“Giá như chúng ta ngừng cố gắng để hạnh phúc,
chúng ta có thể đã có một khoảng thời gian hạnh phúc.”
Edith Wharton
“Giá như chúng ta ngừng cố gắng để hạnh phúc,
chúng ta có thể đã có một khoảng thời gian hạnh phúc.”
Edith Wharton
Tôi đang không nói đến định nghĩa về mặt lý thuyết hay những định nghĩa mà bạn có thể đã được đọc trong từ điển hoặc trên các trang web bách khoa toàn thư. Định nghĩa mà tôi đang muốn đề cập ở đây, chính là kiểu định nghĩa mang tính cá nhân của riêng bạn. Bạn nghĩ về hạnh phúc như thế nào? Bạn cảm thấy nó dễ dàng hay phức tạp, xa xôi hai gần gũi, lạ lẫm hay thân quen? Bạn có thường cảm thấy hạnh phúc không? Và theo bạn, thì đâu mới là những yếu tố cấu thành hạnh phúc?
Cha tôi từng kể lại với tôi, khi ông 15 tuổi, ngay bên cạnh nhà ông có một người phụ nữ sống cùng bốn cô con gái trong một ngôi nhà không mấy rộng rãi tiện nghi. Người phụ nữ ấy làm công việc rửa chén bát tại một nhà hàng Mexico, buổi sáng phải có mặt lúc 9 giờ và chưa bao giờ trở về nhà sớm hơn 10 giờ tối. Các con của bà ấy tự chăm sóc lẫn nhau ở nhà và ở trường, cô bé lớn nhất – 16 tuổi – sẽ đưa các em đi học, dặn dò chúng những việc cần làm và đón chúng về vào buổi chiều. Cuộc sống của họ dường như khá vất vả, nhưng trong trí nhớ của cha tôi, ông chưa bao giờ nghe thấy tiếng họ cãi nhau.
Một buổi tối, cha tôi đi học về muộn, ngang qua khoảng sân trước nhà họ, ông tình cờ nhìn thấy cảnh người mẹ chia phần thức ăn mà bà được phép mang về từ nhà hàng cho các con mình, bà tươi cười rạng rỡ và nói:
“Đây là một điều mà chúng ta cần phải biết ơn.”
Một lần khác, khi cha tôi tham gia vào một buổi bán hàng gây quỹ từ thiện tại trường cấp ba mà ông đã từng học, ông tình cờ gặp một trong những cô con gái trong gia đình ấy. Cô bé ôm một chiếc áo len nhỏ màu lông chuột cùng một đôi găng tay trắng, trân trọng đặt lên bàn quyên góp. Ông đã hỏi cô bé với vẻ ngạc nhiên và một chút tò mò:
“Tại sao em không giữ lấy cho mình?”
Cô bé vui vẻ trả lời:
“Khi em nhận được áo ấm và găng tay từ chị của mình, em cảm thấy rất hạnh phúc. Cho nên em nghĩ nếu như những người bạn bằng tuổi mình nhận được những thứ này từ em, họ nhất định sẽ rất hạnh phúc.”
Vào thời điểm đó, cha tôi tự hỏi, tại sao chỉ là những món ăn còn dư của nhà hàng lại khiến cho người mẹ phải cảm thấy biết ơn đến như vậy? Tại sao chỉ có một chiếc áo, một đôi găng tay cũng có thể làm nên nụ cười trên môi họ? Tại sao trông họ thậm chí còn vui vẻ hơn bất cứ người giàu có và nổi tiếng nào khác mà ông từng nhìn thấy. Cha tôi nói rằng, sau này khi ở tuổi gần 30, trải qua rất nhiều khoảng thời gian khốn khó trong đời, ông mới biết câu trả lời cho những thắc mắc trước đây của mình. Bởi ông hiểu được cảm giác có những hôm không có lấy một xu dính túi là như thế nào, những lúc đó chỉ ước sao có được một mẩu bánh mì khô để lót dạ cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Cảm giác mãn nguyện này, nếu như ở trong một hoàn cảnh khác, có lẽ ông sẽ không thể nào hiểu một cách sâu sắc được.
“Cha nghĩ rằng, từ trước đến nay chúng ta thường vô tình đóng khung khái niệm hạnh phúc vào trong tiêu chuẩn riêng của bản thân.” Cha tôi giải thích. “Mà những tiêu chuẩn ấy cũng bị ảnh hưởng bởi sự đánh giá chủ quan. Kỳ thực đôi khi những chuẩn mực hạnh phúc của người này, đối với người khác chẳng có ý nghĩa gì; ngược lại có một số chuyện cha cho rằng cũng bình thường thôi, nhưng đối với một số người thì đó chính là hạnh phúc. Vì thế, hạnh phúc không phải là một khái niệm cố định, nó còn phụ thuộc vào quan niệm sống của mỗi người.”
Vậy, quan niệm sống hạnh phúc của bạn là gì?
HẠNH PHÚC:
Danh từ: trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.
Tính từ: có được trạng thái sung sướng vì cảm thấy đã đạt được ý nguyện.
Nếu bạn tìm kiếm từ khóa Hạnh phúc, ngay lập tức trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.com sẽ cho ra kết quả như sau: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí.” Tuy nhiên, không có bất cứ từ điển nào nói rõ cho chúng ta biết, phải thỏa mãn những nhu cầu gì thì mới chạm đến ngưỡng hạnh phúc. Chúng ta đã quá quen với việc tin vào những gì bản thân đọc được, nghe được từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ lời truyền tai của những người tài giỏi, giàu kinh nghiệm, vì thế chúng ta quên mất rằng hạnh phúc là thứ chúng ta phải tự mình đi tìm, tự mình cảm nhận lấy, hoàn toàn không phải thứ mà sách báo, Internet hay thế hệ trước có thể truyền lại cho chúng ta.
Cách đây vài tháng, tôi có dịp đến tham dự một buổi hội thảo với chủ đề: 6 tỷ đường đến hạnh phúc. Chủ đề buổi hội thảo dựa theo tên cuốn sách 6 tỷ đường đến hạnh phúc (tên gốc: The Science of Happiness: how our brains make us Miranda and what we can do to get happier) của Tác giả Stefan Klein. Trong buổi hội thảo ấy, tất cả chúng tôi sẽ lần lượt điểm lại những điều khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc trong vòng một năm trở lại đây. Hành động này nhằm mục đích khơi gợi lại cho người tham gia những ký ức vui vẻ gần đây nhất của họ, giúp họ suy nghĩ tích cực hơn giữa cuộc sống quá bận rộn và quá khó khăn của mình.
Tại buổi hội thảo đó, mọi người không cần phải giới thiệu về tuổi tác, nghề nghiệp và tình trạng quan hệ của mình. Chúng tôi biết nhau và nhớ đến nhau nhờ vào những cái tên, những câu chuyện, những niềm hạnh phúc mà họ kể. Bởi vì khi ấy, chúng tôi không phán xét lẫn nhau, chúng tôi đặt mình vào hoàn cảnh của nhau, để rồi cùng đồng cảm với hạnh phúc của họ. Chính tại buổi hội thảo này, tôi đã nhận được một bài học vô cùng đáng giá về mối quan hệ giữa hạnh phúc với quan điểm sống của mỗi người. Cụ thể là khi tôi nghe lần lượt từng người kể về cách họ cảm nhận hạnh phúc trong thời gian gần đây, tôi đã ghi chép lại và xin phép được chia sẻ một lần nữa trong cuốn sách này, ngay tại chương đầu tiên. Tôi hy vọng tất cả các bạn đều có thể nhìn ra một sự thật rằng, có rất nhiều con đường khác nhau để đi đến hạnh phúc, bên cạnh con đường mà chúng ta luôn mặc định là con đường tiêu chuẩn của cuộc đời.
