“Những người làm việc cùng bạn phản ánh thái độ của bạn.”
Khuyết danh
“Những người làm việc cùng bạn phản ánh thái độ của bạn.”
Khuyết danh
Nghệ thuật ứng xử để có mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp
Công nhận năng lực và không tiết kiệm lời khen
Sẽ thật khôn ngoan nếu chúng ta biết được rằng con người thích được công nhận và đánh giá cao. Không một ai không thích nhận được lời khen từ người khác. Những người thành công thường biết cách dùng nụ cười và lời khen để khẳng định giá trị của người khác thay vì những câu phán xét, chê bai. Biết cách đưa ra lời khen đúng lúc và chân thành là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Đây được xem là một trong những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là trong công việc.
Để gia tăng sự thân thiết với đồng nghiệp bạn không cần phải dành tặng những món quà đắt tiền hay những lời tâng bốc nịnh bợ, thay vào đó hãy dùng lời khen chân thành nhất có thể. Để tránh việc sự khen ngợi trở nên giả tạo, bạn hãy dùng những lời gián tiếp thay cho lời khen trực tiếp bằng cách công nhận năng lực của người đó thông qua một người có mối quan hệ thân thiết có liên quan đến họ. Đó sẽ là cách giúp lời khen của bạn được chân thật và có giá trị hơn.
Còn nếu bạn muốn trực tiếp dành lời khen tặng cho đối phương, vậy thì hãy thể hiện một cách khéo léo nhất. Ví dụ như người đồng nghiệp của bạn vừa hoàn thành xong một dự án sau khi dành nhiều thời gian nghiên cứu, và chuẩn bị trình bày trong cuộc họp quan trọng sắp tới, dù chưa biết kết quả nhưng hãy dành tặng cho họ một lời khen ngợi. Đó có thể là “Bạn đã làm rất tốt. Tôi tin chắc rằng sau khi bạn trình bày nó sẽ được đánh giá cao vì bạn đã luôn luôn cố gắng và hết mình cho nó.” Tôi chắc chắn rằng điều ấy sẽ làm người đồng nghiệp kia cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn. Sức mạnh của một lời khen nhỏ cũng sẽ rất có ích cho mối quan hệ của hai người trong cuộc sống cũng như công việc.
Tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt
Đồng nghiệp đối với Daisy là một mối quan hệ đặc biệt. Họ là những người chúng ta phải tiếp xúc để cùng phối hợp và giải quyết các vấn đề của công việc. Để tạo sự gắn kết giữa mọi người với nhau chúng ta không chỉ cần thể hiện qua hành động, lời nói mà nó còn phải được xây dựng trên nền tảng tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt.
Dù là cấp trên hay cấp dưới thì sự tôn trọng là điều căn bản nhất mà ai cũng cần phải có. Tôn trọng để thấu hiểu, để chấp nhận sự khác biệt. Mỗi người đều là một bản thể riêng biệt duy nhất nên chắc chắn sẽ không ai hoàn toàn giống nhau trong tính cách cũng như thái độ ứng xử, phong cách làm việc. Để tạo hiệu quả công việc cao nhất ta cần sự phối hợp ăn ý, thái độ tích cực giữa mọi người với nhau. Hãy cố gắng lắng nghe, tập quan sát để ý đến ưu điểm và nhược điểm, thái độ và phản ứng của đồng nghiệp để điều chỉnh bản thân cho phù hợp hơn.
Mọi sự khác biệt thường sẽ tạo nên mâu thuẫn và những va chạm trong công việc. Cách tốt nhất là hãy cố gắng đến mức thấp những mâu thuẫn không đáng có bằng cách tôn trọng và lắng nghe ý kiến đối phương. Chỉ khi bạn thật sự hòa mình vào làm việc với thái độ và tinh thần hợp tác thì khi đó mọi người mới thấy được sự nỗ lực từ bản thân bạn. Điều đó sẽ giúp bạn tiến xa hơn và đi đến thành công trên con đường dài của sự nghiệp.
