Những nhánh cây trên cùng một thân cây
Thông thường, cơn giận không xấu. Thông thường, cơn giận là một phần của cuộc sống tự nhiên; nó đến và đi. Nhưng nếu bạn kìm nén cơn giận, nó sẽ trở thành vấn đề. Sau đó, bạn tiếp tục tích lũy cơn giận. Lúc này, nó không còn là chuyện đến và đi nữa; nó trở thành chính con người bạn. Lúc này, không phải đôi khi bạn mới tức giận; bạn luôn giận dữ, luôn trong cơn thịnh nộ, và bạn chỉ chờ ai đó kích động. Hoặc thậm chí chỉ cần một chút khiêu khích, bạn sẽ bốc hỏa và làm những việc mà sau này bạn sẽ nói: “Tôi đã làm một việc mà bản thân không hề muốn”.
Hãy phân tích cách biểu đạt này: “bản thân không hề muốn”. Sao bạn có thể làm chuyện bản thân không muốn? Nhưng cách biểu đạt này hoàn toàn đúng. Cơn giận bị kìm nén sẽ trở thành cơn điên nhất thời. Chuyện gì đó xảy ra ngoài tầm kiểm soát của bạn. Hẳn là bạn đã kiểm soát chuyện đó nếu bạn có thể, nhưng nó đột nhiên tuôn trào. Bỗng nhiên, nó vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn, bạn không thể làm gì được, bạn cảm thấy bất lực - và nó xuất hiện. Một người như vậy có thể không tức giận, nhưng anh ta hoạt động và sống trong giận dữ.
Nếu bạn quan sát con người… đứng bên lề đường và chỉ quan sát, bạn sẽ thấy có hai kiểu người. Hãy cứ tiếp tục quan sát khuôn mặt của họ. Toàn bộ nhân loại được chia thành hai kiểu người. Một là kiểu buồn bã, những người trông rất buồn, có phần nặng nề. Hai là kiểu tức giận, chỉ chực chờ để nổi điên, sẵn sàng bùng nổ vì bất cứ lý do gì.
Cơn giận là nỗi buồn đang hoạt động; nỗi buồn là cơn giận bất hoạt. Chúng không phải là hai thứ.
Hãy quan sát hành vi của chính bạn. Khi nào bạn thấy mình buồn? Bạn chỉ thấy mình buồn trong những tình huống bạn không thể tức giận. Sếp nói gì đó và bạn không thể tức giận, vì bạn có thể bị đuổi việc. Bạn không thể nổi giận và bạn phải tiếp tục mỉm cười. Sau đó, bạn trở nên buồn bã. Năng lượng đó trở thành bất hoạt.
Một người chồng bị sếp mắng ở công ty. Cuối ngày, khi đi làm về, anh ta sẽ tìm một lý do nhỏ nhặt, không liên quan gì để nổi giận với vợ. Con người thích tức giận; họ thưởng thức cơn giận vì ít ra họ cảm thấy mình đang làm cái gì đó. Trong lúc buồn bã, bạn cảm thấy có chuyện gì đó đã xảy ra với mình. Bạn ở thế bị động, ở vị trí người nhận. Chuyện gì đó đã xảy ra với bạn và bạn bất lực, bạn không thể đáp trả, bạn không thể trả đũa, bạn không thể phản ứng.
Khi nổi giận, bạn cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Sau một cơn giận đùng đùng, người ta cảm thấy thư giãn một chút và việc đó mang lại cảm giác dễ chịu. Bạn còn sống! Bạn cũng có thể làm được việc gì đó! Dĩ nhiên, bạn không thể làm những việc này với sếp, nhưng bạn có thể làm với vợ của mình.
Sau đó, người vợ đợi các con trở về - bởi vì tức giận với chồng là việc chẳng khôn ngoan, anh ta có thể sẽ đòi ly dị. Anh ta là sếp, và người vợ phụ thuộc vào anh ta, thế nên nổi giận với anh ta là một việc làm nhiều rủi ro. Cô ấy sẽ đợi bọn trẻ. Chúng sẽ về nhà sau khi tan học, khi đó cô ấy có thể la rầy và trừng phạt chúng - vì lợi ích của chúng. Và bọn trẻ sẽ làm gì? Chúng sẽ về phòng và ném đồ đạc, xé sách vở hoặc trừng phạt búp bê, trút giận lên gấu bông. Chúng sẽ phải làm gì đó. Mọi người phải làm gì đó, nếu không, họ sẽ buồn.
Những người buồn bã mà bạn thấy trên phố, những người buồn lâu đến mức gương mặt của họ đã mang nét buồn bã cố hữu, là những người bất lực đang ở tận những bậc thang dưới cùng nên không thể tìm thấy ai để trút giận. Đó là những con người buồn bã, và ở những bậc cao hơn là những con người giận dữ. Càng lên tới những bậc thang cao hơn, bạn sẽ tìm thấy những con người giận dữ hơn. Càng leo xuống thấp, bạn sẽ tìm thấy những người buồn bã hơn.
Tại Ấn Độ, bạn có thể thấy những người thuộc tầng lớp thấp nhất, những tiện dân, đều trông buồn bã. Sau đó, hãy nhìn vào những giáo sĩ và học giả Bà La Môn1; họ tức giận. Một người Bà La Môn luôn tức giận; anh ta nổi giận vì bất kỳ chuyện vặt vãnh nào. Một tiện dân thì chỉ đơn giản là buồn, bởi vì không có ai thấp hơn anh ta để anh ta có thể trút giận.
Cơn giận và nỗi buồn là hai mặt của cùng một nguồn năng lượng, chúng đều là năng lượng bị dồn nén.
Một cơn giận bình thường không phải là thứ gì sai trái. Trên thực tế, những người có thể tức giận và quên hết ngay sau đó là những người rất tốt. Bạn sẽ luôn thấy họ thân thiện, sống động, giàu tình yêu thương, đầy trắc ẩn. Còn những người luôn kìm nén cảm xúc của mình, không ngừng kiểm soát cảm xúc, không phải là người tốt. Họ luôn cố gắng chứng tỏ họ thánh thiện hơn bạn, nhưng bạn có thể nhìn thấy cơn giận trong mắt họ. Bạn có thể nhìn thấy cơn giận trên khuôn mặt của họ, bạn có thể nhìn thấy nó trong mọi cử chỉ của họ - trong cách họ bước đi, cách họ nói chuyện, cách họ giao thiệp với người khác, bạn có thể thấy cơn giận luôn sôi sục ở đó. Họ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Họ là những kẻ sát nhân, những tên tội phạm, những kẻ bất lương thật sự.
Giận dữ mới là con người, giận dữ không phải là chuyện xấu. Tức giận chỉ đơn giản là một tình huống mà trong đó bạn bị kích động, và vì bạn đang sống nên bạn phản ứng với sự kích động đó. Nó đang cho người khác biết là bạn sẽ không nhịn; nó cho thấy đây không phải là tình huống mà bạn có thể chấp nhận; nó đang truyền đạt rằng bạn muốn nói không. Cơn giận là sự phản kháng và tức giận không có gì sai.
1 Giáo sĩ và học giả Bà La Môn (Brahmin) là những người thuộc đẳng cấp cao nhất trong bốn đẳng cấp của xã hội Ấn Độ cổ đại.
Hãy nhìn đứa trẻ khi nó nổi giận với bạn. Hãy nhìn mặt nó! Nó tức giận đến mức đỏ cả mặt và trông như thể muốn giết bạn. Đứa trẻ nói: “Con sẽ không bao giờ nói chuyện với cha mẹ nữa. Bo xì!”, và chỉ một giây sau, bạn thấy nó đang ngồi trong lòng bạn nói chuyện líu lo. Nó đã quên. Bất kể nó đã nói gì trong cơn thịnh nộ, nó không còn nhớ nữa. Những lời đó không trở thành hành lý trong tâm trí của đứa trẻ. Đúng là trong cơn giận dữ, đứa trẻ đã nổi giận và nói điều gì đó, nhưng lúc này, cơn giận đã biến mất và tất cả những lời nó nói lúc đó cũng biến mất. Đứa trẻ không vĩnh viễn đắm chìm trong cơn giận, đó là một cơn bộc phát nhất thời, một gợn sóng. Đứa trẻ không bị đóng băng trong đó, mà nó là một dòng chảy liên tục. Gợn sóng đã ở đó, một con sóng đã nổi lên, nhưng bây giờ nó không còn nữa. Đứa trẻ không mang theo gợn sóng đó mãi mãi. Ngay cả khi bạn nhắc lại cho nó nhớ, đứa trẻ sẽ bật cười. Nó sẽ nói: “Vô lý thật! Con không nhớ mình đã nói vậy. Có chuyện như vậy sao ạ?”. Nó sẽ nói: “Con thật sự đã nói như vậy sao? Không thể nào!”. Đó là một cơn giận nhất thời.
