Hiểu “kiểu vận hành” của mình
Ý nghĩ là một mối bận tâm. Những người quá chìm đắm trong suy nghĩ sẽ luôn sống trong một thế giới riêng. Họ có một thế giới riêng bao gồm những suy nghĩ, mơ ước, sự phóng chiếu và khát vọng của mình. Họ vẫn đi chỗ này, vẫn đến chỗ kia, nhưng họ không nhìn cây cối, cảnh vật, hoa lá, chim chóc, con người, trẻ em; họ không thể nhìn thấy gì.
Tôi từng nghe một câu chuyện đùa tuy cũ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng:
Michelangelo đang vẽ bức tranh tường nổi tiếng của mình tại Nhà nguyện Sistine. Suốt bảy năm ròng, ông ấy vẫn luôn làm việc trên giàn giáo cao. Ông ấy nằm trên đó cả ngày để vẽ tranh lên trần nhà. Nhiều lần, ông ấy để ý thấy vào buổi chiều, khi không còn ai khác trong nhà thờ, một phụ nữ khiếm thị lớn tuổi thường đến cầu nguyện. Ai đó sẽ đưa bà ấy đến rồi rời đi, để bà ở lại đó cầu nguyện trong nhiều giờ.
Vào một buổi chiều oi bức nọ, Michelangelo cảm thấy không muốn làm việc nên ông ấy ngồi trên giàn giáo và nhìn xuống. Trong nhà thờ không có ai khác ngoài người phụ nữ lớn tuổi đó. Bà ấy đang cầu nguyện như mọi ngày và bà ấy đang khóc… Michelangelo thì đang có tâm trạng muốn đùa.
Ông nói vọng xuống: “Ta là Chúa Jesus đây. Con muốn gì? Chỉ cần nói với ta và ta sẽ hoàn thành ước nguyện đó”. Ông ấy đoán là người phụ nữ kia sẽ nói điều mà bà ấy muốn. Nhưng bà ấy ngẩng mặt lên, cùng với đôi mắt mù lòa của mình, và nói: “Anh im đi! Tôi không nói chuyện với anh, tôi đang nói chuyện với mẹ của anh!”.
Đây chính là trạng thái khi bạn đang bận tâm đến một việc gì đó. Ai quan tâm đến Chúa Jesus? Khi đang suy nghĩ chuyện gì đó hoặc đang xử lý một ý nghĩ nào đó, bạn trở nên khép kín. Chỉ có bấy nhiêu phần của đường hầm vẫn còn mở. Bạn đi vào trong đường hầm đó, và đường hầm suy nghĩ đó của bạn không liên quan gì đến thực tế. Nó là ý nghĩ của bạn, nó chỉ là một rung cảm trong tâm trí của bạn, chỉ là một sự rung động. Đó là lý do tại sao người ta nói nếu quá chìm đắm trong suy nghĩ của mình, bạn sẽ không thể biết được sự thật là gì.
Tất cả các kiểu thiền định đều bao hàm một điều, đó là trạng thái không suy nghĩ. Và nếu trong tâm trí có ý nghĩ thì trong trái tim có cảm xúc. Ý nghĩ phải được gạt qua một bên nếu bạn muốn sự hiểu biết nảy sinh, và nếu muốn tình yêu thương nảy nở trong trái tim, bạn phải làm cho sự ủy mị và cảm xúc của mình biến mất.
Mọi người đã sẵn sàng chấp nhận rằng các ý nghĩ phải biến mất thì trí tuệ của bạn mới trở nên thuần khiết, nhưng họ vẫn chưa cân nhắc điều thứ hai - rằng trái tim của bạn chỉ thuần khiết khi cảm xúc và cái gọi là tình cảm của bạn biến mất. Nhiều người cho rằng sự ủy mị là tình cảm; không phải vậy. Các ý nghĩ không phải là trí thông minh và sự ủy mị không phải là tình yêu. Và chỉ có hai con đường đi tìm sự thật.
Tất cả các nhà thần bí đều nói về hai con đường: con đường của hiểu biết, của trí thông minh, và con đường của cảm nhận, của tình yêu. Nhưng cả hai đều cần cùng một thứ thiết yếu. Nếu bạn đang tìm kiếm sự thật bằng trí thông minh, vậy thì hãy dừng suy nghĩ để trí thông minh có thể hoạt động mà không bị cản trở. Còn nếu bạn đang tìm kiếm sự thật thông qua con đường tình yêu, hãy buông bỏ cảm xúc, sự ủy mị để tình yêu của bạn có thể hoạt động mà không bị cản trở. Hoặc là bạn sẽ nhìn thấy sự thật thông qua trái tim, tấm gương phản chiếu của trái tim, hoặc là bạn sẽ nhìn thấy nó qua tấm gương của trí thông minh. Cả hai đều hoàn toàn hiệu quả; bất kể bạn chọn hoặc cảm nhận điều gì, chúng đều hòa hợp với bạn hơn.
Con đường của trái tim là con đường nữ tính, còn con đường của trí thông minh, của thiền, của hiểu biết, là con đường nam tính. Nhưng hãy nhớ một điều: bạn có thể là nam về mặt sinh học, nhưng có thể không là nam về mặt tâm lý học. Bạn có thể là nữ về mặt sinh học nhưng có thể không là nữ về mặt tâm lý học. Bạn phải tìm hiểu khía cạnh tâm lý của mình. Sinh lý không quyết định được, chỉ có tâm lý mới quyết định. Nhiều phụ nữ sẽ tìm thấy sự thật qua con đường hiểu biết, và nhiều đàn ông sẽ tìm thấy sự thật qua con đường yêu thương.
Vì vậy, đừng mặc định rằng bởi vì về mặt sinh lý, bạn có một cơ thể đàn ông nên con đường kiến thức là con đường của bạn; không phải vậy. Một người đàn ông vừa là đàn ông vừa là đàn bà, và một người đàn bà vừa là đàn bà vừa là đàn ông. Nam tính và nữ tính giao nhau theo nhiều cách. Sự khác biệt duy nhất là ở điểm nhấn. Và nếu bạn nam tính ở phương diện này, bạn sẽ nữ tính ở phương diện khác, để bù trừ. Nếu bạn là đàn bà theo cách này, bạn sẽ là đàn ông theo cách khác để bù trừ, bởi vì tổng thể trọn vẹn phải ở trong trạng thái cân bằng tuyệt đối. Tất cả các khía cạnh nam tính và nữ tính của bạn - sinh học, sinh lý, tâm lý - phải tạo thành một thể tổng hòa; nếu không, bạn không thể tồn tại. Tất cả các khía cạnh đó phải được cân bằng một cách tuyệt đối.
Vì vậy, hãy nhìn vào bản thân bạn. Hãy tìm hiểu bạn là ai. Điều gì mang lại cho bạn lòng nhiệt huyết, sự hiểu biết hoặc tình yêu thương? Điều gì khiến bạn đắm say, hiểu biết hoặc yêu thương? Điều gì mang đến nhịp điệu ngân nga trong sự hiện hữu của bạn?
Albert Einstein không thể đi tìm sự thật thông qua con đường tình yêu; niềm vui của ông ấy đến từ trí thông minh.
Bạn chỉ có thể trao cho sự hiện hữu niềm vui của bạn, ngoài ra không còn gì khác nữa. Đó là quà tặng của bạn, món quà duy nhất; bạn không thể trao tặng những bông hoa từ cây cối, bạn chỉ có thể trao tặng những đóa hoa của bạn. Einstein mang đến một bông hoa trí tuệ tuyệt đẹp - đó là bông hoa mà ông ấy trao tặng cho sự hiện hữu. Đó là bông hoa của ông ấy; bông hoa đó đã nở rộ trên chính thân cây của ông ấy. Một Chaitanya hay Jesus là một kiểu người khác. Trái tim của họ đã rộng mở, họ đã nở rộ trong tình yêu. Họ có thể trao tặng bông hoa của họ. Bạn chỉ có thể trao tặng bông hoa của riêng mình, và để những bông hoa đó có thể nở, bạn phải loại bỏ những rào cản.
Một trí thông minh thật sự sẽ không bận rộn với những ý nghĩ. Đó là lý do tất cả các nhà khoa học vĩ đại đều nói rằng mỗi khi khám phá ra điều gì đó, họ đều khám phá nó không phải trong lúc suy nghĩ mà là trong lúc mọi suy nghĩ đều dừng lại và có một khoảng nghỉ, một khoảng trống xuất hiện. Trong khoảng trống đó là sự thấu hiểu: tia sáng trực giác, giống như ánh chớp.