Rory là Trưởng phòng Phân tích Tài chính của công ty tôi trước đây. Tôi đã có cơ hội làm việc cùng với anh sau khi được chuyển sang làm tại vị trí nhân viên Phân tích Tài chính. Có thể nói anh ấy là một trưởng phòng gương mẫu và khá cầu toàn trong mọi chuyện. Khi được giao hợp đồng đầu tiên tôi đã khá bối rối bởi đó là một hợp đồng của khách hàng quan trọng. Tôi cũng xin phép cho tôi và Dony cùng thực hiện nhưng anh ấy không đồng ý. Thật sự lúc đó tôi đã cảm thấy vô cùng lo lắng và không hiểu vì sao Rory nhất định để tôi một mình giải quyết hợp đồng lớn này. Sau một quá trình suy nghĩ, tôi thấy rằng Rory là người đã có nhiều kinh nghiệm nên chắc chắn sẽ có những lý do hợp lý cho việc này. Thế là tôi quyết định bắt tay ngay vào nghiên cứu những hồ sơ cũng như thông tin chi tiết khách hàng. Được biết bên phía đối tác là công ty dầu khí WB lớn nhất cả nước. Điều đó càng làm cho tôi bất ngờ và gia tăng áp lực hơn. Nếu hợp đồng thất bại tôi sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến công ty khi bỏ mất một mối làm ăn quan trọng. Tuy vậy, rất may mắn khi nhờ vào sự cố gắng và tài ăn nói của mình, tôi đã ký kết thành công hợp đồng và nhận về sự tán dương của mọi người. Hôm đó Rory có gọi tôi vào để nói chuyện. Anh mở lời.
“Cô cảm thấy như thế nào với hợp đồng lần này khi tôi giao hoàn toàn mọi công việc và trách nhiệm cho cô?”
“Vâng thật sự lúc đầu em cũng có đôi chút bất ngờ vì không tin anh có thể giao một hợp đồng vô cùng lớn cho một nhân viên mới như em. Mặc dù vậy nhưng em tin chắc anh làm gì cũng có lý do và em tôn trọng quyết định từ cấp trên dành cho mình. Em luôn luôn tôn trọng công việc được giao và cố gắng nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như lợi ích cho công ty mình.”
“Dù biết em là nhân viên mới chuyển đến phòng ban này nhưng ở phòng kinh doanh em là một nhân viên vô cùng xuất sắc. Tôi là người thích nhìn vào hành động hơn là vào lời nói của người khác, thế nên hợp đồng vừa rồi em hãy xem như một thử thách của tôi dành cho em. Sự thành công lần này đã giúp em khẳng định được năng lực của mình đối với tôi cũng như cả công ty. Hãy luôn cố gắng giữ vững tinh thần và thái độ như vậy với công việc nhé. Chúc mừng em.” Bằng những lời nói của mình, anh Rory xóa tan sự căng thẳng của tôi.
Kể từ đó mỗi khi làm việc với trưởng phòng tôi đều cảm thấy vô cùng thoải mái. Đối với những quyết định của Rory tôi luôn cố gắng thấu hiểu và lắng nghe. Việc chấp nhận và tôn trọng ý kiến của nhau khiến cho công việc được giải quyết thuận lợi hơn bao giờ hết.
Tuyệt đối tránh việc nói xấu đồng nghiệp
Thỉnh thoảng trong những lần gặp nhau Angela thường nhắc về cô em gái Dove với tôi. Cô bé vừa sinh nhật lần thứ 20 và hiện đang làm thực tập sinh cho một công ty truyền thông. Những ngày đầu em đi làm với tâm trạng hứng khởi và tràn đầy năng lượng. Cô bé kể rằng em thấy rất vui và may mắn vì khi vào công ty em được dẫn dắt bởi một người chị hướng dẫn nhiệt tình và chu đáo. Thế nhưng, sau hai tháng thực tập em được một người cùng công ty bảo rằng chị ấy là tai mắt của cấp trên và luôn âm thầm báo cáo lại mọi chuyện. Em đã cảm thấy vô cùng lo lắng vì sợ rằng trong suốt thời gian vừa rồi đã lỡ lời hay làm gì ảnh hưởng đến cấp trên.