Đây là điều bạn cần phải hiểu. Một người sống trong thực tại có lúc sẽ tức giận, đôi khi vui, đôi khi buồn. Nhưng bạn có thể tin tưởng rằng người đó không mang theo những cảm xúc này mãi mãi. Một người kiểm soát gắt gao và không cho phép bất cứ cảm xúc nào xuất hiện trong bản thân mình là người nguy hiểm. Nếu bạn xúc phạm anh ta, anh ta không tức giận; anh ta kìm nén cơn giận. Theo thời gian, anh ta tích lũy quá nhiều cơn giận đến mức anh ta sẽ làm việc gì đó thật sự kinh khủng.
Cơn giận bộc phát nhất thời không có gì sai trái - nó đẹp theo cách nào đó. Nó chỉ đơn giản cho thấy bạn vẫn còn sống. Một cơn giận nhất thời chỉ cho thấy bạn không chết, bạn đang phản ứng với các tình huống và phản ứng một cách chân thật. Khi bạn cảm thấy đó là tình huống cần tức giận, cơn giận xuất hiện. Khi bạn cảm thấy tình huống đó cần vui, bạn vui. Bạn xuôi theo hoàn cảnh, bạn không có định kiến về việc ủng hộ hay chống lại nó. Bạn cũng không có hệ tư tưởng nào như vậy.
Tôi không phản đối việc giận dữ, tôi phản đối tình trạng dồn nén cơn giận. Tôi không lên án tình dục, tôi lên án việc đè nén hoạt động tình dục. Mọi điều trong hiện tại đều tốt; bất cứ thứ gì bị mang vác từ quá khứ đều có hại, đều là bệnh tật.
Ngày xưa người ta gọi nó là “chứng u sầu”. Ngày nay, nó được gọi là “chứng trầm cảm” và nó thật sự là một bệnh dịch ở các quốc gia phát triển. Có rất nhiều cách lý giải khác nhau cho chứng trầm cảm này, từ hóa học cho đến tâm lý học, nhưng dù được lý giải theo cách nào thì nó cũng có vẻ đang làm khổ ngày càng nhiều người. Vậy trầm cảm là gì? Đó có phải là phản ứng của con người đối với một thế giới u buồn, một kiểu ngủ đông trong suốt “mùa đông của sự bất mãn”?
Con người luôn sống với hy vọng về một tương lai, một thiên đường ở đâu đó rất xa. Họ không bao giờ sống trong hiện tại, thời hoàng kim của họ luôn nằm trong tương lai chưa tới. Điều đó khiến họ luôn hăng hái, vì những điều tốt đẹp hơn sắp xảy ra; tất cả những khao khát của họ đều sắp thành hiện thực. Sự kỳ vọng mang lại niềm vui to lớn.
Con người đau khổ trong hiện tại; họ khổ sở trong hiện tại, nhưng tất cả những điều đó hoàn toàn bị lãng quên trong những ước mơ sắp thành hiện thực vào ngày mai. Ngày mai luôn tràn đầy sinh khí.
Nhưng hoàn cảnh đã thay đổi. Hoàn cảnh cũ không còn tốt đẹp nữa bởi vì ngày mai - ngày những ước mơ trở thành hiện thực - không bao giờ tới. Con người chết trong hy vọng. Ngay cả lúc chết, họ cũng hy vọng về một kiếp sống tương lai, nhưng họ chưa từng thật sự trải nghiệm bất kỳ niềm vui hay ý nghĩa nào.
Nhưng đó là chuyện có thể chấp nhận được. Đó chỉ là cách để vượt qua ngày hôm nay: mọi chuyện rồi sẽ qua và ngày mai chắc chắn sẽ đến. Các nhà tiên tri, các đấng cứu thế, các vị cứu tinh đều hứa hẹn với con người đủ mọi lạc thú trên thiên đường. Các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà tư tưởng xã hội, những người theo chủ nghĩa không tưởng cũng đưa ra hứa hẹn tương tự - không phải ở thiên đường mà là ở đây, trên trái đất này, tại một nơi xa xôi nào đó trong tương lai, khi xã hội được cải cách toàn diện và không có đói khổ, không có chính phủ, con người hoàn toàn tự do và có mọi thứ mình cần.
Về cơ bản, cả hai nhóm đều thỏa mãn các nhu cầu tâm lý giống nhau. Đối với những người đề cao chủ nghĩa duy vật thì những người theo chủ nghĩa không tưởng về ý thức hệ, chính trị, xã hội trông rất hấp dẫn. Đối với những người không quá coi trọng vật chất, các nhà lãnh đạo tôn giáo trông rất hấp dẫn. Nhưng sự hấp dẫn đó toát ra từ cùng một thứ, đó là tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng, có thể mơ ước, có thể khát khao, chắc chắn sẽ được đáp ứng. Với sự nâng đỡ của những giấc mơ này, những đau khổ ở hiện tại dường như thật nhỏ bé. Thế giới đã từng có sự hăng hái và nhiệt tình; con người đã từng không bị trầm cảm.
Trầm cảm là một hiện tượng của thời hiện đại và nó xuất hiện bởi vì giờ đây, con người không có ngày mai. Tất cả các hệ tư tưởng chính trị đều thất bại. Không có khả năng cho sự bình đẳng giữa người với người, không có khả năng xuất hiện một thời đại không có chính phủ, không có khả năng tất cả những ước mơ của bạn sẽ thành hiện thực. Con người đón nhận sự thật này như một cú sốc lớn. Đồng thời, con người đã trưởng thành hơn. Họ có thể đi nhà thờ Thiên Chúa, thánh đường Hồi giáo, giáo đường Do Thái, đền thờ, nhưng chúng chỉ là những hành vi nhằm hòa hợp với xã hội. Khi ở trong trạng thái u tối và chán nản như vậy, con người không muốn bị bỏ lại một mình; họ muốn ở cùng đám đông. Nhưng về cơ bản, họ biết không có thiên đường; họ biết không có đấng cứu thế nào sắp xuất hiện.
Các tín đồ Hindu đã chờ đợi sự trở lại của Krishna suốt năm ngàn năm. Ông ấy không chỉ hứa sẽ đến một lần, mà còn hứa sẽ đến vào bất cứ khi nào có đau khổ, có thương tổn, bất cứ khi nào những thói hư tật xấu lấn át những giá trị tốt đẹp, bất cứ khi nào những con người tử tế, chất phác và vô tội bị lợi dụng bởi những kẻ xảo quyệt và đạo đức giả. Ông ấy nói: “Ta sẽ hiện diện trong mọi thời đại sắp tới”. Nhưng suốt năm ngàn năm, người ta không hề nhìn thấy bóng dáng ông ấy.
Jesus đã hứa sẽ quay trở lại, và khi được hỏi về thời điểm, ông ấy đáp: “Sớm thôi”. Tôi có thể kéo dài khoảng thời gian “sớm thôi” này, nhưng không thể kéo đến tận hai ngàn năm; như vậy là quá dài.
Chúng ta không còn bị thu hút bởi ý nghĩ rằng sự khốn khổ, đau đớn, nỗi thống khổ của chúng ta sẽ tiêu biến. Ý nghĩ rằng có một Thượng đế quan tâm đến chúng ta dường như chỉ là một trò đùa. Hãy nhìn thế giới này mà xem, chẳng có vẻ gì là có ai đó quan tâm.
Thực tế là con người luôn sống trong nghèo đói. Nghèo đói có vẻ đẹp của nó: nó không bao giờ phá hủy tia hy vọng của bạn, nó không bao giờ chống lại ước mơ của bạn, nó luôn mang lại nhiệt huyết cho ngày mai. Người ta hy vọng, tin rằng mọi thứ sẽ tốt hơn: “Thời kỳ đen tối này đã qua; ánh sáng sẽ sớm xuất hiện”. Nhưng hoàn cảnh đó đã thay đổi. Và hãy nhớ, trầm cảm không phải là dịch bệnh ở các quốc gia kém phát triển. Tại các quốc gia nghèo, con người vẫn tràn đầy hy vọng - trầm cảm chỉ xuất hiện ở những quốc gia phát triển, nơi con người có mọi thứ mà họ hằng mong ước. Giờ đây, thiên đường sẽ không còn hấp dẫn nữa, một xã hội không có giai cấp cũng không giúp ích được nữa. Không có thế giới không tưởng nào tốt đẹp hơn.
