Các giáo viên Việt Nam thường nói: "Tôi soạn giáo án", hay "Đây là giáo án của tôi". Họ ít khi sử dụng thuật ngữ "kế hoạch bài giảng". Chúng tôi cho rằng cả hai cách gọi đều hay, đều hợp lý. Nhưng điều quan trọng là việc chuẩn bị ấy phải đảm bảo khi lên lớp chúng ta hoàn toàn tự tin, làm chủ giờ giảng của mình và người học cảm thấy hứng thú, say mê học tập.
Một kế hoạch bài giảng bao gồm các nội dung:
1. Chủ đề
2. Đối tượng
3. Số lượng
4. Thời gian
5. Mục tiêu
6. Tài liệu tham khảo
7. Kế hoạch chi tiết
Một số gợi ý:
1. Chủ đề:
Chủ đề hay tên bài giảng phải được ghi to, rõ ràng ngay trang đầu tiên của kế hoạch bài giảng. Ví dụ: "Văn hóa mặc của người Việt", hay "Hình ảnh người phụ nữ trong thơ Nguyễn Bính".
2. Đối tượng:
Vì sao phải xác định đối tượng học?
Giáo viên phải tìm hiểu đối tượng mà chúng ta chuẩn bị giảng dạy xem họ là ai. Họ là sinh viên hệ chính quy, học sinh cấp 3, hay những người đã đi làm...? Họ là cán bộ Đoàn thanh niên hay cán bộ của Hội Phụ nữ? Độ tuổi của những người theo học? Việc tìm hiểu này rất quan trọng, bởi một kế hoạch bài giảng không thể dùng chung cho mọi đối tượng. Cùng là một nội dung, nhưng khi đối tượng khác nhau thì kế hoạch bài giảng cũng phải khác nhau, từ việc phân bổ thời gian trong bài giảng, khối lượng kiến thức, phương pháp và phương tiện giảng dạy, cho đến cách thức tiến hành kiểm tra, thi, v.v.
Hoạt động:
Tìm hiểu về người học trong một lóp đào tạo phương pháp sư phạm
Ulrich Lipp
Câu hỏi 1: Anh/chị làm giáo viên được bao nhiêu năm rồi?
Người học sẽ đứng theo 1 đường thẳng trên lớp theo trật tự từ nhiều năm đến ít năm.
= > Lipp: Các anh chị có thể học hỏi lẫn nhau, người trẻ học từ người nhiều kinh nghiệm, và người trẻ có thể động viên người đã đứng lớp lâu năm dũng cảm tiếp nhận cái mới.
Câu hỏi 2: Giảng dạy chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng số công việc ở trường của anh/chị?
Câu hỏi 3: Tỷ lệ phần trăm thuyết trình trong giảng dạy của anh/chị?
Mỗi khi đặt câu hỏi xong, người hỏi sẽ yêu cầu mọi người đứng vào đường thẳng theo số năm, số phần trăm và có thể hỏi kỹ hơn đối với một số người. Ví dụ: ngoài thuyết trình, anh/chị còn dùng những phương pháp nào?
= > Lipp:
- Hôm nay chúng ta tìm hiểu nhiều về nhau để làm gì?
- Nguyên nhân sâu xa của việc ấy?
Chia 2 người vào 1 nhóm, mỗi nhóm tìm 1 nguyên nhân.
- Kết quả thảo luận:
• Xác định đối tượng người học để đưa ra phương pháp phù hợp.
• Xác định nội dung chính cần học.
• Việc làm quen là một phần của nội dung chương trình đào tạo.
• Làm quen để tạo ra phương pháp hấp dẫn một cách hợp lý nhằm phát huy hiệu quả của chương trình đào tạo hiện đại.
• Thấu hiểu nguyện vọng của người học để đưa ra phương pháp hợp lý nhất.
• Nâng cao chất lượng đào tạo.