Kể từ lúc đó Angela cũng hạn chế chia sẻ với người chị đó về những vấn đề riêng tư hay mang tính cá nhân như trước mà tập trung vào công việc. May mắn là em đã kịp thời nhận thức được quy tắc ứng xử này trong công việc. Daisy thấy rằng trong đa số các công ty đều có những cá nhân như người chị hướng dẫn này. Thế nên mới thấy trong cuộc sống hay công việc thì vấn đề mang tính cá nhân chúng ta nên hạn chế trình bày và chia sẻ. Đặc biệt nhất là việc nói xấu giữa đồng nghiệp với nhau, một hành động mà chúng ta cần phải loại bỏ nếu muốn tồn tại và tìm thấy hạnh phúc trong công việc.
Chúng ta nên hiểu một điều rằng đồng nghiệp khác những mối quan hệ khác chỗ chúng ta giữ gìn mối quan hệ này bằng sự liên kết giữa công việc. Tất cả những vấn đề mang tính cá nhân, những yếu tố riêng tư hay nhạy cảm, những khó khăn vướng mắc chúng ta hãy về nhà và chia sẻ nó với gia đình, bạn bè hay người thân. Đơn giản những yếu tố cá nhân đó sẽ rất dễ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng nghiệp. Ví dụ như chẳng may bạn nói ra những lời không tốt đẹp về ai đó với một người khác thì chắc chắn việc đó sẽ đến tai người kia một cách nhanh chóng. Chúng ta khó giữ bí mật cho riêng mình thì làm sao bắt người khác giữ bí mật thay chúng ta. Nếu muốn không khí trong phòng làm việc được thoải mái, bạn hãy nên tiết chế cảm xúc và lời nói. Người phương Đông có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” có ý nghĩa muốn nhắc chúng ta nên cẩn thận trong ăn nói, một lời nói có sức mạnh lớn lao hơn ta tưởng rất nhiều. Hãy là những cá nhân thông minh và biết cách ứng xử khôn khéo để tìm thấy niềm vui trong công việc bạn nhé!
Đừng bao giờ hỏi về mức lương
Trong cuốn sách nổi tiếng Hoàng tử bé của nhà văn Pháp Antoine de Saint – Exupéry có một trích đoạn mà Daisy rất thích đó là “Các người lớn thích chữ số. Khi bạn nói chuyện với họ về một người bạn mới, không bao giờ họ hỏi bạn về cái chính đâu. Họ không bao giờ hỏi: ‘Giọng hắn ta thế nào? Hắn thích chơi trò gì? Hắn ta có sưu tầm bươm bướm không?”. Họ chỉ hỏi bạn: ‘Hắn ta bao nhiêu tuổi? Có mấy anh chị em? Hắn ta bao nhiêu cân? Cha hắn ta lương bao nhiêu.’ Thế. Sau đó, họ cho là họ hiểu hắn ta rồi. Nếu bạn nói với những người lớn: ‘Tôi có thấy một cái nhà bằng gạch màu hồng, với hoa phong lữ trên cửa sổ và chim bồ câu trên mái’, họ chẳng thể nào hình dung nổi nhà ấy như thế nào. Phải nói với họ: ‘Tôi có thấy một cái nhà mười vạn đồng’. Họ sẽ kêu lên ngay: ‘Ôi, thật là đẹp.’” Càng lớn người ta càng thích nhìn vào những con số, những thứ có sức mạnh vật chất hơn là những giá trị tinh thần.
