LƯU Ý CỦA BAN BIÊN TẬP: Osho gợi ý rằng đối với bất cứ kỹ thuật hay bài tập thiền nào, bạn nên trải nghiệm trong ba ngày và xem nó có phù hợp với bạn hay không. Nếu bạn không cảm thấy có sự thay đổi nào đang diễn ra trong bạn, hoặc nếu các kỹ thuật đó có vẻ không phù hợp với kiểu của bạn, hãy thử cách khác. Thông thường, chúng ta không thể nhìn rõ bản thân ngay từ đầu, và một bài tập hay bài thiền có thể hấp dẫn đối với tâm trí nhưng hóa ra lại chẳng hữu ích gì cho chúng ta. Hoặc, chúng ta có thể viện đủ mọi lý lẽ để tránh trải nghiệm một kỹ thuật hay bài tập nào đó, nhưng hóa ra nó lại là phương pháp hiệu quả nhất.
Tất cả các phương pháp thiền được đưa ra trong chương này đều là những thể nghiệm khả thi; bạn có thể thoải mái áp dụng chúng và khám phá xem phương pháp nào phù hợp với mình.
Một số phương pháp thiền trong chương này hướng tới một số nhóm đối tượng nhất định. Chẳng hạn, OSHO Active Meditations (Phương pháp thiền chủ động OSHO) là những kỹ thuật được Osho phát triển dành riêng cho đàn ông và phụ nữ hiện đại, những người đang sống trong một môi trường căng thẳng với nhịp sống nhanh. Những phương pháp thiền này được thiết kế một cách khoa học để giúp các cá nhân bắt đầu nhận thức và sau đó xóa bỏ những rào cản về cảm xúc và thể chất, cũng như những áp lực khiến họ không thể trải nghiệm thiền. Chúng tôi có liệt kê bốn phương pháp thiền cơ bản nhất ở cuối chương này, kèm với thông tin về từng phương pháp và nguồn tham khảo thêm. Osho nói về những điều mà bạn cần biết để có thể hiểu các kỹ thuật thiền mà ông đã phát triển như sau:
Về cơ bản, các kỹ thuật của tôi bắt đầu với sự thanh tẩy. Bất cứ điều gì bị che giấu phải được giải phóng. Bạn không được tiếp tục kìm nén; thay vào đó, hãy chọn con đường bộc lộ. Đừng lên án bản thân. Hãy chấp nhận những gì bạn đang có bởi vì mọi sự lên án đều tạo ra chia rẽ…
Điều này có vẻ nghịch lý, nhưng những người đè nén chứng rối loạn thần kinh của họ sẽ trở nên ngày càng loạn thần kinh, trong khi những người bộc lộ nó một cách có ý thức sẽ có thể loại bỏ nó. Vì vậy, nếu bạn không trở nên điên loạn một cách có ý thức, bạn sẽ không bao giờ có thể tỉnh táo. Chuyên gia tâm thần học R.D. Laing nói đúng. Ông ấy là một trong những người nhạy cảm nhất ở phương Tây. Ông ấy nói: “Hãy cho phép bản thân được mất trí”. Bạn là kẻ mất trí, vì vậy bạn phải làm gì đó với chuyện đó. Điều tôi muốn nói là hãy có ý thức về chuyện đó. Các truyền thống cũ nói gì? Chúng nói “Hãy kìm nén nó lại; đừng để nó phát ra ngoài, nếu không, bạn sẽ trở nên điên loạn”. Tôi nói hãy để nó phát ra ngoài; đó là cách duy nhất để trở nên tỉnh táo. Hãy giải phóng nó! Nếu bị kìm nén ở bên trong, nó sẽ trở thành chất độc. Hãy ném nó ra ngoài, vứt nó khỏi hệ thống của bạn. Bộc lộ là việc làm đúng với đạo đức. Và để thực hiện việc thanh tẩy này, bạn phải thực hiện nó một cách có hệ thống, có phương pháp, bởi vì nó đang trở nên điền rồ một cách có hệ thống - điên rồ một cách có ý thức.
Bạn phải làm hai việc: duy trì ý thức về những việc bạn đang làm, và sau đó là không đè nén bất cứ thứ gì. Đây là phương pháp và là điều bạn phải học: có ý thức và không đè nén; nói cách khác, hãy có ý thức và bộc lộ ra ngoài.
Các bước cơ bản của quá trình quan sát
Có ba thử thách trong việc nhận thức. Đây là những điều mỗi người đi trên hành trình này đều phải hiểu. Trên thực tế, mọi người đều nhận thức được, nhưng chỉ sau khi một hành động nào đó kết thúc. Bạn tức giận: bạn tát vợ của mình, hoặc bạn ném gối vào chồng của mình. Sau đó, khi đã nguôi cơn giận, khi khoảnh khắc tức giận đã trôi qua, bạn nhận thức được sự việc. Nhưng lúc này, điều đó là vô nghĩa, giờ đây bạn không còn có thể làm gì được. Những việc đã xảy ra thì không thể thay đổi được; đã quá muộn.
Có ba điều cần nhớ. Một là nhận thức trong khi sự việc đang diễn ra. Đây là thử thách đầu tiên đối với người muốn nhận thức - nhận thức về một sự việc ngay trong lúc nó đang diễn ra. Cơn giận giống như một làn khói bên trong bạn. Hãy nhận thức làn khói ngay trong sự dày đặc của nó, đây chính là thử thách đầu tiên nhưng không phải là việc bất khả thi. Chỉ cần một chút cố gắng là bạn sẽ có thể nắm bắt được nó. Ban đầu, bạn sẽ thấy mình nhận thức cơn giận khi nó đã qua đi và mọi thứ đã dịu xuống; bạn nhận thức nó sau khi nó đã diễn ra được mười lăm phút. Hãy cố gắng, và bạn sẽ nhận thức được sự việc năm phút sau khi nó đã diễn ra. Cố gắng thêm chút nữa và bạn sẽ nhận thức gần như ngay lập tức, chỉ sau một phút. Cố gắng thêm chút nữa và bạn sẽ nhận thức ngay khi cơn giận đang bốc hơi. Lại cố gắng thêm một chút nữa và bạn sẽ nhận thức ngay khi nó đang diễn ra. Và đó là bước đầu tiên: Nhận thức trong khi sự việc đang diễn ra.
Sau đó là bước thứ hai, bước khó hơn bởi vì lúc này, bạn đang đi vào vùng nước sâu hơn. Bước thứ hai, hay thử thách thứ hai, là nhớ trước khi hành động, khi hành động chưa xảy ra mà vẫn còn là một ý nghĩ trong bạn. Nó chưa được thực hiện nhưng nó đã trở thành một ý nghĩ trong đầu bạn. Nó tiềm ẩn ở đó, giống như một hạt giống; nó có thể trở thành hành động bất cứ lúc nào.
Bây giờ, bạn sẽ cần một nhận thức nhạy hơn một chút. Bạn đánh người - đây là một hành động tệ hại. Bạn có thể nhận thức trong khi đang đánh, nhưng ý nghĩ đánh ai đó thì khó được nhận thức hơn nhiều. Có hàng ngàn ý nghĩ không ngừng lướt qua trong tâm trí; ai ghi lại chúng? Chúng cứ lướt qua, sự lưu thông vẫn tiếp diễn, và đa số những ý nghĩ này không bao giờ trở thành hành động. Đây là sự khác biệt giữa “tội lỗi” và “tội ác”. Tội ác là khi một ý nghĩ nào đó trở thành hành động. Không có tòa án nào trừng phạt bạn vì ý nghĩ nào đó của bạn. Bạn có thể nghĩ đến việc giết ai đó, nhưng không luật pháp nào có thể xử phạt bạn về ý nghĩ đó. Bạn có thể thích thú với ý nghĩ đó, bạn có thể mơ về nó, nhưng bạn không bị trừng phạt trước pháp luật trừ khi bạn hành động, trừ khi bạn làm cái gì đó và ý nghĩ đó biến thành thực tế. Khi đó, nó trở thành tội ác. Nhưng tôn giáo đi sâu vào vấn đề hơn luật pháp. Tôn giáo nói rằng khi bạn nghĩ về việc giết người, đó đã là một tội lỗi. Dù bạn có hiện thực hóa ý nghĩ đó hay không cũng không quan trọng; bạn đã phạm tội giết người trong thế giới nội tâm của mình và bạn bị ảnh hưởng bởi nó, bạn bị ô nhiễm bởi nó, bạn bị nó làm ô uế.
Thử thách thứ hai là nắm bắt khi ý nghĩ đó nảy sinh trong bạn. Việc này là khả thi, nhưng nó chỉ khả thi khi bạn đã vượt qua rào cản đầu tiên, bởi vì ý nghĩ không rõ ràng như hành động. Tuy nhiên, nó vẫn đủ rõ để bạn có thể nhìn thấy; bạn chỉ cần luyện tập một chút. Hãy ngồi im lặng và chỉ quan sát những ý nghĩ của bạn. Hãy xem tất cả các sắc thái của một ý nghĩ - nó nảy sinh như thế nào, định hình ra sao, duy trì bằng cách nào và sau đó rời khỏi bạn như thế nào. Nó trở thành một vị khách và khi tới lúc, nó sẽ rời đi. Rất nhiều ý nghĩ đến và đi; bạn là người tiếp đón các ý nghĩ đến và đi đó. Hãy chỉ quan sát.
