“Tôi tìm thấy niềm vui cũng như phần thưởng lớn nhất nằm trong công việc vượt qua điều mà thế giới gọi là thành công.”
Thomas Edison
“Tôi tìm thấy niềm vui cũng như phần thưởng lớn nhất nằm trong công việc vượt qua điều mà thế giới gọi là thành công.”
Thomas Edison
Tại sao chúng ta cần phải làm việc?
Đã có bao giờ bạn tự hỏi ngoài gia đình và sức khỏe thì điều gì khác trong cuộc đời này quan trọng với bạn không? Đối với Daisy, câu trả lời sẽ là công việc. Khi còn bé, gia đình và sức khỏe là hai thứ quan trọng nhất đối với tôi. Thế nhưng đến giai đoạn trưởng thành, tôi vẫn phải tự lập để lo lắng cho bản thân và khi đó tôi hiểu được tầm quan trọng của công việc trong cuộc sống.
Khi còn bé, chúng ta được sống trong vòng tay nuôi dưỡng của cha mẹ như những chú chim non trong tổ chờ cha mẹ mớm mồi. Mọi giá trị vật chất và tinh thần khi còn bé đều được cha mẹ tạo dựng và bồi đắp nên. Đến độ tuổi thích hợp, chúng ta sẽ phải mang trên vai một trọng trách lớn hơn đó là việc tự chăm sóc bản thân. Cha mẹ khi đó chỉ còn mang một sứ mệnh là cất cánh cho những đứa con bay đến những chân trời mới lạ. Muốn phát triển, muốn tồn tại chúng ta cần phải có một công việc, một ước mơ cho riêng bản thân.
Mỹ và đa số các quốc gia châu Âu khác, khi trẻ em 18 tuổi sẽ được công nhận là người trưởng thành và sống tự lập. Họ sẽ ít phụ thuộc vào sự chăm sóc cũng như tài chính từ cha mẹ. Đồng thời họ cũng sẽ phải tự mình giải quyết các vấn đề của bản thân như tình yêu, bạn bè, các khoảng tiền học phí và sinh hoạt,… Lúc này họ cần phải có công việc để có thể tự mình giải quyết hết tất cả mọi nhu cầu đó. Nếu không tìm được công việc họ sẽ khó lòng chăm lo cho cuộc sống của bản thân và dễ rơi vào cảm giác bất lực. Công việc mang một vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của con người.
Daisy nghĩ rằng, tầm quan trọng nhất của công việc chính là đảm bảo cho con người một cuộc sống đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Công việc tạo ra khoảng thu nhập và tiền nong sẽ giúp ta giải quyết được những vấn đề trong cuộc sống. Bên cạnh đó, công việc còn là động lực thúc đẩy con người sống hạnh phúc và có ý nghĩa hơn. Có công việc để ổn định cuộc sống, để trưởng thành và có điều kiện chăm sóc cho bản thân, gia đình mình. Tất cả mọi người đều phải làm việc để tồn tại và nâng cao giá trị bản thân. Nếu cuộc sống ta chỉ xoay quanh việc ăn, ngủ, vui chơi thì sẽ như thế nào? Công việc sẽ là thứ lấp đầy khoảng trống cuộc đời, giúp ta phấn đấu và phát triển hơn. Nó sẽ giúp ta không thấy bản thân là người vô dụng. Khi đi làm ta sẽ có thể tự sắm sửa quần áo, đi du lịch, có điều kiện chăm sóc cha mẹ,… Có thể công việc sẽ không kiếm được nhiều tiền nhưng ta sẽ được tôn trọng và cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Công việc còn giúp ta có thêm nhiều mối quan hệ và niềm vui trong cuộc sống. Khi đi làm chúng ta sẽ gặp gỡ và giao tiếp với nhiều người xung quanh. Việc đi nhiều, gặp gỡ nhiều sẽ giúp thế giới quan của ta được rộng mở, thú vị và sâu sắc hơn.
Qua đó ta thấy rằng, công việc có một tầm ảnh hưởng quan trọng đối với con người. Khi nào con người còn tồn tại thì khi đó công việc sẽ không bao giờ biến mất. Bên cạnh gia đình, bạn bè và các vấn đề mang ý nghĩa lớn lao thì công việc được xem là một trong những số đó. Vậy làm cách nào để ta có thể tận hưởng với niềm vui công việc mỗi ngày? Ở chương này Daisy sẽ chia sẻ những vấn đề chúng ta thường gặp phải trong công việc cũng như cách để khiến ta có động lực và niềm vui trong công việc hằng ngày.
Bạn làm việc vì điều gì?
Theo thống kê trung bình, mỗi người dành ra 8 tiếng mỗi ngày và 48 tiếng mỗi tuần để làm việc. Nếu như một người sống đến 60 tuổi và trừ đi những khoảng thời gian khác ra thì ta chỉ còn lại 8 năm 285 ngày để làm việc. Ngoại trừ thời gian ngủ, 75% thời gian còn lại của con người đều liên quan đến công việc. Công việc chiếm gần hết khoảng thời gian của cuộc đời con người. Từng ngày dài trôi qua, chúng ta giống như những con thiêu thân lao vào dòng đời hối hả và tấp nập của cuộc sống. Mỗi ngày đi làm chúng ta phải chạy đua với máy chấm công, với tiến độ công việc hằng ngày. Vậy rốt cuộc người ta đi làm vì điều gì?
Sẽ có vô vàn những câu trả lời cho lý do đi làm của mọi người. Lý do được mọi người đưa ra nhiều nhất chính là kiếm tiền. Khi chấp nhận ký vào hợp đồng lao động là khi đó chúng ta chấp nhận bán chất xám, bán sức lao động để có tiền. Nếu được hỏi câu hỏi này thì sẽ có chín trên mười người trả lời đáp án tương tự. Dù biết rằng tiền chỉ là một phần thiết yếu của công việc nhưng đa phần nó được xem trọng hơn mọi lý do khác.
Lý do tiếp theo cũng được khá nhiều người đưa ra đó là tìm thấy niềm vui và đam mê trong công việc. Thật sự câu nói “Cứ theo đuổi đam mê thành công theo đuổi bạn.” chưa bao giờ là sai. Trên thế giới đã có rất rất nhiều người thành công vì lựa chọn được công việc phù hợp với đam mê và sở thích. Có niềm say mê thì ta mới có cơ hội và động lực để làm việc thật tốt.
Đôi khi, sẽ có những người trả lời rằng chẳng có lý do gì cho việc đi làm. Công việc như một trách nhiệm, một nghĩa vụ mà họ bắt buộc phải thực hiện. Họ đi làm để biết mình đang sống, đang tồn tại. Công việc trở thành một thói quen mà họ không thể rời bỏ đi.
Vậy làm thế nào để những tháng ngày làm việc của bạn trở nên thật ý nghĩa và tuyệt vời hơn? Làm thế nào để tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong việc làm? Những chương tiếp theo Daisy sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi này.
Đừng làm việc nếu chỉ vì tiền
Steve Jobs đã từng nói một câu rất nổi tiếng: “Công việc đơn thuần không chỉ là phương tiện kiếm tiền mà là nghề nghiệp để đem lại sự thỏa mãn và niềm tự hào. Thay vì giúp bạn trưởng thành hơn, làm việc vì tiền rất có thể là hành động tiêu tốn thời gian của bạn.” Để tìm thấy hạnh phúc trong công việc, trước tiên bạn hãy xem tiền là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Quả thật tôi không hề phủ nhận tầm quan trọng của tiền đối với công việc. Thử nghĩ xem, ai sẽ đi làm nếu nó không mang đến thu nhập? Tiền là động lực để ta làm việc tốt hơn mỗi ngày, cố gắng phấn đấu không ngừng nghỉ để đạt được những giá trị mong muốn. Nếu ai đó không xem trọng giá trị đồng tiền thì hãy thử đến nhà hàng và thanh toán bữa tối bằng những cái ôm. Chắc chắn bạn sẽ không ngạc nhiên trước thái độ của những người xung quanh. Khi đó bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của tiền bạc. Tiền sẽ làm cuộc sống của bạn dễ dàng hơn. Bạn sẽ có mọi điều kiện để tự chăm sóc cho bản thân, chăm lo cho gia đình của mình và rất nhiều nhu cầu ăn uống, mua sắm, giải trí khác nữa.