Con người đã đạt được mục tiêu của mình, và việc đạt được mục tiêu này là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm. Giờ đây, không có hy vọng nào nữa. Ngày mai tăm tối, và ngày kia sẽ càng tối tăm hơn.
Mọi mơ ước của con người đều rất đẹp đẽ, nhưng con người chưa bao giờ nhìn vào những gì mà chúng hàm ý. Bây giờ, họ đã có các ước mơ đó trong tay, họ cũng có được hàm ý của chúng. Khi một người còn nghèo, anh ta cảm thấy đồ ăn rất ngon. Một người giàu không có cảm giác ngon miệng, cũng không thấy đói. Vậy thà nghèo mà có thể nếm được vị ngon của thức ăn còn hơn giàu mà không thèm ăn. Bạn sẽ làm gì với toàn bộ chỗ vàng, bạc, đô-la của mình? Bạn đâu thể ăn chúng.
Bạn có mọi thứ, nhưng cảm giác thèm ăn biến mất, cả cơn đói và tia hy vọng đã tạo động lực cho bạn đấu tranh suốt thời gian qua cũng vậy. Bạn đã thành công - và tôi đã nói đi nói lại rằng không có gì thất bại như thành công. Bạn đã đến được nơi mình muốn đến, nhưng bạn không biết về những hệ quả kèm theo. Bạn có trong tay hàng triệu đô-la nhưng bạn không ngủ được.
Khi đến Ấn Độ, Alexander gặp một nhà thần bí trần truồng trên sa mạc. Alexander tuyên bố: “Ta là Alexander Đại đế!”.
Nhà thần bí nói: “Không thể nào”.
Alexander đáp: “Thật vớ vẩn! Ta khẳng định ta chính là Alexander Đại đế, và ngươi có thể nhìn thấy quân đội của ta khắp nơi”.
Nhà thần bí nói: “Tôi có thấy quân đội của ông, nhưng người tự gọi mình là ‘Đại đế’ vẫn chưa đạt đến sự vĩ đại- bởi vì sự vĩ đại khiến người ta khiêm tốn, vì sự vĩ đại là một thất bại, một thất bại hoàn toàn”.
Alexander là học trò của Aristotle và được Aristotle đào tạo cách vận dụng logic chặt chẽ. Ông ấy không nghe những chuyện vớ vẩn thần bí. Ông ấy nói: “Ta không tin tất cả những điều này. Ta đã chinh phục cả thế giới”.
Nhà thần bí hỏi: “Nếu ông khát nước giữa sa mạc này và trong vòng hàng chục cây số không chỗ nào có nước, và nếu tôi có thể đưa cho ông một ly nước trong hoàn cảnh như vậy, ông sẽ trả bao nhiêu để đổi lấy ly nước đó?”.
Alexander trả lời: “Ta sẽ cho ông một nửa vương quốc”.
Nhà thần bí lại nói: “Không, tôi sẽ không bán ly nước với giá nửa vương quốc.Giữa vương quốc của mình và ly nước, ông chỉ có thể chọn một. Ông đang khát nước, ông sắp chết và không có khả năng tìm thấy nước ở bất cứ đâu, ông sẽ làm gì?”.
Alexander nói: “Vậy hiển nhiên là ta sẽ cho ông cả vương quốc”.
Nhà thần bí bật cười: “Vậy đó là cái giá cho cả vương quốc của ông - chỉ một ly nước! Và ông nghĩ mình đã chinh phục cả thế giới ư? Kể từ hôm nay, ông nên nói rằng ông đã chinh phục cả một ly nước”.
Khi đạt được những mục tiêu mà mình coi trọng nhất, con người nhận thức được rằng xung quanh mình có rất nhiều thứ khác. Ví dụ, cả đời bạn cố gắng kiếm tiền với suy nghĩ một ngày nào đó, khi có nhiều tiền, bạn sẽ sống một cuộc đời thảnh thơi. Nhưng trong lúc chờ mục tiêu đó được hoàn thành, bạn đã căng thẳng cả đời, căng thẳng đã trở thành lối sống của bạn - và vào cuối đời, khi bạn có tất cả số tiền mà bạn mong muốn, bạn không thể thư giãn. Cả cuộc đời sống trong áp lực, đau khổ và bất an khiến bạn không thể buông lỏng bản thân. Bạn không phải là người chiến thắng, bạn là kẻ thất bại. Bạn chán ăn, bạn hủy hoại sức khỏe, hủy hoại khả năng tri giác, phá hỏng tính nhạy cảm của mình. Bạn cũng hủy luôn óc thẩm mỹ của bản thân, bởi vì bạn không có thời gian cho những thứ không kiếm ra tiền.
Bạn chạy theo đồng tiền - ai có thời gian để ngắm hoa hồng, ai có thời gian để ngắm chim tung cánh? Ai có thời gian ngắm nhìn vẻ đẹp của con người? Bạn gạt tất cả những việc này sang một bên để một ngày nào đó, khi có mọi thứ trong tay, bạn sẽ thư giãn và tận hưởng cuộc sống. Nhưng vào thời điểm có tất cả, bạn đã trở thành một kiểu người chỉ biết đến các quy tắc - người không thấy được những đóa hoa hồng, người mù trước cái đẹp, không biết thưởng thức âm nhạc, không hiểu được các điệu nhảy, không cảm thụ được thơ ca mà chỉ hiểu về tiền. Nhưng những đồng tiền này không mang lại sự thỏa mãn.
Đây là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm. Đó là lý do tại sao nó chỉ phổ biến ở các quốc gia phát triển cũng như giữa những người thuộc tầng lớp giàu có ở những quốc gia này. Các quốc gia phát triển cũng có người nghèo, nhưng họ không bị trầm cảm. Tuy nhiên, bạn không thể trao thêm hy vọng cho người giàu để giải thoát họ khỏi chứng trầm cảm, bởi vì anh ta có mọi thứ, anh ta đã có nhiều hơn những gì bạn có thể hứa hẹn. Tình trạng của anh ta thật sự đáng thương. Anh ta không bao giờ nghĩ đến những ngụ ý, anh ta không bao giờ nghĩ đến những hệ quả kèm theo, anh ta không bao giờ nghĩ đến những gì anh ta bị mất đi khi dành cả đời kiếm tiền. Anh ta không bao giờ nghĩ mình sẽ đánh mất tất cả những thứ có thể làm mình hạnh phúc - và chuyện đó xảy ra chỉ vì anh ta luôn gạt tất cả những thứ đó sang một bên. Anh ta không có thời gian, sự cạnh tranh diễn ra rất khốc liệt và anh ta phải cứng rắn. Cuối cùng, khi xong việc, anh ta phát hiện trái tim mình đã chết, cuộc đời mình trở nên vô nghĩa. Anh ta không nhìn thấy bất kỳ khả năng thay đổi nào trong tương lai, bởi vì có thể có gì hơn nữa?
Khả năng tận hưởng niềm vui là thứ cần được nuôi dưỡng. Nó là một quy tắc ứng xử, một nghệ thuật - về cách tận hưởng. Bên cạnh đó, con người cần có thời gian để tiếp cận những điều tuyệt vời trong cuộc sống. Nhưng người mải mê chạy theo tiền bạc sẽ bỏ qua mọi thứ gắn với cánh cửa dẫn đến sự thiêng liêng, và vào thời điểm nhận ra mình đã đánh mất điều gì, anh ta đã ở cuối con đường và không có gì ở phía trước ngoại trừ cái chết.
Anh ta đã khổ sở cả đời. Anh ta đã chịu đựng, đã phớt lờ sự khổ sở của mình với hy vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi. Lúc này đây, anh ta không thể bỏ qua và anh ta không thể hy vọng chuyện đó sẽ thay đổi, bởi vì ngày mai chỉ có cái chết và chẳng còn gì khác. Những đau đớn chồng chất cả đời mà anh ta đã lờ đi, những nỗi đau khổ mà anh ta đã bỏ qua, bùng nổ trong sự tồn tại của anh ta.
Theo cách nào đó, người giàu nhất là người nghèo nhất thế giới. Trở nên giàu có nhưng không nghèo khó là một nghệ thuật vĩ đại. Để nghèo nhưng vẫn giàu là một mặt khác của nghệ thuật vĩ đại ấy. Có những người nghèo mà bạn sẽ thấy họ vô cùng giàu có. Họ không có gì cả, nhưng họ giàu. Sự giàu có không nằm ở vật chất mà nằm ở bản thể của họ, trong những trải nghiệm đa chiều của họ. Và có những người giàu có mọi thứ nhưng lại rất nghèo, nông cạn và rỗng tuếch. Sâu bên trong họ chỉ có một bãi tha ma.
