Nếu bạn có thể thiền định, nếu bạn có thể tạo ra một khoảng cách nhỏ giữa tâm trí và bản thể, nếu bạn có thể hiểu, cảm nhận và trải nghiệm được rằng bạn không phải tâm trí của mình, một sự thay đổi to lớn sẽ diễn ra bên trong bạn. Nếu bạn không phải là tâm trí của mình, vậy bạn không thể nào là sự ghen tuông của mình hay nỗi buồn, cơn giận của mình.
Khi đó, chúng chỉ ở đó, không liên quan đến bạn; bạn không trao cho chúng bất kỳ năng lượng nào. Chúng thật sự chỉ là ký sinh trùng đang sống nhờ vào máu của bạn, bởi vì bạn đã được đồng nhất với tâm trí. Thiền có nghĩa là ngừng đồng nhất bản thân với tâm trí.
Thiền là một phương pháp đơn giản chứ không phải một quy trình phức tạp mà chỉ có vài người làm được. Bạn chỉ cần ngồi im lặng - vào bất kỳ lúc nào, bất kỳ khoảnh khắc nào - và quan sát. Nhắm mắt lại và quan sát xem chuyện gì đang diễn ra. Hãy chỉ là người quan sát. Đừng phán xét điều gì là tốt, điều gì là xấu, điều gì nên làm, điều gì không nên làm…
Đừng phán xét, bạn chỉ đơn giản là một người quan sát. Bạn cần một ít thời gian để đạt tới khả năng quan sát thuần túy. Và ngay khoảnh khắc bạn trở thành một người quan sát thuần túy, bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra tâm trí đã biến mất.
Có một sự tương quan như thế này: nếu bạn chỉ có 1% là người quan sát, vậy 99% còn lại là tâm trí. Nếu bạn có 10% là người quan sát, vậy 90% là tâm trí. Nếu bạn có 90% là người quan sát, vậy chỉ còn lại 10% cho tâm trí.
Nếu bạn là người quan sát 100%, vậy thì không có tâm trí - không có nỗi buồn, cơn giận, sự ghen tuông - chỉ có sự sáng tỏ, tĩnh lặng và phúc lành.
Một người phải bắt đầu quan sát cơ thể: đi đứng, ngồi, ngủ, ăn uống. Một người nên bắt đầu từ những gì vững chắc nhất, bởi vì như vậy sẽ dễ hơn, và sau đó tiến đến những trải nghiệm khó nhận biết hơn. Một người nên bắt đầu quan sát các ý nghĩ, và khi đã trở thành chuyên gia quan sát các ý nghĩ, người đó nên bắt đầu quan sát cảm xúc. Sau khi cảm thấy mình có thể quan sát cảm xúc, bạn nên bắt đầu quan sát tâm trạng, thứ thậm chí còn khó nhận biết hơn cảm xúc và cũng mơ hồ hơn.
Điều kỳ diệu của quá trình quan sát là khi bạn quan sát cơ thể, người quan sát của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn; khi bạn quan sát ý nghĩ, người của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn; khi bạn quan sát cảm xúc, người quan sát đó sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Khi bạn quan sát tâm trạng, người quan sát đó trở nên mạnh mẽ đến mức có thể vẫn là chính mình - nó quan sát chính nó, giống như một ngọn nến giữa đêm tối, không chỉ thắp sáng mọi vật xung quanh mà còn thắp sáng chính nó.
Tìm được người quan sát thuần khiết là thành tựu vĩ đại nhất trong đời sống tâm linh, bởi vì người quan sát chính là linh hồn của bạn; người quan sát trong bạn chính là sự bất tử của bạn. Nhưng đừng bao giờ nghĩ “Mình có được nó rồi”, bởi vì đó là khoảnh khắc bạn bỏ lỡ nó.
Quan sát là một quá trình không bao giờ có điểm dừng; bạn ngày càng tiến sâu hơn vào quá trình đó, nhưng không bao giờ đến được điểm cuối nơi bạn có thể nói: “Mình có được nó rồi”. Trên thực tế, càng đi sâu, bạn càng nhận thức được mình đã bước vào một quá trình vĩnh hằng, không có khởi đầu cũng không có kết thúc.
Nhưng người ta chỉ quan sát những người khác; họ chưa bao giờ để tâm quan sát chính mình. Mọi người đều đang quan sát xem người khác làm gì, mặc gì, trông như thế nào - đó là sự quan sát thiển cận nhất. Mọi người đều đang quan sát; đó không phải là một quá trình mới mẻ đến mức bạn phải làm quen với nó từ đầu. Bạn chỉ cần đào sâu tìm hiểu nó, không hướng mũi tên quan sát vào người khác mà hãy hướng vào suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng của mình - và cuối cùng, hãy hướng sự quan sát vào chính người quan sát.
