Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Đại diện Ban Giám khảo Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45
Thưa các quý vị, các thầy cô giáo và các em!
Trước hết, tôi xin chúc mừng Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành Bưu chính Viễn thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Thiếu niên Tiền phong, cùng Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo UPU của Việt Nam, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục, nhà chuyên môn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng và đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình.
Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45, năm 2016 đã kết thúc tốt đẹp. Đề tài rất thú vị: “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi”. Tuổi 45 không còn trẻ nữa. Nhưng cũng không phải là già. Đó là cái tuổi chín nhất trong một đời người.
Đề tài mở rất thông minh của năm nay đã thực sự kích thích được trí tưởng tượng và sự sáng tạo của các em học sinh. Các em tưởng tượng và viết cho tương lai của bản thân mình, một tương lai đa dạng, phong phú, phản ánh một thế giới ước mơ trẻ thơ thực sự hồn nhiên, trong sáng và tươi đẹp. Những ước mơ được lựa chọn nhiều nhất là trở thành giáo viên, doanh nhân, nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường, bảo vệ hòa bình, bác sĩ, nghệ sĩ, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, cảnh sát biển, nhà ngoại giao, nhà văn, đầu bếp tài hoa. Có một số ước mơ thật đặc biệt: Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, cô giáo ở Trường Sa, người kinh doanh không khí sạch, rồi sự hóa thân của em bé người Syria trên bờ biển...
Viết cho chính mình khi 45 tuổi thực chất là viết về những ước mơ, về thành quả của sự nỗ lực, phấn đấu học tập, rèn luyện của các em từ ngày hôm nay. Các thành viên Ban Giám khảo đều thấy thật hạnh phúc khi được đọc các bức thư của các em, chứng kiến việc các em say mê ươm mầm cho những ước mơ, sau đó là nuôi dưỡng ước mơ ấy lớn lên bằng những hành động cụ thể, bằng sự tích lũy kiến thức và kỹ năng, sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức làm hành trang cho tương lai.
Hầu hết các bức thư chứa đựng nhiều tâm tư, nhiều trăn trở về thế giới hiện tại. Các em cảm nhận được nguy cơ của tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bệnh tật nan y, chiến tranh... Mặc dù có nhiều bức thư còn chung chung, dàn trải nhưng cũng có không ít bài viết xâu chuỗi được nhiều vấn đề, đưa ra được những giải pháp cụ thể giàu sức thuyết phục, lại vượt trội so với lứa tuổi của các em, với lối diễn đạt tự nhiên, giàu cảm xúc, chân thật, xúc động được Ban Giám khảo đánh giá cao. Có thể thấy rõ một điều rằng, khi tham gia viết thư quốc tế UPU, các em học sinh của chúng ta chính là những người tham gia viết nên một phần lịch sử ở thời đại các em đang sống. Mỗi năm, mỗi đề tài, các bức thư đều đề cập đến những vấn đề thời sự nóng bỏng. Năm nay là vấn đề Biển Đông, người di cư, các vấn đề nhức nhối về gia đình trong thời đại số, biến đổi khí hậu... Nhiều bức thư về đề tài này đã có cách thể hiện rất xuất sắc, bằng ngôn ngữ đẹp và giàu hình ảnh, giàu xúc cảm. Các em viết rất giản dị, thoải mái, vừa tự nhiên, hồn nhiên của lứa tuổi thần tiên thơ ngây, lại vừa nghiêm túc, sâu sắc, đề cập đến nhiều vấn đề lớn của quốc gia và của toàn cầu.
Thưa các quý vị, các thầy cô và các em thân mến!
Số lượng các bức thư tham gia Cuộc thi Viết thư quốc UPU lần thứ 45 là 956.382 đến từ 1.498 trường của hầu hết các địa phương trong cả nước. Sau khi chấm vòng loại, Ban Giám khảo sơ khảo chấm 500 bài và chọn ra 100 bức thư có chất lượng tốt nhất để chấm chung khảo. Một điều vô cùng thú vị là 100 bức thư xuất sắc nhất này đến từ 48 tỉnh, thành phố trong cả nước, chứng tỏ cuộc thi nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của các em học sinh trong cả nước. Ban Giám khảo đã trao đổi để chọn ra 39 giải, gồm: 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 05 giải Ba và 30 giải Khuyến khích. Năm nay, để khuyến khích phong trào, Ban Giám khảo chọn trao 61 giải Cây bút triển vọng và 03 giải phụ gồm Giải dành cho học sinh nhỏ tuổi nhất, Giải dành cho học sinh dân tộc thiểu số và giải dành cho học sinh khiếm thị.