Đừng cố gắng bắt đầu với những ý nghĩ khó, hãy thử với những ý nghĩ đơn giản. Như vậy sẽ dễ cho bạn hơn, bởi vì quá trình là như nhau. Bạn chỉ cần ngồi trong vườn, nhắm mắt lại và nhìn ý nghĩ đang lướt qua - và chúng luôn lướt qua. Có tiếng chó sủa trong khu phố và ngay lập tức, bạn bắt đầu quá trình suy nghĩ. Bạn bỗng nhớ về chú chó mình nuôi thời thơ ấu và tình yêu thương bạn dành cho nó, về cái chết của chú chó đó và bạn đã đau khổ như thế nào. Sau đó, ý nghĩ về cái chết xuất hiện, bạn quên chú chó và nhớ tới cái chết của mẹ bạn… và khi nghĩ về mẹ, bạn chợt nhớ đến cha… và mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy. Toàn bộ sự việc này được kích hoạt bởi một chú chó ngốc nghếch, nó thậm chí còn không biết là bạn đang ngồi trong vườn, nó sủa chỉ vì nó không biết làm gì khác. Nó không nhận thức sự hiện diện của bạn, nó không sủa bạn, thế nhưng một chuỗi sự việc đã được kích hoạt.
Hãy quan sát những chuỗi sự việc đơn giản này và sau đó, hãy thử với những sự việc có liên quan đến cảm xúc hơn. Bạn tức giận, bạn tham lam, bạn ghen tuông - chỉ cần nắm bắt được bản thân khi những ý nghĩ đó diễn ra. Đó chính là bước thứ hai.
Và bước thứ ba là nắm bắt được quá trình này trước khi nó trở thành một ý nghĩ và cuối cùng là một hành động. Đó là việc khó nhất; ngay lúc này, bạn thậm chí không thể nhận biết nó. Trước khi một thứ gì đó trở thành ý nghĩ, nó là cảm nhận.
Đây là một bộ ba: cảm xúc đến trước, sau đó đến suy nghĩ rồi mới tới hành động. Bạn có thể hoàn toàn không nhận thức được rằng mỗi ý nghĩ đều được tạo ra bởi một cảm nhận nào đó. Nếu không có cảm nhận, ý nghĩ sẽ không xuất hiện. Cảm nhận được hiện thực hóa trong ý nghĩ, ý nghĩ được hiện thực hóa trong hành động.
Bây giờ bạn phải làm một việc gần như bất khả thi, đó là nắm bắt một cảm nhận nào đó. Bạn chưa từng thỉnh thoảng quan sát thấy chuyện này ư? Bạn không thật sự biết tại sao mình cảm thấy hơi bận tâm; không có ý nghĩ nào có thể được xem là nguyên nhân, nhưng bạn phiền não, bạn cảm thấy phiền. Điều gì đó đang âm thầm phát động, một cảm nhận nào đó đang tích lũy sức mạnh. Có những lúc bạn cảm thấy buồn. Không có lý do để bạn cảm thấy buồn, và không có ý nghĩ nào kích động nỗi buồn; nhưng bạn vẫn cảm thấy buồn. Điều đó có nghĩa là một cảm nhận đang tìm cách nổi lên trên; hạt giống của cảm nhận đó đang đâm chồi lên khỏi mặt đất.
Nếu có thể nhận thức được ý nghĩ, sớm muộn gì bạn cũng sẽ nhận thức được những sắc thái tinh tế của cảm nhận. Đây là ba thử thách. Và nếu có thể làm được cả ba, bạn sẽ bất ngờ rơi vào nơi sâu thẳm nhất trong sự hiện hữu của mình.
Hành động là thứ cách xa sự hiện hữu nhất, sau đó đến ý nghĩ, rồi đến cảm nhận. Và đằng sau cảm nhận, chỉ ẩn ngay sau cảm nhận, chính là sự hiện hữu của bạn. Sự hiện hữu đó là mục tiêu chung. Sự hiện hữu đó là mục tiêu của mọi thiền giả. Và họ phải vượt qua ba rào cản này. Ba rào cản này giống như ba vòng tròn đồng tâm xoay quanh trung tâm của sự hiện hữu.
Tìm một khoảng thời gian và một nơi để duy trì trạng thái thảnh thơi. Đó là mục đích của thiền. Hãy dành ra ít nhất một giờ mỗi ngày để ngồi im không làm gì cả, hoàn toàn thảnh thơi, chỉ quan sát mọi thứ lướt qua bên trong. Ban đầu, bạn sẽ rất buồn khi nhìn vào những thứ bên trong mình. Bạn sẽ chỉ cảm nhận bóng tối và không gì khác, và những thứ xấu xí cùng với đủ kiểu lỗ đen xuất hiện. Bạn sẽ chỉ cảm nhận nỗi thống khổ chứ không hề vui sướng chút nào. Nhưng nếu bạn kiên trì, sẽ đến ngày khi tất cả những nỗi đau này biến mất và đằng sau chúng là niềm hạnh phúc vô bờ.
Hãy bắt đầu với những việc nhỏ và bạn sẽ hiểu. Khi bạn đi dạo vào buổi sáng, hãy tận hưởng chuyến đi đó - những chú chim trên cây, tia nắng ban mai, những đám mây và gió. Hãy tận hưởng và vẫn luôn nhớ rằng bạn là một tấm gương; bạn đang phản chiếu những đám mây, cây cối, chim chóc và con người. Hãy tiếp tục đi dạo và luôn nhớ rằng bạn không phải là nó. Bạn không phải là người đi dạo mà là người quan sát. Và dần dần, bạn sẽ được nếm trải hương vị của nó - nó là một hương vị, nó đến từ từ. Đó là hiện tượng tinh tế nhất trên thế giới; bạn không thể có được nó một cách vội vã. Bạn cần phải kiên nhẫn.
Ăn, nếm thức ăn và vẫn luôn nhớ rằng bạn là người quan sát. Ban đầu, bạn sẽ gặp chút xáo trộn, bởi vì bạn chưa từng thực hiện hai việc này cùng lúc. Tôi biết ban đầu, nếu bắt đầu quan sát thì bạn sẽ cảm thấy muốn ngừng ăn, hoặc nếu bắt đầu ăn thì bạn sẽ quên mất việc quan sát.
Ý thức của chúng ta là một chiều - ngay lúc này nó là như vậy - nó chỉ hướng tới mục tiêu. Nhưng nó có thể trở thành hai chiều: Nó có thể vừa ăn vừa quan sát. Bạn vẫn có thể vừa giữ mình an ổn ở nơi trung tâm của mình vừa có thể nhìn thấy cơn bão quanh mình; bạn có thể trở thành trung tâm của cơn bão đó.
Chuyển hóa nỗi sợ
Nỗi sợ có một vẻ đẹp riêng, một sự duyên dáng và nhạy cảm của riêng nó. Trên thực tế, đó là một sự sống động rất tinh tế. “Cảm giác sợ hãi” nghe thì tiêu cực, nhưng bản chất của cảm giác đó lại rất tích cực. Chỉ có những vật sống mới sợ hãi; một vật chết không có nỗi sợ. Nỗi sợ là một phần của quá trình sống, một phần của sự duyên dáng, một phần của sự mong manh. Vì vậy, hãy để nỗi sợ diễn ra. Hãy run rẩy với nó, để nó làm rung chuyển nền móng của bạn - và tận hưởng nó như một trải nghiệm sâu sắc của việc được khuấy động.
Đừng có bất kỳ thái độ nào về nỗi sợ; trên thực tế, đừng gọi nó là nỗi sợ. Khi gọi nó là nỗi sợ, bạn đã xác định thái độ đối với nó rồi. Bạn đang lên án nó; bạn đang nói rằng nó sai, rằng nó không nên có mặt ở đó. Bạn đang cảnh giác, đang trốn thoát, đang tháo chạy. Bạn đang trốn nó theo một cách khó nhận ra. Vì vậy, đừng gọi nó là nỗi sợ. Đây là một trong những việc cần thiết nhất: hãy ngừng đặt tên cho mọi thứ. Hãy chỉ quan sát cảm nhận mà nó mang lại, cách nó diễn ra. Hãy đón nhận nó và đừng dán nhãn cho nó; đừng để ý nó.
Ngừng để ý là một trạng thái thiền cao độ. Hãy kiên trì giữ trạng thái không để ý đó và đừng để tâm trí thao túng. Đừng để tâm trí sử dụng ngôn từ, nhãn mác và danh mục, bởi vì đó là cả một quá trình. Thứ này được liên kết với thứ khác, và nó cứ tiếp diễn. Hãy chỉ quan sát - đừng gọi nó là nỗi sợ.
Hãy cứ run rẩy
Sợ hãi và run rẩy - điều đó thật đẹp. Hãy trốn vào một góc, chui vào trong chăn và run rẩy. Hãy làm những việc mà một con vật sẽ làm nếu nó sợ hãi. Một đứa trẻ sẽ làm gì nếu nó sợ hãi? Nó sẽ khóc. Hoặc một người nguyên thủy, anh ta sẽ làm gì khi sợ hãi? Chỉ có người nguyên thủy mới biết rằng khi họ hoảng sợ cực độ, lông tóc của họ sẽ dựng hết lên. Con người văn minh đã quên mất trải nghiệm đó; nó đã trở thành một phép ẩn dụ. Chúng ta nghĩ rằng chuyện sợ tới dựng tóc gáy chỉ là lời nói chứ không có thật. Nhưng nó thật sự có xảy ra.