Trong thời đại bây giờ, tiền bạc bắt đầu trở thành thước đo của thành công và giá trị con người. Trong công việc, lương thưởng cũng trở thành một vấn đề được tất cả mọi người quan tâm. Thế nhưng đôi khi việc quan trọng hóa tiền lương sẽ khiến nó trở thành một vấn đề nhạy cảm và được đa số các công ty yêu cầu hạn chế nhắc đến. Tùy vào đặc trưng và vị trí làm việc mà lương thưởng của mỗi người sẽ khác nhau. Việc tiết lộ và bàn tán về nó sẽ rất dễ làm mất đoàn kết nội bộ, dẫn đến tâm lý so bì và thậm chí là ảnh hưởng đến cấp trên.
Thay vì nhìn vào mức lương người khác, tôi nghĩ ta hãy tập trung vào làm tốt công việc của mình. Bởi lẽ việc đó chắc chắn sẽ mang đến hiệu quả công việc cao hơn và cơ hội được tăng lương trong tương lai. Nếu ai đó hỏi bạn về mức lương bạn hãy khéo léo từ chối câu trả lời. Ví dụ như trong tình huống mức lương của bạn cao hơn người đó sẽ dễ tạo cảm giác thua kém cho đồng nghiệp, còn nếu thấp hơn sẽ khiến cho bản thân bạn không cảm thấy thỏa mãn. Để có tâm trạng hào hứng và say mê trong công việc bạn hãy nên loại bỏ những được mất, hơn thua. Một người thông minh sẽ không bao giờ vì những giá trị vật chất làm tổn hại những mối quan hệ xung quanh, đặc biệt là trong công việc.
Những lưu ý cho người mới đi làm nếu muốn xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp
Tôn trọng văn hóa và quy tắc công ty
Bất kể một công ty hay doanh nghiệp nào cũng đều có văn hóa làm việc riêng. Tùy theo đặc thù công việc mỗi công ty sẽ có phong cách ăn mặc, ứng xử và giao tiếp khác nhau. Bạn hãy cố gắng quan sát và thể hiện cho phù hợp với nó để tạo ra sự hài hòa và phù hợp với những người xung quanh. Nếu như mọi người đều có xu hướng ăn mặc đơn giản, màu sắc và thiết kế hài hòa thì bạn hãy tránh mặc những trang phục quá lòe loẹt, gợi cảm để không tạo cảm giác khó chịu cho người khác. Sau khi đi làm ở nhiều nơi Daisy phát hiện ra rằng mỗi nơi sẽ có cách tổ chức và phối hợp giữa các nhân viên cũng khá khác nhau. Có những nơi người quản lý thường tạo ra sự cạnh tranh để kích thích tinh thần làm việc cho nhân viên. Có những công ty khác chỉ giao nhiệm vụ cho nhân viên và yêu cầu hoàn thành đúng tiến độ. Bạn chỉ cần tập trung tối đa vào công việc hiện đang làm của mình. Dù là trong trường hợp nào bạn cũng phải quan sát và để ý để giúp bản thân bắt kịp và đi theo đúng con đường công ty đề ra. Đều đó sẽ giúp bạn cảm thấy vui vẻ và có nhiều động lực để phấn đấu cho công việc.
Đồng thời cũng có những quy tắc bất thành văn mà chúng ta cần phải biết và tuân theo. Ví dụ như không được đi trễ, không được làm việc riêng trong giờ làm, những lời nói hay hành động không nên thể hiện trong giờ họp,… Nếu mới đi làm bạn hãy khéo léo hỏi các anh chị đi trước để họ có thể chia sẻ với bạn về những vấn đề này. Daisy cho rằng việc biết điều gì không và nên làm sẽ khiến cho công việc của bạn dễ dàng hơn. Việc tôn trọng và chấp nhận nơi làm việc sẽ đem đến cho bạn nhiều giá trị tuyệt vời và bổ ích.
Không xem thường bất cứ ai
Trong cuộc sống mọi người thường lấy công việc để làm thước đo giá trị con người. Một số công việc sẽ được đề cao nhưng một số lại bị xem thường. Đối với những người có trình độ thấp hay lao động chân tay sẽ ít được coi trọng hơn người có học thức cao và địa vị trong xã hội. Tại sao một nhân viên văn phòng lại được xem trọng hơn một nhân viên bảo vệ dù làm trong cùng một công ty? Daisy nghĩ đây là một thái độ tiêu cực mà chúng ta cần loại bỏ trong công việc.
