S
ai lầm lớn nhất của tôi trong những ngày khởi nghiệp diễn thuyết chính là đánh giá không chính xác năng lực của mình. Tôi cứ nghĩ đơn giản rằng việc thuyết trình chỉ sử dụng ngôn ngữ nên sẽ đơn giản hơn nhiều so với việc bán hàng. Nhưng thực tế đã dạy cho tôi nhiều bài học quý giá không thể nào quên.
Lúc đầu, tôi liên lạc với công ty Jordan International - một văn phòng chuyên cung cấp dịch vụ diễn thuyết cho các cuộc họp hay hội thảo ở Atlanta - để đăng ký làm giảng viên. Dupree Jordan, giám đốc công ty đã hỏi tôi:
- Anh có thu băng những buổi diễn thuyết của mình không?
- Thật ra tôi có một cuộn băng video quay lúc tôi đang thuyết trình hồi còn làm việc cho IBM, nhưng chất lượng không được tốt lắm. – Tôi trả lời với đôi chút bối rối.
- Anh cứ gởi cho tôi, tôi chỉ muốn xem phong cách diễn thuyết của anh. Chất lượng băng không thành vấn đề. – Dupree đề nghị.
- Tôi sẽ gởi ngay cho ông trong ngày hôm nay.
Nhưng sau đó không hiểu sao Dupree Jordan lại không hồi âm cho tôi. Cuối cùng, tôi gọi lại vì nôn nóng muốn biết ông ta đánh giá phần trình bày của tôi như thế nào và bao lâu thì tôi sẽ ký được hợp đồng diễn thuyết. Lúc đó tôi hoàn toàn không biết rằng Dupree đang có trong tay hàng trăm thuyết trình viên chuyên nghiệp, và còn rất nhiều giảng viên đầy tiềm năng khác đang trong danh sách chờ.
- Tôi đã xem cuộn băng của anh. Anh là một nhà diễn thuyết có tiềm năng nhưng cách trình diễn của anh vẫn còn kém chuyên nghiệp. – Dupree thẳng thắn.
- Thật vậy ư? - Tôi xuống giọng hỏi.
- Vài tuần nữa sẽ có một chương trình giới thiệu các thuyết trình viên, tôi nghĩ anh nên tham gia để học hỏi thêm. Và nếu anh quan tâm, tôi sẽ tạo điều kiện để anh có thể giới thiệu về mình trong vài phút.
Chương trình này nhằm mục đích tạo điều kiện cho những người phụ trách thiết kế các sự kiện lên chương trình cho các hội thảo, hội nghị và nghe các thuyết trình viên trình bày trong vòng 15 đến 30 phút. Tôi biết rằng đây là cơ hội lớn để tôi chứng minh năng lực của mình. Tôi cảm thấy thật tự tin. Rồi mọi người sẽ ấn tượng về tôi và tôi sẽ ký được nhiều hợp đồng diễn thuyết.
Ngày hôm đó, tôi chọn bộ trang phục lịch lãm nhất, đến sớm hơn thường lệ để chọn chỗ ngồi có thể bao quát được toàn bộ sân khấu. Vẻ ngoài tôi bộc lộ một phong thái thật tự nhiên nhưng thật sự trong lòng tôi rất hồi hộp. Tôi quan sát kỹ phần trình bày của nhiều người và khi đến lượt mình, tôi nhảy lên sân khấu và bắt đầu phần diễn thuyết của mình với nhiều cử chỉ minh họa mà tôi cho là khán giả sẽ ấn tượng vì sự sống động của nó.
Thế nhưng nhiều ngày sau đó vẫn chẳng có ai gọi điện thoại đăng ký tôi diễn thuyết. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy mình đã cố gắng với tất cả nhiệt tình mà vẫn không gặt hái được kết quả khả quan nào. Phản ứng đầu tiên của tôi là bực bội nhưng sau khi bình tâm suy nghĩ lại, tôi nhận ra rằng có lẽ tôi đã tỏ ra phấn khích một cách không cần thiết. Rõ ràng tôi cần phải học cách tự kiềm chế bản thân nhiều hơn nữa. Cách diễn thuyết xưa nay của tôi chỉ là tự phát mà chưa qua một khóa đào tạo chuyên nghiệp và căn bản nào. Tôi biết mình cần phải thay đổi và hoàn thiện hơn. Tôi bắt đầu tìm đến những thuyết trình gia chuyên nghiệp để từng bước điều chỉnh phong cách của mình.
