Bắt đầu bằng việc học cách chấp nhận
Khát vọng lớn nhất thế gian là khát vọng chuyển hóa trong đời sống tinh thần. Khao khát tiền tài không là gì, khao khát thêm quyền lực, thêm danh vọng cũng không là gì; niềm khao khát lớn nhất là khao khát tinh thần. Và một khi bị cuốn vào khao khát đó, bạn sẽ mãi đau khổ. Sự chuyển hóa có thể xảy ra, nhưng không phải chỉ bằng mong muốn của bạn. Sự chuyển hóa chỉ có thể xảy ra khi bạn thoải mái chấp nhận những gì đang có, bất cứ thứ gì. Sự chấp nhận bản thân một cách vô điều kiện sẽ dẫn đến sự chuyển hóa.
Chúng ta sẽ phải đào sâu tìm hiểu hiện tượng này, bởi vì đây là vấn đề cốt lõi trong cuộc sống của tất cả mọi người.
Con người đang khổ sở, con người đang đau đớn; chính vì vậy, mọi người đều đang tìm kiếm một trạng thái hạnh phúc, một trạng thái hợp nhất với sự hiện hữu. Con người cảm thấy bị mất phương hướng, chới với như một cái cây bị bật gốc. Thế nên họ tự nhiên có khát khao được bén rễ trở lại vào sự hiện hữu, để lại được tươi xanh, để lại được nở hoa.
Những mong muốn đó đòi hỏi con người phải suy ngẫm. Trước hết, để thiết lập sự hợp nhất hoàn hảo với sự hiện hữu, ý thức phải hợp nhất với chính nó. Và việc này chỉ xảy ra khi chúng ta không chối bỏ những gì thuộc về trải nghiệm thực tế. Đây là điều đầu tiên mà bạn cần hiểu.
Bạn cảm nhận sự sợ hãi - giờ đây nỗi sợ là một thực tại hiện sinh, một thực tại được xây dựng dựa trên trải nghiệm; nó ở đó! Bạn có thể chối bỏ nỗi sợ đó, nhưng khi làm vậy, bạn cũng sẽ đè nén nó. Khi đè nén nỗi sợ, bạn sẽ làm tổn thương bản thể của mình. Bạn cảm thấy mình hèn nhát - bạn có thể tìm cách không nhìn thẳng vào điều đó, nhưng nó là sự thật, một thực tế. Nó sẽ không biến mất chỉ vì bạn không nhìn nó. Bạn đang hành xử như một con đà điểu. Khi nhìn thấy kẻ thù, nhìn thấy nguy cơ chết chóc, đà điểu vùi đầu vào cát. Nhưng việc nhắm mắt và vùi đầu vào trong cát không làm cho kẻ thù biến mất. Trên thực tế, khi làm vậy thì đà điểu còn dễ bị kẻ địch làm hại hơn. Đà điểu cho rằng vì nó không nhìn thấy nên bây giờ kẻ địch không còn nữa, nó cho rằng phải nhìn thấy kẻ địch thì kẻ địch mới có thật, thế nên giờ đây nó không còn sợ hãi. Nhưng thực tế là con đà điểu đang rơi vào tình thế nguy hiểm hơn; nhờ không bị chú ý nên kẻ địch của nó càng có ưu thế hơn.
Nếu không vùi đầu vào cát thì con đà điểu có thể làm được việc gì đó có ích. Nhưng “vùi đầu vào cát” chính là những gì mọi người đang làm. Bạn nhìn thấy sự hèn nhát, bạn cố gắng không chú ý đến nó, nhưng nó là thực tế! Khi không chú ý đến sự hèn nhát của mình, bạn đã tạo ra một phần bản thân mà bạn không thể nhìn thấy. Bạn đã chia chính mình thành nhiều phần. Sau đó, một ngày nọ có một thứ khác xuất hiện - cơn giận - và bạn không muốn chấp nhận rằng có cơn giận trong bạn. Bạn ngừng nhìn vào nó. Ngày khác, lòng tham xuất hiện, và cứ thế. Bất cứ thứ gì bạn ngừng nhìn vào sẽ vẫn còn đó, nhưng lúc này, bạn tiếp tục bị co lại. Thêm nhiều phần của con người bạn bị tách khỏi bạn - chính bạn đã làm việc đó. Và càng bị phân mảnh, bạn sẽ càng đau khổ.
Bước đầu tiên trên con đường hướng tới hạnh phúc là hợp nhất. Đó là điều mà các nhà thần bí đã luôn nhấn mạnh hết lần này đến lần khác: hợp nhất là hạnh phúc, phân mảnh là địa ngục. Vì vậy, hãy chấp nhận mọi trải nghiệm thực tế. Bạn không thể làm được gì nếu cứ phủ nhận chúng. Khi phủ nhận các trải nghiệm đó, bạn tạo ra vấn đề và vấn đề đó sẽ trở nên phức tạp hơn.
Chuyện này rất đơn giản: bạn cảm thấy mình là kẻ hèn nhát, vậy thì sao? Vậy thì “Tôi là kẻ hèn nhát” thôi chứ sao. Hãy nhìn thẳng vào thực tế! Nếu có thể chấp nhận sự hèn nhát thì bạn đã trở nên can đảm rồi. Chỉ có người can đảm mới dám thừa nhận sự hèn nhát của mình; không có kẻ hèn nhát nào làm được chuyện đó. Bạn đã ở trên con đường chuyển hóa. Vì vậy, việc đầu tiên là không để bất kỳ trải nghiệm thực tế nào trở thành một sự thật bị phủ nhận.
Tiếp theo, để có thể không phủ nhận thực tế thì trước tiên, ý thức phải tách ra khỏi tất cả những định kiến mà nó đã dùng để định hình chính nó. Nếu tâm trí của bạn bám vào những định nghĩa riêng của nó về việc bạn là ai, bám vào một ý niệm thâm căn cố đế nào đó về sự tồn tại của bạn, bạn sẽ không có chỗ để đón nhận bất kỳ thực tế nào đi ngược lại với những ý niệm đó của tâm trí mình. Nếu đã có một ý nghĩ nhất định về việc mình nên và không nên như thế nào, bạn sẽ không thể chấp nhận những chân lý về sự tồn tại của mình. Nếu có ý nghĩ rằng mình phải can đảm, rằng can đảm thì mới có giá trị, vậy thì bạn rất khó chấp nhận sự hèn nhát của mình. Nếu cho rằng mình phải làm người giàu lòng trắc ẩn và từ bi giống như Phật, bạn không thể chấp nhận cơn giận của mình. Chính hình mẫu lý tưởng mà bạn áp vào bản thân là thứ gây ra vấn đề.
Nếu bạn không có bất kỳ hình mẫu lý tưởng nào thì sẽ không có vấn đề gì phát sinh. Bạn là người hèn nhát, vậy thì bạn là người hèn nhát thôi! Bởi vì không có ý nghĩ làm người can đảm, bạn không lên án thực tế đó - bạn không bác bỏ nó, bạn không đè nén nó, bạn không ném nó xuống đáy sâu trong bản thể của mình để không còn phải nhìn thấy nó.
Bất cứ thứ gì bị ném vào vô thức sẽ tiếp tục hoạt động từ trong đó, nó sẽ tiếp tục gây ra vấn đề cho bạn. Nó giống như một căn bệnh bị bạn nhét vào bên trong. Nó đã ở trong quá trình trồi lên bề mặt, và từ bề mặt, nó lẽ ra đã có thể biến mất. Nếu một vết thương trồi lên bề mặt, đó là việc tốt, nó đang trong quá trình được chữa lành - bởi vì chỉ khi lộ ra trên bề mặt, nó mới tiếp xúc với không khí trong lành và ánh nắng mặt trời và nhờ đó mới có thể được chữa lành. Nếu bạn ép nó vào bên trong, nếu bạn không cho nó lộ ra, nó sẽ trở thành ung thư. Nếu bị kìm nén, ngay cả một căn bệnh nhẹ cũng có thể trở nên nguy hiểm.
Không có chứng bệnh nào nên bị đè nén. Nhưng sự đè nén là khuynh hướng tất yếu nếu bạn có sẵn hình mẫu nào đó trong đầu. Bất kỳ ý niệm về hình mẫu nào cũng đều gây ra sự đè nén. Nếu bạn có lý tưởng sống không quan hệ tình dục thì tình dục sẽ trở thành vấn đề. Bạn không thể quan sát nó. Nếu bạn không có lý tưởng đó, tình dục sẽ không bị chối bỏ. Khi đó, không có sự phân chia nào giữa bạn và bản năng giới tính của bạn. Khi đó sẽ có mối giao cảm và mối giao cảm đó sẽ mang đến niềm vui.
Sự giao cảm với chính mình là nền tảng của mọi niềm vui.
Vì vậy, điều thứ hai mà bạn cần nhớ là đừng đeo mang các hình mẫu lý tưởng. Hãy nghĩ xem, nếu lý tưởng của bạn là bạn phải có ba mắt, vấn đề sẽ nảy sinh ngay lập tức bởi vì bạn chỉ có hai mắt, và lý tưởng của bạn nói rằng nếu không có ba mắt thì bạn đang bị khuyết cái gì đó. Giờ thì bạn khao khát có được con mắt thứ ba. Bạn đã tự tạo ra cho mình một nhiệm vụ bất khả thi! Vấn đề này là vô phương giải quyết. Cùng lắm là bạn có thể vẽ con mắt thứ ba lên trán. Nhưng con mắt được tô vẽ cũng chỉ là con mắt được tô vẽ; nó là đồ giả.