May (57 tuổi): “Tôi cảm thấy bản thân thật hạnh phúc bởi vì ở độ tuổi này, tôi có thể quay về ngôi nhà cũ mà tôi từng sống thời thơ bé để tận hưởng những ngày tháng nghỉ hưu cùng mẹ của mình. Bà gần 80 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Bạn đời của tôi mất cách đây không lâu, các con của tôi đều đã có gia đình riêng, nên giờ đây tôi đã trở về quê hương, ở lại chăm sóc mẹ tôi cho đến hết khoảng thời gian còn lại. Đó là một may mắn đối với tôi. Có mấy ai trên đời được ở cùng mẹ của mình vào tuổi xế chiều đâu.”
Marvin (32 tuổi): “Tôi đã từng rất e sợ cuộc sống gia đình. Tôi thích sự tự do, không bị ràng buộc và cũng không phải lo lắng về những bổn phận cần có của người chồng, người cha. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẵn sàng để chịu trách nhiệm với một người phụ nữ và một đứa trẻ trong cuộc đời mình. Nhưng vào cuối năm trước tôi đã kết hôn với Olivia, mới tháng trước, cô ấy tặng cho tôi một công chúa nhỏ. Đây là một niềm hạnh phúc mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ cảm nhận được. Tôi không hề biết rằng thì ra có người để chăm sóc, có người để yêu thương, có người cùng ăn tối sau giờ làm, có người tin tưởng ở tôi, trông cậy nơi tôi, lại là một cảm giác tuyệt vời đến vậy.”
Ashley (25 tuổi): “Tôi vừa làm lành với Sarah – người bạn thân từ thuở bé của tôi. Vì một vài hiểu lầm mà chúng tôi dừng liên lạc với nhau, sau đó, cả hai chúng tôi đều quá tự tôn mà không ai nói lời xin lỗi trước với người còn lại. Đầu năm nay, mẹ của Sarah gọi điện cho tôi, nói rằng cô ấy vừa trải qua một cú sốc tình cảm, hy vọng tôi có thể đến giúp cô ấy khuây khỏa. Đúng lúc tôi còn dư một chiếc vé xem phim, tôi đã tận dụng cơ hội này, nhắn tin hỏi cô ấy có muốn cùng đi với tôi hay không. Thật ngạc nhiên là chúng tôi có thể nói chuyện lại với nhau một cách bình thường như chưa từng xảy ra những hiểu lầm trước đây. Tôi nghĩ rằng, có được một người bạn từ thuở hàn vi cho đến lúc trưởng thành thật sự không phải dễ dàng, cùng nhau kiên trì một năm, hai năm đã là kỳ tích. Chúng tôi ở bên nhau đã hơn mười năm, trải qua nhiều xích mích lớn như vậy mà vẫn có thể hòa giải được, rõ ràng tôi có một người bạn như Sarah chính là một niềm hạnh phúc đáng trân trọng trong đời.”
Noah (65 tuổi): “Rất nhiều bạn bè của tôi ở tuổi nghỉ hưu cho rằng cần phải có một khoản tiền thật lớn, một cơ ngơi đồ sộ, con cháu đầy đàn, như thế mới gọi là viên mãn. Thế nhưng, tôi cảm thấy như tôi hiện tại cũng không sao cả. Tài khoản hưu trí của tôi chỉ vừa đủ thôi, tôi sống cùng chú chó Teddy vì tôi không có con cháu. Thỉnh thoảng, tôi sẽ đi du lịch ở một vài nơi, thưởng ngoạn phong cảnh, nhìn ngắm thế giới xung quanh thay đổi như thế nào. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình ung dung tự tại, có sức khỏe, có bạn bè, có khả năng chi trả cho một vài sở thích cá nhân, như vậy đã là hạnh phúc, tôi không cảm thấy tiếc nuối bất cứ điều gì.”
Cherilyn (39 tuổi): “Cuối tuần trước, trên đường đi siêu thị về, tôi gặp một nhạc công đường phố. Anh ta trình diễn bằng kèn Saxophone bài hát Silent Night bằng một dáng vẻ đầy say mê. Tôi nhớ đã rất lâu rồi tôi không còn chơi nhạc cụ nữa. Cuộc sống bận rộn, hối hả đã cuốn tôi đi rất xa niềm đam mê của mình. Cuối cùng tôi xin phép anh ấy được dùng thử chiếc kèn, và thật ngạc nhiên, tôi chưa từng quên cách chơi nó. Hóa ra, niềm đam mê của chúng ta sẽ không bao giờ thật sự mất đi. Nó sẽ luôn chờ đợi ở đâu đó trong trái tim mỗi chúng ta, chờ đợi đến khi chúng ta nhận ra nó và tìm về với nó. Buổi tối hôm đó là một trong những buổi tối hạnh phúc nhất kể từ khi tôi trưởng thành cho đến bây giờ. Tôi hiện tại vừa đi làm vừa học chơi Saxophone trở lại. Cũng hơi mất thời gian một chút, nhưng cuộc sống của tôi nhờ vậy mà trở nên thi vị hơn.”
Như bạn có thể thấy, khi kể về hạnh phúc, chẳng có một ai trong số họ đề cập đến nghề nghiệp, thu nhập hay những giá trị vật chất khác. Tôi tin rằng ngay cả bạn cũng vậy, bạn có thể cảm thấy vui vẻ khi mua được một chiếc áo đắt tiền hơn chiếc áo mà cô nàng đồng nghiệp đã mặc hôm qua; có thể tràn đầy hãnh diện khi đưa nhóm bạn cũ thời sinh viên đến ăn mừng ngôi nhà lớn mà bạn vừa mua được; thậm chí có thể tràn đầy hưng phấn khi nhìn vào số tiền lương mà công ty vừa tăng thêm cho bạn. Nhưng câu hỏi tôi đặt ra là: Sau đó, bạn có cảm thấy hạnh phúc không?
Chiếc áo đắt tiền ấy chỉ được mặc một vài lần, sau đó cô nàng đồng nghiệp kia có một chiếc áo đắt hơn, và bạn lại tiếp tục phải mua một chiếc đắt hơn như thế để cạnh tranh?
Ngôi nhà khang trang ấy khiến bạn tiêu tốn nhiều chi phí hơn, gia đình bạn cũng vì vậy mà thường xuyên bất hòa?
Số tiền lương được tăng thêm đòi hỏi bạn làm việc mới một cường độ cao hơn, đến nỗi bạn không có thời gian để quay quần với các con của bạn nữa?
Tôi không có ý phủ nhận nếu những điều tôi kể ở trên khiến bạn hạnh phúc. Có điều, đó là kiểu hạnh phúc buộc bạn phải trả giá. Tôi đã nói với với bạn trước đó rồi đấy, những thứ có thể dùng tiền để mua, thì sẽ có hạn sử dụng. Nếu bạn chạy theo kiểu “hạnh phúc vật chất” này, bạn cần chuẩn bị sẵn tinh thần để nhìn thấy chúng hết hạn sử dụng sau một thời gian, và bạn phải tiếp tục trả một cái giá để có được nó một lần nữa.
Trong khi đó, một số người có xu hướng tin rằng hạnh phúc không chỉ là những điều lớn lao, vĩ đại, mà còn bao gồm cả những điều nhỏ bé, giản đơn. Họ cảm thấy, đôi khi để đạt được hạnh phúc, họ đơn giản chỉ cần biết hài lòng, trân trọng và tập trung tận hưởng cuộc sống. Đối với những người này, hạnh phúc được gom nhặt và chắt chiu từ những điều bé nhỏ. Cũng giống như những nụ hoa nhỏ li ti, sau một thời gian cần mẫn vun trồng, ngày ngày tháng tháng, chúng lớn dần lên, sinh sôi nảy nở, và cho chúng ta thành quả xứng đáng là cả một khu vườn xinh đẹp.
Giờ đây, tôi cần bạn viết xuống một vài ý niệm về hạnh phúc mà bạn đang có trong tâm trí ngay tại thời điểm này. Đừng lo ngại về chuyện đúng hoặc sai, đây chỉ đơn giản là những quan điểm của chính bạn. Hãy viết câu trả lời đầu tiên mà bạn nghĩ đến ngay sau khi đọc câu hỏi, đừng để bản thân kịp suy nghĩ và điều chỉnh bất cứ thứ gì. Suy cho cùng, bạn là người duy nhất đọc được những dòng này, và cũng là người duy nhất chịu trách nhiệm cho niềm hạnh phúc của chính bạn.