Người khôn ngoan nghĩ tiền trong tâm trí chứ không phải nghĩ bằng trái tim. Ta không phủ nhận tầm quan trọng của đồng tiền nhưng đừng quan niệm nó là tất cả mọi thứ. Khi đi làm nếu như bạn chỉ có mục đích duy nhất là tiền thì bạn sẽ rất khó có được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Nếu ngày ngày đi làm chỉ suy nghĩ mau chóng đến cuối tháng để nhận lương, để tiệc tùng mua sắm thì tôi nghĩ bạn nên kết thúc nó càng sớm càng tốt. Nếu như bạn có một công việc với mức lương ổn định sẽ làm bạn rất khó thăng tiến. Ngày này qua ngày khác, bạn chỉ đều đều đi làm và đều đều nhận lương mà không biết bản thân đang dặm chân tại chỗ. Trong một thế giới không ngừng tiến về phía trước thì việc đó đồng nghĩa với việc bạn đang bỏ mình lại phía sau.
Bên cạnh đó, nếu làm việc vì tiền bạn sẽ không bao giờ thấy đủ và dần dần trở thành nô lệ của đồng tiền. Nếu ai xem tiền là tất cả thì họ sẽ làm tất cả để có tiền. Hãy nhớ rằng sức mạnh của đồng tiền là vô cùng lớn. Nó có thể làm biến đổi nhân cách, làm tổn thương các giá trị tốt đẹp và nghiêm trọng hơn là đánh mất đạo đức con người.
Hãy tưởng tượng thay vì mỗi buổi sáng thức dậy mệt mỏi đi làm, mỗi ngày chỉ mong mau hết giờ và thật nhanh đến cuối tháng để nhận lương thì bạn hãy thức dậy với tâm trạng thoải mái, thích thú với suy nghĩ hôm nay mình có thể học thêm nhiều điều mới trong công việc. Bạn sẽ vui vẻ hợp tác cùng đồng nghiệp giải quyết những công việc khó khăn, cùng nhau trò chuyện và chia sẻ những câu chuyện hằng ngày. Tất cả sẽ thay đổi nếu như bạn làm việc với niềm đam mê và nhiệt huyết.
Trong cuộc sống khi làm bất cứ công việc gì đừng bao giờ chú trọng vào tiền bạc. Thay vào đó hãy dành sự chú tâm và niềm đam mê cho công việc. Khi bạn thấy được đam mê bạn sẽ có động lực để làm việc một cách hăng say và hiệu quả hơn. Khi đó bạn sẽ còn không cảm giác chán nản hay mệt mỏi mà thay vào đó là sự say mê, nhiệt huyết mỗi ngày. Công việc sẽ trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân. Từ đó sẽ giúp bạn học hỏi được nhiều thêm các kỹ năng, kinh nghiệm từ chính công việc của mình. Đồng thời có khả năng phát huy năng lực, thể hiện và thành công hơn trong công việc cũng như cuộc sống.
Tiền bạc luôn là con dao hai lưỡi nhưng vẫn luôn có sức hút của riêng nó. Đối với những ai không có tinh thần vững vàng sẽ rất dễ bị nó điều khiển. Ta hãy luôn thận trọng và đừng bao giờ dập tắt niềm đam mê, khát khao cho công việc của mình. Đam mê sẽ luôn là ngọn đuốc sáng soi đường dẫn dắt bạn trên con đường thành công và hạnh phúc. Tôi từng đọc trong cuốn sách Đam mê không để làm cảnh – Đam mê là để ra tiền của tác giả Emma Casey, cô ấy đã thốt lên rằng: “Đam mê của tôi, bạn ở đâu?” Một câu nói quá đầy đủ để diễn tả bi kịch của cả đời người. Mà không may thay, phần lớn bi kịch đó do chính chúng ta vô tình hay cố tình tạo ra. Và cuối cùng, tác giả cũng đã xác định các mảnh ghép của bức tranh đam mê mà cô ấy hằng theo đuổi, những suối nguồn giúp cho cô ấy được sống và “giải trí” bằng các đam mê của mình để tạo ra tiền.
Sau vài năm đi làm, tôi quen biết được thêm nhiều đồng nghiệp và khách hàng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong quá trình đó tôi đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện về quá trình lựa chọn công việc và tầm quan trọng của nó đối với cuộc đời họ. Một khách hàng của tôi – cô Alana, 40 tuổi, hiện đang là Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp dầu khí lớn của Tiểu bang Chicago. Ở độ tuổi 30 nhưng Alana thật sự khiến người khác ngưỡng mộ vì sự thành công trong sự nghiệp to lớn của mình. Thế nhưng ít ai biết để đạt được những điều như ngày hôm nay chị đã trải qua rất nhiều khó khăn và thất bại. Khi còn nhỏ, chị đã có niềm yêu thích đặc biệt với việc kinh doanh. Gia đình chị có có một cửa hàng chuyên sản xuất cung cấp rau sạch trong thị trấn nhỏ Tiểu bang Utah. Hằng ngày chị thường phụ giúp cha mẹ việc kinh doanh đó với một sự yêu thích lớn lao.
Tuy vậy, năm 18 tuổi chị được gia đình định hướng học ngành phóng viên truyền hình bởi họ thấy chị có tài ăn nói khéo léo. Vì tôn trọng quyết định và mong muốn của cha mẹ nên chị đã học ngành báo chí truyền hình của trường đại học Tiểu bang Chicago. Sau khi ra trường nhờ vào tấm bằng đại học xếp loại giỏi, chị đã được vào làm biên tập viên cho một công ty truyền thông nổi tiếng. Thế nhưng mỗi ngày đi làm đối với chị là những tháng ngày chán nản, mệt mỏi và áp lực. Chị cảm thấy kiệt sức với khối lượng công việc mỗi ngày, phải cố gắng hoàn thành kịp tiến độ. Chị đi làm đơn giản vì mức lương đó khá ổn định để chị có thể tự lo cho bản thân và gia đình của mình. Đến một ngày chị cảm thấy nếu cứ mãi dặm chân tại chỗ như thế này chị sẽ không thể nào phát triển và sống hạnh phúc, chị quyết định nộp đơn thôi việc.
Đối với những người làm việc vì tiền thì việc nghỉ việc để sống cho bản thân là một quyết định vô cùng to lớn. Họ sẽ phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình, xã hội và đặc biệt là sự đấu tranh đối với chính bản thân. Daisy ngưỡng mộ chị không phải vì tiền tài, danh vọng mà là vì sự can đảm và biết sống vì bản thân.
Sau khi thôi việc, Alana đã có một quyết định vô cùng quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đối với cuộc đời mình. Khi đó dù đã 26 tuổi nhưng chị vẫn chấp nhận trở thành thực tập sinh cho một công ty kinh doanh sản xuất hàng tiêu dùng. Bởi vì đặc trưng ngành học khác hoàn toàn với công ty chị ứng tuyển nên chị sẵn sàng chấp nhận làm việc ở vị trí đó. Với tinh thần quyết tâm và nhiệt huyết, chị đã cố gắng học tập và trau dồi kinh nghiệm tại công ty. Sau ba tháng thực tập, chị trở thành nhân viên chính thức với vị trí nhân viên kinh doanh. Nhờ tài ăn nói chị đã đem về cho công ty rất nhiều hợp đồng lớn. May mắn lại mỉm cười khi tại đây chị đã gặp được chồng tương lai của mình – Luis, Tổng Giám đốc công ty. Sau khi kết hôn cả hai cùng nhau xây dựng tổ ấm và tiếp tục phát triển sự nghiệp. Đến hôm nay, chị thật sự đã thực hiện được ước mơ của mình nhờ vào cá tính mạnh mẽ, đam mê và may mắn trong cuộc đời.