Các hình mẫu lý tưởng tạo ra thói giả tạo nơi con người. Hãy nhìn vào điều phi lý này: con người có lý tưởng là không trở thành những kẻ giả tạo, nhưng thói giả tạo lại xuất hiện thông qua các lý tưởng. Nếu mọi lý tưởng đều biến mất, sẽ không còn thói giả tạo. Thói giả tạo tồn tại bằng cách nào? Nó là cái bóng của việc đeo mang các lý tưởng. Lý tưởng càng lớn, thói giả tạo càng nặng. Bạn sẽ tìm thấy tại Ấn Độ nhiều kẻ giả tạo hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, bởi vì người Ấn đã sống hàng bao thế kỷ với những lý tưởng vĩ đại. Những lý tưởng kỳ lạ, điên rồ…
Ví dụ, một tu sĩ Kỳ Na giáo (Jaina)1 không thể mãn nguyện nếu anh ta không có khả năng thỉnh thoảng mới ăn một bữa, giống như Mahavira2 trong các thần thoại về ông. Thần thoại kể rằng trong mười hai năm, tổng thời gian ăn của Mahavira chỉ có một năm. Điều đó có nghĩa là cứ mười hai ngày ông ấy mới ăn một ngày và sau đó nhịn ăn trong mười hai ngày tiếp theo. Nếu đây là lý tưởng của bạn, bạn sẽ tiếp tục đau khổ. Còn nếu đây không phải là lý tưởng của bạn thì không có vấn đề gì.
Bạn thấy đó, vấn đề nảy sinh từ lý tưởng. Tu sĩ Cơ Đốc giáo không bị phiền não bởi lý tưởng nhịn ăn, anh ta không có vấn đề gì với việc nhịn ăn. Nhưng tu sĩ Kỳ Na giáo không ngừng khổ sở vì anh ta không thể hoàn thành lý tưởng đó; anh ta không đạt được nguyện vọng của mình.
Theo Kỳ Na giáo, nếu bạn thật sự thanh khiết, cơ thể của bạn sẽ không đổ mồ hôi. Giờ thì bạn có một ý tưởng ngu ngốc rồi đây! Cơ thể sẽ tiếp tục đổ mồ hôi và bạn sẽ tiếp tục khổ sở.
1 Một tôn giáo ở Ấn Độ, được sáng lập gần như cùng thời với Phật giáo. Kỳ Na giáo là một trong những tôn giáo lâu đời trên thế giới.
2 Mahavira (599 - 527 TCN) được ghi nhận là người đã rao giảng Kỳ Na giáo ở Ấn Độ cổ đại, là người cùng thời với Phật Gautama. Ông từ bỏ mọi tài sản ở tuổi khoảng 30 và rời nhà để theo đuổi sự thức tỉnh tâm linh, trở thành một nhà khổ hạnh. Mahavira thực hành thiền định cường độ cao và khổ hạnh nghiêm khắc trong 12 năm rưỡi, sau đó ông đạt được Kevala Gyan (toàn giác). Ông đã thuyết giảng trong 30 năm và đạt được Moksha (sự cứu rỗi) vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.
Càng có nhiều lý tưởng, bạn sẽ càng đau khổ và thói giả tạo của bạn sẽ càng nặng, bởi vì nếu không thể thực hiện được các lý tưởng của mình thì ít ra bạn cũng phải giả vờ là mình làm được. Đó là lúc thói giả tạo xuất hiện. Thế giới sẽ không trở nên giả tạo một chút nào nếu chúng ta chấp nhận các thực tế mà không phán xét. Bất kể thực tế có như thế nào thì cũng được chấp nhận như thế ấy. Nếu chúng ta sống với trạng thái vốn có của sự tồn tại chứ không phải với những trạng thái “phải là” và “nên là”, làm sao sự giả tạo có thể nảy sinh?
Hôm trước, có người hỏi tôi: “Chẳng phải ngài là một kẻ đạo đức giả đó sao? Ngài sống thoải mái, ngài ở trong một ngôi nhà khang trang, ngài di chuyển bằng chiếc xe hơi sang trọng, ngài sống như một ông hoàng”. Vậy là anh ta không hiểu ý nghĩa của từ “đạo đức giả” rồi. Trong tất cả những lời dạy của mình, tôi đều nói hãy sống một cuộc đời tốt đẹp nhất có thể. Tôi không phải là kẻ đạo đức giả; trên thực tế, tôi đang sống đúng với lời dạy của mình. Nếu tôi dạy bạn phải sống nghèo khổ trong khi tôi sống trong cung điện thì đó mới là đạo đức giả. Nhưng tôi không dạy bạn sống nghèo khổ; nghèo khổ không phải là mục tiêu của tôi. Tôi sống thuận tự nhiên; và sống thoải mái, tiện nghi là việc hết sức tự nhiên. Thật ngu ngốc khi có thể sống thoải mái mà lại không chọn cách sống thoải mái. Nếu hoàn cảnh không cho phép bạn sống thoải mái, đó lại là chuyện khác. Khi đó, hãy sống thoải mái với những điều kiện sẵn có; hãy xoay xở để sống thoải mái trong hoàn cảnh của mình.
Tôi đã trải nghiệm nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng tôi luôn sống thoải mái. Khi còn là sinh viên, tôi từng đi bộ hơn sáu cây số mỗi ngày để đến trường và tôi yêu điều đó! Tôi đi bộ trên quãng đường hơn sáu cây số mỗi ngày với tâm trạng vô cùng thư thái; tôi tận hưởng quãng đường đó. Khi làm giảng viên, tôi từng đạp xe đạp đến trường đại học; tôi cũng tận hưởng điều đó. Dù hoàn cảnh ra sao, dù tôi có một chiếc xe đạp hay một chiếc Mercedes-Benz thì cũng không có gì khác biệt. Tôi đã luôn sống thoải mái. Thoải mái là một loại thái độ; nó là cách sống. Tôi từng sống trong những căn nhà rất tồi tàn. Khi mới trở thành giảng viên đại học, tôi sống trong một căn phòng đơn không cửa sổ, không hệ thống thông gió. Tiền thuê nhà chỉ hai mươi rupee1 mỗi tháng. Nhưng tôi yêu căn phòng đó, tôi tận hưởng nó, tôi hoàn toàn không có vấn đề gì với nó. Bất kể hiện tại mang đến điều gì, tôi cũng tận hưởng từng phút giây một cách trọn vẹn nhất. Tôi đã hoàn toàn say đắm với từng khoảnh khắc, tôi chưa bao giờ hối hận và tôi chưa bao giờ khát khao điều gì khác. Nếu có chuyện gì khác xảy ra, tôi cũng tận hưởng nó. Bạn không thể nói tôi là kẻ đạo đức giả. Tôi không thể là kẻ đạo đức giả, bởi vì tôi không có hình mẫu lý tưởng nào cần đạt được, không có “phải”, không có “nên”. “Hiện tại” là tất cả những gì hiện hữu và tôi sống trong đó.
Vì vậy, điều thứ hai cần nhớ là đừng có những ý nghĩ nhất định nào đó về bản thân. Mọi người đang mang theo quá nhiều ý nghĩ về những gì họ nên trở thành. Nếu bạn có ý nghĩ trở thành một người can đảm thì sự hèn nhát sẽ trông thật xấu xí. Nhưng sự hèn nhát là một sự thật đang diễn ra trong thực tế, trong khi hình mẫu lý tưởng chỉ là hình mẫu lý tưởng, là một sự tưởng tượng của tâm trí.
1 Đơn vị tiền tệ của Ấn Độ; 1 rupee tương đương khoảng 300 đồng Việt Nam.
Hãy gạt bỏ những điều tưởng tượng để đón nhận thực tế, hãy buông xuống mọi hình mẫu lý tưởng và khi đó, cuộc sống sẽ bắt đầu trở nên hợp nhất. Tất cả những phần bị chối bỏ bắt đầu trở về “nhà” và những phần bị kìm nén bắt đầu bộc lộ. Lần đầu tiên, bạn bắt đầu cảm nhận được sự thống nhất; bạn không còn bị phân mảnh.
Ví dụ, nếu nghĩ bản thân là một người “tử tế”, tôi sẽ không thể cho phép mình công nhận và chấp nhận cảm giác giận dữ khi chúng nảy sinh. Người “tử tế” không tức giận. Vì vậy, để giúp ý thức của mình được hợp nhất, tôi phải hiểu mình chỉ là một thực tại thay đổi theo từng khoảnh khắc, một trải nghiệm thực tế. Khoảnh khắc nào đó tôi giận dữ, khoảnh khắc nào đó tôi buồn. Đôi khi tôi ghen tị, đôi khi tôi hân hoan. Bất kể chuyện gì xảy ra trong từng khoảnh khắc đều được chấp nhận. Khi làm được như vậy, bạn trở thành một. Sự hợp nhất này chính là điều cơ bản nhất mà bạn cần hiểu.