Khi các ý nghĩ dừng lại, quá trình suy nghĩ của bạn trở nên thuần khiết. Chuyện này sẽ có vẻ rất nghịch lý. Tôi xin nhắc lại, khi ý nghĩ dừng lại, quá trình suy nghĩ của bạn trở nên thuần khiết, khả năng suy ngẫm thực tại của bạn trở nên thuần khiết. Khi cảm xúc biến mất, sự ủy mị biến mất, tình yêu của bạn trở nên thuần khiết.
Bất kỳ ai đi tìm sự thật cũng phải biết mình là ai, cho dù đôi khi thật khó đưa ra quyết định. Có những người mang trong mình một tỷ lệ quá suýt soát như 49% nữ tính và 51% nam tính, hoặc ngược lại, và thật khó để họ quyết định mình là ai. Vào buổi sáng, tỷ lệ có thể là 49% nam tính và 51% nữ tính; vào buổi tối, tỷ lệ đó có thể thay đổi. Bạn là một dòng chảy không ngừng thay đổi. Vào buổi sáng, bạn có thể chọn con đường tình yêu và vào buổi tối, bạn quyết định mình sẽ đi trên con đường hiểu biết.
Đôi khi, bạn mang dáng vẻ này bên ngoài, nhưng lại có tiềm năng của thứ khác bên trong. Đôi khi, một người đàn ông trông rất nam tính, nhưng sâu bên trong, anh ta có một trái tim rất mềm yếu. Có thể chính vì có trái tim mềm yếu đó nên anh ta mới phải tạo ra lớp áo giáp mạnh mẽ, hung hăng để bao bọc lấy mình - bởi vì anh ta sợ sự mềm yếu của chính mình. Anh ta sợ sự mềm yếu đó sẽ khiến mình dễ bị tổn thương, sợ nếu mở lòng thì anh ta sẽ bị mọi người lợi dụng và lừa dối, anh ta sẽ không có chỗ đứng trong thế giới đầy cạnh tranh này. Vì sợ sự mềm yếu của mình, anh ta trở nên khép kín, anh ta đã xây cả một Vạn Lý Trường Thành quanh trái tim mình. Anh ta cảm thấy mình mềm yếu và dễ tổn thương bao nhiêu thì anh ta trở nên hung hăng bấy nhiêu. Vì vậy, nếu nhìn nhận bản thân theo vẻ ngoài, anh ta sẽ nghĩ mình là một người rất cứng rắn, một chiến binh, một người rất có suy tính. Anh ta có thể đưa ra nhận định sai lệch vì chính tấm áo giáp của mình, anh ta có thể bị lừa dối bởi chính sự gian dối của mình. Anh ta đã tạo tấm áo đó để lừa dối người khác, nhưng có một điều bạn cần phải hiểu, đó là khi bạn đào hố để bẫy người khác, cuối cùng chính bạn sẽ rơi vào cái hố đó.
Hoặc ai đó có thể trông vô cùng nữ tính - ôn nhu, duyên dáng, tao nhã - và tận sâu bên trong, anh ta có thể là một người rất nguy hiểm, một Adolf Hitler, một Benito Mussolini hay một Thành Cát Tư Hãn. Chuyện đó cũng có thể xảy ra. Khi một người quá sợ sự hung hãn và bạo lực của mình, anh ta sẽ tạo ra một dáng vẻ mềm mại cho chính mình; nếu không, sẽ không có ai đồng cảm với anh ta. Anh ta sợ rằng không ai đồng cảm với mình, vì vậy, anh ta mới trở nên rất lịch sự, anh ta học phép tắc xã giao, anh ta luôn cúi chào mọi người, luôn mỉm cười để không ai có thể nhìn thấy sự hung bạo mà anh ta đang mang bên mình như một chất độc, như một con dao găm. Nếu bạn có một con dao găm, bạn phải giấu nó; nếu không, ai sẽ đồng cảm với bạn? Bạn không thể mang nó theo một cách công khai, bạn phải giấu nó ở đâu đó. Và một khi đã giấu nó ở đâu đó, dần dần, chính bạn sẽ quên mất nó.
Một trong những vai trò của một bậc thầy là giúp bạn tìm hiểu tiềm năng thật sự của mình, bởi vì đó là yếu tố quyết định: không phải áo giáp của bạn, không phải tính cách của bạn, không phải con người mà bạn thể hiện ra bên ngoài, mà là bạn trong phần sâu thẳm nhất của con người bạn. Đó là bạn đúng như sự hiện hữu đã tạo ra, chứ không phải như phiên bản mà xã hội hay chính bạn tạo ra. Chỉ từ thời điểm đó, mọi thứ mới bắt đầu phát triển.
Nếu bắt đầu tìm hiểu bản thân trong khi vẫn mặc áo giáp, bạn sẽ không bao giờ phát triển, bởi vì tấm áo giáp đó không bao giờ phát triển, nó là vật chết. Chỉ có bản thể của bạn mới có thể phát triển. Các cấu trúc không phát triển, chúng không có sự sống. Chỉ có cuộc sống bên trong bạn mới có thể phát triển: cuộc sống đó là món quà của tạo hóa.
Và sự thiền định có thể xảy ra theo hai cách. Cách thứ nhất là mọi sự chuyển động đều biến mất - khi đó, bạn ngồi giống như Phật, hoàn toàn tĩnh tại, như một pho tượng. Khi mọi chuyển động biến mất, người chuyển động biến mất, bởi vì người chuyển động không thể tồn tại nếu không có chuyển động. Sau đó, trạng thái thiền xảy ra.
Hoặc thiền sẽ xảy ra theo cách thứ hai, đó là bạn nhảy múa. Bạn không ngừng nhảy múa, nhảy múa và nhảy múa và một khoảnh khắc xuất thần xuất hiện, khoảnh khắc mà sự dao động của năng lượng đạt đỉnh điểm, đến mức trong sự dao động đó, cái tôi cứng như đá không thể tồn tại. Nó trở thành một cơn lốc. Tảng đá biến mất và chỉ còn nhảy múa. Sự chuyển động có ở đó nhưng người chuyển động không còn ở đó nữa. Một lần nữa, trạng thái thiền xảy ra.
Đối với những người đang theo đuổi con đường tình yêu, nhảy múa sẽ là cách thiền phù hợp một cách hoàn hảo. Còn đối với những người đang theo đuổi con đường hiểu biết, cách ngồi im như Phật, không di chuyển, sẽ có tác dụng.
Ngài có thể nói thêm về những kiểu người khác nhau không? Nhiều người có vẻ như đang dao động giữa kiểu cảm xúc và kiểu trí tuệ - vậy làm sao người ta có thể kết luận mình thuộc kiểu nào?
Việc này khó. Có ba kiểu vận hành cơ bản của con người được công nhận trong tâm lý học. Thứ nhất là kiểu trí tuệ, hay nhận thức. Thứ hai là kiểu cảm xúc, hay dễ xúc động. Thứ ba là kiểu hoạt động. Kiểu “trí tuệ” là những người thật sự ham học hỏi. Anh ta có thể đánh cược mạng sống của mình cho kiến thức. Người đang bào chế độc dược có thể tự nếm thử chất độc đó chỉ để biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi việc đó. Anh ta trông thật ngu ngốc khi làm vậy - bởi vì anh ta sẽ chết! Việc biết một chuyện gì đó có còn ý nghĩa gì không nếu bạn phải chết? Bạn sẽ làm gì với kiến thức đó? Thế nhưng kiểu trí tuệ luôn đặt sự hiểu biết lên trên sự sống, lên trên cuộc sống. Đối với anh ta, biết là sống, không biết là chết. Hiểu biết là tình yêu của anh ta, còn không hiểu biết thì đồng nghĩa với vô dụng.
Những người như Socrates, Phật, Nietzsche là những người tìm kiếm để biết hiện hữu là gì, chúng ta là gì; đối với họ, việc này là cơ bản. Socrates nói rằng một cuộc đời không hiểu biết là một cuộc đời không đáng sống. Nếu bạn không biết cuộc sống là gì, vậy thì nó vô nghĩa. Đối với chúng ta, chuyện này có thể không có ý nghĩa gì cả, câu nói đó có vẻ không có ý nghĩa gì cả, bởi vì chúng ta vẫn tiếp tục sống mà không cảm thấy cần phải biết cuộc sống là gì. Nhưng chúng ta đang nói về kiểu người sống để tìm hiểu. Kiến thức là tình yêu của anh ta. Kiểu người này đã xây dựng nên triết học. Triết học có nghĩa là “tình yêu kiến thức, để biết”.
