Quyền tự do của con người
Con người là sinh vật duy nhất có thể đè nén năng lượng của mình - hoặc có thể chuyển hóa chúng. Không sinh vật nào khác có thể làm được những việc này. Sự đè nén và chuyển hóa tồn tại như hai khía cạnh của một hiện tượng, và hiện tượng đó là con người có thể làm gì đó về bản thân mình.
Cây cối hiện hữu, động vật hiện hữu, chim chóc hiện hữu, nhưng chúng không thể tác động đến sự hiện hữu của chúng; chúng là một phần của sự hiện hữu đó. Chúng không thể đứng ngoài, chúng không thể là “người thực hiện”. Chúng hòa làm một với năng lượng của mình đến mức không thể tách rời.
Con người có thể làm nhiều việc. Anh ta có thể tác động đến bản thân. Anh ta có thể quan sát bản thân từ xa; anh ta có thể xem xét các năng lượng của mình như thể chúng tách biệt với anh ta. Và sau đó, anh ta có thể hoặc đè nén chúng hoặc chuyển hóa chúng.
Đè nén có nghĩa là chỉ cố gắng che giấu những năng lượng đang xuất hiện ở đó, không để cho chúng được hiện hữu, không cho phép chúng được biểu lộ. Chuyển hóa có nghĩa là thay đổi các năng lượng, hướng chúng tới một chiều không gian mới.
Sẽ có nỗi sợ, bởi vì bạn cảm thấy bị mất quyền kiểm soát, và một khi bị mất quyền kiểm soát, bạn không thể làm được gì. Tôi dạy bạn một cách kiểm soát mới - kiểm soát quá trình chứng kiến. Đó không phải kiểu kiểm soát của một tâm trí thao túng, mà là sự kiểm soát của một bản thể đang chứng kiến. Sự kiểm soát đó là dạng thức cao nhất có thể, và sự kiểm soát đó tự nhiên đến mức bạn không bao giờ cảm thấy mình đang kiểm soát. Đó là kiểu kiểm soát xảy ra một cách tự nhiên cùng với quá trình chứng kiến.
Nếu chọn sự đè nén, bạn có thể trở thành cái-gọi-là- con-người: giả tạo, nông cạn, rỗng tuếch, chỉ là những hình nộm, không phải là nguyên bản, không thật. Trong khi nếu chọn không theo đuổi sự đè nén mà thay vào đó là theo đuổi những mong muốn của mình, bạn sẽ trở nên giống như động vật: xinh đẹp, đẹp hơn cả con người được gọi là văn minh, nhưng vẫn chỉ là con vật. Khi đó, bạn không tỉnh thức, không nhận thức, không ý thức về khả năng phát triển, về tiềm năng con người của mình.
Nếu chuyển hóa năng lượng của mình, bạn sẽ trở nên thần thánh. Và hãy nhớ, khi tôi nói thần thánh, cả hai thứ đều được ngụ ý trong đó. Con vật hoang dã ở trong đó cùng với vẻ đẹp trọn vẹn của sự hiện hữu của nó. Con vật hoang dã đó không bị từ chối và cũng không bị phủ nhận, nó ở đó - phong phú hơn, bởi vì nó tỉnh thức hơn. Vậy là toàn bộ sự hoang dã ở trong đó cùng với vẻ đẹp của nó, và tất cả những gì nền văn minh đã luôn cố gắng ép buộc ta cũng ở đó, nhưng nó nảy sinh một cách tự nhiên chứ không phải do bị ép buộc. Một khi năng lượng được chuyển hóa, tính tự nhiên và tính thần thánh hội tụ bên trong bạn - tính tự nhiên với toàn bộ vẻ đẹp của nó, tính thần thánh với tất cả sự duyên dáng của nó.
Đó chính là bản chất của một nhà hiền triết. Trở thành một nhà hiền triết nghĩa là có được sự giao thoa giữa tự nhiên và sự thần thánh, giữa cơ thể và linh hồn, giữa cái ở dưới và cái ở trên, giữa mặt đất và bầu trời.
Ngài nói rằng chúng ta không nên đè nén và cũng không nên đắm chìm trong những cảm xúc như tức giận, mà nên duy trì sự tỉnh táo và tinh thần thiền định thụ động. Rõ ràng là chúng ta cần nỗ lực để tránh rơi vào trạng thái đè nén hoặc đắm chìm - nhưng chẳng phải như vậy cũng là một kiểu đè nén hay sao?
Không! Đó là một nỗ lực, không phải là “một kiểu đè nén”. Không phải mọi nỗ lực đều là sự đè nén.
Có ba loại nỗ lực. Một là nỗ lực liên quan đến quá trình thể hiện cảm xúc; khi bạn bộc lộ cơn giận của mình, đó là một nỗ lực. Loại nỗ lực thứ hai là khi bạn đè nén quá trình đó. Khi bộc lộ những gì mình đang làm, bạn đang đẩy năng lượng của mình ra ngoài, hướng tới một người, một đối tượng. Bạn đang ném năng lượng của mình ra ngoài và ai đó chính là mục tiêu. Năng lượng của bạn di chuyển sang người khác; nó là một nỗ lực của bạn. Ngược lại, khi đè nén, bạn kéo năng lượng đó trở lại khởi nguồn của nó, trở lại trái tim của bạn. Bạn ép nó quay lại; đó cũng là một nỗ lực, nhưng khác hướng. Khi bạn bộc lộ, nỗ lực đó hướng ra ngoài; còn khi bạn đè nén, nó quay lại với bạn.
Lựa chọn thứ ba - tỉnh táo, tỉnh táo thụ động - cũng là một nỗ lực nhưng theo chiều hướng khác. Khi bạn đưa ra lựa chọn này, năng lượng hướng lên trên. Ban đầu, nó là một nỗ lực. Khi tôi nói tỉnh táo một cách thụ động, điều đó nghĩa là ban đầu, ngay cả sự thụ động cũng là một nỗ lực. Chỉ khi bạn đã dần dần quen với nó hơn thì nó mới không còn là một nỗ lực. Và khi không còn là nỗ lực, nó trở nên thụ động hơn nữa - và càng thụ động thì lại càng có nhiều từ tính. Nó kéo năng lượng đi lên.