Mục đích của tôi, vai trò của tôi ở đây là loại bỏ mọi hình mẫu lý tưởng ra khỏi tâm trí bạn. Bạn mang theo các hình mẫu lý tưởng đến gặp tôi; bạn muốn tôi củng cố các hình mẫu lý tưởng của bạn, bạn muốn tôi hỗ trợ và giúp bạn trở thành hình mẫu mà bạn muốn trở thành. Đó có thể là động lực của bạn khi đến đây, nhưng đó không phải là việc của tôi. Việc của tôi là ngược lại, đó là giúp bạn chấp nhận con người hiện tại của bạn và quên hết mọi tưởng tượng trong đầu. Tôi muốn bạn trở nên thực tế và thực dụng hơn. Tôi muốn trao cho bạn bộ rễ cắm sâu trong đất, còn bạn đang khát khao bầu trời và đã hoàn toàn quên mất mặt đất.
Đúng là bầu trời cũng có thể trở thành mục tiêu, nhưng chỉ với những ai đã “cắm rễ” sâu vào lòng đất. Nếu một cái cây muốn vươn cao lên trời, thì thầm với mây, vui đùa với gió và giao cảm với các vì sao, cái cây đó phải cắm rễ sâu hơn và sâu hơn nữa vào lòng đất. Việc trước tiên là bám rễ vào lòng đất, sau đó việc thứ hai sẽ tự diễn ra. Rễ càng bám sâu, cây càng vươn cao; không cần làm bất cứ việc gì khác.
Mục tiêu của tôi là đưa bộ rễ của bạn cắm sâu vào mảnh đất của sự thật, mà sự thật đó chính là bạn. Khi đó, bỗng dưng mọi chuyện sẽ bắt đầu xảy ra. Bạn sẽ bắt đầu vươn lên. Những hình mẫu lý tưởng mà bạn luôn nỗ lực hướng tới nhưng chưa bao giờ đạt được sẽ tự xảy ra.
Nếu một người có thể chấp nhận thực tế đúng như những gì đang diễn ra, trong chính sự chấp nhận đó, mọi áp lực biến mất. Đau khổ, lo lắng, tuyệt vọng - tất cả đều hóa hư không. Khi không có nỗi lo lắng, không có sự căng thẳng, không có tình trạng phân mảnh, không có sự phân chia và cũng không có phân cực, bỗng nhiên sẽ có niềm vui. Sau đó, bỗng nhiên có tình yêu và bỗng nhiên có lòng trắc ẩn. Chúng không phải là những hình mẫu lý tưởng; chúng là những hiện tượng rất tự nhiên. Tất cả những việc bạn cần làm là loại bỏ các hình mẫu lý tưởng, bởi vì những hình mẫu này đang hoạt động như những rào cản. Càng lý tưởng hóa, con người càng bị tắc nghẽn.
Đúng là sự hèn nhát khiến bạn đau đớn, nỗi sợ khiến bạn đau đớn, cơn giận khiến bạn đau đớn; chúng gắn liền với các cảm xúc tiêu cực. Nhưng bạn chỉ có được sự bình yên khi chấp nhận và tiếp nhận nỗi đau, chứ không phải chối bỏ nó. Khi chối bỏ nỗi đau, bạn sẽ trở nên nhỏ dần, nhỏ dần, nhỏ dần, và bạn sẽ có ngày càng ít sức mạnh. Không những vậy, bạn sẽ rơi vào một cuộc nội chiến triền miên, một cuộc chiến mà trong đó tay trái đánh tay phải, một cuộc chiến chỉ khiến bạn lãng phí năng lượng của mình.
Có một điều rất cơ bản cần được ghi nhớ, đó là chỉ khi có mối giao cảm với nỗi đau tâm lý thì bạn mới có thể mở ra cánh cửa dẫn tới sự giải phóng và tính siêu việt của nỗi đau đó: chỉ khi có mối giao cảm với nỗi đau tâm lý. Mọi nỗi đau đều phải được chấp nhận; bạn phải đối thoại với chúng. Nỗi đau đó là bạn. Không có cách nào khác để vượt qua nó. Cách duy nhất là phải tiếp nhận nó.
Nỗi đau tâm lý có nguồn năng lượng tiềm tàng và dữ dội. Cơn giận là năng lượng, nỗi sợ là năng lượng và sự hèn nhát cũng vậy. Mọi điều xảy ra với bạn đều mang theo động lượng to lớn, một nguồn năng lượng dồi dào đang được ẩn chứa trong đó. Một khi bạn chấp nhận nó, năng lượng đó thuộc về bạn. Bạn trở nên mạnh mẽ hơn, bạn trở nên rộng lớn hơn, bạn bắt đầu trở nên thoáng đạt hơn. Khi đó, bạn có một thế giới nội tâm lớn hơn.
Nỗi đau tâm lý chỉ kết thúc khi bạn chấp nhận toàn bộ nỗi đau đó. Nỗi đau tâm lý không tồn tại chỉ vì những thứ mà bạn mô tả là “đau đớn”. Nỗi đau được tạo ra bởi cách bạn lý giải thực tại. Hãy cố gắng hiểu điều này: nỗi đau tâm lý là do bạn tự tạo ra. Sự hèn nhát không gây ra nỗi đau; chính ý nghĩ rằng sự hèn nhát là sai, chính cách lý giải của bạn rằng sự hèn nhát không nên xuất hiện ở đó mới là thứ khiến bạn đau khổ. Bạn có một bản ngã nào đó và nó cứ lên án sự hèn nhát. Chính vì sự lên án và cách lý giải đó nên nỗi đau mới nảy sinh. Sự hèn nhát đang tồn tại ở đó, vì vậy, nó trở thành một vết thương. Bạn không thể chấp nhận nó và bạn không thể đánh vỡ nó bằng cách phủ nhận nó. Sự phủ nhận không giúp bạn vượt qua bất kỳ vấn đề gì; sớm muộn gì bạn cũng sẽ phải đối phó với vấn đề. Nó sẽ bùng phát hết lần này tới lần khác, nó sẽ phá vỡ sự bình yên của bạn hết lần này tới lần khác.
Bạn đang chùn chân trước sự thật về sự hèn nhát, nỗi sợ, cơn giận và nỗi buồn. Đừng làm vậy. Việc chùn chân trước sự thật sẽ gây ra nỗi đau. Hãy quan sát sự thật bên trong bản thân, hãy trở thành một phòng thí nghiệm chuyên tiến hành những thử nghiệm tuyệt vời. Bạn chỉ cần nhìn rõ: bạn đang cảm thấy sợ hãi, trời tối và bạn chỉ có một mình, xung quanh bạn chẳng có ai. Bạn bị lạc giữa rừng sâu, bạn đang ngồi dưới gốc cây trong màn đêm và nghe tiếng đàn sư tử gầm gừ - nỗi sợ đang ở đó. Lúc này, bạn có hai lựa chọn. Một là phủ nhận nỗi sợ, gồng mình lên để không run rẩy vì sợ hãi. Sau đó, nỗi sợ trở thành nỗi đau - nó ở đó và nó làm bạn đau! Ngay cả khi bạn đang dùng hết sức bình sinh để giữ cho mình bình tĩnh, nỗi sợ vẫn ở đó và nó vẫn làm bạn đau.
Lựa chọn thứ hai là hãy trải nghiệm nỗi sợ. Hãy run rẩy, hãy suy ngẫm về nó. Sợ hãi là bình thường; đàn sư tử đang gầm gừ, trời thì tối, nguy hiểm lại đang gần kề và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Hãy tận hưởng thực tế đó, hãy để sự run rẩy trở thành một vũ điệu. Một khi bạn chấp nhận nó, sự run rẩy chính là một vũ điệu. Hãy hòa nhịp với sự run rẩy và bạn sẽ ngạc nhiên: nếu bạn hòa mình vào sự run rẩy, nếu bạn trở thành sự run rẩy, toàn bộ nỗi đau sẽ biến mất.
Trên thực tế, nếu bạn để bản thân được run rẩy thì thay vì đau đớn, bạn sẽ thấy có một nguồn năng lượng đang trỗi dậy mạnh mẽ bên trong. Đó chính xác là việc mà cơ thể muốn làm. Tại sao bạn run rẩy khi sợ hãi? Sự run rẩy kích hoạt một phản ứng hóa học, nó giải phóng năng lượng, nó chuẩn bị để bạn sẵn sàng chiến đấu hoặc chạy trốn. Nó cung cấp cho bạn một nguồn năng lượng dồi dào và bộc phát - một biện pháp khẩn cấp. Khi bạn bắt đầu run rẩy, cơ thể bạn bắt đầu được làm nóng.
Đó là lý do bạn run rẩy khi trời lạnh. Không có nỗi sợ, vậy sao bạn lại run khi trời lạnh? Cơ thể tự động run lên để làm ấm khi gặp lạnh. Đó là bài tập thể dục tự nhiên của cơ thể. Các mô bên trong cơ thể bắt đầu run lên để được làm ấm, nhờ đó chúng có thể đối phó với cái lạnh. Nếu cố ngăn cơ thể run rẩy khi bị lạnh, bạn sẽ cảm thấy đau đớn.
Đó chính xác là những gì xảy ra khi bạn sợ hãi. Cơ thể bạn đang cố gắng chuẩn bị. Nó đang giải phóng các chất hóa học vào trong máu, nó đang chuẩn bị để bạn sẵn sàng đối mặt với một mối nguy hiểm nào đó. Có thể bạn sẽ phải chiến đấu, hoặc có thể bạn sẽ phải bỏ chạy. Dù phản ứng theo cách nào, bạn đều cần năng lượng.