HÃY CHỜ MỘT PHÚT TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU, DÙNG MỘT PHÚT NÀY ĐỂ NHẮM MẮT LẠI, HÍT VÀO MỘT HƠI THẬT SÂU, SAU ĐÓ MỞ MẮT RA…
Hãy viết ba yếu tố mà bạn nghĩ là quan trọng nhất để làm nên hạnh phúc:
..........
Tại sao bạn nghĩ rằng chúng quan trọng?
..........
Trong ba yếu tố ấy, bạn nghĩ bản thân đã đạt được bao nhiêu?
..........
Vậy, hiện tại bạn có nghĩ rằng bạn đang hạnh phúc không?
..........
Đối với câu hỏi cuối cùng này, nếu đáp án của bạn là Không, vậy hãy tiếp tục với câu hỏi sau:
Bạn nghĩ trong các khía cạnh dưới đây, đâu là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy bản thân hiện tại không hạnh phúc?
Tôi không định đưa ra bất cứ một lời nhận xét nào về lựa chọn của bạn, dù bạn đã đánh dấu vào ô nào, vào bao nhiêu ô, hay thậm chí vào tất cả các ô vuông phía trên, thì đó vẫn không phải là một vấn đề quá lớn. Tôi biết trên thế giới này có không ít người tự cảm thấy bản thân chưa đủ hạnh phúc. Nhưng đó là bởi vì họ đánh giá hạnh phúc là thứ gì đó quá lớn lao. Nếu bạn cũng thuộc nhóm người ấy, hãy thử thay đổi góc nhìn một chút nhé! Hãy thử hít vào thật sâu, sau đó chầm chậm thở ra.
Bạn có cảm nhận được hơi thở của bạn không?
Nó có ý nghĩa là bạn đang sống.
Và đó chính là bí mật đầu tiên của hạnh phúc mà tôi muốn nói với bạn:
Được sống, đó đã là một niềm hạnh phúc.
Cậu em trai Bear của tôi từng kể lại với tôi rằng, cậu ta từng học cùng lớp với một cậu bạn tên là Johnny. Cậu bạn Johnny này có một thói quen là so sánh và than phiền về mọi thứ xảy ra trong cuộc sống của mình.
“Tại sao gia đình tôi lại không khá giả như gia đình của Mark?”
“Tại sao Jack luôn được mời đến những bữa tiệc sang trọng mà không phải là tôi?”
“Tại sao các cô gái lại vây quanh Peter trong khi tôi cảm thấy hắn chẳng có điểm nào hơn tôi cả?”
“Trời mưa rồi, thật khó chịu vì không thể ra ngoài đá bóng.”
“Trời nắng như vậy, tôi cảm thấy đau đầu sắp chết đến nơi!”
“Trời nóng quá, tôi chẳng muốn tắm thêm lần thứ hai trong ngày đâu!”
“Thời tiết lạnh thật phiền phức, tôi phải khoác chiếc áo len quê mùa này suốt cả ngày.”
...
Theo lời kể của Bear, cậu bạn Johnny này chưa bao giờ thật sự hài lòng về cuộc sống của mình. Mỗi ngày trôi qua của cậu đều tràn đầy mệt mỏi, cáu kỉnh, khó chịu, mặc cảm và những tiếng thở dài. Hiếm khi nào thấy cậu ấy cười vui, cũng hiếm khi nào cậu ấy ngừng ca thán về những thứ mình không có được. Cứ như vậy, Johnny ghét nói về hạnh phúc, vì cậu chẳng thấy hạnh phúc chút nào.
Thực tế trong cuộc sống của chúng ta, cứ mười người thì sẽ có khoảng năm người có cách cư xử giống như Johnny vậy. Những người này nhìn đâu cũng thấy chướng tai gai mắt, luôn cho rằng số phận bất công với họ, luôn ganh tỵ với những người may mắn hơn mình và luôn đổ lỗi rằng hoàn cảnh không cho phép họ được hạnh phúc.
Kỳ thực, việc bạn có cảm thấy thỏa mãn và hài lòng hay không phụ thuộc vào suy nghĩ của chính bản thân bạn. Trong hầu hết các mối quan hệ, cũng như hầu hết các tình huống bạn gặp phải, có đôi khi bạn không thể thay đổi được cục diện vấn đề, nhưng bạn có thể thay đổi thái độ của chính bạn đối với vấn đề đó. Cụ thể trong trường hợp của Johnny, tôi tin rằng chỉ cần cậu ấy biết cách CHẤP NHẬN những chuyện xảy đến, chắc chắn cuộc sống của cậu ấy sẽ trở nên vui vẻ và dễ dàng hơn rất nhiều.
Thay vì khó chịu khi không thể ra ngoài đá bóng lúc trời mưa, Johnny có thể vui vẻ vì có một ngày ở nhà nghỉ ngơi thư giãn bên cốc cà phê nóng và những cuốn sách nhẹ nhàng. Thay vì khó chịu bởi thời tiết nóng bức, Johnny có thể tận dụng những ngày nắng đó để phơi những chiếc khăn, những chiếc drap giường lớn, những bộ quần áo lông dày mà khi trời ẩm ướt cậu không thể phơi được. Cũng vậy, thay vì khó chịu khi thấy người khác thu nhập cao hơn, có nhiều bạn gái hơn, hay được mời đi dự tiệc nhiều hơn, tại sao Johnny không đơn giản là chấp nhận mức lương mình đang nhận là xứng đáng với năng suất lao động của bản thân; chấp nhận những bữa tiệc hào nhoáng có thể không phù hợp với cậu; và chấp nhận rằng tính cách của cậu không phải là kiểu sẽ được các cô gái vây quanh. Một cuộc sống thật sự vui vẻ chính là một cuộc sống mà chính bạn tự cảm thấy hài lòng và chấp nhận tất cả những mặt thuận lợi lẫn khó khăn mà bạn đối mặt mỗi ngày.
Trong một lần cùng cô bạn thân Angela đi du lịch đến đảo Oahu tại Quần đảo Hawaii, chúng tôi quyết định lựa chọn hình thức Home-stay (một loại hình du lịch cho phép khách đến thăm ăn uống và sinh hoạt tại nhà người dân địa phương) bởi lý do muốn thử tự mình trải nghiệm những nét đẹp về phong tục, văn hóa và con người nơi đây. Nhờ dịp này, tôi được quen biết vợ chồng chú David – chủ home-stay mà chúng tôi lưu trú. Họ đã ngoài 50 tuổi, có hai cậu con trai sinh đôi. Điều ấn tượng nhất về họ chính là sự nhiệt tình, hiếu khách và quan niệm về những giá trị cần thiết trong cuộc sống. Biết chúng tôi từ xa đến, cô chú đã chuẩn bị chu đáo phòng ngủ và vật dụng trong phòng, có cả nến thơm và tinh dầu oải hương đã được thắp sẵn. Vì là dạng du lịch trải nghiệm nên ở đây hầu như không có các thiết bị hiện đại như tivi, máy tính, Interner,… mà chủ yếu là sống hòa hợp với thiên nhiên. Thức ăn hằng ngày cũng khá đơn giản, chủ yếu là rau và các loại hải sản được đánh bắt tự nhiên từ biển. Hai vợ chồng luôn quan niệm rằng hạnh phúc đến từ xung quanh chúng ta. Hằng ngày ngoài công việc chính là quản lý home-stay, họ còn dành thời gian chăm sóc cho nông trại của mình. Họ kể, lúc trước cả hai đều sống và làm việc tại Thành phố New York nhưng với đam mê thiết kế và sở thích du lịch, vợ chồng quyết định chuyển về Oahu để xây dựng một homestay mơ ước. Một lý do khác là họ thích được sống trong một không gian bình yên, thư thái. Mặc dù công việc bận rộn nhưng hai vợ chồng nhà David vẫn luôn luôn yêu thương nhau bằng những cử chỉ dịu dàng và ân cần nhất. Hai cậu con trai của họ cũng rất ngoan ngoãn và đáng yêu.