Nhưng ban đầu, mọi thứ đều là nỗ lực, vì vậy, đừng trở thành nạn nhân của những lời dạy bảo suông. Chính điều đó gây ra các vấn đề. Các nhà thần bí luôn nói về sự không nỗ lực; họ nói đừng nỗ lực gì cả. Nhưng ban đầu, ngay cả việc không nỗ lực cũng là một nỗ lực. Khi chúng tôi nói “hãy ở trong trạng thái không nỗ lực”, ý của chúng tôi chỉ đơn giản là đừng ép bản thân phải nỗ lực. Hãy để cho sự nỗ lực đến thông qua nhận thức. Nếu ép buộc mình phải nỗ lực, bạn sẽ trở nên căng thẳng. Nếu bạn trở nên căng thẳng, năng lượng giận dữ không thể di chuyển lên trên để được chuyển hóa. Sự căng thẳng di chuyển trên một hàng ngang; chỉ có một tâm trí không căng thẳng mới có thể ở trên, lơ lửng như một đám mây.
Hãy nhìn những đám mây đang trôi mà không cần tốn chút công sức nào - tương tự như vậy, bạn hãy đưa sự chứng kiến của bạn vào, giống như một đám mây đang trôi bồng bềnh. Ban đầu, việc này sẽ là một nỗ lực, nhưng hãy nhớ rằng phải như vậy thì nó mới trở thành một việc không cần đến nỗ lực. Bạn sẽ củng cố sự tỉnh thức và để cho nó xảy ra ngày càng nhiều hơn.
Việc này khó được thực hiện bởi vì ngôn ngữ gây ra khó khăn. Nếu tôi nói bạn hãy thư giãn, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ thực hiện một nỗ lực nào đó. Nhưng sau đó, tôi lại đề nghị bạn đừng nỗ lực gì cả, bởi vì nếu bạn nỗ lực, việc đó sẽ gây ra áp lực và bạn sẽ không thể thư giãn. Tôi nói bạn chỉ cần thư giãn. Khi đó, bạn cảm thấy bối rối và hẳn là bạn sẽ hỏi: “Vậy cuối cùng ý ngài là gì? Nếu không nỗ lực thì tôi phải làm gì?”.
Bạn không cần phải làm gì cả, nhưng ban đầu, việc không-làm-gì đó sẽ trông giống như một việc cần làm. Vì vậy, tôi sẽ nói: “Được rồi! Hãy nỗ lực một chút, nhưng hãy nhớ rằng nỗ lực đó sẽ bị bỏ đi. Hãy sử dụng nó như bàn đạp trong giai đoạn đầu. Bạn không hiểu được trạng thái vô vi; bạn chỉ hiểu được trạng thái hành động. Vì vậy, hãy sử dụng ngôn ngữ của hành động; hãy bắt tay vào hành động, nhưng hãy sử dụng nỗ lực chỉ như một bàn đạp. Và hãy nhớ, bạn bỏ bàn đạp đó lại phía sau càng sớm càng tốt”.
Tôi nghe kể khi về già, Mulla Nasruddin trở thành nạn nhân của chứng mất ngủ, ông ấy không thể ngủ được. Ông ấy đã thử mọi cách - tắm nước nóng, uống thuốc, sử dụng thuốc an thần, uống các loại si-rô - nhưng chẳng ích gì.
Cả gia đình ông đều phiền não, vì Mulla không ngủ được và ông ấy không để cho ai trong gia đình được ngủ. Ban đêm đã trở thành cơn ác mộng đối với mọi người.
Họ tuyệt vọng tìm kiếm mọi phương pháp, mọi loại thuốc có thể giúp Mulla ngủ được, vì cả nhà đã sắp phát điên. Cuối cùng, họ đưa về một nhà thôi miên. Họ vui vẻ đến gặp Mulla và nói: “Cha ơi, giờ thì cha không cần lo lắng nữa. Đây là một người đàn ông kỳ diệu. Ông ấy tạo ra giấc ngủ chỉ trong vòng vài phút. Ông ấy biết rõ phép màu đằng sau giấc ngủ, vậy nên cha đừng lo nữa. Chúng ta không cần phải sợ nữa, cha sẽ ngủ được thôi”.
Nhà thôi miên lấy ra một chiếc đồng hồ có dây xích và nói với Nasruddin: “Cần có một chút lòng tin để tạo ra phép màu. Ông cần tin tưởng tôi một chút. Chỉ cần tin tôi và như vậy ông sẽ ngủ say như một đứa trẻ. Hãy nhìn vào chiếc đồng hồ này”.
Nói xong, nhà thôi miên bắt đầu lắc đồng hồ sang phải rồi sang trái. Nasruddin nhìn vào chiếc đồng hồ, và nhà thôi miên nói: “Trái-phải, trái-phải. Hai mắt của ông rất mỏi, rất mỏi, rất mỏi. Ông đang chìm vào giấc ngủ, chìm vào giấc ngủ, chìm vào giấc ngủ”.
Mọi người đều vui mừng - họ hạnh phúc. Hai mắt của Mulla nhắm lại, đầu của ông ấy gục xuống và ông ấy trông như một đứa bé đang chìm vào giấc ngủ sâu. Nhịp thở rất đều. Nhà thôi miên nhận tiền công và đặt ngón tay lên môi để ra hiệu rằng gia đình không cần phải lo lắng, họ sẽ không còn phải phiền não vì mất ngủ nữa. Sau đó, ông ta nhẹ bước ra ngoài. Ngay khi ông ta vừa đi khỏi, Mulla hé một mắt và hỏi: “Cái tên khốn đó! Hắn đã đi chưa?”.