Hãy xem vẻ đẹp của nỗi sợ, hãy xem sự chuyển hóa kỳ diệu mà nỗi sợ mang lại; nó chỉ đang cố gắng giúp bạn trở nên sẵn sàng đối mặt với tình huống trước mắt, để bạn có thể chấp nhận thử thách. Nhưng thay vì chấp nhận thử thách, thay vì hiểu nỗi sợ, bạn bắt đầu chối bỏ nó. Bạn tự nhủ: “Anh là một người tuyệt vời như vậy mà anh lại đang run rẩy ư? Hãy nhớ rằng không có cái chết, nhớ rằng linh hồn là bất tử. Một linh hồn bất tử lại run rẩy hay sao? Hãy nhớ cái chết không thể hủy diệt anh, lửa không thể thiêu cháy anh, vũ khí không thể làm tổn hại đến anh. Hãy nhớ điều đó, đừng run rẩy, hãy kiểm soát bản thân”.
Giờ đây bạn đang tạo ra một sự mâu thuẫn. Phản ứng tự nhiên của bạn là sợ hãi và bạn đang dùng những ý nghĩ phi tự nhiên để đối phó với nỗi sợ. Bạn đang để các hình mẫu lý tưởng cản trở quy trình xử lý tự nhiên của mình. Sẽ có nỗi đau bởi vì sẽ có sự xung đột.
Đừng bận tâm đến việc linh hồn có bất tử hay không. Ngay lúc này, sự thật là nỗi sợ đang ở đó. Hãy lắng nghe khoảnh khắc này và để nó chiếm trọn lấy bạn; hãy để khoảnh khắc này sở hữu bạn và khi đó sẽ không có nỗi đau. Khi đó, nỗi sợ là một vũ điệu huyền ảo của các nguồn năng lượng bên trong bạn. Nó giúp bạn sẵn sàng; nó là đồng minh chứ không phải kẻ thù. Nhưng cách lý giải vấn đề của bạn vẫn đang làm bạn bị tổn thương. Sự chia tách do bạn gây ra giữa bạn và cảm giác của bạn - giữa nỗi sợ, cơn giận và chính bạn - khiến bạn trở thành hai nửa. Bạn trở thành người quan sát và đối tượng được quan sát. Bạn nói: “Tôi đang ở đây trong vai trò người quan sát và có nỗi đau, đối tượng được quan sát. Tôi không phải là nỗi đau”. Giờ thì tính đối ngẫu này gây ra nỗi đau.
Bạn không phải là người được quan sát và bạn không phải là người quan sát, bạn là cả hai. Bạn vừa là người quan sát, vừa là người được quan sát.
Đừng nói “Tôi cảm thấy sợ”. Đó là cách diễn đạt sai. Đừng nói “Tôi sợ hãi”. Đó cũng là cách nói không đúng. Bạn chỉ cần nói: “Tôi là nỗi sợ. Trong khoảnh khắc này, tôi là nỗi sợ”. Đừng tạo ra bất kỳ sự phân chia nào.
Khi nói “Tôi cảm thấy sợ”, bạn đang tự tách mình ra khỏi cảm giác đó. Bạn đang ở đâu đó rất xa và cảm giác sợ hãi đang quẩn quanh bên bạn. Đây là tình trạng chia rẽ ở cấp độ cơ bản. Hãy nói “Tôi là nỗi sợ” và nhìn xem - thực tế thật sự là như vậy! Khi nỗi sợ ở đó, bạn là nỗi sợ. Không phải là đôi khi bạn cảm nhận tình yêu. Khi tình yêu thật sự ở đó, bạn là tình yêu. Và khi cơn giận ở đó, bạn là cơn giận.
Đây là điều mà Krishnamurti muốn nói khi nhắc đi nhắc lại “Người quan sát là người được quan sát”. Người nhìn thấy là người được nhìn thấy và người trải nghiệm chính là trải nghiệm. Đừng tạo ra sự phân chia giữa chủ thể và khách thể. Đó chính là nguồn cơn của mọi đau khổ, mọi sự chia tách.
Một nhận thức không-chọn-lựa về thực tại chính là bí quyết hiệu quả nhất để khám phá bí ẩn sâu thẳm nhất trong bản thể của bạn. Đừng nói thực tại đó tốt, đừng nói thực tại đó xấu. Khi bạn nói điều gì đó là tốt, sự quyến luyến nảy sinh, sự hấp dẫn nảy sinh. Khi bạn nói điều gì đó là xấu, sự chán ghét nảy sinh. Nỗi sợ là nỗi sợ, không tốt cũng chẳng xấu. Đừng đánh giá, hãy cứ tiếp nhận nó đúng như nó vốn là. Hãy cứ để nỗi sợ là nỗi sợ. Trong nhận thức không chọn lựa đó, mọi nỗi đau tâm lý chỉ đơn giản bốc hơi như những giọt sương mai trong nắng sớm và để lại một không gian trong lành, thanh sạch. Đây là “một thể”, là Đạo, hoặc bạn có thể gọi là Thượng đế. “Một thể” là cái còn lại khi mọi nỗi đau biến mất, khi bạn không còn bị chia tách, khi người quan sát đã trở thành đối tượng được quan sát: đây là trải nghiệm về sự thần thánh, về giác ngộ hoặc bất cứ tên gọi nào mà bạn muốn dùng để mô tả nó.
Trong trạng thái “một thể”, không có cái tôi, bởi vì không có người quan sát/người kiểm soát/người phán xét. “Một thể” là trạng thái duy nhất nảy sinh và thay đổi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Có lúc nó là sự hân hoan, có lúc nó là nỗi buồn, lòng trắc ẩn, sự hủy diệt, nỗi sợ hoặc sự cô đơn. “Một thể” không nói “tôi buồn” hay “tôi có nỗi buồn”, mà nó nói “tôi là nỗi buồn” - bởi vì hai cách diễn đạt đầu tiên ngụ ý một cái tôi tách biệt ra khỏi cái vốn có. Trên thực tế, không có “cái tôi” nào đang trải nghiệm cảm giác đó. Chỉ có chính cảm giác đó.
Hãy suy ngẫm điều này: chỉ có chính cảm giác đó.
Không có cái tôi nào đang cảm thấy sợ hãi; tại một thời điểm nhất định nào đó, sự hiện hữu đó là nỗi sợ. Trong các thời điểm khác, sự hiện hữu đó không phải là nỗi sợ. Nhưng bạn không tách biệt với thời điểm đó, với thứ đang nảy sinh; chỉ có chính cảm giác đó. Thế nên bạn không thể làm gì đối với những trải nghiệm đang diễn ra trong khoảnh khắc này. Không có ai để “làm gì đó”.
Mọi thứ đang hiện hữu đều đẹp, ngay cả sự xấu xí. Mọi thứ đang hiện hữu đều hiện hữu với đúng bản chất của nó, bất kể bạn có chấp nhận nó hay không. Sự chấp nhận hay phủ nhận của bạn đều không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với thực tính của nó. Nó hiện hữu như thế nào thì chính là thế đó. Nếu bạn chấp nhận nó, niềm vui sẽ nảy sinh trong bạn, nếu từ chối nó, bạn sẽ đau đớn, nhưng thực tế vẫn không thay đổi. Bạn có thể đau đớn, nỗi đau tâm lý - chính bạn tạo ra nỗi đau đó vì bạn không thể chấp nhận và tiếp nhận điều đang nảy sinh. Bạn chối bỏ sự thật; trong sự chối bỏ đó, bạn trở thành tù nhân. Sự thật sẽ giải phóng bạn, nhưng bạn từ chối nó; do đó, bạn bị xiềng xích. Nếu cứ phủ nhận sự thật, bạn sẽ mãi bị giam cầm.
Sự thật vẫn tồn tại. Dù bạn chấp nhận hay phủ nhận thì thực tế đó cũng không thay đổi, chỉ có thực tế tâm lý của bạn thay đổi. Có hai khả năng có thể xảy ra: hoặc đau khổ hoặc vui vẻ, hoặc bệnh tật hoặc khỏe mạnh. Nếu bạn phủ nhận sự thật, sẽ có bệnh tật, sẽ có sự khó chịu, bởi vì bạn đang cắt bỏ một phần của mình; hành động đó sẽ để lại cho bạn những vết thương và sẹo. Nếu bạn chấp nhận sự thật, sẽ có sự chúc tụng, sức khỏe và sự trọn vẹn.
Không có sự thật nào ràng buộc con người; ràng buộc không phải là tính chất của sự thật. Nhưng khi bạn chối bỏ sự thật, bạn bị khóa trong sự chối bỏ của mình và bạn đè nén. Trong sự chối bỏ đó, bạn trở nên què quặt, bạn bị tê liệt.
