Cầu cho chúng ta thoát khỏi ảo giác rằng mình là người khác biệt.
- Thích Nhất Hạnh
Ngày 20 tháng 12 năm 1979 là một ngày mùa đông quang đãng, trời khô và lạnh giống như mọi ngày. Tôi - một nhà tâm lý học 33 tuổi - đang làm tốt công việc của mình với vai trò giám đốc một dự án cai nghiện ngoại trú. Tôi hạnh phúc với gia đình êm ấm bên người vợ xinh đẹp cùng hai cô con gái nhỏ vừa bước vào tiểu học. 7 giờ 30 phút sáng, sau khi hôn tạm biệt gia đình, tôi băng qua một bãi cỏ đã đóng băng để tiến về phía chiếc Doge Dart. Đến bây giờ, thậm chí tôi vẫn còn nghe được cả tiếng bước chân mình hôm ấy trên mặt băng. Sở dĩ tôi có thể nhớ được âm thanh này bởi đây là những bước chân cuối cùng trong đời tôi. Chỉ một giờ sau đó, khi đang lái xe trên đường Pennsylvania Turnpike, tôi nhìn lên trời và thấy một vật thể to màu đen lao về phía kính chắn gió xe mình. Điều tiếp theo tôi nhớ ra được là mình tỉnh dậy ở bệnh viện Ephrata và được thông báo là đã trở thành người tàn phế.
Tất nhiên, tôi trải qua cảm giác mà bất kỳ người nhạy cảm nào cũng trải qua sau một cơn chấn động mạnh, đó là cảm giác bàng hoàng, đau đớn, giận dữ và khiếp sợ. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, tôi nhận ra điều mình lo sợ và đau đớn nhất chính là cảm giác hoàn toàn bị chia cắt với mọi người xung quanh. Vài tuần sau, tôi bắt đầu đặt ra cho mình câu hỏi: "Thế nào là một con người thực thụ?". Liệu tôi có còn là một con người thực thụ khi không thể theo đuổi những đam mê và niềm tin của mình; không thể mang hạnh phúc đến cho những người mình thương yêu; không thể sống thiếu sự giúp đỡ của y tá, thuốc men và phải trải qua cả phần đời còn lại trên chiếc xe lăn?
Để đương đầu với cảm giác đáng sợ rằng mình sẽ bị cô lập, tôi bắt đầu để ý đến những việc mà con người (bao gồm mọi người và tôi) đã làm – cách chúng ta hành động, phản ứng, cách phát triển cảm xúc cũng như sự giằng co giữa lý trí và cảm xúc. Lúc đó, tôi chỉ đơn thuần quan sát chứ không cố gắng phán xét hay phân tích gì cả. Tôi cần phải làm như vậy để hiểu được "Thế nào là một con người thực thụ?" và để tái cam đoan với bản thân rằng mình vẫn còn là một trong số họ. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi biết rằng dù tôi có là một trong số họ chăng nữa thì từ thời điểm này trở đi, tôi đã là một người khác với họ.
***
Khi nằm trên giường bệnh, tôi nhận thấy rằng hầu hết mọi người, thậm chí là các bác sĩ, đều có vẻ không thoải mái khi đến gần tôi. Điều này thể hiện qua âm điệu họ dùng khi trao đổi với tôi cũng như việc họ không bao giờ nhìn thẳng vào mắt tôi khi trò chuyện. Họ lo lắng khi cố gắng trấn an tôi về cuộc đời sắp tới của tôi – cuộc đời của một người tàn phế.
Từ đó, tôi nhận ra một thực tế rằng con người thường lo lắng khi phải đối mặt với một vật hay một người không bình thường. Họ thể hiện những hành động khác lạ để chế ngự sự bất tiện và cảm giác lo lắng của mình. Một vài người cố pha trò để làm tôi cảm thấy vui hơn. Một số người khác lại cố thuyết phục tôi (và cả bản thân họ) rằng tình trạng này không quá tồi tệ như tôi nghĩ. Và một vài người (chẳng hạn như người bạn thân nhất của tôi) lại tránh mặt tôi hẳn. Nhưng tất cả họ đều đang thể hiện cùng một hành động: họ đang lo lắng nhưng lại cố không tỏ ra điều này. Đó là một hành động thường thấy ở con người.