Mulla đã nỗ lực để thư giãn, vì vậy ông ấy thư giãn “như một đứa trẻ”. Ông ấy bắt đầu thở đều và nhắm mắt lại, nhưng đó đều là nỗ lực. Ông ấy đang giúp nhà thôi miên. Ông ấy nghĩ rằng mình đang giúp nhà thôi miên. Nhưng đó là nỗ lực của ông ấy, vì vậy, chẳng có gì xảy ra. Không có gì có thể xảy ra; Mulla vẫn thức. Giá mà ông ấy có thể ở trong trạng thái thụ động, giá mà ông ấy chỉ đơn giản là nghe những lời đang được nói ra, nhìn những gì đang được thể hiện trước mắt, hẳn giấc ngủ đã đến. Ông ấy không cần nỗ lực làm gì cả; ông ấy chỉ cần tiếp nhận một cách thụ động. Nhưng ngay cả việc đưa tâm trí vào trạng thái tiếp nhận thụ động đó cũng đòi hỏi bạn phải nỗ lực trong giai đoạn đầu.
Vì vậy, đừng sợ nỗ lực. Hãy bắt đầu với nỗ lực và nhớ rằng bạn phải vượt lên sự nỗ lực đó. Chỉ khi vượt lên như vậy thì bạn mới có thể trở nên thụ động, và nhận thức thụ động đó sẽ tạo ra phép màu.
Với sự nhận thức thụ động, tâm trí không còn ở đó. Lần đầu tiên, trung tâm hiện hữu nội tại của bạn được hé mở, và chuyện này có nguyên nhân của nó. Để hoàn thành bất cứ việc gì trong thế giới này, bạn đều cần phải nỗ lực. Nếu muốn làm việc gì đó ở thế giới bên ngoài, bạn cần nỗ lực. Nhưng nếu muốn làm việc gì đó ở thế giới bên trong, bạn không cần nỗ lực. Bạn chỉ cần thư giãn. Ở đó, vô vi là một nghệ thuật, cũng giống như hành động là một nghệ thuật ở thế giới bên ngoài.
Sự tỉnh thức thụ động này chính là bí quyết. Nhưng đừng để ngôn từ khiến bạn bối rối. Hãy bắt đầu với sự nỗ lực. Bạn chỉ cần nhớ là bạn phải rời bỏ nó và tiếp tục rời bỏ nó. Ngay cả việc rời bỏ đó cũng là một nỗ lực; nhưng sẽ đến một thời điểm khi mà mọi thứ đều biến mất. Khi đó, bạn ở đó, chỉ đơn giản là ở đó và không làm gì cả - chỉ ở đó, hiện hữu. Sự hiện hữu đó chính là bản chất của sự khai sáng, và tất cả những gì đáng biết, đáng có, đáng tồn tại đều xảy ra với bạn trong trạng thái đó.
Ngài từng nói hãy bỏ qua những ý nghĩ của tâm trí tiêu cực và đừng trao năng lượng cho chúng. Tôi thấy rất khó duy trì được ranh giới mong manh giữa việc phớt lờ những ý nghĩ này với việc đè nén chúng và đưa chúng quay lại vùng vô thức. Ngài có thể chỉ tôi cách phân biệt hai việc này không?
Bạn đã biết cách phân biệt chúng rồi, câu hỏi của bạn đã chứa đựng sự phân biệt. Bạn biết rất rõ khi nào bạn đang phớt lờ và khi nào bạn đang đè nén. Phớt lờ chỉ đơn giản là không chú ý đến điều gì đó. Có thứ gì đó ở đó; hãy cứ để nó ở đó. Bạn không quan tâm đến việc nó như thế này hay như thế kia, nó nên được giữ lại hay nên được bỏ đi. Bạn không phán xét. Bạn chỉ đơn giản chấp nhận rằng nó ở đó, và cho dù nó có nên ở đó hay không thì cũng không phải là việc của bạn.
Khi đè nén, bạn đang đóng một vai trò chủ động. Bạn đang giằng co với năng lượng đó, bạn đang ép nó đi vào vô thức. Bạn đang cố gắng không nhìn thấy nó ở bất cứ đâu. Bạn muốn biết rằng nó không còn ở đó.
Ví dụ, cơn giận đang ở đó; bạn chỉ cần ngồi im lặng và quan sát cơn giận đang ở đó. Hãy cứ để nó ở đó. Cơn giận có thể tồn tại được bao lâu? Bạn nghĩ nó là thứ bất diệt, vĩnh hằng hay sao? Nó đến và nó sẽ đi. Bạn chỉ cần đợi. Bạn không tác động gì đến việc này, dù là ủng hộ hay phản đối. Nếu bạn làm việc gì đó để ủng hộ cơn giận, như vậy tức là bạn đang thể hiện cơn giận, và khi đó, bạn sẽ gặp rắc rối bởi vì người kia có thể không phải là một thiền giả - nhiều khả năng anh ta không phải là một thiền giả. Anh ta cũng sẽ phản ứng, và phản ứng bằng cơn thịnh nộ dữ dội hơn. Giờ thì bạn rơi vào một vòng lẩn quẩn. Bạn tức giận, bạn khiến người khác tức giận và các bạn ngày càng giận dữ với nhau nhiều hơn. Sớm muộn gì cơn giận của bạn cũng sẽ trở thành một tảng đá mà bên trong chỉ toàn là hận thù và bạo lực. Và trong khi di chuyển trong vòng lẩn quẩn này, bạn cũng đang đánh mất ý thức của mình. Có thể bạn sẽ làm việc gì đó khiến mình hối hận về sau. Có thể bạn sẽ làm tổn thương ai đó, có thể bạn sẽ giết người, hoặc ít nhất là bạn có bị cám dỗ bởi mong muốn đó. Và khi giai đoạn đó qua đi, có thể bạn sẽ tự hỏi: “Mình chưa bao giờ nghĩ mình có thể sát hại ai đó!”. Nhưng bạn đã tạo ra năng lượng đó, và năng lượng có thể làm bất cứ điều gì. Năng lượng là trung tính. Nó có thể kiến tạo, nó có thể hủy diệt; nó có thể thắp sáng ngôi nhà của bạn hoặc nó có thể thiêu rụi ngôi nhà của bạn.