Hãy nhớ rằng ý nghĩ về việc được tự do cũng chính là một hình mẫu lý tưởng. Tự do không phải là một hình mẫu lý tưởng, nó là sản phẩm phụ của việc chấp nhận bản thân. Tự do là một sản phẩm phụ; nó không phải là mục tiêu của những nỗ lực và cố gắng của bạn. Bạn không thể có được tự do nhờ nỗ lực thật nhiều; tự do xảy ra khi bạn thư giãn. Và làm sao bạn có thể thư giãn nếu bạn không thể chấp nhận sự hèn nhát của mình? Nếu không thể chấp nhận nỗi sợ của mình, nếu không thể chấp nhận tình yêu của mình, nếu không thể chấp nhận nỗi buồn của mình, làm sao bạn có thể thư giãn?
Tại sao con người không thể thư giãn? Nguyên nhân cơ bản khiến họ rơi vào trạng thái căng thẳng kinh niên là gì? Đây chính là nguyên nhân cơ bản: suốt nhiều thế kỷ, cái gọi là tôn giáo đã luôn dạy bạn từ chối và từ chối. Tôn giáo dạy bạn cách chối bỏ, tôn giáo dạy bạn rằng mọi thứ đều sai trái. Bạn phải thay đổi điều này, bạn phải thay đổi chuyện kia, chỉ có như vậy thì bạn mới được Thượng đế chấp nhận. Tôn giáo đã tạo ra quá nhiều sự chối bỏ đến mức bạn không thể chấp nhận ngay cả bản thân mình, những người sống cùng bạn không thể chấp nhận bạn, vậy làm sao bạn có thể được Thượng đế chấp nhận?
Sự tồn tại đã chấp nhận bạn rồi - đó là lý do bạn ở đây.
Nếu không, bạn không thể ở đây. Đây là lời dạy cơ bản tôi dành cho bạn. Sự tồn tại đã chấp nhận bạn rồi. Bạn không phải tìm cách để được chấp nhận, bạn đã xứng đáng rồi. Hãy thư giãn, tận hưởng cách thức mà tự nhiên đã tạo ra bạn. Nếu tự nhiên đã tạo ra sự hèn nhát trong bạn, hẳn phải có lý do cho chuyện đó. Hãy tin tưởng và chấp nhận. Có gì sai khi là một người hèn nhát? Có gì sai khi sợ hãi? Chỉ có kẻ ngốc mới không cảm thấy sợ hãi, chỉ người khờ dại mới không sợ hãi. Nếu một con rắn xuất hiện trên lối đi của bạn, bạn sẽ lập tức nhảy bắn lên. Chỉ có kẻ ngu ngốc, khờ dại mới không dè chừng con rắn. Còn nếu thông minh, bạn sẽ nhảy; càng thông minh, bạn càng nhảy nhanh hơn! Đây là một phần của trí thông minh, nó hoàn toàn tốt đẹp. Nó giúp ích cho cuộc đời bạn, nó bảo vệ bạn.
Nhưng những hệ tư tưởng ngu xuẩn đã được truyền dạy cho mọi người và bạn cứ tiếp tục bám lấy các lề thói cũ. Bạn không lắng nghe những lời tôi đang nói. Tôi đang nói dù bạn là ai, hãy chấp nhận bản thân một cách vô điều kiện - và sự chấp nhận là chìa khóa để mở ra cánh cửa dẫn tới sự chuyển hóa.
Tôi không nói bạn hãy chấp nhận bản thân để được chuyển hóa - nếu tôi nói vậy, bạn đã không chấp nhận bản thân dù chỉ một chút, bởi vì trong sâu bên trong bạn là khao khát được chuyển hóa. Bạn nói: “Được thôi, nếu chấp nhận bản thân mang lại sự chuyển hóa, tôi sẽ chấp nhận bản thân”. Nhưng đó không phải là chấp nhận; bạn hoàn toàn không nắm bắt được ý nghĩa của việc chấp nhận bản thân. Bạn vẫn khao khát được biến đổi. Nếu tôi đảm bảo bạn sẽ biến đổi, và bạn chấp nhận bản thân vì sự đảm bảo đó, vậy thì sự chấp nhận ở đâu? Bạn đang sử dụng sự chấp nhận như một phương tiện; mục đích là để được chuyển hóa, được tự do, được thấu tỏ bản thân, được đạt đến trạng thái niết bàn. Sự chấp nhận ở đâu?
Sự chấp nhận phải xảy ra vô điều kiện, không vì bất kỳ lý do nào, không có bất kỳ động cơ nào. Chỉ khi đó nó mới giải phóng bạn. Nó mang lại niềm vui vô hạn, nó mang lại sự tự do tuyệt đẹp, nhưng sự tự do đó không phải là mục tiêu. Sự chấp nhận là một tên gọi khác của tự do. Nếu bạn thật sự chấp nhận, nếu bạn hiểu sự chấp nhận mà tôi nói đến, bạn sẽ có tự do - ngay lập tức, ngay tức thì.
Chuyện này không xảy ra theo kiểu bạn chấp nhận bản thân trước, sau đó thực hành việc chấp nhận và rồi một ngày nào đó, tự do sẽ tới - không phải như vậy. Bạn chấp nhận bản thân và tự do xuất hiện, bởi vì nỗi đau tâm lý sẽ biến mất ngay lập tức.
Bạn hãy làm thử đi. Những điều tôi nói đều có thể được trải nghiệm. Bạn có thể làm được, đây không phải là chuyện có tin tôi hay không. Bạn đã luôn chiến đấu với nỗi sợ của mình; hãy chấp nhận nỗi sợ và xem chuyện gì xảy ra. Hãy chỉ ngồi im lặng và chấp nhận nó, và tự nhủ: “Tôi có nỗi sợ, vì vậy tôi là nỗi sợ”. Trong trạng thái thiền định đó, trạng thái “Tôi là nỗi sợ”, tự do bắt đầu xuất hiện. Khi bạn hoàn toàn chấp nhận, tự do cập bến.
Thỉnh thoảng, khi mặt tối của tâm trí tôi trỗi dậy, tôi thật sự sợ hãi. Thật khó để chấp nhận rằng nó chỉ là cực đối lập của mặt sáng. Tôi cảm thấy dơ bẩn, mặc cảm tội lỗi và vô giá trị. Ngài có thể lý giải vấn đề này không?
Bạn cần hiểu một điều cơ bản, đó là bạn không phải tâm trí, không phải mặt tối và cũng không phải mặt sáng của tâm trí. Nếu bạn đồng nhất bản thân với phần đẹp đẽ, bạn sẽ không thể tách mình ra khỏi phần xấu xí; chúng là hai mặt của cùng một đồng xu. Bạn có thể có toàn bộ hoặc vứt bỏ toàn bộ chứ không thể phân chia nó.
Nỗi lo lắng của con người xuất phát từ việc họ muốn chọn những thứ trông đẹp đẽ và tươi sáng. Họ muốn chọn tất cả những tia hy vọng và bỏ lại cơn bĩ cực phía sau. Nhưng họ không biết rằng tia hy vọng đó không thể tồn tại nếu thiếu cơn bĩ cực. Cơn bĩ cực là bối cảnh phía sau và vô cùng cần thiết để họ có thể nhìn thấy hy vọng.
Lựa chọn là bất an, lựa chọn là tự gây rắc rối cho mình. Không lựa chọn có nghĩa là tâm trí có ở đó và nó có một mặt tối cùng với một mặt sáng - vậy thì sao? Chuyện đó ảnh hưởng gì tới bạn? Tại sao bạn phải lo lắng?
Ngay tại khoảnh khắc bạn không lựa chọn, mọi nỗi bất an sẽ biến mất. Một sự chấp nhận vô cùng ý nghĩa xuất hiện, đó là sự chấp nhận rằng tâm trí chính là như vậy, rằng đây là bản chất của tâm trí - và đó không phải vấn đề của bạn, bởi vì bạn không phải là tâm trí. Nếu bạn là tâm trí, hẳn là không có vấn đề gì cả. Khi đó, ai sẽ chọn lựa và ai sẽ nghĩ về việc vượt lên trên? Ai sẽ cố gắng chấp nhận và hiểu về việc chấp nhận?
Bạn tách biệt, hoàn toàn tách biệt. Bạn chỉ là người chứng kiến và không gì khác. Nhưng bạn đang là người quan sát, người đồng nhất bản thân với những thứ có vẻ dễ chịu và quên mất rằng thứ khó chịu đang theo sau như một chiếc bóng. Bạn không thấy phiền với sự dễ chịu, bạn vui mừng khi ở trong sự dễ chịu đó. Vấn đề xuất hiện khi sự tồn tại của cực đối lập xuất hiện - khi đó, bạn bị giằng xé.
Nhưng bạn là người gây ra toàn bộ vấn đề này. Vì không thể chỉ là người chứng kiến nên bạn bị đồng nhất.
Câu chuyện Sự sa ngã trong Kinh thánh chỉ là hư cấu. Cú ngã thật sự là ngã từ vị trí người chứng kiến sang người tự đồng nhất bản thân với thứ gì đó và đánh mất sự chứng kiến của mình.
Thỉnh thoảng bạn hãy thử làm việc này: hãy để tâm trí là bất cứ thứ gì mà nó đang là. Hãy nhớ bạn không phải là tâm trí. Khi làm được như vậy, bạn sẽ có một niềm vui bất ngờ. Khi bạn ít ràng buộc bản thân vào một ý nghĩ nào đó, tâm trí bắt đầu giảm sức ảnh hưởng - bởi vì sức mạnh của tâm trí đến từ việc bạn tự đồng nhất bản thân với thứ gì đó. Nó hút máu bạn. Nhưng khi bạn bắt đầu tách ra và giữ khoảng cách, tâm trí bắt đầu co rút lại.