Kiểu thứ hai là cảm xúc, họ cảm nhận. Đối với kiểu người này, kiến thức sẽ vô nghĩa nếu họ không cảm nhận được nó. Một điều gì đó chỉ có ý nghĩa với họ khi họ cảm nhận được nó - họ phải cảm nhận được nó! Việc cảm nhận diễn ra thông qua một trung tâm nằm sâu bên trong hơn, đó chính là trái tim. Sự hiểu biết là thông qua trí tuệ. Các nhà thơ thuộc về nhóm cảm nhận này - họa sĩ, vũ công, nhạc sĩ cũng vậy. Hiểu biết là không đủ. Nó khô khan, không có trái tim, vô tâm. Cảm nhận mới là thứ họ cần! Vì vậy, kiểu người trí tuệ có thể cắt xẻ một bông hoa để biết nó là gì, nhưng thi sĩ thì không. Anh ta có thể yêu bông hoa đó, và làm sao tình yêu có thể cắt xẻ một bông hoa? Anh ta có thể cảm nhận bông hoa, và anh ta biết sự am hiểu thật sự chỉ có thể đến thông qua cảm nhận.
Vì vậy, có thể một nhà khoa học biết nhiều hơn về một bông hoa, nhưng nhà thơ không bao giờ tin rằng nhà khoa học đó biết nhiều hơn. Nhà thơ biết rằng mình mới là người biết nhiều hơn, và anh ta biết theo kiểu thấu hiểu. Nhà khoa học chỉ biết về bông hoa như biết một người quen; nhà thơ thì biết một cách chân thành, anh ta chuyện trò với bông hoa. Nhà thơ không cắt xẻ bông hoa, anh ta không biết kết cấu của nó ra sao. Thậm chí anh ta còn có thể không biết tên của bông hoa, không biết nó thuộc giống gì, nhưng anh ta nói: “Tôi biết linh hồn của nó”.
Hoàng đế Trung Hoa ra lệnh cho họa sĩ, thiền sư Huệ Hải vẽ vài bức tranh hoa trong cung điện. Huệ Hải đáp: “Vậy ta sẽ phải sống cùng với những bông hoa”.
Nhưng Hoàng đế nói: “Không cần. Trong vườn của trẫm có đủ các loại hoa. Khanh hãy đến đó vẽ!”.
Huệ Hải giải thích: “Làm sao ta có thể vẽ hoa nếu không cảm nhận được hoa? Ta phải biết được linh hồn của hoa. Nhìn bằng mắt thì sao có thể thấy được linh hồn, sờ bằng tay thì làm sao chạm đến linh hồn? Thế nên ta phải sống cùng với những bông hoa. Đôi khi, ta chỉ cần nhắm mắt ngồi xuống cạnh chúng, cảm nhận làn gió mơn man, cảm nhận hương hoa thoang thoảng, ta có thể hòa mình với chúng trong im lặng. Đôi khi, bông hoa vẫn còn là nụ, đôi khi, bông hoa đã nở. Đôi khi, bông hoa chỉ mới nở và sắc thái của nó sẽ khác và đôi khi, bông hoa sắp tàn và sự héo úa đang cận kề. Có những lúc bông hoa rạng rỡ mừng vui và có lúc bông hoa buồn bã. Vì vậy, làm sao ta có thể chỉ đến nhìn và vẽ? Ta sẽ phải sống cùng những bông hoa. Và mỗi bông hoa được sinh ra đều sẽ chết vào một ngày nào đó - ta phải biết toàn bộ quá trình của nó, ta phải sống cùng bông hoa từ lúc nó nở đến khi nó úa tàn, và ta phải cảm nhận rất nhiều sắc thái của nó.
Ta phải biết bông hoa cảm nhận như thế nào khi màn đêm buông xuống và bóng tối bao trùm, nó cảm thấy ra sao vào buổi sáng khi vầng dương ló dạng, và khi một chú chim bay qua, khi một chú chim cất tiếng hót, nó cảm thấy như thế nào. Cả khi cơn dông kéo đến và khi vạn vật im lìm… Ta phải biết về bông hoa trong sự hiện hữu đa chiều đa dạng của nó - một cách gần gũi - như một người bạn, một người tham gia, một người chứng kiến, một người yêu. Ta phải đồng cảm với nó! Chỉ khi đó ta mới có thể vẽ nó, nhưng đồng thời ta cũng không thể hứa hẹn điều gì, bởi vì bông hoa có thể là một cái gì đó sâu và rộng đến mức ta không đủ khả năng vẽ nó. Vì nên ta không thể hứa, ta chỉ có thể cố gắng”.
Sáu tháng trôi qua, Hoàng đế bắt đầu mất kiên nhẫn và lên tiếng hỏi: “Cái gã Huệ Hải đó đâu rồi? Ông ta vẫn đang cố gắng giao tiếp với những bông hoa ư?”.
Người làm vườn đáp: “Chúng thần không thể làm phiền ông ấy. Ông ấy đã hòa mình vào khu vườn đến mức có những lúc chúng thần đi qua mà không thể cảm nhận được ông ấy ở đó - ông ấy đã trở thành một thân cây! Ông ấy vẫn đang tiếp tục suy ngẫm”.
Lại sáu tháng nữa trôi qua. Hoàng đế đến gặp Huệ Hải và hỏi: “Khanh đang làm gì vậy? Khi nào thì khanh mới bắt đầu vẽ?”.
Huệ Hải đáp: “Đừng làm phiền ta. Nếu muốn vẽ, ta phải quên hết việc vẽ đó. Vì vậy, đừng khiến ta nhớ lại việc đó nữa, và cũng đừng làm phiền! Làm sao ta có thể thân thiết với những bông hoa nếu ta làm vậy vì mục đích riêng? Làm sao mối quan hệ thân mật có thể xảy ra nếu ta chỉ ở đây như một họa sĩ và chỉ đang cố gắng kề cận chúng bởi vì ta phải vẽ chúng? Chuyện đó là bất khả thi! Không thể có bất kỳ thỏa thuận lợi ích nào ở đâu cả - và đừng quay trở lại nữa. Khi đến thời điểm thích hợp, ta sẽ tự đến gặp bệ hạ, nhưng ta không thể hứa. Thời điểm thích hợp đó có thể đến hoặc không”.
Hoàng đế đã chờ đợi suốt ba năm. Sau đó, Huệ Hải xuất hiện. Ông vào cung gặp Hoàng đế. Sau khi nhìn ông, Hoàng đế nói: “Bây giờ khanh đừng vẽ nữa… bởi vì khanh đã giống hệt một bông hoa. Trẫm nhìn thấy ở khanh mọi bông hoa mà trẫm từng thấy! Trong mắt của khanh, trong cử chỉ của khanh, trong những chuyển động của khanh, khanh đã trở thành một bông hoa”.
Bấy giờ, Huệ Hải đáp: “Ta đến chỉ để nói rằng bần đạo không thể vẽ, bởi vì người đàn ông suy nghĩ đến việc vẽ đã không còn nữa”.
Đây là một con đường khác, con đường của kiểu người cảm xúc, người nhận biết qua cảm nhận. Đối với kiểu người trí tuệ, để có thể cảm nhận thì trước hết, anh ta vẫn phải biết. Anh ta phải biết trước, sau đó mới có thể cảm nhận. Cảm nhận của anh ta cũng đến thông qua sự hiểu biết.
Tiếp theo là kiểu thứ ba, kiểu hoạt động - kiểu người sáng tạo. Anh ta không thể dừng lại ở hiểu biết hay cảm nhận, anh ta phải sáng tạo. Anh ta chỉ có thể biết thông qua hoạt động sáng tạo. Nếu không sáng tạo thứ gì đó, anh ta không thể biết nó. Chỉ khi trở thành một người sáng tạo, anh ta mới có thể trở thành một người hiểu biết.