Phớt lờ có nghĩa là bạn sẽ không làm gì để tạo ra tác động. Cơn giận có ở đó. Bạn chỉ cần lưu ý điều đó, lưu ý rằng cơn giận có ở đó, như cách bạn nhìn thấy một cây sồi ở ngoài kia. Bạn có phải làm gì với chuyện đó không? Một đám mây đang bay trên trời; bạn có phải làm gì với chuyện đó không? Cơn giận cũng là một đám mây đang bay qua màn hình tâm trí của bạn. Vì vậy hãy quan sát; hãy để nó bay đi.
Và đây không phải là vấn đề “giữ ranh giới mong manh” gì cả. Đừng làm chuyện nhỏ hóa to. Đây là một vấn đề rất nhỏ và cách giải quyết rất đơn giản; bạn chỉ cần chấp nhận rằng nó ở đó. Đừng cố gắng loại bỏ nó, đừng cố gắng phản ứng với nó và đừng xấu hổ vì thấy mình tức giận. Ngay cả việc cảm thấy xấu hổ cũng là một hành động - bạn không thể để mình vô vi được sao?
Nỗi buồn ở đó, cơn giận ở đó. Hãy chỉ quan sát. Và hãy sẵn sàng đón nhận điều bất ngờ; nếu bạn có thể quan sát và khả năng quan sát của bạn vẫn thuần khiết chứ không bị vấy bẩn - bạn đang thật sự không làm gì cả mà chỉ quan sát - cơn giận sẽ từ từ qua đi. Nỗi buồn sẽ biến mất và chỉ còn lại bạn với một ý thức sáng rõ. Trước đó, bạn không sáng rõ như vậy, bởi vì có khả năng cơn giận đang ở đó. Nhưng giờ đây, khả năng đó đã trở thành hiện thực, và nó đã ra đi cùng với cơn giận. Bạn trở nên sạch sẽ hơn nhiều. Trước đó bạn đã không tĩnh lặng như vậy, không yên bình như vậy; nhưng bây giờ thì có. Nỗi buồn đã lấy đi một phần năng lượng; nó đã không cho bạn có được cảm giác hạnh phúc sâu sắc, nó đã làm mờ ý thức của bạn. Cơn giận, nỗi buồn và tất cả những cảm xúc tiêu cực khác đều đang ăn mòn năng lượng của bạn. Chúng đều ở đó bởi vì bạn đã luôn đè nén chúng, và bởi vì bạn đè nén chúng nên chúng không được thể hiện ra ngoài. Bạn đã đóng chặt cửa và bạn đã tống chúng xuống tầng hầm; chúng không thể thoát ra được. Ngay cả khi chúng muốn thoát ra thì bạn cũng không để chúng ra ngoài. Và chúng sẽ làm phiền bạn cả đời. Chúng sẽ trở thành những cơn ác mộng, những giấc mơ xấu xí khi đêm xuống, và vào ban ngày, chúng sẽ ảnh hưởng đến hành động của bạn.
Bên cạnh đó, luôn có khả năng một cảm xúc nào đó trở nên mãnh liệt đến mức bạn không thể kiểm soát được. Bạn đã không ngừng kìm nén, kìm nén và kìm nén, và đám mây đó trở nên ngày càng lớn. Đến một thời điểm nào đó, bạn không thể kiểm soát nó được nữa. Sau đó, có chuyện gì đó xảy ra. Thế giới sẽ nhìn nhận rằng bạn là người làm ra chuyện đó, nhưng những người hiểu biết sẽ thấy được rằng bạn không làm việc đó, bạn đang chịu ảnh hưởng của một thôi thúc vô cùng mạnh mẽ. Bạn đang hành xử như một con rô-bốt; bạn không thể làm gì được.
Bạn đang giết người, bạn đang cưỡng đoạt, bạn đang làm chuyện gì đó xấu xa - nhưng sự thật là bạn không làm việc đó. Bạn đã thu thập tất cả các nguyên vật liệu đó và chúng đã trở nên mạnh mẽ tới mức giờ đây, chúng có thể ép bạn làm rất nhiều việc: những việc mà bạn không muốn làm, những việc làm tổn hại bạn. Ngay cả khi đang làm những việc đó, bạn luôn biết chúng không đúng. Bạn biết “Mình không nên làm việc này. Sao mình lại làm việc này?”. Thế nhưng bạn vẫn sẽ làm.
Có rất nhiều kẻ sát nhân khi đứng trước tòa đều nói rất thật lòng rằng họ không giết người. Nhưng quan tòa không tin lời họ, luật pháp cũng không tin lời họ. Tôi có thể tin lời họ, nhưng tòa án và luật pháp đều còn non trẻ, còn chưa đủ trưởng thành. Tòa án và luật pháp vẫn chưa vận hành dựa trên nền tảng tâm lý học. Tòa án và luật pháp chỉ đơn giản là sự trả thù của xã hội - được mô tả bằng những mỹ từ nhưng thật ra chẳng khác gì việc mà kẻ sát nhân đã làm. Anh ta giết người, giờ đây xã hội muốn giết anh ta. Anh ta chỉ có một mình, nhưng xã hội có luật pháp, tòa án, cảnh sát, nhà tù. Và xã hội sẽ thực hiện một quy trình thủ tục rườm rà để tự chứng minh rằng “Chúng tôi không giết người đàn ông đó, chúng tôi chỉ đang cố gắng ngăn chặn tội ác”. Nhưng sự thật không phải như vậy.
