Của: Đặng Nguyễn Bảo Trân
Lớp 7A5, Trường THCS Tây Sơn,
TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình
Nữ cảnh sát biển yêu mến!
Cô hẳn rất bất ngờ khi nhận bức thư này. Bức thư từ một địa chỉ quen thuộc, một cái tên quen thuộc mà lại được gửi từ... quá khứ! Ồ, có gì nhầm lẫn chăng?
Cô đang nhíu mày đúng không? Cái tật nhíu mày là thói quen của cô từ tấm bé. Cuộc sống bận rộn lắm khi làm người lớn quên nhiều điều quan trọng. May mắn, cô vẫn giữ được ước mơ trở thành nữ cảnh sát biển đến tận bây giờ. Đọc đến đây chắc cô nhận ra tác giả của bức thư rồi chứ? Em - cô bé 13 tuổi với ước mơ ngày thơ ấu của cô đây!...
Hãy ngồi lại trước gương cô nhé! Vị mặn của biển đã quyện sâu vào từng hơi thở và làn da rám nắng của cô. Chẳng thể hình dung cô bé mũm mĩm năm xưa giờ trở thành một phụ nữ rắn rỏi, đang ngày đêm sát cánh bên đồng đội canh gác trời biển Trường Sa.
Em tưởng tượng, lúc này bốn phương trời là biển xanh vô tận. Màn đêm buông, gió bấc thổi mạnh hơn, cô bồng súng dưới trời sao lấp lánh. Cô có nhớ ngày còn bé mỗi lần học bài xong cô lại tụ tập đám bạn con trai, con gái chơi trận giả. Mẹ thấy cô đóng vai cảnh sát thường đùa: “Con gái làm được gì mà đòi đánh trận. Thấy kẻ thù khéo lại chạy đầu tiên!” Và lúc đó, cô lại phụng phịu muốn mẹ tin sự kiên định của mình bằng lời hứa: Nhất định sẽ học giỏi để trở thành nữ cảnh sát biển cho mẹ thấy con gái mẹ thật đáng tự hào!
Đọc đến đây, cô đã trở lại giấc mơ từng thắp lên ngọn lửa khát vọng của cô bé ngày xưa rồi phải không?... Đêm hôm ấy, sau buổi đánh trận giả thắng giòn giã, cô ngủ thiếp đi trong giấc mơ lạ lùng: Cô được vinh dự xuống thăm Long Vương.
Biển xanh sóng vỗ. Những chòm sao lấp lánh lặn sâu xuống đáy nước tạo cho thủy cung một thứ ánh sáng kỳ ảo. Muôn ngàn rặng đá san hô đủ màu soi mình dưới ánh trăng cùng tôm cá tung tăng bơi lượn. Cánh cửa thủy cung mở ra. Long Vương đang ngồi trên chiếc ngai khảm xà cừ tỏa ánh sáng lộng lẫy. Ngài vuốt chòm râu bạc phơ, tay cầm quyền trượng uy nghi, mỉm cười vẫy cô lại gần.
- Lại đây cháu, đừng sợ! Ta đã đọc được ước mơ của cháu. Nên ta chọn cháu làm sứ giả hòa bình đại diện cho những vùng biển mênh mông trên đại dương. Ta trao cho cháu báu vật này - một thanh gươm được tôi luyện từ linh hồn của biển. Với trái tim quả cảm, ước mơ trong sáng và tấm lòng yêu thiên nhiên, ta tin cháu sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Hãy giúp loài người nhận ra, biết đoàn kết, chung sống cùng nhau, đó mới là con đường cả hành tinh này được vui sống trong no ấm, hòa bình!
- Dạ, ngài có tin cháu hoàn thành sứ mệnh này không? Cháu chỉ là một cô bé.
- Cháu là một cô bé có tâm hồn đẹp và trái tim mạnh mẽ. Sứ mệnh lớn lao sẽ đợi cháu ở phía trước, khi cháu thực sự trưởng thành ở tuổi 45. Đến khi ấy, nếu cần giúp đỡ, cháu có thể tìm đến ta...