Nếu bạn để nỗi sợ chiếm hữu bạn, lông tóc của bạn sẽ dựng đứng lên. Khi đó, lần đầu tiên, bạn biết được nỗi sợ là một hiện tượng đẹp đẽ như thế nào. Trong sự hỗn loạn đó, trong cơn lốc xoáy đó, bạn sẽ biết rằng vẫn có một điểm nào đó bên trong bạn vẫn hoàn toàn chưa bị chạm tới. Và nếu nỗi sợ không thể chạm tới nó, cái chết cũng không thể chạm tới nó. Có bóng tối và nỗi sợ xung quanh, và chỉ một tâm điểm nhỏ bé hoàn toàn siêu việt hơn tất cả. Không phải bạn cố gắng trở nên siêu việt; bạn chỉ đơn giản cho phép nỗi sợ hoàn toàn chiếm hữu bạn, nhưng bỗng nhiên, bạn nhận thức được thứ tương phản với nỗi sợ, bạn nhận thức được điểm tĩnh tại. Nỗi sợ là một trong những cánh cửa để một người bước vào sự hiện hữu của mình.
Hãy làm việc mà bạn không dám làm
Bất cứ khi nào nỗi sợ xuất hiện, hãy luôn nhớ đừng bỏ chạy, bởi vì đó không phải là cách giải quyết. Hãy dấn thân vào nỗi sợ. Nếu bạn sợ đêm tối, hãy dấn thân vào đêm tối, bởi vì đó là cách duy nhất để vượt qua. Đó là cách duy nhất để vượt lên trên nỗi sợ. Đi vào đêm tối; không có gì quan trọng hơn việc đó. Hãy chờ đợi, ngồi ở đó một mình và để cho bóng đêm hoạt động.
Nếu bạn cảm thấy sợ hãi, hãy run rẩy. Hãy cứ run rẩy nhưng cũng hãy nói với đêm tối: “Hãy làm bất cứ điều gì ngươi muốn làm. Ta ở đây”. Sau vài phút, bạn sẽ thấy mọi thứ đều đã ổn. Bóng tối không còn tối nữa, nó bừng sáng. Bạn sẽ thích nó. Bạn có thể chạm vào nó - sự im lặng mượt như nhung, sự mênh mông, nhịp điệu của nó. Bạn sẽ có thể tận hưởng nói và bạn sẽ nói: “Mình thật ngốc khi từng sợ hãi một trải nghiệm đẹp đẽ như vậy!”.
Bất cứ khi nào nỗi sợ xuất hiện, đừng chạy trốn nó. Nếu không, nó sẽ trở thành vật cản và bản thể của bạn sẽ không thể phát triển theo chiều hướng đó. Trên thực tế, hãy đón nhận những gợi ý từ nỗi sợ. Chúng là những hướng mà bạn cần đi. Nỗi sợ chỉ đơn thuần là một thử thách. Nó gọi bạn: “Đến đây!”. Trong cuộc đời của bạn sẽ có nhiều không gian đáng sợ. Hãy chấp nhận thử thách và dấn thân vào những không gian đó. Đừng bao giờ trốn chạy và đừng bao giờ làm kẻ hèn nhát. Rồi đến một ngày, bạn sẽ tìm thấy kho báu ẩn đằng sau từng nỗi sợ. Đó là cách bạn phát triển đa chiều.
Và hãy nhớ rằng chỉ có vật sống mang lại cho bạn nỗi sợ. Những vật thể chết không khiến bạn sợ hãi bởi vì không có thách thức nào trong đó.
Thư giãn và quan sát
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy sợ hãi, hãy thư giãn. Hãy chấp nhận thực tế rằng nỗi sợ có ở đó, nhưng đừng làm gì cả. Hãy bỏ mặc nó; đừng chú ý đến nó.
Hãy quan sát cơ thể. Không nên có bất kỳ sự căng thẳng nào trong cơ thể. Nếu sự căng thẳng không tồn tại trong cơ thể, nỗi sợ sẽ tự động biến mất. Nỗi sợ tạo ra một trạng thái căng thẳng ở một mức độ nào đó trong cơ thể, để nó có thể cắm rễ trong đó. Nếu cơ thể thư giãn, nỗi sợ chắc chắn sẽ biến mất. Một người thư giãn không thể nào sợ hãi. Bạn không thể khiến một người thư giãn hoảng sợ. Ngay cả nếu nỗi sợ xuất hiện, nó sẽ đến như một con sóng và lướt qua; nó sẽ không cắm rễ.
Nỗi sợ đến và đi như những con sóng, và thật tốt đẹp khi bạn giữ mình không bị ảnh hưởng bởi nó. Khi nó bắt rễ và bắt đầu lớn lên trong bạn, nó sẽ phát triển, phát triển như một khối u. Khi đó, nó sẽ làm tê liệt hệ thống bên trong của bạn.
Vì vậy, bất cứ khi nào bạn cảm thấy sợ hãi, hãy lưu ý một điều, đó là cơ thể không nên căng thẳng. Hãy nằm xuống sàn và thư giãn - thư giãn là liều thuốc hóa giải nỗi sợ - và nó sẽ đến rồi đi. Bạn chỉ đơn giản là quan sát.
Quá trình quan sát nên trung lập. Hãy cứ chấp nhận rằng như vậy là ổn. Hôm nay trời nóng; bạn có thể làm gì? Cơ thể đang đổ mồ hôi; bạn phải trải qua chuyện đó. Trời sắp tối và một làn gió mát sẽ thổi qua. Vì nên bạn chỉ cần quan sát và thư giãn.
Một khi đã thông thạo chuyện này - bạn sẽ sớm thông thạo thôi - bạn sẽ thấy rằng nếu bạn thư giãn, nỗi sợ không thể nào đeo bám bạn.
Ngủ như chết
Vào ban đêm, trước khi đi ngủ, bạn hãy nằm xuống khoảng năm hoặc mười phút và bắt đầu cảm nhận rằng bạn đang chết - mỗi đêm. Trong vòng một tuần, bạn sẽ có thể nhập tâm vào cảm giác đó và thích thú với nó. Bạn sẽ ngạc nhiên khi bao nhiêu căng thẳng trong cơ thể sẽ biến mất. Hãy để toàn bộ cơ thể chết đi, hãy ngủ như chết, và vào sáng hôm sau, bạn sẽ cảm thấy thật tươi mới và tràn đầy năng lượng. Năng lượng sẽ tuôn chảy một cách hài hòa.
Chuyển hóa cơn giận
Hãy nhớ rằng chúng ta trút năng lượng vào cơn giận; chỉ khi đó nó mới có sức sống. Cơn giận không có năng lượng; nó phụ thuộc vào sự hợp tác của chúng ta. Khi chúng ta quan sát, sự hợp tác đó bị phá vỡ; bạn không còn ủng hộ cơn giận. Nó sẽ xuất hiện trong vài khoảnh khắc, vài phút, và sau đó nó sẽ biến mất. Nó không tìm thấy gốc rễ trong bạn, nó phát hiện bạn không hợp tác, nó thấy bạn đang ở rất xa, bạn là một người quan sát đứng trên đồi; khi đó, nó sẽ tan biến, nó sẽ biến mất. Và sự biến mất đó thật đẹp. Sự biến mất đó là một trải nghiệm tuyệt vời.
Nhìn thấy cơn giận biến mất, bạn sẽ cảm thấy vô cùng thanh thản. Đó là sự yên tĩnh sau cơn bão. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy nếu bạn có thể quan sát mỗi lần cơn giận xuất hiện, bạn sẽ bước vào trạng thái tĩnh lặng mà bạn chưa từng biết trước đây. Bạn sẽ rơi vào trạng thái thiền sâu… Khi cơn giận biến mất, bạn sẽ thấy mình thật tươi mới, thật trẻ trung, thật hồn nhiên chưa từng có. Khi đó, bạn sẽ biết ơn cơn giận; bạn sẽ không giận nó - bởi vì nó đã trao cho bạn một không gian sống mới đẹp đẽ, một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Bạn đã sử dụng nó như một bệ phóng, một hòn đá kê chân.
Đây là cách sử dụng thật sáng tạo những cảm xúc tiêu cực.
Hãy cứ tức giận
Khi cảm thấy tức giận, bạn không cần phải nổi giận với ai; hãy cứ tức giận. Hãy để nó là một trạng thái thiền. Hãy đóng cửa phòng, ngồi một mình và để cơn giận bùng phát hết mức có thể. Nếu bạn cảm thấy muốn đánh, hãy đánh vào gối…
Hãy làm bất cứ điều gì bạn muốn; cái gối sẽ không bao giờ phản đối. Nếu bạn muốn giết cái gối, hãy lấy một con dao và giết nó. Nó hữu ích, nó hữu ích vô cùng. Người ta không bao giờ hình dung được một chiếc gối có thể hữu ích như thế nào. Hãy đánh nó, cắn nó, ném nó. Nếu bạn ghét ai đó, hãy viết tên họ lên gối hoặc dán hình của họ lên đó.
Hãy biến cơn giận của bạn thành một hành động thiền trọn vẹn và xem chuyện gì xảy ra. Bạn sẽ cảm thấy nó phát ra từ toàn bộ cơ thể của mình. Nếu bạn cho phép nó xảy ra, mỗi tế bào trong cơ thể bạn sẽ đắm chìm đó. Mọi lỗ chân lông, mọi thớ thịt trên người bạn sẽ trở nên hung bạo. Toàn bộ cơ thể của bạn sẽ rơi vào trạng thái điên cuồng. Nó sẽ phát điên, nhưng hãy để nó phát điên và đừng kìm nó lại.
