1. Khắc phục những e ngại của người dạy và người học khi áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực
1.1. Những e ngại của người dạy
a. E ngại lớp đông, không áp dụng được:
Đây là e ngại do hiểu sai về các phương pháp giảng dạy tích cực. Thực tế là có rất nhiều phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với các loại hình lớp học khác nhau. Chẳng hạn, lớp đông có thể áp dụng phương pháp hỏi - đáp, nêu ý kiến - ghi bảng, hỏi chuyên gia, đóng vai, trực quan hóa, phương pháp tình huống, phương pháp tia chớp, phương pháp sàng lọc.. Thậm chí, ngay phương pháp nhóm cũng đã có nhiều giảng viên áp dụng thành công với lớp trên 100 học viên. Điều này chứng tỏ sự thành công không phụ thuộc vào phương pháp mà là vào bản lĩnh và kỹ năng quản lý lớp của người thầy.
b. E ngại người học lười phát biểu, thụ động:
Nếu giao tiếp tốt và biết cách khuyến khích, người thầy sẽ khiến hầu như cả lớp tham gia đóng góp ý kiến trong giờ học. Việc người học ngại phát biểu chính là do người dạy chưa tìm được cách khơi lên ngọn lửa học tập ở học viên của mình. "Người học là những bó đuốc cần đốt cháy chứ không phải cái cốc để rót đầy".
c. Ngại tốn thời gian, tiền bạc khi áp dụng:
Các phương pháp giảng dạy tích cực không hề tốn thời gian hay tiền bạc như nhiều người vẫn nghĩ. Có những phương pháp chỉ cần 5-10 phút để tạo sự sôi nổi trong lớp, giúp người học thu nhận kiến thức một cách dễ dàng như: phương pháp tia chớp, phương pháp hỏi - đáp hay nêu ý kiến... Tiền bạc hay trang thiết bị hiện đại không phải là vấn đề cốt yếu của các phương pháp giảng dạy tích cực. Ngoài bảng có sẵn, hầu hết các phương pháp đều không đòi hỏi trang bị thêm bất cứ phương tiện nào.
d. Sợ bị "cháy giáo án":
Chỉ những người dạy một cách máy móc theo sách vở mới sợ "cháy giáo án". Người thầy giỏi cần biết chọn lọc nội dung để thiết kế buổi giảng sao cho hiệu quả nhất.
1.2. Những e ngại của người học:
a. Ngại làm việc, chỉ thích ghi:
Điều này xuất phát từ thói quen học theo kiểu truyền thống. Nhưng khó khăn này sẽ được hóa giải nếu người học thấy được ích lợi từ việc học theo phương pháp chủ động. Kinh nghiệm của tôi là chỉ sau một giờ đầu được học theo phương pháp tích cực, người học sẽ có hứng thú và hưởng ứng ngay cách học này.
b. Ngại tự học trước khi đến lớp:
Ban đầu, ít có người học nào tự giác chuẩn bị bài học trước khi đến lớp. Để khắc phục điều này, giáo viên có thể hướng dẫn cho họ học ở nhà bằng cách đặt câu hỏi ngắn gọn, hấp dẫn về những gì mà họ cần chuẩn bị. Và giáo viên cũng cần tìm hình thức phù hợp nhằm khen thưởng, động viên những người đã thực hiện tốt, ví dụ đặt câu hỏi để kiểm tra việc đọc sách ở nhà và cộng điểm thưởng cho những bạn trả lời tốt.
c. Tự ti, chưa mạnh dạn phát biểu:
Giáo viên có thể khắc phục khó khăn này bằng cách khuyến khích, động viên hay khen ngợi người học, nhằm tạo tinh thần làm việc sôi nổi trong cả lớp. Thậm chí, cách chỉ định trực tiếp cũng rất hiệu quả để tạo cơ hội cho người học, bởi nhiều người tuy không dám giơ tay nhưng rất muốn được phát biểu trước lớp.
d. Sợ thầy áp dụng phương pháp mới nhưng vẫn thi theo kiểu học thuộc:
Nhà trường cần áp dụng việc ra đề thi mở, khuyến khích tư duy sáng tạo và phản biện của người học. Đề thi nên mang tính ứng dụng cao để người học được sáng tạo, phát huy cao nhất khả năng và tạo dấu ấn riêng. Khi áp dụng phương pháp chủ động, tôi luôn ra đề mở, và dù nhà trường có ra đề đóng (bốc thăm từ ngân hàng đề thi) thì tôi cũng hướng dẫn các học viên làm theo hướng mở, liên hệ thực tế nhiều.
e. Sợ kiến thức không được tổng hợp rõ ràng khi giảng viên áp dụng phương pháp mới:
Điều này xảy ra là do một số giáo viên áp dụng chưa đúng cách thức giảng dạy của các phương pháp giảng dạy tích cực, khiến người học không chốt lại được những kiến thức cần thiết. Ví dụ, với phương pháp làm việc nhóm, có một số giáo viên cho người học làm việc, phát biểu, nhưng sau đó không tổng kết lại nên người học không biết cuối cùng thì điều gì là đúng. Với phương pháp chủ động, người thầy thường giảm việc nói xuống dưới một nửa so với cách cũ nhưng phải đảm bảo phần quan trọng nhất là việc tổng kết, bổ sung, định hướng kiến thức.