Nữ chiến sĩ cảnh sát biển yêu quý.
Với vị trí và trọng trách đang đặt trên vai cô lúc này: Làm sao để giữ được chủ quyền biển đảo thiêng liêng, đảm bảo được hòa khí các dân tộc cùng chung vùng biển vùng trời để cùng phát triển đang phụ thuộc vào tài trí của cô.
Cô có nhớ, nơi góc phòng của Long Vương còn treo tấm “Bản đồ viết bằng máu về Trường Sa, Hoàng Sa”? Đó là minh chứng rõ ràng để đấu tranh cho lẽ phải. Còn thanh gươm mang chữ “Thuận Thiên” khi xưa chủ tướng Lê Lợi được trao để đánh quân xâm lược vẫn là vũ khí sắc bén: Thanh gươm của công lý, của tinh thần yêu chuộng hòa bình cha ông bao đời đã viết trong sử sách dựng nước và giữ nước.
Em thật vui và tự hào bởi biển xanh đã tôi luyện cho cô lòng dũng cảm, tình yêu nhân loại, sự kiên trì trong học tập và công tác. Sớm mai, khi nhận nhiệm vụ “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” được ngồi họp bàn về chủ quyền biển đảo với các quốc gia lớn, cô hãy làm việc hết mình vì Hoàng Sa, Trường Sa, để nhân dân các nước cùng chung vui sinh sống.
Ôi, hình như em vừa nghe tin đảo Trường Sa đón thêm một em bé nữa chào đời. Người dân trên đảo vững tin hơn vào chủ quyền dân tộc. Nhiều Việt kiều muốn trở về nhập hộ khẩu ở Trường Sa. Trong giấc mơ của em, nữ cảnh sát, vị Bộ trưởng hiện lên thật đẹp, ngời sáng tin yêu!
Nữ cảnh sát biển mến yêu!
Dù cô đã ở cương vị mới nhưng em vẫn muốn gọi cô với cái tên đáng yêu như vậy, bởi em nhận ra, có một sợi dây bền chặt gắn kết giữa những giấc mơ thời thơ bé với ước mơ lớn lao của đời người. Càng tuyệt vời hơn, sự diệu kỳ của ngành Bưu chính đã kết nối quá khứ với tương lai, kết nối những giấc mơ thành hoài bão làm đẹp cuộc đời. Sứ mệnh của yêu thương và khát vọng hòa bình đang phụ thuộc rất nhiều vào cô đó.
Chúc cô sức khỏe, sáng suốt, kiên định nhé! Em cùng trẻ thơ trên thế giới tin tưởng, chờ đợi tin tốt lành từ nữ cảnh sát yêu mến của mình!
Đặng Nguyễn Bảo Trân
BÀI GIẢI BA QUỐC GIA
Của: Võ Anh Thơ
Lớp 9A4, Trường THCS Thị trấn Mỹ Luông,
huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
Bà Anh Thơ kính mến!
Hôm nay, trời đêm yên tĩnh. Một ngày chủ nhật rảnh rỗi, tôi nghĩ vu vơ về bà, người trong tương lai của tôi khi tôi bốn mươi lăm tuổi. Tôi muốn lưu giữ một chút gì đó trong quá khứ của bà nên tôi vội nắn nót viết vài dòng gửi đến bà đây!
Bà ơi, bà có khỏe không? Trở thành một nữ doanh nhân thành đạt, sở hữu nhiều trung tâm mua sắm cao cấp, chắc hẳn công việc của bà rất bận. Tôi sẽ rất vui nếu bà dành chút thời gian quý báu để đọc lá thư này.