Bạn sẽ cảm thấy thật nực cười, thật ngu ngốc - nhưng cơn giận là nực cười; bạn không thể làm gì về chuyện đó. Vì vậy, hãy để nó xảy ra và tận hưởng nó như một hiện tượng năng lượng. Nó là một hiện tượng năng lượng. Nếu bạn không làm tổn thương ai, vậy thì hiện tượng đó không có gì sai. Khi thử cách này, bạn sẽ thấy mọi ý nghĩ làm tổn thương người khác sẽ dần dần biến mất. Bạn có thể biến hoạt động này thành một bài tập hàng ngày, chỉ hai mươi phút mỗi sáng.
Sau đó, hãy xem chuyện gì xảy ra trong ngày. Bạn sẽ bình tĩnh hơn, bởi vì năng lượng lẽ ra trở thành cơn giận đã bị tống ra ngoài; giờ đây, năng lượng vốn dĩ sẽ trở thành chất độc đã bị ném ra khỏi hệ thống. Hãy làm việc này trong ít nhất hai tuần, và sau một tuần, bạn sẽ ngạc nhiên phát hiện ra rằng dù hoàn cảnh có ra sao thì cơn giận cũng không xuất hiện.
Trút bỏ gánh nặng
Bạn hãy đi vào phòng, đóng cửa và nghĩ về trải nghiệm mà bạn có về cơn giận khi bạn nổi điên. Hãy nhớ lại và tái hiện nó. Việc này không khó đối với bạn. Hãy tái hiện nó thêm một lần rồi lại một lần nữa, hồi tưởng nó. Không chỉ nhớ lại nó mà còn sống lại nó. Hãy nhớ lại rằng ai đó đã xúc phạm bạn, những lời đã được nói ra và cách bạn phản ứng với người đó. Hãy tái hiện nó, chiếu lại nó.
Tâm trí của bạn là một thiết bị ghi âm, và sự kiện này được ghi lại theo trình tự như nó đã xảy ra, như thể nó được thu vào một cuốn băng ghi âm trong não của bạn. Bạn có thể có lại cùng một cảm nhận. Hai mắt của bạn đỏ lên, cơ thể bạn bắt đầu run rẩy và trở nên giống như bị sốt, toàn bộ sự việc sẽ được tái hiện. Vì vậy, không chỉ nhớ lại mà hãy sống lại trải nghiệm đó. Bắt đầu cảm nhận trải nghiệm đó một lần nữa, và tâm trí sẽ hiểu. Sự kiện đó sẽ quay trở lại với bạn và bạn sẽ sống lại nó. Nhưng khi sống lại trải nghiệm đó, đừng để bản thân bị xáo trộn.
Hãy bắt đầu từ quá khứ - việc này thật dễ dàng bởi vì lúc này nó là một vở kịch, tình huống thật sự không có ở đó. Và nếu làm được việc này, bạn sẽ có thể làm được việc tương tự khi cơn giận thật sự xuất hiện, khi một tình huống có thật xảy ra. Việc tái hiện điều gì đó trong quá khứ sẽ giúp ích bạn rất nhiều.
Mọi người đều mang những vết sẹo trong tâm trí; những vết thương chưa lành vẫn đang ở đó. Nếu tái hiện chúng, bạn sẽ không còn gánh nặng. Nếu có thể trở về quá khứ và hoàn thành việc gì đó còn dang dở, bạn sẽ trút được gánh nặng quá khứ của mình. Tâm trí của bạn sẽ trở nên tươi mới hơn; bụi bẩn sẽ được phủi sạch.
Việc còn dang dở đó cứ lơ lửng trong tâm trí bạn như một đám mây. Nó ảnh hưởng đến mọi thứ bạn đang có và mọi việc bạn đang làm. Đám mây đó phải được xua tan. Hãy quay ngược dòng thời gian và mang trở những mong muốn chưa được thực hiện, và sống lại những vết thương vẫn còn làm bạn đau đớn. Chúng sẽ được chữa lành. Bạn sẽ trở nên toàn vẹn hơn, và thông qua đó, bạn sẽ biết cách giữ bình tĩnh trong một tình huống nhiễu loạn.
Ghi nhận ba lần
Trong Phật giáo có một phương pháp đặc biệt được gọi là “ghi nhận ba lần”. Nếu một vấn đề nảy sinh - ví dụ, nếu ai đó bỗng cảm thấy ghen tị, hoặc tham lam, hoặc tức giận - họ phải ghi chú ba lần về vấn đề đó. Nếu cơn giận có ở đó, họ phải thầm nói ba lần: “Cơn giận… Cơn giận… Cơn giận”. Mục đích là ghi nhận sự xuất hiện của vấn đề để họ ý thức được nó, thế thôi. Sau đó, họ tiếp tục với những gì đang làm. Họ không làm gì với cơn giận mà chỉ đơn giản ghi nhận nó ba lần.
Chuyện này cực kỳ đẹp. Ngay lập tức, bạn nhận thức được sự xáo trộn, bạn ghi nhận nó và nó biến mất. Nó không thể nắm giữ bạn bởi vì chuyện đó chỉ có thể xảy ra khi bạn không có ý thức. Việc ghi nhận ba lần này khiến cho bạn nhận thức sâu sắc đến mức bạn tách khỏi cơn giận. Bạn có thể xem nó như một vật thể, bởi vì nó ở đó và bạn ở đây. Và Đức Phật dạy các đồ đệ của mình áp dụng cách này với mọi thứ.
Chạy như một đứa trẻ
Bạn hãy bắt đầu chạy bộ vào buổi sáng. Hãy bắt đầu với nửa cây số, sau đó là một cây số và cuối cùng là ít nhất ba cây số. Trong khi chạy, hãy sử dụng toàn bộ cơ thể. Đừng chạy như thể đang bị trói tay trói chân. Chạy như một đứa trẻ, sử dụng toàn bộ cơ thể - tay và chân - và chạy. Hãy hít thở sâu từ bụng. Sau đó, hãy ngồi dưới một tán cây, nghỉ ngơi, đổ mồ hôi và tận hưởng làn gió thổi qua; hãy cảm nhận sự bình yên. Cách này vô cùng hữu ích.
Các cơ phải được thư giãn. Nếu thích bơi lội, bạn cũng có thể đi bơi. Cách đó sẽ có ích. Nhưng việc đó cũng phải được thực hiện một cách trọn vẹn nhất có thể. Bất cứ thứ gì mà bạn có thể tham gia một cách trọn vẹn đều sẽ hữu ích. Đó không phải là chuyện về cơn giận hay bất kỳ cảm xúc nào khác. Đó là chuyện toàn tâm toàn ý tham gia vào bất kỳ việc gì; khi đó, bạn cũng có thể dấn thân vào cơn giận và tình yêu. Người biết cách tham gia vào bất cứ việc gì một cách trọn vẹn sẽ có thể tham gia vào mọi việc một cách trọn vẹn, bất kể nó là gì.
Và thật khó để trực tiếp ứng phó với cơn giận, bởi vì nó có thể bị đè nén rất sâu. Vì vậy, hãy ứng phó gián tiếp. Chạy bộ sẽ giúp cơn giận và nỗi sợ tan biến đi nhiều. Khi bạn chạy trong một thời gian dài và hít thở sâu, tâm trí sẽ ngừng hoạt động và cơ thể nắm quyền. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi bạn ngồi dưới bóng cây, đổ mồ hôi, tận hưởng làn gió mát, không có ý nghĩ nào. Bạn chỉ đơn giản là một cơ thể rộn ràng, một cơ thể sống động, một sinh vật hòa nhịp với toàn thể, giống như một con vật.
Trong vòng ba tuần, bạn sẽ cảm nhận mọi sự thật sâu sắc. Một khi cơn giận được giải phóng, biến mất, bạn sẽ cảm thấy tự do.
Hãy nhớ bạn chính là ngọn nguồn
Ai đó đã xúc phạm bạn - cơn giận bùng phát đột ngột, bạn đang kích động. Cơn giận đang hướng về phía người đã xúc phạm bạn. Điều đó nghĩa là bây giờ, bạn sẽ phóng chiếu toàn bộ cơn giận này lên người khác. Anh ta chẳng làm gì cả. Nếu xúc phạm bạn, vậy thì anh ta đã làm gì? Anh ta chỉ châm chọc bạn, anh ta đã giúp cơn giận của bạn nổi lên - nhưng cơn giận là của bạn.
Người khác không phải là ngọn nguồn; ngọn nguồn luôn ở trong bạn. Người khác đang chọc vào nguồn cơn giận, nhưng nếu cơn giận không có bên trong bạn, nó không thể phát ra ngoài. Nếu bạn đánh một vị Phật, chỉ có lòng trắc ẩn phát ra bởi vì trong người đó chỉ có lòng trắc ẩn. Cơn giận sẽ không phát ra bởi vì trong đó không có cơn giận. Nếu bạn ném cái xô xuống một cái giếng cạn, không có gì chảy ra. Nếu bạn ném cái xô xuống một cái giếng đầy nước, nước sẽ tràn ra, nhưng nước đó đến từ giếng. Cái xô chỉ giúp cho nước tràn ra. Vì vậy, người xúc phạm bạn chỉ đang ném một cái xô vào trong bạn, sau đó, cái xô sẽ được kéo ra và chứa đầy cơn giận, sự căm ghét hoặc ngọn lửa bên trong bạn. Hãy nhớ bạn chính là nguồn.