Một trong những người thầy đầu tiên của tôi là ông Larry Winget. Tôi đã gặp ông ở Orlando tại hội thảo hằng năm của Hội Diễn thuyết Quốc gia (NSA). Khi biết Larry sẽ đến Atlanta để diễn thuyết cho nhóm NSA địa phương, tôi liền gọi ngay cho chủ tịch của tôi và xung phong đi đón Larry tại sân bay.
Suốt quãng đường từ sân bay về khách sạn, tôi tranh thủ trò chuyện với Larry. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó tôi đã học được nhiều điều bổ ích hơn cả mấy tháng qua. Larry sẵn sàng chia sẻ với tôi hiểu biết của ông trong mọi lĩnh vực từ tiếp thị, bán hàng cho đến kỹ năng thuyết trình, viết sách. Ông cũng chính là người gợi ra ý tưởng để tôi nghĩ đến việc viết cuốn sách đầu tay của tôi.
Một diễn thuyết gia khác mà tôi đã từng được vinh dự học hỏi là Les Brown. Tôi ngưỡng mộ phong thái tự nhiên mà chuyên nghiệp của Les. Tôi viết thư bày tỏ thiện chí và mong muốn được hẹn gặp ông. Phải vài tuần sau tôi mới nhận được hồi âm từ văn phòng của Les và tôi được Les mời đến trò chuyện trực tiếp.
Les tiếp tôi rất niềm nở. Ông nói rằng ông rất sẵn lòng xem cuộn băng ghi hình buổi thuyết trình của tôi và mời tôi tham dự một số chương trình diễn thuyết của ông. Trong lúc xem Les thuyết trình, tôi quan sát từng cử chỉ, từng lời nói và cách dẫn chuyện của ông, đặc biệt là khi ông kể về những trở ngại mà ông phải vượt qua trong cuộc sống. Ông đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ nơi tôi.
Trên đường lái xe về nhà, tôi không sao tránh khỏi những suy nghĩ bi quan: Liệu tôi có thể diễn thuyết được như Les khi tôi không có được sự đào tạo chính thức và kinh nghiệm làm việc như Les? Tôi sẽ định vị thương hiệu bản thân mình bằng cách nào đây? Tuy nhiên, tôi vẫn kịp nhận ra rằng mỗi cá nhân là một thương hiệu đặc biệt, không giống bất kỳ ai. Chỉ cần bạn biết cách phát huy sự khác biệt riêng của mình.
Les cũng đã giữ đúng lời hứa khi xem lại đoạn băng ghi hình của tôi và gọi điện thoại cho tôi vào một buổi tối, chỉ để nói rằng: “Đừng bao giờ quên rằng cậu là một nhà diễn thuyết rất có tiềm năng”.
Và dĩ nhiên, đến bây giờ tôi vẫn tin là như thế.
Một trong những bài học đầu tiên trong những ngày đầu khởi nghiệp là tinh thần dám chịu trách nhiệm. Có thể có nhiều người rất sẵn lòng giúp tôi trên con đường sự nghiệp của mình nhưng không phải ai trong số họ cũng tin rằng tôi sẽ thành công trong sự nghiệp diễn thuyết. Chỉ khi bạn dám chịu trách nhiệm với mọi quyết định và suy nghĩ của mình, bạn mới chính là người thành công. Quan điểm này của tôi càng thể hiện rõ ràng hơn vào ngày tôi cho in những tấm danh thiếp đầu tiên: Keith Harrell, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành. Tôi có thể thấy cuộc đời của tôi đang bước sang một trang mới đầy phấn khởi và hy vọng.
***
Để đứng vững và tạm gọi là thành công với sự nghiệp diễn thuyết, tôi đã quên đi một điều quan trọng: cân bằng công việc và cuộc sống.
Một lần, khi đang trên đường đến một buổi diễn thuyết, tôi phát hiện đôi chân của mình đang sưng lên, rồi dần dần phồng to và đau nhức. Dù cố gắng nhưng tôi vẫn thấy rõ là bước đi của mình không bình thường như trước. Theo lời khuyên của vài người bạn, tôi đến bác sĩ xương khớp để chẩn đoán cho chính xác. Tôi đến phòng mạch của bác sĩ Rogers – bác sĩ của gia đình tôi. Vừa nhìn thấy đôi chân sưng vù của tôi, bác sĩ đã trực tiếp làm các xét nghiệm cho tôi.