Nếu bạn muốn ngăn chặn tội ác, các điều luật của bạn nên được xây dựng dựa trên tâm lý học, phân tâm học, thiền định. Khi đó, bạn sẽ nhận ra chưa từng có một cá nhân nào làm sai, chỉ có cả xã hội của bạn đang sai. Xã hội sai bởi vì nó dạy con người phải kìm nén, và bởi vì con người kìm nén nên đến một lúc nào đó, những thứ mà họ kìm nén bắt đầu vỡ òa và họ không thể làm gì được. Họ là nạn nhân. Tất cả những tên tội phạm trong xã hội của bạn đều là nạn nhân, còn các thẩm phán, chính trị gia và linh mục đều là tội phạm. Nhưng chuyện này đã diễn ra suốt hàng thế kỷ, vì vậy nó đã được con người chấp nhận.
Đừng làm gì cả, hãy chỉ phớt lờ… và việc này không khó, nó là một hiện tượng rất đơn giản. Ví dụ, có một cái ghế trong phòng của bạn. Bạn có thể phớt lờ nó không? Bạn có phải làm gì với nó không? Bạn không cần làm gì cả. Bạn chỉ cần nhìn vào những ý nghĩ trong tâm trí mình từ xa, từ một khoảng cách nhỏ đủ để bạn có thể nhận ra “Đây là cơn giận, đây là nỗi buồn, đây là sự dằn vặt, đây là nỗi bất an, đây là sự lo lắng” và cứ thế. Hãy để chúng ở đó. “Mình không bận tâm đến chúng. Mình sẽ không làm gì để ủng hộ hay phản đối chúng”. Và chúng sẽ bắt đầu biến mất.
Nếu có thể học được điều đơn giản này, học được cách để cho những ý nghĩ này biến mất, bạn sẽ có một ý thức sáng tỏ: tầm nhìn của bạn sẽ thật thấu suốt, hiểu biết của bạn sẽ thật sâu rộng đến mức nó không chỉ làm thay đổi cá nhân bạn mà còn tạo điều kiện cho những ý nghĩ bị dồn nén trong vô thức được nổi lên bề mặt. Khi nhận thấy rằng bạn đã học được cách không kìm nén, mọi thứ sẽ bắt đầu thoát ra ngoài. Chúng muốn bước ra thế giới ngoài kia. Chẳng ai muốn sống dưới tầng hầm tăm tối! Khi nhận thấy bạn đang để cho mọi thứ thoát ra ngoài và chúng không cần đợi đến đêm khi bạn say ngủ, chúng sẽ bắt đầu thoát ra. Bạn sẽ thấy chúng đi lên từ tầng hầm trong bản thể của bạn và di chuyển ra khỏi ý thức của bạn. Dần dần, vô thức của bạn sẽ trống rỗng.
Và đây là phép màu, là điều kỳ diệu: nếu vô thức trống rỗng, bức tường giữa ý thức và vô thức sẽ sụp đổ. Tất cả đều trở thành ý thức. Ban đầu, chỉ có một phần mười tâm trí của bạn là có ý thức; giờ đây, bạn có đủ cả mười phần ý thức. Bạn có ý thức gấp mười lần lúc trước. Và quá trình này có thể tiếp tục diễn ra với quy mô sâu rộng hơn; nó có thể giải phóng vô thức tập thể. Chìa khóa để mở ra quá trình đó vẫn như vậy. Nó có thể giải phóng vô thức vũ trụ. Và nếu có thể dọn sạch hết những phần vô thức bên dưới ý thức của bạn, bạn sẽ có một nhận thức đẹp đẽ đến mức việc tiến vào siêu vô thức sẽ dễ dàng như chim tung cánh.
Đó là bầu trời rộng mở của bạn. Chỉ vì bạn đã bị quá tải… quá nặng nề đến mức không thể cất cánh. Giờ đây, không còn gánh nặng nào nữa. Bạn nhẹ đến mức trọng lực không còn tác động lên tâm trí của bạn; bạn có thể bay đến siêu vô thức, đến tâm thức tập thể, đến tâm thức vũ trụ.
Sự thần thánh nằm trong tầm tay bạn. Bạn chỉ cần giải phóng những con quỷ mà bạn đã dồn ép vào tâm trí vô thức của mình. Hãy giải phóng những con quỷ này và sự thần thánh sẽ nằm trong tầm tay của bạn. Và cả hai có thể hạnh phúc bên nhau. Khi phần bên dưới đã tinh sạch, thế giới bên trên sẽ sẵn sàng cho bạn đón nhận. Tôi nhắc lại, hãy nhớ rằng đây là một quá trình đơn giản.
Mối quan hệ giữa làm chủ bản thân và kiểm soát bản thân là như thế nào?
Chúng tương phản nhau. Sự làm chủ bản thân không có cái tôi trong đó; nó hoàn toàn vị kỷ. Khả năng làm chủ tồn tại ở đó, nhưng không có cái tôi để nó điều khiển; không có gì để kiểm soát hay bị kiểm soát, chỉ có ý thức thuần khiết. Trong chính sự thuần khiết đó, bạn là một phần của tổng thể; trong chính sự thuần khiết đó, bạn chính là thần thánh. Nhưng không có cái tôi.
Khi nói “làm chủ bản thân”, chúng ta đang dùng sai từ. Nhưng chúng ta không thể làm gì để khắc phục, bởi vì ở những tầm cao này, tất cả các ngôn ngữ đều sai; trong những khoảnh khắc viên mãn này, không có ngôn từ nào đủ thích hợp. Trong sự kiểm soát có cái tôi; trong sự kiểm soát có nhiều cái tôi hơn bao giờ hết. Người không bị kiểm soát không có nhiều cái tôi, không có nhiều bản ngã đến như vậy - làm sao anh ta có thể có được? Anh ta biết các điểm yếu của mình.