Đối với phương pháp này, hãy nhớ rằng bạn là ngọn nguồn của mọi thứ mà bạn đang phóng chiếu lên người khác. Và bất cứ khi nào có tâm trạng chống đối hay ủng hộ, hãy lập tức di chuyển vào bên trong và tìm đến nguồn phát sinh tâm trạng đó. Hãy tập trung ở đó; đừng chuyển đến đối tượng của tâm trạng đó. Ai đó đã cho bạn cơ hội nhận thức cơn giận của mình; hãy cảm ơn anh ta ngay lập tức và quên anh ta đi. Hãy nhắm mắt lại, di chuyển vào bên trong, và bây giờ, hãy nhìn vào nguồn khởi phát tình yêu hoặc cơn giận đó. Từ đâu? Hãy đi vào bên trong, di chuyển bên trong. Bạn sẽ tìm thấy nguồn ở đó, bởi vì cơn giận đến từ nguồn của bạn.
Yêu, ghét hay bất cứ điều gì khác đều xuất phát từ bạn. Và thật dễ dàng tìm đến nguồn đó vào lúc bạn đang tức giận, đang yêu hoặc đang ghét, bởi vì khi đó, bạn đang nóng. Khi đó, bạn rất dễ tiếp cận nó. Đường dẫn đang nóng và bạn có thể tiếp nhận nó, bạn có thể di chuyển vào bên trong cùng với sức nóng đó. Và khi chạm đến điểm mát bên trong, bạn bỗng nhận ra một chiều kích khác, một thế giới khác đang mở ra trước mắt bạn. Hãy sử dụng cơn giận, sự căm ghét, tình yêu để hướng vào bên trong.
Một trong những thiền sư vĩ đại nhất, Lin Chi, từng nói: “Khi còn trẻ, tôi rất mê chèo thuyền. Tôi có một chiếc thuyền nhỏ và thường một mình chèo nó ra hồ. Tôi sẽ ở đó hàng giờ liền. Có lần tôi đã nhắm mắt ngồi thiền trên thuyền vào một đêm đẹp trời. Sau đó, có một chiếc thuyền trôi xuôi dòng và đâm vào thuyền của tôi. Tôi vẫn đang nhắm mắt, thế nên tôi nghĩ: ‘Ai đó đang chèo chiếc thuyền đâm sầm vào thuyền của mình’. Tôi nổi giận. Tôi mở mắt ra, và khi vừa định nói mấy lời tức giận với người chèo chiếc thuyền kia thì tôi nhận ra chiếc thuyền đó trống không! Cơn giận của tôi không thể dịch chuyển được. Tôi có thể bộc lộ nó với ai chứ? Chiếc thuyền kia trống không; nó chỉ tự trôi xuôi dòng và đâm vào thuyền của tôi. Vì vậy, tôi không thể làm gì. Tôi không thể phóng chiếu cơn giận lên một chiếc thuyền không người chèo”.
Lin Chi kể tiếp: “Tôi nhắm mắt lại. Cơn giận ở đó nhưng nó không tìm thấy lối ra. Tôi nhắm mắt và kéo cơn giận của mình lùi xuống. Và chiếc thuyền không người chèo đó đã trở thành khoảnh khắc giác ngộ của tôi. Tôi đã chạm đến một điểm bên trong mình trong đêm tĩnh lặng đó. Chiếc thuyền không người chèo đó là thầy của tôi. Và bây giờ, nếu ai đó xúc phạm tôi, tôi sẽ cười và nói: ‘Chiếc thuyền này cũng không có người chèo’. Sau đó, tôi sẽ nhắm mắt lại và đi vào bên trong”.
Chuyển hóa nỗi buồn và trầm cảm
LƯU Ý CỦA BAN BIÊN TẬP: Như Osho đã nói, phần lớn nỗi buồn và chứng trầm cảm của chúng ta đều có liên quan đến cơn giận bị kìm nén, và chúng sẽ được hóa giải một cách tự nhiên khi bạn thực hành các phương pháp được đề cập ở phần trước. Dưới đây là một số phương pháp khác mà bạn có thể thử:
Tìm nụ cười bên trong
Khi bạn vui, hãy bắt đầu làm một việc: bất cứ khi nào bạn có thời gian rảnh, hãy thả lỏng hàm dưới của bạn và hơi hé miệng. Hãy bắt đầu hít thở bằng miệng nhưng không thật sâu. Hãy để cơ thể của bạn hít thở như vậy để nó ngày càng nông. Và khi bạn cảm thấy hơi thở trở nên rất nông, miệng của bạn mở ra và hàm của bạn được thả lỏng, toàn thân của bạn sẽ cảm thấy rất thư giãn.
Trong khoảnh khắc đó, hãy bắt đầu cảm nhận một nụ cười, không phải trên khuôn mặt mà trong khắp nội tâm của bạn - và bạn sẽ làm được. Nó không phải là nụ cười đến từ đôi môi, mà là nụ cười hiện hữu đang lan tỏa bên trong.
Hãy thử thực hành phương pháp này trong tối nay và bạn sẽ biết nó là gì, bởi nó không thể giải thích được. Bạn không cần cười bằng đôi môi, mà như thể bạn đang mỉm cười từ bụng của mình; bụng của bạn đang mỉm cười. Và nó là một cái cười mỉm, không phải nụ cười lộ răng, vì vậy, nó rất nhẹ nhàng, tinh tế, mong manh - giống như một đóa hoa nở ra trong bụng và lan tỏa hương thơm khắp cơ thể.
Một khi đã biết nụ cười này là gì, bạn có thể hạnh phúc trong suốt hai mươi bốn giờ. Và bất cứ khi nào cảm thấy mình nhớ niềm vui đó, bạn chỉ cần nhắm mắt lại và nắm bắt nụ cười đó một lần nữa, và nó sẽ xuất hiện. Và vào ban ngày, bạn có thể nắm bắt nụ cười đó bao nhiêu lần tùy thích. Nó luôn ở đó.
Quyết định mối ưu tiên
Có một nhà thần bí Sufi lúc nào cũng vui vẻ - chưa ai từng nhìn thấy ông ấy không vui - ông ấy luôn cười, ông ấy là tiếng cười, toàn thể sự hiện hữu của ông ấy là hương thơm của sự mừng vui.
Về già, khi ông ấy đang hấp hối - vẫn cười vui vẻ trên giường bệnh - một đồ đệ hỏi: “Chúng con không hiểu được. Thầy vẫn đang cười; làm thế nào mà thầy làm được như vậy?”.
Nhà thần bí đáp: “Đơn giản thôi. Ta đã hỏi thầy của mình. Ta đến gặp sư phụ khi còn trẻ; khi đó ta mới mười bảy tuổi và đã đầy vẻ đau khổ, còn sư phụ đã bảy mươi tuổi và đang ngồi dưới gốc cây cười vui vẻ không vì lý do gì cả. Không có ai khác ở đó, không có gì xảy ra, không ai pha trò hay làm gì, và ông ấy chỉ ngồi ôm bụng cười. Ta bèn hỏi ông ấy: ‘Có chuyện gì với thầy vậy? Thầy bị loạn trí rồi hay sao?’.
Sư phụ đáp: ‘Một ngày nọ, ta cũng buồn như con, nhưng rồi ta chợt nhận ra đó là sự lựa chọn của ta, đó là cuộc đời của ta. Kể từ ngày đó, mỗi sáng khi thức dậy, điều đầu tiên ta quyết định là… trước khi mở mắt ra, ta tự hỏi: ‘Adhullah’ - đó là tên của sư phụ - ‘ngươi muốn gì? Đau khổ ư? Hạnh phúc ư? Ngươi sẽ chọn gì hôm nay?’. Và ta luôn chọn hạnh phúc’”.
Cười/Chạm đất/Nhảy múa
Hãy chỉ ngồi im lặng, tạo ra tiếng cười khúc khích ngay chính trong sự hiện hữu của bạn, như thể toàn thân bạn đang cười khúc khích. Hãy bắt đầu lắc lư theo tiếng cười đó; để nó lan tỏa từ bụng đến toàn thân - hai tay đang cười, hai chân đang cười. Hãy tự do thả mình theo tiếng cười. Hãy cứ cười như vậy trong hai mươi phút. Nếu nó trở nên ồn ào, ầm ĩ, hãy để nó diễn ra như vậy. Nếu nó đến trong im lặng, vậy thì đôi khi nó im lặng, đôi khi nó ầm ĩ, hãy cứ dành hai mươi phút cho nó. Sau đó, hãy nằm xuống mặt đất hoặc mặt sàn; dang rộng người trên sàn, úp mặt xuống sàn. Nếu trời ấm áp và bạn có thể thực hiện trong vườn, có thể tiếp xúc với mặt đất thì sẽ hiệu quả hơn nhiều. Nếu bạn có thể trần truồng thì càng hiệu quả hơn. Hãy tiếp xúc với mặt đất, toàn thân nằm trên mặt đất, và hãy cảm nhận đất là mẹ và bạn là con. Hãy chìm trong cảm giác đó.
