Người quan sát và đối tượng được quan sát
Đừng phán xét, bởi vì ngay khi bắt đầu phán xét, bạn sẽ quên quan sát. Lý do là vì khi bạn bắt đầu phán xét - “Đây là một ý nghĩ tốt đẹp” - bạn cũng không quan sát trong chừng đó thời gian. Bạn bắt đầu suy nghĩ, bạn bị cuốn vào. Bạn không thể duy trì khoảng cách, đứng bên lề đường và chỉ quan sát xe cộ qua lại.
Đừng khen ngợi, đánh giá, lên án để rồi trở thành người bị cuốn vào trong tâm trí; không nên có bất kỳ thái độ nào về những ý nghĩ đang trôi qua trong tâm trí của bạn. Bạn nên quan sát các ý nghĩ như thể chúng là những đám mây đang bay qua bầu trời. Bạn không đánh giá những đám mây đó - bạn không nói đám mây đen này thật xấu xa, đám mây trắng kia trông như nhà hiền triết. Mây là mây, chúng không tốt cũng không xấu.
Ý nghĩ cũng vậy - nó chỉ là một con sóng nhỏ di chuyển qua tâm trí của bạn. Hãy quan sát mà không phán xét, và bạn sẽ nhận được một bất ngờ lớn. Khi quá trình quan sát của bạn diễn ra ổn định, các ý nghĩ sẽ ít dần đi. Sự phân chia tỷ lệ vẫn như cũ; nếu bạn tập trung 50% vào quan sát thì 50% ý nghĩ của bạn sẽ biến mất. Nếu bạn dành cho sự quan sát 60% thì 40% ý nghĩ của bạn vẫn còn đó. Khi bạn là người quan sát ở mức 99%, thỉnh thoảng một ý nghĩ đơn lẻ mới xuất hiện - chỉ 1% đang băng qua con đường tâm trí, giao thông đã thông thoáng. Sự ùn tắc giờ cao điểm không còn nữa.
Khi bạn 100% không phán xét, chỉ thuần túy là người chứng kiến, điều đó có nghĩa là bạn đã trở thành một tấm gương - bởi vì tấm gương không bao giờ phán xét. Một người phụ nữ xấu nhìn vào gương, tấm gương không phán xét gì. Một người phụ nữ xinh đẹp nhìn vào gương, tấm gương cũng không có gì khác biệt. Không ai nhìn vào gương, và tấm gương vẫn thuần túy là tấm gương như khi có người soi mình trong đó. Tấm gương không xáo động cho dù có hay không có sự phản chiếu.
Quá trình quan sát trở thành một tấm gương. Đây là một thành tựu lớn trong thiền định. Khi làm được việc đó, bạn đã đi được nửa chặng đường, và đó là chặng gian nan nhất. Bây giờ, bạn đã biết bí quyết, và bạn có thể áp dụng cùng một bí quyết đó cho các đối tượng khác nhau.
Từ ý nghĩ, bạn phải chuyển sang các trải nghiệm tinh tế hơn về cảm xúc, tình cảm, tâm trạng. Bạn đi từ tâm trí đến trái tim, với cùng một điều kiện: không phán xét, chỉ chứng kiến. Và bạn sẽ bất ngờ khi thấy hầu hết các cảm xúc, tình cảm, tâm trạng đang chiếm hữu bạn bắt đầu tan biến.
Giờ đây, khi cảm thấy buồn, bạn sẽ thật sự buồn, bạn bị nỗi buồn chiếm hữu. Khi bạn cảm thấy tức giận, cơn giận đó không chỉ chiếm một phần. Bạn trở nên đầy tức giận; từng thớ thịt trong bạn đang rung lên vì giận.
Khi quan sát trái tim, bạn sẽ trải nghiệm việc giờ đây không còn gì chiếm hữu bạn. Nỗi buồn đến và đi, bạn không trở thành nỗi buồn; niềm vui đến rồi đi, bạn cũng không trở thành niềm vui. Bất cứ thứ gì len lỏi vào các tầng sâu hơn trong trái tim bạn cũng không hề ảnh hưởng tới bạn. Lần đầu tiên, bạn được trải nghiệm khả năng làm chủ. Bạn không còn là một nô lệ bị thao túng phải làm thế này, đi thế kia, khi mà bất kỳ cảm xúc, cảm nhận, hay bất kỳ ai cũng có thể làm phiền bạn vì bất kỳ việc nhỏ nhặt nào.
Ngài nói về việc quan sát những đám mây tâm trạng lướt qua, nhưng ngài cũng nói về trải nghiệm toàn vẹn, hoàn toàn nhập tâm vào những việc đang diễn ra. Tôi thích quan sát những đám mây của tâm trạng giận dữ, buồn bã, ghen tuông… Nhưng khi những tâm trạng như hạnh phúc và niềm vui xuất hiện, tôi muốn được đồng nhất với chúng, hoàn toàn đắm chìm trong chúng và thể hiện chúng. Tôi nên quan sát mọi tâm trạng hay nên đắm chìm hoàn toàn trong mỗi tâm trạng? Tôi không thể kết hợp hai khuynh hướng này với nhau. Xin ngài cho ý kiến?
Không ai có thể kết hợp hai việc đó lại với nhau. Bạn sẽ phải chọn một trong hai. Đề nghị của tôi là hãy quan sát mọi thứ ở một khoảng cách như nhau, với thái độ tách biệt như nhau. Buồn bã, giận dữ, ghen tuông, hạnh phúc, vui vẻ, yêu thương - hãy duy trì sự tách biệt với tất cả các tâm trạng, và chỉ cần tập trung hoàn toàn vào việc quan sát.