Kiểu người thứ ba này sống trong hành động. Vậy “hành động” ở đây có nghĩa là gì? Có nhiều lựa chọn đang được bày ra trước mắt, nhưng kiểu người thứ ba này luôn hướng tới hành động. Anh ta sẽ không hỏi cuộc sống có ý nghĩa gì, hay cuộc sống là gì. Anh ta sẽ hỏi: “Sống để làm gì? Cuộc sống phục vụ cho mục đích nào? Sống để tạo ra cái gì?”. Nếu có thể sáng tạo, anh ta sẽ cảm thấy thoải mái. Những sáng tạo của anh ta có thể khác nhau. Anh ta có thể tạo ra con người, anh ta có thể xây dựng một xã hội, anh ta có thể vẽ nên một bức tranh - nhưng cho dù anh ta làm gì thì sự sáng tạo luôn ở đó. Hãy xem thiền sư Huệ Hải như một ví dụ: ông ấy không phải là kiểu người hành động, vì vậy, ông ấy hoàn toàn hòa mình vào cảm nhận. Nếu là kiểu người hành động, hẳn ông ấy đã vẽ. Chỉ bằng cách vẽ, ông ấy mới cảm thấy thỏa mãn.
Như vậy là có ba kiểu vận hành cơ bản của con người. Nhưng có nhiều điều bạn cần phải hiểu.
Thứ nhất, tôi nói rằng Đức Phật và Nietzsche đều thuộc kiểu thứ nhất - nhưng Đức Phật đi đúng hướng, còn Nietzsche thì sai. Nếu một người thuộc kiểu trí tuệ thật sự phát triển, anh ta sẽ trở thành Phật. Nhưng nếu đi sai đường, nếu điên tiết và quên mất trọng tâm, anh ta sẽ trở thành một Nietzsche, anh ta sẽ phát điên. Thông qua sự hiểu biết, anh ta sẽ không trở thành một linh hồn thấu tỏ, thông qua sự hiểu biết, anh ta sẽ phát điên. Thông qua sự hiểu biết, anh ta không thể có được sự tin tưởng sâu sắc. Anh ta không ngừng tạo ra những hết mối nghi ngờ này đến sự hoài nghi khác, và cuối cùng, vì bị mắc kẹt trong chính những nghi ngờ của mình, anh ta mất trí. Phật và Nietzsche đều thuộc cùng một kiểu vận hành, nhưng họ là hai thái cực. Nietzsche có thể trở thành Phật, và Phật có thể trở thành Nietzsche. Nếu Phật đi sai đường, ông ấy sẽ hóa điên. Nếu Nietzsche đi đúng đường, ông ấy sẽ trở thành một linh hồn thấu tỏ.
Đối với kiểu cảm nhận, chúng ta có nhà thần bí Ấn Độ Meera và tiểu thuyết gia người Pháp Marquis de Sade. Meera là kiểu cảm nhận đúng hướng. Nếu cảm nhận đi đúng hướng, nó phát triển thành tình yêu thiêng liêng - nhưng nếu đi sai, nó sẽ trở thành loạn dâm. De Sade cũng thuộc nhóm cảm nhận giống như Meera, nhưng năng lượng cảm nhận của ông ta bị lệch lạc và sau đó, ông ta chỉ có thể trở thành một tên biến thái, một kẻ điên loạn bất thường.
Nếu kiểu người cảm nhận đi sai hướng, anh ta sẽ trở thành kẻ biến thái về mặt tình dục. Nếu kiểu người trí thức đi sai hướng, anh ta sẽ trở nên hoài nghi điên cuồng.
Bây giờ chúng ta xét đến kiểu người hành động: cả Hitler và Gandhi đều thuộc về kiểu thứ ba này. Nếu kiểu hành động đi đúng hướng, chúng ta có Gandhi. Nếu đi sai, chúng ta có Hitler. Cả Gandhi và Hilter đều là kiểu hành động. Họ không thể sống mà không làm gì đó. Nhưng hành động có thể trở nên điên rồ, và Hitler là một kẻ điên rồ. Ông ta hành động, nhưng hành động đó gây ra sự hủy diệt. Nếu kiểu người hành động đi đúng hướng, anh ta sẽ kiến tạo; nếu đi sai hướng, anh ta sẽ trở thành kẻ phá hoại.
Đây là ba kiểu vận hành cơ bản, thuần túy. Nhưng không có ai vận hành theo một kiểu thuần túy; thử thách nằm ở đó. Ba kiểu này chỉ là những phạm trù - không có ai hoàn toàn thuộc về một kiểu, mọi người đều là sự pha trộn, cả ba kiểu này đều hiện diện trong mọi người. Vì vậy, vấn đề không phải là bạn thuộc kiểu nào; vấn đề thật sự là kiểu nào nổi trội trong bạn. Tôi cần giải thích rõ điều này: chúng ta có thể phân chia cách vận hành của con người thành nhiều kiểu, nhưng không có ai chỉ thuần túy thuộc về một kiểu, không một ai có thể, bởi vì cả ba kiểu đó đều có trong bạn. Nếu cả ba ở trạng thái cân bằng thì bạn có sự hòa hợp; nếu cả ba không cân bằng, bạn sẽ bị điên, phát rồ. Đó chính là thử thách của việc đưa ra quyết định. Vì vậy, hãy quyết định xem kiểu nào nổi trội hơn hẳn: đó chính là kiểu của bạn.
Làm thế nào để quyết định kiểu nào nổi trội hơn hẳn? Làm sao để biết mình thuộc kiểu nào hoặc kiểu nào có ý nghĩa hơn với mình, quan trọng với mình? Cả ba kiểu đều cùng hiện diện, nhưng một trong số đó sẽ là thứ yếu. Vì vậy, có hai yếu tố cần được nhớ. Thứ nhất, nếu bạn là kiểu hiểu biết, vậy thì về cơ bản, toàn bộ trải nghiệm của bạn đều sẽ bắt đầu với sự hiểu biết chứ không bao giờ với bất kỳ thứ gì khác. Ví dụ, nếu một người thuộc kiểu hiểu biết đem lòng yêu ai đó, anh ta không thể yêu từ cái nhìn đầu tiên. Anh ta không thể! Việc đó là bất khả thi! Trước tiên, anh ta phải biết, phải làm quen, và đó sẽ là một quá trình cần nhiều thời gian. Anh ta chỉ có thể quyết định sau khi đã trải qua một quá trình tìm hiểu lâu dài. Đó là lý do tại sao người thuộc kiểu này sẽ luôn bỏ lỡ nhiều cơ hội, bởi vì tình huống đó cần sự quyết đoán nhưng người thuộc kiểu trí tuệ không thể làm được. Và đó là lý do tại sao kiểu người này thường không bao giờ hành động. Anh ta không thể, bởi vì đến lúc anh ta có thể rút ra kết luận thì thời điểm quyết định đã trôi qua. Trong khi anh ta suy nghĩ, thời điểm đó đã trôi qua. Vào thời điểm anh ta đưa ra quyết định, quyết định đó đã thành vô nghĩa. Lúc cần quyết định thì anh ta không thể quyết định. Vì nên anh ta không thể hành động, thật sự không được. Và đây là một trong những thảm họa trên thế giới: những người có thể suy nghĩ thì không có khả năng hành động, còn những người có thể hành động thì không có khả năng suy nghĩ. Đây là một trong những thảm họa thường thấy nhất.
Và hãy luôn nhớ rằng có rất ít người thuộc kiểu hiểu biết. Tỷ lệ này rất nhỏ, nhiều nhất là 2% hoặc 3%. Đối với họ, mọi thứ sẽ bắt đầu bằng kiến thức. Chỉ khi đó, họ mới có cảm nhận và sau đó mới là hành động. Đây sẽ là trình tự đối với người thuộc kiểu này - biết, cảm nhận, hành động. Anh ta có thể bỏ lỡ cơ hội, nhưng anh ta không thể làm khác được. Anh ta sẽ luôn nghĩ trước tiên.
Điều thứ hai cần nhớ là kiểu hiểu biết sẽ bắt đầu với việc biết, sẽ không bao giờ kết luận trước khi biết, và sẽ không ủng hộ bất kỳ quan điểm nào trước khi biết rõ ưu và khuyết điểm của nó. Người thuộc kiểu hiểu biết sẽ trở thành nhà khoa học. Họ có thể trở thành một triết gia, khoa học gia, nhà quan sát công bằng tuyệt đối.