Hãy cười trong hai mươi phút, sau đó là hai mươi phút tiếp xúc gần gũi với mặt đất. Hãy hít thở với mặt đất, cảm nhận mình hòa vào mặt đất. Chúng ta đến từ đất và một ngày nào đó sẽ trở về với đất. Sau những lần hai mươi phút tiếp nhận năng lượng đó, hãy nhảy múa trong hai mươi phút - bởi vì đất sẽ trao cho bạn nhiều năng lượng đến mức điệu nhảy của bạn sẽ khác. Điệu nhảy nào cũng được, hãy cứ bật nhạc lên và nhảy.
Nếu có khó khăn, nếu trời lạnh hoặc nếu không có không gian riêng ngoài trời, bạn có thể thực hiện bài tập này trong phòng của mình. Nếu có thể, hãy thực hiện ngoài trời. Nếu trời lạnh, hãy đắp chăn lên người. Hãy tìm cách này hay cách khác, nhưng hãy tiếp tục thực hiện, và trong vòng sáu tới tám tháng, bạn sẽ thấy những thay đổi lớn đang tự diễn ra.
Hãy tiêu cực nhất có thể
Bạn hãy trở nên tiêu cực trong bốn mươi phút - tiêu cực nhất có thể. Hãy đóng cửa, đặt gối quanh phòng, tắt điện thoại và cho mọi người biết bạn không muốn bị làm phiền trong một giờ đồng hồ. Hãy dán thông báo trước cửa rằng trong vòng một giờ, bạn muốn được một mình hoàn toàn. Hãy để đèn càng mờ càng tốt. Sau đó, hãy bật một bản nhạc u sầu nào đó và cảm nhận cái chết. Hãy ngồi đó cảm nhận sự tiêu cực. Hãy nói “không” như một câu thần chú.
Hãy tưởng tượng những hình ảnh của quá khứ - khi bạn rất buồn chán, không sức sống và bạn muốn tự sát vì không có chút niềm vui sống nào - và phóng đại chúng lên. Hãy tạo ra xung quanh bạn bầu không khí của cái chết. Tâm trí của bạn sẽ khiến bạn xao nhãng. Nó sẽ nói: “Ngươi đang làm gì vậy? Đêm thật đẹp và trăng thật tròn kia kìa!”. Đừng lắng nghe tâm trí. Hãy nói với nó rằng nó có thể quay lại sau, nhưng vào lúc này, bạn đang dành toàn bộ thời gian của mình cho sự tiêu cực. Khóc, la, hét, chửi thề - hãy làm bất cứ điều gì bạn cảm thấy thích, nhưng hãy nhớ một điều: đừng hạnh phúc. Đừng đón nhận bất kỳ niềm hạnh phúc nào. Nếu bắt gặp bản thân đang nghĩ đến niềm vui và hạnh phúc, hãy tự tát mình cho tỉnh! Hãy mang bản thân trở lại với sự tiêu cực và bắt đầu đấm vào những chiếc gối, chiến đấu với chúng, nhảy lên chúng. Hãy tỏ ra khó chịu! Và bạn sẽ phát hiện thật khó có thể tiêu cực trong bốn mươi phút này.
Đây là một trong những quy luật cơ bản của tâm trí: bất cứ chuyện tiêu cực nào mà bạn đang cố gắng thực hiện một cách có ý thức, bạn đều không làm được. Nhưng hãy thực hiện nó - và khi thực hiện nó một cách có ý thức, bạn sẽ cảm thấy một sự tách bạch. Bạn đang thực hiện nó nhưng bạn vẫn là người chứng kiến; bạn không bị lạc trong sự tiêu cực đó. Có một khoảng cách nảy sinh, và khoảng cách đó vô cùng đẹp đẽ.
Sau bốn mươi phút, bạn hãy lập tức thoát ra khỏi trạng thái tiêu cực. Hãy ném gối đi, bật đèn lên, bật một bản nhạc hay và nhảy múa trong hai mươi phút. Hãy chỉ nói “Đồng ý! Đồng ý! Đồng ý!” và biến nó thành câu thần chú của bạn. Và sau đó, hãy tắm rửa sạch sẽ. Nó sẽ loại bỏ tất cả sự tiêu cực và trao cho bạn một cái nhìn mới về việc nói lời tích cực.
Chuyển sang cực đối lập
Nếu bạn có thói quen tức giận, hãy làm điều gì đó ngược lại để phá vỡ thói quen đó. Không chỉ có vậy - khi bạn phá vỡ một thói quen, năng lượng sẽ được giải phóng. Nếu bạn không sử dụng năng lượng đó, thói quen đó sẽ được hình thành lại trong tâm trí; vì nếu không, năng lượng đó sẽ đi đâu? Vì vậy, hãy luôn chuyển năng lượng đó đến cực đối lập.
Nếu bạn buồn, hãy cố gắng trở nên vui vẻ. Việc này thật khó, bởi vì con đường cũ là con đường ít có sự kháng cự nhất - nó dễ dàng hơn - và để hạnh phúc, bạn sẽ phải nỗ lực. Bạn sẽ phải có ý thức đấu tranh với những thói quen máy móc đã hết thời của tâm trí. Vì vậy, bạn sẽ phải điều chỉnh lại nó. Bạn tạo ra một thói quen mới, đó là thói quen vui vẻ.
Nếu thói quen mới - thói quen hạnh phúc - không được hình thành thì thói quen cũ nhất định sẽ quay lại, bởi vì năng lượng cần được giải phóng. Bạn không thể chỉ dừng lại ở đó và không có bất kỳ lối giải phóng năng lượng nào. Bạn sẽ chết, bạn sẽ chết ngạt. Nếu năng lượng của bạn không trở thành tình yêu, nó sẽ trở nên chua chát, cay đắng, tức giận, buồn bã. Buồn bã không phải là vấn đề; cơn giận hay bất hạnh cũng không phải là vấn đề. Vấn đề là làm thế nào để không đi vào vết xe đổ.
Vì vậy, hãy sống có ý thức hơn một chút. Và khi bạn thấy bản thân trở về với thói quen cũ, hãy lập tức làm điều ngược lại; đừng chờ đợi dù chỉ một khoảnh khắc. Một khi bạn nắm được cách thực hiện thì việc này rất dễ dàng. Bạn đã sẵn sàng rồi… chỉ cần làm gì đó thôi!
Bạn có thể làm gì cũng được. Đi dạo một quãng đường dài, bắt đầu nhảy múa. Nếu để điệu nhảy đó hơi buồn một chút vào lúc đầu thì sao? Nó phải như vậy: bạn đang buồn, làm sao bạn đột nhiên vui lên được? Hãy bắt đầu nhảy múa trong nỗi buồn và điệu nhảy đó sẽ chuyển hướng nỗi buồn. Bạn đã mang một thứ gì đó mới mẻ vào nỗi buồn, thứ chưa từng có ở đó. Trước đây, bạn chưa từng nhảy múa khi bạn không vui, vì vậy, bạn sẽ khiến tâm trí bối rối. Tâm trí sẽ cảm thấy bị yếu thế - nó phải làm gì? - bởi vì tâm trí chỉ có thể hoạt động với cái cũ. Cứ đưa bất cứ thứ gì mới mẻ vào và tâm trí sẽ bất lực…
Mọi người đều dần dần trở thành chuyên gia - chuyên gia về nỗi buồn, chuyên gia về hạnh phúc, chuyên gia về cơn giận. Khi đó, bạn sẽ sợ đánh mất năng lực chuyên môn của mình, bởi vì bạn đã sử dụng năng lực đó quá thành thạo.
Khi bạn cảm thấy buồn - hãy nhảy, hoặc đứng dưới vòi sen và xem nỗi buồn biến mất cùng với độ ấm của cơ thể. Hãy cảm nhận điều đó với dòng nước đang chảy trên người bạn, nỗi buồn đang được loại bỏ như mồ hôi và bụi bẩn được loại ra khỏi cơ thể. Và hãy xem chuyện gì xảy ra.
Chuyển hóa sự ghen tuông
Nếu bạn mắc chứng ghen tuông, hãy quan sát nó nảy sinh trong bạn như thế nào - cách nó nắm bắt bạn, cách nó vây quanh bạn, khiến bạn hồ đồ, thao túng bạn. Hãy xem cách nó lôi kéo bạn đi vào những con đường mà bạn chưa bao giờ muốn đi, cách nó tạo ra sự thất vọng ê chề trong bạn, cách nó phá hủy năng lượng của bạn, làm tiêu hao năng lượng của bạn và để bạn rơi vào trạng thái chán nản, thất vọng cùng cực. Hãy quan sát toàn bộ.
Bạn chỉ cần nhìn thấy thực tính của nó - không lên án, không cảm kích, không phán xét, không phản đối hay ủng hộ. Chỉ quan sát, giữ khoảng cách, như thể bạn không liên quan đến nó. Hãy quan sát một cách thật khoa học.
Một trong những đóng góp khoa học quan trọng nhất trên thế giới là phương pháp quan sát không phán xét. Khi một nhà khoa học thử nghiệm, ông ấy chỉ đơn giản thử nghiệm mà không phán xét, không đưa ra bất kỳ kết luận nào. Nếu đã có sẵn kết luận trong đầu, ông ấy không phải là nhà khoa học; kết luận của ông ấy sẽ ảnh hưởng đến cuộc thử nghiệm.