Khi tiếp xúc với những con người này, tôi nhận ra rằng sự lo lắng dường như đã làm trái tim họ khép cửa. Quả thật, sự lo lắng thường có khuynh hướng khép cửa trái tim, tâm trí và thậm chí là cả đôi mắt chúng ta. Chúng ta thường rất khổ sở khi cảm thấy lo âu và tìm mọi cách để loại bỏ cảm giác khó chịu đó. Khi nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn, tôi hiểu rằng lo lắng là một trạng thái cảm xúc rất dễ lây lan. Khi trò chuyện với một người đang lo lắng, trong tôi thường xuất hiện hai trạng thái: một là khó chịu với những điều họ đang nói; hai là gật gù nhưng lại không thực sự lắng nghe. Và mọi người càng cố gắng để tôi "cảm thấy khá hơn" thì tôi lại càng cảm thấy cô đơn, hiểu lầm và sợ hãi.
Khoảng sáu tuần sau tai nạn, khi ngồi ở phòng phục hồi chức năng và nhìn bức tường bê tông màu xanh ô liu xỉn tối, tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Tôi lẩm bẩm: "Ai có thể nghĩ rằng mình sẽ đến một nơi như thế này để chết cơ chứ?".
Lúc đó, một bác sĩ vật lý trị liệu ngồi xuống bên cạnh tôi và an ủi: "Không! Dan, anh không đến đây để chết. Anh đến đây để được sống". Tất nhiên, điều cô ấy nói là không đúng. Nhưng tôi cũng đã sai. Tôi biết rằng mình phải đương đầu với cái chết trước khi đối mặt với cuộc sống. Khi nghe cô ấy nói như vậy, tôi thậm chí còn cảm thấy bị tách biệt và cô đơn nhiều hơn.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng có nhiều người không hề lo lắng khi ở bên tôi, họ luôn hỏi han và lắng nghe tôi. Họ trò chuyện với tôi về bản thân họ. Tôi hiểu rằng mục đích duy nhất của họ là được ở cạnh tôi. Họ không cần phải cố tỏ ra bất cứ điều gì. Khi ở gần những người này, tôi cảm thấy an tâm, thoải mái và ít cô đơn hơn.
Nhưng vẫn còn một dạng người khác nữa, đó là những người cảm thấy lo lắng cho tôi nhưng họ hiểu được cảm giác này của mình nên đã chia sẻ nó với tôi. Bằng cách nào đó, họ đã tỏ ra thoải mái với chính bản thân họ ngay cả khi lo lắng. Những người này mang đến cho tôi cảm giác được an ủi. Và phải nói thêm một điều nữa: Khi mọi người kể với tôi về những lo lắng và đau khổ mà họ đã trải qua khi nghe tin tôi bị tai nạn, tôi đã cảm nhận ở họ tình yêu và lòng trắc ẩn lớn lao. Nhiều lần, tôi đã ôm họ vào lòng khi họ nức nở về điều bất hạnh đã xảy đến với tôi.
Khi đối mặt với những biến cố không mong đợi của cuộc sống, con người thường có nhiều cách phản ứng khác nhau. Và những phản ứng này cũng được xử trí bằng nhiều cách khác nhau. Khi mọi người xung quanh tôi lo lắng, tôi cảm thấy lo lắng. Khi họ mở lòng và khuyến khích tôi, tôi cảm thấy an toàn. Khi họ đau khổ, tôi khích lệ họ và cả hai đều cảm thấy được an ủi.
Trong những ngày đầu sống cuộc đời của một người tàn tật, tôi học được rằng cảm xúc là thứ dễ lây lan; kể cả những cảm xúc mà ta không hề cảm nhận được.