Với vai trò là một trong những người kiến tạo chương trình đào tạo Thạc sĩ Huấn luyện - giảng viên khung tại Việt Nam, tôi vinh dự đóng góp vào quyển sách này để qua đó các Thạc sĩ Huấn luyện được chuyển giao những ý tưởng cơ bản của chương trình, sẽ "nhiễm loại virut có ích" của các phương pháp giảng dạy tích cực. Và tôi sẽ rất vui mừng nếu họ truyền được sự đam mê các phương pháp dạy và học tích cực ra khắp đất nước Việt Nam.
Những ý tưởng cơ bản của chương trình đào tạo Thạc sĩ Huấn luyện
Không bao giờ chúng tôi có ý định khuyên giảng viên từ bỏ phương pháp thuyết trình. Hiếm khi tôi được trải nghiệm những giờ thuyết trình tốt như ở Việt Nam. Tôi không dùng từ "nghe thuyết trình", mà là trải nghiệm, vì nghệ thuật thuyết trình của các đồng nghiệp Việt Nam không chỉ hạn hẹp trong ngôn ngữ. Việc sử dụng phương tiện hỗ trợ trong giờ giảng - chủ yếu là cái bảng thân quen và hiệu quả - được các bạn thực hiện rất tốt. Các bạn cũng biết cách dùng sự biểu cảm của nét mặt và sự chuyển động của cơ thể để thu hút sự chú ý của người nghe.
Nhưng bài thuyết trình chỉ có thể trở nên mạnh mẽ và có tác dụng khi nó được sử dụng sinh động bên cạnh các phương pháp giảng dạy khác.
Vì lý do này mà chương trình đào tạo Thạc sĩ Huấn luyện ra đời với mục tiêu làm cho các đồng nghiệp Việt Nam hứng thú với các phương pháp mới, để qua đó có thể kéo người học ra khỏi trạng thái thụ động. Chỉ khi chính người học trở nên tích cực, và chỉ khi người học tự mình tham gia, thì việc học mới trở nên tích cực. Người phiên dịch và cũng là bạn của tôi - nói với tôi một câu tục ngữ Việt Nam thể hiện tuyệt vời ý tưởng trên: "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm".
Cùng với ý tưởng cơ bản này, chúng tôi muốn trang bị cho các đồng nghiệp Việt Nam những kiến thức và kỹ năng để có thể thực hiện được giờ giảng theo hướng hiện đại, và hơn hết là giờ giảng hiệu quả. Đồng thời, họ cũng có trách nhiệm phải chuyển giao những kiến thức đó cho các giảng viên khác.
Niềm vui khi nhìn đồng nghiệp trên bục giảng
Trong những lần sang Việt Nam gần đây, tôi không phải làm việc nhiều trong chương trình đào tạo Thạc sĩ Huấn luyện nữa. Phần lớn thời gian tôi ngồi ở cuối lớp và quan sát cách các Thạc sĩ Huấn luyện giảng bài trước các giảng viên. Những gì nhìn thấy làm tôi rất phấn chấn. Các Thạc sĩ Huấn luyện thực hiện bài giảng một cách tự tin và vững vàng với những phương pháp tích cực. Họ không sao chép những gì tôi đã làm, mà mỗi người đều xây dựng một phong cách riêng dựa theo thế mạnh của họ và đặc thù của người học Việt Nam. Các phương pháp được thay đổi để phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, và cũng có những cách làm hoàn toàn mới được sáng tạo ra.
Tất cả các bài giảng đều được thực hiện với một trình độ rất cao, và như vậy thì các Thạc sĩ Huấn luyện phương pháp sư phạm hoàn toàn có thể giảng dạy được ở nước ngoài. Một nữ đồng nghiệp Việt Nam khi đến thăm một trường đại học ở Đức đã phàn nàn với tôi rằng phương pháp giảng dạy ở đó chưa đạt chất lượng của các Thạc sĩ Huấn luyện. Chị nói: "Giờ lên lớp ở trường đại học ấy thường chỉ là những giờ giảng tẻ nhạt". Điều đó làm tôi ngượng một chút, nhưng đồng thời cũng cho thấy một chuẩn mực cao của các đồng nghiệp Việt Nam.
