H
ằng năm, Hội Diễn thuyết Quốc gia (NSA) đều tổ chức bầu chọn nhà diễn thuyết xuất sắc trong năm (CPAE) cho không quá năm thành viên của Hội. Tiêu chí bầu chọn dựa trên khả năng giao tiếp, trình độ chuyên môn cũng như tác phong, thái độ, hình ảnh trong công chúng, kinh nghiệm, kiến thức và ý tưởng.
Lần đầu tham dự buổi trao giải thưởng của NSA, tôi đã tự nói với lòng mình: một ngày nào đó, tôi cũng sẽ là một trong năm người vinh dự bước lên sân khấu để nhận giải thưởng này. Tôi hào hứng với mục tiêu này đến mức tôi viết nó vào nhiều mẩu giấy và dán khắp nơi trong ngôi nhà của mình.
Thực sự thì lúc đó mục tiêu của tôi vẫn chỉ là “trên giấy”, tôi vẫn loay hoay với công việc bán hàng ở IBM. Thi thoảng nhận lời thuyết trình cho một nhóm nhỏ nào đó. Nhưng chỉ sau sáu năm, công việc của tôi thật sự cất cánh. Lịch làm việc của tôi dày đặc với trung bình hai trăm sự kiện diễn thuyết trong một năm. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn kiểm tra để chắc rằng tôi đang đi đúng hướng, vì vậy tôi đã gọi điện thoại cho một trong những cố vấn dày dạn kinh nghiệm của tôi, ông Nido Qubein, nhờ ông đánh giá công việc kinh doanh của tôi và xin ông tư vấn về hướng phát triển trong tương lai.
Sau khi xem hồ sơ kinh nghiệm và dữ liệu tài chính dày cộm, ông đã cho tôi một số lời khuyên bổ ích và nói nhỏ rằng: “Keith, anh nằm trong số 10% các diễn thuyết gia trong toàn Hội NSA có thu nhập cao nhất đấy”.
Tôi ngạc nhiên thật sự, vì thời gian qua tôi chưa dừng lại để xem mình đã và đang đi đến đâu. Tôi cám ơn Nido về những đánh giá của ông và tự nhủ với lòng sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực làm việc để xác lập một vị thế nhất định trong lĩnh vực thuyết trình này.
Năm tiếp theo, tôi thật hạnh phúc khi biết rằng Nido đã đề cử tôi tranh giải nhà diễn thuyết xuất sắc trong năm. Việc tôi nhận được đề cử của một người đáng kính như Nido cho giải thưởng vinh dự này là một điều ngoài sức tưởng tượng của tôi, bởi Nido không chỉ là một nhà diễn thuyết tài năng mà ông còn được kính trọng vì sự khiêm tốn và những đóng góp nhiệt thành đối với sự lớn mạnh của Hội Diễn thuyết Quốc gia.
Tuy nhiên tôi đã không được bầu chọn cho giải thưởng năm ấy. Có chút gì đó đổ vỡ, hụt hẫng trong tôi. Tôi đã sống trong tâm trạng hồi hộp và kỳ vọng trong khoảng thời gian bốn tháng từ khi được đề cử đến khi công bố kết quả chính thức. Tuy nhiên, những biến động của cảm xúc nhanh chóng qua đi, tôi cũng đã lấy lại được bình tĩnh để đón nhận kết quả này. Sự thất bại đã khiến tôi mạnh mẽ, cứng rắn hơn với một quyết tâm rằng mình sẽ chiến thắng ở lần bầu chọn sau.
Năm kế tiếp, Nido vẫn đề cử cho tôi. Năm đó tôi thực hiện khoảng một trăm năm mươi buổi diễn thuyết. Hoạt động của công ty tôi khá ổn định và đúng hướng. Tuy nhiên, bốn tháng sau, tôi lại nhận được một thông báo từ chối nữa. Lần này, cảm giác thất vọng không mạnh mẽ như trước nhưng sự quyết tâm thì tăng lên bội phần.