Đó là lý do bạn sẽ bắt gặp một hiện tượng kỳ lạ, đó là những người được gọi là thánh nhân lại thường ích kỷ hơn những kẻ tội đồ. Kẻ tội đồ có tính người hơn, khiêm nhường hơn. Các thánh nhân hầu như đều vô nhân tính vì sự kiểm soát của họ: họ nghĩ họ vượt lên con người vì họ có thể kiểm soát được các bản năng của mình, họ có thể thực hiện những đợt nhịn ăn kéo dài, họ có thể nhịn hoạt động tình dục suốt nhiều năm hoặc cả đời. Họ có thể thức suốt nhiều ngày liên tiếp, không ngủ một phút nào bởi vì họ có thể kiểm soát cơ thể, kiểm soát tâm trí đến mức độ đó, và chuyện đó tất nhiên mang lại cho họ một cái tôi lớn. Nó giúp họ củng cố ý nghĩ “Mình là một người đặc biệt”. Nó dung dưỡng căn bệnh của họ.
Kẻ tội đồ khiêm tốn hơn. Anh ta buộc phải như vậy; anh ta biết mình không thể kiểm soát được gì. Khi cơn giận đến, anh ta tức giận. Khi tình yêu đến, anh ta yêu thương. Khi nỗi buồn đến, anh ta buồn. Anh ta không kiểm soát được cảm xúc của mình. Khi đói, anh ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có thức ăn; ngay cả nếu phải ăn cắp, anh ta cũng sẽ làm. Anh ta sẽ tìm mọi cách có thể.
Cộng đồng Sufi có một câu chuyện nổi tiếng khác:
Mulla Nasruddin và hai thánh nhân khác cùng hành hương đến thánh địa Mecca. Họ đi qua một ngôi làng, đó là chặng cuối trong hành trình của họ. Tiền chi tiêu cũng gần hết; họ chỉ còn lại vài đồng bạc lẻ. Họ mua một loại bánh ngọt mà người dân ở đây gọi là halva, nhưng chiếc bánh không đủ cho cả ba người và họ đều rất đói. Phải làm sao đây? Họ thậm chí còn không muốn chia chiếc bánh bởi vì như vậy sẽ không thỏa được cơn đói của ai. Vì vậy, cả ba người bắt đầu khoe khoang về bản thân để chứng tỏ “Tôi quan trọng hơn đối với sự hiện hữu, vì vậy, tôi cần được cứu”.
Thánh nhân thứ nhất nói: “Tôi đã nhịn ăn, tôi đã cầu nguyện suốt nhiều năm; không có bất kỳ người nào ở đây mộ đạo và thánh thiện hơn tôi. Và Thượng đế muốn tôi được cứu, vì vậy, chiếc bánh halva này phải được trao cho tôi”.
Tiếp theo, thánh nhân thứ hai nói: “Vâng, tôi biết ông là một nhà tu khổ hạnh vĩ đại, nhưng tôi là một học giả vĩ đại. Tôi đã nghiên cứu mọi kinh sách, tôi đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho tri thức. Thế giới không cần người biết nhịn ăn. Ông có thể làm gì? Ông chỉ có thể nhịn ăn. Ông có thể nhịn ăn trên thiên đường! Thế giới cần kiến thức. Thế giới này quá ngu dốt nên nó không thể không có tôi. Chiếc bánh halva đó phải được trao cho tôi”.
Lần này, đến lượt Mulla Nasruddin nói: “Tôi không phải là nhà tu hành khổ hạnh, vì vậy tôi không thể khẳng định khả năng kiểm soát bản thân của mình. Tôi cũng không phải là người học sâu hiểu rộng, vậy nên tôi cũng không thể khoe về chuyện đó. Tôi là một kẻ có tội bình thường, và tôi nghe nói Thượng đế luôn từ bi với những kẻ tội đồ. Chiếc bánh halva này thuộc về tôi”.
Cả ba người không thể đưa ra quyết định cuối cùng. Sau cùng, họ thống nhất rằng cả ba nên đi ngủ mà không ăn bánh: “Hãy để Thượng đế quyết định. Hãy xem đêm nay Thượng đế ban cho ai giấc mơ đẹp nhất, và vào sáng mai, giấc mơ đó sẽ quyết định ai là người được ăn chiếc bánh”.
Sáng hôm sau, thánh nhân khổ hạnh nói: “Giờ thì mọi sự đã rõ, không ai có thể cạnh tranh với tôi được nữa. Hãy đưa chiếc bánh cho tôi, bởi vì trong giấc mơ, tôi đã hôn chân Thượng đế. Đó là trải nghiệm tối thượng mà con người có thể hy vọng có được - còn có trải nghiệm nào tuyệt vời hơn?”.
Nghe vậy, thánh nhân hiểu biết bật cười và nói: “Đó chẳng là gì, bởi vì Thượng đế đã ôm và hôn tôi! Ông hôn chân Người ư? Người đã ôm và hôn tôi! Chiếc bánh đâu rồi? Nó thuộc về tôi”.
Cuối cùng, cả hai nhìn Nasruddin và hỏi: “Ông đã mơ gì?”.
Nasruddin đáp: “Tôi là một tội đồ tội nghiệp, giấc mơ của tôi rất bình thường, bình thường đến mức không đáng kể lại. Nhưng bởi vì các ông khăng khăng muốn nghe và bởi vì chúng ta đã thống nhất với nhau, nên tôi sẽ kể. Trong giấc ngủ của tôi, Thượng đế xuất hiện và hỏi: ‘Tên ngốc kia! Ngươi đang làm gì vậy? Hãy ăn chiếc bánh halva đi!’. Và làm sao tôi có thể không vâng lời Người? Vậy nên không còn chiếc bánh halva nào cả, tôi đã ăn nó rồi”.
Sự kiểm soát bản thân trao cho bạn cái tôi xảo quyệt nhất. Kiểm soát bản thân có nhiều “bản thân” trong đó hơn bất cứ thứ gì khác. Nhưng làm chủ bản thân là một hiện tượng hoàn toàn khác; nó không có cái tôi trong đó. Khả năng kiểm soát là thứ bạn phải trau dồi, phải luyện tập mới có; bạn phải nỗ lực rất nhiều để nắm bắt được nó. Bạn phải trải qua một cuộc đấu tranh lâu dài, sau đó bạn mới đạt được nó. Khả năng làm chủ không phải là thứ được trau dồi mà có, nó không cần phải được luyện tập. Khả năng làm chủ không là gì khác ngoài sự hiểu biết. Nó hoàn toàn không phải là sự kiểm soát.