Có lẽ sẽ có nhiều người cho rằng thành công hiện tại của chị là nhờ vào chồng Luis. Thế nhưng may mắn liệu có đến với Alana nếu như chị không dám từ bỏ công việc không phù hợp để đi theo đam mê của mình? Nếu như bản thân không tài giỏi, không xuất sắc thì người chồng của chị có ấn tượng với chị không? Nếu như không có đủ tài năng thì làm sao chị có thể tự mình dẫn dắt cả một công ty phát triển như hôm nay? Đi lên từ con số 0, đánh đổi cả tương lai để đổi lấy một công việc mình yêu thích và hết lòng vì nó là điều khiến tôi ngưỡng mộ ở người phụ nữ thành công này.
Các bạn còn nhớ câu chuyện về người anh họ Cominic của tôi chứ? Một người đàn ông đã có gia đình vẫn đồng ý đi làm với mức lương 4.000 đô la một tháng – một mức thu nhập có thể nói là thấp so với mặt bằng lương hiện nay. Thế nhưng anh vẫn đồng ý ở lại làm việc vì đó là công việc yêu thích của anh từ nhỏ cho đến lớn. Nhiều người đặt câu hỏi vậy làm sao anh có thể đủ điều kiện lo cho gia đình. Thật ra ngoài công việc chính ở công ty anh còn có nghề tay trái là nhận viết content cho các chương trình marketing từ các công ty nên vẫn có thêm một khoản thu nhập từ phía công việc đó. Cái quan trọng là hằng ngày anh vẫn đi làm trong tâm trạng vô cùng vui vẻ, vẫn luôn cống hiến hết mình cho công việc đó.
Đối với những ai còn đang chông chênh trong việc lựa chọn và định hướng nghề nghiệp, các bạn hãy tự hỏi bản thân rằng “Liệu mình sẽ vui vẻ thức dậy đi làm không?”, “Mình có thích công việc này không?” Nếu câu trả lời là có vậy thì bạn hãy chọn nó. Chúng ta chỉ có thể sống vui vẻ và hạnh phúc với điều mà chúng ta thật sự yêu thích. Hãy làm những việc bình thường bằng lòng say mê phi thường thành công sẽ đến với bạn và cũng cần thêm một chút cố gắng và may mắn nữa thôi, tôi tin rằng bạn sẽ tìm thấy tình yêu, ý nghĩa cuộc đời từ công việc mang đến.
Hãy là ông chủ vĩ đại nhất
Trong công việc nếu ta không có được sự hài lòng sẽ không có được hạnh phúc, một khi không có được hạnh phúc thì chúng ta sẽ chẳng còn động lực để làm việc nữa. Công việc sẽ chiếm một phần lớn trong cuộc đời bạn, và cách duy nhất để có thể thật sự thỏa mãn là làm điều bạn tin là đáng giá. Khi đi làm chúng ta phải luôn tâm niệm phải làm việc hết mình và bản thân bạn chính là ông chủ. Dù cho công việc của bạn đem đến lợi ích cho công ty nhưng hãy nhớ công sức đó cũng đem lại lợi ích cho chúng ta. Đừng bao giờ đi làm với tư tưởng cá nhân, điều đó sẽ khiến bạn rất khó thành công trong con đường sự nghiệp.
Tâm lý cá nhân của con người xuất phát từ một tính cách phổ biến của con người – tính ích kỷ. Tính cách này có thể được hiểu là với bất kỳ mối quan hệ hay vấn đề trong cuộc sống họ đều suy nghĩ cho lợi ích của mình trước tiên. Trước mọi vấn đề họ sẽ thường suy xét, nếu việc đó có lợi cho bản thân thì họ mới sẵn sàng làm. Bạn sẽ thường dành quyền lợi hoặc không làm với điều kiện không gây ảnh hưởng cho bản thân. Khi làm việc nhóm, họ sẽ thường làm ít hơn những người khác nhưng vẫn muốn nhận được nhiều lợi ích. Hoặc trong công việc khi trưởng thành, tâm lý ích kỷ này được thể hiện thông qua lối tư duy làm công thay vì tư duy làm chủ. Nghĩa là khi làm việc thường mang tâm lý làm việc đem lợi ích cho công ty nên không cần phải cố gắng. Chỉ cần hoàn thành công việc đúng tiến độ còn lại mọi vấn đề đã có người khác làm thay. Đây là một lối tư duy cần tránh nếu muốn thành công và vui vẻ với công việc của mình.
Nếu đi làm với tư duy làm công bạn sẽ rất khó để phát triển và thăng tiến trong công việc. Thử tưởng tượng mỗi ngày đi làm là mỗi ngày phải gánh trên vai một trọng trách nặng nề, một nghĩa vụ thì bạn có động lực để làm tốt công việc của mình không? Mọi công việc dù được hoàn thành nhưng hiệu quả và năng suất sẽ không cao. Nếu cứ trong trạng thái đó bạn sẽ rất khó có thể học hỏi và tìm kiếm thêm được những giá trị khác trong công việc cũng như cuộc sống.
Nếu bạn muốn mỗi ngày đều đi làm trong trạng thái vui vẻ và hạnh phúc với công việc, bạn hãy thử cách làm việc với tâm thế mình là người quản lý, người chủ của công việc mình đang làm. Với tâm lý đó, một người đứng đầu công ty sẽ luôn quản lý và theo dõi tiến độ cũng như hiệu quả công việc. Nếu những điều gì chưa hài lòng, những vấn đề sai sót thì cần phải điều chỉnh lại. Còn nếu mọi thứ đều ổn thì phải biết nâng cao và làm tốt hơn nữa bởi vì cuộc sống không có giới hạn cho sự hoàn hảo nếu như chính bạn chưa thấy hài lòng với nó.
Jackie, một bác sĩ khoa tim mạch tôi đã vô tình quen biết khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại bệnh viện. Jackie là một người đàn ông 55 tuổi, trưởng thành, giỏi giang và tận tâm vì công việc. Ông ấy kể rằng, ngay từ khi còn nhỏ ông đã có một niềm đam mê với những vấn đề về sinh học và cơ thể con người. Đồng thời, ông còn là một người có khả năng quan sát, khám phá, phân tích và giải quyết vấn đề nên ngành y được xem là lựa chọn phù hợp nhất với ông. Sau quá trình học tập miệt mài và cố gắng không ngừng tại một trường đại học y danh tiếng, Jackie quyết định lựa chọn trở thành bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện trung tâm Tiểu bang Chicago.
Chúng ta đều biết rằng bác sĩ là một nghề rất thiêng liêng và cao quý. Đó là một công việc đòi hỏi nhiều đam mê, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Quan trọng và cần thiết nhất của ngành y chính là y đức. Người bác sĩ phải luôn hết lòng yêu nghề, tận tụy phục vụ và hết lòng yêu thương chăm sóc bệnh nhân. Nếu như ai đó có làm bác sĩ nhưng chỉ có mục đích duy nhất là làm việc vì lợi ích của bản thân thì sẽ rất khó lòng gắn bó lâu dài được với công việc này. Mặc dù hằng ngày phải đối mặt với áp lực lớn từ công việc và bệnh nhân nhưng bác Jackie vẫn luôn luôn vui vẻ và hết lòng với công việc.