Một người Do Thái đang ngồi đối diện với một linh mục trên xe lửa. “Hãy nói cho tôi biết, thưa ngài. Tại sao ngài lại mặc cổ áo ngược ra phía trước?”, người Do Thái hỏi.
“Bởi vì ta là cha”, linh mục đáp.
“Tôi cũng là cha nhưng tôi không mặc cổ áo ngược như vậy”, người Do Thái vẫn thắc mắc.
“Ồ, nhưng ta là cha của hàng ngàn người”, linh mục kiên nhẫn trả lời.
“Vậy thì có lẽ ngài nên mặc quần ngược ra phía trước”, người Do Thái kết luận.
Mọi người rất hay quan sát người khác. Bạn có thể dễ dàng cười nhạo những hành động ngớ ngẩn của người khác, nhưng bạn đã bao giờ cười nhạo chính mình chưa? Bạn đã bao giờ bắt gặp mình đang làm điều gì đó lố bịch chưa? Chưa, bạn hoàn toàn không quan sát bản thân; toàn bộ sự quan sát của bạn đều hướng tới người khác, và việc đó không giúp ích được gì.
Hãy sử dụng năng lượng quan sát này để biến đổi bản thể của bạn. Hành động này có thể mang đến cho bạn nhiều niềm vui và nhiều phúc lành mà bạn còn không dám mơ tới. Đó là một quá trình đơn giản, nhưng một khi bạn bắt đầu áp dụng lên chính mình, nó sẽ trở thành sự thiền định.
Người ta có thể thiền về bất cứ điều gì. Bất cứ điều gì đưa bạn về với chính mình đều là thiền định. Và tìm thấy sự thiền định của riêng mình là một việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi vì trong chính sự tìm thấy đó, bạn sẽ tìm được niềm vui lớn. Hơn nữa, bởi vì quá trình tìm thấy đó là của riêng bạn chứ không phải là một nghi thức mà bạn bị buộc phải làm, bạn sẽ thích dấn thân vào trong quá trình đó.
Càng đi sâu vào sự thiền định của mình, bạn càng cảm thấy hạnh phúc - bình yên, tĩnh lặng hơn, hòa hợp hơn, có phẩm cách hơn, duyên dáng hơn.
Tất cả các bạn đều biết quan sát, vì vậy không ai cần học cách làm việc này. Thứ bạn cần học là cách thay đổi đối tượng được quan sát. Hãy đưa tầm ngắm lại gần hơn. Hãy quan sát cơ thể của bạn và bạn sẽ ngạc nhiên. Tôi có thể làm cho tay mình cử động mà không cần quan sát, và tôi có thể cử động tay mình trong sự quan sát. Bạn sẽ không nhìn thấy sự khác biệt, nhưng tôi có thể cảm nhận sự khác biệt. Khi tôi cử động tay trong sự quan sát, cử động đó đẹp và duyên dáng, nó có sự yên bình và tĩnh lặng. Bạn có thể vừa đi vừa quan sát từng bước chân của mình; hành động đó sẽ giúp bạn hưởng được tất cả những lợi ích mà việc đi bộ có thể mang lại như một bài tập thể dục, và không chỉ vậy, nó còn mang lại cho bạn lợi ích của một bài thiền đơn giản mà hiệu quả tuyệt vời.
Ngôi chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) nơi Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ được xây dựng để tưởng nhớ hai thứ, một trong số đó là gốc cây bồ đề nơi Phật từng ngồi. Ngay bên cạnh gốc cây bồ đề là những viên sỏi nhỏ để người ta có thể chậm rãi thả bước trên đó. Đức Phật đã thiền ở đó, ngồi ở đó, và khi cảm thấy mình đã ngồi quá lâu - cơ thể cần được vận động một chút - Đức Phật dạo bước trên những viên sỏi này. Đó là bài thiền hành của Đức Phật.
Khi tổ chức khóa hành thiền ở Bồ Đề Đạo Tràng, tôi đã đến ngôi chùa đó. Ở đó, tôi nhìn thấy các lạt ma Phật giáo đến từ Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Quốc. Họ đều bày tỏ lòng thành kính với cây bồ đề, nhưng tôi không thấy ai trong số họ tỏ lòng thành kính với những viên sỏi mà Đức Phật đã đặt chân lên đi dạo hàng dặm đường. Tôi nói với họ: “Chuyện này không đúng. Các vị không nên quên những viên sỏi đó. Chúng đã được Phật Thích Ca Mâu Ni đặt chân lên hàng triệu lần”. Nhưng tôi biết tại sao họ không chú ý đến chúng, đó là vì họ đã hoàn toàn quên Đức Phật từng dặn chúng ta nên quan sát từng cử động của cơ thể: đi, ngồi, nằm. Bạn không nên để một khoảnh khắc nào trôi qua trong vô thức.
