Nhận thức cảm tính là con đường nhận thức cơ bản của bé về thế giới xung quanh. Nhờ có cảm giác và tri giác phát triển mà đứa trẻ có một vốn tri thức khá phong phú về thế giới xung quanh. Đó là những tri thức “tiền khoa học”, là tiền đề cần thiết cho hoạt động học tập của trẻ sau này.
Để hoạt động cảm nhận của trẻ phát triển theo hướng tích cực, làm tiền đề cho nhận thức lí tính và hoạt động học tập sau này, cần phải rèn luyện cho trẻ biết cách quan sát sự vật, hiện tượng, thế giới xung quanh, qua đó giúp trẻ nhận biết những thuộc tính cơ bản, đặc trưng của đối tượng, phân biệt được sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác.
Ví dụ: Thông qua các hoạt động cần rèn cho trẻ khả năng quan sát nhằm nhận ra được những thuộc tính cơ bản của vật thể như cứng - mềm, nhẵn nhụi - sần sùi, những thuộc tính của các con vật (con gà mào đỏ, lông vàng, đi bằng hai chân, con cá bơi dưới nước…), những thuộc tính của cây cối (cây lấy gỗ, cây lấy quả, rau củ…).
Bạn cũng có thể cho con học thuộc lòng một đoạn thơ ngắn rồi giải thích các câu chữ trong đó cho con thấy cái hay của nó.
Ban đầu rất đơn giản như kiểu: Trong bài Buổi sáng nhà em có câu: Mụ gà cục tác như điên/ Làm thằng gà trống huyên thuyên một hồi. Bạn có thể giải thích: Gà mái hay kêu ầm ĩ như một bà lắm lời nên gọi vui là “mụ” còn gà trống hay kêu ó o, hệt một đứa trẻ nên gọi vui là “thằng”, chao ôi thật là một buổi sáng rộn rã và vui tươi.
Khó hơn một chút, bạn có thể cho con cảm nhận những điều sâu sắc hơn. Ví dụ, trong bài Nói với em (Vũ Quần Phương), khổ nào cũng bắt đầu bằng “nhắm mắt”. Nhắm mắt để “nhìn”, để nghe rõ hơn. Nhưng ở khổ cuối thì nhắm mắt rồi lại mở mắt ra ngay là bởi nhắm mắt để nghĩ. Nghĩ về công ơn cha mẹ, thấy cha mẹ vất vả nên không thể “nhắm mắt” được mà mong muốn “mở mắt” ra ngay để làm việc gì đó giúp đỡ cha mẹ.
Hoạt động cảm nhận còn là cách các bạn giúp con biết về cuộc sống xung quanh như nó vốn có. Có người tốt bụng nhưng cũng có người chưa tốt. Có người an nhàn nhưng có người vất vả, một nắng hai sương. Có người ý thức tốt mà có người ý thức chưa tốt. Biết nhận xét, đánh giá sẽ giúp con chuẩn bị tâm lý đón nhận nhà trường với đầy đủ những cung bậc mà không phải lúc nào cũng chỉ là “màu hồng”.
Tuy nhiên, bạn lưu ý, đừng “định hướng” cảm nhận của con, chỉ khi nào con “bí” mới giúp đỡ còn lại cứ để con tự do nói lên suy nghĩ của mình. Có khi chỉ cần đứng trước ba bông hoa có màu khác nhau cũng có thể là “cảm hứng” cho một giờ học về cảm nhận được rồi.