1. Nguyên tắc 1: Liên hệ đến thực tế
"Giờ giảng tốt thường được bắt đầu từ thực tiễn và kết thúc bằng thực tiễn."
- Ulrich Lipp
Những gì được dạy trên lớp phải gắn với cuộc sống bên ngoài, ở quá khứ, hiện tại và tương lai của người học. Với người lớn tuổi, nếu nội dung học không liên quan đến công việc đang làm, họ sẽ không muốn học. Họ chỉ có thể hiểu lý thuyết qua ví dụ thực tế.
Vậy Anh/Chị đã liên hệ thực tế như thế nào trong bài giảng?
Đưa ra ví dụ liên quan đến công việc hàng ngày của người học là một cách mở bài tốt. Ví dụ này khiến người nghe tò mò và nhận ra rằng giờ học sẽ đề cập đến công việc của họ, gần gũi và hữu ích với họ. Khi người học thấy rõ lợi ích của việc học, họ sẽ tiếp thu bài tốt hơn, học tập trung hơn. Sau khởi đầu thuận lợi, người dạy có thể đưa ra phần lý thuyết như định nghĩa, giải thích, quy tắc... Đến cuối bài, người dạy cần phải thiết lập lại mối liên hệ giữa bài học với thực tế của người học.
Bài học được bắt đầu bằng thực tiễn và kết thúc cũng bằng thực tiễn, như thế mới đảm bảo được việc học đi đôi với hành.
Một giờ giảng tốt, có hiệu quả cần gợi mở và thu hút người học bằng những câu hỏi liên quan đến thực tế công việc của họ, cung cấp cho họ kiến thức mới về lý thuyết và kết thúc bằng các yêu cầu rất thực tế.
Để có thời gian liên hệ thực tế, nội dung bài giảng nên được cắt giảm và chỉ tập trung vào những nội dung thực sự cần thiết. Thực tế cho thấy, giờ học ở Việt Nam hiện nay phải truyền đạt quá nhiều nội dung, vì vậy mà mỗi giáo viên cần phải linh hoạt trong việc chọn lọc điều gì là có ích nhất cho người học.
2. Nguyên tắc 2: Tạo không khí tích cực trong giờ giảng
Việc học không phải lúc nào cũng là công việc vất vả. Học và chơi không đối nghịch nhau, mà ngược lại. Khi người học tìm thấy niềm vui trong học tập thì việc học cũng trở nên dễ dàng hơn. Trách nhiệm của người dạy là hãy giúp người học cảm nhận được học là niềm vui!
Những cách khác nhau để tạo nên không khí tích cực, vui vẻ trong giờ học:
a. Trò chơi khởi động tạo sự hào hứng (xin vui lòng xem Phần Trò chơi sư phạm) ;
b. Tôn trọng và quan tâm đến người học;
c. Mang đến nhiều nụ cười hơn;
d. Cử chỉ thân thiện, đặc biệt là ánh mắt;
e. Linh hoạt thay đổi phương pháp giảng để tạo sự sinh động;
f. ...
3. Nguyên tắc 3: Trực quan hóa - Trình bày nội dung bằng hình ảnh
Nếu chỉ giảng bằng cách thuyết trình, lượng kiến thức bị thất thoát sẽ là bao nhiêu phần trăm? Các nghiên cứu đã chỉ ra con số ấy là 80%.
Con người không chỉ học bằng cách nghe, mà còn học được nhiều bằng cách quan sát. Vì thế, tất cả những nội dung quan trọng cần phải được trực quan hóa, và trong suốt tiết học phải làm cho người học có thể nhìn thấy càng lâu càng tốt.
Trực quan hóa được thực hiện thông qua các phương tiện giảng dạy, như: bảng, bảng ghim, bảng lật, trình chiếu bằng máy, dụng cụ trực quan, tranh, ảnh, hình vẽ.. Mỗi khi giảng xong một nội dung nào đó, người dạy nên dán, treo quanh lớp học để kiến thức luôn hiển thị trước mắt người học.
4. Nguyên tắc 4: Khuyến khích người học tự làm
"Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm."
Không ai có thể học được trong một thời gian dài nếu chỉ ngồi một chỗ và tiếp thu với tinh thần thụ động. Khuyến khích người học có nghĩa là làm cho họ vận động, chủ động, tích cực. Khi được khuyến khích, người nghe sẽ trở nên chủ động và học hỏi với tinh thần sảng khoái, sống động. Nếu không, khó ai có thể tập trung nghe giảng suông được quá 20 phút.
Giáo viên có thể tổ chức học chủ động bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn:
- Tạo cơ hội cho người học đóng góp ý kiến, làm việc nhóm, tham gia hỏi - đáp...;
- Làm bài tập;
- Thực hành;
- Người học truyền đạt lại nội dung vừa học cho người khác, (xin vui lòng xem thêm bài Các phương pháp bổ trợ khác: Phương pháp Học bằng dạy học);
5. Nguyên tắc 5: Chốt lại nội dung bài giảng
Chốt lại nội dung hay neo kiến thức là một việc quan trọng trong quá trình giảng dạy để người học nhớ lâu những kiến thức đã học. Thiếu điều này cũng giống như con thuyền bị thiếu mất mỏ neo!
Việc chốt lại nội dung có thể được thực hiện bằng nhiều cách:
- Dành thời gian cho người học ghi chép ý chính. Ví dụ: viết thư cho chính mình, (xin vui lòng xem bài Các phương pháp bổ trợ khác) ;
- Nhắc lại và nhấn mạnh những nội dung quan trọng;
- Đặt câu hỏi kiểm tra bài cũ;
- Làm bài tập;
- Thực hành;
- Liên hệ thực tế;
- Yêu cầu người học giảng lại;
- Trưng bày nội dung cơ bản trong suốt thời gian học;
- Trò chơi đố vui: ví dụ đoán ô chữ như trò Chiếc nón kỳ diệu;
- Cuộc thi neo kiến thức bằng câu đố, (xin vui lòng xem Phương pháp Neo kiến thức bằng câu đố);
Các tiêu chí để người dạy có thể tự đánh giá một giờ giảng tốt:
1. Các phương pháp và phương tiện có được tôi sử dụng linh hoạt?
2. Tôi có khuyến khích người học tham gia tích cực, và tôi có bao quát được toàn bộ lớp học?
3. Tôi có độc thoại liên tục hơn 20 phút?
4. Tôi có trực quan hóa các nội dung chính của bài học?
5. Nội dung và thời gian của bài giảng có được điều chỉnh để duy trì sự chú ý của người học?
6. Tôi có "neo" lại kiến thức cho người học?