Sự quan sát của bạn phải trọn vẹn. Bạn có thể được đồng nhất với sự quan sát bởi vì đó là bản chất tự nhiên của bạn, đó là con người của bạn. Không có chuyện tách mình ra khỏi sự quan sát; ngay cả khi cố gắng làm vậy thì bạn cũng không thể thành công. Bản chất tự nhiên của bạn chỉ đơn giản là người chứng kiến. Một đặc điểm nhận thức duy nhất tạo nên toàn bộ bản thể của bạn. Vì vậy, hãy quan sát mọi thứ như thể nó là một đám mây đang lướt qua.
Tôi hiểu chỗ khó của bạn. Bạn muốn được đồng nhất với tình yêu, bạn muốn được đồng nhất với hạnh phúc và không đồng nhất với nỗi buồn. Bạn không muốn bị đồng nhất với sự đau khổ. Nhưng sự hiện hữu không cho phép kiểu lựa chọn này tồn tại. Nếu thật sự muốn vượt lên khỏi tâm trí và tất cả những trải nghiệm thuộc về tâm trí - niềm vui và nỗi buồn, giận dữ và bình yên, yêu và ghét; nếu muốn vượt lên khỏi tất cả những cặp đối ngẫu này - bạn phải quan sát chúng một cách bình đẳng, bạn không thể lựa chọn. Nếu lựa chọn, bạn sẽ không thể quan sát ngay cả những thứ mà mình muốn quan sát. Vì vậy, việc quan trọng cần được ưu tiên trước, hãy chỉ là người quan sát.
Ban đầu, sẽ hơi khó khi quan sát những thứ quá ngọt ngào, quá đẹp đẽ… bởi vì việc quan sát khiến bạn xa cách với những trải nghiệm đang trôi qua như một đám mây.
Bạn không thể bám vào chúng. Cho đến lúc này, đó là việc mà bạn đã và đang làm: bạn bám vào những thứ bạn cho là tốt đẹp và cố gắng rời xa những thứ bạn cho là xấu xí và đau khổ. Nhưng khi làm vậy, bạn chỉ tạo ra một mớ hỗn độn. Bạn đã không thành công.
Cách tốt nhất là trở thành một người quan sát thuần túy. Nếu bạn thấy cách này khó, có một giải pháp thay thế dành cho bạn. Nhưng giải pháp thay thế đó còn khó hơn, nhiều thử thách hơn - đó là đồng nhất bản thân với từng đám mây bay qua. Nếu có đau khổ, hãy trở nên hoàn toàn đau khổ. Khi đó, đừng kìm hãm bất cứ điều gì, hãy đi với nó đến cùng. Nếu bạn tức giận, hãy tức giận và làm mọi điều ngu ngốc mà cơn giận gợi ý cho bạn. Nếu một vài đám mây điên rồ trôi qua, hãy điên rồ. Nhưng đừng bỏ lỡ bất cứ điều gì. Bất cứ điều gì đến với bạn, hãy sống trọn với nó trong khoảnh khắc đó, và đến lúc trôi qua thì nó sẽ trôi qua.
Con đường này cũng sẽ giải phóng bạn, nhưng nó là con đường nhiều chông gai hơn. Nếu muốn thử một trải nghiệm thật sự nguy hiểm, bạn có thể đồng nhất bản thân với mọi thứ. Khi đó, đừng phân biệt gì cả - thật tốt khi được đồng nhất với thứ này và thật tệ khi bị đồng nhất với thứ kia. Khi đó, không có câu hỏi nào nảy sinh: hãy chỉ đồng nhất bản thân mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, và trong vòng một tuần, mọi sự sẽ kết thúc. Chỉ một tuần là đủ, bởi vì có quá nhiều thứ lướt qua. Bạn sẽ rất mệt mỏi, rất kiệt sức. Nếu bạn sống sót, chúng ta sẽ gặp lại nhau… còn nếu bạn không sống sót, xin tạm biệt!
Nhưng đây là con đường nguy hiểm. Tôi chưa từng nghe nói có ai sống sót. Và bạn biết rất rõ những điều gì xuất hiện trong tâm trí bạn. Đôi khi, bạn cảm thấy muốn sủa - vậy thì cứ sủa, sủa như một chú chó, và thế giới muốn nghĩ gì thì cứ để cho họ nghĩ. Bạn đã chọn con đường của mình, bạn sẽ được tự do… có lẽ là hoàn toàn tự do; sự giác ngộ và tự do thoát khỏi cơ thể sẽ đến cùng nhau! Nhưng việc này hơi nguy hiểm.
Mọi người có thể cố ngăn cản bạn, bởi vì không ai biết điều gì xuất hiện trong tâm trí bạn. Những người thân thiết với bạn - bạn bè, gia đình, vợ của bạn, chồng của bạn - có thể sẽ cố ngăn cản bạn. Có nhiều người trên khắp thế giới đã bị gia đình đưa vào nhà thương điên vì cho rằng đó là cách duy nhất để bảo vệ họ. Và chuyện này xảy ra khắp nơi.