Và kết quả đã chuyển biến trong năm tiếp theo. Lần này, ngoài Nido tôi còn được lá phiếu uy tín từ Joe Calloway, Rosita Perez – hai thuyết trình gia nổi tiếng đồng thời cũng là những người bạn thân thiết trong cuộc sống của tôi. Và sau bốn tháng, tôi đã cầm trên tay bức thư công bố rằng tôi sẽ là một trong năm người nhận giải thưởng CPAE của Hội Diễn thuyết Quốc gia vào năm 2000, tổ chức tại Washington, D.C.
Lúc ấy tôi chỉ muốn hét lên để mọi người biết rằng tôi vui mừng đến mức nào, nhưng tôi phải kiềm chế cảm xúc bởi NSA quy định người chiến thắng phải giữ kín thông tin cho đến tận ngày trao giải chính thức. Mà từ lúc đó đến ngày trao giải là hàng tháng trời.
Thời gian chờ đợi cũng chấm dứt khi tôi đặt chân đến Washington để tham dự hội nghị hằng năm của NSA. Tôi đến nơi vừa kịp lúc để nghe bài phát biểu của anh bạn thân Dan Clark. Hôm đó là một ngày tôi làm việc không ngơi nghỉ: vừa tham dự hội thảo, vừa trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh về quyển sách Attitude is everything mà tôi xuất bản trước đó vài tháng. Buổi tối hôm đó tôi tránh mọi cuộc gặp gỡ để chuẩn bị bài phát biểu cho lễ trao giải vào tối ngày hôm sau. Tôi thử diễn tập trước gương bài phát biểu mà tôi mơ ước được thực hiện cả tám năm nay. Khoảng không tĩnh lặng trong phòng đã khiến ký ức tôi quay ngược thời gian nhìn lại hành trình đã qua: đã dám dấn thân vào lĩnh vực bán hàng mới mẻ, đã đi dọc ngang đất nước để chia sẻ niềm tin về sức mạnh của thái độ, đã tự thân gầy dựng thành công một công ty, đã hy sinh thời gian dành cho gia đình và bạn bè cũng như trì hoãn việc xây dựng tổ ấm riêng cho mình. Đã không ít lần tôi tự hỏi không biết tất cả những hy sinh đó có ý nghĩa gì không.
Tôi lại nghĩ đến những năm đầu tiên ở trường tiểu học; đến những lời cười nhạo của bạn bè về tật nói lắp của tôi, đến những đêm mẹ thức trắng với đôi mắt đẫm nước vì không thể làm gì để giúp tôi nói được bình thường như những đứa trẻ khác. Nhưng mẹ vẫn tin rằng một ngày nào đó con trai của mẹ sẽ đứng thẳng và rành rọt, dõng dạc giới thiệu tên mình. Và đến hôm nay thì điều đó đã thành sự thật. Chính trong lúc đối mặt với thách thức, tôi đã học được tính kỷ luật, sự nỗ lực, đã cảm nhận được rằng chính tình yêu và sự hỗ trợ của những người xung quanh có thể biến những điều không thể thành có thể.
Trong lòng tôi dâng trào cảm giác phấn khích. Buổi tối hôm nay là buổi tối của riêng tôi, nhưng tôi bắt đầu hối tiếc là đã không nói cho ai trong gia đình biết về giải thưởng quan trọng này. Thật ra giải thưởng này là phần thưởng tôi dành tặng cho gia đình tôi bởi đó chính là cái nôi đưa tôi đến thành công như hiện tại.
Đêm trao giải bắt đầu. Tôi chọn một trong những hàng ghế đầu tiên để có thể bước lên sân khấu dễ dàng. Cả hai người dẫn chương trình hôm đó là Jim Tunney và Ty Boyd đều đã từng được nhận giải thưởng CPAE, nên không cần phải nói, họ là những diễn giả rất tài năng. Mở đầu buổi lễ là phần giải thích về sự ra đời và ý nghĩa của giải thưởng danh dự CPAE. Kể từ ngày bắt đầu thành lập giải vào năm 1977, có chưa tới 150 người được nhận giải thưởng này. Đây là một con số rất ý nghĩa nếu so sánh với con số hơn 4.000 thành viên của NSA lúc ấy.