2. Những yêu cầu cần thực hiện để có giờ giảng thành công:
2.1. Tìm hiểu kỹ về người học:
Người dạy cần tìm hiểu một số thông tin cơ bản về người học, như thành phần chính, độ tuổi, tỷ lệ nam/nữ, trình độ học vấn. Đặc biệt là cần biết rõ nhu cầu, mong đợi của họ đối với môn học và với người dạy để thiết kế nội dung bài giảng cũng như chọn phương pháp phù hợp nhất.
2.2. Chuẩn bị bài giảng:
Giáo viên chỉ chọn tối đa 5 thông điệp ý nghĩa nhất và cắt bớt những nội dung không phù hợp. Để học sinh ghi nhớ thuận tiện, tốt nhất giáo viên nên tổ chức bài giảng tuân theo quy tắc số 3. Chia bài giảng thành 3 phần, mỗi phần 3 ý, ...
Thay đổi linh hoạt cách thể hiện nội dung bằng các phương pháp giảng dạy chủ động khác nhau.
Chuẩn bị tư liệu minh họa sinh động để trực quan hóa bài giảng.
2.3. Giao tiếp với người học:
Người dạy cần tôn trọng, và hơn hết là nên làm bạn với người học. Thái độ thân thiện, cởi mở, biết lắng nghe của thầy cô luôn được người học trân trọng. Sự khen ngợi, khuyến khích đúng lúc, đúng chỗ của thầy sẽ giúp trò có cơ hội phát triển những tiềm năng.
2.4. Rút kinh nghiệm sau từng giờ giảng:
Cảm nhận của người học đối với tiết học là rất quan trọng. Chỉ họ mới có thể cho biết họ đã thu hoạch được gì qua từng giờ giảng, và người dạy cần thay đổi như thế nào để tốt hơn. Về vấn đề này, chúng tôi xin trích lại ý kiến cá nhân đã chia sẻ trên Báo Tuổi Trẻ ngày 27/2/2009:
Bài học từ những lời góp ý của học trò
TT - Đọc bài "Người thầy không hoàn hảo" (Tuổi Trẻ ngày 26-2-2009) tôi như được sống lại với bao kỷ niệm của những ngày đầu đứng trên bục giảng làm cô giáo.
Ngày ấy, một sinh viên năm nhất đã góp ý với tôi rằng: "Cô ơi, cô nói hơi to, trong khi loa lại ở gần khiến em nhức hết cả tai rồi". Từ góp ý này, tôi luôn ý thức điều chỉnh âm lượng vừa phải cho dễ nghe và luôn hỏi sinh viên rằng như vậy có nghe rõ không, có to quá không. Rồi một học trò khác lại thì thầm với tôi: "Cô ơi, cô nên trang điểm một chút khi lên lớp, như vậy trông cô sẽ xinh hơn và chúng em có thêm cảm hứng để học". Đó là những lời góp ý đầu tiên học trò dành cho tôi. Lời góp ý giản dị nhưng lại có ý nghĩa rất lớn với tôi trong việc ý thức giữ gìn hình ảnh trước học trò, cả về hình thức lẫn tư cách.
Mới đây, lời góp ý của học trò đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều: "Em thấy cô giảng bài rất tình cảm, gần gũi, nhưng khi gặp cô ngoài giờ học em cứ thấy xa cách sao ấy, có rất nhiều điều em muốn chia sẻ với cô mà chưa dám". Từ góp ý này, tôi đã nghiêm túc nhìn lại mình và nhận ra rằng đôi khi tôi đã vô tình trở thành người lạnh lùng và khó gần.
Và còn rất nhiều nhận xét chân tình khác mà tôi nhận được từ học trò trong suốt tám năm đứng lớp. Dù học trò của tôi là các em sinh viên hay các anh chị học viên lớn tuổi, họ đều có một điểm chung là rất chân tình trong việc giúp cô giáo dạy tốt hơn.
Nếu ai đó hỏi làm cách nào để dạy tốt, tôi sẽ nói kinh nghiệm quan trọng nhất mà tôi có được là chân thành tiếp thu ý kiến nhận xét của học trò. Với bất cứ lớp nào, khi dạy được một nửa chương trình hoặc vào buổi kết thúc môn học, tôi đều xin nhận xét của cả lớp để hoàn thiện hơn nữa bài giảng và cách dạy của mình. Tôi đề nghị cả lớp không ghi tên vào phiếu để nhận xét được khách quan. Và chính cách làm này đã cho tôi nhiều bài học quý để hoàn thiện mình khi đứng lớp (từ nội dung bài giảng cho đến phong cách, ứng xử của giảng viên).
PHẠM THỊ THÚY