Trong gia đình giàu có nhất ở làng tôi có một người đã bị xích dưới tầng hầm cả đời. Mọi người đều biết có chuyện gì đó đã xảy ra với ông ấy bởi vì ông ấy bỗng dưng biến mất. Nhưng nhiều năm trôi qua và dần dần, chuyện chìm vào quên lãng. Tôi chỉ tình cờ biết được chuyện này vì một trong những học trò của tôi là con trai của người bị xích. Chúng tôi là người cùng làng nên cậu ấy thường đến gặp tôi, và một ngày nọ, tôi hỏi về chuyện đó. Tôi nói: “Ta chưa từng gặp cha của con”.
Nghe vậy, cậu học trò buồn bã trả lời: “Con không thể dối thầy, nhưng việc xảy ra với cha con thật sự khiến con rất muộn phiền. Bởi vì gia đình con là gia tộc giàu có nhất làng, họ không muốn ai biết việc đang làm gì cha con. Họ đánh ông ấy; họ nhốt ông ấy dưới tầng hầm giống như nhốt một con thú hoang. Ông ấy kêu khóc, la hét, nhưng không ai nghe, không ai đến gần ông ấy. Thức ăn được ném xuống từ nắp hầm. Mọi thứ ông ấy cần đều được ném từ trên xuống; không ai muốn nhìn ông ấy”.
“Nhưng ông ấy đã làm gì để phải bị đối xử như vậy?”, tôi hỏi.
Cậu ấy đáp: “Không có gì đặc biệt, cha chỉ bị điên. Ông ấy từng làm những việc bất thường”. Ví dụ, ông ấy có thể trần truồng đi ra chợ. Nhưng không có tổn hại nào cả… ông ấy không làm hại ai, ông ấy chỉ trần truồng đi ra chợ, nhưng như thế là đủ để gia đình phải nhốt ông ấy lại. Và họ khiến ông ấy ngày càng điên loạn hơn. Cách này không giúp được gì, nó không phải là giải pháp, nó không phải là phương pháp điều trị.
Vì vậy, nếu bạn đồng nhất bản thân với tất cả những ý nghĩ của bạn thì trước khi thực hiện, bạn nên nghĩ xem mọi người sẽ nghĩ sao về chuyện đó và họ sẽ đối xử với bạn như thế nào - mặc dù bạn có thể thoát khỏi toàn bộ những cảm xúc đó nếu bạn đồng nhất bản thân với tất cả chúng mà không đưa ra bất kỳ sự lựa chọn nào.
Hoặc là bạn đồng nhất một cách không chọn lựa, hoặc là bạn không đồng nhất một cách không chọn lựa. Điều thật sự có ý nghĩa chính là sự không chọn lựa. Nhưng nếu áp dụng cách đầu tiên, bạn sẽ an toàn hơn. Hãy là một người quan sát không chọn lựa. Đừng chọn điều tốt và đừng vứt bỏ điều xấu. Không có gì tốt, không có gì xấu; chỉ có sự quan sát là tốt và sự không quan sát là xấu.
Một bà nội trợ nói: “Bác sĩ, tôi đến gặp ông để hỏi về chồng tôi. Chúng tôi đã kết hôn hơn hai mươi lăm năm. Anh ấy là một người chồng tốt, vui vẻ, biết hài lòng và rất hết lòng với tôi, nhưng kể từ khi đến đây khám bệnh đau đầu, anh ấy đã trở thành một người đàn ông khác. Bây giờ anh ấy không bao giờ về nhà vào ban đêm, anh ấy không đưa tôi đi chơi nữa, anh ấy không mua cho tôi món quà nào và cũng không cho tôi tiền. Thậm chí anh ấy còn không nhìn tôi. Cách điều trị của ông dường như đã làm thay đổi toàn bộ tính cách của anh ấy”.
“Điều trị gì chứ?”, bác sĩ nói. “Tôi chỉ kê đơn để ông ấy đi mua một cặp mắt kính mà thôi.”
Ngay cả một cặp mắt kính cũng có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể trong tính cách của bạn, trong cách ứng xử của bạn. Và đây không phải là một vấn đề nhỏ như một cặp mắt kính. Nếu bắt đầu đồng nhất bản thân với mọi thứ, bạn sẽ gặp khó khăn từ mọi phía. Tốt hơn là hãy chọn con đường an toàn hơn; tất cả những người thức tỉnh đều đã chọn con đường đó. Đó là con đường đúng đắn nhất.
Đôi khi, sau những khoảnh khắc thấu tỏ và thông suốt, tôi cảm thấy những cảm giác quen thuộc như bạo lực, ghen tuông, tức giận… quay trở lại và thậm chí còn trở nên mãnh liệt hơn trước, như thể chúng chỉ chực chờ để trở lại. Ngài có thể nói gì về chuyện này không?
Tôi có thể nói gì đó, nhưng những cảm giác bạo lực, ghen tuông và giận dữ đó sẽ vẫn chực chờ để quay lại. Chúng sẽ không biến mất chỉ vì tôi nói điều gì đó - bởi vì bạn đang vô thức nuôi dưỡng chúng. Bạn không nhận ra rằng mong muốn được thoát khỏi chúng của bạn rất hời hợt.
Bạn không làm những việc mà tôi đã liên tục nhấn mạnh; bạn chỉ đang làm điều ngược lại. Bạn đang chiến đấu với bóng tối chứ không phải đang thắp lên ánh sáng. Bạn có thể tiếp tục chiến đấu với bóng tối bao lâu tùy thích, nhưng bạn sẽ không thể chiến thắng. Điều đó không có nghĩa là bạn yếu hơn bóng tối, nó chỉ đơn giản là những việc bạn đang làm không hề ảnh hưởng đến bóng tối.