Đó không phải là chứng trầm cảm của xã hội, bởi vì nếu vậy thì nó cũng ảnh hưởng đến người nghèo. Nó chỉ đơn giản là một quy luật tự nhiên, và bây giờ, mọi người sẽ phải tìm hiểu quy luật này. Trước đây, người ta không cần biết về nó, bởi vì khi đó không có quá nhiều người có được mọi thứ bên ngoài trong khi bên trong chỉ toàn bóng tối và sự vô minh.
Ưu tiên một trong cuộc sống là tìm thấy ý nghĩa trong khoảnh khắc hiện tại. Hương vị cơ bản của sự hiện hữu của bạn nên là hương vị tình yêu, niềm vui, sự chúc tụng. Khi đó, bạn có thể làm bất kỳ việc gì; khi đó, đồng tiền sẽ không hủy hoại cuộc đời bạn. Nhưng thay cho mối ưu tiên đó, bạn lại gạt mọi thứ sang một bên và chỉ chạy theo đồng tiền với suy nghĩ rằng tiền có thể mua được mọi thứ. Chợt có một ngày, bạn nhận ra tiền không thể mua được bất cứ thứ gì và bạn đã hiến dâng cả cuộc đời để chạy theo tiền bạc.
Đây là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm.
Căn bệnh trầm cảm đang trở nên rất nghiêm trọng, đặc biệt là ở phương Tây. Phương Đông có người giàu, nhưng ở đó cũng có một phương diện khác. Khi hành trình đến với sự giàu có đi đến hồi kết, họ không bị mắc kẹt ở đó; họ chuyển sang một hướng đi mới. Hướng đi mới đó đã luôn tồn tại, luôn có sẵn suốt hàng thế kỷ.
Ở phương Đông, người nghèo đã học được sự mãn nguyện, vì vậy, họ không bận tâm đến việc chạy theo những tham vọng. Còn người giàu thì hiểu rằng một ngày nào đó, bạn phải từ bỏ tất cả và đi tìm chân lý, đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Trong khi ở phương Tây, ở cuối con đường chỉ có sự kết thúc. Bạn có thể quay lại, nhưng việc quay lại sẽ không giúp chứng trầm cảm của bạn thuyên giảm. Bạn cần một hướng đi mới.
Phật Thích Ca Mâu Ni, Mahavira và nhiều nhà thần bí khác của phương Đông đều từng giàu có tột đỉnh, và rồi họ thấy sự giàu có đó gần như là một gánh nặng. Họ phải tìm được thứ gì đó khác trước khi tử thần gõ cửa - và họ đã đủ can đảm để từ bỏ tất cả. Sự từ bỏ của họ đã bị hiểu lầm. Họ từ bỏ tất cả của cải giàu sang vì họ không muốn bận tâm thêm một giây nào nữa về tiền bạc và quyền lực, vì họ đã nhìn thấy đỉnh cao và chẳng có gì ở đó. Họ đã lên đến nấc thang cao nhất và phát hiện nó không dẫn tới đâu; nó chỉ là một cái thang hướng về nơi vô định. Khi bạn ở đâu đó lưng chừng hoặc ở những nấc thang thấp hơn, bạn có hy vọng - bởi vì vẫn còn những nấc thang cao hơn để bạn leo lên. Nhưng đến khi bạn leo lên nấc thang cao nhất và ở đó chỉ có tự sát hoặc điên loạn - hoặc thói giả tạo, và bạn tiếp tục mỉm cười cho tới khi cái chết kết liễu bạn. Nhưng tận sâu bên trong, bạn biết mình đã lãng phí cả cuộc đời.
Ở phương Đông, trầm cảm chưa bao giờ là vấn đề nghiêm trọng như vậy. Người nghèo đã học được cách tận hưởng những thứ ít ỏi mà họ có được, còn người giàu thì hiểu rằng việc nắm trong tay cả thế giới chẳng có ý nghĩa gì: bạn phải đi tìm ý nghĩa cuộc đời chứ không phải theo đuổi tiền bạc. Và họ đã có những tiền lệ; họ biết rằng trong suốt hàng ngàn năm, con người đã đi tìm và đã tìm thấy chân lý. Không cần phải tuyệt vọng hay chán nản; bạn chỉ cần chuyển qua một chiều không gian chưa được biết tới. Có thể họ chưa từng khám phá chiều không gian mới đó, nhưng khi họ bắt đầu tìm hiểu nó - tức là họ bắt đầu hành trình hướng vào bên trong, hành trình tìm về chính mình - tất cả những gì họ đã mất bắt đầu quay trở lại.
Phương Tây cần gấp một phong trào lớn về thiền; nếu không, chứng trầm cảm sẽ giết chết mọi người. Và nạn nhân của chứng trầm cảm này sẽ là những người tài năng, bởi vì họ đã nắm được quyền lực, họ đã gặt hái được tiền bạc, họ đã đạt được bất cứ thứ gì họ muốn. Họ là những con người tài giỏi và họ đang cảm thấy tuyệt vọng. Chuyện này sẽ rất nguy hiểm vì những người giỏi giang nhất không còn thiết tha với cuộc sống. Những người kém tài luôn nhiệt tình với cuộc sống, nhưng họ không có ngay cả năng lực cần thiết để có được quyền lực, tiền bạc, học vấn và sự tôn trọng. Họ không có tài năng nên họ đau khổ, cảm thấy mình khiếm khuyết. Họ đang biến thành những kẻ khủng bố, họ có khuynh hướng bạo lực không cần thiết chỉ để trả thù, vì họ không thể làm được gì khác nhưng họ có khả năng hủy diệt. Trong khi đó, người giàu gần như sẵn sàng tự sát vì họ không có lý do để sống. Trái tim của họ đã ngừng đập từ lâu. Họ chỉ là những xác chết - được trưng diện đẹp đẽ, được vinh danh, nhưng hoàn toàn trống rỗng và vô ích.
Phương Tây thật sự ở trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với phương Đông, mặc dù đối với những người không hiểu thì phương Tây có vẻ có điều kiện tốt hơn, bởi vì phương Đông còn nghèo. Nhưng nghèo đói không phải là một vấn đề nghiêm trọng như thất bại của sự giàu có; khi đó, con người mới thật sự nghèo. Một người nghèo bình thường ít ra còn có ước mơ và hy vọng. Nhưng người giàu không có gì cả.
Điều cần thiết lúc này là một phong trào lớn về thiền có thể đến được với từng cá nhân.
Và tại phương Tây, những người trầm cảm này đang tìm đến các nhà phân tâm học, các chuyên gia trị liệu và đủ các loại lang băm - những người mà bản thân họ cũng trầm cảm, trầm cảm nặng hơn cả bệnh nhân của họ - đây là lẽ đương nhiên thôi, vì suốt ngày họ phải nghe về trầm cảm, về sự tuyệt vọng và vô nghĩa. Không chỉ vậy, khi nhìn thấy quá nhiều người tài giỏi rơi vào tình trạng tồi tệ như vậy, bản thân họ cũng bắt đầu mất tinh thần. Họ không thể giúp được ai; bản thân họ là người cần được giúp.
Nếu họ có thể thấy rằng có những người không những không trầm cảm mà còn vô cùng vui vẻ, có lẽ một tia hy vọng sẽ nảy sinh trong họ. Lúc đó, họ có thể có mọi thứ và không cần phải lo lắng. Họ có thể thiền.
Tôi không dạy bạn từ bỏ sự giàu có hay từ bỏ bất cứ điều gì. Hãy để mọi thứ như nó vốn có. Bạn chỉ cần thêm một điều nữa vào cuộc sống của mình. Cho đến lúc này, bạn vẫn luôn thêm nhiều thứ vào cuộc sống của bạn. Bây giờ, hãy thêm điều gì đó vào bản thể của bạn - và điều đó sẽ tạo ra âm nhạc, điều đó sẽ làm nên phép màu. Điều đó sẽ tạo ra một sự phấn khích mới, một sức sống trẻ trung mới, một sự tươi tắn mới.
Chứng trầm cảm không phải là một vấn đề không thể giải quyết được. Vấn đề rất lớn nhưng giải pháp lại rất đơn giản.
Tôi không giàu và cũng không có mọi thứ mình cần. Nhưng tôi vẫn thấy cô đơn, bối rối và chán nản. Tôi có thể làm gì với kiểu trầm cảm này khi nó xảy ra?
