T
hứ Ba, ngày 2 tháng 3 năm 1999, là ngày thật đặc biệt đối với tôi. Đó là ngày nhật báo The Wall Street Journal đăng một bài viết trang trọng về tôi ngay trang nhất. Sau khi báo phát hành, điện thoại của tôi reo tới tấp. Tôi nhận được lời chúc mừng từ khắp mọi nơi, của bạn bè, của gia đình, của những người đã lâu không liên lạc, của những thính giả, đồng nghiệp cũ và cả các nhà xuất bản.
Một trong những cuộc gọi bất ngờ là của Jan Miller - một nhà môi giới xuất bản hàng đầu thế giới. Bà là đại diện cho các tác giả nổi tiếng như Stephen Covey, Les Brown, Tony Robbins, Phil McGraw và Stedman Graham. Trong vòng hai năm tiếp theo đó, tôi và Jan đã thảo luận về việc xuất bản và tiếp thị cuốn sách với chủ đề Thái độ quyết định tất cả: 10 phương cách giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống mà tôi đã ấp ủ từ lâu.
Đầu tiên tôi phác thảo nội dung cơ bản để Jan mang đi giới thiệu với các nhà xuất bản. Jan đã tiếp xúc với các nhà xuất bản hàng đầu như Simon & Schuster, Doubleday và HarperCollins. Hầu hết các nhà xuất bản đều ấn tượng với cuốn sách của tôi và muốn được độc quyền tiếp thị và phân phối. Cuối cùng tập đoàn xuất bản HarperCollins đã thắng thầu với mức giá ngoài sức tưởng tượng của tôi. Công bằng mà nói, trong việc thương lượng hợp đồng, Jan tỏ ra là người mạnh mẽ, quyết đoán. Cô đã giới thiệu về cuốn sách của tôi ấn tượng đến mức nhà xuất bản HarperCollins đã chọn giúp tôi một người viết bản thảo để đẩy nhanh việc xuất bản vì HarperCollins muốn quyển sách của tôi sẽ là quyển sách đầu tiên cho đợt phát hành đầu năm tiếp theo. Có người trợ giúp bên cạnh, công việc chắc chắn sẽ tiến triển nhanh hơn, chỉ còn lại ba hay bốn tháng hoàn tất bản thảo thay vì cả năm như dự định trước đó.
Tôi rất hài lòng khi gặp người trợ giúp việc viết bản thảo cho tôi. Anh ta thật sự lôi cuốn tôi bằng lối nói chuyện thuyết phục và phong cách khá ấn tượng. Anh ta đã từng giúp hoàn tất cuốn sách của một vị bộ trưởng nên tôi không có chút mảy may nghi ngờ về kinh nghiệm của anh ta.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà hợp đồng với anh ta bị treo lại. Một tháng sau khi ký kết với nhà xuất bản HarperCollins, chúng tôi vẫn chưa ký được hợp đồng với người viết sách, như vậy là chúng tôi đã bị trễ một tháng. Tôi bắt đầu thấy lo lắng vì thời gian biểu của Jan rất khít khao, lịch thuyết trình của tôi cũng dày đặc. Khi thấy quá trễ so với dự tính, Jan và tôi trực tiếp thương lượng cụ thể với người viết sách. Và chỉ đến lúc này, hai chúng tôi mới phát hiện rằng anh ta có thêm những đòi hỏi mới như muốn tăng thêm thù lao, muốn được in tên mình lên bìa sách và một số quyền lợi khác mà chúng tôi cảm thấy không phù hợp. Tôi đoán anh ta nghĩ rằng anh ta sẽ có lợi thế hơn khi thời gian xuất bản sách chỉ còn vỏn vẹn trong vòng ba tháng nên đã mạnh dạn đưa ra lá bài của mình. Tuy nhiên, vốn là người thẳng tính, cương quyết, Jan đã buộc người viết sách giữ nguyên những gì đã thỏa thuận ngay từ đầu.