Ông chia sẻ với tôi rằng đối với chỉ cần biết là bệnh nhân thì tôi sẽ hết lòng cứu chữa, không phân biệt họ là ai, ở đâu và làm gì. Khi chữa bệnh cho bệnh nhân, Jackie sẽ xem đó là hạnh phúc của chính bản thân mình. Ông không quan tâm đến việc có nhận được tiền bạc hay tiếng tăm, sự thăng tiến, nó chỉ đơn giản là đam mê và hạnh phúc của riêng bản thân.
Những lời chia sẻ của ông không phải để khoe khoang hay là nói suông cho vui, bằng chứng là tôi đã tận mắt nhìn thấy cách đối xử với những bệnh nhân của mình. Tôi còn nhớ hôm đấy là đến đợt khám sức khỏe định kỳ, sau khi đã làm xong các bước khám lâm sàng, xét nghiệm nước tiểu và máu, tôi tiếp tục đến phòng chẩn đoán hình ảnh chụp X- quang. Sau khi thực hiện xong, tôi đến phòng chờ đọc kết quả. Thông thường sau khi chụp xong các bệnh nhân sẽ được hỏi các bác sĩ xem mình có vấn đề gì trầm trọng không. Jackie là vị bác sĩ làm việc ngày hôm đó. Vì phải xem một ca cấp cứu khác ưu tiên hơn nên bệnh nhân phải chờ lâu, tôi nhớ khoảng hơn 20 phút. Sau khi xong, ông gọi tên một bệnh nhân nhưng không thấy vào, vị bác sĩ này đã mở cửa phòng đến bên một cụ già đang ngồi trên ghế chờ. Ông nhẹ nhàng ngồi xuống ngay cạnh ghế ngồi của bệnh nhân ấy, câu đầu tiên ông nói:
“Xin lỗi bà vì để bà đợi lâu, vừa rồi có một ca cấp cứu nên tôi phải ưu tiên cho họ.”
Vẫn trong tư thế đó, ông nhẹ nhàng giải thích từng chút một cho bệnh nhân ấy. Trong những lần sau, tôi vẫn luôn bắt gặp sự ân cần, nhẹ nhàng, chu đáo ấy đối với tất cả bệnh nhân với những câu nói quen thuộc từ ông như “xin chào”, “cảm ơn”, “xin lỗi”,… Đây là những hình ảnh mà bạn có thể bắt gặp ở các khoa dịch vụ, khám theo yêu cầu hoặc các bệnh viện quốc tế. Nhưng thực tế, về động lực hoàn toàn khác nhau: ở đó họ phục vụ vì trách nhiệm và thù lao họ nhận được. Còn đối với Jackie, tất cả đều xuất phát từ thói quen, trách nhiệm, chăm chút, tận tụy và sự tâm huyết luôn đặt cái tâm của mình cho công việc.
Dù chỉ gặp gỡ bác Jackie qua vài lần nhưng với thái độ làm việc chuyên nghiệp ấy đã làm tôi chắc chắn rằng ông sẽ ngày càng thành công hơn trong công việc của mình.
Để vừa tìm thấy niềm vui và thành công trong công việc, hãy biến mình thành ông chủ của chính những việc mình đang làm, dù lớn hay nhỏ nhất. Khi biết đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân sẽ khiến bạn tạo ra những lợi ích vô cùng to lớn.
Hãy là người luôn có mục tiêu rõ ràng
Trong công việc hay mọi vấn đề của cuộc sống việc xác lập mục tiêu và hoạch định kế hoạch cho bản thân càng rõ ràng càng chi tiết thì xác suất thành công của bạn sẽ càng cao. Nếu bạn đặt mục tiêu và theo đuổi chúng với tất cả lòng quyết tâm, tài năng sẽ đưa bạn đến những nơi khiến bạn phải ngạc nhiên.
Trên thế giới này, đa phần những người nổi tiếng thành công đều có chung một điều đó chính là biết xác định con đường và hướng đi cho bản thân trong tương lai. Đặc biệt là trong công việc nếu như bạn biết xác định mục tiêu và trả lời câu hỏi đi làm để làm gì thì khi ấy bạn sẽ thấy được con đường giúp bạn đi đến thành công. Hãy tự hỏi bản thân mình đi làm vì lý do gì và làm việc vì ai? Bên cạnh đó là lập nên những kế hoạch ngắn và dài hạn trên con đường phía trước. Cuộc đời con người luôn luôn có những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Những kế hoạch ngắn hạn có thể việc cần làm trong ngày, trong tuần hay trong tháng. Nó giống như những viên gạch lót đường, để chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn trong thời gian tới.
Ví dụ như đối với những tác giả viết sách, mục tiêu trong tuần này là viết xong 100 trang bản thảo và kế hoạch trong tháng là hoàn thành cuốn sách. Còn kế hoạch dài hạn là những việc cần làm để đạt được dấu mốc quan trọng của cuộc đời như gia đình, sự nghiệp, hôn nhân,… Trong công việc đó là việc hoàn thành những dự án lớn, ký kết hợp đồng và thăng chức. Ví như bạn dự định trong mười năm sau từ một nhân viên kinh doanh bình thường bạn sẽ trở thành Phó Giám đốc công ty hoặc Giám đốc quản lý chẳng hạn. Để cần có được những điều đó bạn sẽ cần rất nhiều động lực và công sức cho nó. Đồng thời phải xây dựng cho mình một kế hoạch để từng bước thực hiện mục tiêu.
Nếu bạn làm việc với có kế hoạch thì tiến độ và chất lượng cũng như năng suất làm việc sẽ vô cùng hiệu quả. Nó sẽ giúp bạn tránh được tình trạng trì trệ. Lý do thất bại được mọi người đưa ra nhiều nhất chính là không thể vượt qua được sự lười biếng và không có mục tiêu trong công việc. Bạn đi làm hằng ngày nhưng chỉ mong muốn được ổn định và có tiền để phục vụ cho nhu cầu của bản thân thì sẽ rất khó thành công. Thế nhưng khi bạn có mục tiêu bạn sẽ có động lực làm việc và phấn đấu để giành lấy thành công trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc tạo dựng kế hoạch sẽ giúp bạn nhìn nhận được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để từ đó phát huy năng lực thật sự. Điểm mạnh sẽ giúp ta dễ dàng hơn trong những vấn đề khó khăn của công việc. Khi biết được điểm yếu ta sẽ hạn chế và khắc phục để có thể thực hiện mục tiêu đã đề ra. Tác động to lớn nhất mà Daisy thấy việc xác định mục tiêu chính là khiến cuộc sống của chúng ta ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Mục tiêu càng rõ ràng thì thành công ngày càng rõ ràng hơn.
Nếu ai là fan của bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao thì chắc chắn sẽ biết đến diễn viên Harrison Ford với vai diễn Han Solo. Harrison Ford được xem là một trong những biểu tượng của sự nam tính trong văn hóa đại chúng, gắn liền với nhiều vai diễn nổi tiếng trong lịch sử phim Hollywood. Ít ai biết được đằng sau những thành công của ông là rất nhiều sự cố gắng. Thuở nhỏ việc học hành của ông không có gì nổi bật với thành tích học tập có thể gọi là kém. Sau đó ông làm thợ mộc, tự học và làm những công việc vặt vãnh để nuôi sống gia đình. Thế nhưng không chấp nhận với cuộc sống nhàm chán ấy, ông đã quyết định ký hợp đồng làm diễn viên. Khi bắt đầu với sự nghiệp diễn xuất, ông chỉ nhận được một vai diễn nhỏ trong bộ phim Dead Heat on a Merry go round vào năm 1966.