Ngày mà bạn hoàn toàn tách khỏi tâm trí, dù chỉ trong một khoảnh khắc, sự thấu tỏ xuất hiện. Tâm trí chỉ đơn giản là chết đi; nó không còn ở đó nữa. Nó từng rất tràn đầy, từng không ngừng hoạt động - hết ngày này qua ngày khác, nó thức, nó ngủ… - bỗng nhiên, nó không còn ở đó nữa. Bạn nhìn quanh và chỉ thấy sự trống rỗng, chỉ thấy hư vô.
Cùng với sự biến mất của tâm trí, cái tôi cũng biến mất. Khi đó, chỉ có một nhận thức với một số đặc tính nhất định và không có “tôi” trong đó. Cùng lắm là bạn có thể xem nó như thứ gì đó tương tự với “cái-tồn-tại”, nhưng không phải “cái-tôi”. Nói chính xác hơn nữa, nó là “cái-đang-tồn-tại” bởi vì ngay cả trong “cái-tồn-tại” cũng có bóng dáng của “cái-tôi”. Khoảnh khắc bạn biết được “cái-đang-tồn-tại” của nhận thức, nhận thức đã trở thành vũ trụ. Cùng với sự biến mất của tâm trí, cái tôi cũng biến mất. Và trong những thứ biến mất đó có nhiều thứ vô cùng quan trọng, vô cùng rắc rối đối với bạn. Bạn đã cố gắng giải quyết chúng và chúng trở nên ngày càng phức tạp; mọi thứ đều là vấn đề, là nỗi bất an và dường như không có lối thoát nào cho bạn.
Tôi sẽ nhắc lại câu chuyện “Con ngỗng ra ngoài rồi”. Nó liên quan đến tâm trí và “cái-đang-tồn-tại” của bạn.
Thầy bảo trò suy ngẫm về một công án:
Một con ngỗng nhỏ được đặt vào một cái lọ, được cho ăn và nuôi dưỡng. Con ngỗng ngày một lớn dần lên và chiếm hết không gian trong lọ. Giờ thì nó quá lớn nên không thể chui ra khỏi lọ, bởi vì cổ lọ quá nhỏ. Và công án là bạn phải đem con ngỗng ra ngoài mà không đập vỡ cái lọ, cũng không làm chết con ngỗng.
Thật là rối trí. Bạn có thể làm gì? Con ngỗng quá lớn; bạn không thể đưa nó ra mà không làm vỡ cái lọ, nhưng bạn lại không được phép làm vỡ lọ. Bạn cũng không thể cứ lôi con ngỗng ra mà không quan tâm tới sự sống chết của nó. Bạn không được phép làm chết ngỗng.
Ngày qua ngày, người học trò suy ngẫm hết cách này đến cách khác nhưng không tìm ra cách nào - thực tế là không có cách nào. Anh ta mệt mỏi, hoàn toàn kiệt sức và bỗng nhiên có sự thấu tỏ… bỗng nhiên, anh ta hiểu ra thầy mình không quan tâm đến cái lọ và con ngỗng; chúng phải đại diện cho điều gì khác. Cái lọ là tâm trí, bạn là con ngỗng. Và với sự chứng kiến, “con ngỗng” có thể ra khỏi “cái lọ” mà không có bất kỳ tổn hại nào. Khi không ở trong tâm trí, bạn có thể trở nên đồng nhất với nó đến mức bạn bắt đầu cảm thấy mình đang ở bên trong nó. Người học trò chạy tới gặp thầy và nói rằng con ngỗng ra ngoài rồi. Người thầy đáp: “Con đã hiểu vấn đề rồi. Giờ đây con hãy giữ nó bên ngoài. Nó chưa bao giờ ở trong cả”.
Nếu cứ loay hoay với con ngỗng và cái lọ, bạn không có cách nào giải quyết được vấn đề. Chính cái nhận thức nó phải đại diện cho một điều gì đó khác mới giúp bạn giải quyết vấn đề, nếu không thì người thầy đã không đặt ra câu đố đó cho bạn. Nó có thể là gì khác đây? Mục tiêu của mối quan hệ thầy trò, toàn bộ công việc dạy và học này, đều hướng về tâm trí và nhận thức.
Nhận thức là con ngỗng - nó không nằm bên trong cái lọ tâm trí, nhưng bạn tin nó đang bị kẹt trong đó và bạn đang hỏi mọi người cách đưa nó ra ngoài. Có những tên sẽ chỉ bạn các kỹ thuật để thoát khỏi cái lọ. Tôi gọi họ là những kẻ ngốc bởi vì họ chẳng hiểu gì cả: con ngỗng đang ở ngoài, nó chưa bao giờ ở trong, vì vậy, câu hỏi về việc đưa nó ra ngoài không tồn tại.
Tâm trí chỉ là một luồng suy nghĩ lướt qua bạn trên màn hình của bộ não. Bạn là người quan sát. Nhưng bạn bắt đầu đồng nhất bản thân với những thứ đẹp đẽ; đó là những khoản hối lộ. Một khi vướng vào những điều đẹp đẽ, bạn cũng vướng vào những thứ xấu xa, bởi tâm trí không thể tồn tại mà không có tính đối ngẫu.
Nhận thức không thể tồn tại cùng với tính đối ngẫu, và tâm trí không thể tồn tại mà không có tính đối ngẫu.
Nhận thức không có tính hai mặt, còn tâm trí thì có. Vì vậy, hãy chỉ quan sát mà thôi. Tôi không dạy bạn bất kỳ giải pháp nào, tôi dạy bạn chỉ một cách này: hãy lùi lại một chút và quan sát. Hãy tạo khoảng cách giữa bạn và tâm trí. Cho dù nó tốt đẹp, ngon miệng, xấu xí hay là thứ mà bạn muốn đến gần để tận hưởng - hãy giữ khoảng cách càng xa càng tốt, hãy nhìn nó như cách bạn xem phim. Nhưng mọi người thậm chí còn đồng nhất bản thân với cả những bộ phim…
Tôi đã nhìn thấy người ta khóc khi xem phim, nước mắt của họ cứ rơi xuống - trong khi không có gì xảy ra! Thật may là rạp chiếu phim tối đen; nó giúp họ không cảm thấy xấu hổ. Tôi từng hỏi cha tôi: “Cha có thấy không? Người ngồi cạnh cha đang khóc!”.
Cha tôi đáp: “Mọi người trong rạp đều đang khóc. Cảnh phim đó thật là…”.
Nhưng đó chỉ là màn hình và không có gì khác. Không ai bị giết, không có bi kịch nào xảy ra - chỉ là một bộ phim đang được trình chiếu, chỉ là những hình ảnh chuyển động trên màn hình. Vậy mà mọi người khóc và cười, và trong suốt ba giờ đồng hồ, họ gần như đánh mất bản thân trong phim. Họ trở thành một phần của bộ phim, họ đồng nhất bản thân với một nhân vật nào đó.
Cha lại nói với tôi: “Nếu cứ thắc mắc về phản ứng của người khác thì con không thể thưởng thức bộ phim”.
Tôi đáp lại: “Con có thể thưởng thức bộ phim, nhưng con không muốn khóc; con không thấy việc khóc khi xem phim có gì vui. Con có thể coi nó là một bộ phim, nhưng con không muốn trở thành một phần của nó. Những người này đang trở thành một phần của bộ phim”.
Ông nội tôi có quen một người thợ cắt tóc nghiện thuốc phiện. Ông thợ đó có thể mất hai giờ đồng hồ để làm một việc mà người khác chỉ cần năm phút là làm xong, và ông ấy còn không ngừng nói huyên thiên. Nhưng ông nội tôi và người thợ cắt tóc đó là bạn từ thời thơ ấu. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ông nội ngồi trên chiếc ghế của người thợ cắt tóc đó… và ông ấy là một người nói chuyện đáng mến. Những người nghiện thuốc này có một đặc điểm, đó là họ có thể say sưa nói chuyện và kể về bản thân, về những chuyện đang xảy ra mỗi ngày; đó là sự thật. Ông nội tôi chỉ đáp lại bằng những câu đơn giản như “Ừ, đúng rồi, thật tuyệt…”.
Một ngày nọ, tôi nói với ông nội: “Gần như ông thợ cắt tóc nói gì thì ông cũng trả lời ‘Ừ, đúng rồi, thật tuyệt’. Nhưng đôi khi ông ấy nói ra những lời vô nghĩa và không liên quan gì cả”.
Ông tôi đáp: “Cháu muốn ông phải làm sao? Ông ấy là kẻ nghiện thuốc phiện”. Và người thợ cắt tóc đó sử dụng dao cạo có lưỡi rời, loại dao cạo vô cùng sắc bén không dành cho dân a-ma-tơ. “Cháu muốn ông phải nói gì với người đàn ông đang cầm một con dao bén ngót đặt ngay trên cổ họng của ông? Nếu ông không đồng tình với ông ấy… ông ấy có thể giết ông! Và ông ấy biết hết đấy. Thỉnh thoảng ông ấy nói: ‘Ông không bao giờ nói không. Ông luôn tán thành, ông luôn nói tuyệt vời’. Khi đó, ông thường nói với ông ấy: ‘Ông biết rằng ông luôn chịu ảnh hưởng của thuốc phiện. Tôi gần như không thể trò chuyện, thảo luận hay bày tỏ sự bất đồng ý kiến với ông. Ông đang kề một con dao trên cổ họng tôi và ông muốn tôi nói không với những chuyện ông nói ư?’”.