Sự quan sát tỉ mỉ sẽ mài giũa ý thức của bạn. Đây chính là cốt lõi của tinh thần tôn giáo; tất cả những thứ khác chỉ là lời khuôn sáo. Và nếu có thể vận dụng thành thạo khả năng quan sát, bạn không còn cần bất kỳ điều gì khác.
Mục tiêu của tôi là làm cho hành trình ở đây trở nên đơn giản nhất có thể. Tất cả các tôn giáo đều đang làm ngược lại, tôn giáo đã khiến mọi thứ trở nên vô cùng phức tạp - quá phức tạp đến mức mọi người chưa bao giờ thử thực hiện. Ví dụ, trong kinh sách Phật giáo có 33.000 nguyên tắc mà một tu sĩ Phật giáo phải tuân thủ; ngay cả nhớ hết các nguyên tắc này thôi cũng là việc bất khả thi! Chỉ con số 33.000 thôi cũng đủ khiến bạn kinh hãi: “Thôi xong! Cả cuộc đời mình sẽ bị xáo trộn và hủy hoại”. Hãy tìm chỉ một nguyên tắc phù hợp với bạn, nguyên tắc mà bạn cảm thấy đồng điệu với nó, và như vậy thôi là đủ rồi.
Tôi thường nhận thấy mình có tâm trạng ủ dột và sầu não. Nhưng có đôi khi tôi thấy mình mang khuôn mặt chán nản cùng với suy nghĩ “Mình là kẻ thất bại” và bỗng nhiên có một tràng cười khúc khích phát ra từ bên trong tôi, thỉnh thoảng nó còn bật ra thành tiếng và mang lại cảm giác vui vẻ vô cùng. Cảm giác đó mạnh mẽ tới mức tôi thậm chí không thể giữ được tâm trạng bi đát của mình nữa! Hiện tượng này có liên quan đến cái mà ngài gọi là người quan sát hay không?
Chắc chắn có sự liên hệ giữa người quan sát và tiếng cười nảy sinh trong bạn, bởi vì người quan sát nhìn thấy không chỉ sự ngốc nghếch của người khác, mà còn cả sự ngốc nghếch của chính mình.
Người quan sát có thể nhìn thấy tâm trạng u sầu của bạn. Trước khi người quan sát xuất hiện, bạn đã đồng nhất bản thân với tâm trạng đó; bạn đã quên rằng nó chỉ là một tâm trạng sầu não.
Bạn chỉ cần quan sát mọi người. Mọi người đang mang khuôn mặt của một vai diễn nào đó, lặp lại một vài câu thoại bên trong và chuẩn bị. Anh ta sẽ giải thích như thế nào với vợ về việc anh ta đến muộn… và anh ta biết rất rõ mình chưa từng lừa được cô ấy dù chỉ một lần trong đời, nhưng anh ta vẫn cứ tiếp tục lặp lại hành động ngu ngốc đó.
Nếu người quan sát xuất hiện, nếu bỗng nhiên bạn nhớ là mình cần chứng kiến, bạn sẽ bắt đầu tự cười khúc khích để chế giễu sự ngu ngốc của chính mình. Ngày nào bạn cũng ngã xuống cùng một vết xe đổ, ngày nào bạn cũng hạ quyết tâm sẽ không bao giờ ngã xuống đó nữa. Nhưng khi bạn đến gần vết xe đổ đó, sức hút, sự hấp dẫn của việc rơi xuống đó mạnh đến mức bạn quên hết mọi quyết tâm của mình. Bạn tự an ủi: “Chỉ lần này nữa thôi. Từ ngày mai, mình sẽ giữ lời hứa với bản thân”. Nhưng chuyện này cứ xảy ra vô số lần và bạn sẽ làm vậy cả đời, trừ khi bạn cho người quan sát nhìn thấy hành động ngớ ngẩn mà bạn đang làm.
Và chắc chắn có một mối quan hệ sâu sắc ở đây. Khi quan sát, bạn sẽ bắt đầu cười khúc khích về lý do mình cứ mang vẻ mặt nghiêm trọng một cách không cần thiết. Trên thực tế, không có ai đang nhìn bạn: Bạn có thể thoải mái một chút! Và ngay cả khi mọi người đang nhìn bạn thì vẻ mặt nặng nề cũng không trông đẹp mắt. Một gương mặt vui vẻ, gương mặt với nụ cười tươi tắn, rạng rỡ, hẳn sẽ đẹp hơn. Nếu bạn định làm diễn viên, ít ra hãy chọn một vai diễn tốt!