Mỗi buổi tối sau khi kết thúc công việc cả bốn thành viên trong gia đình sẽ cùng ngồi lại với nhau, cha mẹ sẽ dạy học và chơi đùa cùng ác con của mình. Tôi thấy họ không đặt nặng vấn đề học lực hay thành tích lên chúng, đơn giản họ chỉ dành những câu hỏi quan tâm như “Ngày hôm nay con thấy thế nào?” “Con có gì không hiểu về bài học hôm nay?”… Thay vì trách mắng và ép buộc con cái phải theo khuôn khổ của mình, họ tự để chúng quyết định mục tiêu và đam mê trong cuộc sống. Họ sống một đời sống vô cùng thư giãn, nhẹ nhàng và an nhiên, không tranh đua, không hơn thua với cuộc đời ngoài kia. Một phần lợi nhuận vào thứ Hai hằng tuần sẽ được anh chị tích góp vào một quỹ từ thiện để giúp đỡ trẻ em nghèo và người già neo đơn. Những nhân viên trong home-stay chủ yếu là những người quen tử tế gặp khó khăn cần việc làm, cả hai đã sẵn sàng nhận vào làm việc khi home-stay cần tuyển dụng và đối xử với họ như những người thân trong nhà. Anh chị bảo: “Chỉ cần có đủ sức khỏe thì tiền lúc nào mình cũng có thể làm ra được, chỉ có tình yêu thương mới là thứ đáng trân quý nhất. Cho đi rồi sẽ được nhận lại. Sống hãy luôn biết đủ vì chỉ như thế chúng ta mới biết thế nào là hạnh phúc thật sự.”
Phong cách sống này của vợ chồng cô chú David khiến tôi suy nghĩ rất nhiều sau khi trở về với thành phố náo nhiệt, ồn ả, trở về với guồng quay của công việc cũng như những nỗi lắng lo về gạo tiền, cơm áo. Tôi tự hỏi liệu những điều mà chính bản thân tôi và hầu hết mọi người xung quanh tôi đang mải miết theo đuổi, có thật sự là những điều làm nên hạnh phúc đích thực hay không? Có khi, chính tôi – một người thường xuyên chiêm nghiệm về hạnh phúc – lại đang không hạnh phúc vì không có được những giá trị tôi cho rằng sẽ mang lại hạnh phúc cho mình. Có khi, học cách CHẤP NHẬN cuộc sống hiện tại của bản thân sẽ giúp tôi thấy dễ dàng hơn, thanh thản hơn. Có khi, các vị phụ huynh cần CHẤP NHẬN kết quả học tập của con cái mình, ít đòi hỏi, ít đặt áp lực lên thành tích của chúng, khiến việc học của chúng ngày càng nặng nề mệt mỏi. Chấp nhận các con cũng có những ưu khuyết điểm, những năng lực và hạn chế của riêng mình, chúng đã học tập chăm chỉ, đã nỗ lực hết mình, chúng ta không nhất thiết phải gò ép chúng phải đáp ứng bằng được kỳ vọng của chúng ta nữa.
Gia đình cô chú David mà tôi vừa kể, họ hạnh phúc đơn giản vì họ biết cách trân trọng và cảm nhận những giá trị của cuộc sống, họ biết chấp nhận và tận hưởng những điều tốt đẹp thay vì than phiền mỗi khi gặp khó khăn, hay tệ hơn, là ganh ghét hạnh phúc của người khác. Tất nhiên, không thể tránh khỏi những ý kiến trái chiều về cách sống này. Tôi được biết, gia đình và bạn bè của cô chú David ban đầu đã không đồng ý cho kế hoạch mở home- stay của họ với lý do sự nghiệp của họ tại New York đang vô cùng thuận lợi, họ không việc gì phải đi đến một nơi xa như Hawai để kinh doanh. Đối với những ý kiến này, tôi nghĩ không có một lý do nào hợp lý hơn ngoài việc họ thật sự cảm thấy hạnh phúc khi làm những điều đó. Cô chú David chấp nhận đến nơi xa xôi, không thiết bị hiện đại và có thể nói là hoàn toàn khác so với sự sầm uất của thành phố hoa lệ New York chỉ vì họ thấy Hawai là nơi sinh ra dành cho mình: Họ yêu con người và thiên nhiên trên đảo; họ yêu du lịch; họ yêu việc trang trí nhà cửa và nhìn những người khách du lịch tận hưởng dịch vụ tuyệt vời mà họ đã tạo ra.
Tương tự trường hợp trên, tôi muốn kể câu chuyện về anh Cominic – một người anh họ ngoại của tôi. Anh đã kết hôn và có hai con nhỏ vẫn chấp nhận việc thuê ở chung cư, lương 4.000 đô la một tháng. Otis và Dai con anh vẫn học ở những trường có chất lượng bình thường trong thị trấn. Thế nhưng, gia đình anh vẫn luôn ngập tràn niềm vui và tiếng cười. Hằng ngày, chị Caradoc – vợ anh – sẽ dậy thật sớm để chuẩn bị buổi sáng cho cả nhà cũng như bữa trưa cho anh Dominic đi làm. Buổi chiều anh sẽ đón hai đứa nhỏ tan học còn chị sẽ đi chợ để nấu bữa cơm tối cho gia đình. Thỉnh thoảng, anh sẽ đưa cả nhà đi công viên vào cuối tuần hoặc đi ăn tại cửa hàng mỳ Udon nổi tiếng của thị trấn mà hai cậu con trai vô cùng yêu thích. Dù đã hơn mười hai năm chung sống cùng nhau nhưng anh chị vẫn luôn đối xử với nhau bằng một tình cảm yêu thương như thuở ban đầu. Dù không khá giả, không giàu có nhưng đó là một cuộc sống mà rất nhiều người hằng mong ước và chính tôi là một trong số đó.
Việc tôi kể về câu chuyện gia đình anh Dominic không có nghĩa tôi muốn cho rằng những người giàu có sẽ không hạnh phúc. Trong những lần gặp mặt, anh vẫn kể cho tôi nghe về cuộc sống của những người bạn thân hiện tại của mình, trong đó có Phelim. Anh họ tôi nói rằng, Phelim là bạn học cùng trường đại học với anh cách đây 25 năm về trước và hiện tại đã vô cùng thành công với chức Tổng Giám đốc của công ty du lịch nổi tiếng tại Thành phố New York. Với một người vợ xinh đẹp và tài giỏi, những đứa con học hành trong những ngôi trường hàng đầu, cuộc sống Phelim hiện tại khiến bạn bè của anh vô cùng khao khát. Việc anh Dominic kể cho tôi về người bạn của mình không nhằm mục đích ghen tỵ hay đố kỵ với Phelim, mà anh muốn giúp tôi biết một điều rằng hạnh phúc không bao giờ có định nghĩa và quy chuẩn chung. Bởi lẽ, anh tôi vẫn đang rất hài lòng bên cạnh người vợ bác sĩ cùng với những đứa trẻ rất ngoan ngoãn của mình. Thế nên, việc áp đặt và quy chụp khuôn khổ cho hạnh phúc là một điều mà bạn không bao giờ làm được, tất cả chỉ phụ thuộc vào cảm nhận, vào nhân sinh quan của chính bản thân chúng ta mà thôi.
