Nhận thức được các suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin sẽ giúp bạn kiểm soát được bản thân. Điều đó cũng cho phép bạn hiểu tại sao mình lại có những suy nghĩ tiêu cực. Nếu ghi lại những cảm xúc của mình, bạn có thể căn cứ vào đó để đánh giá mức độ thay đổi thái độ và quan điểm của bạn.
TRỌNG TÂM
Hãy ghi lại những tiến bộ của bản thân vào cuốn nhật ký.
Điều này sẽ giúp bạn suy nghĩ và hành động một cách tích cực hơn.
Nhắm mắt lại để giữ tập trung
⇒ XÁC ĐỊNH CÁC SUY NGHĨ
Để có thể thay đổi suy nghĩ tiêu cực, bước đầu tiên bạn phải nhận thức được nó.
Hãy tập trung vào những suy nghĩ đang diễn ra trong tâm trí bạn.
NHẬN THỨC SUY NGHĨ
Yếu tố căn bản nhất mà bạn cần nhận thức chính là suy nghĩ của bạn. Nếu bạn cảm thấy mình đang trong trạng thái tiêu cực, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, sau đó ngẫm xem trong tâm trí mình đang có những suy nghĩ gì đồng thời tập hợp các luồng suy nghĩ đó lại. Hãy điểm qua một lượt các suy nghĩ của bạn. Bạn đang hình dung điều gì? Bạn đang nghe được âm thanh gì? Bạn đang độc thoại điều gì? Những hoài niệm hay viễn cảnh nào đang hiện ra trong tâm trí bạn? Sau đó hãy bộc lộ suy nghĩ của bạn bằng một câu ngắn gọn, chẳng hạn như “Mình sẽ không bao giờ làm được điều đó” hoặc “Mình thực sự giận anh ta”.
CÁC BÀI TẬP HỮU ÍCH
- Tìm lại những bức ảnh ngày xưa để ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu cũng như những niềm tin ngày đó.
- Hãy kể ra ba người quan trọng trong cuộc đời bạn. Tự hỏi những người đó đã truyền cho mình những niềm tin nào, tiêu cực hay tích cực.
- Nghĩ về sự giận dữ hay lo lắng của mình, và tự hỏi “Tại sao mình lại tức giận…, lo lắng như thế này nhỉ?’
XÁC ĐỊNH NIỀM TIN
Để xác định những niềm tin ẩn chứa sau suy nghĩ, bạn phải nhận biết được những suy nghĩ tiêu cực nào thường xuyên xuất hiện. Khi đó, hãy tự hỏi: “Suy nghĩ này có ý nghĩa gì đối với tôi?” và đưa ra câu trả lời. Tiếp tục tự hỏi xem câu trả lời đó có ý nghĩa gì đối với bạn cho đến lúc bạn rút ra được nhận định cuối cùng, chẳng hạn như “Mình rất yếu ớt”, “Mọi người đều không đáng tin cậy”, hoặc “Thế giới này đầy rẫy những chuyện xấu xa”. Những nhận định đó chính là niềm tin của bạn về bản thân và cuộc sống. Một khi đã xác định rõ niềm tin, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh chúng.
HÃY VIẾT NHẬTKÝ
Để hiểu suy nghĩ tác động lên cảm xúc của bạn như thế nào, hãy tạo cho mình một “quyển nhật ký suy nghĩ” trong đó ghi chép những cảm nhận của bạn về cuộc sống. Trong cuốn nhật ký đó, hãy viết ra từng suy nghĩ của bạn, và hoàn cảnh dẫn tới suy nghĩ đó. Tiếp theo, hãy tìm hiểu xem suy nghĩ đó tác động như thế nào đến bạn và ghi lại đánh giá đó. Vào cuối mỗi ngày, bạn nên xem lại quyển nhật ký để xem liệu suy nghĩ và cảm xúc của mình đã dẫn đến những hành động hữu ích hay vô ích. Nếu bạn đọc cuốn nhật ký đó mỗi tuần một lần, hãy đánh giá mức độ tiến bộ của bản thân cũng như xác định những điểm cần hoàn thiện.
TRÒ CHUYỆN VỚI BẢN THÂN
Khi bắt đầu tìm hiểu những suy nghĩ tiêu cực, bạn hãy thử sử dụng những câu dưới đây để phân tích những yếu tố ẩn đằng sau suy nghĩ đó và tìm cách thay đổi nó thành một suy nghĩ tích cực.
"Tôi biết nguyên nhân nào dẫn tới suy nghĩ này và có thể thay đổi nó thành một suy nghĩ tích cực hơn."
"Suy nghĩ tiêu cực này là cơ hội để tôi nhận biết những điều quan trọng đối với mình."
"Suy nghĩ này giúp tôi phân tích cách nhìn nhận của mình về người khác và xét xem chúng có hợp lý chưa."
"Đôi lúc trong tôi xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, nhưng điều này không có nghĩa tôi là một người tiêu cực."
GHI LẠI CÁC TRẠNG THÁI TÂM LÝ CỦA BẠN
Ghi nhật ký hàng ngày giúp bạn nhận thức một cách sâu sắc về các trạng thái tâm lý của mình. Hãy ghi chép lại mọi tình huống xảy ra và phản ứng của bạn - bằng cách cho điểm mức độ cảm xúc của bạn – cũng như ghi lại những kết quả của tình huống đó.