Tiếp theo là phần phát biểu của Nido. Ông bước lên bục phát biểu trong tiếng vỗ tay chào đón của đám đông bên dưới. Ông mỉm cười và bắt đầu bài phát biểu của mình: “Tôi muốn giới thiệu với quý vị người được nhận giải thưởng danh giá CPAE đầu tiên trong ngày hội hôm nay. Đó là con người mà cuộc đời là một bức tranh khảm đầy màu sắc của sự hào phóng và lòng thương người; sự nghiệp là một tấm thảm được dệt bởi tài năng, sự cống hiến và lòng trung thành; và tài năng là một tấm vải ghép đã được cẩn thận kết nối bằng những mảnh vải của sự cần cù, sáng tạo và tràn đầy năng lực. Trong từng hành động và trong từng lời nói, con người này đều thể hiện một tấm lòng trung thành với đất nước, một sự cống hiến cho sự nghiệp của mình.
Anh sinh ra ở Seattle, nơi anh khởi nghiệp trong vai trò là một cầu thủ bóng rổ xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Seattle, anh đã gắn kết sự nghiệp của mình 14 năm với một tập đoàn lớn nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất do tạp chí Fortune bình chọn. Trong thời gian làm việc tại nơi này, anh đã phấn đấu để trở thành một trong những người đào tạo và bán hàng giỏi nhất. Cũng trong thời gian làm việc ở đấy, anh đã có cơ hội khám phá bản thân và rẽ sang một lĩnh vực mới để chúng ta có thể chứng kiến hôm nay: lĩnh vực diễn thuyết.
Anh đã từng xuất bản một quyển sách bán rất chạy và sự nghiệp diễn thuyết của anh đang phát triển mạnh mẽ. Anh đã được mời diễn thuyết nhiều lần cho một số công ty tên tuổi trên thế giới như Coca-Cola, Boeing và Microsoft. Anh là một nhà diễn thuyết chuyên nghiệp, lịch làm việc của anh chứng minh điều đó, mức thu nhập của anh chứng minh điều đó, và việc những công ty hàng đầu bầu anh làm người diễn thuyết hay nhất đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, anh vẫn thích đi câu cá cùng với cha, vẫn thích về nhà cuối tuần để thưởng thức những món ăn của mẹ. Một lối sống giản dị trong một con người tuyệt vời.
Các bạn thân mến, tôi trân trọng giới thiệu con người đã hoàn thiện cả một phương thức làm việc vì đã khởi sự từ chỗ không biết gì đến khi trở thành chuyên nghiệp, một người luôn quan tâm tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống vượt lên cả sự thành công; một người mà Robert Schuller hãnh diện giới thiệu trong chương trình truyền hình “Hour of Power” của mình, và là người đã được tạp chí The Wall Street Journal bầu chọn trong giải “Star with Attitude”. Hơn nữa, đây còn là một người bạn thân thiết nhất của tôi. Người đó chính là Keith Harrell người đầu tiên nhận giải CPAE trong thiên niên kỷ mới này.”
Khán giả vỡ tung với những tràng pháo tay, và đứng lên hoan hô nồng nhiệt. Khi tôi bước lên sân khấu, Nido liền trao cho tôi một bức tượng bằng thủy tinh tuyệt đẹp hình một diễn thuyết gia đang đứng trên bục phát biểu. Ngay lúc đó, Jim Tunney tiến đến đề nghị tôi phát biểu cho sự kiện đặc biệt này. Tôi xúc động cầm lấy micro:
“Tôi xin dành tặng giải thưởng ngày hôm nay cho gia đình tôi – đặc biệt là mẹ và bà ngoại tôi, vì họ là những người đã yêu thương, động viên và nâng đỡ tôi rất nhiều trong suốt thời gian qua.
