Điện giật là hiện tượng xảy ra khi có dòng điện đi qua cơ thể, để lại hậu quả tổn thương các cơ quan, thậm chí có thể dẫn đến ngưng tim ngưng thở và tử vong.
Con đường dòng điện chạy qua cơ thể sẽ quyết định cơ quan nào bị ảnh hưởng. Nguy hiểm nhất là chạy qua tim và não.
Theo thống kê của Cục an toàn lao động - Bộ LĐTB&XH thì hàng năm Việt Nam có khoảng từ 450 đến 500 trường hợp bị điện giật, trong đó có khoảng 350 đến 400 trường hợp tử vong!
TỔN THƯƠNG DO ĐIỆN GIẬT
• Ngừng tim, ngừng thở (hay gặp nhất).
• Sốc điện, mất ý thức tạm thời.
• Bỏng, thường rất sâu tới gân, cơ xương khớp... thậm chí chi bị cắt cụt.
• Chấn thương kèm theo: chấn thương sọ não, cột sống, ngực, gãy xương...
• Tổn thương do sét đánh còn có thể tác động đến mắt gây mù lòa, thủng màng nhĩ gây đau, điếc.
CÁCH XỬ TRÍ
Bước 1: Ngắt nguồn điện
Bước 2: Tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện bằng các vật dụng cách điện như thanh gỗ hay nhựa...
Bước 3: Nhờ ai đó gọi 115 để được hỗ trợ kịp thời
Bước 4: Kiểm tra và đánh giá toàn thân và xử lý theo nguyên tắc ABCDE:
• A (Airway - Kiểm soát đường thở).
• B (Breathing - Hỗ trợ hô hấp).
• C (Circulation - Hỗ trợ tuần hoàn).
• D (Disability - Thần kinh): Cần đánh giá nhanh tổn thương hệ thần kinh thông qua việc kiểm tra nạn nhân còn tỉnh hay không bằng cách lay gọi và đặt những câu hỏi để xem khả năng đáp ứng của nạn nhân.
• E (Exposure - Bộc lộ toàn thân): Cởi bỏ toàn bộ áo quần nạn nhân để kiểm tra các tổn thương khác để xử trí.
Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngưng tim ngưng thở → Hồi sinh tim phổi CPR
Bước 5: Xử trí vết bỏng
Bước 6: Theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân trong lúc đợi xe cấp cứu tới
• Tuyệt đối không cho nạn nhân ăn hay uống bất cứ thứ gì khi chưa có sự đánh giá của nhân viên y tế.
• Đừng quên chấn thương cột sống và kiểm soát chấn thương nếu tai nạn không có người chứng kiến.