Ví dụ, bạn có thể kiểm soát cơn giận, bạn có thể trấn áp nó, bạn có thể kìm nén nó. Không ai biết bạn đã làm gì, và bạn sẽ được mọi người khen vì vẫn giữ được bình tĩnh, tự chủ cũng như điềm tĩnh trong tình huống mà bất kỳ ai cũng sẽ nổi giận. Nhưng bạn biết toàn bộ vẻ điềm tĩnh đó chỉ là bề ngoài, còn tận sâu bên trong bạn đang sôi sục lửa giận. Trong thâm tâm bạn đang bốc hỏa, nhưng bạn đè nén nó trong phần tâm trí vô thức, bạn nhét nó vào sâu trong vô thức và bạn bịt chặt nó lại giống như một ngọn núi lửa, và bây giờ bạn vẫn đang kìm nén nó.
Người kiểm soát là người kìm nén. Anh ta tiếp tục kìm nén và bởi vì cứ kìm nén như vậy, anh ta tiếp tục tích lũy mọi điều sai trái. Cuộc đời anh ta trở thành một bãi phế liệu. Sớm muộn gì, và sẽ sớm thôi, núi lửa sẽ bùng nổ - bởi vì sức chứa của bạn là hữu hạn. Bạn kìm nén cơn giận, bạn kìm nén tình dục, bạn kìm nén đủ mọi khao khát, đủ mọi mong muốn - bạn có thể tiếp tục kìm nén bao lâu nữa? Bạn chỉ có thể chịu đựng nhiều đến một mức nào đó, rồi đến một ngày, nó vượt quá khả năng kiểm soát của bạn. Nó nổ tung.
Những người mà bạn gọi là thánh nhân, những người tự kiểm soát bản thân, có thể rất dễ bị kích động. Chỉ cần cào nhẹ một chút và bạn sẽ ngạc nhiên; con thú xuất hiện ngay lập tức. Sự thần thánh của họ thậm chí còn không đạt tới mức “nông”; họ đang mang trong mình nhiều con quỷ đến mức họ đang phải tìm cách xoay xở với chúng. Và cuộc đời của họ là một cuộc đời khốn khổ, bởi vì họ phải đấu tranh không ngừng nghỉ suốt cả đời. Họ là những kẻ loạn thần kinh và họ đang ở bên bờ vực của mất trí, họ luôn ở bên bờ vực. Bất kỳ việc nhỏ nào cũng có thể trở thành giọt nước tràn ly. Theo cách tôi hiểu về cuộc sống, họ không hề có đạo.
Người có đạo chân chính không kiểm soát gì cả, không kìm nén gì cả. Nếu là một người thật sự có đạo, bạn sẽ cố gắng hiểu chứ không phải kiểm soát. Bạn sẽ trở nên thiền hơn, bạn quan sát cơn giận của mình, ham muốn tình dục của mình, lòng tham của mình, sự ghen tuông của mình, mong muốn chiếm hữu của mình. Bạn quan sát tất cả những thứ độc hại đang vây quanh mình, chỉ đơn giản quan sát, cố gắng hiểu xem cơn giận là gì, và trong chính sự hiểu biết đó, bạn vượt lên trên. Bạn trở thành người chứng kiến, và trong chính sự chứng kiến đó, cơn giận tan biến như những đụn tuyết tan ra khi mặt trời ló dạng.
Sự thấu hiểu có một độ ấm nhất định; nó là cảnh mặt trời mọc bên trong bạn và băng tuyết xung quanh bạn bắt đầu tan chảy. Nó giống như một ngọn lửa được thắp lên bên trong bạn và bóng tối bắt đầu biến mất.
Người hiểu biết và có tinh thần thiền định không phải là người kiểm soát - ngược lại mới đúng. Anh ta là người quan sát. Và nếu muốn quan sát, bạn phải tuyệt đối không phán xét. Người kiểm soát là người luôn phán xét, luôn chỉ trích “Cái này sai”, không ngừng bình phẩm “Cái này tốt, cái kia xấu, làm thế này sẽ xuống địa ngục, làm thế kia sẽ lên thiên đường”. Anh ta không ngừng phán xét, lên án, tán dương, lựa chọn. Người kiểm soát sống trong sự lựa chọn, còn người hiểu biết sống trong sự không lựa chọn.
Chính nhận thức không chọn lựa sẽ mang lại sự biến đổi thật sự. Và bởi vì không có gì bị đè nén nên cũng không có cái tôi nào xuất hiện. Không “bản ngã” nào nảy sinh. Và bởi vì thấu hiểu là một hiện tượng chủ quan diễn ra bên trong nên không ai biết về nó. Không ai có thể nhìn thấy sự thấu hiểu đó, ngoại trừ bạn. Trong khi đó, cái tôi đến từ bên ngoài, từ người khác, từ những gì họ nói về bạn. Chính ý kiến của người khác về bạn sẽ tạo ra cái tôi. Họ nói bạn thông minh, họ nói bạn thật thần thánh, họ nói bạn thật ngoan đạo - và theo lẽ tự nhiên, bạn cảm thấy thật dễ chịu! Cái tôi bắt nguồn từ bên ngoài, nó được người khác trao cho bạn. Tất nhiên, trước mặt bạn họ nói thế này và sau lưng bạn, họ nói những điều hoàn toàn ngược lại.