Vì vậy, bất kể bạn có hành động hay phản ứng gì trước các tình huống trong cuộc sống, hãy tìm hiểu xem nó bắt đầu từ đâu. Khởi điểm đó sẽ quyết định khuynh hướng nổi trội của bạn. Người thuộc kiểu cảm xúc sẽ bắt đầu cảm nhận trước và sau đó mới thu thập các lý lẽ. Lý lẽ sẽ chỉ là thứ yếu. Anh ta sẽ bắt đầu cảm nhận trước. Anh ta nhìn thấy bạn và trong thâm tâm, anh ta quyết định rằng bạn là tốt hay xấu. Quyết định này là một quyết định cảm tính. Anh ta không biết về bạn, nhưng anh ta sẽ quyết định bạn là ai ngay cái nhìn đầu tiên. Anh ta sẽ cảm nhận xem bạn tốt hay xấu và sau đó, anh ta sẽ tiếp tục thu thập lý lẽ cho kết luận mà mình đã rút ra trước đó.
Kiểu người cảm nhận sẽ quyết định trước, sau đó anh ta mới nói đến lý lẽ và hợp lý hóa. Vì vậy, hãy tự nhìn lại bản thân xem có phải khi vừa nhìn thấy ai đó, bạn sẽ quyết định trước rằng bạn tin người đó là tốt hay xấu, là yêu thương hay không biết yêu thương, sau đó bạn đưa ra lý lẽ, rồi bạn cố gắng thuyết phục bản thân tin vào cảm nhận của mình: “Tôi đã đúng, anh ấy tốt và đây là lý do. Tôi đã luôn biết như vậy và giờ đây, tôi phát hiện mình đúng. Tôi đã nói với những người khác. Giờ đây tôi có thể nói rằng anh ấy tốt”. Nhưng kết luận “anh ấy tốt” đã xuất hiện ngay từ đầu.
Vì vậy, với kiểu người cảm nhận, thuyết tam đoạn luận của logic được thực hiện theo hướng ngược lại. Kết luận được đưa ra trước, sau đó mới là quá trình phân tích. Với kiểu người lập luận, kết luận không bao giờ đến trước. Đầu tiên là quá trình suy luận, sau đó mới đến kết luận cuối cùng.
Vì vậy, hãy tiếp tục tìm hiểu về bản thân. Bạn quyết định mọi việc theo cách thức nào? Với kiểu người hoạt động, hành động diễn ra đầu tiên. Anh ta quyết định hành động ngay tức khắc, sau đó anh ta bắt đầu cảm nhận và cuối cùng anh ta đưa ra lý lẽ.
Tôi đã nói với bạn rằng Gandhi là kiểu hoạt động. Ông ấy quyết định trước; đó là lý do ông ấy nói: “Đây không phải là quyết định của tôi. Thượng đế đã quyết định trong tôi”. Ông ấy hành động ngay lập tức, không cần quá trình phân tích, vậy nên làm sao ông ấy có thể nói “Tôi đã quyết định”? Kiểu người suy nghĩ sẽ luôn nói “Tôi đã quyết định”. Kiểu người cảm nhận sẽ luôn nói “Tôi cảm thấy như vậy”. Nhưng kiểu người hoạt động - như Mohammed, như Gandhi - sẽ luôn nói: “Tôi không cảm nhận và cũng không suy nghĩ. Quyết định này tự đến với tôi”. Từ đâu? Không từ đâu cả! Nếu không tin vào Thượng đế, ông ấy sẽ nói: “Không từ đâu cả! Quyết định này đã nảy nở trong tôi. Tôi không biết nó đến từ đâu”.
Nếu ông ấy tin vào Thượng đế, vậy Thượng đế trở thành người đưa ra quyết định. Khi đó, Thượng đế khởi xướng mọi việc, và Gandhi tiếp tục làm phần việc của mình. Gandhi có thể nói: “Tôi đã sai, nhưng quyết định đó không phải của tôi”. Ông ấy có thể nói: “Có thể tôi đã không làm đúng chỉ dẫn, có thể tôi đã hiểu sai thông điệp, có thể tôi dấn thân chưa đủ, nhưng quyết định đó là của Thượng đế. Tôi chỉ cần chấp nhận nó, tôi chỉ cần nhận lệnh và nghe theo”. Đối với Mohammed, đối với Gandhi, đó là con đường của họ.
Tôi đã nói Hitler là một kiểu hành động bị lệch hướng, nhưng ông ta cũng nói chuyện theo cách này. Ông ta cũng nói: “Đây không phải là Adolf Hitler đang nói chuyện, đây là tinh thần của lịch sử! Đây là toàn bộ tâm trí của người thượng đẳng Aryan! Đây là một tâm trí dân tộc đang nói thông qua tôi”. Và quả thật, trong số những người đã nghe Hitler nói chuyện, có nhiều người đều cảm thấy khi ông ta nói, ông ta hoàn toàn không phải là Adolf Hitler. Như thể ông ta là phương tiện truyền thông của một thế lực lớn hơn.
Người thuộc kiểu hành động luôn như vậy. Bởi vì anh ta hành động ngay lập tức, bạn không thể nói rằng anh ta quyết định, anh ta nghĩ, anh ta cảm nhận. Không, anh ta hành động! Và hành động đó phát ra một cách vô cùng tự nhiên, làm sao bạn có thể hình dung được hành động đó đến từ đâu? Hoặc nó đến từ Thượng đế hoặc nó đến từ ma quỷ, nhưng hẳn là nó đến từ một nơi nào khác chứ không phải từ bản thân anh ta. Và sau đó, cả Hitler và Gandhi sẽ tiếp tục đưa ra lý lẽ cho quyết định của mình; nhưng việc đầu tiên của họ là quyết định.
Vì vậy, đây là ba kiểu người cơ bản. Nếu hành động đến với bạn đầu tiên và sau đó mới đến cảm nhận rồi đến suy nghĩ, vậy thì bạn có thể xác định được đặc điểm nổi trội của mình. Và việc xác định được yếu tố nổi trội đó rất hữu ích, bởi vì khi đó, bạn có thể xử lý mọi việc theo đường thẳng; nếu không, tiến trình của bạn sẽ luôn ngoằn ngoèo. Khi không biết mình là kiểu người nào, bạn sẽ lãng phí thời gian đi theo các chiều hướng và định hướng không phù hợp với mình. Khi biết mình vận hành theo kiểu nào, bạn biết phải làm gì với bản thân, làm như thế nào và bắt đầu từ đâu.
Việc đầu tiên là lưu ý yếu tố nào đến trước và yếu tố nào đến sau. Và yếu tố đến sau có thể trông rất lạ. Ví dụ, kiểu người hoạt động có thể dễ dàng làm điều ngược lại, tức là anh ta có thể dễ dàng thư giãn. Cách thư giãn của Gandhi thật kỳ diệu, ông ấy có thể nghỉ ngơi ở bất cứ nơi nào. Chuyện này có vẻ rất nghịch lý. Người ta thường nghĩ người thuộc kiểu hoạt động phải căng thẳng tới mức không thể thư giãn, nhưng sự thật không phải vậy. Chỉ có người thuộc kiểu hoạt động mới có thể thư giãn một cách dễ dàng. Kiểu người suy nghĩ không thể dễ dàng nghỉ ngơi, kiểu người cảm nhận thậm chí còn thấy khó thư giãn hơn, nhưng một người hoạt động có thể nhanh chóng thả lỏng bản thân.
Vì vậy, việc thứ hai cần xem xét là bất kể thuộc kiểu người nào, bạn đều có thể chuyển sang trạng thái ngược lại một cách rất dễ dàng. Nói cách khác, nếu bạn có thể chuyển sang trạng thái ngược lại, đó là dấu hiệu cho biết yếu tố nổi trội của bạn là gì. Nếu có thể thư giãn một cách dễ dàng, bạn thuộc về kiểu hoạt động. Nếu có thể nhanh chóng chuyển sang trạng thái không suy nghĩ, bạn thuộc kiểu người suy nghĩ. Nếu có thể dễ dàng bước vào trạng thái không cảm nhận, bạn thuộc kiểu người cảm nhận.
Điều này có vẻ lạ bởi vì thông thường, chúng ta nghĩ: “Kiểu người cảm nhận làm sao có thể chuyển sang trạng thái không cảm nhận? Kiểu người suy nghĩ làm sao có thể bước vào trạng thái không suy nghĩ? Kiểu người hoạt động làm sao có thể đi vào trạng thái không hoạt động?”. Nhưng điều này chỉ có vẻ nghịch lý chứ thực chất không phải như vậy. Một trong những quy luật cơ bản của thế giới này là các cực đối lập thuộc về nhau, hai thái cực thuộc về nhau. Chuyện này giống như con lắc đồng hồ lắc đến cực trái, sau đó lắc qua cực phải, và khi đến được cực phải, nó lại bắt đầu di chuyển sang trái. Trong quá trình di chuyển sang phải, con lắc tích lũy động lực cho hành trình di chuyển sang trái. Trong lúc lắc sang bên trái, nó chuẩn bị để lắc sang bên phải. Vì vậy, chuyển sang cực đối lập là việc rất dễ dàng.