Nếu bạn chán nản, hãy chán nản; đừng “làm” gì cả. Bạn có thể làm gì? Bất cứ điều gì bạn làm sẽ đều bắt nguồn từ sự chán nản, vì vậy, nó sẽ càng khiến bạn thêm bối rối. Bạn có thể cầu nguyện với Thượng đế, nhưng lời cầu nguyện của bạn sẽ chán nản đến mức khiến cả Thượng đế cũng trầm cảm! Đừng đối xử với Thượng đế như vậy. Lời cầu nguyện của bạn sẽ là một lời cầu nguyện u uất. Bởi vì bạn chán nản nên cho dù bạn làm gì, sự chán nản đó sẽ đi theo bạn. Bạn sẽ càng bối rối, càng thất vọng bởi vì bạn không thể thành công. Và khi không thể thành công, bạn sẽ càng cảm thấy chán nản - vòng lẩn quẩn này kéo dài đến vô tận.
Dừng lại ở trạng thái chán nản đầu tiên thì tốt hơn là tạo ra vòng chán nản thứ hai và thứ ba. Hãy ở lại với sự trầm cảm đầu tiên; cái nguyên bản luôn đẹp. Cái thứ hai sẽ là giả và cái thứ ba lại càng giả hơn. Đừng tạo ra những phiên bản giả này. Cái đầu tiên rất đẹp. Bạn chán nản, vậy thì đó chính là cách sự hiện hữu đang xảy ra với bạn tại khoảnh khắc này. Bạn chán nản, vậy thì hãy ở trong trạng thái đó. Chờ đợi và theo dõi. Bạn không thể chán nản lâu được, bởi vì không có gì là bất biến trong thế giới này. Thế giới này là một dòng chảy. Thế giới này không vì bạn mà thay đổi quy luật cơ bản của nó để bạn mãi chán nản. Ở đây, không có gì là vĩnh viễn; mọi thứ chuyển động và thay đổi. Sự hiện hữu là một dòng sông; nó không thể dừng lại vì bạn, chỉ vì một mình bạn, để bạn cứ chìm trong sự trầm cảm mãi mãi. Sự hiện hữu chuyển động - nó vẫn luôn chuyển động. Nếu quan sát sự chán nản của mình, bạn sẽ cảm nhận được ngay cả sự chán nản đó cũng khác đi vào giây phút tiếp theo; nó khác, nó thay đổi. Hãy chỉ quan sát nó, ở lại với nó và đừng làm gì cả. Đây là cách sự biến đổi diễn ra thông qua trạng thái vô vi.
Hãy cảm nhận cơn trầm cảm, trải nghiệm nó thật sâu sắc, sống với nó, nó là số mệnh của bạn, rồi bỗng nhiên bạn sẽ cảm thấy nó biến mất, bởi vì người có khả năng chấp nhận ngay cả cơn trầm cảm sẽ không thể bị trầm cảm. Một người, một tâm trí có khả năng chấp nhận ngay cả cơn trầm cảm không thể nào bị trầm cảm mãi! Cơn trầm cảm cần một tâm trí không-biết-chấp-nhận: “Chuyện này không tốt, chuyện kia không tốt; không được thế này, không được thế kia; việc này không thể diễn ra như thế này”. Mọi thứ đều bị từ chối, bị phủ nhận, không được thừa nhận. Khi đó, “không” là cách tiếp cận cơ bản; ngay cả hạnh phúc cũng bị chối bỏ bởi một tâm trí như vậy. Ngay cả khi hạnh phúc, một tâm trí như vậy cũng sẽ tìm thấy thứ gì đó để từ chối. Bạn sẽ cảm thấy nghi hoặc. Bạn sẽ cảm thấy có gì đó không ổn. Bạn đang vui vẻ, vì vậy, bạn cảm thấy có gì đó không đúng: “Chỉ thiền vài ngày mà tôi đã trở nên vui vẻ ư? Không thể nào!”.
Một tâm trí không-chấp-nhận sẽ “không chấp nhận” mọi thứ. Nhưng nếu có khả năng chấp nhận sự cô đơn của mình, cơn trầm cảm, sự bối rối, nỗi buồn của bản thân, bạn đang vượt lên trên rồi. Chấp nhận chính là cách để hướng tới sự siêu việt. Bằng cách chấp nhận, bạn đã lấy đi chính nền móng của cơn trầm cảm, và khi đó, cơn trầm cảm không thể tự duy trì mãi.
Hãy thử thực hành:
Bất kể tâm trạng của bạn đang như thế nào, hãy chấp nhận và đợi cho đến khi tâm trạng đó tự thay đổi. Bạn không thay đổi bất cứ điều gì, bạn có thể cảm nhận vẻ đẹp xuất hiện khi tâm trạng của bạn tự thay đổi. Bạn biết được chuyện này cũng giống như mặt trời mọc vào buổi sáng và lặn vào buổi chiều. Mặt trời mọc và lặn và sẽ tiếp tục như vậy. Bạn không cần làm gì. Nếu có thể cảm nhận tâm trạng của mình tự thay đổi, bạn có thể duy trì sự trung lập. Bạn có thể giữ vững khoảng cách, như thể tâm trí đang ở một nơi khác. Mặt trời mọc và lặn; cơn trầm cảm đến và đi, hạnh phúc đến và đi, nhưng bạn không ở trong quá trình đó. Chúng tự đến và tự đi; các trạng thái đến, chuyển động và rời đi.
Khi tâm trí rối bời, tốt hơn hết là bạn hãy chờ đợi và không làm gì cả để sự bối rối đó tự biến mất. Nó sẽ biến mất; không có gì là vĩnh cửu trong thế giới này. Bạn chỉ cần thật kiên nhẫn. Đừng vội vã.
Tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện mà tôi vẫn thường kể:
Hôm đó, Đức Phật đang băng qua một khu rừng. Đó là một ngày nóng bức - ngay giữa trưa - và Đức Phật khát nước, vì vậy ngài nói với đồ đệ Ananda: “Con hãy quay lại. Chúng ta vừa đi qua một con suối nhỏ. Con hãy quay lại và lấy cho ta một chút nước”.
Ananda vâng lời và quay trở lại, nhưng đó là một khe suối rất nhỏ và một số xe bò đã băng qua. Dòng nước đã bị khuấy đục và bẩn. Bùn đất vốn đã lắng đọng bên dưới đều nổi lên, và nước suối bây giờ không thể uống được. Vì vậy, Ananda nghĩ: “Mình sẽ phải quay về tay không”. Anh ta quay về và nói với Đức Phật: “Dòng nước đã vẩn đục hoàn toàn và không thể nào uống được. Xin hãy cho phép con đi lên phía trước. Con biết có một dòng sông chỉ cách chỗ này vài cây số, con sẽ đi lấy nước ở đó”.
Nghe vậy, Đức Phật đáp: “Không! Con hãy quay lại dòng suối đó”. Vì Đức Phật đã nói vậy nên Ananda đành phải quay lại lần nữa, nhưng anh ta miễn cưỡng bước đi. Anh ta biết nước ở đó không thích hợp để mang về, thời gian đang bị lãng phí và anh ta cũng đang cảm thấy khát. Nhưng vì Đức Phật đã bảo vậy nên anh ta phải đi. Anh ta quay lại dòng suối đó và lại trở về tay không. Lần này, anh ta nói: “Sao thầy cứ nhất định bắt con quay lại khe suối đó? Nước ở đó không thể uống được”.
Đức Phật lại nói: “Con hãy đến đó một lần nữa”. Và bởi vì Đức Phật yêu cầu nên Ananda phải nghe theo.
Lần thứ ba Ananda đến bên suối và lúc này, nước suối trong như chưa từng bị vấy bẩn. Bùn đất đã lắng xuống, lá khô đã trôi đi và nước lại trong vắt. Bấy giờ, Ananda bật cười. Anh ta múc nước đầy bình và nhảy chân sáo quay trở về. Anh ta quỳ xuống dưới chân Đức Phật và nói: “Cách dạy của thầy thật kỳ diệu. Thầy đã dạy con một bài học thâm thúy, đó là không có gì là vĩnh cửu và con chỉ cần kiên nhẫn”.
Đó chính là lời dạy cơ bản của Đức Phật: không có gì là vĩnh cửu, mọi thứ đều là phù du, thế nên tại sao phải lo lắng? Hãy quay lại chính dòng suối đó. Đến lúc này, mọi thứ đã thay đổi. Không có gì là bất biến. Hãy kiên nhẫn, hãy quay trở lại, hết lần này đến lần khác. Chỉ một lúc thôi, những chiếc lá sẽ trôi xa, bùn đất sẽ lắng xuống và nước sẽ lại trong vắt.
Trước khi quay lại dòng suối đó lần thứ hai, Ananda đã hỏi Đức Phật: “Thầy cương quyết bảo con quay lại đó, vậy con có thể làm gì để nước suối ở đó trong lại không?”.