Bóng tối chỉ là sự thiếu vắng, bạn không thể trực tiếp tác động đến nó. Bạn chỉ cần mang ánh sáng vào. Không phải khi bạn mang ánh sáng vào thì bóng tối sẽ bỏ chạy ra khỏi cửa. Bóng tối là sự thiếu vắng; bạn mang ánh sáng đến và không còn sự thiếu vắng nữa. Bóng tối không di chuyển, nó không có sự tồn tại của riêng nó.
Tôi sẽ đọc lại câu hỏi của bạn: “Đôi khi, sau những khoảnh khắc thấu tỏ và thông suốt, tôi cảm thấy những cảm giác quen thuộc như bạo lực, ghen tuông, tức giận… quay trở lại và thậm chí còn trở nên mãnh liệt hơn trước, như thể chúng chỉ chực chờ để trở lại”.
Sự thấu tỏ và thông suốt của bạn chỉ là nhất thời. Nếu bạn thắp sáng ngọn nến trong một lúc và sau đó thổi tắt nó đi, bóng tối sẽ quay lại - không phải bóng tối đang chực chờ đâu đó, mà chính bạn đã tạo ra sự thiếu vắng ánh sáng một lần nữa. Ngọn đuốc ý thức của bạn phải cháy liên tục; khi đó sẽ không còn bóng tối.
Những cảm giác mà bạn cho là rất nguy hiểm gần như là những cảm giác yếu ớt. Bạo lực xuất hiện vì bạn chưa phát triển tiềm năng yêu thương của mình; đó là sự thiếu vắng tình yêu. Và con người tiếp tục làm những việc ngu ngốc. Họ cố gắng trở thành người không bạo lực bằng cách kìm nén bạo lực, họ nỗ lực rất nhiều để trở nên phi bạo lực. Nhưng không ai cần phải trở nên phi bạo lực. Bạn đang đi sai hướng. Bạo lực là thứ tiêu cực, và bạn đang cố gắng tiêu diệt bạo lực để trở nên phi bạo lực. Tôi sẽ nói bạn hãy quên bạo lực đi. Đó là sự thiếu vắng tình yêu - hãy yêu thương nhiều hơn. Toàn bộ năng lượng mà bạn đang dồn vào việc kìm nén bạo lực và trở nên phi bạo lực đó, hãy rót nó vào tình yêu.
Thật đáng tiếc khi cả Mahavira lẫn Phật Thích Ca Mâu Ni đều sử dụng từ phi bạo lực. Tôi có thể hiểu được khó khăn của họ. Khó khăn của họ là khi họ nói “yêu”, mọi người sẽ hiểu đó là tình yêu theo nghĩa sinh học; để tránh sự hiểu lầm đó, họ đã sử dụng một cụm từ tiêu cực, đó là “phi bạo lực”. Nhưng cụm từ đó lại ủng hộ cho ý nghĩ rằng bạo lực là tích cực và phi bạo lực là tiêu cực. Trên thực tế, bạo lực là tiêu cực và tình yêu là tích cực. Nhưng họ sợ dùng từ “yêu”, và bởi vì sợ từ “yêu” có thể tạo ra ý nghĩ về tình yêu thường thấy trong tâm trí của mọi người, nên họ sử dụng một từ không thích hợp: phi bạo lực. Và trong suốt hai mươi lăm thế kỷ, người ta đã thực hành sự phi bạo lực đó. Nhưng bạn sẽ nhận ra rằng hầu hết những người này đều bị co lại và chết. Trí thông minh của họ dường như chưa nở rộ, ý thức của họ dường như chưa đơm hoa kết trái. Chỉ một sai lầm trong việc dùng từ đã gây ra hai mươi lăm thế kỷ tra tấn đau đớn cho hàng ngàn người.
Tôi muốn bạn biết tình yêu là tích cực, và tình yêu không chỉ có nghĩa là tình yêu về mặt sinh học. Bạn cũng hiểu điều đó: bạn yêu mẹ của mình, bạn yêu anh chị em của mình, bạn yêu bạn bè của mình, và tình yêu đó không liên quan gì đến sinh học. Đó là những trải nghiệm bình thường của tình yêu phi sinh học. Bạn yêu hoa hồng; chuyện đó có liên quan gì đến sinh học không? Bạn yêu một vầng trăng đẹp, bạn yêu âm nhạc, bạn yêu thơ ca, bạn yêu điêu khắc; chuyện đó có liên quan gì đến sinh học không? Tôi đang lấy ví dụ từ cuộc sống đời thường, chỉ để cho bạn thấy tình yêu có rất nhiều phương diện.
Vì vậy, thay vì chỉ có những khoảnh khắc thấu tỏ và thông suốt, hãy yêu thương nhiều hơn - yêu cây cối, yêu hoa lá, yêu âm nhạc, yêu con người. Hãy để đủ loại tình yêu làm phong phú cuộc sống của bạn và bạo lực sẽ biến mất. Một người yêu thương không thể làm tổn thương bất kỳ ai. Tình yêu không thể làm tổn thương và không thể trở nên bạo lực.
Những cảm giác bạo lực này sẽ không biến mất, trừ khi năng lượng của chúng được chuyển hóa thành tình yêu. Và tình yêu đích thực không biết gì về ghen tuông. Tình yêu nào kéo theo sự ghen tuông thì chắc chắn không phải là tình yêu đích thực, mà là bản năng sinh học.