Suốt một thời gian dài sau đó, dù lăn lộn cả truyền hình và điện ảnh, Harrison Ford cũng chỉ nhận được vai quần chúng hay vai phụ không mấy nổi bật. Thế nhưng không từ bỏ, ông vẫn cố gắng thực hiện được mục tiêu cho cuộc đời mình chính là trở thành một diễn viên nổi tiếng tầm cỡ ngôi sao Hollywood. Nhờ vào sự cố gắng và theo đuổi mục tiêu, cộng thêm một chút may mắn ông được George Lucas đề nghị tham gia vai phụ trong AmColinan Graffiti. Bộ phim cũng giúp ông được chú ý khi nó nhận được đến năm giải Oscar. Cũng chính vai diễn ấy đã khiến ông lọt vào tầm ngắm của đạo diễn Lucas để được giao vai diễn huyền thoại Han Solo trong quả bom tấn khoa học viễn tưởng của thế kỷ Chiến tranh giữa các vì sao.
Không chỉ dừng lại đó, với đam mê và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp diễn xuất, Harrison Ford đã thật sự thành công và khẳng định được tên tuổi của mình trong bộ phim Indiana Jones. Đó là một dự án hợp tác giữa George Lucas và Steven Spielberg năm 1981. Không chỉ thành công về mặt thương mại, Harrison Ford cũng được giới phê bình công nhận với tài năng diễn xuất đỉnh cao của mình. Qua diễn xuất của ông, cả Han Solo và nhân vật Indiana Jones đã trở thành những hình tượng nhân vật bất hủ trên màn ảnh rộng, và thuộc top những anh hùng đáng nhớ nhất của điện ảnh Mỹ do Viện phim Mỹ bầu chọn. Tất cả sự thành công và danh tiếng của ông đã được khẳng định khi vào năm 2003, ông vinh dự nhận được ngôi sao của mình trên đại lộ danh vọng. Tất cả đều nhờ vào sự nỗ lực, niềm đam mê cho công việc, cho lý tưởng của cuộc đời của Harrison Ford.
Từ câu chuyện cuộc đời của diễn viên Harrison Ford, ta thấy được rằng việc có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống sẽ dẫn chúng ta đến hạnh phúc và thành công. Có mục tiêu để ta phấn đấu và thực hiện những ước mơ, những khát khao của cuộc đời. Mục tiêu sẽ là kim chỉ nam dẫn dắt ta đi đến kho báu của hạnh phúc trong công việc cũng như trong cuộc sống. Vì thế, Daisy nghĩ mọi người ngay từ bây giờ dù làm bất kỳ việc gì cũng phải xác lập mục tiêu và kế hoạch. Vậy làm cách nào để lập kế hoạch thật sự hiệu quả? Sau đây sẽ là vài cách giúp bạn tạo lập mục tiêu và thực hiện nó một cách có hiệu quả nhất.
Loại bỏ những thói quen xấu trong công việc
Đổ lỗi cho người khác
Đã có bao giờ bạn mắc một sai lầm và cho rằng đó không phải lỗi của bản thân mà là của người khác chưa? Việc đổ lỗi chính là phủ nhận sai lầm của bản thân và quy mọi trách nhiệm sang cho người khác. Trong công việc nếu như một cá nhân làm việc không đạt hiệu quả thì thường họ rất hay đổ lỗi đó sang cho nhóm hay các bộ phận liên quan. Việc này sẽ dẫn đến việc ta chỉ có thể giải quyết tạm thời nhưng trong thời gian dài bạn sẽ mất cơ hội để xem xét kỹ lưỡng những yếu tố cần cải thiện để tránh lặp lại sai lầm. Người có xu hướng đổ lỗi thường rất khó thành công và phát triển trong công việc. Vì thế ta hãy tập cách nhìn nhận và xem xét những sai lầm của bản thân. Đôi khi việc đó không phải hoàn toàn là lỗi của bạn nhưng hãy thành thật và chân thành nhận lỗi, bởi vì như vậy bạn sẽ được sự tha thứ và đánh giá cao của mọi người hơn là phủ nhận nó.
Trì hoãn
Đã không biết bao nhiêu lần quyết tâm sẽ viết cho xong bản thảo cuốn sách mình đang viết thế nhưng vẫn chưa thực hiện được. Dự định là tối nay sẽ hoàn thành báo cáo cuối năm cho công ty nhưng cuối cùng là đi gặp khách hàng, đi gặp bạn bè,… thế là công việc của bạn vẫn bị trì hoãn và không thể thực hiện được. Bạn có thấy bản thân trong câu chuyện này không? Theo một nghiên cứu, có đến 20% người được hỏi thường trì hoãn trong công việc và các vấn đề khác. Điều này sẽ gây nên những hậu quả tai hại như làm trì trệ tiến độ công việc và khiến hiệu quả công việc không cao. Trì trệ và kéo dài công việc sẽ khiến ta cảm thấy vô cùng căng thẳng và tạo nên những áp lực nặng nề trong công việc. Daisy nghĩ rằng chúng ta đều không được bảo đảm sẽ có ngày mai, nhưng chúng ta có hôm nay. Cho nên đừng bao giờ trì hoãn những việc quan trọng với mình. Khi làm việc hãy cố gắng tiến hành một cách kỷ luật, có kế hoạch để có thể cảm thấy vui vẻ và thoải mái với công việc hiện tại.
Làm việc một mình
Ngày nay, với khối lượng công việc lớn nên đa phần các công ty thường tổ chức cách làm việc nhóm để tăng hiệu quả cao trong quá trình làm việc. Tuy nhiên lại có những cá nhân có xu hướng thích làm việc một mình. Xu hướng này thường xuất hiện ở những người tự cao thái quá và thích làm theo ý mình. Điều này sẽ gây nên những ảnh hưởng tinh thần cho bản thân cũng như ảnh hưởng đến cả tiến độ và hiệu quả công việc. Thời đại bây giờ không có chỗ cho chủ nghĩa anh hùng cá nhân mà là thời đại của cái chung, vì lợi ích của mọi người. Nếu cứ làm việc theo kiểu cá nhân sẽ làm bạn hạn chế khả năng sáng tạo nên những ý tưởng mới, bởi đa phần những ý tưởng tuyệt vời thường xuất hiện khi mọi người cùng nhau tranh luận. Không chỉ vậy, nếu tách biệt và làm việc một mình sẽ rất dễ gây nên tình trạng quá tải, tạo nên nhiều áp lực lên bản thân. Do đó khi đi làm chúng ta nên cần tránh kiểu làm việc cá nhân mà thay vào đó là năng động và phối hợp cùng mọi người.
Bình thường trong công việc nhóm sẽ phân chia rất rõ ràng và cụ thể từng nhiệm vụ của mỗi người vì vậy mỗi thành viên hãy cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Làm việc nhóm sẽ giúp chúng ta học hỏi được những kinh nghiệm trong cách lập kế hoạch và giải quyết công việc một cách chặt chẽ và hoàn thiện nhất. Nếu đã giải quyết xong công việc của bản thân thì hãy suy nghĩ đến chuyện giúp đỡ người khác bởi phải biết nặng nhẹ mới là điều cần thiết trong công việc.
9 bước lập kế hoạch và theo đuổi mục tiêu trong công việc
Bước 1: Xác định rõ mục tiêu của bản thân
Mỗi công đều phải được xây dựng từ những nền tảng vững chắc. Để có thể đạt được điều đó thì ngay từ đầu chúng ta phải xác định rõ ràng điều chúng ta thật sự mong muốn. Chúng ta đừng bao giờ có suy nghĩ tự ti và giới hạn mục tiêu hay ước mơ của bản thân. Ta nên tập cách lý tưởng hóa ước mơ, trở thành một người dám mơ, dám nghĩ và dám làm.