Đức Phật nói: “Đừng làm gì cả; nếu không, con sẽ khiến dòng nước càng vẩn đục. Con cũng đừng bước vào dòng suối, hãy cứ đứng đợi trên bờ. Nếu bước xuống suối, con sẽ gây ra hỗn loạn. Dòng suối tự tuôn chảy, vì vậy, hãy để nó tuôn chảy”.
Không có gì là vĩnh cửu; cuộc sống là một dòng chảy. Triết gia Heraclitus đã nói không ai tắm hai lần trong một dòng sông. Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông bởi vì dòng sông không ngừng tuôn chảy; mọi thứ đều thay đổi. Và không chỉ dòng sông tuôn chảy, bạn cũng tuôn chảy. Bạn cũng khác đi; bạn cũng là một dòng sông đang tuôn chảy.
Hãy nhìn ra sự vô thường này của vạn vật. Đừng vội vã; đừng cố gắng làm bất kỳ việc gì. Hãy cứ chờ đợi! Chờ đợi trong trạng thái vô vi. Và nếu bạn có thể đợi, sự biến đổi sẽ xuất hiện. Chính sự chờ đợi này là một sự biến đổi.
Tôi trở nên chán nản mỗi khi bắt đầu đánh giá bản thân là quá thiếu nhận thức, thiếu trân trọng cuộc sống tươi đẹp này, quá ghen tuông, dễ tức giận và có quá nhiều hành động ngu ngốc. Dường như càng nhận thức được hành vi của mình, tôi càng chán nản hơn! Ngài có thể nói về sự tự lên án không? Nó là gì và nó đến từ đâu?
Tự lên án là một cách để không thay đổi, nó là một thủ thuật của tâm trí; thay vì thấu hiểu, năng lượng bắt đầu chuyển sang chỉ trích. Mà sự thay đổi đến từ sự hiểu biết chứ không phải từ sự lên án. Vì vậy, tâm trí đang giở trò - ngay lúc bạn bắt đầu nhìn ra sự thật nào đó, tâm trí sẽ nhảy bổ vào và bắt đầu lên án nó. Lúc này, toàn bộ năng lượng đều dồn vào việc lên án. Sự thấu hiểu bị lãng quên, bị gạt qua một bên và năng lượng của bạn chuyển sang lấy chỉ trích làm mục tiêu - nhưng việc lên án và chỉ trích không giúp ích được gì. Nó chỉ có thể khiến bạn chán nản, nó chỉ có thể khiến bạn tức giận, không có gì ngoài trầm cảm và tức giận, bạn không bao giờ thay đổi. Bạn vẫn ở trong trạng thái cũ và bạn quanh quẩn trong cùng một vòng lặp tai hại hết lần này tới lần khác.
Thấu hiểu là tự do. Vì vậy, khi nhìn thấy một sự thật nào đó, bạn không cần lên án và cũng không cần lo lắng về nó. Việc duy nhất bạn cần làm là xem xét nó thật kỹ và hiểu nó. Nếu tôi nói một điều gì đó và nó kích động bạn - và mục đích của tôi chính là như vậy, nó nên kích động bạn ở đâu đó - vậy thì bạn phải xem xét tại sao điều tôi nói lại khiến bạn kích động, nó kích động chỗ nào và vấn đề bị kích động là gì; bạn phải suy xét thật kỹ.
Hãy xem xét điều đã kích động bạn, tập trung vào nó và tìm hiểu nó từ mọi góc độ… Nếu chỉ trích nó thì bạn không thể nhìn nhận, không thể tiếp cận nó từ mọi góc độ. Bạn đã quyết định nó là điều tồi tệ; bạn đã phán xét nó mà không hề cho nó cơ hội được tìm hiểu.
Hãy lắng nghe sự thật, thâm nhập vào nó, suy ngẫm nó, dành cả đêm để nghĩ về nó - và quan sát nó càng tỉ mỉ, bạn càng có khả năng thoát khỏi nó. Khả năng thấu hiểu và khả năng thoát khỏi điều gì đó chỉ là hai tên gọi của cùng một hiện tượng.
Nếu hiểu một chuyện nào đó, tôi có khả năng thoát khỏi nó, vượt lên trên nó. Nếu không hiểu, tôi không thể thoát khỏi nó.
Vậy là tâm trí tiếp tục giở trò này với mọi người chứ không chỉ với bạn. Ngay lập tức, bạn nhảy bổ vào một vấn đề gì đó và nói: “Điều này thật sai trái, nó không nên xuất hiện trong tôi. Tôi không xứng đáng, cái này sai và cái kia sai…”, và bạn cảm thấy tội lỗi. Bây giờ, toàn bộ năng lượng đang chuyển sang cảm giác tội lỗi.
Mục tiêu của tôi là làm cho bạn thoát khỏi cảm giác mặc cảm tội lỗi hết mức có thể. Vì vậy, bất kể bạn nhìn thấy điều gì, đừng nghĩ rằng nó chỉ nhắm vào cá nhân bạn. Nó không đặc biệt hướng vào bạn; đó chỉ là cách vận hành của tâm trí. Nếu có sự ghen tuông, nếu có sự chiếm hữu, nếu có cơn giận dữ thì đó là cách tâm trí hoạt động - tâm trí của mọi người đều như vậy, chỉ khác ở mức độ ít hay nhiều.
Tâm trí còn có một cơ chế khác, đó là hoặc nó muốn khen hoặc nó muốn chê. Tâm trí không bao giờ ở giữa hai thái cực đó. Thông qua sự khen ngợi, bạn trở nên đặc biệt và cái tôi được thỏa mãn; thông qua sự chê trách, bạn cũng trở nên đặc biệt. Hãy nhìn mánh khóe đó mà xem! Dù được khen hay bị chê, bạn đều trở nên đặc biệt - hoặc bạn là thánh nhân, một thánh nhân vĩ đại, hoặc bạn là tội đồ, một tội đồ xấu xa nhất, nhưng dù là thánh nhân hay tội đồ, cái tôi của bạn đều được thỏa mãn. Dù chọn thái cực nào thì bạn cũng chỉ nói lên một điều, đó là bạn đặc biệt.
Tâm trí không muốn nghe rằng đó chỉ là điều bình thường - những vấn đề như ghen tuông, và giận dữ trong các mối quan hệ và trong sự hiện hữu là bình thường, mọi người đều gặp phải những vấn đề như vậy. Chúng bình thường như lông như tóc. Có người có nhiều tóc, có người có ít tóc, có thể người này tóc đen, người kia tóc đỏ, nhưng điều đó không quan trọng lắm. Chúng bình thường; mọi vấn đề đều bình thường. Mọi tội lỗi đều bình thường và mọi đức hạnh đều bình thường, nhưng cái tôi muốn cảm thấy đặc biệt. Nó nói rằng bạn vĩ đại nhất hoặc bạn tồi tệ nhất.
Bạn tự nhủ: “Mình không nên trầm cảm. Đây không phải là mình, điều này trái ngược với hình ảnh của mình, nó là một vết nhơ đối với mình - và mình là một cô gái xinh đẹp thế này cơ mà! Sao mình lại trầm cảm?”. Bạn phán xét, bạn lên án thay vì tìm cách hiểu.
Trầm cảm có nghĩa là bằng cách nào đó, cơn giận ở trong bạn trong trạng thái tiêu cực. Trầm cảm là một trạng thái tiêu cực của cơn giận. Từ “trầm cảm” cho thấy có điều gì đó bị đè nén; đó là ý nghĩa của “trầm cảm”. Bạn đang kìm nén thứ gì đó bên trong, và khi cơn giận bị đè nén quá nhiều, nó trở thành nỗi buồn. Nỗi buồn là cơn giận được thể hiện theo cách tiêu cực, theo cách nữ tính. Nếu bạn loại bỏ áp lực đang đè lên nỗi buồn, nó sẽ trở thành cơn giận. Hẳn bạn phải tức giận về một số chuyện nào đó, thậm chí có thể đó là chuyện từ thời thơ ấu, nhưng bạn đã không thể hiện cơn giận đó; vì vậy mới có trầm cảm. Hãy cố gắng hiểu điều này!
Vấn đề là trầm cảm không thể được giải quyết, bởi vì nó không phải là vấn đề thật sự. Vấn đề thật sự là cơn giận - nhưng bạn lại tiếp tục chĩa mũi dùi vào cơn trầm cảm, vì vậy, bạn đang chiến đấu với những chiếc bóng.