Bạn càng di chuyển lên cao - từ cơ thể đến tâm trí, từ trái tim đến sự hiện hữu - tất cả những cảm giác thô ráp này sẽ biến mất. Tình yêu giữa sự hiện hữu này và sự hiện hữu khác sẽ không có ghen tuông.
Làm thế nào để tìm thấy tình yêu như vậy?
Nó là ánh sáng tỏa ra từ sự im lặng của bạn, sự bình yên của bạn, hạnh phúc nội tại của bạn, phúc lành của bạn. Bạn hạnh phúc đến mức muốn chia sẻ nó; sự chia sẻ đó chính là tình yêu. Tình yêu không phải là kẻ ăn xin. Nó chưa bao giờ nói “Hãy cho tôi tình yêu”. Tình yêu luôn là vị hoàng đế, nó chỉ biết cho đi. Nó chưa bao giờ hình dung hay mong đợi bất kỳ sự đền đáp nào.
Hãy thiền định nhiều hơn, hãy trở nên ý thức hơn về sự hiện hữu của bạn. Hãy để thế giới nội tâm của bạn tĩnh lặng hơn, và tình yêu sẽ chảy tràn trong bạn.
Mọi người đều gặp phải những vấn đề này. Các vấn đề của họ khác nhau - bạo lực, ghen tuông, đau khổ, lo lắng - nhưng liều thuốc cho tất cả chỉ có một, và đó là thiền.
Và tôi muốn bạn nhớ rằng từ thuốc (medicine) và thiền (meditation) có cùng nguồn gốc. Thuốc là thứ gì đó có thể chữa lành cơ thể của bạn, còn thiền là thứ có thể chữa lành tâm hồn của bạn. Thiền được gọi là thiền chỉ bởi vì nó là một loại thuốc chữa lành những căn bệnh nằm trong phần cốt lõi của bạn.
Một người đàn ông bán sáp mỡ Vaseline đã đi đến nhiều ngôi nhà trong thành phố để tặng một số mẫu dùng thử và đề nghị mọi người hãy thử xem có thể sử dụng sản phẩm tuyệt vời này vào việc gì. Một tuần sau, anh ta quay lại để gặp những người đó và hỏi xem họ đã dùng Vaseline để làm gì.
Người đàn ông ở ngôi nhà thứ nhất là một quý ông thành thị giàu có, ông ấy trả lời: “Tôi đã dùng nó để chữa vết thương. Bất cứ khi nào các con của tôi bị trầy cùi chỏ hay xước đầu gối, tôi sẽ bôi Vaseline cho chúng”.
Người đàn ông ở ngôi nhà thứ hai đáp: “Tôi đã dùng nó cho máy móc, chẳng hạn như bôi trơn các ổ trục của xe đạp và máy cắt cỏ”.
Người đàn ông ở ngôi nhà thứ ba - một người lao động có dáng vẻ nhếch nhác - đáp: “Tôi đã dùng nó cho chuyện tình dục”.
Người bán hàng kinh ngạc hỏi lại: “Ý ông là sao?”.
“À, tôi bôi thật nhiều sáp mỡ này lên nắm cửa phòng ngủ để bọn trẻ không thể mở cửa vào được!”
Bạn có thể trao cho mọi người cùng một thứ và họ sẽ tìm ra những cách sử dụng khác nhau, tùy theo vô thức của mỗi người. Nhưng nếu có ý thức, họ sẽ chỉ tìm thấy một công dụng.
Một nhà truyền giáo Cơ Đốc tại Nhật Bản đã cầm theo quyển Tân Ước đến gặp thiền sư vĩ đại Nan-In. Ông ấy tin rằng khi nghe những lời rao giảng tuyệt vời của Jesus, đặc biệt là “Bài giảng trên núi”, Nan-In sẽ cải đạo sang Cơ Đốc giáo.
Nhà truyền giáo được chào đón nồng nhiệt, và ông ấy nói: “Tôi đến đây cùng với quyển kinh thánh của mình và tôi muốn đọc vài câu trong đó… biết đâu chúng sẽ thay đổi cả cuộc đời của ông”.
Nan-In đáp: “Ông đến hơi trễ rồi, bởi vì tôi đã thay đổi hoàn toàn, sự biến đổi đã xảy ra. Nhưng dù sao thì ông cũng đã đi một quãng đường dài để đến đây, nên hãy đọc cho tôi nghe vài câu đi”.
Thế là nhà truyền giáo bắt đầu đọc, và chỉ sau hai hay ba câu, Nan-In nói: “Đủ rồi. Ai viết những dòng này sẽ trở thành Phật trong một kiếp sống nào đó ở tương lai”.
Nhà truyền giáo bị sốc: Người này đang nói “Người đàn ông có tiềm năng, ông ấy sẽ thành Phật”?! Ông ấy nói với Nan-In: “Nhưng ông ấy là con trai duy nhất của Đức Chúa Trời!”.