Hãy là một nhà khoa học trong thế giới nội tâm của bạn. Hãy để tâm trí của bạn là phòng thí nghiệm, và hãy quan sát - nhớ là không lên án. Đừng nói “Ghen tuông là xấu”. Ai mà biết được? Đừng nói “Giận dữ là xấu”. Ai mà biết được? Đúng là bạn đã nghe, bạn đã được dạy bảo, nhưng đó là những gì người khác nói; đó không phải là trải nghiệm của bạn. Bạn phải kết luận dựa trên chính sự tồn tại của bạn, dựa trên kinh nghiệm của bạn - trừ khi kinh nghiệm của bạn chứng minh điều đó, nếu không, bạn không được nói có hoặc không với bất cứ điều gì. Bạn phải tuyệt đối không phán xét. Và khi đó, việc quan sát trạng thái ghen tuông sẽ là một điều kỳ diệu.
Bạn chỉ đơn giản quan sát mà không có bất kỳ quyết định nào, chỉ để xem chính xác nó là gì. Sự ghen tuông này là gì? Năng lượng được gọi là ghen tuông này là gì? Và hãy quan sát nó như ngắm một đóa hồng: xem xét tỉ mỉ. Khi không có kết luận nào, đôi mắt bạn sáng rõ. Sự sáng rõ đó chỉ có ở những người không có kết luận. Quan sát, nhìn vào trong nó và nó sẽ trở nên minh bạch, và bạn sẽ nhận ra rằng chuyện ghen tuông này thật ngu ngốc. Và nó biết đến sự ngu ngốc này của mình, nó sẽ tự rời đi. Bạn không cần phải rời bỏ nó.
Quan sát tình dục
Hãy hòa mình vào trong tình dục - việc đó không có gì sai, nhưng hãy tiếp tục làm người quan sát. Hãy quan sát mọi chuyển động của cơ thể; quan sát năng lượng ra vào, quan sát năng lượng giảm xuống như thế nào; quan sát cơn khoái lạc, chuyện gì đang diễn ra - hai cơ thể chuyển động theo nhịp ra sao. Hãy quan sát nhịp đập trái tim; nó ngày càng nhanh và có lúc nó gần như phát điên. Hãy quan sát hơi ấm của cơ thể; máu lưu thông nhanh hơn. Hãy quan sát nhịp thở; nó đang trở nên hỗn loạn. Hãy quan sát khoảnh khắc sự tự chủ của bạn chạm tới ngưỡng giới hạn và mọi thứ trở nên không tự chủ. Hãy quan sát khoảnh khắc mà ngay lúc đó bạn còn có thể quay lại nhưng nếu vượt qua thì sẽ không có đường về. Cơ thể trở nên tự động đến mức mọi quyền kiểm soát đều không còn. Chỉ một khoảnh khắc trước khi lên tới đỉnh, bạn mất toàn bộ kiểm soát và cơ thể lên nắm quyền.
Hãy quan sát các quá trình tự chủ và các quá trình không tự chủ. Khi bạn còn nắm quyền kiểm soát và lẽ ra nên quay lại, việc quay lại có thể xảy ra, còn khoảnh khắc bạn không thể quay trở lại, việc quay lại đó không thể xảy ra; lúc này, cơ thể đã nắm quyền hoàn toàn, bạn không còn kiểm soát được nữa. Hãy quan sát mọi thứ - và hàng triệu thứ có ở đó. Mọi thứ rất phức tạp và không có gì phức tạp như tình dục, bởi vì toàn bộ cơ thể - tâm trí đều tham gia; chỉ có người chứng kiến là không tham gia, chỉ có một thứ vẫn luôn ở bên ngoài.
Người chứng kiến là người ngoài. Do bản chất của mình, người chứng kiến không thể trở thành người trong cuộc. Hãy tìm ra người chứng kiến này và sau đó, bạn đứng trên đỉnh đồi, còn mọi thứ diễn ra dưới thung lũng và bạn không quan tâm. Bạn chỉ đơn giản nhìn thấy; mối quan tâm của bạn là gì? Cứ như thể chuyện này đang diễn ra với người khác.
Từ ham muốn đến tình yêu
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy ham muốn tình dục xuất hiện, có ba khả năng sẽ xảy ra. Một là bạn đắm chìm vào ham muốn đó; việc này là bình thường, mọi người đều đang làm vậy. Hai là bạn kìm nén nó, ép nó xuống để nó ra khỏi ý thức của bạn và đi vào bóng tối của vô thức, ném nó xuống tầng hầm của cuộc đời bạn. Đó là việc mà những người được gọi là phi thường đang làm - các mahatma, các vị thánh, nhà sư. Nhưng cả hai đều đi ngược lại với tự nhiên và cả hai đều chống lại quá trình chuyển hóa bên trong.
Thứ ba, khi ham muốn tình dục xuất hiện, bạn nhắm mắt lại - chưa có mấy ai từng thử cách này. Đó là một khoảnh khắc rất quý giá: ham muốn nảy sinh là năng lượng nảy sinh. Nó giống như mặt trời mọc vào buổi sáng. Hãy nhắm mắt lại; đây là lúc để thiền định. Hãy chuyển sự chú ý xuống trung tâm tình dục, nơi bạn đang cảm nhận cơn phấn khích, sự rung động, sự sung sướng. Hãy di chuyển đến đó và chỉ làm người quan sát thầm lặng. Hãy chứng kiến nó chứ đừng lên án nó. Khoảnh khắc bạn lên án nó, bạn đã rời khỏi nó. Và đừng tận hưởng nó, bởi vì khoảnh khắc bạn tận hưởng nó, bạn vô thức. Hãy chỉ tỉnh thức, giống như ngọn đèn cháy sáng trong đêm tối. Bạn chỉ cần mang ý thức đến đó, không dao động. Bạn nhìn thấy những gì đang xảy ra ở trung tâm tình dục. Năng lượng này là gì?
Đừng gọi nó bằng bất kỳ cái tên nào, bởi vì mọi từ ngữ đều bị ô uế. Ngay cả khi gọi nó là “tình dục”, bạn đã bắt đầu lên án nó. Từ này đã là một sự lên án. Hoặc, nếu bạn thuộc về một thế hệ khác, từ “tình dục” đã trở thành một thứ gì đó thiêng liêng. Nhưng từ này luôn chứa đựng cảm xúc. Bất cứ từ nào chứa đựng cảm xúc đều trở thành rào cản trên con đường tỉnh thức.
Đừng gọi nó là gì cả, hãy chỉ quan sát một thực tế là có một năng lượng đang nảy sinh gần trung tâm tình dục. Có sự phấn khích ở đó - hãy quan sát nó. Và khi quan sát nó, bạn sẽ cảm nhận một nguồn năng lượng hoàn toàn mới. Khi quan sát nó, bạn sẽ nhìn thấy nó đang bắt đầu đi lên; nó đang tìm đường đi vào bên trong bạn. Và khoảnh khắc nó bắt đầu di chuyển lên trên, bạn sẽ cảm nhận sự tươi mát đang trút xuống người bạn, sự im lặng vây quanh bạn, sự duyên dáng, phúc lành, ân sủng, hạnh phúc đang bao quanh bạn. Nó không còn là gai nhọn khiến bạn đau đớn. Nó không còn gây đau đớn nữa; nó rất dễ chịu, như một niềm an ủi. Và bạn càng nhận thức nó, nó càng lên cao. Nếu nó có thể đi đến trái tim, một việc không quá khó - khó nhưng không quá khó - nếu bạn vẫn tỉnh táo, bạn sẽ nhìn thấy nó chạm đến trái tim, và khi nó chạm đến trái tim, bạn sẽ lần đầu tiên biết được tình yêu là gì.
Cảm nhận nỗi đau của bạn
Nếu ai đó làm bạn tổn thương, hãy biết ơn vì người đó đã trao cho bạn cơ hội cảm nhận một vết thương sâu. Người đó đã mở ra một vết thương trong bạn. Vết thương đó có thể được tạo ra bởi nhiều tổn thương mà bạn đã chịu đựng trong suốt cuộc đời mình. Người đó có thể không phải là nguyên nhân gây ra toàn bộ sự đau khổ này, nhưng anh ta hoặc cô ta đã kích hoạt một quá trình. Bạn hãy đóng cửa phòng lại, ngồi im lặng, không tức giận người kia mà hoàn toàn nhận thức được cảm giác đang nảy sinh trong bạn, đó là cảm giác đau đớn vì bạn đã bị chối bỏ, vì bạn đã bị xúc phạm. Và khi đó, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy không chỉ có người này có mặt ở đó: toàn bộ những người từng làm bạn tổn thương sẽ bắt đầu xuất hiện trong ký ức của bạn.
Bạn sẽ bắt đầu không chỉ nhớ đến chúng mà còn sống lại chúng. Bạn sẽ tiến vào một kiểu trạng thái ban sơ. Hãy cảm nhận sự tổn thương, cảm nhận nỗi đau, đừng lảng tránh nó. Đó là lý do tại sao nhiều nhà trị liệu yêu cầu bệnh nhân đừng uống bất kỳ loại thuốc nào trước mỗi đợt trị liệu, đơn giản là vì thuốc là một cách giúp bạn thoát khỏi nỗi đau bên trong.
Bất kể nỗi đau đó là gì và bạn phải chịu đựng nỗi khổ nào, hãy cứ để nó như vậy. Đầu tiên, hãy trải nghiệm nó trọn vẹn. Việc này sẽ khó khăn, nó sẽ khiến bạn đau lòng. Bạn có thể bắt đầu khóc như một đứa trẻ, bạn có thể bắt đầu lăn lộn đau đớn trên sàn nhà, cơ thể của bạn có thể trải qua những cơn co thắt. Bạn có thể bỗng nhận ra nỗi đau đó không chỉ ở trong tim mà đã lan khắp cơ thể - bạn đau khắp người, đau đớn khắp nơi, toàn thân bạn không có gì khác ngoài nỗi đau.