Mười lăm tuổi, một độ tuổi năng động, tràn đầy niềm vui nhưng cũng xen lẫn những nỗi buồn vu vơ. Còn bà, một người phụ nữ chín chắn “định vị” được bản thân, gánh vác những trọng trách trong gia đình và ngoài xã hội. Nhưng với bao mơ ước hoài bão đang chờ đón, tôi sẽ không ngừng hoàn thiện mình để không phải hối hận khi cuộc đời sắp kết thúc mới nhận ra mình chưa thật sự “sống”. Đây là cuộc đời của tôi chứ không của ai khác, tôi sẽ làm những gì mà trái tim mách bảo. Để rồi mai sau, tôi có thể gánh vác được trọng trách lịch sử, xứng đáng là chủ nhân thực sự của đất nước.
Bà biết không, ước mơ trở thành một doanh nhân đã được tôi ấp ủ từ bé. Không giống như bác sĩ cứu giúp người bệnh, hay kỹ sư thiết kế những tòa nhà độc đáo... Đối với nghề này, tôi muốn đem tất cả trí tuệ, sự cần cù sáng tạo của mình vào những mặt hàng, sản phẩm xứng tầm thế giới.
“Trên bước đường thành công, không có dấu chân của người lười biếng”. Tôi vẫn miệt mài từng ngày, rèn luyện vốn tiếng Anh, rèn luyện năng lực tự học toán, sự tập trung, nhạy bén... Và tôi thật vui mừng khi giờ đây tôi được lọt vào đội tuyển học sinh giỏi toán của trường. Tôi sẽ nỗ lực hết mình để thi thật tốt. Đồng thời, tôi cũng trau dồi vốn hiểu biết và học tốt những môn học khác.
Trong đời sống, ai cũng có lúc vấp phải những thất bại, tôi cũng không ngoại lệ, bởi vì “thất bại là mẹ của thành công”. Tôi sẽ mạnh mẽ đứng lên trước những khó khăn thử thách. Tôi có lòng tin vào một ngày không xa, tôi sẽ thành công vang dội.
Bên cạnh việc học tập, tôi còn tích cực luyện tập thể dục thể thao. Môn thể thao mà tôi yêu thích nhất là môn cầu lông. Khi chơi môn này, tôi thấy mình vừa rèn luyện được sức khỏe vừa rèn được sự nhạy bén và năng động. Còn bà, bà vẫn thường xuyên luyện tập thể dục thể thao chứ? Trong cuộc sống, thứ quý giá nhất đối với con người không phải là tiền bạc hay địa vị... mà là sức khỏe. Bởi vậy, hãy quan tâm đến sức khỏe trước khi quá muộn bà nhé!
Và còn một mong ước nhỏ, không biết bà có ý nghĩ giống tôi không? Là việc giúp những chú chó hoang bị bỏ rơi bị thất lạc. Tôi thương chó lắm! Thật đau đớn khi người ta nỡ bỏ đi một người bạn trung thành. Công nghệ xã hội ngày càng phát triển, càng đẩy con người rời xa nhau, khiến họ trở nên máu lạnh. Và chúng ta sẽ làm điều đó, đứng lên bảo vệ cái thiện, công lý và hòa bình. Dù ở địa vị cao nhưng mong bà luôn là người chí công vô tư, luôn nhân hậu và giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Ba mươi năm sau, tôi và bà sẽ thấy xã hội phát triển vô cùng mạnh mẽ, đem lại vô vàn những lợi ích cho con người. Tôi không biết xã hội lúc đó sẽ ra sao? Có thể chỉ cần một câu lệnh, mọi việc rô-bốt sẽ chăm chỉ làm tất. Hay những chiếc điện thoại thông minh sẽ phát triển cực kỳ hiện đại và có thể chúng ta không cần phải đến bác sĩ khám những bệnh thông thường mà chiếc điện thoại ấy sẽ làm giúp. Hay là hàng loạt những công trình độc đáo, tân tiến ra đời. Không biết họ có nghiên cứu thành công loại thuốc trị được căn bệnh thế kỷ HIV không nhỉ? Bên cạnh đó, sẽ không tránh khỏi những thảm họa nhân loại: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh mới... sẽ làm biết bao sinh vật sống khổ sở. Bàn tay con người đã gián tiếp hủy hoại tất cả và ngay cả chiến tranh, tàn sát lẫn nhau. Tôi mong rằng trong tương lai của tôi và hiện tại của bà sẽ không mù quáng như vậy. Hãy tự chủ và luôn là chính mình bà nhé! Hãy hành động để cứu thế giới này!