Nan-In cười lớn: “Đó chính là vấn đề. Đó là thứ ngăn ông ấy trở thành Phật. Nếu không từ bỏ những ý nghĩ vô nghĩa đó, ông ấy sẽ không phát huy trọn vẹn tiềm năng của mình. Ông ấy có những ý nghĩ đẹp đẽ nhưng cùng với chúng, ông ấy cũng có một số ý nghĩ ngu ngốc. Không có Đức Chúa Trời nào cả, vậy nên vấn đề ‘là con trai duy nhất của Đức Chúa Trời’ đó không nảy sinh. Nhưng đừng lo, trong kiếp sống tương lai nào đó, ông ấy sẽ buông bỏ những ý nghĩ đó. Ông ấy có vẻ là người thông minh và đã chịu đủ nỗi khổ do những ý nghĩ ngu ngốc của mình gây ra rồi. Ông ấy bị đóng đinh trên thập tự giá; hình phạt đó là đủ. Nhưng ông không nên bám vào những thông điệp ngu ngốc trong các lời rao giảng của ông ấy”.
Nhà truyền giáo nói: “Nhưng nền tảng của tôn giáo chúng tôi là Jesus là đứa con duy nhất của Đức Chúa Trời, là có một Đức Chúa Trời đã tạo ra thế giới và Jesus được sinh ra bởi một trinh nữ”.
Nan-In lại cười: “Ông bạn tội nghiệp này, nếu có thể vứt bỏ những điều tưởng tượng nhỏ nhặt này, hẳn ông ấy đã thành Phật. Nếu ông tìm thấy người này, hãy mang ông ấy đến đây, tôi sẽ nói cho ông ấy hiểu. Không cần phải đóng đinh ông ấy; tất cả những gì ông ấy cần là ai đó có thể dẫn dắt ông ấy đến với những bí ẩn của thiền định”.
Thiền có lẽ là giải pháp chính cho mọi vấn đề của chúng ta. Việc chiến đấu với từng vấn đề riêng lẻ khiến bạn phải trả giá bằng sinh mạng của mình mà vẫn không thoát khỏi sự kìm kẹp của chúng. Chúng sẽ quanh quẩn ở một góc nào đó, chờ đợi thời cơ tấn công - và lẽ tất nhiên, nếu phải chờ đợi lâu thì chúng sẽ trả thù nặng tay nhất có thể.
Thiền không trực tiếp tác động tới sự bạo lực của bạn, sự ghen tuông của bạn, lòng căm ghét của bạn. Nó chỉ đơn giản là mang ánh sáng vào ngôi nhà của bạn, và bóng tối biến mất.
Tôi thấy mình có thể thỉnh thoảng quan sát cơn giận, sự tổn thương, thất vọng; nhưng tiếng cười luôn đến trước khi tôi kịp nhận ra và có thể quan sát nó. Ngài có thể chia sẻ thêm về sự chứng kiến ở khía cạnh này không?
Theo một cách nào đó, tiếng cười rất độc đáo. Cơn giận, nỗi thất vọng, sự bất an và nỗi buồn đều tiêu cực và chúng không bao giờ toàn vẹn. Bạn không thể hoàn toàn buồn - không thể nào. Mọi cảm xúc tiêu cực đều không thể toàn vẹn bởi vì nó tiêu cực. Tính toàn vẹn cần sự tích cực. Tiếng cười là một hiện tượng tích cực, và đó là lý do tại sao nó độc đáo. Có hai lý do khiến chúng ta hơi khó ý thức được tiếng cười. Thứ nhất, nó đến đột ngột. Trên thực tế, bạn chỉ nhận thức được nó khi nó đến. Trừ khi bạn được sinh ra ở Anh… ở đó, tiếng cười không bao giờ đến đột ngột. Người ta nói rằng nếu bạn kể một câu chuyện đùa với một người Anh, anh ta sẽ cười hai lần - lần thứ nhất chỉ là phép lịch sự. Anh ta không hiểu tại sao mình cười, nhưng bởi vì bạn đã kể một câu chuyện đùa và kỳ vọng anh ta cười, anh ta không muốn làm tổn thương bạn nên anh ta cười. Và sau đó, vào nửa đêm, khi đã hiểu được câu chuyện… anh ta mới thật sự cười.
Các chủng tộc khác nhau sẽ hành xử theo cách khác nhau. Người Đức chỉ cười một lần, khi họ thấy mọi người đang cười. Họ cười để không bị bỏ rơi, bởi vì nếu không, mọi người sẽ nghĩ là họ không hiểu câu chuyện. Và họ cũng sẽ không hỏi ai về ý nghĩa của nó, bởi vì điều đó càng khiến họ trông thiếu hiểu biết. Một người đàn ông Đức đã ở bên tôi nhiều năm, nhưng mỗi ngày ông ấy đều sẽ hỏi ai đó: “Vấn đề là gì? Tại sao mọi người lại cười?” - và ông ấy cũng cười, chỉ là để không bị lạc lõng, nhưng ông ấy không bao giờ có thể hiểu được một câu chuyện đùa. Người Đức quá nghiêm túc và chính sự nghiêm túc đó khiến họ không thể hiểu được câu chuyện.
Nếu bạn kể chuyện cười với người Do Thái, anh ta sẽ không cười, nhưng anh ta sẽ nói: “Câu chuyện này xưa rồi, với lại bạn kể sai hết rồi”. Họ là những người rành về chuyện đùa nhất. Hiếm có câu chuyện cười nào không có nguồn gốc từ Do Thái. Vì vậy, đừng bao giờ kể chuyện cười với một người Do Thái, bởi vì chắc chắn anh ta sẽ nói với bạn: “Chuyện đó xưa lắm rồi, đừng bắt tôi phải nghe nữa. Vả lại, bạn kể sai hết rồi. Trước tiên, hãy học cách kể chuyện cười; đó là một nghệ thuật”. Nhưng anh ta sẽ không cười.