Hãy nhớ, nếu bạn có thể dễ dàng thư giãn thì bạn thuộc kiểu người hoạt động. Nếu có thể thiền một cách dễ dàng, bạn thuộc kiểu người suy nghĩ. Đó là lý do tại sao Đức Phật có thể đi vào trạng thái thiền định một cách thật dễ dàng, và đó là lý do tại sao Gandhi có thể nhanh chóng thư giãn. Bất cứ khi nào có thời gian, Gandhi sẽ ngủ. Giấc ngủ đến với ông ấy quá dễ dàng.
Một Đức Phật có thể chuyển sang trạng thái không suy nghĩ, một Socrates có thể đi vào trạng thái không suy nghĩ, một cách rất dễ dàng. Thường thì chuyện đó có vẻ kỳ lạ. Một người suy nghĩ nhiều thì làm sao có thể ngừng suy nghĩ? Làm sao anh ta có thể đi vào trạng thái không suy nghĩ? Toàn bộ thông điệp của Đức Phật đều là thông điệp về sự không suy nghĩ, và ông ấy là kiểu người suy nghĩ. Ông ấy suy nghĩ nhiều đến mức vẫn thuộc về thời đại này. Hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua nhưng tư tưởng của Đức Phật vẫn là tư tưởng đương đại. Không ai có tư tưởng đương đại nhiều như Đức Phật. Ngay cả một nhà tư tưởng hiện đại cũng không thể nói rằng Đức Phật đã lỗi thời. Ông ấy đã suy nghĩ rất nhiều, tư tưởng của ông ấy đi trước thời đại của ông ấy hàng thế kỷ và ông ấy vẫn đang còn sức hấp dẫn. Vì vậy, bất kỳ nhà tư tưởng nào, ở bất kỳ nơi nào, cũng đều bị thu hút bởi Đức Phật, bởi vì Đức Phật là nhà tư tưởng ở dạng thuần túy nhất. Nhưng thông điệp của Đức Phật là “Đi vào trạng thái không suy nghĩ”. Những người đã suy nghĩ sâu sắc luôn nói rằng hãy đi vào trạng thái không suy nghĩ.
Và kiểu người cảm nhận có thể đi vào trạng thái không cảm nhận. Ví dụ, Meera là kiểu người cảm nhận; Chaitanya là kiểu người cảm nhận. Cảm xúc của họ đong đầy đến mức họ không thể chỉ yêu thương một vài người hay một vài thứ. Họ phải yêu cả thế giới. Đây là kiểu của họ. Họ không thể thỏa mãn với tình yêu bị giới hạn. Tình yêu phải là vô hạn; nó phải được lan tỏa đến vô cùng.
Một ngày nọ, Chaitanya đến gặp một thầy giáo. Chaitanya đã giác ngộ bằng chính nỗ lực của mình; ông ấy đã nổi danh khắp Bengal. Ông ấy đến gặp một người thầy của trường phái Vedanta và quỳ xuống cúi đầu chạm chân của người này. Người thầy sững sờ, vì ông rất kính trọng Chaitanya. Ông nói: “Sao ngài lại đến tìm tôi? Ngài muốn gì? Ngài đã tự khai sáng bản thân, tôi không thể dạy ngài bất cứ điều gì”. Chaitanya đáp lời: “Bây giờ, tôi muốn đi vào vairagya, trạng thái không gắn bó. Tôi đã sống cả đời bằng cảm nhận và bây giờ tôi muốn chuyển sang trạng thái không cảm nhận. Vì vậy, hãy giúp tôi”.
Kiểu người cảm nhận có thể bước vào trạng thái không gắn bó, và Chaitanya đã làm vậy. Ramakrishna là kiểu người cảm nhận, và cuối cùng, ông ấy đã chuyển sang trường phái Vedanta. Ông ấy đã hiến dâng cả đời mình cho Nữ thần Kali, và cuối cùng, ông trở thành đệ tử của Totapuri, một người thầy thuộc trường phái Vedanta và được dẫn dắt vào thế giới của sự không cảm nhận. Nhiều người đã bày tỏ thắc mắc với Totapuri: “Làm sao thầy có thể khai tâm cho Ramakrishna? Ông ấy là kiểu người cảm nhận! Đối với ông ấy, tình yêu là thứ duy nhất có ý nghĩa. Ông ấy có thể cầu nguyện, có thể tôn thờ, có thể nhảy múa, có thể đi vào trạng thái xuất thần. Ông ấy không thể đi vào trạng thái không gắn bó, ông ấy không thể di chuyển đến cảnh giới bên ngoài cảm xúc”.
Nghe xong, Totapuri đáp: “Đó là lý do tại sao ông ấy có thể đến với trạng thái đó, và ta sẽ khai tâm cho ông ấy. Anh không thể; ông ấy thì có thể”.
Vì vậy, yếu tố quyết định thứ hai là xem xét liệu bạn có thể chuyển sang trạng thái đối lập hay không. Hãy xem điểm bắt đầu là gì và sau đó, hãy xem tiến trình có đang di chuyển về hướng đối lập hay không. Đó là hai việc bạn cần lưu ý. Bên cạnh đó, hãy không ngừng tìm kiếm bên trong bạn. Trong suốt hai mươi mốt ngày, hãy luôn ghi nhớ hai điều này. Thứ nhất, bạn phản ứng như thế nào trước một tình huống - điểm bắt đầu là gì, hạt giống, sự khởi đầu - và sau đó bạn có thể dễ dàng chuyển sang trạng thái đối lập nào. Đến trạng thái không suy nghĩ? Không cảm nhận? Hay là không hành động? Và trong vòng hai mươi mốt ngày, bạn có thể hiểu mình thuộc kiểu nào - tất nhiên là tôi đang nói tới kiểu nổi trội nhất của bạn.
Hai kiểu còn lại sẽ ở đó như hai cái bóng, bởi vì không có ai chỉ thuần túy thuộc về một kiểu. Chuyện đó là không thể. Cả ba kiểu này đều hiện diện bên trong bạn, nhưng chỉ có một kiểu quan trọng hơn hai kiểu còn lại. Và một khi bạn biết mình thuộc kiểu nào, hành trình của bạn sẽ trở nên rất dễ dàng và suôn sẻ. Khi đó, bạn không lãng phí năng lượng của mình. Khi đó, bạn không tiêu tốn năng lượng một cách không cần thiết cho những con đường không thuộc về mình.
Nếu không xác định được kiểu của mình, có thể bạn vẫn tiếp tục làm rất nhiều việc và bạn chỉ gây ra sự bối rối, thứ duy nhất bạn tạo ra là sự phân tách. Thậm chí cũng tốt nếu bạn thất bại theo đúng bản chất của mình, bởi vì chính sự thất bại đó sẽ giúp bạn cải thiện. Nhờ nó, bạn sẽ trưởng thành, bạn sẽ hiểu biết, bạn sẽ trở nên vĩ đại hơn. Vì vậy, ngay cả thất bại cũng có ích nếu nó phù hợp với kiểu của bạn.
Hãy tìm hiểu xem bạn là người thuộc kiểu nào, hoặc kiểu nào nổi trội hơn. Sau đó, hãy bắt đầu phát huy đúng với kiểu của mình. Khi bạn làm được như vậy, mọi sự sẽ trở nên dễ dàng.
Ngài có thể cho biết các kỹ thuật hoặc phương pháp thiền phù hợp nhất cho từng kiểu người không? Tôi cảm thấy mình thuộc kiểu “trái tim” hoặc “cảm nhận”, nhưng tôi không chắc.
Trái tim có một cách giao tiếp khác, đó là kiểu giao tiếp năng lượng mà người ta nói rằng nhiều thánh nhân trên thế giới đã sử dụng. Thánh Francis thành Assisi là nhân vật nổi tiếng nhất trong số đó. Giờ đây, kiểu giao tiếp năng lượng đã là một chân lý khoa học; ngày nay, nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới nói rằng thực vật có mức độ cảm nhận rất sâu sắc, sâu sắc hơn cả con người, bởi vì cảm nhận của con người bị quấy nhiễu bởi tâm trí, bởi trí tuệ. Con người đã hoàn toàn quên cách cảm nhận; ngay cả khi anh ta nói “Tôi cảm thấy” thì sự thật là anh ta đang nghĩ mình cảm thấy.