Thế là công việc viết sách bắt đầu. Tôi thường thấy thoải mái hơn khi làm việc chung với một nhóm nhỏ những người chuyên nghiệp; vì vậy tôi thuê Arabella Grayson và Sam Horn, hai người bạn tín cẩn để phụ giúp tôi làm bất cứ việc gì nhằm bảo đảm là quyển sách sẽ đem đến một điều khác biệt cho mọi người. Thoạt đầu, tất cả chúng tôi đều có chung một quan điểm. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, người viết sách đã lái quan điểm của tôi sang hướng khác, và điều này thật khó chấp nhận vì đây là quyển sách của tôi. Thậm chí, Diane - tổng biên tập của Nhà xuất bản - cũng muốn can thiệp vào bản thảo của tôi. Cả ba chúng tôi không ai ngồi chung một con thuyền. Ai cũng muốn giành lấy mái chèo để chèo theo hướng của mình.
Người viết sách đã thể hiện thái độ chống đối khi đột nhiên rút lui không báo trước lúc bản thảo vẫn còn đang dang dở. Tuy nhiên tôi quyết định sẽ vẫn tiếp tục mà không cần anh chàng này. Dẫu biết rằng sẽ phải vất vả khi xoay xở với hàng đống công việc nhưng tôi muốn tự tìm người trợ giúp cho mình. Tôi đã nghĩ đến việc sẽ để Sam làm trưởng nhóm viết sách và thuê thêm hai người nữa để làm công việc nghiên cứu.
Chúng tôi mất thêm ba tuần nữa cho phần dàn ý và thu thập tài liệu. Nhưng thật sự khi có nhiều người thì bạn sẽ phải tiếp nhận nhiều ý kiến khác nhau về trình tự nội dung, hình thức trình bày, độc giả tiềm năng, ý nghĩa chuyển tải... Chúng tôi không còn nhiều thời gian nữa để bàn luận vì vậy tôi quyết định giảm bớt lực lượng nhân sự xuống chỉ còn Sam và tôi.
Tôi làm việc đêm ngày để hoàn tất phần dàn ý nhưng rồi lại phải làm lại vì Diane cho rằng tôi đã đi quá xa so với ý tưởng mà HarperCollins muốn. Lúc này, Sam phải trở về thực hiện các dự án riêng của cô ấy. Tôi chỉ còn lại một mình.
Trong lúc mọi thứ rối như mớ bòng bong thì Jan bắt tay vào giúp đỡ tôi. Jan thuê giúp tôi một người viết sách khác, tên là Wes. Wes không những có tài trong việc viết lách mà còn có khả năng đánh máy nhanh cực kỳ. Nhờ có Wes, tôi có thể chuyển tải ý tưởng của mình từ bất cứ nơi nào như từ điện thoại công cộng, công sở, khách sạn, trên xe và cả trên máy bay,… mà không cần phải ghi nhớ hay thu âm lại như trước kia.
Wes sẵn sàng đáp máy bay đến tận nơi tôi thuyết trình để nghe tôi kể về toàn bộ cuộc đời tôi và về định hướng của quyển sách theo ý của tổng biên tập. Trong lúc tôi nói, anh ấy ngồi đánh máy ghi lại toàn bộ những thông tin của tôi và đem về nhà tiếp tục xử lý.
Một buổi sáng sớm, trước khi tôi khởi hành đi thuyết trình cho một nhóm ở Chicago, Arabella đã gọi điện cho tôi. Trong lúc nói chuyện, tôi nhận ra rằng Arabella có thể thay tôi viết tiếp quyển sách này dựa trên định hướng của tôi. Thế là, tôi đề nghị Arabella làm trợ lý để tôi yên tâm thực hiện việc thuyết trình của mình.
Thoạt đầu, tôi để cho Arabella tổ chức một số cuộc phỏng vấn qua điện thoại, chuyển lời thoại thành văn viết, và sau đó chuyển các ghi chép của mình cho Wes. Thật là thú vị khi có một người trợ lý ngồi ở California và người viết sách lại ngồi ở Illinois. Tôi gần như gọi điện thoại mọi lúc mọi nơi trên khắp nước Mỹ để thu thập những tài liệu cần thiết và kiểm tra tiến độ làm việc của hai người.