Tiếng cười đến tự nhiên như sấm: rất đột ngột. Đó là cơ chế của một câu chuyện cười, của bất kỳ câu chuyện cười đơn giản nào. Tại sao nó khiến mọi người cười? Khía cạnh tâm lý của nó là gì? Nó tích lũy một năng lượng nhất định nào đó trong bạn; tâm trí của bạn bắt đầu nghĩ theo một cách nhất định nào đó khi bạn lắng nghe câu chuyện, và bạn rất hào hứng muốn biết đoạn kết của nó, cách nó khép lại. Bạn bắt đầu mong đợi một cái kết logic - bởi vì tâm trí không thể nghĩ đến thứ gì khác ngoài logic - mà chuyện cười thì không logic. Vì vậy, khi câu chuyện kết thúc, kết thúc đó quá phi logic và quá nực cười, nhưng cũng thật phù hợp… năng lượng mà bạn đang kìm giữ để chờ đợi đoạn kết bỗng bật ra thành tiếng cười. Bất kể câu chuyện cười là đặc sắc hay bình thường, diễn biến tâm lý vẫn như vậy.
Một cô giáo trong một trường dòng nhỏ có một bức tượng đẹp và cô ấy sẽ lấy nó làm phần thưởng cho học sinh nào trả lời đúng câu hỏi. Sau một giờ giảng dạy, cô ấy sắp đưa ra một câu hỏi, và bất kỳ học sinh nào trả lời đúng sẽ có được bức tượng.
Trong suốt một giờ đồng hồ, cô giáo đã kể cho các học sinh về Chúa Jesus, kể những câu chuyện về ngài, triết lý của ngài, tín ngưỡng của ngài, việc ngài bị đóng đinh trên thập tự giá cũng như về việc ngài có lượng tín đồ đông đảo nhất thế giới; mọi thứ đều được cô đọng trong một giờ giảng dạy đó. Sau cùng, cô ấy hỏi: “Hãy cho cô biết ai là người đàn ông vĩ đại nhất thế giới?”.
Một cậu học sinh người Mỹ đứng lên đáp: “Abraham Lincoln ạ”.
Cô giáo nói: “Câu trả lời hay đấy, nhưng chưa đúng”.
Một cô bé đến từ Ấn Độ giơ tay lên khi cô giáo hỏi lại: “Ai là người đàn ông vĩ đại nhất thế giới?”. Cô gái trả lời: “Mahatma Gandhi ạ”. Giáo viên cảm thấy rất thất vọng. Cô ấy đã nỗ lực cả giờ đồng hồ! Cô ấy đáp: “Ông ấy cũng vĩ đại đấy, nhưng vẫn chưa đủ”.
Sau đó, một cậu bé rất nhỏ con bắt đầu vẫy tay điên cuồng. Cô giáo nói: “Nào, em hãy cho cô biết ai là người đàn ông vĩ đại nhất thế giới”.
Cậu bé đáp: “Không có gì phải nghi ngờ… Chúa Jesus ạ”.
Cô giáo cảm thấy hơi khó hiểu vì cậu bé là người Do Thái. Cậu bé thắng được phần thưởng, và khi các học sinh khác đã ra về, cô giáo đến cạnh cậu bé và hỏi: “Chẳng phải em là người Do Thái sao?”.
Cậu bé đáp: “Vâng, em là người Do Thái”. “Vậy sao em trả lời là Chúa Jesus?”
Cậu bé trả lời: “Trong lòng em, em biết đó là Moses, nhưng làm ăn là làm ăn!”.
Mọi câu chuyện đùa đều kết thúc bằng một cú rẽ bất ngờ mà bạn không hề dự đoán được về mặt logic. Sau đó, đột nhiên toàn bộ năng lượng đang dồn nén trong bạn vỡ òa thành tiếng cười.
Ban đầu, thật khó nhận thức được trong khi cười, nhưng việc đó không phải là không thể. Bởi vì đó là một hiện tượng tích cực nên nó sẽ cần thêm chút thời gian, nhưng bạn đừng cố gắng quá mức; nếu không, bạn sẽ bỏ lỡ tiếng cười! Vấn đề là ở đó. Nếu quá cố gắng để duy trì nhận thức, bạn sẽ bỏ lỡ tiếng cười. Bạn chỉ cần duy trì trạng thái thư giãn, và khi tiếng cười đến, giống như một con sóng đi vào đại dương, hãy lặng lẽ quan sát nó. Nhưng đừng để người quan sát của bạn làm phiền tiếng cười. Bạn phải để cho cả hai đều được diễn ra.
Tiếng cười là một hiện tượng đẹp, nó là một hiện tượng không nên bị bỏ lỡ. Nhưng nó chưa bao giờ được nghĩ tới theo cách này. Bạn không có bất kỳ hình ảnh nào về Chúa Jesus đang cười, hay Phật Thích Ca Mâu Ni đang cười, hay Socrates đang cười; họ đều rất nghiêm nghị. Đối với tôi, sự nghiêm nghị là một căn bệnh. Khiếu hài hước giúp bạn có tính người hơn, khiêm tốn hơn. Theo tôi, khiếu hài hước là một trong những phần thiết yếu nhất của tính tôn giáo. Một tín đồ không thể cười một cách trọn vẹn sẽ không thể là một tín đồ trọn vẹn; anh ta vẫn còn thiếu điều gì đó. Cho nên, bạn vẫn phải vừa đi vừa trông chừng. Tiếng cười phải được diễn ra một cách hoàn toàn tự do.