Mọi người đều chọn sắm những vai diễn xấu; khuôn mặt của họ thật buồn bã và thiếu sức sống, rung cảm của họ là rung cảm của một cái xác không hồn. Vậy mà họ lại muốn được mọi người yêu thương và tôn trọng. Ngay cả chó cũng không thèm sủa họ, đến chúng cũng phớt lờ họ; chúng chỉ đơn giản là không nhìn, chúng chỉ nói: “Cứ để anh ta tiếp tục đắm chìm trong nỗi khổ của anh ta”. Chó cũng có hệ tư tưởng của chúng; chúng sủa những người mặc đồng phục như cảnh sát, người đưa thư,… chúng tuyệt đối chống lại đồng phục. Chúng chắc chắn là những kẻ rất nổi loạn. Cả một quân đoàn, cả một lữ đoàn đang đi ngang qua và tất cả đều mặc đồng phục ư? Chó không thể cưỡng lại cám dỗ muốn phản đối. Nhưng khi bạn đi ngang qua với khuôn mặt phiền muộn, ngay cả chó cũng không phản đối. Nhưng nếu có thể nhìn thấy chính mình, bạn sẽ tự cười chế giễu: “Tại sao mình lại mang bộ mặt như vậy?”. Và bạn sẽ ngạc nhiên, nếu bạn thật sự đang quan sát, chú chó đó cũng đang cười bạn.
Có lẽ bạn đã không chú ý đến thực tế này. Lần tới, khi bạn có một trận cười thỏa thích, hãy cố gắng nhận thấy một sự thật rất cơ bản, đó là bạn dễ quan sát nhất khi bạn cười, bởi vì cười là một hành động tự nhiên và không phải là một hành động nghiêm túc. Cười tạo ra một bầu không khí tĩnh lặng bên trong bạn. Nếu bạn thật sự toàn tâm toàn ý vào nụ cười, tâm trí sẽ ngừng hoạt động: “Để cho thằng ngốc này cười xong đã”. Đó chính là lúc bạn có thể dễ dàng đưa người quan sát trong bạn đi vào hoạt động.
Câu chuyện dưới đây có thể giúp bạn cười… và hãy nhớ quan sát trong lúc bạn cười:
Các em học sinh lớp Một đang vây quanh cô giáo để cùng chơi trò “Đoán con vật”. Bức ảnh đầu tiên mà cô giáo đưa lên là ảnh một con mèo. Cô giáo vui vẻ hỏi: “Nào, cả lớp! Em nào có thể cho cô biết đây là con gì?”.
“Em biết! Em biết ạ! Đó là con mèo”, một cậu bé nói to.
“Giỏi lắm, Eddy. Giờ thì ai biết con này được gọi là gì?”
“Đó là con chó ạ”, Eddy lại đáp, với giọng to hơn.
“Lại đúng rồi. Còn con vật này thì sao?”, cô giáo hỏi và đưa lên một bức ảnh con nai.
Cả lớp im lặng. Sau một, hai phút, cô giáo nói: “Cô sẽ cho các em một gợi ý, hãy nghe kỹ nhé. Mẹ của các em hay gọi cha của các em bằng tên này khi ở nhà”.
“Em biết! Em biết ạ!”, Eddy hét toáng lên. “Đó là một tên khốn có sừng!”1
Và một câu chuyện khác:
Một thủy thủ bị đắm tàu và trôi dạt đến một hoang đảo. Anh ta đã xoay xở để sống sót bằng cách làm bạn với người dân trên đảo - trên thực tế, họ trở nên thân thiết đến mức vào một đêm nọ, chúa đảo đã đưa con gái của ông ta đến bầu bạn với anh thủy thủ. Khuya hôm đó, trong khi họ đang làm tình, con gái chúa đảo liên tục hét lên: “Oga, boga! Oga, boga!”. Anh thủy thủ kiêu ngạo nghĩ rằng hẳn đây là cách dân bản xứ bày tỏ sự phấn khích.
Vài ngày sau, chúa đảo mời anh thủy thủ chơi golf. Ngay phát đầu tiên, chúa đảo đã đánh bóng thẳng vào lỗ. Trong cơn háo hức muốn thử từ vựng mà mình mới học được, anh thủy thủ đã nhiệt tình hét lên: “Oga boga! Oga boga!”.