Wes rất toàn tâm toàn ý với công việc. Tuy nhiên tôi có cảm giác quyển sách càng lúc càng có vẻ là của Wes hơn là của tôi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn gấp rút hoàn tất cho kịp thời hạn. Tôi nhận được bản nháp đầu tiên của bản thảo chỉ hai ngày trước thời hạn nộp cho HarperCollins. Đọc xong bản thảo, tôi thấy rõ đây không phải là quyển sách mà tôi thai nghén trong đầu. Tôi đã sửa rất nhiều và gởi lại cho Wes. Tôi nghĩ Wes không hài lòng lắm nhưng tôi không thể làm khác được.
Tổng biên tập Diane rất hài lòng khi nhận được bản thảo chỉnh sửa của tôi. Tuy nhiên, cả hai chúng tôi đều thống nhất là vẫn cần phải điều chỉnh nhiều đoạn để làm nổi bật những giá trị mà tôi muốn chuyển tải. Trong bốn tuần sau đó, Arabella và tôi đã tận dụng mọi cơ hội để có thể định hình và viết lại quyển sách. Tôi gần như kiệt sức trong cuộc chạy đua với thời gian này.
Mặc dù tôi luôn động viên mọi người rằng thái độ sống quyết định tất cả, nhưng rất nhiều lần chính thái độ của tôi cũng bị thử thách. Vốn là người cầu toàn, muốn mọi thứ đều phải hoàn hảo trong từng chi tiết nên những ai làm việc chung với tôi đều phải kiên nhẫn. Bản thân tôi cũng phải kiên nhẫn với chính mình. Cuối cùng chúng tôi cũng đã vượt qua được những lúc sóng gió, những lúc mệt mỏi và hiểu lầm để hoàn thành bản thảo.
Sau ba tuần làm việc liên tục, tôi vẫn tiếp tục chỉnh sửa bản thảo và nhờ Arabella chuyển sang cho Wes. Mặc dù lịch làm việc 24 giờ một ngày và 7 ngày trong tuần đã vắt kiệt chúng tôi nhưng tôi vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Chúng tôi chỉ có một khoảng thời gian giới hạn và mục tiêu của tôi là bảo đảm nội dung quyển sách sẽ giúp thay đổi cuộc sống mọi người.
Vào đúng ngày Wes phải nộp bản thảo chính thức cho HarperCollins, tôi đang trên đường đi thuyết trình. Trước khi bước lên bục thuyết trình, tôi quyết định gọi cho Arabella. Cô ấy vừa mới nhận được bản thảo qua e-mail và đã phát hiện ra ngay những đoạn cắt xén và thêm vào không như ý định của tôi.
Arabella đọc một vài phần của bản thảo cho tôi nghe qua điện thoại. Tôi thấy rõ ràng là những phần rất quan trọng, những phần liên quan đến các giá trị và quan điểm của tôi, mà tôi đã yêu cầu Wes chỉnh sửa, đã không được thể hiện chính xác. Tôi gọi điện thoại cho Tổng biên tập Diane. Cô ấy đang trên đường đến châu Âu để phỏng vấn Đức Giáo hoàng John Paul II về quyển sách mới của Giáo hoàng và dự định sẽ đem bản thảo của tôi lên máy bay đọc. “Hãy khoan đọc bản thảo ấy!”, tôi khẩn khoản, “Bản thảo đó chưa được hoàn chỉnh vì còn thiếu những phần quan trọng. Bản hoàn chỉnh sẽ đến tay cô ngay khi cô đi châu Âu về vào tuần tới”.
Và chỉ trong vòng bốn ngày rưỡi chúng tôi đã hoàn thành tất cả những thay đổi cần thiết. Mọi việc cứ giống như đi học và đi thi kết thúc sáu môn học trong cùng một ngày vậy. Nhưng Arabella và tôi đã làm được điều đó, chúng tôi đã nộp bản thảo đúng thời hạn. Đó là một trong những thử thách khó nhất mà tôi phải vượt qua nhưng cũng là một trong những phần thưởng lớn nhất mà tôi từng có.