Kỳ thực, anh Dominic cũng luôn bị chỉ trích vì tại sao đã hơn 40 tuổi mà vẫn chấp nhận làm cho công ty với mức lương thấp như vậy; tại sao vẫn bắt vợ con phải sống tại chung cư mà không phải là một ngôi nhà ổn định như nhiều người mơ ước. Việc anh chấp nhận ở lại công ty là vì anh cảm thấy bản thân thật sự phù hợp công việc và môi trường ở đây: một người lãnh đạo tuyệt vời và những người đồng nghiệp thân thiện chính là những lý do anh cống hiến suốt hơn mười lăm năm qua. Việc ở chung cư cũng không có gì là bất tiện cho gia đình bởi lẽ nó vừa an toàn, sạch sẽ và giúp anh tiết kiệm một chi phí lớn khi phải mua một căn nhà ngay tại trung tâm Thành phố New York. Số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng có thể dành cho những nhu cầu khác như y tế, giáo dục và bảo hiểm cho con của mình. Nhìn vào không khí đầm ấm, vui vẻ và tràn ngập tiếng cười của họ, tôi tin họ đang thật sự hạnh phúc với tất cả những gì mà họ đang có. Biết chấp nhận và trân trọng từ những điều tưởng như bình thường hóa ra lại mang đến cho chúng ta nguồn hạnh phúc lớn lao như vậy.
Vào khoảng thời gian còn là thực tập sinh của công ty, tôi đã thật sự học hỏi được rất nhiều bài học và kinh nghiệm. Vào độ tuổi 20, khi vừa mới bước sang ngưỡng cửa trưởng thành tôi đã có cho mình nhiều khát khao, mộng tưởng, thế nhưng việc tưởng tượng và thực tế luôn hoàn toàn khác xa nhau. Khi mới vào công ty, bản thân tôi luôn cố gắng hoàn thành thật tốt công việc được giao. Dù chỉ là thực tập sinh nhưng tôi lại rất hài lòng và tự hào về sự cố gắng của bản thân. Tuy nhiên ở độ tuổi còn quá trẻ tôi tự biết rằng bản thân thật sự còn rất nhiều thiếu sót. Tôi chấp nhận sự thật đó và xem nó như một động lực giúp tôi cố gắng hằng ngày. Tôi bắt đầu học sắp xếp kế hoạch và tập trung vào việc phát triển sự nghiệp. Ngoài việc thực tập công ty, tôi cố gắng dành thời gian để học thêm nhiều kỹ năng phục vụ cho công việc. Bên cạnh đó, tôi cũng cố gắng làm quen và mở rộng nhiều mối quan hệ hơn nữa. Trong thời gian thực tập, thông qua sự giới thiệu của chị Hilary, tôi đã làm quen được rất nhiều anh chị có cùng chí hướng trong công việc. Nhờ vào sự nỗ lực, biết nhìn nhận và sửa sai đã giúp tôi có một kỳ thực tập vô cùng thành công. Tại đây, tôi đã được các anh chị nhiệt tình giúp đỡ và chia sẻ những câu chuyện quý báu. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm và yêu mến của mọi người. Đến bây giờ khi nhớ lại đó vẫn luôn là một trong những khoảng thời gian đặc biệt và đáng nhớ.
Việc biết chấp nhận không đơn giản chỉ là sự hài lòng với hiện tại hay cân bằng cuộc sống mà còn là việc tự chấp nhận bản thân. Việc tự soi xét và nhìn nhận lại cũng là cách để chúng ta hạnh phúc hơn. Ta sẽ dễ dàng được mọi người cảm thông, yêu thương và xem trọng. Nói chung trong cuộc sống xã hội, sự hòa hợp tốt của cá nhân có thể đưa đến sự chấp nhận tốt của những người xung quanh. Sự chấp nhận này cũng là một trong những điều kiện để ta đạt được sự hài lòng trong nội tâm. Hạnh phúc chính là việc đem đến sự hài lòng cho mọi người và chính bản thân chúng ta.
Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi “Tại sao lại có nhiều quan niệm về hạnh phúc trong cuộc sống?” Vấn đề hạnh phúc thuộc về cảm xúc và cảm xúc lại chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác. Nó bao gồm các vấn đề liên quan đến yếu tố vật chất và tinh thần. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng mà tôi thấy có tác động khá lớn đến suy nghĩ và tầm ảnh hưởng đối với chúng ta. Các yếu tố tác động đến quan niệm hạnh phúc bao gồm: giới tính, lớp tuổi, môi trường sống và nền tảng xã hội.
Theo một kết quả nghiên cứu năm 2018 về mức độ hạnh phúc của những nhóm tuổi của 1.000 người từ lớp tuổi từ 19 – 79 như sau:
• 19 – 39: 45% cảm thấy hạnh phúc.
• 39 – 49: 35% cảm thấy hạnh phúc.
• 49 – 69: 37% cảm thấy hạnh phúc.
• 69 – 79: 68% cảm thấy hạnh phúc.
Thông qua nghiên cứu chúng ta thấy rằng lớp người cao tuổi từ 69 đến 79 là những người có được nhiều niềm vui và cảm thấy hạnh phúc nhất. Đơn giản, khi đã trải qua gần hết cuộc đời, ở độ tuổi chín muồi nhất họ sẽ nhìn nhận cuộc sống nhẹ nhàng hơn, bình lặng hơn sau bao năm tranh đấu. Họ thích thú khi dành thời gian với gia đình, từ việc gặp mặt một người bạn cũ hay đơn giản chỉ là một vòng tản bộ trong công viên. Những người già thường thích trở về nhà sum vầy cùng gia đình, con cháu hơn là những niềm vui tuổi trẻ. Hoặc cũng có những người sẽ thực hiện những giấc mơ còn dang dở chưa có cơ hội thực hiện từ khi còn trẻ, và đây là giai đoạn thích hợp nhất để hiện thực hóa ước mơ.
Có một dịp nghỉ lễ tôi cùng những người bạn của mình đến nhà Colina vui chơi ít ngày. Colina sống cùng với ông bà nội trong một ngôi nhà nhỏ tại ngoại ô thành phố. Nhìn vẻ giản dị, bình thường của ông bà Colina khiến ít ai biết rằng khi xưa ông là Tổng Giám đốc công ty bất động sản JN lớn nhất Chicago và bà là Giám đốc công ty phát triển thương mại du lịch WR nổi tiếng. Sau khi nghỉ hưu cả hai bắt đầu chọn về vùng ngoại ô này để tận hưởng tuổi già. Qua bao năm tháng đấu tranh thương trường khốc liệt, cả hai đã chọn cho mình một cuộc sống thật yên bình, dịu êm. Ông bà thường cùng nhau thức dậy vào mỗi buổi sáng sớm và tản bộ trong công viên. Họ cũng rất thích trồng hoa, chăm sóc chim trong khu vườn nhỏ góc sân nhà. Thỉnh thoảng, đọc sách cũng trở thành một niềm vui, niềm an ủi lúc tuổi già của họ. Có đôi lúc ông bà cũng thường cùng nhau chơi cờ để giúp đầu óc minh mẫn, sáng suốt hơn cũng như hạ thấp được tình trạng bệnh mất trí nhớ ở người già.
