Dị vật đường thở là trường hợp các loại dị vật xâm nhập vào đường hô hấp qua mũi, qua miệng rơi xuống từ thanh quản đến phế quản, dị vật có thể là chất rắn hay chất lỏng. Mọi lứa tuổi đều có thể bị dị vật đường thở, việc xử lí phải được bắt đầu ngay trong phút đầu tiên để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
HÓC DỊ VẬT HOÀN TOÀN
Dị vật rơi vào đường thở che lấp toàn bộ đường thở.
Biểu hiện: Không nói, không ho, không khóc, không thở được, tay ôm cổ, mặt tím tái.
HÓC DỊ VẬT KHÔNG HOÀN TOÀN
Dị vật rơi vào đường thở che lấp một phần đường thở.
Biểu hiện: Ho, khóc, hoảng hốt, cố khạc dị vật ra ngoài.
Gọi ngay cấp cứu 115
XỬ LÝ HÓC DỊ VẬT HOÀN TOÀN
Dùng phương pháp ép bụng (Heimlich)
Bước 1: Ôm nạn nhân từ phía sau, tay thuận tạo thành hình nắm đấm đặt lên vùng trên rốn cách rốn 5-7cm, tay còn lại ôm lấy nắm đấm và thúc mạnh 5 cái, theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên trên.
Bước 2: Kiểm tra miệng nạn nhân xem dị vật đã ra chưa, nếu chưa lặp lại thao tác cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.
Nếu không tống được dị vật ra ngoài, nạn nhân mất ý thức, ngưng tim, ngưng thở lập tức thực hiện biện pháp ép tim ngoài lồng ngực cho tới khi xe cấp cứu đến (xem phần thao tác hồi sinh tim phổi - CPR trang 33)
XỬ LÝ HÓC DỊ VẬT KHÔNG HOÀN TOÀN
Khuyến khích nạn nhân ho, khạc để tống dị vật ra, theo dõi sát tình trạng nạn nhân và nhanh chóng di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
TUYỆT ĐỐI KHÔNG VỖ LƯNG NẠN NHÂN