Tôi rất ấn tượng và ngưỡng mộ chị Amity. Chị là nhà sáng lập của chuỗi cửa hàng cà phê với trên 70 chi nhánh toàn nước Mỹ. Mặc dù giỏi giang và có nhiều hiểu biết nhưng chị ấy vô cùng khéo léo và tôn trọng nhân viên cấp dưới. Chị chia sẻ:
“Dù là nhân viên bảo vệ, lao công hay nhân viên kinh doanh trong công ty thì họ vẫn là những đồng nghiệp của nhau. Họ đều cố gắng để kiếm đồng tiền bằng chính mồ hôi và nước mắt của mình. Tất cả đều để chăm lo cho những nhu cầu đời hằng ngày cũng như đóng góp sức mình vào sự phát triển của công ty. Tất cả đều là đồng nghiệp cùng gắn bó trong một tập thể, một khối thống nhất với nhau. Đừng bao giờ xem thường bất kỳ ai dù cho họ làm bất kể vị trí nào.”
Mặc dù rất bận rộn với công việc nhưng sau giờ làm phòng làm việc của chị luôn được tự tay dọn dẹp một cách gọn gàng, sạch sẽ. Vị trí bàn ghế luôn được xếp đặt ngay ngắn, ly nước được rửa sạch và cất lại vị trí cũ. Chị luôn luôn nói với mọi người “Hãy tự tay mình làm những việc có thể, đừng bao giờ trông chờ vào người khác.”
Còn với nhân viên cấp dưới, chị luôn luôn làm việc với phong cách chuyên nghiệp và khiến tất cả mọi người nể trọng. Trong những sai phạm của nhân viên, chị ít khi đưa ra những lời lẽ phán xét hay kết tội, thay vào đó chị sẽ để họ tự nhìn nhận lại những sai phạm của mình. Sau đó, chị sẽ dành thời gian để giúp họ sửa sai và cố gắng hơn trong những công việc tiếp theo. Dù như thế nào chị vẫn luôn nhẹ nhàng, điềm tĩnh và tôn trọng tất cả mọi người trong công ty. Điều này tất nhiên khiến chị được hầu hết mọi người yêu quý và kính trọng. Một điều quan trọng là giúp tất cả mọi người hăng say cũng như góp hết sức mình cho công ty của chị. Từ đó Daisy thấy rằng việc tôn trọng và không xem thường bất kỳ ai vừa là một bài học cũng vừa như quy tắc quan trọng mà mỗi người chúng ta nên áp dụng, đặc biệt là những bạn mới đi làm.
Làm quen và mở rộng mối quan hệ với mọi người xung quanh
Với kinh nghiệm đi làm nhiều năm và tiếp xúc với nhiều nơi khác nhau đã giúp tôi hiểu thêm về tầm quan trọng của những mối quan hệ. Trong công việc và đặc biệt là những bạn mới đi làm cần quan tâm đến vấn đề này. Đừng đi làm chỉ vì tiền. Công việc còn liên quan đến các mối quan hệ như: đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới hay rộng ra là khách hàng và đối tác công ty. Càng quen biết nhiều chúng ta sẽ càng dễ dàng hơn trong việc giải quyết những vấn đề liên quan.
Daisy hiểu được tâm lý của các bạn trẻ khi vừa chuyển từ môi trường học tập sang môi trường làm việc. Đó là cảm giác bỡ ngỡ không biết cần phải chuẩn bị và làm gì trong thời gian sắp tới. Lúc ấy, bạn hãy học hỏi kiến thức cũng như kinh nghiệm từ các anh chị đi trước. Để có được sự giúp đỡ nhiệt tình, trước tiên bạn hãy tập kết giao và mở rộng mối quan hệ với họ.