Lúc này, chúa đảo quay lại nhìn anh thủy thủ với vẻ mặt khó hiểu: “Anh nói ‘nhầm lỗ’ là có ý gì?”.
1 “Con nai” trong tiếng Anh là “deer”, đồng âm với “dear”, mà “dear” là cách gọi thân mật dành cho những người thân yêu.
Khi ngài nói về tình yêu và đam mê, sự mãnh liệt và tính chân thật, tôi cảm nhận được một tia đồng tình bên trong mình - tôi cảm thấy những điều này là đúng vì thỉnh thoảng khi cảm xúc đạt cao trào, tôi đã thoáng trải nghiệm chúng. Nhưng khi ngài nói về sự tách biệt, khoảng cách và sự quan sát, tôi cảm nhận được nỗi sợ và sự tê liệt bên trong. Tôi không hiểu nghịch lý này. Làm sao tôi có thể vừa yêu vừa duy trì khoảng cách? Làm sao tôi có thể vừa đắm mình trong một khung cảnh tuyệt đẹp vừa giữ mình tách biệt với nó?
Tôi công nhận những lời ngài nói về việc dao động một cách không kiểm soát giữa thiên đường và địa ngục, giữa cực lạc và tuyệt vọng, là đúng về cuộc đời tôi. Tôi nhận thấy sự không kiểm soát này không hề dễ chịu và rất đau đớn. Nhưng nếu lựa chọn còn lại là sự xa cách lạnh lẽo, vậy thì tôi cảm thấy mình thà chấp nhận thiên đường và địa ngục của mình, giữ lại niềm vui và nỗi buồn của mình, và quên hết chuyện quan sát.
Điều quan trọng nhất mà bạn cần hiểu trong đời là cuộc sống là một nghịch lý; cuộc sống tồn tại thông qua các nghịch lý. Cuộc sống không logic, nó là nghịch lý. Nó tồn tại giữa sinh và tử, nó tồn tại giữa ngày và đêm, nó tồn tại giữa ghét và yêu, nó tồn tại giữa đàn ông và đàn bà. Nó tồn tại giữa điện tích dương và điện tích âm, nó tồn tại giữa âm (yin) và dương (yang), giữa Shiva (thần hủy diệt) và Shakti (người mẹ thiêng liêng). Chỉ cần nhìn xung quanh, nhìn vào trong, nhìn ra ngoài, và bạn sẽ thấy nghịch lý ở khắp nơi.
Nếu cuộc sống diễn ra theo logic thì đã không có nghịch lý. Nhưng cuộc sống không logic và cũng không thể logic! Hãy thử nghĩ về một thế giới chỉ có tình yêu và không có hận thù - khi đó, tình yêu không thể tồn tại; tình yêu sẽ biến mất cùng với hận thù. Hãy nghĩ về một thế giới chỉ có bóng tối mà không có ánh sáng, hoặc chỉ có ánh sáng chứ không có bóng tối… đó là chuyện không thể có. Một thế giới chỉ có sinh chứ không có tử - hẳn là rất hợp lý, nhưng cũng rất nhàm chán.
Cuộc sống có tính biện chứng chứ không logic. Nó là sự chuyển động giữa các cực. Các cực này không thật sự đối lập nhau, mặc dù chúng trông có vẻ đối lập; chúng cũng là những phần bổ trợ cho nhau. Yêu và ghét không phải là hai thứ; trên thực tế, nó là một, yêu-ghét. Sinh và tử là một, sinh-tử; ngày và đêm là một, ngày-đêm; đàn ông-đàn bà là một. Nó giống như những đỉnh núi của dãy Himalaya và các thung lũng. Đỉnh núi không thể tồn tại nếu không có thung lũng, và thung lũng không thể tồn tại nếu thiếu các đỉnh núi - chúng song hành. Nghịch lý này sẽ được tìm thấy trên mọi bình diện, khắp mọi nơi.
Bây giờ, bạn nói: “Nếu lựa chọn còn lại là sự xa cách lạnh lẽo, vậy thì tôi cảm thấy mình thà chấp nhận thiên đường và địa ngục của mình, giữ lại niềm vui và nỗi buồn của mình, và quên hết chuyện quan sát”. Tôi không nói bạn phải chọn một cuộc sống lạnh lẽo, tách biệt. Tôi nói tình yêu cuồng nhiệt và sự xa cách lạnh lẽo là nghịch lý. Nghịch lý này cũng tồn tại giữa sinh và tử, yêu và ghét; nó là cùng một nghịch lý. Chỉ những người biết yêu thương cuồng nhiệt mới biết thế nào là lạnh lùng xa cách. Bạn sẽ ngạc nhiên, bởi vì từ trước đến giờ bạn đã được dạy điều ngược lại.