Có một câu chuyện về Walt Disney mà tôi muốn chia sẻ lại với các bạn:
“Đứa bé trai 8 tuổi bước đến gần một ông già có vẻ ngoài rất thông thái rồi ngước nhìn ông nói:
- Cháu biết ông là một người rất sáng suốt, uyên thâm. Ông hãy cho cháu biết về bí ẩn của cuộc sống.
Ông già nhìn đứa bé đáp:
- Suốt đời mình ông đã suy ngẫm rất nhiều về điều này và có thể nói gọn chỉ trong bốn chữ. Đầu tiên là suy nghĩ. Hãy nghĩ về những giá trị mà con sống vì chúng. Thứ hai là tự tin. Hãy tin tưởng bản thân bằng cách dựa vào những giá trị con nghĩ rằng vì chúng mà con sẽ sống. Thứ ba là mơ ước. Mơ ước những gì có thể thành hiện thực dựa vào sự tự tin và những giá trị mà ta sẽ theo đuổi trong cuộc sống. Và cuối cùng là dám làm. Hãy dám thực hiện để biến ước mơ thành sự thật bằng chính niềm tin và giá trị của chúng ta.
Và ông già đó chính là họa sĩ Walter E.Disney.”
Mơ ước và niềm mong muốn của con người phải được xác định cụ thể để ta có thêm động lực và niềm tin trong công việc cũng như cuộc sống. Để có thể theo đuổi mục tiêu trong công việc, trước hết hãy tự đặt ra cho mình ba câu trả lời sau:
Câu hỏi 1: Thu nhập - Bạn muốn sẽ kiếm được bao nhiêu tiền trong tháng này, năm này và năm năm, mười năm tiếp theo?
Câu hỏi 2: Sự thăng tiến - Trong hai năm tiếp theo bạn muốn mình đạt được vị trí nào trong công ty? Trong năm năm sau bạn sẽ đạt được thành tựu gì cho bản thân?
Câu hỏi 3: Tài sản - Trong năm năm sau bạn sẽ tiết kiệm được bao nhiêu từ công việc của mình?
Bước 2: Viết ra giấy
Đa phần mọi người đều nghĩ rằng chỉ cần xác định rõ ràng mục tiêu và ý tưởng trong đầu và tiến hành hoàn thành nó. Tuy nhiên đó lại là một sai lầm trong việc xác định mục tiêu. Chúng ta thường nhầm lẫn giữa việc định hướng, phân tích, tổng hợp và tiến hành thực hiện kế hoạch. Việc viết những mục tiêu ra giấy sẽ giúp dễ dàng hệ thống hóa những điều cần làm kế tiếp. Đã có biết bao nhiều thất bại với lý do rất đơn giản là không cụ thể hóa nó ra giấy. Khi mục tiêu được viết ra giấy sẽ giúp ta có thêm động lực thực hiện. Việc đó sẽ thay thế cho một huấn luyện viên nhắc nhở bạn phấn đấu và hoàn thành mục tiêu mỗi ngày. Đồng thời, nó còn giúp ta tìm thấy trọng tâm của mục tiêu và tập trung thực hiện, tiết kiệm được thời gian và công sức.
Ngày còn bé khi học một loại ngôn ngữ nào đó tôi thường sẽ làm bằng cách ghi từ vựng vào những mảnh giấy và dán chúng ở những nơi có thể dễ nhìn thấy như bàn học, tivi, tủ lạnh,… Một điều khá bất ngờ là cách học đó khiến tôi ghi nhớ từ ngữ lâu hơn so với cách học thông thường.
Ngay lúc này, hãy lấy giấy và ghi vào đó những đó những mục tiêu của bản thân. Bạn hãy cố gắng ghi càng rõ ràng, càng chi tiết càng tốt bởi vì điều đó sẽ giúp bạn biết mình nên cần làm gì trong thời gian tiếp theo. Sau khi đã ghi xong những mục tiêu, bạn hãy dán chúng lên những nơi bạn có thể nhìn thấy mỗi ngày, ví dụ như: phòng ngủ, cửa tủ lạnh, bàn làm việc,… Những mục tiêu ấy sẽ thôi thúc và nhắc nhở bạn làm việc cố gắng hơn mỗi ngày. Dần dần nó sẽ tạo thành thói quen để ta đạt được hiệu quả cao trong công việc và sự nghiệp.
Bước 3: Đo lường mục tiêu
Một vấn đề quan trọng trong việc xác định mục tiêu chính là phải xác định được thời gian, tiến độ, khối lượng công việc cần hoàn thành. Nếu mục tiêu của bạn chỉ đơn giản là trở thành nhân viên kinh doanh thì làm sao biết được khi nào bạn sẽ đạt được nó. Hãy tự xem xét và đặt ra thời hạn hoàn thành mục tiêu đó. Còn nếu bạn muốn mở một công ty start up thì ngay bây giờ hãy xác định thời gian thực hiện năm năm, mười năm và chia nhỏ từng mục tiêu. Bạn cần phải xây những viên gạch nhỏ trước khi tạo nên một ngôi nhà lớn.
Bước 4: Xác định những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu
Để có thể thực hiện tốt những mục tiêu đã đề ra, bạn phải biết nhìn nhận và dự đoán những khó khăn, trở ngại có thể xảy ra. Đây không phải điều khiến bạn trở nên lo lắng hơn mà là giúp bạn có thể tự chủ và điều khiển được những mục tiêu đề ra. Ví dụ như bạn muốn trở thành một ca sĩ nổi tiếng trong năm năm sau thì bạn cần phải xác định tất cả khó khăn trước mắt. Bạn sẽ cần phải trải qua những tháng ngày tập luyện khổ cực trong phòng thu, bạn phải chịu đựng những áp lực và những khen chê từng khán giả hay những áp lực từ gia đình, bạn bè,… Việc bạn dự tính được những khó khăn này sẽ giúp bạn mạnh mẽ và tự tin hơn trong việc thực hiện từng bước đi đến thành công trong tương lai.
Bước 5: Xác định những kỹ năng giúp bạn thực hiện mục tiêu
Cách để mục tiêu có thể trở thành sự thật là việc bạn việc thực tế hóa nó. Hãy tự hỏi bản thân câu “Mình cần phải có kiến thức và kỹ năng gì để hoàn thành mục tiêu đó?”. Nếu bạn không xác định rõ ràng kỹ năng cần thiết thì sẽ rất khó trong việc hoàn thành mục tiêu đề ra. Chúng ta hãy tự tập xem xét lại những kỹ năng lợi thế và cả những yếu kém của bản thân. Việc biết phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế được xem là cách tối ưu nhất trên con đường thực hiện mục tiêu.
Bước 6: Tìm kiếm những mối quan hệ có thể giúp đỡ bạn
Sự thành công trên con đường chinh phục mục tiêu không hề đơn giản. Ngoài nội lực bên trong chúng ta cũng cần những động lực từ bên ngoài, và đó chính là các mối quan hệ. Để đạt được những mục tiêu lớn chúng ta sẽ cần rất nhiều sự ủng hộ và giúp đỡ từ phía mọi người xung quanh. Bạn hãy thử xem xét lại các mối quan hệ xung quanh như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng,… Đó sẽ là những người có liên quan và cùng ta thực hiện mục tiêu, vì vậy ta nên xem xét kỹ càng về vấn đề này.
Bước 7: Xây dựng kế hoạch
Sau khi đã có được những mục tiêu cụ thể và rõ ràng nhất, chúng ta sẽ tiến hành lập kế hoạch để thực hiện và hoàn thành mục tiêu đó. Ta hãy cố gắng lập kế hoạch hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm và cố gắng thực hiện từng kế hoạch theo trình tự thời gian đó. Việc lập kế hoạch sẽ giúp ta tìm thấy hướng đi cụ thể cho việc tiến hành mục tiêu. Ngoài ra, giúp ta kiểm soát các khâu dễ dàng hơn và mục đích cuối cùng là giúp ta đạt được mục tiêu nhanh nhất có thể.