Colina còn kể với tôi rằng, vài năm trước khi sức khỏe còn tốt, ông bà đã cùng nhau du lịch đến hơn 30 quốc gia. Vì tuổi trẻ còn quá bận rộn với công việc mà cả hai người không có thời gian để ghé thăm những nơi mong ước, chỉ khi về hưu cả hai mới bắt đầu hành trình du lịch vòng quanh thế giới. Vì hiện tại, ông bắt đầu có những dấu hiệu không ổn định về sức khỏe nên cả hai cũng hạn chế đi xa, chủ yếu là cả hai ông bà sẽ gắn bó bên cạnh nhau trong những ngày tháng còn lại. Trong những ngày rảnh rỗi Colina sẽ cùng cha mẹ mình hoặc những người bạn của mình về thăm họ. Dù lớn tuổi nhưng ông bà vô cùng dễ tính, quan tâm và yêu thương chúng tôi như con cháu trong nhà. Những ngày tháng ở đây đối với tôi vô cùng bình yên và vui vẻ. Tôi đã có một mơ ước bình dị, dễ thương như ngôi nhà và những người sống tại đây. Tôi mong sau khi về già cũng có thể cùng một người bạn tri kỷ mỗi ngày bên nhau, cùng nấu ăn, đọc sách, nuôi thú cưng và nếu còn sức khỏe cũng sẽ tranh thủ cùng những người thân yêu đi du lịch và biến những ước mơ thanh xuân dang dở thành những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Đối với những người trẻ, Daisy nhận thấy họ thường thích những trải nghiệm năng động và ồn ào hơn. Bởi với họ, cuộc sống ngắn ngủi không chờ ai, phải đi nhiều, học nhiều, chinh phục nhiều thì mới không hoài phí cuộc đời. Hạnh phúc đối với người trẻ là đạt được những thành công trong học tập, sự nghiệp, được bạn bè yêu mến, có người yêu hoàn mỹ,... Khi đến độ tuổi trưởng thành, quan niệm hạnh phúc bắt đầu thay đổi. Sự thỏa mãn của họ chỉ đạt được khi sự nghiệp ổn định, tài chính vững mạnh, các mối quan hệ được kết nối rộng rãi, gia đình hài hòa và khỏe mạnh. Mỗi độ tuổi khác nhau chắc chắn sẽ luôn có những quan niệm và trải nghiệm khác nhau. Qua bao tháng năm tranh đấu với giông bão, với những trải nghiệm vui buồn, những lần ngược xuôi khắp mọi miền thì đến một lúc nào đó, quan điểm hạnh phúc cũng sẽ đổi thay.
Còn lại, nhóm tuổi trung niên thường cảm thấy ít hạnh phúc hơn so với tuổi thiếu niên và người cao tuổi. Điều này Daisy nghĩ cũng dễ hiểu vì độ tuổi từ 39 tuổi đến 49 tuổi thường là giai đoạn mà người ta cố gắng đấu tranh trong sự nghiệp của mình. Gần nửa đời người sau khi trải qua độ tuổi thanh xuân tươi trẻ, con người bắt đầu có thời gian để suy nghĩ, đúc kết và nhìn ngẫm cuộc đời. Giai đoạn này cũng là một giai đoạn quan trọng đánh dấu những bước tiến vững chắc trong cuộc đời. Lúc này, chúng ta đã có con cái và sự nghiệp ổn định. Đa phần ta dành nhiều thời gian và sự quan tâm cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe, gia đình và ổn định tài chính. Đời sống trở nên có nhiều nỗi lo lắng và áp lực hơn những người trẻ. Bởi sự ổn định trong cuộc sống thường dẫn đến sự chán nản và buồn bã. Người phụ nữ giai đoạn này thường tự ti về nhan sắc, chán nản vì bận bịu chăm sóc con cái và gia đình nên không có thời gian chăm sóc cho bản thân. Đặc biệt nhất, người phụ nữ thường ám ảnh bởi nỗi sợ về già và lão hóa. Còn người đàn ông giai đoạn này cũng ít cảm thấy hạnh phúc hơn bởi áp lực từ công việc cũng như gia đình. Sau những năm tháng tuổi trẻ, người đàn ông thường cảm thấy sợ sẽ mất đi vẻ nam tính và bản lĩnh phái mạnh, đặc biệt là những vấn đề sinh lý trong hôn nhân. Lớp tuổi này đa phần hướng đến sự ổn định nhiều hơn là hạnh phúc.
Tiếp theo, tôi nghĩ yếu tố về môi trường sống cũng sẽ là điều kiện giúp hình thành nên hạnh phúc của mỗi cá nhân. Trước hết đối với xã hội, gia đình được xem là nền tảng quan trọng nhất. Gia đình chính là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc thì xã hội mới vững bền. Những cá nhân được sống trong một gia đình được chăm lo đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần thường có những quan điểm rất khác so với những cá nhân ít được quan tâm, chăm sóc. Sự dạy dỗ và tình thương yêu của cha mẹ tác động rất lớn đến cá tính, nhận thức và đạo đức mỗi người.
Nếu một đứa bé ngay từ khi còn nhỏ đã nhận được nhiều tình cảm thì đa phần đứa trẻ sau khi lớn lên sẽ có tính cách ôn hòa và rất giàu tình cảm. Còn một đứa bé khi sinh ra đã phải chịu những tổn thương, sự xa lánh của mọi người thì khi lớn lên nó rất khó phát triển. Gia đình có tác động vô cùng lớn lao đối với con trẻ, đặc biệt là trong vai trò định hướng suy nghĩ và xây dựng hạnh phúc trong tương lai. Sự thỏa mãn của những đứa trẻ có điều kiện tốt thường là hình mẫu của chính gia đình mình: tình yêu thương và sự chăm sóc. Còn những đứa trẻ chịu tổn thương thường sẽ thường cảm thấy ám ảnh, dằn vặt và căm ghét mọi người. Nếu muốn tạo nên một nền tảng hạnh phúc tốt đẹp cho trẻ thì gia đình đóng vai trò quan trọng nhất.
Từ trước đến nay, yếu tố giáo dục luôn được mọi người xem trọng nhất trong việc đào tạo và phát triển con người. Giáo dục là nơi rèn luyện, đào tạo và dạy dỗ con người ngày càng trưởng thành ở cả hai mặt là trí tuệ và đạo đức. Thầy cô giáo tại trường cũng góp phần định hướng, góp ý cho học sinh, sinh viên những hướng đi đúng đắn trong cuộc sống. Một môi trường giáo dục tốt sẽ giúp ta tiếp thu được những kiến thức, những kinh nghiệm quý báu. Việc học tập và rèn luyện từ sách vở, thầy cô và những người đi trước cũng góp phần tác động lên cá tính và suy nghĩ. Khi còn bé chắc hẳn các bạn cũng giống như Daisy khi chúng ta thường được người lớn đặt cho mình những câu hỏi như: “Sau này sẽ trở thành người như thế nào?” Những lúc như thế chắc hẳn chúng ta đã trả lời sẽ trở thành bác sĩ, cô giáo, ca sĩ…nhưng đó chỉ là những câu trả lời non nớt, ngây thơ trẻ dại. Đến khi trưởng thành, ước mơ đó sẽ thay đổi. Đa phần sau quá trình học hỏi và tiếp thu kiến thức xã hội, chúng ta sẽ biết cách nhìn nhận cũng như định hình lại trật tự, kế hoạch, mong muốn của bản thân. Những điều đó rất khác với lúc nhỏ. Có thể lúc này ta sẽ không còn thích làm giáo viên mà thay vào đó, ta muốn trở thành một CEO trong lĩnh vực tài chính chẳng hạn. Ước mơ và sự hài lòng của con người sẽ thay đổi một phần dựa vào sự tác động của nền tảng giáo dục.
Trong những năm tháng ở trường đại học, tôi may mắn được học và quen biết với một cô giáo tên là Meliora. Cô là giảng viên của bộ môn Quản trị kinh doanh vào năm học thứ ba mà tôi theo học. Ấn tượng ngày đầu tiên khi cô ấy bước vào lớp học là thần thái và khí chất đầy tự tin, xinh đẹp và cuốn hút. Cô ấy được sinh viên quý trọng bởi không chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài mà còn đến từ khí chất và nội lực bên trong của mình. Mỗi khi giảng bài, tôi có cảm giác cô luôn dồn hết tâm huyết và công sức, nhiệt huyết của mình vào đó. Dần dần, Quản trị kinh doanh trở thành môn học yêu thích của tôi cũng như các bạn cùng lớp. Cô không đặt nặng theo hướng giảng dạy kiến thức hàn lâm mà chủ yếu là gợi mở vấn đề cho sinh viên cùng tranh luận với nhau, sau đó cô sẽ giúp chúng tôi đúc kết lại những vấn đề cần lưu ý. Bởi vì lý do đó mà buổi học trên lớp của cô luôn luôn trong không khí vui vẻ và hào hứng, không ai muốn bỏ lỡ buổi học của lớp kinh doanh, ngay cả đến cậu bạn Gwen có lịch sử trốn học nhất lớp vẫn có mặt đúng giờ. Nhờ vào sự hoạt bát và say mê với môn học, tôi dần dần được cô chú ý hơn. May mắn hơn nữa, cô Meliora trở thành giảng viên hướng dẫn cho khóa luận tốt nghiệp của tôi, để rồi từ đó mối quan hệ của cả hai ngày càng thân thiết và gần gũi hơn. Mãi cho đến hiện tại chúng tôi vẫn còn giữ liên lạc với nhau và cô vẫn luôn là nơi đưa ra những lời khuyên, những khó khăn trong cuộc sống của tôi.