Người ta đến gặp tôi và nói: “Chúng tôi đang yêu”. Nếu tôi hỏi ngược lại: “Có thật là các bạn đang yêu không?”, họ sẽ nhún vai và nói: “À, chúng tôi nghĩ là chúng tôi đang yêu”. Cảm nhận đó không trực tiếp, nó đến thông qua cái đầu. Và khi cảm nhận đến thông qua cái đầu, nó không rõ ràng. Nó không sôi sục lên từ trái tim.
Nhưng các nhà nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng không chỉ chim chóc mà cả cây cối, và không chỉ cây cối mà thậm chí là kim loại đều có độ nhạy cảm. Chúng cảm nhận - và chúng cảm nhận rất nhiều. Chúng truyền đạt những thông điệp mà có thể bạn không nắm bắt được, nhưng giờ đây, các nhà khoa học đã tạo ra các thiết bị có khả năng phát hiện những thông điệp này. Nếu sợ hãi, chúng bắt đầu run rẩy. Có thể bạn không nhìn thấy sự run rẩy đó; nó rất khó nhận thấy. Ngay cả khi trời đứng gió, các thiết bị cũng phát hiện được nhiều cơn run rẩy đang diễn ra bên trong những thân cây. Khi hạnh phúc, chúng ngây ngất; các thiết bị cho thấy những cái cây đó đang trong trạng thái ngất ngây. Có lúc chúng đau đớn, sợ hãi, giận dữ, điên cuồng - giờ đây, đủ loại cảm nhận đều có thể được phát hiện.
Có chuyện gì đó có ảnh hưởng sâu sắc đã xảy ra với con người: một vết thương, một tai nạn. Con người đã mất kết nối với cảm xúc của mình.
Nếu bạn trò chuyện với cây cối, chim chóc, động vật trong một khoảng thời gian đủ dài - và nếu bạn không cảm thấy mình ngớ ngẩn, bởi vì tâm trí sẽ can thiệp và nói với bạn rằng hành động đó thật ngớ ngẩn - nếu bạn không bị cuốn theo tâm trí mà thay vào đó, bạn bỏ qua nó và kết nối trực tiếp với trái tim, khi đó, một nguồn năng lượng cảm xúc dồi dào sẽ được giải phóng trong bạn. Bạn sẽ trở thành một kiểu hiện hữu hoàn toàn mới. Bạn chưa từng biết mọi sự có thể diễn ra theo cách này. Bạn sẽ trở nên nhạy cảm - nhạy cảm với nỗi đau và với niềm vui.
Đó là lý do tại sao con người đã ngừng cảm nhận: bởi vì khi trở nên nhạy cảm với niềm vui, bạn cũng nhạy cảm với nỗi đau. Càng có khả năng cảm nhận hạnh phúc, bạn càng có khả năng cảm nhận nỗi bất hạnh.
Nỗi sợ đó, nỗi sợ rằng mình có thể trở nên bất hạnh, đã khiến bạn khép kín, đã giúp tâm trí con người tạo ra các rào cản để bạn không thể cảm nhận. Khi bạn không thể cảm nhận, các cánh cửa đều đóng lại. Bạn không thể trở nên bất hạnh và bạn cũng không thể trở nên hạnh phúc.
Nhưng hãy thử cách này; đây là một kiểu cầu nguyện, bởi vì nó từ trái tim đến trái tim. Trước hết, hãy thử với con người - chẳng hạn như với con của bạn, bạn hãy im lặng ngồi cùng nó và để cho bản thân cảm nhận. Đừng đưa tâm trí vào. Hãy ngồi cùng vợ hoặc chồng của bạn, hoặc với bạn bè, trong một căn phòng tối và chỉ nắm tay nhau chứ không làm gì cả, chỉ cố gắng cảm nhận nhau. Ban đầu sẽ gian nan, nhưng dần dần, bạn sẽ có một cơ chế khác hoạt động bên trong mình và bạn sẽ bắt đầu cảm nhận.
Một số người có thể dễ dàng khôi phục con đường cảm nhận của trái tim. Con đường đó không bị hủy hoại bên trong họ. Đối với những người khác, việc này có thể rất khó khăn. Một số người hướng về cơ thể, một số người hướng về trái tim, một số người hướng về tâm trí. Những người hướng về trái tim có thể dễ dàng làm sống lại kiểu cảm nhận này.
Những người có khuynh hướng sống lý trí sẽ rất khó có được cảm nhận. Đối với họ, lời cầu nguyện không tồn tại. Phật Thích Ca Mâu Ni, Mahavira và các nhà thần bí Kỳ Na giáo sống cùng thời đều là những người hướng về tâm trí. Đó là lý do tại sao họ không dạy về sự cầu nguyện. Họ là những người thông minh, được đào tạo về mặt trí tuệ, logic. Họ phát triển phương pháp thiền định nhưng họ không nói về cầu nguyện. Không có gì giống như cầu nguyện tồn tại trong Kỳ Na giáo; nó không thể tồn tại. Lời cầu nguyện có tồn tại trong đạo Hồi - Mohammed là người hướng về trái tim, ông ấy có đặc điểm khác. Cơ Đốc giáo có lời cầu nguyện - Jesus là người hướng về trái tim. Cầu nguyện cũng tồn tại trong Hindu giáo, nhưng không tồn tại trong Phật giáo hay Kỳ Na giáo. Không có hoạt động cầu nguyện trong những tôn giáo này.
Bên cạnh đó, có những người tập trung vào cơ thể. Họ là những người ủng hộ tiềm ẩn của chủ nghĩa khoái lạc.
Đối với họ, không có cầu nguyện, không có thiền định - chỉ có sự mê đắm trong cơ thể. Đó là con đường hạnh phúc chính yếu của họ, con đường hiện hữu chính yếu của họ.
Vì vậy, nếu bạn là người hướng về trái tim - nếu bạn cảm nhận nhiều hơn suy nghĩ, nếu âm nhạc làm rung động trái tim bạn, nếu thơ ca chạm đến bạn, nếu vẻ đẹp bao quanh bạn và bạn có thể cảm nhận được nó - khi đó, cầu nguyện chính là phương thức dành cho bạn. Bạn hãy bắt đầu trò chuyện với chim chóc và cây cối và bầu trời, việc này sẽ hữu ích. Nhưng đừng biến cuộc trò chuyện thành việc của tâm trí, hãy để nó đi từ trái tim đến trái tim. Hãy kết nối.
Đó là lý do tại sao những người thuộc nhóm cảm nhận nghĩ về Thượng đế như một người cha hay một người thân yêu, một nguồn năng lượng mà họ có kết nối sâu sắc. Những người hướng về lý trí luôn cười nhạo: “Anh đang nói nhảm gì vậy? Thượng đế như cha ư? Vậy mẹ ở đâu?”. Họ luôn biến chuyện đó thành trò cười bởi vì họ không hiểu được. Đối với họ, Thượng đế là chân lý. Đối với những người hướng về trái tim, Thượng đế là tình yêu. Còn đối với những người tập trung vào cơ thể, thế giới là Thượng đế - tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, quyền lực, danh tiếng.
Người hướng về cơ thể cần một cách tiếp cận khác. Trên thực tế, chỉ mới gần đây ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ, một loại công việc mới dành cho người hướng về cơ thể đã xuất hiện. Công việc đó dựa trên sự nhạy cảm của cơ thể. Một kiểu tâm linh mới đang được sinh ra.
Trong quá khứ, chúng ta có hai phương pháp tiếp cận tâm linh, đó là thiền định và cầu nguyện. Chưa từng có cách tiếp cận tâm linh nào đi theo hướng cơ thể. Có những người hướng về cơ thể nhưng họ luôn nói rằng không có tôn giáo, bởi vì họ từ chối cầu nguyện, từ chối thiền định. Họ là những người theo chủ nghĩa hưởng lạc, những người theo chủ nghĩa khoái lạc, những người vô thần nói rằng không có Thượng đế, rằng chúng ta chỉ có thân xác này và cuộc đời này là tất cả. Họ chưa bao giờ tạo ra một tôn giáo.