Kết quả chẩn đoán cho thấy tôi bị chứng máu vón cục gây nghẽn mạch ở cả hai chân, bác sĩ Rogers nghiêm khắc yêu cầu tôi:
- Thời gian này, cậu phải nằm yên, không được di chuyển nhiều.
- Nhưng vào lúc này là không thể được. Tôi đang phải quản lý công ty riêng của mình, tôi cũng đã ký nhiều hợp đồng thuyết trình quan trọng. Tôi cần phải giữ uy tín với khách hàng nếu muốn công ty ổn định.
- Keith, nếu bây giờ cậu đi lại quá nhiều thì những cục máu nghẽn đó sẽ bong ra, di chuyển đến tim hay não thì sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng.
- Tôi hiểu rồi. - Tôi lặng lẽ trả lời.
- Tôi sẽ kê cho cậu một số loại thuốc để làm tan các cục máu đông, nhưng cậu vẫn phải nằm yên trên giường ít nhất là trong hai tuần. Cậu phải nhớ rằng tuyệt đối không được vận động nhanh và phải đi thật chậm đấy.
Tôi mệt mỏi lê từng bước ra khỏi phòng mạch. Thật sự nếu không nghe lời bác sĩ thì tôi cũng không thể làm gì khác hơn. Đôi chân tôi chỉ còn đủ sức bước về đến nhà và suốt hai tuần liền, tôi chỉ có thể nằm trên giường. Bác sĩ Rogers và y tá đến thăm tôi hằng ngày. Cuối cùng, sau hai tuần mệt mỏi, đôi chân tôi cũng đã bớt sưng phồng và tôi đã có thể đi lại, dù động tác không còn được nhanh nhẹn như lúc trước.
Sau cơn bệnh đó, tôi mới ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe. Một cuộc sống thật sự phải hội đủ các yếu tố sự nghiệp ổn định, gia đình hạnh phúc và sức khỏe dồi dào. Thiếu bất kỳ yếu tố nào thì bạn chỉ đạt được một phần của cuộc sống.
TRẢI NGHIỆM 18
Sẽ có rất nhiều lần chúng ta cảm thấy hoàn toàn mất phương hướng. Nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để thừa nhận rằng mình đang bị lạc hướng hay đi sai đường. Khi mới chuyển sang sự nghiệp diễn thuyết, tôi hoàn toàn không muốn thừa nhận là mình còn non kém. Tôi cứ nghĩ rằng mình là một người có tài năng, nhưng thay cho những lời khen ngợi là những lời phê bình thẳng thắn. Lúc đầu, thật không dễ dàng gì để chấp nhận những lời phê bình này. Nhưng sau một thời gian không nhận được bất kỳ một đơn đặt hàng diễn thuyết nào, tôi mới nhìn nhận lại về năng lực của mình và buộc phải khách quan hơn đối với chính bản thân. Tôi đã có thể sửa chữa sai lầm của mình kịp thời nhờ có những lời phê bình chân thật và những thông tin hữu ích mà tôi thu thập được. Thật may mắn là tôi đã biết “hỏi đường khi bị lạc”.
Tôi bấy giờ mới nhận ra là những người dường như không bị nhầm đường chính là những người đã biết hỏi phương hướng từ trước. Họ đã hỏi về những cột mốc trên đường đi, về điều kiện đường sá, về thời điểm thích hợp để đi và thời gian cần thiết trước khi khởi hành. Họ đã ghi lại tất cả những thông tin đó và xem xét lại trên suốt chuyến đi. Vì vậy một khi bạn khởi hành cho một chuyến thám hiểm mới trong cuộc đời, bạn cũng cần phải làm như vậy. Hãy hỏi ai đó đã đi trên con đường mà bạn đang đi, hãy lắng nghe sự hướng dẫn của họ.
Để có thể học hỏi, phát triển và hoàn thiện, bạn phải sẵn sàng đón nhận những lời phê bình cũng như những lời chỉ dẫn. Một khi bạn cảm thấy bị lạc lối hoặc cảm thấy quá tải, đừng bao giờ ngại nói lên điều đó; hãy hỏi và có thể bạn sẽ tìm thấy con đường ngắn nhất để đi đến thành công.