Trước tiên, hãy tìm hiểu lý do bạn trầm cảm: hãy nhìn thật kỹ vào trong đó và bạn sẽ thấy cơn giận. Một cơn giận dữ dội đang ở trong bạn - có lẽ đó là cơn giận đối với mẹ, đối với cha, đối với thế giới, đối với chính bạn, nhưng đó không phải là vấn đề. Bên trong, bạn đang rất giận dữ và ngay từ khi còn bé, bạn đã cố gắng mỉm cười, cố gắng không nổi giận bởi vì nổi giận là không tốt. Bạn đã được dạy như vậy và bạn đã học rất kỹ. Vì vậy, bề ngoài, bạn trông vui vẻ, bạn tiếp tục mỉm cười - và tất cả những nụ cười này đều là giả tạo. Trong thâm tâm bạn đang chứa đựng một cơn thịnh nộ. Bây giờ, bạn không thể để lộ cơn thịnh nộ đó, vì vậy, bạn đang che giấu nó - đó chính là bản chất của chứng trầm cảm; khi đó, bạn cảm thấy bị đè nén.
Hãy để mọi sự được diễn ra, hãy để cơn giận đến. Một khi cơn giận nổi lên, chứng trầm cảm của bạn sẽ biến mất. Bạn chưa từng quan sát và thấy rằng đôi khi, sau một trận giận dữ ra trò, người ta cảm thấy rất thoải mái và tràn trề năng lượng?
Hãy thực hành bài thiền giải tỏa cơn giận mỗi ngày… chỉ cần hai mươi phút mỗi ngày là được. (Xem trang 378 để biết chi tiết). Sau ngày thực hành thứ ba, bạn sẽ thích bài thiền này tới mức bắt đầu mong đợi nó. Nó sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều… và bạn sẽ thấy cơn trầm cảm của mình đang biến mất. Lần đầu tiên, bạn thật sự mỉm cười. Bởi vì khi bị trầm cảm này, bạn không thể cười, bạn chỉ có thể giả vờ cười.
Con người không thể sống thiếu nụ cười, vì vậy, họ phải giả vờ - nhưng nụ cười giả tạo gây ra rất nhiều tổn thương. Nụ cười giả tạo đó không làm bạn hạnh phúc; nó chỉ nhắc bạn nhớ mình bất hạnh đến dường nào.
Nhưng thật tốt khi bạn đã nhận thức được điều đó. Bất cứ khi nào vết thương xuất hiện, nó đều có ích. Con người bệnh nặng tới mức họ luôn đau đớn mỗi khi có điều gì đó hữu ích đến với họ, nó chạm đến một vết thương nào đó, ở đâu đó. Nhưng đó là chuyện tốt.
Có thật là người ta có thể nhận thức được trong khi nổi giận? Cơn giận ập tới mãnh liệt đến mức tôi cảm thấy như có hàng ngàn con ngựa hoang đang chạy. Tôi thật sự mệt mỏi! Ngài có thể giúp tôi không?
Bạn đang gặp phải một vấn đề đơn giản nhất, đó là bạn đang làm quá lên. “Như có hàng ngàn con ngựa hoang đang chạy” - cơn giận tới mức đó hẳn đã thiêu trụi bạn! Ở đâu ra hàng ngàn con ngựa hoang?
Tôi nghe kể rằng Mulla Nasruddin1 từng xin làm việc trên một con tàu và có ba sĩ quan phỏng vấn ông. Một sĩ quan hỏi: “Một cơn lốc xoáy xuất hiện, thủy triều dâng cao và con tàu sắp chìm. Trong tình huống đó, anh sẽ làm gì?”.
Mulla đáp: “Không thành vấn đề, tôi sẽ làm đúng kỹ thuật; tôi sẽ cho dừng tàu và hạ neo”.
Một vị khác hỏi: “Nhưng rồi một đợt thủy triều khác ập tới và con tàu gần như chìm xuống. Anh sẽ làm gì?”.
Mulla lại đáp: “Cũng vậy thôi. Tôi sẽ hạ một mỏ neo khác; con tàu nào cũng chở theo nhiều mỏ neo”.
Vị sĩ quan thứ ba hỏi tiếp: “Nhưng rồi một cơn thủy triều khác kéo tới…”.
Lần này, Mulla không đợi sĩ quan hỏi xong: “Các vị đang lãng phí thời gian của tôi. Tôi sẽ xử lý theo cách tương tự những lần trước thôi - tôi hạ một mỏ neo khác để con tàu trụ vững trước sóng thủy triều”.
1 Mulla Nasruddin (khoảng 1208 - 1284) là nhà thơ trào phúng nổi tiếng. Mặc dù có nhiều giai thoại về ông nhưng đến bây giờ người ta vẫn không biết nhiều về cuộc đời của ông.
Vị sĩ quan đầu tiên hỏi: “Anh lấy đâu ra tất cả những mỏ neo đó?”.
Bấy giờ, Mulla đáp: “Thật là một câu hỏi kỳ lạ. Vậy từ đâu các vị có tất cả những con sóng thủy triều kia? Chúng đều đến từ cùng một nguồn! Nếu các vị có thể tưởng tượng ra những con sóng thủy triều, tại sao tôi lại không thể tưởng tượng ra các mỏ neo? Các vị cứ tạo ra bao nhiêu con sóng thủy triều tùy thích, và tôi sẽ tiếp tục hạ những mỏ neo ngày càng nặng hơn”.
Giận dữ là một việc rất nhỏ. Nếu có thể chỉ chờ đợi và quan sát, bạn sẽ không cảm thấy “như có hàng ngàn con ngựa hoang đang chạy”. Giỏi lắm là bạn có thể tìm được một con la! Bạn chỉ cần quan sát nó và nó sẽ từ từ rời đi. Nó sẽ đi vào từ phía này và đi ra từ phía kia. Bạn chỉ cần kiên nhẫn một chút để không cưỡi lên nó.
Giận dữ, ghen tuông, đố kỵ, tham lam, ganh đua… - tất cả các vấn đề của chúng ta đều rất nhỏ nhưng cái tôi của chúng ta phóng đại chúng lên, làm cho chúng to lớn hết mức có thể. Cái tôi không thể làm gì khác; cơn giận của nó cũng phải to lớn. Với cơn giận to lớn, nỗi đau khổ to lớn, lòng tham to lớn và tham vọng to lớn, cái tôi trở nên to lớn.
Nhưng bạn không phải là cái tôi của bạn, bạn chỉ là người quan sát. Hãy đứng sang một bên và để hàng ngàn con ngựa đi qua - “Hãy xem mất bao lâu chúng mới đi qua hết”. Bạn không cần phải lo lắng. Chúng tự đến thì chúng cũng sẽ tự rời đi.
Nhưng chúng ta không chịu bỏ lỡ cơ hội cưỡi lên dù chỉ một con la nhỏ; chúng ta lập tức nhảy lên nó! Bạn không cần hàng ngàn con ngựa hoang, chỉ một chuyện nhỏ xảy ra và bạn nổi giận đùng đùng. Sau này, bạn cười nhạo việc này, cười nhạo bản thân đã ngu ngốc ra sao.
Nếu bạn có thể quan sát mà không nhúng tay vào, như thể đó là chuyện diễn ra trên màn hình ti-vi hoặc trong một cảnh phim… có thứ gì đó đang trôi qua, hãy quan sát nó. Bạn không cần làm gì để ngăn cản nó, để đè nén nó, để hủy diệt nó, để rút gươm ra giết nó, bởi vì thanh gươm ấy từ đâu mà có? Hiển nhiên là từ cùng một nguồn với cơn giận đang sắp sửa xuất hiện. Tất cả đều là tưởng tượng.
Hãy chỉ quan sát và không làm gì cả, dù là ủng hộ hay phản đối, và bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy thứ trông rất to lớn trở nên rất nhỏ bé. Nhưng chúng ta có thói quen phóng đại.
Một cậu bé chưa đầy ba tuổi lon ton chạy về nhà và nói với mẹ: “Mẹ ơi, có một con sư tử khổng lồ đã gầm gừ đuổi theo con suốt cả mấy đoạn đường! Nhưng con đã tìm cách thoát được nó. Nhiều lần nó đã chạy đến rất gần, nhưng khi nó vừa định tấn công con thì con lại bắt đầu chạy nhanh hơn”.
Người mẹ nhìn ra ngoài cửa và thấy một con chó nhỏ đang đứng vẫy đuôi. Thế là bà ấy quay lại nhìn con trai và nói: “Tommy, mẹ đã nói với con hàng triệu lần là đừng có nói quá lên mà!”.
“Hàng triệu lần” - tâm trí của chúng ta rất giỏi phóng đại. Bạn gặp phải những vấn đề nhỏ, và nếu bạn có thể ngừng làm quá lên mà chỉ quan sát, khi đó, bạn sẽ thấy một chú chó nhỏ đang đứng ngoài cửa. Bạn cũng không cần phải chạy cả mấy đoạn đường; cuộc sống của bạn không hề bị đe dọa.