Và đó cũng là những dự cảm của tôi với tương lai thôi. Biết đâu hiện tại của bà, thế giới sẽ tươi tốt, mọi người sống hòa bình với nhau thì sao? Không gì là không thể. Hãy tin rằng ngày mai sẽ tươi sáng.
Khi bà đã bốn mươi lăm tuổi ư? Ba mẹ chắc già lắm rồi. Dù sao đừng quên họ đã sinh ra bà để bà trở thành một cá thể ưu tú của thế giới này. Hãy biết ơn vì điều đó và hãy phụng dưỡng họ thật tốt. Bên cạnh đó, đừng quên ơn thầy cô đã chắp cánh cho bà vô vàn những kiến thức bổ ích để bà cứng cáp bay xa như vậy!
Và mong bà gửi một lời cảm ơn chân thành đến ngành Bưu chính, người đưa tin, người kết nối những thông điệp, những ước mơ đến khắp mọi nơi trên thế giới này.
Tạm biệt bà! Chúc bà luôn sống trong thế giới bình yên và mãi yên bình! Hẹn gặp lại bà năm tôi bốn mươi lăm tuổi!
Anh Thơ của ba mươi năm trước
Võ Anh Thơ
BÀI GIẢI BA QUỐC GIA
Của: Nguyễn Hà Anh
Lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng,
huyện Đông Anh, TP. Hà Nội
Tôi viết bức thư này cho cậu - “Tôi” của tương lai “ba mươi” năm sau. Ba mươi năm sau, cậu bốn mươi lăm tuổi. Có lẽ cậu không cần mở máy vi tính vẫn có thể đọc được E-mail, không cần cầm điện thoại trong tay cũng có thể nghe cuộc gọi, không cần phải ghi chép mà vẫn lưu giữ được thông tin, không cần phải lật album mà vẫn xem được ảnh chụp. Thế nhưng tôi chọn cách viết bức thư này bằng cây bút bi và đôi tay lạnh trong một ngày tháng một chứ không lưu nó vào tin nhắn hay hòm E-mail. Bởi vì có một số thứ cất trong ngăn tủ thì an toàn hơn biến chúng thành số liệu, và bởi vì nhờ có Liên minh Bưu chính Thế giới, nhất định bức thư này sẽ vượt thời gian để tới được tay cậu thôi.
Này, “Tôi” ơi!
Cậu đang là họa sĩ hay nhà văn? Là nhân viên văn phòng hay cô giáo? Là phiên dịch đi đây đi đó, hay là một công nhân bươn trải với đời? Dẫu là ai đi chăng nữa thì tuổi bốn mươi lăm cũng là cái tuổi nhiều lắm những lo toan và bộn bề, cái tuổi quay cuồng với công việc và cuộc sống, cái tuổi dễ làm cho người ta quên đi nhiều điều quan trọng. Cho nên tôi viết bức thư này.
Này, “Tôi” ơi!
Cậu có nhớ sáng sớm mùa đông hôm ấy không? Cái sáng sớm mùa đông Bắc Việt rét buốt mưa dầm. Cậu ngồi sau lưng bố trên chiếc xe máy đi học đường xa. Bố ở phía trước chắn hết bao nhiêu gió mùa sương giá, cười hỏi: “Con ăn sáng ở đâu? Mấy giờ con vào lớp?” Tiếng cười át cả tiếng mua sa.