Bạn được dạy rằng Phật là người lạnh lùng, xa cách, ngoài tầm với; rằng con người trần tục thì nồng nhiệt còn con người thần thánh thì lãnh đạm, con người trần tục sống một cuộc đời sôi nổi trong khi tu sĩ chuyển vào tu viện và sống một cuộc đời nhạt nhẽo. Đó là chuyện đã diễn ra cho đến tận lúc này, nhưng cả hai đều mất cân bằng. Con người trần tục chỉ biết một phần của hai thái cực. Đó là nỗi khổ của anh ta. Anh ta chỉ biết những thứ sôi nổi, cuồng nhiệt; anh ta không biết đến sự trầm tĩnh của người ngộ đạo. Ngược lại, tu sĩ chỉ biết sự lạnh nhạt, anh ta không biết đến trạng thái hưng phấn, xuất thần, hoan hỉ tột độ của ngọn lửa niềm đam mê cháy bỏng.
Có Zorba của Hy Lạp1, người biết thế nào là đam mê cháy bỏng, và có ý nghĩ của chúng ta về Phật - lưu ý rằng tôi gọi nó là ý nghĩ của chúng ta về Phật - người chỉ biết đến sự tĩnh lặng. Chúng ta đã tạo ra một sự phân chia và chính vì sự phân chia này nên con người trần tục không thể trọn vẹn vì anh ta chỉ là một nửa. Người theo đạo cũng không trọn vẹn, và nếu không trọn vẹn, anh ta không thể nào trở nên thần thánh, anh ta chỉ biết một cực của hai thái cực. Cả hai đều đau khổ.
1 Alexis Zorba, một nhân vật trong tiểu thuyết kinh điển Zorba the Greek (tạm dịch: Zorba người Hy Lạp) của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis. Zorba được mô tả là con người của nhiệt huyết, của phiêu lưu và hoan lạc.
Hãy đi vào chợ mà xem, và hãy đi vào tu viện mà xem. Bạn sẽ tìm thấy trong tu viện vô vàn nỗi đau khổ, sự ảm đạm cùng với chết chóc, và bạn sẽ thấy trong mắt các tu sĩ chỉ có sự ngu xuẩn và không gì khác. Bởi vì khi bạn chỉ sống tại một cực, bạn đánh mất sự sắc bén, bạn đánh mất sự đa dạng, bạn đánh mất sự phong phú.
Quan điểm của tôi là không cần lựa chọn. Đừng bao giờ lựa chọn và khi làm vậy, bạn sẽ thấy được cuộc chơi của các điểm cực. Cả hai đầu cực đều là của bạn, và bạn phải sống cả hai. Đúng vậy, bạn phải đam mê một cách cuồng nhiệt, sâu sắc, chân thực - cũng như bạn phải trở nên lạnh lùng, trầm tĩnh, yên lặng. Bạn phải yêu và bạn phải thiền. Thiền và yêu không nên bị phân chia, chúng phải song hành giống như thung lũng và đỉnh núi. Đỉnh núi có vẻ đẹp của đỉnh núi, đỉnh núi ngập nắng và đỉnh núi phủ tuyết trắng thanh thuần, nó lấp lánh ánh vàng vào mỗi sáng và khoác tấm áo màu bạc đón trăng lên, nó có bầu không khí trong lành và gần với dải ngân hà đến mức bạn tưởng như có thể thì thầm với muôn vàn tinh tú xung quanh. Nhưng thung lũng cũng đẹp: thung lũng có bóng tối và vẻ mượt mà như nhung của nó, bóng tối và sự vô tận của nó, bóng tối và sự bí ẩn của nó, cùng với chúng là bóng cây, là tiếng suối rì rầm. Cả hai đều đẹp.
Tôi dạy bạn không lựa chọn mà hãy chấp nhận cả hai, và cả hai sẽ giúp nhau ngày càng trở nên sắc sảo hơn. Một bên là Zorba người Hy Lạp và một bên là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni - tôi dạy bạn trở thành Phật Zorba. Đó là lý do các Zorba chống lại tôi, bởi vì họ không thể nghĩ về Phật. Những người theo chủ nghĩa duy vật phản đối tôi, họ hỏi vì cớ gì tôi lại đưa tôn giáo vào. Trong khi đó, những người được gọi là có tôn giáo cũng phản đối tôi, họ hỏi làm sao tôi có thể mang tình yêu vào cuộc sống của một người theo đạo, sao tôi lại dám nói về thể xác và những niềm vui thể xác. Cả hai bên đều nổi giận với tôi vì tôi nói con đường đến với siêu ý thức xuất phát từ tình dục. Một bên muốn dừng lại ở tình dục, còn bên kia không muốn nói về tình dục mà chỉ nói về siêu ý thức. Nhưng tôi đón nhận cuộc sống trong sự trọn vẹn của nó, tôi chấp nhận toàn bộ cuộc sống.