Khi cơn giận kéo đến, nó sẽ không giết chết bạn. Nó đã ở cùng bạn nhiều lần trước đó và bạn hoàn toàn bình an vô sự. Nó chính là cơn giận mà bạn từng trải qua trước đây. Bạn chỉ cần làm một việc mới mẻ này thôi, một việc mà bạn chưa từng làm, đó là thay vì bị cuốn vào cơn giận và chiến đấu với nó như mọi lần trước đó, lần này bạn chỉ cần quan sát như thể nó không thuộc về bạn, như thể nó là cơn giận của ai khác. Khi làm vậy, bạn sẽ vô cùng bất ngờ nhận ra nó sẽ biến mất chỉ sau vài giây. Và khi cơn giận biến mất mà không gặp bất kỳ sự phản kháng nào, nó sẽ để lại cho bạn một trạng thái vô cùng đẹp đẽ, tĩnh lặng và tràn ngập tình yêu thương.
Khi bạn không chiến đấu với cơn giận, nguồn năng lượng vốn có thể bị dùng cho việc chiến đấu đó được giữ lại trong bạn. Năng lượng thuần khiết là niềm vui - tôi đang trích lời William Blake - “Năng lượng là niềm vui”. Năng lượng thuần khiết là năng lượng không bị gán cho bất kỳ cái tên hay tính chất nào. Nhưng bạn không bao giờ để cho năng lượng được thuần khiết. Nó là cơn giận, hoặc là sự căm ghét, hoặc yêu thương, hoặc lòng tham, hoặc ham muốn. Nó luôn gắn với thứ gì đó; bạn không bao giờ để cho năng lượng ở trong trạng thái thuần khiết của nó.
Mỗi khi có điều gì nảy sinh trong bạn, đó chính là một cơ hội thích hợp để trải nghiệm năng lượng thuần khiết. Bạn chỉ cần quan sát và con la sẽ rời đi. Nó có thể khuấy động chút bụi đường, nhưng đám bụi đó cũng sẽ tự lắng xuống; bạn không cần nhúng tay vào. Bạn chỉ cần chờ đợi. Đừng ngừng chờ đợi và cũng đừng ngừng quan sát, bạn sẽ sớm nhận ra mình được bao quanh bởi một năng lượng thuần khiết, thứ năng lượng không bị dùng để chiến đấu, đè nén hay tức giận. Năng lượng đó chắc chắn là niềm vui. Một khi đã biết được bí mật của niềm vui, bạn sẽ tận hưởng mọi cảm xúc.
Không những vậy, mọi cảm xúc nảy sinh trong bạn đều là một cơ hội lớn. Bạn chỉ cần quan sát và mang một cơn mưa niềm vui vào trong sự tồn tại của mình. Theo thời gian, tất cả những cảm xúc này sẽ biến mất; chúng sẽ không đến nữa - chúng không đến nếu không được mời. Khả năng quan sát, sự tỉnh táo, sự tỉnh thức hoặc ý thức đều là những tên gọi khác nhau của hiện tượng chứng kiến. Đó là từ khóa.
Cô Johnson, giáo viên tiếng Anh, nói với cả lớp: “Hôm nay chúng ta sẽ học các định nghĩa. Khi muốn định nghĩa một cái gì đó, các em diễn tả nó là thứ gì. Bây giờ, Wesley, em định nghĩa ‘không nhận thức’ (unaware) 1 xem nào?”. Wesley đáp: “Nó là thứ cuối cùng em cởi ra khi về nhà ạ!”.
1 Trong câu chuyện này, Wesley nghe nhầm “unaware” (không nhận thức) thành “underwear” (đồ lót) nên mới có câu trả lời như vậy.
Tất cả chúng ta đều đang sống trong hoàn cảnh như vậy! Không ai có ý thức; không ai lắng nghe những gì đang được nói.
Đó là một thế giới kỳ lạ. Nếu tỉnh thức, bạn sẽ thấy những điều kỳ diệu đang diễn ra ở khắp nơi. Nhưng bạn không nhìn thấy phép màu bởi vì bạn hiếm khi tỉnh thức, rất hiếm. Hầu như lúc nào bạn cũng mở mắt; suốt phần lớn thời gian, bạn đều không ngáy. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn tỉnh thức. Điều đó chỉ cho thấy là bạn đang giả vờ tỉnh táo, nhưng tận sâu bên trong bạn có quá nhiều suy nghĩ, quá nhiều sự bối rối, quá nhiều con ngựa hoang… như vậy làm sao bạn có thể thấy được điều gì? Làm sao bạn nghe được điều gì? Vì vậy, dù mắt của bạn mở nhưng chúng không nhìn thấy. Dù bạn có tai nhưng đôi tai đó không nghe được.
Thật kỳ lạ khi tạo hóa tạo ra đôi mắt theo cách khác với đôi tai. Bạn không thể khép tai nhưng bạn có thể nhắm mắt. Mắt có mí mắt để đóng, để mở, nhưng còn đôi tai thì sao? Tạo hóa không buồn làm cho chúng các “mí tai”, bởi vì tạo hóa biết bạn quá chú tâm vào tâm trí, bạn không cần thứ gì để khép hay mở đôi tai. Đôi tai của bạn luôn điếc; bạn không nghe - hoặc bạn chỉ nghe những điều bạn muốn nghe.
Tôi nghe kể rằng sau buổi lễ nhà thờ vào một ngày Chủ nhật, một nhà thuyết giáo đã giữ người đàn ông đã ngáy to trong suốt bài giảng lại và nói: “Thật không hay! Anh đã ngáy rất to trong lúc tôi giảng đạo”.
Người đàn ông đáp: “Thật xin lỗi. Lần tới tôi sẽ chú tâm hơn”.
Nhà thuyết giáo nói tiếp: “Anh phải thận trọng hơn, bởi vì lúc đó có rất nhiều người đang ngủ và anh đã làm phiền họ. Tôi không bận tâm về việc anh có nghe bài giảng của tôi hay không, tôi lo cho những người còn lại trong cộng đoàn, những người đều đã say ngủ. Anh ngáy quá to đến mức có thể đánh thức họ. Tôi giảng cùng một bài vào mỗi Chủ nhật, và nếu anh khiến giáo dân thức giấc thì tôi sẽ phải làm nhiều việc hơn. Tôi sẽ phải chuẩn bị các bài giảng mới cho mỗi buổi lễ và việc đó tẻ nhạt quá mức. Tôi đã luôn sử dụng cùng một bài giảng và không ai phản đối, bởi vì không ai nghe”.
Khi bước vào bất cứ nhà thờ nào, bạn sẽ thấy mọi người đều đang say ngủ; đó là nơi để ngủ, để nghỉ ngơi đôi chút sau những bộn bề của cuộc sống đời thường, để thoát khỏi thế giới và những áp lực mà nó tạo ra. Nhưng nếu xét về khía cạnh tâm linh, người ta say ngủ suốt hai mươi bốn giờ. Trong giấc ngủ, bạn nhìn thấy cơn giận và bạn nhìn thấy lòng tham, và chúng bị khuếch đại, chúng trở nên to lớn tới mức bạn rất dễ mắc vào lưới của chúng.
Người nắm giữ nghệ thuật quan sát cũng sẽ nắm trong tay chiếc chìa khóa vàng. Khi đó, cho dù tấm lưới đó là cơn giận, lòng tham, dục vọng hay sự mê đắm đều không quan trọng. Bất kể đó là chứng bệnh nào, phương thuốc “quan sát” đều phát huy công dụng. Chỉ cần quan sát, bạn sẽ thoát khỏi nó. Hãy cứ quan sát mà xem, tâm trí ngày càng không chứa đựng nhiều thứ bên trong nó nữa, và một ngày nào đó, nó sẽ tự biến mất. Tâm trí không thể tồn tại nếu không có cơn giận, không có nỗi sợ, không có tình yêu, không có hận thù - chúng đều là vật liệu cần thiết cho sự tồn tại của tâm trí.
Bằng cách quan sát, bạn không chỉ thoát khỏi cơn giận mà còn thoát khỏi một phần của tâm trí. Một ngày nào đó, bạn bỗng tỉnh giấc và tâm trí hoàn toàn không ở đó nữa. Bạn chỉ là người quan sát, một người quan sát đứng trên đồi. Đó là khoảnh khắc đẹp nhất. Chỉ từ khoảnh khắc đó, cuộc sống thật sự của bạn mới bắt đầu.