Bước 8: Lựa chọn và sắp xếp những việc cần làm theo thứ tự
Sau khi đã lên kế hoạch cụ thể, chúng ta sẽ tiến hành thực hiện những điều đã đề ra. Cách để hoàn thành tốt nhất những việc đó là chúng ta nên lựa chọn và sắp xếp những việc đó theo thứ tự ưu tiên. Chúng ta cần xác định những việc quan trọng nhất và cấp bách nhất trong danh sách để thực hiện trước tiên. Sau đó, sắp xếp những công việc còn lại theo mức độ quan trọng và thứ tự ưu tiên cần thực hiện. Nếu như có nhiều việc đều cần ưu tiên như nhau thì bạn hãy làm bắt đầu làm từng việc theo bảng chữ cái hoặc chọn ngẫu nhiên. Cảm giác đánh dấu tích vào những việc đã hoàn thành sẽ khiến bạn cảm thấy hài lòng và thỏa mãn.
Bước 9: Thiết lập tính kỷ luật và nghiêm túc hoàn thành mục tiêu đã đề ra
Bước cuối cùng trong việc thực hiện và theo đuổi mục tiêu chính là thiết lập tính kỷ luật và nghiêm túc thực hiện những điều đã đề ra. Hãy thử tưởng tượng nếu bạn không chịu hành động thì những kế hoạch đó sẽ chỉ mãi mãi nằm trên giấy. Để có được thành công bạn phải cố gắng thúc đẩy bản thân tập trung toàn tâm toàn ý cho những mục tiêu đề ra. Kỷ luật với bản thân chính là chìa khóa của sự thành công.
Tìm kiếm niềm vui từ công việc
Sau khi trải qua nhiều công việc khác nhau, Daisy nhận thấy rằng muốn có được niềm vui trong công việc thì điều quan trọng nhất đó là bạn phải thật sự yêu thích công việc của mình. Cả một phần ba thời gian của chúng ta là dành cho công việc thế nên việc lựa chọn ngành nghề nào không chỉ dựa trên yếu tố phù hợp mà còn là sự yêu thích. Đừng để cuộc sống trôi qua là những tháng ngày nặng nề và mệt mỏi vì phải thức dậy sớm đi làm. Đừng để cuộc sống là những tháng ngày chấm công lặp đi lặp lại nhàm chán và vô nghĩa. Để tồn tại và hạnh phúc bạn phải thật sự tìm thấy được tình yêu và năng lượng tích cực mà công việc đem đến.
Đối với tôi, điều đó đơn giản là mỗi buổi sáng được dậy thật sớm để chuẩn bị bữa ăn, được khoác lên người bộ đồng phục và lái xe qua những cung đường đầy nắng ấm đến nơi làm việc. Vốn yêu thích những con số từ bé nên chỉ cần đến chỗ làm, ngồi vào bàn và mở máy tính lên là lòng tôi lại thấy phấn khởi. Dù phải giải quyết khối lượng lớn công việc từ cấp trên và phối hợp các bộ phận, thường xuyên gặp gỡ nhiều khách hàng nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy chán nản và mệt mỏi vì những điều ấy. Tôi thích nhất là cảm giác sau một ngày được nhìn thấy những công việc được giải quyết xong, điều đó tạo cho tôi một sự sảng khoái lạ kỳ mà khó lòng giải thích được. Bên cạnh đó, tôi thích cảm giác được làm việc cùng những người đồng nghiệp vô cùng tài giỏi của mình. Từ họ tôi học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm, nhiều kiến thức hơn trong lĩnh vực kinh doanh tài chính cũng như đầu tư. Không gì tuyệt vời hơn khi gặp được những người mà ta có thể xem là thầy, là bạn trong cuộc đời. Sự yêu thích đối với công việc giúp tôi luôn đi làm trong trạng thái vui vẻ và thoải mái. Công việc dần trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi.
Đa số chúng ta đều biết nếu yêu thích việc mình đang làm thì mới hạnh phúc, tuy nhiên việc tìm thấy nó cũng là một bài toán nan giải và không dễ dàng. Tôi may mắn hơn các bạn vì tìm được công việc phù hợp với đam mê và sở thích từ ngay khi ra trường. Có thể nói nhờ vào sự giúp đỡ của người chị Hilary, tôi được làm quen và tiếp xúc với môi trường công việc chuyên nghiệp ngay từ khi là sinh viên năm cuối đại học. Công việc ngân hàng trở thành Chân mệnh thiên tử của cuộc đời tôi. Thế nhưng, cũng có nhiều người lại phải trải qua một quá trình thử sức với nhiều công việc thì mới tìm được công việc phù hợp với mình. Chị Hilary của tôi là một trong số đó.
Ngay từ khi ra trường, chị tôi phải đối mặt với nền kinh tế đầy biến động của thị trường. Bằng sự mạnh mẽ và tự lập, chị đã tự mình thử sức với vô số công việc khác nhau. Từ nhân viên bộ phận truyền thông, nhân viên quảng cáo, viết lách đến bán hàng siêu thị, tư vấn khách hàng chị tôi đều đã làm qua. Cuối cùng, chị quyết định quay về với lựa chọn ban đầu trong lĩnh vực tài chính. Chị được một Quỹ Đầu tư nhận vào làm việc với vị trí nhân viên tư vấn khách hàng. Bằng tất cả say mê, chị cố gắng tìm hiểu và đọc sách về tài chính và đầu tư. Dần dần chị học hỏi kinh nghiệm của những người bạn bè và đồng nghiệp đi trước để rồi sau mười năm chị đã có những thành công rực rỡ. Việc đầu tư đối với chị không chỉ còn là công việc, nó đã trở thành đam mê và lý tưởng sống. Sau ngần ấy thời gian, nhờ tìm được sự yêu thích và phù hợp thì hiện tại chị tôi đang làm Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư RS lớn thứ hai Tiểu bang Michigan. Thật sự nhìn vào đó tôi không khỏi vui mừng và hạnh phúc cho người chị thân yêu của mình.
Việc chọn công việc cũng giống như việc chọn người chồng, người vợ, một người gắn bó cùng ta suốt cuộc đời. Công việc sẽ gắn bó cùng ta như một phần quan trọng không thể thiếu. Nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bạn. Vui vẻ, thỏa mãn hay chán nản, tuyệt vọng trong cuộc sống cũng do công việc của chúng ta quyết định một phần. Dù cho bạn đã tìm được công việc yêu thích ngay từ đầu hoặc đang trải qua sự chật vật tìm kiếm thì hãy tin một điều rằng chỉ cần biết tự hài lòng và thỏa mãn thì bạn sẽ hạnh phúc.
Nghề nghiệp nào cũng cao quý
Từ khi còn bé, cha mẹ luôn dặn dò tôi không bao giờ được phán xét người khác từ cái nhìn bên ngoài, từ nhan sắc cho đến công việc của họ. Để có thể thấu hiểu một người, bạn cần có một thời gian bên cạnh họ, nhìn cách họ đối đãi với mọi người xung quanh.
Trong một dịp đã rất lâu khi về thăm gia đình, tôi đã đến cửa hàng cha mẹ để phụ giúp. Cửa hàng của mẹ tôi chuyên bán các mặt hàng nhu yếu phẩm và nông sản sạch duy nhất trong thị trấn nên lúc nào cũng trong tình trạng đông khách. Hôm đó tôi đảm nhận vị trí nhân viên bán hàng và tính tiền ở quầy thu ngân thì vô tình gặp lại một người bạn cũ – cô ấy tên là Yogi. Tôi nhớ sau khi lựa chọn xong hàng hóa thì tiến đến quầy thanh toán và chào tôi.