Cậu có nhớ trưa hè hôm ấy không? Cái buổi trưa hè nắng bỏng chang chang, ve kêu inh ỏi. Cậu vừa ngơ ngác vừa khấp khởi mừng vui ra khỏi phòng thi tuyển sinh vào lớp sáu, thấy mẹ đứng ngoài cổng trường thi hồi hộp đợi. Mẹ đội trên đầu toàn nắng, tóc ướt đẫm, má đỏ bừng, tay cầm chai nước mát mằn mặn mồ hôi.
Cậu có nhớ chiều muộn mùa đông thơm nồng những đĩa thức ăn nghi ngút bốc hơi, mẹ đặt lên bàn; có nhớ đêm mùa hạ đầy sao ấm áp những câu chuyện xưa của bố? Cậu có nhớ chiếc bánh ga-tô nho nhỏ sáng bừng ánh nến sinh nhật, mẹ đặt từng năm; có còn nhớ mỗi đêm trung thu cùng bố bày cỗ chơi trăng?
Khi viết cho cậu những dòng này, tôi còn chưa phải đi làm, chưa phải bôn ba bận rộn, cũng chưa phải lo toan, ngày ngày sống giữa sách vở, thầy cô, bạn bè cùng bao nhiêu niềm vui thú khác. Cho đến một ngày, tình cờ bất chợt, tôi nhìn thấy nếp nhăn hằn trên mắt bố, và mái tóc mẹ tự lúc nào đã điểm đôi sợi bạc bên mai.
Tuần này cậu đã về nhà thăm bố mẹ chưa?
Ba mươi năm nữa, có lẽ xung quanh cậu đã đổi thay, nhiều đến mức tôi không có cách nào hình dung được. Cách cậu nhìn thế giới sẽ chẳng giống như tôi bây giờ, cách cậu đối xử với mọi người sẽ không còn như cậu trong quá khứ, cách cậu suy nghĩ sẽ khác biệt với tôi hôm nay, và cách cậu đối mặt với cuộc đời sẽ bất đồng với chính bản thân khi trước. Nhưng tình cảm bố mẹ dành cho cậu, tôi tin, là thứ duy nhất sẽ chẳng bao giờ thay đổi.
Tuần này cậu đã về nhà thăm bố mẹ chưa?
Bố mẹ từng muốn sau này nuôi một chú chó con, bởi bây giờ tôi thích nuôi nhưng nhà mình hẹp quá, bố mẹ từng muốn sau này trồng một giàn thiên lý nhỏ, bởi vì tôi khen rằng hoa thiên lý ăn ngon. Bố thường nói muốn mùa đông có thật nhiều chăn bông phơi nắng khô, mẹ thường nói muốn mùa hè lắp điều hòa hết năm gian nhà rộng, cổng cửa nhà mình lúc nào cũng mở... Bố mẹ từng muốn sau này, tôi đưa con mình về nhà vào mỗi cuối tuần rảnh rỗi, như bố mẹ hay về với ông bà.
Sinh nhật bố vào tháng tám mùa thu, sinh nhật mẹ vào đầu đông chớm rét, bố thích nhâm nhi chén rượu thuốc ngâm lâu, mẹ thích chụp ảnh với con để rồi lúc rảnh đem ra ngắm... Vào ngày ấy, cậu đừng gửi E-mail, đừng “chat video”, đừng dùng tin nhắn, đừng gửi quà chuyển phát đường dài, đừng gửi hoa qua đường bưu điện, cho dù bận rộn đến đâu.
Gửi cho “Tôi” của ba mươi năm sau!
Nhận được bức thư này của tôi, cậu đọc xong nhớ gấp thật kỹ cất vào ngăn tủ. Sau đó, khi trở về ngôi nhà có giàn thiên lý, có chú chó con, cậu giúp tôi gửi tới hai người tôi yêu quý nhất cuộc đời một cái ôm thật sâu, được không?
Chúc cậu hạnh phúc và thành công, chúc cậu bình an và mạnh khỏe, chúc cậu được yêu thương thật nhiều!
Cậu của ba mươi năm trước!