Không ai có thể nghĩ rằng đứa bé cao ốm và hay xấu hổ vì tật nói lắp ngày trước lại có thể trưởng thành và đứng trước mặt mọi người nhận giải thưởng cao quý như ngày hôm nay. Nhờ có sự kỳ diệu của cuộc sống và sự giúp đỡ của những người xung quanh mà điều này đã trở thành sự thật. Rất nhiều người đã từng giúp tôi đang có mặt ở đây, và các bạn hãy bắt tay người ngồi bên trái và người ngồi bên phải để thay tôi gởi đến lời cảm ơn những người ấy.
Qua năm tháng, tôi đã nghiệm ra một điều là có ba khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta: ngày bạn được sinh ra, ngày bạn được tái sinh và ngày bạn phát hiện ra tại sao bạn lại được sinh ra. Hôm nay tôi xin nhắc các bạn một điều là tất cả chúng ta sinh ra đều có mục đích. Các bạn được chọn và sinh ra để làm một điều gì đó khác biệt. Chỉ cần các bạn cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống của mình, tôi tin chắc không điều gì là không thể xảy ra với các bạn.
Một lần nữa, xin cảm ơn tất cả những ai đã yêu thương, kỳ vọng và ủng hộ tôi trong bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống. Tôi rất yêu quý mọi người!”
Ngay khi tôi kết thúc bài phát biểu, cả khán phòng vang lên những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Tôi bước lại chỗ Nido, siết tay người bạn thân yêu thật chặt để bày tỏ niềm cảm ơn chân thành nhất. Sau đó tôi rời sân khấu và tiếp tục tham dự lễ trao giải cho bốn người vinh quang tiếp theo. Đó là Barbara Sanfilippo, Stephen Arterburn, Michael Aun và anh bạn thân của tôi - Art Berg. Tôi nhìn họ nhận giải thưởng mà lòng cảm thấy sung sướng như lúc tôi lên nhận giải vậy. Tôi cảm thấy rất hãnh diện được gia nhập NSA bởi đây là nơi hội tụ của những con người chuyên nghiệp và tài năng.
TRẢI NGHIỆM 19
Tôi thường định nghĩa “hoàn hảo” là khả năng làm một việc gì đó vượt trội hơn người khác, ngay cả khi điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến những mối quan tâm khác. Là một cầu thủ bóng rổ, tôi chỉ quan tâm đến việc trở thành người giỏi nhất, và tôi đã chơi rất xuất sắc. Tuy nhiên vì tôi dồn thời gian vào việc hoàn thiện môn thể thao này, tôi đã không còn năng lực để làm bất cứ việc gì khác, và kết quả là các mối quan hệ của tôi bị ảnh hưởng, sức khỏe tôi bị sút kém, và điểm học tập của tôi cũng không cao. Và chỉ sau sự kiện không được tuyển vào chơi chuyên nghiệp cho NBA, tôi mới nhận ra rằng mọi việc đang bị mất cân bằng, và rằng hoàn hảo có ý nghĩa rộng hơn nhiều so với ý nghĩ của tôi về việc trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực mình theo đuổi.
Định nghĩa về sự hoàn hảo của tôi vì vậy cứ ngày càng được mở rộng ra. Và bây giờ, hoàn hảo có nghĩa là một sức khỏe tốt về thể chất, về tinh thần và về tài chính; hoàn hảo là có thể bày tỏ tình yêu thương sâu sắc đối với gia đình, với những người xung quanh và luôn nỗ lực nuôi dưỡng tất cả các mối quan hệ đang có. Khi chọn những điều đó là tiêu chí để theo đuổi, “hoàn hảo” sẽ là cái gì đó dẫn dắt bạn trở thành một con người toàn diện có một cuộc sống lành mạnh hơn, hạnh phúc hơn và ý nghĩa hơn.