Giải Nhất UPU năm nay, năm 2016 là bức thư của em Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 9B, Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Hầu hết các thành viên Ban Giám khảo Quốc gia đánh giá rất cao và nhất trí trao em giải Nhất Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 năm 2016 của Việt Nam. Khác biệt với hầu hết các bức thư khác, Thu Trang táo bạo chọn cách hóa thân vào cậu bé Aylan Kurdi để viết thư cho chính cậu khi 45 tuổi. Ai cũng biết bé Aylan Kurdi đã chết trên bờ biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ, trong một cuộc chạy trốn bạo lực cùng gia đình em. Đó cũng chính là điều đáng nói nhất ở bức thư này. Lời kể của cậu bé Aylan Kurdi trên Thiên Đường, hay chính là giấc mơ của Nguyễn Thị Thu Trang về một thế giới không còn bạo lực, không còn cảnh con người phải xua đuổi nhau, dồn nhau xuống biển? Thu Trang viết về thế giới ước mơ của mình như sau: “Anh bạn thân yêu! Giờ đây tôi đang ở trên thiên đàng - một thế giới kỳ diệu lung linh biết mấy. Nơi này chẳng có ngày hay đêm. Mặt trời, vầng trăng và cả những vì sao lấp lánh cùng nhau tỏa sáng, không gian lúc nào cũng trong veo như pha lê. Mẹ và anh trai tôi đang mỉm cười cùng những linh hồn khác. Chúng tôi không có quốc gia, không phải di cư, không phân biệt tôn giáo, không có khủng bố hay bạo lực... Tất cả đều như nhau - những linh hồn bay nhẹ nhõm, thanh thản và bình yên.
Giờ đang là giao thừa. Từ trên đây, chúng tôi có thể ngắm nhìn cả trái đất. Ngắm nhìn những chùm pháo hoa lộng lẫy bung nở trong màn đêm và lắng nghe tiếng chuông ngân vang. Dưới đó là những mảng màu tương phản. Có những nơi rực rỡ trong ánh sáng, lại có những mảng tối im lìm đâu đó. Tiếng chuông lẫn trong tiếng súng, hạnh phúc ở cùng với bất hạnh, thù hận đi liền với tình yêu...”.
Phải nói đây là một bức thư rất độc đáo và đặc sắc. Nói như nhà văn Tạ Duy Anh, một thành viên của Ban Giám khảo: Ở đây, trí tưởng tượng quan trọng hơn học vấn, chính Einstein thiên tài đã từng nói thế. Nhưng Thu Trang lại có cả hai. Trí tưởng tượng đã giúp em vượt qua giới hạn trần trụi của hiện thực để biến mọi thứ không thể thành có thể. Ai bảo bé Aylan Kurdi đã chết? Ai dám khẳng định em đã không còn ngày ngày lớn lên cùng với thế giới ở trong một giấc mơ, nơi có trái tim hàng triệu triệu trẻ em trên trái đất? Em sống bất tử để làm một bài học và nhắc nhở con người rằng, chỉ có sự khốn cùng của đạo đức là không có cơ hội tái sinh. Và những vẻ đẹp đích thực, vẻ đẹp tinh khiết thì không thể chết được.
Còn học vấn? Chỉ qua trên dưới một ngàn chữ, người đọc không thể không kinh ngạc về sự hiểu biết sâu sắc của em trước một trong những vấn đề rất lớn của nhân loại là di dân và phân biệt đối xử. Hóa ra điều tồi tệ hơn cả sự phân biệt quốc tịch, màu da là những đường biên giới vô hình luôn được dựng lên trong trái tim con người. Nó ngăn cản mọi sự tốt đẹp.
Bức thư của em Nguyễn Thị Thu Trang đã được Ban Tổ chức dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh gửi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tại Thụy Sĩ dự thi Quốc tế.
Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45, 2016 kết thúc rất thành công và để lại những dư âm có sức ám ảnh. Mỗi bức thư, là một bức thông điệp, là một mơ ước của các em về một thế giới tương lai tươi đẹp hơn.
Xin cảm ơn sự làm việc công tâm, khách quan của các thành viên Ban Giám khảo Quốc gia, cảm ơn sự quan tâm của các thầy cô giáo và cha mẹ của các em, và đặc biệt là sự tham gia đông đảo của chính các em trong cuộc thi hết sức có ý nghĩa này.
Xin trân trọng cảm ơn!