang cố gắng loại bỏ các gốc tự do peroxyl nguy hiểm và các chất gây đột biến (hydrocacbon thơm đa vòng, heterocyclic amin, chất oxy hóa), tất cả chúng là thứ hóa chất làm tế bào trở thành ung thư. Nói khác đi, đôi khi cơ thể có vẻ như làm bạn bị mắc bệnh thực ra lại để cố gắng khôi phục sức khỏe cho bạn.
Tôi cho rằng nghiên cứu này là một trong những khám phá quan trọng nhất trong lĩnh vực y học, điều mà hệ thống y học cổ đại nhất (Ayurveda 6.000 năm tuổi) đã biết từ lâu. Nếu không bị sỏi trong ống mật hoặc sỏi trong túi mật làm tắc, dịch mật có thể ngăn không cho các tế bào khỏe mạnh bị đột biến thành tế bào ung thư. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy người có nồng độ bilirubin và biliverdin cao có tỉ lệ ung thư và bệnh tim mạch thấp.
Các nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy sắc tố mật tăng ở những bệnh nhân vàng da còn giúp kiềm chế và kiểm soát hen suyễn do viêm gan siêu vi B cấp tính.1
1 Tohoku J Exp Med. 2003 Mar; 199(3):193-6.
Đương nhiên những phát hiện như trên đặt ra vấn đề rằng những thứ y học hiện đại coi là bệnh tật thực ra là cuộc đấu tranh sinh tồn phức tạp mà qua đó, cơ thể con người đang tự chữa bệnh. Khi được điều trị và trấn áp bằng dược phẩm, những nỗ lực tự chữa bệnh của cơ thể có thể bị triệt tiêu. Thay vì dùng thuốc men làm vũ khí trong cuộc chiến chống lại cơ thể, chúng ta hãy hỗ trợ cơ thể bằng cách loại bỏ các tắc nghẽn bị tích tụ lâu ngày. Do mật và các thành phần trong đó đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể, dòng dịch mật cần được luôn luôn thông suốt.
Để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa đột biến tế bào và tổn thương oxy hóa, cũng như cung cấp đủ dinh dưỡng cho tế bào, gan phải sản xuất 1 – 1,5 lít mật mỗi ngày. Hễ ít hơn thì sẽ gây ra vấn đề với quá trình tiêu hóa thức ăn, loại bỏ chất thải và thải độc trong máu. Nhưng nhiều người chỉ sản xuất được một cốc mật mỗi ngày, thậm chí ít hơn. Như sẽ trình bày trong cuốn sách này, hầu như mọi vấn đề về sức khỏe là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của việc suy giảm sản xuất và lưu thông mật.
Người mắc bệnh mạn tính thường có vài nghìn viên sỏi mật làm tắc nghẽn các ống mật trong gan. Một số sỏi cũng hình thành trong túi mật. Một khi những viên sỏi này được loại bỏ thông qua quá trình tẩy sỏi mật, rồi chế độ ăn và lối sống cân bằng được duy trì, thì gan và túi mật sẽ khôi phục lại chức năng ban đầu và hầu hết các triệu chứng khó chịu hay bệnh tật trong cơ thể sẽ thuyên giảm. Bạn sẽ nhận thấy tất cả bệnh dị ứng dai dẳng sẽ nhẹ đi hoặc biến mất. Đau lưng sẽ tiêu tan, còn năng lượng và sức khỏe được nâng lên.
Làm thông các ống dẫn mật trong gan là một trong những biện pháp quan trọng và mạnh mẽ nhất bạn có thể áp dụng để cải thiện và giành lại sức khỏe.
Từ cuốn sách này, bạn sẽ học được cách nhẹ nhàng loại bỏ vài trăm viên sỏi mật trong một lần tẩy sỏi. Kích thước của chúng dao động từ hạt vừng đến hạt óc chó nhỏ (2 – 3cm), trong một số trường hợp hiếm hoi, sỏi có thể to bằng quả bóng chơi golf. Quá trình tẩy sỏi gan thực sự diễn ra trong khoảng dưới 14 giờ và có thể được thực hiện dễ dàng tại nhà vào cuối tuần.
Chương 1 giải thích chi tiết tại sao sỏi mật trong ống mật, cả trong và ngoài gan, lại là nguy cơ lớn nhất cho sức khỏe và có thể gây ra hầu như mọi thứ bệnh lớn nhỏ.
Chương 2 giúp bạn xác định các dấu hiệu và triệu chứng cho thấy sự hiện diện của sỏi trong gan và túi mật.
Chương 3 đề cập đến các nguyên nhân gây ra sỏi mật.
Trong Chương 4, bạn sẽ được hướng dẫn cách tẩy sỏi mật. Về cơ bản, nó bao gồm thời gian chuẩn bị 6 ngày để làm mềm sỏi và sau đó là động tác tẩy sỏi bằng hỗn hợp dầu ô-liu và nước cốt các loại quả họ cam chanh.
Chương 5 hướng dẫn cách ngăn ngừa sự hình thành mới của sỏi mật.
Chương 6, “Tôi có thể trông mong gì từ tẩy sỏi mật”, sẽ bàn về những ích lợi cho sức khỏe từ biện pháp tuyệt diệu này.
Chương 7 trình bày về những quan niệm sai lầm vẫn tồn tại trong công chúng cũng như trong giới y tế về tẩy sỏi mật và những thông tin bị xuyên tạc được truyền bá từ những người có lợi ích tài chính để ngăn mọi người thải độc gan và cản họ chủ động chăm sóc sức khỏe của chính mình.
Đến đây bạn có thể thắc mắc “Tẩy sỏi mật là làm gì?” Quá trình thực ra khá đơn giản. Hiệu ứng tẩy sỏi là do dung dịch hỗn hợp bạn uống vào sẽ kích thích mật từ gan và túi mật xả ra nhanh và mạnh. Dịch mật tràn xuống ồ ạt cuốn theo mọi thứ chất độc, sỏi cholesterol từ gan và sỏi mật từ túi mật. Khi đó cả gan và túi mật đều tống chất độc và sỏi vào ống mật chủ.
Liệu pháp thải độc này cũng cần magnesium sulfate (muối Epsom), uống vào làm giãn ống dẫn mật và giữ cho chúng luôn mở, đảm bảo sỏi và các chất thải chảy thông đồng bén giọt tới đường ruột1. Các viên sỏi được đẩy vào tá tràng (phần đầu tiên của ruột non), nơi ống mật chủ hợp với ống tụy. Từ đó, sỏi và chất độc được đưa tới ruột già để thải ra ngoài.
1 Xem bài “An Analysis of the Reaction of the Human Gall Bladder and Sphincter of Oddi to Magnesium Sulfate”. Tạp chí Surgery 1943; 13:723-733. Hiệu ứng này cũng được minh họa trong nghiên cứu công bố tại tạp chí American Journal of Digestive Diseases; Volume 9, Number 5, 162-165, DOI: 10.1007/BF0299729.
Xin chúc bạn thành công trong hành trình giành lại sức khỏe, hạnh phúc và sức sống mà bạn xứng đáng được hưởng!