Bạn chỉ có thể chấp nhận khi bạn chấp nhận một cách trọn vẹn; nếu bạn từ chối điều gì đó, như vậy nghĩa là bạn đang cố gắng trở nên khôn ngoan hơn chính cuộc sống, hơn chính sự hiện hữu. Sự hiện hữu không từ chối điều gì. Các mahatma của bạn đang cố gắng trở nên thông thái hơn chính cuộc sống.
Cuộc sống tồn tại giữa các cực đối lập, và tồn tại một cách đẹp đẽ. Nếu yêu, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra từ trong tình yêu đó có một khao khát mãnh liệt nhanh chóng trỗi dậy khiến bạn mong muốn được ở một mình. Người đang yêu nào cũng cảm nhận điều đó. Nếu bạn không cảm nhận được nó, như vậy nghĩa là bạn vẫn chưa yêu, như vậy nghĩa là tình yêu của bạn hờ hững; tình yêu đó chưa thật sự cuồng nhiệt. Nếu đó là tình yêu cháy bỏng, bạn sẽ vô cùng khao khát được ở một mình: được có không gian riêng tư, được đi vào bên trong, được thả mình biến mất vào bên trong, bởi vì khi tình yêu đạt đến mức cuồng nhiệt như vậy, nó sẽ khiến bạn mệt mỏi, kiệt sức và trống rỗng. Và thật tuyệt khi được trút cạn chính mình, nhưng sau đó, bạn bắt đầu cảm thấy cần được tiếp thêm dưỡng chất.
Bạn sẽ được tiếp thêm dưỡng chất từ đâu? Bạn chỉ đơn giản di chuyển vào bên trong, bạn trốn vào bên trong, bạn nhắm mắt lại để không nhìn thấy thế giới bên ngoài và chỉ đơn giản là quên hết những người khác… Trong những khoảnh khắc của quá trình hướng vào bên trong này, năng lượng của bạn được tích lũy; bạn lại cảm thấy được lấp đầy. Sau đó, bạn đạt đến trạng thái quá tràn đầy, và vì quá tràn đầy, năng lượng của bạn tuôn tràn và bạn phải tìm kiếm ai đó sẵn sàng chia sẻ nguồn năng lượng của bạn, sẵn sàng chia sẻ ca khúc của bạn, sẵn sàng khiêu vũ cùng bạn. Từ trong trạng thái cô độc đó nảy sinh một mong muốn mãnh liệt về việc được ở bên nhau. Đây chính là nhịp điệu của tình yêu.
Tôi không nói bạn hãy trở nên lạnh lùng, tôi không bảo bạn hãy lựa chọn sự xa cách và một cuộc sống tách biệt. Tôi đang cho bạn biết chúng là hai khía cạnh. Nếu muốn sống một cuộc sống đa diện - về vật chất, tinh thần, thể xác, linh hồn, tình yêu, thiền, hành trình khám phá bên ngoài và hành trình hướng vào bên trong - nếu muốn sống một cuộc sống trọn vẹn trong từng nhịp hít vào và thở ra, bạn cần không lựa chọn. Nếu lựa chọn, bạn sẽ chết.
Đó là lý do bạn có thể tìm thấy những con người vô hồn cả trong các khu chợ và các tu viện. Một vài người trong số họ đã chọn cách chỉ thở ra và một vài người khác đã chọn chỉ hít vào. Hơi thở cần cả hai; hơi thở trở thành một chu trình hoàn hảo khi bạn thở ra thật dài và theo sau nhịp thở ra thật dài đó là một nhịp hít vào thật sâu; và khi bạn hít vào thật sâu, theo sau nó là một hơi thở ra thật dài.
Và hãy nhớ: nếu nhịp thở ra không dài thì nhịp hít vào cũng không sâu. Nếu hít vào nông thì thở ra cũng nông. Chúng cân bằng lẫn nhau. Thở ra càng dài thì hít vào càng sâu và ngược lại. Tôi dạy bạn sự nhất quán này.