Phải chăng người Việt Nam học khác?
Mỗi khi chuẩn bị đi công tác nước ngoài, nhiều người châu Âu được học về những khác biệt giữa các nền văn hóa, và quả thật là có những khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia. Người Việt Nam cũng luôn muốn tìm hiểu và hỏi, người Đức học như thế nào? Đối với tôi, trong suốt nhiều năm ở Việt Nam, những sự khác biệt đó không quan trọng lắm. Quan trọng hơn là nhận thức rằng: Về cơ bản, con người ở mọi nơi trên trái đất đều học rất giống nhau. Tôi sẽ giải thích điều này bằng ba luận điểm sau đây:
1. Người học cần một quan hệ tốt với giáo viên
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, học không có cảm xúc sẽ không thành công. Một phần quan trọng của cảm xúc này là mối quan hệ tích cực giữa người dạy và người học. Một giáo viên hoạt động như một "cỗ máy giảng" hoàn hảo sẽ không khích lệ việc học nhiều bằng một người thầy bằng xương bằng thịt, giảng bài bằng sự vui vẻ, cởi mở, tôn trọng và hài hước. Người thầy như là một tấm gương, nhưng không cần phải là hoàn hảo, vì những sai lầm nhỏ là không thể tránh khỏi. Tại Việt Nam, tôi nhận thấy các giáo viên luôn sợ mắc sai lầm hoặc không trả lời được câu hỏi của người học. Xét trên phương diện sư phạm thì nỗi sợ đó là hoàn toàn không có cơ sở.
2. Cách học tích cực ngày càng quan trọng
Như trên đã trình bày, khuyến khích cách học tích cực là mục tiêu trọng tâm của chương trình đào tạo Thạc sĩ Huấn luyện. Chúng tôi biết rằng người học ở khắp nơi trên thế giới sẽ học tập hiệu quả nhất nếu họ tự tiếp thu nội dung dưới sự hướng dẫn của người dạy và nếu họ áp dụng được ngay các kiến thức ấy. Chương trình đào tạo Thạc sĩ Huấn luyện của chúng tôi thành công chính là vì tất cả các mô-đun (khóa học) đều có yêu cầu thực hành trong thực tế. Đối với người học, đó là một thách thức lớn khi phải áp dụng ngay những phương pháp mới làm quen vào công việc thực tế của họ - như hỏi chuyên gia hoặc nêu ý kiến để ghi lên bảng - trong khi các đồng nghiệp và chuyên gia quan sát ở phía dưới. Cách thực hành đó là một áp lực, nhưng là một áp lực tích cực nhằm khuyến khích và nâng cao chất lượng dạy và học.
3. Học là phải có sự liên hệ với thực tế
Lý thuyết và thực tế gắn bó với nhau như ngày với đêm. Nếu giờ giảng chỉ xoay quanh những kiến thức sách vở và người học không nhận thấy mối quan hệ với cuộc sống thực tại, nghĩa là buổi học không đảm bảo yêu cầu. Kiến thức lý thuyết có thể được người học ghi nhớ trong các kỳ kiểm tra, nhưng khi thi xong, kiến thức đó sẽ biến mất. Lý thuyết là quan trọng để chúng ta lý giải thế giới và từ đó có thể thay đổi thế giới. Nhưng nếu không có mối liên hệ với thực tế, nó sẽ chẳng có tác dụng gì.
Ba ý tưởng cơ bản này có thể được thực hiện tốt trong giờ giảng bằng cách áp dụng các phương pháp tích cực. Nhưng tôi nhường phần mô tả các phương pháp đó cho các đồng nghiệp Việt Nam. Giờ đây họ làm việc này giỏi hơn tôi, vì họ đã đưa các phương pháp đó hòa nhập vào đời sống Việt Nam và tiếp tục phát triển chúng. Các bạn có thể tìm thấy những cách thức cụ thể của từng phương pháp ấy trong cuốn Cẩm nang Phương pháp Sư phạm này.
- Ulrich Lipp
Chuyên gia huấn luyện sư phạm