Hướng dẫn nhận biết tin giả
Với vô số những luồng thông tin được tiếp cận hàng ngày trên không gian mạng, công chúng dễ bị rơi vào tình trạng “rối loạn thông tin”, do đó, mỗi người cần tự trang bị cho bản thân khả năng chọn lọc thông tin để xác định đâu là tin xác thực, khách quan cần được tích cực lan truyền; đâu là tin giả, tin sai sự thật cần được đính chính, loại bỏ. Một số dấu hiệu nhận biết tin giả:
1. Xem xét nguồn tin, kiểm tra tác giả
- Nguồn tin: Cần cảnh giác với thông tin đến từ website không rõ nguồn gốc, không xác thực hoặc từ tài khoản/kênh nội dung/nhóm không theo dõi thường xuyên, ít tương tác hoặc ít bạn bè chung.
- Đối chiếu với báo chí chính thống để kiểm chứng tin nguồn: Để nhận được những thông tin chính xác, cần tham khảo thêm tin tức trên truyền hình hoặc từ những trang báo uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và có thương hiệu hoặc từ các cổng/trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan nhà nước.
Trang web giả mạo Vingroup để quảng cáo game bài
Trang Fanpage giả mạo VTV
Tài khoản Facebook cắt ghép hình ảnh vào phóng sự đi từ thiện của VTV24 để quảng bá tên tuổi
Trang web giả mạo Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
2. Kiểm tra thông tin, hình ảnh minh họa và đường dẫn liên kết
Tin giả còn có thể xuất hiện dưới dạng hình ảnh hoặc bằng cách gắn đường liên kết sai, không liên quan tới nội dung bài viết. Nhiều đối tượng thường tìm cách lồng ghép, chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung bài viết. Do đó, cần kiểm tra xem hình ảnh có tồn tại trên không gian mạng không, đường dẫn liên kết có đúng với nội dung bài viết đăng tải không cũng như đường dẫn liên kết tới trang có nguồn gốc rõ ràng, uy tín hay không.
Tin giả về “bà mẹ ôm con” dưới lớp bùn ở Quảng Trị với hình ảnh cắt ghép từ một trận động đất ở Trung Quốc xảy ra năm 2008 (nguồn: Viettimes.vn)
3. Kiểm tra thời gian
Những bài viết đăng tải tin giả, tin sai sự thật thường được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải. Người dùng cần cảnh giác với những tin tức cũ, được đăng lại vì chưa chắc nội dung này có liên quan tới sự việc hiện tại.
4. Đọc toàn bộ nội dung, tìm những điểm nghi ngờ, mâu thuẫn
Tin sai sự thật về người dân ở TP. HCM tự thiêu do phẫn uất với cách chống dịch Covid-19 của chính quyền
Tin giả đa phần được xây dựng dựa trên một sự kiện, câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung mấu chốt và có tiêu đề “giật gân”, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định nhằm hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người đọc.
Ngoài ra, cần đọc kỹ nội dung xem thông tin đó là tin tức thật, hay chỉ là câu chuyện phiếm, trò đùa của người đăng. Giới hạn phân định giữa tin giả, thông tin bịa đặt và lời nói đùa, câu chuyện chế hài ước mang tính giải trí là rất mơ hồ, nên cần tìm hiểu, xem xét nguồn tin, kiểm tra tác giả, liệu có phải là tài khoản, trang thường xuyên đăng thông tin chưa kiểm chứng không. Những thông tin trong bài viết có nêu rõ tên nhân vật, địa phương, thời gian cụ thể,… không. Với những tin chung chung, không rõ tên nhân vật, địa danh… cụ thể, người đọc cần thận trọng khi tiếp nhận.
Giới chuyên gia khuyến cáo, người dùng mạng xã hội nên tìm đến những nguồn tin chính thống, đồng thời tự mình kiểm chứng trước khi bấm chia sẻ bất cứ thứ gì trên mạng xã hội, tránh trở thành nạn nhân của bẫy tin giả.
5. Đối chiếu với thông tin trên báo chí chính thống hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các cơ quan chức năng
Tin giả về siêu bão cấp 17 vào Việt Nam (nguồn: Viettimes.vn)
Khi nhận thấy nguồn tin không đáng tin cậy, có thể tham khảo các tin, bài có nội dung tương tự trên các trang chính thống, uy tín để đối chiếu. Nếu thông tin khó kiểm chứng, có thể hỏi ý kiến của các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực đó hoặc những người có kinh nghiệm trong việc xác thực tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Trường hợp phát hiện thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Đặc biệt, người dùng mạng xã hội cần lưu ý khi lựa chọn thông tin đăng tải. Trước khi tương tác, bình luận, chia sẻ thông tin nào đó, cần cân nhắc xem thông tin đó có hữu ích cho bạn bè, cộng đồng hay không, chỉ nên chia sẻ những thông tin xác thực, chính thống, để bạn bè, người thân được tiếp cận với những thông tin hữu ích, chính xác không nên chia sẻ những thông tin tiêu cực, nhất là thông tin gây hoang mang, bất an, chưa được xác thực khiến cho người đọc bị tác động xấu đến tâm lý, suy nghĩ.
Tin giả liên quan đến dịch bệnh Covid - 19 được Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam công bố