Bạn không cần lo lắng. Nhưng bạn trở nên lo lắng bởi vì đôi khi tôi dạy bạn tình yêu và điều đó khiến bạn cảm thấy dễ chịu… Nhưng hãy để tôi nói cho bạn biết, hãy để tôi thẳng thắn với bạn. Bạn chưa thật sự biết yêu. Nếu đã biết yêu, hẳn bạn cũng đã hiểu được thái cực còn lại. Từ chính trải nghiệm của mình, hẳn bạn đã hiểu tình yêu tạo ra một nhu cầu được ở một mình hết sức mãnh liệt, và trạng thái một mình sẽ làm nảy sinh nhu cầu được ở bên nhau. Đây là sự thật cần được truyền đạt đến tất cả mọi người. Những người yêu nhau không biết sự thật này, vì vậy họ cảm thấy tội lỗi khi muốn ở một mình. Và nếu người kia muốn được một mình, người còn lại sẽ cảm thấy bị chối bỏ. Đây hoàn toàn là một sự hiểu lầm. Nếu người chồng nói “Hãy để anh được ở một mình tối nay”, người vợ cảm thấy bị từ chối, cô ấy cảm thấy tức giận. Cứ như thể cô ấy không còn được cần đến. Sự thật không phải như vậy; họ đang hiểu sai toàn bộ sự việc. Và nếu một ngày, người vợ nói “Hãy để em một mình”, người chồng sẽ cảm thấy rất tổn thương; cái tôi đàn ông của anh ta bị xúc phạm nặng nề.
Khi bạn nói với người yêu hoặc người thân thương của mình rằng “Anh muốn ở một mình trong vài ngày. Anh muốn lên núi ở vài tuần, một mình”, người đó không thể hiểu được bởi vì họ chưa từng được dạy một sự thật cơ bản rằng tình yêu tạo ra mong muốn được ở một mình. Và nếu bạn không tiến vào trạng thái cô đơn, tình yêu của bạn sẽ trở nên tẻ nhạt. Nó sẽ dần dần trở thành đồ dỏm; nó sẽ không còn là tình yêu đích thực.
Hãy chấp nhận cuộc sống một cách trọn vẹn. Đam mê cháy bỏng là tốt và từ bi trắc ẩn cũng tốt. Hãy để cả hai được là đôi cánh của bạn; đừng cắt bỏ một cánh, nếu không, bạn sẽ không thể tiếp tục chuyến bay bất diệt đó - chuyến bay từ trạng thái đơn độc đến trạng thái đơn độc.
Đó là cách gọi mà triết gia Plotinus đã dùng: chuyến bay cá nhân đến với linh hồn vũ trụ. Bạn sẽ cần cả hai cánh.
Tôi dạy bạn tình yêu, tôi dạy bạn thiền - và tôi dạy bạn sự kết hợp đáng kinh ngạc của cả hai. Bạn không cần phải là người tạo ra sự kết hợp đó. Sự kết hợp đó là tự nhiên; bạn chỉ cần đừng làm gián đoạn nó. Hãy quan sát các trải nghiệm của bạn và bạn sẽ thấy những điều tôi đang nói là xác thực, bởi vì tôi không nói về ý thức hệ ở đây, tôi chỉ đơn giản nói về sự thật.
Một anh hùng người Nga được nhận rất nhiều huy chương trở về tổ quốc sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang ở mặt trận Phần Lan. Người này đã sống trên núi suốt nhiều tháng trời giữa mùa đông giá rét. Đây là chuyến nghỉ phép đầu tiên của anh trong suốt cả năm.
Một phóng viên đã đến để phỏng vấn người anh hùng này. Với ánh mắt có chút trêu đùa, phóng viên hỏi: “Hãy cho tôi biết, Đại úy Ivan Petrovich, việc thứ hai anh làm sau một năm xa vợ là gì?”.
Ivan trả lời không chút do dự: “Việc thứ hai ư? Tại sao? Việc thứ hai tôi làm là tháo ván trượt tuyết của mình ra”.
Nếu phải ở trên núi quá lâu, làm thế nào bạn có thể tháo ván trượt của mình ra trước tiên?
Một con tàu sắp cập cảng sau sáu tháng lênh đênh trên biển. Phụ nữ trong thị trấn đều ra bến cảng để đón chồng trở về. Một phụ nữ vẫy tay với người chồng đang ngồi nghỉ ở mũi tàu và cất giọng nói thật to với anh ta: “E.F! E.F!”.
Người chồng hét đáp lại: “F.F! F.F!”.
“E.F! E.F!”
“F.F! F.F!”
Một người qua đường quay sang hỏi người phụ nữ: “E.F. với F.F. có nghĩa là gì?”.
Người phụ nữ đáp: “Tôi nói là chúng ta nên ăn trước”.1
1 E.F. là chữ viết tắt của Eat First (ăn trước).