“Chào Daisy. Mình là Yogi đây. Cậu còn nhớ mình chứ?”
“À. Yogi đây mà. Tất nhiên là tớ nhớ. Cậu vẫn khỏe chứ?”
“Mình khỏe. À sau khi ra trường cậu làm cửa hàng này à? Tớ tưởng cậu đã trở thành Giám đốc kinh doanh như ước mơ của cậu rồi chứ nhỉ? Thật là tiếc nhỉ”
Mặc dù đã lâu không gặp và mối quan hệ cũng không thân thiết lắm nhưng chúng tôi vẫn nhận ra nhau. Những năm đại học tôi và cô ấy học cùng lớp nên cũng được xem là đối thủ của nhau. Thế nhưng tôi không ghét bỏ mà thay vào đó là sự ngưỡng mộ vì thật sự cô ấy rất tài giỏi. Sau khi tốt nghiệp đại học thì chúng tôi cũng rất ít gặp lại nhau. Hôm đó tôi đã thật sự bất ngờ trước thái độ và lời lẽ của cô ấy dành cho mình. Lời nói của Yogi vừa thể hiện sự quan tâm nhưng cũng đầy sự mỉa mai. Thật ra khi ấy công ty tôi vừa mới được thăng chức ở vị trí Trưởng Phòng Phân tích Tài chính nhưng trước thái độ ấy tôi cũng không thích giải thích. Tôi chỉ đáp lại:
“À mình thấy công việc này khá phù hợp với mình, đơn giản mình thấy vui vẻ với nó là được rồi. Còn cậu thế nào?”
“Hiện tại tớ đang làm nhân viên ngân hàng WNC, một ngân hàng khá lớn của Thành phố New York ấy. À mà chắc nói tên cậu cũng không biết đâu. Hôm nay tớ về đây thăm cha mẹ nhưng ngày mai phải bay về làm việc tiếp tục rồi. Tiếc là không thể mời cậu ly cà phê, dẫu sao cũng chúc cậu vui vẻ với công việc này nhé. Sau này nếu có khó khăn gì cứ đến tìm tớ, tớ hứa sẽ giúp đỡ cậu.”
Sau đó tôi cảm ơn và chào tạm biệt cô ấy. Quả thật tôi cũng không quá quan tâm đến những lời nói ấy vì nó không khác gì so với hình ảnh và tính cách cô ngày trước.
Khoảng ba tháng sau, công ty tôi nhận được lời mời hợp tác với công ty WNC và tôi được phân công giải quyết hợp đồng này. Thật tình cờ khi đi cùng với Trưởng Phòng Kinh doanh bên ngân hàng kia là Yogi. Lúc nhìn thấy tôi cô ấy đã thật sự bất ngờ. Sau đó cô có về có nhắn tin xin lỗi tôi vì những lời nói vô ý tại cửa hàng và hy vọng tôi sẽ đồng ý hợp tác cùng phía công ty cô. Thật ra tôi không phải là người để chuyện tư xen vào làm ảnh hưởng chuyện công. Thật sự tôi không để tâm những câu nói mỉa mai của Yogi hay xem thường công việc bán hàng của tôi. Tôi không hề thấy công việc đó có gì đáng xấu hổ và không bao giờ cho phép mình tự hạ thấp giá trị bản thân vì lời nói của người ngoài. Tôi và những người đồng nghiệp của mình nhận thấy đây là một hợp đồng lớn mang lại lợi nhuận lớn nên cuối cùng hai bên đã hợp tác với nhau vô cùng tốt đẹp. Cũng ngay từ lần đó mà Yogi có cái nhìn khác về tôi cũng như mọi người xung quanh, và không bao giờ đánh giá, bình phẩm ai cho dù họ làm bất kỳ nghề nào đi chăng nữa.
Tôi quả thật không biết từ bao giờ mà công việc lại trở thành thước đo giá trị con người. Ai cũng khát khao có được một công việc có vị thế xã hội với danh tiếng và tiền bạc để được mọi người xem trọng. Thế nhưng, đó là điều khó có ai cũng đạt được. Có lãnh đạo chắc chắn sẽ có nhân viên, có công việc cao thì cũng sẽ có những công việc thấp hơn. Đó là quy luật cuộc sống mà chúng ta phải chấp nhận. Thử nghĩ nếu ai cũng muốn làm việc tại nơi sang trọng, môi trường lành mạnh, công việc lương cao thì ai sẽ làm những công việc trong môi trường độc hại và nguy hiểm như các lĩnh vực môi trường, y tế hay công nhân nhà máy, xí nghiệp?
Với Daisy nghề nào cũng đều cao quý và tốt đẹp. Nếu công việc đó kiếm được đồng tiền chân chính bởi tự tay mình làm ra, không phạm pháp, trong sạch thì đều cần được tôn trọng và đề cao. Chỉ có những người ăn không ngồi rồi mới đáng chê trách. Sau nhiều năm đi làm, tôi thấy rằng có rất nhiều người cố gắng bằng mọi cách để chen chân vào nơi làm việc để vị trí cao xã hội mặc dù họ không hề yêu thích. Đơn giản vì họ cho rằng làm những ngành nghề đó sẽ được gia đình và bạn bè xem trọng hơn. Nhiều người nghĩ rằng công việc nhà nước là tốt nhưng khi thật sự bước chân vào thế giới đó ta mới thấy được mặt trái của nó. Chắc chắn bạn đã nghe những rắc rối về thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Có nhiều người, nhiều gia đình còn sẵn sàng bỏ ra một khoảng tiền lớn để đưa con em vào biên chế. Có thể nói đó là một khoảng đầu tư không bền vững bởi chẳng biết đến bao giờ mới thu hồi được số vốn quá lớn đã bỏ ra. Tôi nghĩ thay vì bỏ ra số tiền lớn để mua sự ổn định và danh tiếng trong xã hội chúng ta có thể đầu tư mở một cửa hàng thức ăn nhanh còn đem lại lợi nhuận cao hơn. Việc chọn nghề nghiệp cũng quan trọng như việc ta chọn người chồng hoặc vợ trong cuộc sống. Đừng bao giờ vì sự hào nhoáng bên ngoài để che đậy và cố ép bản thân phải sống những tháng ngày không hạnh phúc.
Bất kể công việc nào đều có giá trị và đáng nhận được sự trân trọng từ mọi người. Dù bạn là chủ tịch tập đoàn, giám đốc doanh nghiệp với lương vài triệu đô la một năm hay là một anh thợ sửa xe, nhân viên bảo vệ thì thực chất đó đều là lao động để kiếm tiền. Chị lao công, anh bảo vệ dùng sức lực để kiếm tiền. Nhà biên kịch, đạo diễn phim bán chất xám để tạo nên sản phẩm và thu nhập. Mọi công việc đều giống nhau ở bản chất và chỉ khác nhau về tên gọi.
Hãy luôn trân trọng và hạnh phúc với công việc của bản thân dù hiện tại bạn đang ở vị trí nào đi chăng nữa. Chỉ cần công việc ấy đem lại cho bạn niềm vui, sự say mê và thỏa mãn. Bất kể công việc gì nếu không vi phạm pháp luật và đồng tiền kiếm được đến từ chính công sức của mình làm ra thì đều đáng được đề cao. Dù bạn là một nhân viên văn phòng hay một người bán thức ăn nhanh thì hãy luôn tự hào với chính mình. Chỉ cần bạn tôn trọng và yêu quý bản thân sẽ không ai có thể xem thường bạn. Cùng với đó là học cách ngưng phán xét giá trị của người khác thông qua công việc họ đang làm. Công việc là lựa chọn cá nhân và đó không phải là điều kiện để đánh giá một con người. Hãy luôn nhớ lấy điều đó.