Nguyễn Hà Anh
BÀI GIẢI BA QUỐC GIA
Của: Nguyễn Quang Anh
Lớp 9A, Trường THCS Lê Ngọc Hân,
quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội
Chào Quang Anh của 30 năm sau!
Liệu cậu có còn nhớ đến bức thư do chính tay mình viết không? Buồn cười nhỉ! Nếu không có Cuộc thi Viết thư UPU năm nay với chủ đề “Viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi” chắc chẳng bao giờ cậu có cơ hội đọc được nó đâu.
Này tôi trong tương lai ơi, hiện cậu như thế nào? Bao nhiêu hình ảnh hiện ra trong đầu mình lúc này, mình đang cố tưởng tượng đây. Có lẽ là cậu sẽ giống bố của chúng ta, một người đàn ông phong độ và đẹp trai, một ông bố của hai đứa con thông minh, khỏe mạnh. Mọi người vẫn bảo cậu với bố cậu giống nhau như hai giọt nước mà. Mình mong chờ quá, mong đến lúc cậu đọc được bức thư này không biết lúc đó cậu có còn nhớ ước mơ đang nung nấu cháy bỏng của mình hiện tại không nữa. Mình mong là nó sẽ thành hiện thực.
Trái bóng, giờ cậu vẫn còn yêu và sống với nó chứ?
Manchester United vẫn đã, đang và sẽ là tình yêu của chúng ta chứ?
Ta đã từng có hoài bão, cậu biết và có còn nhớ không? Liệu cậu đã thực hiện được nó chưa?
Cậu biết mà, mình không được như những người bạn khác. Việc xỏ chân vào đôi giày, bước trên thảm cỏ sân vận động giữa những chảo lửa cổ động viên với mình xa vời vợi. Trái tim chúng ta mang theo căn bệnh bẩm sinh quái ác này không cho phép chúng ta thực hiện, dù nó là đam mê cháy bỏng và niềm khao khát từ ngày bé cỏn con. Bố mẹ hiện tại cũng không muốn mình quá đam mê bóng đá mà tập trung vào việc học. Mình đang buồn lắm cậu biết không? Tuy hiện thực học tập là quan trọng nhưng mình sẽ không từ bỏ bóng đá đâu. Thế nên để có thể thỏa mãn ước mơ được sống với quả bóng, mình đã, đang và sẽ quyết tâm vào bản thân để trở thành một bình luận viên bóng đá nổi tiếng. Hi vọng bố mẹ sẽ hiểu và ủng hộ cho quyết định của mình. Mình phải cố gắng bắt đầu ngay từ bây giờ Quang Anh lớn ạ!
Để thực hiện điều này, mình đang lên một kế hoạch cho tương lai rồi. Bây giờ hàng ngày, ngoài việc nỗ lực ôn tập để thi vào cấp THPT, mình vẫn dành những lúc rỗi để tìm hiểu thêm về lịch sử bóng đá, bổ sung thêm các thuật ngữ chuyên môn. Mình chúa ghét môn Văn nhưng vẫn phải học thôi, vì học Văn mới làm bình luận viên được chứ. Ngoài ra còn phải học tiếng Anh nữa, không biết tiếng Anh thì sao mà bình luận được? Thi thoảng vẫn cố gắng xin bố mẹ cho đi đá bóng với các bạn, nhưng chỉ được đá ở vị trí thủ môn thôi. Không sao, vậy là vui lắm rồi. Mình sẽ cố gắng hết sức để có thể thực hiện nó. Có thể sức khỏe yếu không cho phép chúng ta làm điều chúng ta muốn nhưng ý chí, sự nhiệt huyết và niềm quyết tâm trong mình có thể chiến thắng tất cả.