Vì vậy, trước tiên, hãy quan tâm đến tiếng cười; tiếng cười đó sẽ được diễn ra trọn vẹn. Và hãy quan sát. Có lẽ ban đầu sẽ có khó khăn: tiếng cười sẽ đến trước, và sau đó, đột nhiên bạn sẽ nhận biết nó. Chuyện này không gây tổn hại gì cả. Dần dần, khoảng cách đó sẽ nhỏ lại. Bạn chỉ cần thời gian, và bạn sẽ sớm có thể nhận thức một cách trọn vẹn và hết mình với tiếng cười.
Nhưng nó là một hiện tượng độc đáo. Bạn đừng quên rằng không có con thú nào cười, không có con chim nào cười - nó chỉ có ở con người, và cũng chỉ có ở những người thông minh. Trí tuệ giúp họ nhận thấy ngay điểm nực cười của một tình huống nào đó. Và có quá nhiều tình huống nực cười quanh ta. Cuộc sống này rất vui nhộn; bạn chỉ cần rèn giũa khiếu hài hước của mình.
Vì vậy, hãy nhớ đi từ từ; không có gì phải vội và tiếng cười của bạn không nên bị cản trở. Sự nhận thức xuất hiện cùng với tiếng cười trọn vẹn là một thành tựu vĩ đại.
Những thứ khác - nỗi buồn, sự khó chịu, nỗi thất vọng - chỉ là vô giá trị, cần được vứt bỏ. Bạn không cần phải quá thận trọng về chúng. Đừng xử lý chúng một cách thận trọng; bạn chỉ cần hoàn toàn nhận thức chúng và để chúng biến mất. Nhưng tiếng cười cần được giữ lại.
Hãy nhớ lý do Phật Thích Ca Mâu Ni và Jesus và Socrates không cười: họ đã quên mất nụ cười, họ đã đối xử với tiếng cười như với các cảm xúc tiêu cực. Họ quá chú trọng vào ý thức đến mức ngay cả tiếng cười cũng biến mất. Tiếng cười là một hiện tượng rất tốt đẹp và rất có giá trị. Khi nỗi buồn, sự đau khổ và sự chịu đựng biến mất cùng với nhận thức, họ ngày càng bắt rễ sâu hơn vào nhận thức và hoàn toàn quên rằng có thứ gì đó phải được giữ lại - và thứ đó chính là tiếng cười.
Theo cảm nhận của tôi, nếu Jesus có thể cười, hẳn Cơ Đốc giáo đã không trở thành một thảm họa như chúng ta đã thấy. Nếu Phật Thích Ca Mâu Ni có thể cười, hẳn hàng triệu nhà sư Phật giáo đi theo ông ấy đã không u buồn đến thế, không ảm đạm đến thế, không khô khan và vô hồn đến thế. Phật giáo lan tỏa khắp châu Á và nó khiến cả châu Á trở nên nhợt nhạt.
Không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo đã chọn tông màu nhạt làm màu quần áo của các nhà sư, bởi vì nhợt nhạt là màu sắc của cái chết. Khi mùa thu đến và cây trụi lá, những chiếc lá của chúng úa màu và bắt đầu rụng xuống, và chỉ còn lại các nhánh cây. Sự nhợt nhạt đó giống như một người sắp chết, và khuôn mặt của anh ta trở nên nhợt nhạt. Anh ta đang hấp hối; quá trình chết đã bắt đầu, và trong vòng vài phút, anh ta sẽ chết. Trên thực tế, chúng ta và cây cối đều không khác nhau; chúng ta đều có cùng một cách hành xử.
Phật giáo khiến cả châu Á buồn bã. Tôi đã tìm kiếm những câu chuyện cười có nguồn gốc ở Ấn Độ nhưng không tìm thấy dù chỉ một câu chuyện như vậy. Những con người nghiêm nghị… luôn nói về Thượng đế và thiên đường và địa ngục và luân hồi và triết lý nhân quả. Chuyện cười không ăn nhập vào đâu cả! Khi bắt đầu nói trước đám đông - nói về thiền - tôi có thể kể một câu chuyện cười. Thỉnh thoảng, một tu sĩ Kỳ Na giáo, hoặc một nhà sư Phật giáo, hoặc một nhà thuyết giáo đạo Hindu đến gặp tôi và nói: “Ông đang nói rất hay về thiền, nhưng tại sao ông lại kể câu chuyện đùa đó vào? Nó hủy hoại mọi thứ. Mọi người bắt đầu cười. Họ chỉ mới bắt đầu nghiêm túc và ông đã phá hủy mọi nỗ lực của mình. Ông đã cố gắng suốt nửa giờ đồng hồ để họ nghiêm túc lắng nghe, và rồi ông kể một câu chuyện cười và phá hủy hết tất cả! Tại sao ông lại kể chuyện cười? Phật không bao giờ kể chuyện cười, Krishna không bao giờ kể chuyện cười”.
Tôi không phải là Phật và cũng chẳng phải Krishna, và tôi không quan tâm đến sự nghiêm túc. Trên thực tế, chính vì họ đang trở nên nghiêm túc nên tôi mới phải đưa câu chuyện cười đó vào. Tôi không muốn bất cứ ai trở nên nghiêm túc, tôi muốn mọi người vui vẻ và thoải mái. Cuộc sống phải trở nên ngày càng gần gũi với tiếng cười hơn là sự nghiêm túc.