Nhưng giờ đây, một phương pháp tiếp cận mới đã xuất hiện và nó hướng vào phần cốt lõi nhất của cuộc sống. Phương pháp này ngày càng thu hút được những người có khuynh hướng tập trung vào cơ thể, và chuyện này thật tốt đẹp bởi vì những người này cần một cách tiếp cận khác với các nhóm còn lại. Họ cần một phương pháp mà thông qua đó, cơ thể của họ có thể hoạt động với tinh thần tôn giáo. Đối với những người này, Tantra1 có thể rất hữu ích. Cầu nguyện và thiền định sẽ không hiệu quả. Nhưng chắc chắn phải có một con đường đi từ cơ thể tới cốt lõi sâu thẳm nhất của con người.
Vì vậy, nếu bạn là người hướng về cơ thể, đừng nản lòng; có những cách thức giúp bạn đến với thế giới tâm linh thông qua cơ thể, bởi vì cơ thể cũng thuộc về tự nhiên và sự hiện hữu. Nếu bạn cảm thấy mình thuộc nhóm hướng về trái tim, hãy thử phương pháp cầu nguyện, các phương pháp biểu đạt nghệ thuật. Nếu bạn cảm thấy mình hướng về lý trí, hãy thử thiền.
1 Tantra trong tiếng Phạn có nghĩa là “tấm lưới dệt”, “mối liên hệ”, “một thể liên tục thống nhất”… Còn theo ngôn ngữ hiện đại, Tantra được gọi là “khoa học của sự đê mê”, là hành trình đạt đến giác ngộ qua con đường của cơ thể.
Ngài đã phát triển những cách thiền mới cho con người thời hiện đại - vậy những cách thiền của ngài sẽ hữu ích cho kiểu người nào?
Các phương pháp thiền của tôi khác nhau theo một cách nào đó. Tôi đã cố gắng đưa ra các phương pháp có thể áp dụng được cho cả ba kiểu người. Phần lớn cơ thể, phần lớn trái tim và phần lớn trí tuệ đều được sử dụng trong các phương pháp của tôi. Cả ba yếu tố được kết hợp với nhau, và chúng phát huy tác dụng khác nhau đối với những kiểu người khác nhau.
Một người hướng về cơ thể sẽ lập tức yêu thích những phương pháp thiền này - nhưng anh ta yêu thích phần vận động trong đó, và anh ta nói khi đến gặp tôi: “Tuyệt vời, những phần vận động thật thú vị, nhưng có những lúc tôi phải đứng im - và khi đó chẳng có gì cả”. Anh ta cảm thấy rất khỏe mạnh nhờ thực hành các bài thiền đó; anh ta cảm thấy kết nối với cơ thể nhiều hơn. Đối với người hướng về trái tim, phần thanh tẩy quan trọng hơn; trái tim được giải phóng, được thoát khỏi các gánh nặng và bắt đầu hoạt động theo một cách mới. Còn đối với kiểu người thứ ba, kiểu người thuộc về trí tuệ, anh ta yêu thích những phần cuối cùng của bài thiền, khi anh ta chỉ ngồi hoặc đứng im, khi nó trở thành thiền.
Cơ thể, trái tim, tâm trí - tất cả các phương pháp thiền định của tôi đều diễn ra theo cùng một trình tự. Chúng bắt đầu từ cơ thể, đi qua trái tim, chạm đến tâm trí và sau đó, chúng vượt lên trên.
Thông qua cơ thể, bạn kết nối với sự tồn tại. Bạn có thể xuống biển và thỏa thích bơi lội ở đó, nhưng đó chỉ là hoạt động của cơ thể chứ không có cảm nhận, không có suy nghĩ, hoàn toàn chỉ là hoạt động “của cơ thể”. Hãy nằm xuống trên bãi biển và để cơ thể cảm nhận bãi cát bên dưới, cảm nhận độ mát của nó, kết cấu của nó.
Chạy bộ là phương pháp thiền dành cho những người có khuynh hướng tập trung vào cơ thể. Tôi mới đọc một quyển sách rất hay, The Zen of Running (tạm dịch: Thiền chạy bộ). Tác giả phát hiện ra rằng bằng cách chạy bộ, bạn không cần thiền nữa, thiền sẽ diễn ra trong quá trình chạy bộ. Tác giả hẳn phải là kiểu người hướng về cơ thể. Chưa ai từng nghĩ rằng có thể thiền trong lúc chạy bộ - nhưng tôi biết, bản thân tôi từng yêu thích chạy bộ. Nó thật sự xảy ra. Nếu bạn tiếp tục chạy, nếu bạn chạy nhanh, hoạt động suy nghĩ sẽ dừng lại, bởi vì suy nghĩ không thể tiếp tục khi bạn đang chạy thật nhanh. Để suy nghĩ, bạn cần một chiếc ghế thoải mái; đó là lý do chúng ta gọi các nhà tư tưởng là “các triết gia ghế đệm”. Họ ngồi thư giãn trên một chiếc ghế, cơ thể họ hoàn toàn thả lỏng, khi đó, toàn bộ năng lượng của họ tập trung vào tâm trí.
Khi bạn đang chạy, toàn bộ năng lượng của bạn tập trung vào cơ thể, tâm trí không có cơ hội suy nghĩ. Và khi chạy nhanh, hít vào thở ra thật sâu, bạn trở thành chính cơ thể. Đến một lúc nào đó, bạn là cơ thể và không gì khác. Trong khoảnh khắc đó, bạn hòa làm một với vũ trụ, bởi vì không có sự phân chia. Không khí chảy tràn qua bạn và cơ thể của bạn hòa làm một. Một sự đồng điệu kỳ diệu xảy ra.
Đó là lý do tại sao các hoạt động thi đấu thể thao luôn hấp dẫn mọi người và các vận động viên. Đó là lý do tại sao trẻ em lại rất thích múa, chạy, nhảy: Chúng là cơ thể! Tâm trí của chúng chưa phát triển.
Nếu bạn cảm thấy mình là kiểu người hướng về cơ thể, chạy bộ có thể rất phù hợp với bạn: Hãy chạy khoảng hai, ba cây số mỗi ngày và biến nó thành một bài thiền. Nó sẽ biến đổi bạn hoàn toàn.
Nhưng nếu bạn cảm thấy mình hướng về trái tim, vậy hãy trò chuyện với chim chóc, cố gắng có được mối giao cảm. Hãy quan sát! Hãy chỉ chờ đợi, ngồi im lặng với lòng tin tuyệt đối và hoan nghênh chúng đến với bạn, và chúng sẽ bắt đầu ghé qua. Dần dần, chúng sẽ đậu trên vai bạn. Hãy chào đón chúng. Hãy trò chuyện với cây cối, với những tảng đá, nhưng hãy để đó là một cuộc trò chuyện từ trái tim, đầy cảm xúc. Có khóc, có cười. Nước mắt có thể mang lại cảm giác chân thành hơn lời nói, và nụ cười có thể mang lại cảm giác chân thành hơn lời nói, bởi vì chúng xuất phát từ thâm tâm. Không cần phải nói thành lời, chỉ cần cảm nhận. Ôm lấy thân cây và cảm nhận nó, như thể bạn bắt đầu hòa làm một với nó. Và sớm thôi, bạn sẽ cảm nhận nhựa cây không chỉ chảy trong thân cây, nó đã bắt đầu chảy trong bạn. Trái tim của bạn không chỉ đập trong bạn; có một sự hòa nhịp đến từ sâu trong thân cây. Bạn phải làm để cảm nhận.
Còn nếu bạn là kiểu người thứ ba, vậy thiền sẽ dành cho bạn. Chạy bộ sẽ không giúp ích gì. Bạn sẽ phải ngồi im giống như Phật, chỉ ngồi và không làm gì. Ngồi tĩnh tại đến mức ngay cả việc suy nghĩ cũng trông như một hoạt động và bạn dừng nó lại. Trong vài ngày, các ý nghĩ sẽ tiếp tục xuất hiện, nhưng nếu bạn tiếp tục ngồi, chỉ quan sát chúng, không phán xét, không ủng hộ hay phản đối, chúng sẽ không đến nữa. Dần dần, suy nghĩ sẽ dừng lại, các khoảng trống xuất hiện, các khoảng lặng sẽ xảy ra. Trong những khoảng lặng này, bạn sẽ thấy bản thể của mình được hé lộ.
Bạn có thể nhìn thấy sự hé lộ này thông qua cơ thể, thông qua trái tim hoặc thông qua cái đầu. Mọi khả năng đều có thể xảy ra bởi vì bản thể của bạn ở trong cả ba, nhưng cũng vượt lên trên chúng.