Trích Nhật ký đạt học thứ 1 (Modul 1) lớp MT4 9 giờ 30 ngày 24/8/2009
3. Số lượng:
Chúng ta cần quan tâm đến tổng số người học trong lớp để nhằm lựa chọn phương pháp, phương tiện giảng dạy cho phù hợp. Ví dụ: Lớp đông người (từ 81 người trở lên), khi áp dụng phương pháp làm việc nhóm thì không thể chia nhóm bằng cách yêu cầu người học di chuyển thành nhiều nhóm ở nhiều vị trí khác nhau trong lớp, bởi như thế sẽ rất lộn xộn, mất trật tự và khó quản lý. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là để người học ngồi tại chỗ và chia nhóm theo dãy bàn. Nhưng với lớp ít người thì việc chia nhóm theo cách linh hoạt lại rất hiệu quả và tạo hứng thú cho người học. Người dạy có thể chia nhóm theo cách đếm số hoặc sở thích về màu sắc, loài hoa..., rồi di chuyển về địa điểm đã được xác định. Với phương tiện giảng dạy cũng vậy, nếu lớp đông người thì bảng viết, tranh ảnh, hình vẽ và các giáo cụ trực quan khác phải đủ lớn để cả lớp có thể quan sát và theo dõi được.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến số lượng nam, nữ, trình độ học vấn, khả năng nhận thức của người học để biết cách khuyến khích, động viên đối với từng đối tượng nhằm giúp họ có thể phát huy tốt nhất năng lực của bản thân.
4. Thời gian:
Điều người dạy luôn lo ngại là hết giờ mà nội dung vẫn còn dang dở ("cháy giáo án") hoặc giảng xong rồi mà thời gian vẫn còn nhiều ("ướt giáo án"). Giảng vừa khớp thời gian - không thừa cũng không thiếu - là một trong những tiêu chuẩn của người dạy giỏi. Các giáo viên khi soạn giáo án hay lập kế hoạch bài giảng cần phải phân bổ thời gian một cách hợp lý cho từng nội dung, vì thực hiện tốt việc này mới có thể đảm bảo đúng tiến độ chương trình đề ra.
5. Mục tiêu:
Mục tiêu là cơ sở cho việc lập kế hoạch bài giảng. Đó là việc mô tả sự thay đổi của mỗi người học sau một quá trình giảng dạy của người thầy. Hay nói cách khác, mục tiêu là cái đích mà cả người dạy và người học phải đạt được sau một quá trình dạy và học.
Việc làm rõ mục tiêu sẽ giúp nâng cao được chất lượng giảng dạy, và khi đó mới có cơ sở để đánh giá hiệu quả của việc dạy và học.
Một bài giảng cần đạt được những mục tiêu sau đây:
Về kiến thức: Người học tiếp thu được gì? Họ biết và hiểu được những gì?...
Về kỹ năng: Người học có thể làm được gì? Họ có thực hành được không? Có thể vận dụng kiến thức vào thực tiễn như thế nào?...
Về tinh thần, thái độ: Thái độ của người học đối với bài giảng như thế nào? Họ có mong muốn gì sau khi học xong bài?...
Ví dụ: Học xong bài Kỹ năng giao tiếp nơi công sở, người học:
- Về kiến thức: Người học hiểu được đặc thù của giao tiếp nơi công sở, yêu cầu, nguyên tắc giao tiếp nơi công sở.
- Về kỹ năng: Người học được thực hành kỹ năng lắng nghe, kỹ năng nói, kỹ năng khen/góp ý.
- Về thái độ: Người học coi trọng việc nâng cao kỹ năng giao tiếp nơi công sở, và có ý thức rèn luyện kỹ năng này.
6. Tài liệu tham khảo:
Trách nhiệm của người dạy là phải cung cấp cho người học những tài liệu cần thiết có liên quan đến bài giảng và môn học nhằm giúp họ thuận lợi trong việc nghiên cứu và học tập.
Có thể có hai loại tài liệu: tài liệu bắt buộc (giáo trình) và tài liệu tham khảo.
Người dạy có thể cung cấp trực tiếp đến người học tài liệu hoặc giới thiệu tên tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản và địa chỉ có thể tìm kiếm.
7. Kế hoạch chi tiết:
Đây là những gợi ý cho một kế hoạch bài giảng thực hiện trong 45 phút, các giáo viên có thể tham khảo và vận dụng linh hoạt, phù hợp với bài giảng chuyên môn của mình.
Ví dụ: KẾ HOẠCH GIỜ GIẢNG
1. Chủ đề: Những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình xã hội hóa.
2. Đối tượng: Sinh viên.
3. Số lượng: 100 người, độ tuổi trung bình 21, chưa có kinh nghiệm làm việc.
4. Thời gian: 45 phút.
5. Mục tiêu giờ giảng:
- Kiến thức: Sinh viên hiểu được quá trình xã hội hóa là gì và các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến quá trình xã hội hóa.
- Kỹ năng: Phân tích được những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình xã hội hóa của bản thân.
- Thái độ: Rút ra bài học kinh nghiệm cho quá trình xã hội hóa của bản thân mỗi sinh viên.
6. Tài liệu tham khảo:
Giáo trình Xã hội học đại cương, tác giả Phạm Tất Dong, Lê Ngọc Hùng.
7. Kế hoạch chi tiết: