Của: Nguyễn Thị Ngọc Anh
Lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo,
TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh
Gửi tôi năm 45 tuổi.
Xin chào, tôi chính là cậu của 30 năm trước, là cô trò nhỏ 15 tuổi với bao ước mơ hồn nhiên và bay bổng. Chắc hẳn cậu sẽ chẳng dấu nổi ngạc nhiên khi nhận được lá thư đặc biệt này vào đúng dịp sinh nhật 45 tuổi. Chả là sáng nay, tôi vô tình biết tới Cuộc thi Viết thư UPU với chủ đề vô cùng thú vị: “Viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi”. Tôi liền cầm bút viết thư với sự hứng khởi tràn đầy.
Tuổi của 30 năm sau thân mến!
Hiện tại cuộc sống của tôi không được khả quan cho lắm. Đầu óc tôi rất mệt mỏi mà viết thư cho cậu chính là cách để tôi thả lỏng tinh thần. Học tập sa sút, không bạn bè, không dự định, tôi là cô bé chỉ biết mơ mộng được làm tác giả truyện ngắn thay vì đêm ngày dùi mài kinh sử để trở thành bác sĩ tương lai như bố mẹ mong muốn. Tôi của hiện tại chông chênh và bất định quá!
Tôi tự hỏi khi tôi đã 45, thế giới sẽ như thế nào nhỉ? Hẳn khi ấy những con rô-bốt sẽ làm bạn của mọi nhà, công nghệ sinh học đạt tới mức tuyệt diệu và nền y học có thể giúp con người chiến thắng bệnh ung thư. Các quốc gia thức tỉnh khỏi những cuộc chạy đua vũ trang vô nghĩa, họng súng ngừng thét vang, thế giới không có những rào - cản xã hội, không có sự kỳ thị về màu da, mọi đứa trẻ đều được đến trường được hưởng thụ một nền giáo dục tuyệt vời, những vấn đề về môi trường đã được giải quyết ổn thỏa nhờ những nỗ lực thực sự của toàn nhân loại. Nhưng phải chăng trong chính thế giới tưởng chừng hoàn hảo ấy, con người đang dần xa cách? Khi đó, liệu ước mơ trở thành nhà văn của tôi luôn đau đáu trong tim có thể giúp ích gì cho xã hội hiện đại bây giờ? Phải rồi, tôi khao khát sẽ dùng chính tác phẩm của mình lay động trái tim mọi người.
Mơ mộng vậy thôi chứ với một nữ sinh như tôi bây giờ thì đạt được điều đó là một chặng đường gian lao. Bây giờ tôi đã bắt đầu cầm bút viết, và rồi lại bị ba mẹ rầy, bởi với gia đình tôi, trở thành một nhà văn là điều thật nực cười. Họ thường thuyết giảng cho tôi về một tương lai xán lạn của một bác sĩ và ngày mai mù mịt, luẩn quẩn trong cái nghèo đói cơ cực của một văn sĩ mơ mộng viển vông. Và tôi lại phải bịt tai, sập cửa phòng và khóc. Vậy nhưng bản tính ương ngạnh của tôi đâu cho phép bản thân mình bỏ cuộc dễ dàng. Tôi căn ke những lúc rảnh rỗi là miệt mài viết. Tôi thường tới chơi với những đứa trẻ đen nhẻm, còi cọc, nhếch nhác trong những căn nhà nổi tồi tàn ở ven sông Hồng. Cha mẹ chúng quá nghèo. Họ cũng không biết bao giờ có the mang bọn trẻ lên bờ để đi học. Chúng đợi tôi với những chiếc bánh mì, có khi cả những viên thuốc sốt, mấy đứa con gái tranh nhau những con gấu bông sờn lông, cũ kỹ mà tôi mang đến, Chúng tôi chơi với nhau, lũ trẻ kể cho tôi về những điều mà chúng mơ ước, về cuộc đời buồn bã của những gia đình trên thuyền khi mùa mưa đến, về những trận cãi vã, chửi rủa của ba mẹ chúng mỗi ngày. Trở về nhà, tôi bắt tay vào viết, và viết về những giấc mơ dang dở ấy, viết về lũ trẻ đã chán ngán cuộc sống lênh đênh... Tới ngày tác phẩm hoàn thiện, tôi hăm hở gõ cửa từng nhà sản xuất và giới thiệu tập truyện. Tám, chín, rồi mười cái lắc đầu dành cho tôi. Trong lúc tưởng chừng như vô vọng, có một nhà xuất bản gật đầu. Khỏi nói tôi sung sướng tới mức nào, mất ăn mất ngủ đợi ngày truyện của mình lên kệ. Thế rồi, ngày ấy đến, truyện của tôi ế chỏng chơ, bán được 10 cuốn thì 9 cuốn bị chê bai tơi tả.
Tôi dường như lâm vào tuyệt vọng và bế tắc cùng cực. Lúc ấy, tôi lại nghĩ đến những đứa trẻ đói khát, chân trần dưới những trận mưa tuyết ở Sa Pa, những đứa trẻ ốm yếu, bị suy dinh dưỡng nặng ở một xóm trọ sình lầy, đầy muỗi, trên những dòng sông đen ngòm, cả những đứa bạn gái ở cái tuổi 15 như tôi, chưa một lần bước đến trường, quanh quẩn với một lũ em ngơ ngác, những khuôn mặt già hơn tuổi rất nhiều vì sớm phải lo toan. Những đôi mắt ngây thơ ấy khiến tim tôi thắt lại. Không biết sau này, tương lai của các em sẽ đi về đâu, hay là một màu xám ngắt như những đám mây trên trời lúc chạng vạng tối. Không! Tôi phải làm một cái gì đó thật lớn lao cho những đứa trẻ tội nghiệp Tôi phải làm gì đó để những con người vô tội ấy có thể thoát khỏi cuộc sống tối tăm này. Quệt vội nước mắt, tôi bắt đầu lại từ đầu. Nỗ lực ròng rã suốt một năm, tập luyện cách viết, cuối cùng tập truyện của tôi cũng được xuất bản và bất ngờ làm sao, tôi là tác giả của tập truyện bán chạy nhất. Tôi cứ thế lao về phía trước, cố gắng không mệt mỏi và trở thành nữ văn sĩ nổi tiếng.
Tôi trở lại cái xóm nghèo bên bờ sông Hồng, trở lại với những người bạn đã cho tôi niềm tin. Hôm nay, chúng bắt đầu đi học, những lớp học tình nguyện trên thuyền do một nhóm các bạn sinh viên tổ chức. Tôi mang đến cho chúng sách vở, vài bộ quần áo mới và hi vọng một ngày gần nhất lũ trẻ có thể đọc cuốn sách mà tôi từng viết, chúng sẽ có một mái nhà thực sự, một cuộc sống đủ đầy. Giữa những nụ cười ấm áp, những ánh mắt rực sáng, những vòng tay mà chúng dành cho tôi, tôi thấy lòng ngập tràn hạnh phúc. Điều tôi làm được cho những đứa trẻ mà tôi yêu thương dù còn ít ỏi, nhưng tôi biết qua những trang sách nhỏ này, tôi đã từng bước thay đổi, từng ngày đưa cuộc sống và những ước mơ chính đáng trở thành hiện thực. Dù mục tiêu ấy thật khó đạt được nhưng tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình của yêu thương trong chính trái tim mình.
Ngày còn đi học, tôi đã phát mê ca khúc “I” của Taeyeon và nhẩm theo giai điệu ấy mỗi ngày. Thế nhưng mãi đến khi phải vật lộn với những khó khăn, gian khổ để chạm tới thành công, tôi mới thấu hiểu những ca từ sâu sắc ấy. Tôi đã học được rằng mình chỉ thực sự thất bại khi không còn cố gắng nữa, rằng tất cả những ước mơ và dự định sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không có lòng dũng cảm đấu tranh vì những ước mơ ấy, kể cả phải mạo hiểm cả mạng sống của chính mình như chính lời tâm sự của cô gái Taeyeon kiên cường ấy.
Tôi của 30 năm sau biết không, khi mới cầm bút viết thư, tâm trạng tôi tồi tệ và kinh khủng lắm. Nhưng đến khi đưa bút viết nên tương lai của mình, khi tâm sự với cậu như một người bạn quen thân, tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường. Dường như có gì đó vừa nảy nở và sáng dần lên trong lòng tôi, và tôi bỗng thấy thật yêu cuộc sống, tôi bỗng muốn bật tung cửa sổ cho ánh sáng tràn ngập căn phòng tăm tối, tràn ngập tâm hồn u ám của tôi, tôi bỗng thấy cuộc sống đẹp hơn trước vạn phần. Thật bất ngờ nhỉ, chỉ là một cuộc thi làm tôi hứng thú, một phút ngẫu hứng cầm bút viết mà tôi cảm giác như sợi dây xích trói buộc tâm hồn mình được cởi bỏ. Tôi thầm cảm ơn những con người tài năng đã tổ chức cuộc thi viết thư UPU thật tuyệt vời truyền cho tôi cảm hứng, cảm ơn biết mấy những cô chú ngành Bưu chính vượt cả thời gian cách trở giúp tôi đưa tận tay lá thư cho bạn. Chúc tôi năm 45 tuổi tận hưởng nhiều hạnh phúc!
Gửi tôi 30 năm sau tất cả hi vọng và ước mơ tuổi trẻ!
Tôi của hiện tại
BÀI GIẢI NHÌ QUỐC GIA
Của: Nguyễn Đức Anh
Lớp 5A2, Trường Tiểu học Liên Minh,
TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
- “Alô, bố à, hôm nay con đi thi bơi cấp thành phố...
- Con yêu, bố lại có cuộc họp quan trọng mất rồi...
...
- Alô, bố à, hôm nay sinh nhật con, bố đã hứa...
- À... ờ xin lỗi con trai của bố, bố lại có chuyến công tác đột xuất, mấy hôm nữa bố về, bố sẽ đưa con đi mua balô siêu nhân nhé! Bố hứa...”
Đức Anh thân mến!
Mình chỉ có thể viết thư cho bạn thôi, viết thư cho chính mình ở tuổi 45 (tuổi của bố mình bây giờ đây). Vì mình đang buồn quá chẳng thể chia sẻ cùng ai. Mình không thể nói cho mẹ biết vì mình sợ mẹ buồn. Mẹ mình hay ốm lắm! Mình muốn mẹ thật vui, thật khỏe để còn chăm em Bống nữa. Nhưng sao mình thấy cô đơn quá, mình thèm được trò chuyện, giãi bày... Đức Anh à, mình ước bố mình không lỡ hẹn. Mình ước được bố dạy tập xe, chơi cờ vua, đá bóng, đá cầu. như bao bọn trẻ ở khu phố nhà mình. Mình ước có thể nói: “Con yêu bố” mỗi ngày! Nhưng bố mình toàn về muộn thôi. Lúc đó mình đã phải đi ngủ rồi vì mẹ bảo:
“Trẻ con không được thức khuya, nếu thức khuya sẽ không đẹp trai được!”.
Đức Anh yêu quý!
35 năm nữa, trong thế giới tương lai, không biết còn nhiều đứa trẻ ở hoàn cảnh giống mình không nhỉ? Mọi người nói mình có tất cả, nhưng sao mình thấy mình thiếu tất cả! Mình thiếu vòng tay ấm áp của cha, thiếu nụ cười vẹn tròn hạnh phúc của mẹ, thiếu những bữa cơm gia đình đoàn tụ và thiếu cả bầu trời ngoài kia lộng gió... Đức Anh à, mình có cả một bộ sưu tập đồ chơi siêu khủng anh em siêu nhân, ghép hình logo, dàn xe ô tô đua tốc độ... Bố mình còn sắm cho mình cả điện thoại xịn và Ipad nữa. Chỉ cần một cái chạm tay lên màn hình là mình chìm đắm trong thế giới của game, của facebook... mà bỏ lỡ phố xá ngoài kia đông vui, những đêm bầu trời đầy sao hay những phút giây được thả hồn với những chú bướm rập rờn cánh biếc. Mình ghét cả tiếng chuông điện thoại, vì khi đó mình chỉ được nghe thấy giọng nói của bố mình từ nơi nào đó rất xa: “Bố xin lỗi, bố lại phải lỡ hẹn với con trai yêu quý mất rồi”. Tiếng quảng cáo trong tivi bỗng nhiên vang vọng: “Đặt điện thoại xuống... Làm cha cần cả đôi tay!”. Nước mắt mình chợt rơi và căn nhà trở nên trống hơ trống hoác: “Làm cha cần cả đôi tay”!
Đức Anh của mình!
45 tuổi chắc lúc đó mình cũng đã là bố rồi nhỉ? Và mình cũng có cả những đứa con như bố mình có chúng mình bây giờ. Vậy, mình sẽ là một người bố như thế nào đây?
Đức Anh ơi, 45 tuổi, mình muốn những đứa con của mình sẽ không phải ngồi chờ bên mâm cơm đã dần nguội ngắt, để rồi lại nghe lời động viên của mẹ: “Con yêu, chúng mình cùng ăn nhé, nhất định mai bố sẽ về sớm hơn”. Mẹ cười mà sao ánh mắt mẹ buồn đến thế, hay chính nỗi buồn đang ngân ngấn lệ của mình đã chảy tràn sang đôi mắt mẹ.
45 tuổi, mình muốn những đứa con của mình sẽ không còn phải nghe thấy tiếng thở dài hay những lần trở mình của mẹ (dù rất khẽ vì sợ con yêu thức giấc). Bởi chắc cũng như mình bây giờ, bọn nhóc sẽ yêu và thương mẹ nhiều lắm, mẹ mình là một giáo viên. Mẹ vừa lên lớp giảng bài vừa dồn hết tâm sức chăm sóc anh em mình. Mẹ như cố căng mình ra để bù đắp những “trống vắng” mà bố để lại, những nỗi buồn của mẹ thì anh em mình vẫn chẳng thể xóa nhòa!
45 tuổi, mình muốn những đứa con của mình sẽ không phải trải qua những giây phút hi vọng... chờ đợi... rồi lại thất vọng! Mình nhất định sẽ không để những đứa con của mình phải ngồi thu lu trong phòng để viết lên những lời tâm sự gửi cho chính mình mà chẳng thể tâm sự cùng ai! Chắc cũng như mình, bọn nhóc sẽ rất yêu bố, nhớ bố và thích bố! Thích những cái bắt tay thật chặt và ánh mắt nhìn mạnh mẽ của bố “Cố lên con trai, con nhất định sẽ làm được!”. Thích được bình luận thể thao cùng bố với những trận đấu nảy lửa! Thích cái cảnh gia đình cùng ngồi xem hài và cười lấp lánh... Ôi, những khoảng khắc ấy sao mà hiếm hoi đến thế! Mình biết bố cũng rất yêu mình. Chỉ tại những cuộc họp, tại những chuyến công tác dày đặc, tại phải kiếm tiền để mua sữa cho em Bống, mua cặp siêu nhân cho mình, mua ô tô và mua cả nhà to thật to nữa... Ôi! Sao mình ghét những “cái tại” đó thế! Và mình cũng chẳng cần cặp siêu nhân nữa, chỉ cần bố thôi!
Đức Anh yêu quý!
45 tuổi, mình nhất định là người bố thật hạnh phúc bên bọn nhóc. Đức Anh nhỉ? Mình nhất định sẽ không về muộn đâu, và nhất định là mình sẽ cùng thổi nến trong sinh nhật của bọn nhóc! Mình cũng không cần ô tô và nhà to thật to. Vì mình biết bọn trẻ cũng sẽ giống như mình bây giờ, chắc là sẽ rất thích cảm giác ấm ơi là ấm khi cả nhà cùng chui vào chăn, cọ chân vào nhau cho đỡ lạnh, nghe mẹ đọc truyện cổ tích, nghe bố kể những chuyện “bông phèng” rồi lăn ra ngủ... Sáng ra nhặt được mỗi đứa trẻ con nằm vắt chéo ở mỗi góc giường, xoay tứ hướng (mẹ vẫn hay kể về bọn mình như thế!).
Đức Anh à! Giờ mình đang ngồi xem bộ phim “Điều đặc biệt trong phòng giam số 7”. Bộ phim kể về một ông bố thiểu năng trí tuệ, ông ngu ngơ về mọi thứ nhưng có một vùng sáng mà không bệnh tật nào che khuất nổi - đó là tình yêu thương vô bờ bến mà ông dành cho con gái bé bỏng. Ông có thể quên mọi điều trên thế gian này, nhưng không bao giờ quên con đường về nhà, không bao giờ quên khoảnh khắc kim đồng hồ chỉ 5h chiều. Vì nơi ấy và khi đó cô con gái nhỏ đang ngồi chờ ông về để quàng lên cổ ông vòng tay bé nhỏ thần tiên!
bắt
Đức Anh ơi, mình cũng sẽ đợi! Đợi đến khi nào bố về để bố thật chặt và nói rằng: “Con yêu bố thật nhiều!".
Cảm ơn bạn đã cùng sẻ chia tâm sự! Thân mến chào Đức Anh 45 tuổi.
Đức Anh - 10 tuổi
BÀI GIẢI NHÌ QUỐC GIA
Của: Dương Bảo Nhi
Lớp 7A1, Trường THCS Trần Quốc Toản,
quận 9, TP. Hồ Chí Minh
Bảo Nhi thân mến!
Tôi là một cô bé bị khiếm thính, và với tôi, tương lai chỉ là một màu u ám. Tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày tôi ngồi xuống và đặt bút viết thư cho bạn - bản thân tôi khi 45 tuổi. Khi tôi quyết định bức thư sẽ hoàn thành, tôi đã nhận ra: dù tôi thiệt thòi hơn mọi người, nhưng tôi vẫn sẽ bước tiếp, tôi sẽ không bỏ cuộc. Bạn cũng thế, đúng chứ?
Tôi và bạn không thể gặp nhau, bởi giữa chúng ta có sự ngăn cách của hàng chục con số về tuổi tác, và hơn hết, chúng ta là một.
Tôi viết bức thư này, phần lớn là động viên bạn. Từ lúc nhận thức bản thân có điểm khiếm khuyết hơn người khác, tôi đã rất buồn. Tôi muốn được nghe âm thanh bên ngoài, điều ấy tưởng chừng rất đơn giản, nhưng bản thân tôi không thể làm được. Đó là cảm nhận của tôi, và cũng là của bạn, nhưng đừng tự ti, vì chúng ta còn sống, không ai biết trước được điều gì!
Bạn của tôi ơi!
Bạn có còn nhớ ngày đầu ta tập xe đạp không? Với một cô bé khiếm thính như chúng ta, việc ấy rất khó khăn vì chúng ta không thể nghe lời khuyên từ bên ngoài. Lúc ấy, khi bị té, tôi đã nghĩ bản thân rất vô dụng, không đáng để tồn tại, chỉ là gánh nặng mà thôi! Nhưng bên tôi lúc ấy còn có sự che chở của cha, ông đã ôm tôi vào lòng, và mẹ dịu dàng chăm sóc cho tôi.
Đừng bao giờ lặp lại suy nghĩ đó, bản thân tôi và bạn không hoàn hảo, thiệt thòi hơn các trẻ em trên thế giới, nhưng chúng ta còn chỗ dựa: đó là gia đình. Hãy nhớ, đình sẽ luôn dang tay ôm lấy bạn, đó là niềm tin, là sự ủng hộ của cha mẹ. Đó là món quà quý giá nhất mà ai cũng muốn có!
Bạn có nhớ lần chúng ta học ký hiệu bằng tay không? Chúng ta đã rất buồn và thất vọng, có lẽ vì thế mà chúng ta thu mình lại và không tiếp xúc với nhiều người. Nhưng chính bạn bè xung quanh, họ đã đưa ta ra khỏi vỏ bọc, hòa nhập với mọi người. Ngoài gia đình, bạn bè chính là ngôi nhà thứ hai, họ sẽ thấu hiểu, giúp bạn thoát ra khỏi phiền muộn và kiên cường bước tiếp. Đó là món quà tinh thần, không thể thấy, không thể nghe, chỉ có thể cảm nhận, đừng bao giờ đánh mất điều tuyệt vời ấy!
Không thể nghe được âm thanh, nhưng tôi có thể nhìn thấy sự kỳ diệu của chúng. Những nốt nhạc đưa con người lại gần nhau hơn, chúng ra đi khi bản nhạc kết thúc và để lại nụ cười cho người nghe. Bằng sự diệu kỳ, chúng len lỏi và dập tắt lửa giận, xóa nhòa hiềm khích. Tôi thấy thật buồn khi không thể nghe được những âm thanh ấy! Âm nhạc tô màu cho cuộc sống, tôi đang sống trong thế giới của hàng ngàn loại âm thanh tôi sẽ dũng cảm nhận của mình tôi màu cho cuộc sống, tô màu cho các thanh âm quanh tôi. Đừng thắc mắc tại sao tôi làm được điều đó, bởi vốn dĩ âm nhạc cảm nhận bằng trái tim!
Vì mải bận rộn với công việc, sẽ có lúc bạn quên đi những kỷ niệm mà mình từng có, con người ai cũng như thế!
Sẽ có một mùa xuân, bạn ngồi xuống và nhận ra bạn đã bỏ sót rất nhiều điều. Từ những khoảnh khắc đẹp, chúng biến thành những điều nho nhỏ rồi bị quên lãng. Nhưng chính những điều nhỏ nhoi ấy sẽ nhắc rằng bạn là ai, chúng quan trọng vì chưa có ai dùng tiền để mua lại ký ức, vì đó là điều không thể, những kỷ niệm là vô giá. Quá khứ là bệ phóng cho chúng ta bước vào tương lai, đừng quên điều kỳ diệu ấy!
Sẽ có lúc bạn ngã xuống mà dường như chẳng muốn đứng lên, khi ấy hãy quay về chỗ dựa, là bạn bè, là gia đình, là những âm thanh bạn chỉ có thể cảm nhận mà không thể nghe. “Con - tim” là nguồn gốc của sự sống, thế nên đừng tự ti vì bị khiếm thính mà hãy mạnh mẽ lên vì bạn có thể cảm nhận, có thể nghe được những gì mà con tim muốn nói. Không ai hoàn hảo cả, hãy cứ bước tiếp bởi không ai biết giới hạn của tiềm năng, làm những điều có thể để khi ngẫm nghĩ lại, ta sẽ không hối tiếc.
Khi đọc xong bức thư, bạn hãy đến thăm các em bị khiếm thính nhé! Hãy cho các em biết cuộc sống sẽ đẹp hơn khi ta nghĩ theo chiều tốt hơn, như tôi và bạn bây giờ.
Thư đã dài, tôi dừng bút ở đây. Hãy sống thật tốt, hoàn thành những mong muốn còn dang dở. Bạn hãy bước tiếp, dù có khó khăn nhưng đừng bỏ cuộc nhé!
Người bạn của quá khứ
Dương Bảo Nhi