Trong lúc chờ đợi cuốn sách được in ra, tôi bắt đầu nghĩ đến việc nhờ những người có tên tuổi viết giúp tôi vài lời nhận xét về cuốn sách. Tôi đã liên lạc với Lou Holtz, huấn luyện viên trưởng tại Đại học South Carolina; Lenny Wilkins, huấn luyện viên của đội Toronto Raptors của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia; Andy Taylor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Rent-A-Car; Stephen R. Covey, tác giả quyển 7 Thói quen để thành đạt (The 7 Habits of Highly Effective People); Stedman Graham, nhà viết sách và kinh doanh; Les Brown, nhà viết sách và thuyết trình gia về động cơ làm việc; và Tony Robbins, nhà viết sách và cố vấn về các vấn đề trong cuộc sống. Tôi đặt lời bình luận của Zig Ziglar – nhà văn kiêm thuyết trình gia về động cơ làm việc - ngay vị trí đầu tiên của quyển sách, một vị trí trang trọng. Cách đây gần 20 năm, cuốn sách Bạn sẽ là người đứng đầu (See you at the top) đã mang đến một sự khác biệt lớn trong tôi, càng đọc tôi lại càng được củng cố niềm tin. Tôi đã từng bước thay đổi thái độ, cách suy nghĩ và cuối cùng là thay đổi cả cuộc đời của tôi, chính là nhờ Zig Ziglar.
Đúng một năm sau khi bài báo viết về tôi được đăng trên tờ The Wall Street Journal, quyển sách Attitude is everything: 10 life-changing steps to turning attitude into action (First News đã xuất bản ở Việt Nam với tựa Thay thái độ – Đổi cuộc đời 3) đã xuất hiện trên các hiệu sách cả nước Mỹ. Điều này không thể trở thành sự thật nếu tôi không có sự ủng hộ và giúp đỡ của gia đình và bạn bè, cùng sự nhiệt tình của rất nhiều người đã sẵn lòng dành cho tôi chút ít thời gian để chia sẻ sự trải nghiệm và vốn sống của họ.
TRẢI NGHIỆM 20
Tôi rất biết ơn vì những gì đã học được trong cuộc sống. Nhờ chúng mà tôi hiểu được ý nghĩa và giá trị của những điều thân thiết xung quanh tôi: gia đình, bạn bè và tất cả những con người tuyệt vời mà tôi đã gặp trong chuyến hành trình của mình.
Tôi rất biết ơn những thầy giáo, cô giáo, những hướng dẫn viên tận tâm và đầy lòng yêu thương đã chỉ dẫn và dạy dỗ tôi trong những năm tháng hình thành nhân cách. Họ đã đặt niềm tin vào tôi trước khi tôi tin vào chính bản thân mình. Nếu không có họ, có lẽ cuộc đời tôi sẽ rẽ sang nhiều hướng khác.
Tôi rất biết ơn những cố vấn về tinh thần và những người thành công đi trước đã hướng dẫn và cho tôi những lời khuyên rất bổ ích. Họ đã chia sẻ những chiến lược để đi đến thành công, đã làm cho cuộc đời tôi chuyển hướng và phong phú hơn.
Tôi cũng rất biết ơn việc tôi đã không được tuyển vào chơi bóng rổ chuyên nghiệp cho NBA. Bước thất bại đó đã dạy cho tôi rất nhiều, kể cả cảm xúc đau khổ và thất vọng. Và để chữa lành vết thương, tôi đã phải học cách tha thứ.
Tôi cũng rất biết ơn thời gian làm việc ở IBM. Tôi đã làm việc với một trong những tập đoàn tốt nhất trên thế giới, và tôi đã hiểu được thế nào là sự hoàn hảo, tính chuyên nghiệp cùng những kiến thức về thế giới kinh doanh. Thông qua những cơ hội đến với tôi trong thời gian này, tôi mới nhận ra niềm đam mê trong đời mình là gì.
Tôi biết ơn tất cả mọi người đã giúp tôi vượt qua những khó khăn, trắc trở và nhờ đó tôi đã rút ra được các bài học lớn nhất để thành công là: kiên nhẫn, nỗ lực, can đảm và luôn giữ vững thái độ lạc quan.
Mỗi ngày mới là một cơ hội để tôi học hỏi và trưởng thành.
Mỗi người trong chúng ta đều mang ơn rất nhiều người xung quanh. Và tôi cầu chúc bạn những gì tốt đẹp nhất trên chuyến hành trình dài của cuộc đời mỗi người, để mỗi chúng ta đều cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao được sống trên đời, để biết thưởng thức và tri ân cuộc sống này.