Trong sinh nhật lần thứ mười của cậu con trai, cô Meliora mời tôi đến dự. Nơi cô sống là một căn chung cư vô cùng đơn giản với đầy đủ tiện nghi cho gia đình gồm ba thành viên. Buổi tiệc sinh nhật được tổ chức trong không khí ấm cúng với sự xuất hiện của cha mẹ cô và những người bạn thân thiết. Điều khiến tôi bất ngờ chính nhất đến từ cậu con trai nhỏ Rory. Phải thú thật rằng cậu giống hệt như cô Meliora từ đôi mắt màu xanh da trời đến mái tóc xoăn tự nhiên. Thế nhưng vẻ ngoài ấy không đáng ngạc nhiên bằng thái độ của cậu bé. Có thể nói, cậu ấy vô cùng ngoan ngoãn. Khi những người khách vừa đến cửa cậu chuẩn bị cúi đầu chào và lễ phép chào hỏi. Dù mới lên bảy tuổi nhưng cậu đã biết giúp đỡ cha mẹ những việc nhỏ trong bữa tiệc, không chỉ vậy luôn dùng những cử chỉ yêu thương và quan tâm dành cho họ. Không chỉ vậy dù mới học đến tiểu học nhưng cậu đã chịu đọc những cuốn sách về các lĩnh vực khoa học cơ bản. Tất cả nhờ vào nền tảng giáo dục vững chắc từ cha mẹ cậu và nhà trường.
Trên đường quay trở về nhà từ buổi tiệc ấm cúng đó, tôi vô cùng trăn trở. Liệu một môi trường tồi tệ có thể giúp cho một cậu bé 10 tuổi có được những hành vi và thái độ sống chan hòa như vậy không, hay cậu chỉ có thể đạt được điều đó khi cậu được sinh ra và được giáo dục từ những con người tuyệt vời như thế? Và hạnh phúc sẽ là gì đối với mỗi một người trong chúng ta, khi mà môi trường sống xung quanh chúng ta hoàn toàn khác nhau, khi mà các mối quan hệ chúng ta giao tiếp hằng ngày cũng khác nhau?
Rõ ràng là, phạm trù hạnh phúc thật sự rất phức tạp. Quan niệm về hạnh phúc chịu nhiều yếu tố tác động, từ yếu tố môi trường sống đến yếu tố các mối quan hệ bên ngoài, dẫn đến việc hình thành nên nhiều khái niệm khác nhau về hạnh phúc. Cách đơn giản nhất để chúng ta ngày càng hạnh phúc hơn là hãy học cách chấp nhận, thay đổi môi trường sống và điều chỉnh các mối quan hệ theo chiều hướng phù hợp nhất với tiếng nói bên trong của chính mình. Và, hãy thử hài lòng với cuộc sống hiện tại, rồi bạn sẽ dần cảm nhận được những thứ hạnh phúc nhỏ bé và hiện hữu xung quanh mình.
Bhutan- Đất nước hạnh phúc nhất thế giới
Tôi là một người có sở thích đặc biệt với du lịch nên việc đi và khám phá đã trở thành một phần cuộc sống của tôi. Lúc còn sinh viên, tôi thường thích du lịch đến những nơi có vẻ đẹp bí ẩn và huyền bí. Đôi khi tôi cũng cùng bạn bè tham gia các môn thể thao mạo hiểm như leo núi, nhảy dù, lướt sóng, trượt tuyết, chèo thuyền kayak,... Những nơi tôi đi qua, những con người tôi đã gặp trên khắp thế giới đều để lại cho tôi những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời, từ kinh đô ánh sáng Paris (Pháp), thành phố sương mù London (Anh), vương quốc của mèo Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ), thành phố vĩnh hằng Roma (Ý) đến Angkor Wat (Campuchia), đảo Phuket (Thái Lan) hay hòn đảo Bali xinh đẹp của Indonesia.
Tôi đã từng được đọc một câu nói như thế này: “Nếu thế giới là một cuốn sách thì những người không đi trải nghiệm chỉ đọc được một trang của cuốn sách đó.” Thật vậy, mỗi chuyến đi, tôi quen biết được nhiều người hơn, trải nghiệm những hoạt động cùng người dân địa phương và còn cả những nét đặc trưng cho văn hóa nơi tôi đặt chân ghé thăm. Không những thế, đi còn là để trở về, đi để chúng ta cảm thấy yêu ngôi nhà của mình hơn bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Với một mặt là dường như bạn đã trở về nơi bắt đầu nhưng mặt khác bạn đã trở thành một con người mới, với những trải nghiệm và kiến thức mới sẽ giúp bạn háo hức chờ đợi quay trở về để thực hiện những mục tiêu và dự định cho cuộc sống. Tin tôi đi, rồi bạn sẽ thấy không nơi nào ấm áp bằng ngôi nhà của mình, nơi nuôi dưỡng những giá trị tinh thần tốt đẹp, nuôi dưỡng tình yêu thương, nuôi dưỡng những hồi ức tốt đẹp, nuôi dưỡng những dự định tốt đẹp của mình. Chính vì thế mà du lịch đã trở thành một phần trong cuộc sống của bản thân tôi, và trong những nơi tôi đã đi qua thì Bhutan chính là nơi tạo cho tôi nhiều xúc cảm nhất. Và mãi về sau, nơi ấy vẫn còn tác động mạnh mẽ đến nhân sinh quan của tôi về cuộc đời hữu hạn trong một quãng thời gian thật lâu sau này.
Việc tôi đến Bhutan là một sự tình cờ và không hề có kế hoạch từ trước. Vài năm trước đây trong một biến cố cuộc đời, dù mạnh mẽ đến đâu thì cảm xúc và suy nghĩ của tôi cũng đã bị tác động ít nhiều. Thời điểm ấy tôi phải đối mặt không chỉ đơn giản về vấn đề công việc mà còn là những rắc rối về mặt tình cảm. Thật sự điều đó khiến bản thân cảm thấy áp lực và vô cùng nặng nề. Khi nhìn thấy tình trạng của tôi thời điểm đó, cô bạn thân nhất của tôi là Angela đã vô cùng lo lắng và hỏi tôi rằng:
“Cậu có thật sự ổn không vậy Daisy? Tớ nghĩ cậu nên gác lại mọi thứ bộn bề ở đây và đi đến một nơi nào đó để nghỉ ngơi. Nếu cậu cứ để bản thân trong tình trạng này tớ lo cậu sẽ bị stress mất thôi. Nếu cần tớ sẽ sắp xếp và đi cùng cậu, được không?”
Khi nghe những lời quan tâm của Angela, thật sự lúc đó tôi đã không biết rằng mình đang rơi vào một tình trạng tồi tệ như vậy. Mỗi buổi sáng tôi phải dậy rất sớm và chuẩn bị thật nhanh đến công ty, ngay cả đến thời gian ăn sáng cũng không có chứ đừng nói đến việc tập thể dục. Hằng ngày phải đối mặt với những cuộc họp công ty, gặp gỡ và trao đổi khách hàng liên tục đến nỗi tôi còn bỏ cả bữa trưa. Thời điểm đó tôi đã phải cố gắng rất nhiều từ công việc cho đến các vấn đề tình cảm, có thể nói là bắt đầu lại từ con số 0. Mỗi buổi tối về đến nhà đã gần 11 giờ khuya, khi tất cả mọi người đã đi ngủ nhưng tôi vẫn phải cố gắng giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong ngày. Trước lời đề nghị của Angela, tôi cho đó là một việc thích hợp với tôi trong thời gian đó nhưng tôi không thể nào bỏ tất cả để đi như vậy được. Khi đó tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ đi đến một nơi nào đó nhưng không phải là bây giờ, và rồi Bhutan đến với tôi như một định mệnh được định sẵn.