Và cậu, Quang Anh của năm 45 tuổi, sẽ là bình luận viên bóng đá nổi tiếng của một đài truyền hình có tiếng trên cả nước. Chúng ta sẽ hòa vào âm thanh, sự cuồng nhiệt của cổ động viên, dõi theo những chiến binh trên sân đang chiến đấu và mang vinh quang về cho Tổ quốc. Sẽ là những phân tích chiến thuật lối chơi và đưa ra những nhận định về trận đấu, là truyền cảm hứng đến cho hàng vạn con người đang ngồi trước màn hình tivi. Để rồi vỡ òa trong cảm xúc khi đội nhà ghi được bàn thắng. “Vào... vào... Việt Nam vô địch...” Mình không thể ngừng việc tưởng tượng điều đó lại, vì nó đã ăn sâu vào tâm can mình lúc này rồi.
Cậu sẽ là người như thế chứ?
Cậu sẽ như mình mong muốn chứ
Mình sẽ tự hào về cậu chứ?
Cảm xúc, ước mơ của mình là vô cùng mãnh liệt. Bức thư này khi viết cho cậu càng khiến cho động lực bản thân trở nên cuồng nhiệt hơn. Cứ như mình đang được khoác áo cho đội tuyển Việt Nam đá trận chung kết World Cup vậy.
Giá như có cỗ máy nào có thể mang mình đến tương lai ngay bây giờ nhỉ, mình sẽ tới dọa cậu một phen. Nếu cậu không như mong đợi, mình sẽ mắng cậu. Cái cảnh tượng mình, một thằng nhóc 15 tuổi mắng một người đàn ông 45 tuổi cứ hiện ra trong tâm trí làm mình cười suốt đấy. Ngược lại, mình sẽ rất tự hào về cậu đấy. Mình sẽ vỗ vai cậu và bảo: “Này ông bạn, chúng ta đã làm rất tốt!”. Sau đó, chúng ta sẽ đi cổ vũ cho đội bóng yêu thích ở quán bia. Cậu sẽ uống bia còn mình uống nước ngọt, hay đấy chứ?
Bức thư này dù chỉ là một chiều nhưng mình tin rằng sẽ nhận được hồi âm của cậu. Mình cũng hiểu rằng chính bản thân sẽ phải tự đi tìm nó. Tôi, Quang Anh 15 tuổi, bắt đầu từ hôm nay, mục tiêu là tìm kiếm nội dung của bức thư trong 30 năm tới. Hi vọng nó sẽ là bức tranh về một xã hội đoàn kết, công bằng, an lành nơi “Quang Anh lớn” đã hoàn thành niềm mơ ước của mình! Và đây có lẽ là ý nghĩa của cuộc thi mình tham gia.
“Mình sẽ chiến đấu và chiến thắng như một cầu thủ!!! Fighting!!!"
BÀI GIẢI BA QUỐC GIA
Của: Phạm Hương Giang
Lớp 8A5, Trường THCS An Thới,
quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ
Thưa bà Chủ tịch thành phố Hoàng Sa kính mến!
Xin chúc mừng bà đã trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hoàng Sa - quần đảo thân yêu vừa mới được thu hồi về Tổ quốc sau 70 năm, kể từ năm 1974 bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép hoàn toàn đến năm 2044. Bài diễn văn nhậm chức của bà thực sự gây xúc động không chỉ với nhân dân Việt Nam mà còn với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Thưa bà!
Đúng như những gì bà đã nói trên sóng truyền hình, quần đảo Hoàng Sa với hơn 30 đảo lớn nhỏ và các bãi đá, rặng san hô đã gắn bó máu thịt, là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam ta. Các thế hệ ông cha ta đã xác lập chủ quyền ở đây từ rất lâu đời. Các văn bản còn lưu giữ, cũng như những chứng tích lịch sử đã cho ta thấy, từ đầu thế kỷ XVII, nhà nước phong kiến Việt Nam đã có mặt và quản lý chính quần đảo này. Hai nhóm quần đảo An Vĩnh và Lưỡi Liềm cùng với những đảo lớn như Phú Lâm, Linh Côn, Đảo Bắc, Đảo Nam, Tri Tôn, Ốc Hoa,... đã trở thành những cái tên đau đáu trong lòng người dân nước Việt.