Daisy nhớ lại những ngày đầu thực tập vào năm cuối đại học. Để có thể hài hòa với môi trường mới, tôi đã cố gắng bắt chuyện với cô bạn thực Akika. Cả hai chúng tôi đều là nhân viên mới nên dễ dàng nói chuyện và cùng nhau làm quen với công việc mới. Mỗi buổi sáng đến công ty, tôi thường hỏi mọi người có ai muốn uống cà phê không, sẵn tiện sẽ lấy giúp cho. Từ đó, tôi có cơ hội để nói chuyện và làm quen hơn với mọi người. Hay thỉnh thoảng có việc gì cần phối hợp với bộ phận khác tôi cũng mỉm cười và kết giao thêm. Những hành động nhỏ nhặt nhưng sẽ khiến mối quan hệ giữa mọi người thân thiết và tốt hơn. Đồng thời sau này nếu có khó khăn sẽ dễ nhận được sự giúp đỡ từ những người đồng nghiệp bên cạnh.
Thể hiện phong cách làm việc chuyên nghiệp
Dù là bạn mới đi làm hay làm việc đã lâu cũng phải luôn giữ cho mình một thái độ và phong cách làm việc chuyên nghiệp nhất. Điều này sẽ khiến bạn được mọi người đánh giá cao và đặc biệt là cấp trên. Họ sẽ nhận thấy bạn có tiềm năng phát triển trong công việc, từ đó tin tưởng và trao cho bạn nhiều cơ hội hơn nữa.
Trong công ty cũ ngày trước, tôi vô cùng ấn tượng với một người đồng nghiệp tên Narta. Cô ấy vào công ty cùng một thời điểm với tôi, xinh đẹp, năng nổ và vô cùng trách nhiệm với công việc. Sự chuyên nghiệp của cô ấy được thể hiện rõ ràng nhất trong việc tôn trọng giờ giấc. Trong suốt hơn ba năm làm việc cùng nhau tôi chưa bao giờ thấy cô ấy đi trễ một ngày nào. Giờ làm việc của công ty là 8 giờ thì 7 giờ 20 phút đã thấy cô ấy có mặt tại công ty. Chị chia sẻ, mỗi buổi sáng Narta sẽ dậy vào lúc 6 giờ sáng, sau đó thực hiện vệ sinh cá nhân, làm thức ăn sáng và thay quần áo đến công ty. Trong những ngày đầu tuần cô sẽ thức sớm hơn một chút để tránh tình trạng kẹt xe trong thành phố. Kể cả trong những buổi họp, cô ấy luôn là người có mặt đầu tiên và không bao giờ sử dụng điện thoại hay làm việc riêng trong khi họp. Tôi cũng nhớ cô đã từng nói về việc tôn trọng giờ giấc làm việc rằng:
“Tôi nghĩ sự chuyên nghiệp trong công việc được thể hiện rõ ràng nhất trong việc tôn trọng giờ giấc. Một người mà luôn trễ giờ sẽ rất khó có thể thành công. Thử nghĩ xem trong một cuộc gặp khách hàng quan trọng mà bạn lại bắt họ chờ sẽ thể hiện bạn và công ty của mình không chuyên nghiệp và rất khó để họ đặt niềm tin.”
Không chỉ vậy, sự chuyên nghiệp của chị còn được thể hiện thông qua sự gọn gàng, tôn trọng không gian của công ty. Chưa bao giờ cô rời bàn làm việc mà trên đó không được dọn dẹp ngăn nắp và sạch sẽ. Nhưng có lẽ, điều khiến tôi nhớ nhất về cô ấy chính là thái độ chuyên cần, biết nhận trách nhiệm, lắng nghe, cũng như xin lỗi và cảm ơn khi cần. Nhờ phong thái làm việc chuyên nghiệp ấy mà cô luôn được các anh chị em trong công ty ngưỡng mộ và cấp trên coi trọng.
Daisy tin rằng, với những điều đơn giản mà tôi vừa chia sẻ sẽ giúp các bạn có được niềm vui, hạnh phúc và thành công trong công việc nói chung và với đồng nghiệp nói riêng.