Tôi nhớ lại, khi đó tôi nhận được lời mời của công ty đối tác kinh doanh đến tham dự buổi Lễ ra mắt thẻ du lịch thông minh. Mặc dù bận rộn nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp công việc và thời gian để đến dự nhằm để tạo mối quan hệ thân thiết, gắn bó hơn với đối tác của mình. Trong buổi lễ công ty có tổ chức một buổi rút thăm trúng thưởng cho khách hàng và đối tác thân thiết, các giải thưởng bao gồm: giải nhất một chuyến du lịch Dubai, giải nhì là một chuyến du lịch đảo Bali tại Indonesia và giải ba là Bhutan. Từ trước đến nay tôi là một người không mấy may mắn lắm trong những đợt bốc thăm trúng thưởng kiểu như vậy nên cũng không đặt hy vọng gì nhiều vào đó. Thế nhưng khi người dẫn chương trình tuyên bố giải ba là tên “Daisy Smith” đã khiến tôi vô cùng bất ngờ. Lúc đó tôi còn tưởng là ai đó trùng tên với tôi nhưng buổi lễ chỉ có tôi là mang cái tên đó mà thôi. Khi trở về nhà tôi đã nói với cha mẹ và những người chị của mình về phần thưởng, tôi có ý định sẽ nhường lại cho chị Marie. Giai đoạn đó cả gia đình và chị Marie đều biết những vấn đề căng thẳng tôi gặp phải nên họ đã khuyên tôi dành thời gian cho chuyến đi này. Về những vấn đề ở công ty chị Hilary sẽ thay mặt tôi quản lý vì chuyến đi khá ngắn, chỉ kéo dài ba ngày hai đêm mà thôi. Nhìn thấy công việc cũng thu xếp ổn thỏa, cộng thêm lời khuyên của Angela nên tôi quyết định sẽ đặt chân đến quốc gia đặc biệt này.
Từ những tìm hiểu của mình, tôi được biết Bhutan là một quốc gia nhỏ nằm tại dãy Himalaya nằm giữa khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là một quốc gia nhỏ bé với dân số hơn 800.000 người và có 70% diện tích được bao phủ bởi rừng rậm. Địa hình chủ yếu là đồi núi với những dãy núi cao nhất nằm trên dãy Himalaya trên 7.000 mét. Năm 2018, Bhutan được trang công ty du lịch Lonely Planet (Úc) đánh giá là điểm du lịch tuyệt vời nhất thế giới.
Hành trình du lịch đến Bhutan là một chuyến đi tuyệt vời và đáng nhớ đối với tôi. Nếu muốn đến Bhutan, bạn chỉ có thể sử dụng chuyến bay của hàng hãng không duy nhất chính là hãng Drukair (Hãng Hàng không Hoàng gia Bhutan). Thật sự tôi không thể diễn tả hết cảm xúc lâng lâng của mình khi lần đầu tiên được đặt chân xuống sân bay Paro của Nepal. Tôi quyết tâm sẽ khám phá trọn vẹn vẻ đẹp và những điều đặc biệt của quốc gia nhỏ này.
Đến với Bhutan – Thiên đường hạ giới cuối cùng, tôi được đoàn khách du lịch dẫn đi tham quan tượng Phật Thích Ca Mâu Ni Dordenma, ngôi tượng được làm bằng vàng và đồng lớn nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, tôi còn được khám phá các Di sản văn hóa thế giới tại thủ đô Kathmandu bao gồm: Quảng trường Kathmandu Durbar, Đại bảo tháp Swayambhunath… Ấn tượng và gây thú vị nhất đối với tôi chính là trải nghiệm ngắm dãy Everest hùng vĩ trên máy bay. Có lẽ, đó sẽ luôn luôn là những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời này.
Không chỉ gây ấn tượng với những vẻ đẹp hiếm có, văn hóa của Bhutan cũng được xem là một điểm độc đáo của đất nước thanh bình này. Về văn hóa, Bhutan là một quốc gia thuần Phật giáo. Người dân nơi đây chịu ảnh hưởng lớn từ quan niệm và tư tưởng của đạo phật. Họ sống với một lối sống bình dị, giản đơn và tin vào luật nhân quả. Họ tin rằng mọi chuyện kiếp này hay kiếp trước đều chịu sự tác động từ những điều mà mình đã làm. Thế nên, họ tin rằng chỉ cần có một thái độ sống tốt đẹp, biết yêu thương san sẻ thì cuộc đời sẽ tốt đẹp và nhận được nhiều may mắn, hạnh phúc. Trong chuyến đi, tôi luôn bắt gặp những nụ cười của người dân địa phương, họ sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch một cách nhiệt tình và cởi mở.
Nhưng có lẽ, điều thôi thúc tôi muốn đặt chân đến đất nước này nhất chính là quan niệm hạnh phúc của họ trong cuộc sống.
Thông thường, các yếu tố để đánh giá một quốc gia hạnh phúc thường được đo lường thông qua các chỉ số về GDP, tuổi thọ, mức độ bình đẳng,… nhưng Bhutan thì lại khác. Bhutan đánh giá mức độ hạnh phúc thông qua sự cảm nhận và sự hài lòng đối với cuộc sống. Hạnh phúc đối với họ là sự thỏa mãn trong tâm hồn chứ không phải là thước đo về vật chất của cải. Mặc dù rất thiếu thốn về các trang thiết bị như điện thoại thông minh, công nghệ hiện đại nhưng họ vẫn rất lạc quan, vui vẻ. Người dân ở đây ăn mặc và sinh hoạt cùng bình dị, giản đơn. Bên cạnh đó, đất nước này cũng rất yêu quý và đề cao vấn đề bảo vệ môi trường với quan niệm: “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống và hạnh phúc của chúng ta.” Đồng thời, Bhutan cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới đo lường sự tiến bộ đất nước thông qua chỉ số hạnh phúc chứ không phải Tổng Sản phẩm Quốc gia. Bởi vậy, đến đây các bạn đã hiểu vì sao Bhutan được mệnh danh là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới chưa?
Khi trở về nhà sau một chuyến đi dài tại Bhutan, tôi vẫn không hề có chút mệt mỏi nào. Tôi cảm thấy bản thân vô cùng thư thái và vui vẻ hơn bao giờ hết. Bởi vì tôi đang tập hài lòng với chính bản thân tôi. Một chuyến đi du lịch vẫn luôn là mong ước của nhiều người, đặc biệt lại là Bhutan. Tôi cảm thấy việc tôi đến Bhutan như đã được an bài từ trước, như một nhân duyên quý báu trong cuộc đời. Trở về với một trái tim tràn ngập yêu thương, một tâm hồn thanh lọc, tôi vô cùng biết ơn và trân trọng cuộc sống hơn bao giờ hết. Gia đình và những người bạn bè của tôi cũng phải thốt lên rằng sau chuyến đi tôi đã mang đến một sinh khí mới cho bản thân. Tuy hằng ngày vẫn là cô gái tất bật và hối hả cho những bộn bề công việc nhưng trên khuôn mặt là sự vui tươi, nhiệt huyết và đam mê. Những rắc rối trong vấn đề tình cảm cũng được tôi tháo gỡ những nút thắt khó nhằn, mọi thứ đối với tôi bỗng trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn rất nhiều. Đi và mở mang tầm mắt đến những chân trời mới lạ để tôi biết được rằng hạnh phúc không phải những giá trị lớn lao và xa vời, hạnh phúc chỉ là những điều vô cùng bé nhỏ, bình dị mà thôi. Khi biết mở rộng trái tim để đón nhận thế giới, đón nhận cuộc đời, hạnh phúc sẽ luôn kề cận bên bạn. Bhutan – xin chào và hẹn gặp nhé !