Bây giờ, sau 03 năm thu hồi về Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của bà, người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Chủ tịch huyện đảo, Hoàng Sa đã từng bước mang diện mạo mới: từ một đơn vị cấp huyện của thành phố Đà Nẵng, hôm nay Hoàng Sa đã chính thức được tách ra và nâng cấp trở thành thành phố đảo với diện tích hơn 305 km, cách đất liền 170 hải lý.
Với vị trí độc đáo nằm trên tuyến giao thông hàng hải sôi động và các dự án sẽ được triển khai trong tương lai, Hoàng Sa sẽ có cơ hội cất cánh vươn lên tầm cao mới. Các cây cầu dây văng hiện đại và kiên cố được xây dựng để nối liền các đảo. Cầu cảng và sân bay Phú Lâm sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và dịch vụ lớn nhất trên con đường hàng hải xuyên Thái Bình Dương. Đảo Tri Tôn và Chim Yến, Linh Côn sẽ là khu nghỉ dưỡng, du lịch giải trí hàng đầu châu Á với những tòa cao ốc chọc trời vươn lên giữa biển khơi. Nhà máy điện bằng năng lượng mặt trời trên đảo Đá Nam sẽ cung cấp đủ các nhu cầu về điện cho các hoạt động trên toàn bộ quần đảo. Ngoài ra, công viên tự nhiên với các loài thú quý như sao la, chồn hương, voọc ngũ sắc, tê giác,... trên đảo Cù Mộc sẽ thu hút hàng vạn du khách đến đây. Hoàng Sa như một viên ngọc quý giữa đại dương thăm thẳm với những bờ biển xanh và bãi cát vàng bát ngát. Những chuyến bay, những chuyến tàu tốc hành xuyên biển luân phiên ra vào, các tuyến đường ngầm xuyên biển Đà Nẵng - Hoàng Sa nối liền phần đất liền và hải đảo. Tương lai của Hoàng Sa sẽ thật rạng rỡ biết bao!
Thưa bà Chủ tịch:
Chắc hẳn bà sẽ rất bồi hồi xúc động khi đọc bức thư này, bức thư được viết bởi cô bé lớp 8 của 31 năm về trước! Chắc bà vẫn còn nhớ, khi viết bức thư này, Hoàng Sa vẫn còn là nỗi đau chia cắt. Biển Đông vẫn còn dậy sóng bởi những hoạt động xâm lấn, bồi đắp các đảo nhân tạo của người Trung Quốc. Tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải vẫn là một điểm nóng trên các diễn đàn ở khu vực và thế giới. Nhưng người dân Việt Nam chưa bao giờ ngừng quyết tâm đấu tranh đòi chủ quyền lãnh thổ của mình, chưa bao giờ ngừng nhớ về Hoàng Sa, Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập... Chúng ta vẫn luôn đặt niềm tin sâu sắc vào công lý mà các định chế quốc tế như Hiến chương Liên Hợp quốc và Công ước về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 đã đề ra. Và cuối cùng điều tất yếu ấy đã đến với chúng ta năm 2044: Hoàng Sa đã trở về trong vòng tay Tổ quốc, nỗi đau chia cắt tròn 70 năm đã được gắn liền. Hồn thiêng sông núi nước Nam đã thu về một mối, cháu con muôn đời đã có thể ngẩng cao đầu từ hào với tổ tiên.
Thưa bà! Bà đã được sinh ra và lớn lên ở quê hương Cần Thơ. Ước mơ từ thời thơ ấu là được đặt chân lên đất Hoàng Sa, Trường Sa của bà nay đã thành hiện thực. Kính chúc bà sức khỏe, hạnh phúc. Chúc thành phố Hoàng Sa dưới sự lãnh đạo tài tình của bà sẽ ngày càng phát triển xứng đáng là bảo vật giữa đại dương bao la, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và toàn thế giới.
Kính thư.!
“Bạn thân” của bà 31 năm trước
Phạm Hương Giang