Sigmund Freud từng nói nếu mọi người trên trái đất này quyết định chỉ nói sự thật và không có gì ngoài sự thật dù chỉ trong hai mươi bốn giờ, tất cả tình bạn sẽ biến mất. Mọi cuộc tình sẽ tan vỡ, mọi cuộc hôn nhân sẽ đổ sông đổ biển. Nếu nhân loại quyết định hành xử trung thực và không nói gì ngoài sự thật chỉ trong hai mươi bốn giờ… Khi một người khách gõ cửa nhà bạn, bạn sẽ không nói: “Xin chào, mời vào, tôi đang đợi anh đấy. Lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau! Tôi nhớ anh lắm, dạo này anh biến đi đâu vậy? Anh đến thăm làm tôi vui lắm”. Thay vào đó, bạn sẽ nói ra cảm nhận chân thật của mình. Bạn sẽ nói: “Thằng khốn này lại đến rồi! Làm thế nào để đuổi gã đi bây giờ?”. Đó là sự thật ở tận sâu bên trong, đó là những gì bạn đang kiểm soát. Bạn sẽ nói điều đó với một người khác, khi vị khách không có mặt ở đó.
Hãy quan sát bản thân, quan sát những lời bạn nói với người khác trước mặt họ và những lời bạn nói sau lưng họ. Những lời bạn nói về một người khi anh ta không có mặt ở đó sẽ chân thật hơn và đúng với cảm nhận của bạn hơn so với những gì bạn nói trước mặt anh ta. Nhưng cái tôi phụ thuộc vào những gì người ta nói với bạn, và nó rất mong manh - mong manh tới mức trên mỗi cái tôi đều có ghi dòng chữ “Đồ dễ vỡ, xin hãy nhẹ tay”.
Pieracki, một người Ba Lan, Odum, một người da đen, và Alvarez, một người Mexico, đã nghỉ việc và đang sống cùng nhau. Một đêm nọ, Pieracki về nhà và thông báo rằng anh ta đã có việc làm. “Này, các cậu, hãy đánh thức tôi dậy lúc sáu giờ sáng mai nhé,” anh ta nói. “Tôi phải có mặt ở chỗ làm vào lúc sáu giờ rưỡi!”
Một lúc sau, khi Pieracki đang ngủ, Odum nói với Alvarez: “Cậu ấy tìm được việc vì cậu ấy là người da trắng. Chúng ta không có việc làm vì tôi da đen còn cậu da nâu”. Vì vậy, trong đêm đó, họ đã trét si đánh giày màu đen khắp người Pieracki và lên kế hoạch đánh thức anh ta thật muộn để anh ta phải lập tức đi làm cho kịp giờ.
Sáng hôm sau, khi Pieracki đến nơi làm việc, quản đốc hỏi: “Cậu là ai?”.
Pieracki đáp: “Ông đã thuê tôi hôm qua. Ông nói rằng tôi phải có mặt ở đây lúc sáu giờ rưỡi!”.
“Tôi thuê một người da trắng, còn cậu da đen!”
“Tôi không phải người da đen!”
“Rõ ràng cậu là người da đen! Hãy nhìn vào gương mà xem!”
Thế là anh thanh niên người Ba Lan chạy đến một chiếc gương, nhìn vào đó và thốt lên: “Trời ơi! Họ đã đánh thức nhầm người rồi!”.
Cái tôi của bạn phụ thuộc vào những chiếc gương. Mỗi mối quan hệ đều có chức năng như một tấm gương, mỗi người bạn gặp đều là một tấm gương, và cái tôi được phản chiếu từ những chiếc gương này tiếp tục kiểm soát bạn.
Nhưng tại sao nó lại kiểm soát? Nó kiểm soát bởi vì xã hội đánh giá cao sự kiểm soát, bởi vì xã hội trao cho bạn nhiều cái tôi hơn nếu bạn kiểm soát. Nếu bạn tuân theo các ý tưởng của xã hội, hệ thống đạo lý của nó, chủ nghĩa đạo đức của nó, các hình mẫu của nó về tính thiêng liêng, nó sẽ càng ca ngợi bạn nhiều hơn. Ngày càng có nhiều người tôn trọng bạn; cái tôi của bạn được nâng lên ngày một cao hơn, ngày một tung cánh xa hơn.
Nhưng hãy nhớ, cái tôi sẽ không bao giờ mang đến bất kỳ sự biến đổi nào cho bạn. Cái tôi là hiện tượng vô thức nhất đang xảy ra bên trong bạn; nó sẽ khiến bạn ngày càng vô thức hơn. Và người sống bằng cái tôi gần như say sưa với nó; anh ta không còn tỉnh táo nữa.
Hôm đó là lễ kết hôn của Fernando. Tiệc mừng được tổ chức linh đình và rượu vang được rót không ngừng. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp cho đến khi Fernado không tìm thấy cô dâu xinh đẹp của mình. Sau khi nhìn qua một lượt khách mời, anh ta phát hiện cậu bạn Luis của mình cũng biến mất.
Fernando bắt đầu tìm kiếm xung quanh. Anh ta nhìn vào phòng trang điểm của cô dâu và phát hiện Luis đang làm tình với cô dâu của mình. Fernando nhẹ khép cửa lại và rón rén đi xuống cầu thang ra chỗ khách mời.
“Nào nào! Mọi người hãy đến xem!”, anh ta lớn tiếng thông báo. “Luis say đến mức cậu ấy nghĩ cậu ấy là tôi!”
Cái tôi khiến bạn gần như rơi vào trạng thái say rượu. Bạn không biết bạn là ai, bởi vì bạn tin những lời người khác nói về bạn. Bạn cũng không biết người khác là ai bởi vì bạn tin những lời người khác nói về người khác. Đây chính là thế giới giả tạo, ảo tưởng mà chúng ta đang sống.
Hãy thức tỉnh, trở nên ý thức hơn. Bằng cách trở nên có ý thức, bạn sẽ trở thành người làm chủ sự tồn tại của mình. Khả năng làm chủ không biết gì về cái tôi, và cái tôi không biết gì về khả năng làm chủ. Hãy hiểu thật rõ điều đó.
Tôi không dạy mọi người tự kiểm soát bản thân, tự kỷ luật bản thân. Tôi dạy về sự tự nhận thức, tự chuyển hóa. Tôi muốn bạn trở nên rộng lớn như bầu trời - bởi vì đó mới thật sự là bạn.