Nghe tới đó, tôi mới hỏi ông nội: “Sao ông không đổi thợ cắt tóc? Có rất nhiều thợ cắt tóc trong làng. Đó là chưa kể tới việc ông thợ này mất đến hai giờ để hoàn thành một công việc lẽ ra chỉ tốn năm phút. Đôi khi ông ấy chỉ cạo một nửa bộ râu của ông rồi nói ‘Tôi sẽ quay lại’ và bỏ đi mất. Ông cứ ngồi đó chờ, trong khi ông ấy đi vắng cả giờ đồng hồ vì ông ấy bận nói chuyện với người khác và quên mất có khách đang đợi mình. Sau đó, ông ấy quay lại và nói: ‘Ôi trời, vậy mà ông vẫn còn ngồi đây sao?’”.
Ông nội cười khổ: “Ông có thể làm gì khác được? Ông không thể về nhà với bộ râu chỉ cạo một nửa”.
Những lúc như vậy, ông tôi thường hỏi người thợ cắt tóc đã đi đâu và người thợ cắt tóc trả lời: “Tôi bị cuốn vào một cuộc tranh luận thú vị với người khác nên hoàn toàn quên mất ông. Thật may là người đó có việc phải đi, nếu không thì hẳn ông đã phải ngồi chờ cả ngày”.
Có vài lần ông thợ cắt tóc thậm chí còn không đóng cửa tiệm vào ban đêm. Ông ấy chỉ đi thẳng về nhà mà không hề nhớ là phải ghé qua tiệm để đóng cửa. Thi thoảng vẫn có một vị khách nào đó ngồi đợi ông ấy trong tiệm, còn ông ấy thì đã về nhà ngủ. Ai đó đành phải nói với người khách tội nghiệp: “Anh về đi, sáng mai ông thợ đó mới quay lại. Ông ấy quên đóng cửa tiệm và quên luôn cả anh rồi. Ông ấy hẳn đã ngủ phè ở nhà rồi”.
Và nếu người khách đó nổi giận… Đôi khi có khách hàng mới đến tiệm và bị làm cho tức giận. Lúc đó, người thợ sẽ nói: “Bình tĩnh. Cùng lắm thì anh không cần trả tiền cho tôi. Tôi chỉ mới cạo một nửa bộ râu của anh thôi; anh có thể đi. Tôi không muốn tranh cãi. Anh không cần phải trả tiền; tôi không đòi anh phải trả dù chỉ một nửa số tiền”.
Nhưng không ai có thể rời đi khi mới cạo nửa bộ râu hay mới cắt nửa mái tóc! Bạn yêu cầu ông ấy cạo râu thì ông ấy lại bắt đầu cắt tóc, và đến khi bạn nhận ra thì ông ấy đã cắt xong rồi. Lúc này, ông thợ sẽ hỏi: “Giờ anh muốn gì? Tôi đã làm xong gần một phần tư công việc rồi. Nếu anh muốn để y như vậy, tôi có thể dừng lại; nếu không, tôi sẽ làm nốt. Nhưng tôi sẽ không tính tiền chỗ tóc đã cắt, vì nếu anh nói anh chưa bao giờ muốn cắt tóc, vậy thì đó là lỗi của tôi và tôi nên chịu phạt. Tôi sẽ không tính tiền anh”.
Người đàn ông đó thật nguy hiểm! Nhưng ông nội tôi thường nói: “Ông ấy nguy hiểm nhưng đáng mến và ông đã thân thiết với ông ấy đến mức không thể hình dung được nếu ông ấy chết trước ông thì ông có thể đặt chân vào một tiệm cắt tóc khác hay không. Ông không thể tưởng tượng được chuyện đó… Cả đời ông gần như chỉ cắt tóc ở tiệm ông ấy. Sự gắn bó đó đã trở nên sâu sắc tới mức ông có thể ngừng cạo râu chứ không thể đổi thợ cạo”.
Nhưng may là ông nội tôi đã chết trước người thợ cắt tóc nghiện thuốc nên không cần phải phiền não về những chuyện đó.
Bạn đồng nhất bản thân với bất kỳ thứ gì. Mọi người đồng nhất bản thân với người khác và tự khiến mình khốn khổ. Họ đồng nhất bản thân với một sự vật, hiện tượng nào đó và đau khổ nếu thứ đó mất đi.
Sự đồng nhất đó là căn nguyên của sự khổ sở. Và mọi sự đồng nhất đều là đồng nhất với tâm trí.
Hãy bước sang một bên, hãy để tâm trí đi qua.
Và chẳng bao lâu sau, bạn sẽ nhận ra không có bất kỳ vấn đề gì cả: con ngỗng đang ở bên ngoài. Bạn không phải đập vỡ cái lọ và bạn cũng không phải giết con ngỗng.
Đôi khi tôi tự hỏi liệu tôi có thật sự muốn buông bỏ những vấn đề của mình, chấp nhận chúng thay vì loay hoay vùng vẫy với chúng hay không. Tôi có cảm giác như một phần của bản thân tôi đã gắn kết quá chặt với những vấn đề này, thế nên ý nghĩ từ bỏ nó có hơi đáng sợ.
Đúng là như vậy; con người bám vào bệnh tật của họ, bám vào những lời phàn nàn, vào tất cả những thứ kìm kẹp họ. Họ cứ nói: “Đây là những vết thương và tôi muốn chúng lành lại”. Nhưng tận sâu bên trong, họ cứ mãi tạo ra những vết thương, bởi vì nếu tất cả những vết thương đều được chữa lành, họ sợ bản thân mình sẽ không còn ở đó.
Hãy quan sát mọi người - họ bám vào căn bệnh của họ. Họ nói về nó như thể đó là thứ đáng được nói tới. Mọi người đều nói về bệnh tật, về những tâm trạng tiêu cực của họ, nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Hãy lắng nghe họ và bạn sẽ thấy họ thích thú khi nói về những chuyện đó. Mỗi tối, người ta đến tìm tôi và tôi phải lắng nghe - suốt nhiều năm, tôi đã lắng nghe và nhìn vào gương mặt của họ. Họ đang tận hưởng chúng! Họ là những kẻ tử vì đạo… bệnh tật của họ, cơn giận, lòng thù hận, vấn đề nọ vấn đề kia, lòng tham của họ, tham vọng của họ. Toàn bộ chuyện này thật điên rồ - bởi vì họ đang muốn loại bỏ những thứ đó, nhưng khi bạn nhìn mặt họ, bạn sẽ thấy họ đang tận hưởng chúng. Nếu những vấn đề này thật sự biến mất, vậy họ sẽ tận hưởng cái gì? Nếu toàn bộ bệnh tật của họ biến mất và họ hoàn toàn khỏe mạnh, lành lặn, vậy thì họ sẽ không có gì để nói nữa.
Người ta đến gặp bác sĩ tâm thần và sau đó họ kể về chuyện đó - rằng họ đã đi gặp vị bác sĩ tâm thần này, họ đã gặp thầy kia. Họ thật sự thích thú khi được nói: “Tất cả những người đó, mọi người, đều bó tay với tôi. Tôi vẫn như cũ, không ai có thể thay đổi tôi”. Như thể họ thành công bởi vì họ chứng minh được mọi bác sĩ tâm thần đều thất bại!
Tôi đã nghe kể về một người đàn ông mắc chứng bệnh tưởng1, anh ta liên tục nói về những căn bệnh của mình. Không ai tin anh ta, bởi vì anh ta đã được kiểm tra và khám bệnh theo đủ mọi cách có thể và kết quả là không có gì bất ổn. Nhưng ngày nào anh ta cũng đều tìm gặp bác sĩ để nói rằng anh ta đang bệnh rất nặng.
Dần dần, bác sĩ nhận ra một chuyện, đó là mỗi khi người đàn ông đó nghe về một chứng bệnh nào đó - nếu có một quảng cáo trên ti-vi về một loại thuốc trị bệnh hoặc một cuộc nói chuyện về bệnh tật - ngay lập tức, anh ta nói mình mắc căn bệnh đó. Nếu anh ta đọc về bất cứ chứng bệnh nào trên tạp chí thì ngay ngày hôm sau, anh ta sẽ có mặt tại phòng khám của bác sĩ trong trạng thái ốm yếu vô cùng và liệt kê đủ các triệu chứng. Thế nên bác sĩ nói với anh ta: “Đừng làm phiền tôi như vậy, bởi vì tôi đã đọc cùng loại tạp chí và xem cùng chương trình truyền hình như anh đã xem, và ngay ngày hôm sau, anh đến đây nói rằng mình mắc chứng bệnh được đề cập trong đó”.
1 Còn gọi là chứng rối loạn lo âu bệnh hoặc chứng nghi bệnh(hypochondriac); người mắc chứng này luôn cho rằng mình bị bệnh nặng.