Nếu bạn có thể trải nghiệm nỗi đau đó - điều này vô cùng quan trọng - hãy bắt đầu hấp thụ nó. Đừng ném nó đi. Nó là một nguồn năng lượng quý giá, đừng ném nó đi.
Hãy hấp thụ nó, uống nó, chấp nhận nó, chào đón nó, cảm thấy biết ơn nó. Và hãy tự nhủ: “Lần này, mình sẽ không né tránh nó, lần này mình sẽ không chối bỏ nó, lần này mình sẽ không ném nó đi. Lần này mình sẽ uống nó và chào đón nó như một vị khách. Lần này mình sẽ tiêu hóa nó”.
Có thể mất vài ngày bạn mới tiêu hóa được nó, nhưng vào ngày việc đó xảy ra, bạn đã chạm vào cánh cửa dẫn tới một nơi thật sự rất xa. Một hành trình mới đã bắt đầu trong cuộc đời bạn, bạn đang chuyển sang một kiểu hiện hữu mới - bởi vì ngay lập tức, khoảnh khắc bạn chấp nhận nỗi đau mà không chối bỏ, năng lượng của nó và phẩm chất của nó sẽ thay đổi. Nó không còn là nỗi đau. Trên thực tế, bạn chỉ ngạc nhiên; bạn không thể tin được, chuyện này thật đáng kinh ngạc. Bạn không thể tin rằng đau khổ có thể biến thành cực lạc, rằng nỗi đau có thể trở thành niềm vui.
Giải phóng ký ức bị áp đặt
Nỗi buồn chẳng qua chỉ là nguồn năng lượng lẽ ra có thể trở thành niềm vui. Khi không thấy hạnh phúc của mình nở rộ, bạn trở nên buồn bã. Bất cứ khi nào nhìn thấy ai đó hạnh phúc, bạn trở nên buồn bã; tại sao hạnh phúc không xảy ra với bạn? Nó có thể xảy ra với bạn! Không có vấn đề gì trong đó. Bạn chỉ cần tháo gỡ quá khứ của mình ra khỏi những áp đặt. Bạn sẽ phải đi chệch lộ trình một chút để làm được việc đó, vì vậy, hãy nỗ lực một chút để cởi mở hơn.
Hãy thực hiện một bài thiền vào ban đêm. Hãy trải nghiệm cảm giác mình không phải là một con người. Bạn có thể lựa chọn bất kỳ con vật nào tùy thích. Nếu bạn thích mèo, hãy chọn mèo. Nếu bạn thích chó, tốt thôi, hãy chọn chó… hoặc chọn một con hổ - đực hay cái tùy thích. Bạn chỉ cần chọn, nhưng sau đó hãy cam kết với lựa chọn đó. Hãy trở thành con vật mà bạn chọn. Đi lại bằng bốn chân trong phòng và trở thành con vật đó. Trong mười lăm phút, hãy tận hưởng chuyện hoang đường đó nhiều nhất có thể. Hãy sủa nếu bạn chọn trở thành con chó và làm những việc mà một chú chó thường làm - và thật sự làm những việc đó! Hãy tận hưởng quá trình đó. Và đừng kiểm soát, bởi vì một con chó không thể kiểm soát. Làm một con chó đồng nghĩa với tự do tuyệt đối, vì vậy, bất cứ chuyện gì xảy ra trong khoảnh khắc đó, hãy thực hiện nó. Trong khoảng thời gian đó, đừng đưa yếu tố kiểm soát của con người vào. Hãy thật sự kiên trì làm một chú chó. Trong mười lăm phút đó, hãy đi lang thang khắp phòng… hãy sủa, hãy nhảy.
Hãy tiếp tục hoạt động này trong bảy ngày. Nó sẽ có ích. Bạn cần có thêm một chút năng lượng động vật. Bạn quá tinh vi, quá văn minh, và điều đó đang làm tê liệt bạn. “Quá văn minh” chính là thứ gây tê liệt. Văn minh với liều lượng nhỏ là tốt, nhưng quá nhiều sẽ nguy hiểm. Một người nên duy trì khả năng làm một con vật. Nếu bạn có thể học cách trở nên hoang dại một chút, các vấn đề của bạn sẽ bắt đầu biến mất.
Vì vậy, bạn chỉ cần làm một việc trong vài ngày: bất cứ khi nào cảm thấy mình đang đau khổ, hãy từ từ thực hiện việc đó, đừng vội vã; hãy thật chậm rãi, chậm rãi như các động tác của Thái Cực quyền.
Nếu bạn cảm thấy buồn, hãy nhắm mắt lại và để cảnh phim đó diễn ra thật chậm. Hãy chậm rãi, từ từ hòa mình vào đó, nhìn xung quanh, quan sát những chuyện đang diễn ra. Hãy đi thật chậm để bạn có thể nhìn thấy từng hành động, từng sợi vải riêng biệt trong một tấm vải.
Chỉ trong vài ngày, hãy di chuyển thật chậm và chậm lại ở cả những việc khác. Ví dụ, nếu bạn đi bộ, hãy đi chậm hơn so với tốc độ từ trước đến giờ của bạn. Từ khoảnh khắc này, bắt đầu tụt lại phía sau. Ăn, ăn chậm… nhai kỹ hơn. Nếu bạn thường mất hai mươi phút cho một bữa ăn, bây giờ hãy dành bốn mươi phút cho nó; hãy chậm lại một nửa. Nếu bạn mở mắt nhanh, hãy mở mắt chậm lại. Hãy tắm trong khoảng thời gian lâu gấp đôi bình thường; hãy làm mọi việc chậm lại.
Khi bạn làm mọi thứ chậm lại, toàn bộ cơ chế vận hành của bạn sẽ tự động chậm lại. Cơ chế đó là một: đó chính là cơ chế bạn dùng để bước đi, đó chính là cơ chế bạn dùng để nói chuyện, đó cũng chính là cơ chế bạn khiến bạn trở nên tức giận. Không có các cơ chế khác nhau; chỉ có một cơ chế vận hành duy nhất. Vì vậy, nếu chậm lại trong mọi việc, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy nỗi buồn của bạn, sự đau khổ của bạn, tất cả đều chậm lại.
Đức Phật rất thường sử dụng phương pháp này cho các đệ tử và cho chính bản thân ngài. Ngài đã bảo họ hãy bước đi chậm rãi, nói chuyện chậm rãi, thực hiện từng động tác một cách thật chậm rãi… như thể bạn không có năng lượng. Và cách đó tạo ra một trải nghiệm to lớn: các ý nghĩ của bạn chậm lại, các khao khát của bạn chậm lại, các thói quen cũ của bạn chậm lại. Bạn chỉ cần chậm lại trong ba tuần.
Phương pháp thiền chủ động OSHO
Dưới đây là danh sách các Phương pháp thiền chủ động OSHO (OSHO Active Meditations) phổ biến nhất, kèm theo mô tả ngắn gọn cho từng phương pháp. Mỗi kỹ thuật thiền đều đi kèm một loại nhạc đặc biệt được biên soạn dưới sự hướng dẫn của Osho để hướng dẫn và hỗ trợ cho từng giai đoạn thiền.
Osho Dynamic Meditation (Thiền động): Một phương pháp thiền gồm năm giai đoạn, bắt đầu với việc hít thở bằng bụng, sâu và hỗn loạn, theo sau là hoạt động thanh tẩy và giải phóng năng lượng, định tâm, im lặng và chúc mừng. Đây là một trong những phương pháp đòi hỏi nhiều nhất về mặt thể chất - và thanh lọc cảm xúc - trong tất cả các Phương pháp thiền chủ động OSHO và có hiệu quả nhất khi được thực hành vào buổi sáng.
Osho Kundalini Meditation (Thiền Kundalini): Kỹ thuật này thường được nhắc đến như phương pháp “chị em” với Thiền động và thường được thực hành vào cuối buổi chiều hoặc đầu giờ tối, vào cuối ngày làm việc. Nó giúp cơ thể rũ bỏ áp lực và giải phóng những căng thẳng tích tụ theo cách thoải mái và tự nhiên, sau đó là một điệu nhảy và kết thúc bằng một khoảng thời gian im lặng quan sát.
Osho Nataraj Meditation (Thiền Nataraj): Nhảy múa hết mình và tự do trong bốn mươi phút, sau đó là khoảng thời gian tĩnh tâm và im lặng.
Osho Nadabrahma Meditation (Thiền Nadabrahma): Kỹ thuật này được xây dựng dựa trên một phương pháp cổ xưa của người Tây Tạng. Nó bắt đầu với việc ngâm nga để nhẹ nhàng khai mở tất cả các trung tâm năng lượng trong cơ thể, thêm vào các chuyển động tay chậm rãi và duyên dáng, sau đó kết thúc bằng một khoảng thời gian im lặng. Kỹ thuật này giúp tăng cường khả năng định tâm, chữa lành và thư giãn.
Để biết thêm thông tin chi tiết và hướng dẫn thực hành các kỹ thuật thiền, bao gồm các video hành thiền theo từng giai đoạn khác nhau, hãy truy cập www.osho.com/meditation.