BỎNG LÀ GÌ?
Bỏng được xem như một loại chấn thương trên da hay các mô khác. Bỏng xuất hiện khi một vài hay tất cả các tế bào bị tiêu diệt bởi: sức nóng, lạnh, điện, phóng xạ hay các tác nhân hóa học.
Các bộ phận dưới da (gân, cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh...), các cơ quan trong cơ thể cũng có thể bị bỏng (bỏng sâu).
Tác nhân gây bỏng
• Bỏng do nhiệt: đám cháy, nước sôi, thức ăn nóng, hơi nóng từ nồi áp suất...
• Bỏng do điện: chạm trực tiếp vào nguồn điện, bị ảnh hưởng bởi tia lửa điện...
• Bỏng do hoá chất: do các chất acid, chất kiềm mạnh, chất ăn mòn, chất gây độc cho nguyên sinh chất...
• Bỏng do bức xạ: tia hồng ngoại, lazer...
CÁCH XỬ TRÍ
Bước 1: Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng: đưa ra khỏi đám cháy, dập lửa, ngắt nguồn điện, loại bỏ quần áo, trang sức dính hóa chất... ==> Gọi cấp cứu 115.
Bước 2: Đánh giá ban đầu, bảo đảm những chức năng sống theo ABC (đường thở, hô hấp, tuần hoàn) (xem phần nhận định nạn nhân trang 2).
Bước 3: Nhanh chóng làm mát vùng cơ thể bị bỏng với nước sạch mát ít nhất 20 phút.
Bước 4: Làm ẩm các vật liệu sạch như gạc y tế, khăn mặt, vải màn bằng nước muối sinh lí hoặc nước sạch đóng chai để phủ lên bảo vệ vùng bỏng.
Bước 5: Bù nước và điện giải (Cho nạn nhân uống nước pha ORESOL, nước trà đường ấm, nước cháo loãng, nước hoa quả).
Bước 6: Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Những chú ý tránh để bệnh nhân nặng hơn khi sơ cấp cứu
1. Không đắp các loại nhựa cây, thảo dược... hoặc bất kỳ chất lạ gì vào vùng bỏng
2. Không làm trợt loét vết bỏng, chọc vỡ vòm nốt bỏng
3. Không để hở hoàn toàn vết bỏng
4. Không dùng cồn hoặc oxy già để rửa vết bỏng
5. Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của NVYT