Con người cảm thấy quá hồ hởi về sự khốn khổ của mình. Đôi khi tôi cũng tự hỏi: nếu mọi đau khổ của họ biến mất, họ sẽ làm gì? Họ sẽ trở nên nhàn rỗi đến mức tự sát. Và theo quan sát của tôi, nếu bạn giúp họ thoát khỏi một nỗi khổ nào đó, hôm sau họ sẽ quay lại với một nỗi khổ khác. Bạn giúp họ thoát khỏi thứ đó, họ sẽ lại mang đến một thứ khác nữa, như thể họ bấu víu rất chặt vào sự đau khổ. Họ đang gặt hái cái gì đó từ sự đau khổ; đó là một khoản đầu tư và nó đang “sinh lời”.
Khoản đầu tư đó là gì? Khoản đầu tư đó là khi mang một chiếc giày không vừa chân, khi chiếc giày bó chặt bàn chân bạn, bạn cảm nhận sự tồn tại của mình rõ ràng hơn. Khi mang một đôi giày vừa vặn, bạn sẽ chỉ thư giãn. Nếu đôi giày vừa vặn, không chỉ bàn chân bị lãng quên mà “cái tôi” cũng biến mất. Không thể có bất kỳ “cái tôi” nào cùng tồn tại với một ý thức hạnh phúc - không thể! “Cái tôi” chỉ tồn tại với một tâm trí khốn khổ; “cái tôi” không là gì ngoài một tập hợp tất cả những nỗi khổ của bạn. Vì vậy, chỉ khi bạn thật sự sẵn sàng từ bỏ “cái tôi”, mọi nỗi khổ của bạn mới biến mất. Nếu không, bạn sẽ tiếp tục tạo ra những nỗi khổ mới. Chẳng có ai giúp được bạn, bởi vì bạn đang trên con đường tự làm hại bản thân, tự làm khổ mình.
Vì vậy, lần tới, khi bạn đến gặp tôi vì vấn đề nào đó thì trước tiên hãy tự vấn xem bạn có muốn giải quyết vấn đề đó hay không, bởi vì hãy lưu ý điều này: tôi có thể đưa ra giải pháp. Bạn thật sự muốn giải quyết hay chỉ muốn nói về vấn đề đó? Bạn cảm thấy vui khi nói về nó.
Hãy hướng vào bên trong và tìm hiểu, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả những nỗi khổ của bạn tồn tại vì bạn ủng hộ chúng. Không gì có thể tồn tại nếu không có sự ủng hộ của bạn. Vì bạn trao cho nó năng lượng nên nó mới tồn tại; nếu bạn không cho nó năng lượng, nó không thể tồn tại.
Và ai đang buộc bạn phải trao năng lượng cho những nỗi khổ đó? Ngay cả khi buồn, bạn cũng cần có năng lượng, bởi vì nếu không có năng lượng thì bạn không thể buồn. Để khiến cho tình trạng buồn bã xảy ra, bạn phải cho nó năng lượng. Đó là lý do tại sao sau khi buồn, bạn cảm thấy kiệt sức. Chuyện gì đã xảy ra? Trong cơn chán nản, bạn không làm gì cả, bạn chỉ buồn - vậy tại sao bạn lại cảm thấy kiệt quệ? Bạn nghĩ rằng mình sẽ tràn trề năng lượng sau khi thoát khỏi nỗi buồn này, nhưng thực tế không phải như vậy.
Hãy nhớ, mọi cảm xúc tiêu cực đều cần năng lượng; chúng làm bạn kiệt sức. Và tất cả các cảm xúc cũng như thái độ tích cực đều là những chiếc máy tạo năng lượng; chúng tạo ra nhiều năng lượng hơn, chúng không bao giờ hút cạn năng lượng của bạn. Nếu bạn vui, dòng năng lượng của cả thế giới bỗng chảy về phía bạn, cả thế giới cười với bạn. Người ta đã đúng khi nói: “Khi bạn cười, cả thế giới cười với bạn. Khi bạn khóc, bạn khóc một mình”. Đó là sự thật, hoàn toàn là sự thật. Khi bạn tích cực, toàn bộ sự hiện hữu sẽ tiếp tục trao cho bạn nhiều hơn, bởi vì khi bạn hạnh phúc, toàn bộ sự hiện hữu cùng hạnh phúc với bạn. Bạn không phải là gánh nặng, bạn là một bông hoa; bạn không phải là tảng đá, bạn là một con chim. Toàn bộ sự hiện hữu cảm thấy hạnh phúc về bạn.
Khi bạn giống như một tảng đá, ngồi chết lặng với nỗi buồn, chăm chút cho nỗi buồn, không ai ở đó với bạn. Không ai có thể ở cùng bạn. Đơn giản là có một khoảng cách giữa bạn và cuộc sống. Khi đó, bất kể đang làm gì, bạn đều chỉ phụ thuộc vào nguồn năng lượng của bạn. Nó sẽ bị tiêu hao. Bạn đang lãng phí năng lượng của mình, bạn đang bị rút cạn năng lượng bởi sự vô lý của bản thân.
Nhưng có một điều cần lưu ý, đó là khi buồn và tiêu cực, bạn sẽ cảm nhận rõ cái tôi vị kỷ của mình hơn. Khi hạnh phúc, an vui, sảng khoái, bạn sẽ không cảm thấy cái tôi đó. Khi bạn hạnh phúc ngất ngây, “cái tôi” không tồn tại. Bạn được kết nối với sự hiện hữu chứ không bị tách khỏi nó; bạn hợp nhất. Khi bạn buồn, tức giận, tham lam, chỉ quanh quẩn bên trong bản thân và thích thú với các vết thương của mình, nhìn chúng hết lần này tới lần khác, chơi với chúng, cố gắng trở thành một kẻ “tử vì đạo”, có một khoảng cách giữa bạn và sự hiện hữu. Bạn chỉ còn lại một mình, và ở đó bạn sẽ cảm nhận “cái tôi”. Khi bạn cảm nhận “cái tôi” đó, toàn bộ sự hiện hữu cảm thấy như thể nó có hại đối với bạn. Không phải nó thật sự có hại; nó có vẻ như vậy. Nếu cảm thấy mọi người đều là kẻ thù, bạn sẽ cư xử theo cách khiến mọi người đều phải là kẻ thù.
Khi chấp nhận tự nhiên và hòa mình vào trong đó, bạn sẽ di chuyển với nó. Bài hát của cái toàn thể là bài hát của bạn, điệu nhảy của cái toàn thể là điệu nhảy của bạn. Bạn không còn tách rời khỏi nó. Bạn không cảm thấy “tôi là” - bạn chỉ đơn giản cảm thấy “Toàn bộ sự hiện hữu là như vậy. Tôi chỉ là một con sóng đến và đi, tới nơi và khởi hành, tồn tại và không tồn tại. Tôi đến và đi, cái toàn thể vẫn ở đó. Và tôi tồn tại bởi vì cái toàn thể, cái toàn thể tồn tại thông qua tôi”.
Đôi khi, nó có hình có dạng, đôi khi, nó không có dáng hình cụ thể - dù thế nào thì nó vẫn đẹp. Có lúc nó nảy sinh trong cơ thể, có lúc, nó biến mất khỏi cơ thể. Nó phải như vậy, bởi vì cuộc sống là một nhịp điệu. Đôi khi, bạn phải ở trong một hình dạng, sau đó bạn phải thoát khỏi hình dạng đó. Đôi khi, bạn phải hoạt động và di chuyển, như một con sóng, và đôi khi, bạn đi đến tận cùng và nghỉ ngơi, bất di bất dịch. Cuộc sống là một nhịp điệu.
Cái chết không phải là kẻ thù. Cái chết chỉ là một sự thay đổi nhịp điệu, chuyển sang một nhịp điệu khác. Bạn sẽ sớm được sinh ra - sống động, trẻ trung hơn, tươi tắn hơn. Cái chết là cần thiết. Bạn không chết đi trong cái chết; chỉ có tất cả bụi bặm bám quanh bạn phải được gột rửa. Đó là cách duy nhất để bạn được trẻ lại. Không chỉ có Jesus mới được tái sinh, mọi thứ đều được tái sinh trong sự hiện hữu.
Mới đây thôi, cây hạnh nhân bên ngoài phòng tôi đã rụng hết những chiếc lá già và giờ thì lá non đã thay chỗ. Đó chính là cách để tái sinh! Nếu cứ níu giữ những chiếc lá già, cây sẽ không bao giờ thay lá mới, và rồi nó sẽ bị mục ruỗng. Tại sao phải tạo ra xung đột? Cái cũ biến mất chỉ để cái mới xuất hiện. Sự biến mất của cái cũ tạo không gian, chỗ trống cho cái mới. Cái mới sẽ luôn đến và cái cũ sẽ luôn ra đi.
Bạn không chết. Chỉ có chiếc lá cũ rụng xuống, nhường chỗ cho chiếc lá mới. Ở nơi này bạn chết, ở nơi khác bạn được sinh ra; ở đây bạn biến mất, ở đó bạn xuất hiện. Từ hữu hình đến vô hình, từ vô hình đến hữu hình; từ dạng có thân xác đến dạng không có thân xác, từ không có thân xác đến có thân xác; chuyển động, nghỉ ngơi; nghỉ ngơi, chuyển động - đây là một nhịp điệu. Nếu nhìn vào nhịp điệu, bạn sẽ không lo lắng về bất cứ điều gì. Bạn tin tưởng.