Ngày xưa, có hai thanh niên nọ vì muốn học võ mà cùng nhau bái một vị thầy võ nghệ cao cường làm thầy. Vị thầy rất quan tâm đến hai người học trò này và tận tâm dạy dỗ võ công cho họ. Bởi vì sư phụ dùng phương thức giống nhau để truyền dạy võ công cho hai người đệ tử nên khi hai người họ tỉ thí võ thuật với nhau thì không thể phân cao - thấp. Hai đệ tử cũng không phụ lòng thầy, chăm chỉ khổ luyện, hơn nữa cũng rất mực tôn kính với sư phụ.
Tuổi tác của thầy ngày một cao lại mắc phải bệnh phong thấp, cần có người hằng ngày giúp ông xoa bóp thì khí huyết mới lưu thông. Vì thế hai người đệ tử mỗi người phụ trách xoa bóp một bên chân cho thầy mình. Lúc đầu, hai người đệ tử xoa bóp cho thầy rất cẩn thận nhưng ngày tháng lâu dần thì kết quả của hai người biểu hiện ra lại không giống nhau. Người sư đệ có thành tích kém hơn sinh lòng đố kỵ với sư huynh của mình. Người sư huynh có thành tích tương đối tốt hơn thì kiêu ngạo, xem thường sư đệ. Hai người cứ âm thầm mà đấu tranh qua lại.
Vì bởi hai người không hòa hợp, không thể đối xử hòa nhã với nhau, thậm chí đến ngay cả lúc nói chuyện cũng có thể dễ dàng xảy ra tranh cãi. Chính vì mâu thuẫn ngày càng sâu sắc nên họ đã làm ra các việc làm sai trái.
Có một ngày, khi người sư huynh trở về nhà thăm người thân, người sư đệ thừa cơ hội làm bị thương bên chân của sư phụ mà sư huynh phụ trách xoa bóp để trả thù sự kiêu ngạo của sư huynh. Đến khi sư huynh trở về, nhìn thấy chân trái của sư phụ do anh phụ trách xoa bóp đã bị sư đệ đả thương, anh ta vô cùng bực tức mà nói:
- Ở đâu ra lại có cái đạo lý này, bản thân làm không tốt, không biết tự kiểm điểm, ngược lại còn đi phá đám người khác.
Vì thế trong lúc nóng giận, sư huynh cũng làm tổn thương luôn bên chân phải của thầy để trả thù sư đệ. Người bất hạnh và đáng thương nhất không ai khác chính là người thầy. Hai huynh đệ chỉ vì không thể hòa thuận với nhau, một người vì đố kỵ, một người lại vì kiêu ngạo mà đã làm tổn thương đôi chân của thầy chỉ để trả thù lẫn nhau. Đây không chỉ là “đại nghịch bất đạo” mà một chút “tôn sư trọng đạo” cũng không có.
Từ đó có thể thấy, đố kỵ thường sẽ khiến con người đánh mất trí tuệ trong việc đối nhân xử thế, là khởi đầu của những việc xấu xa. Rất nhiều bạn cũng thường mắc phải bệnh đố kỵ và kiêu ngạo này. Trong trường học, những bạn học tập tốt, thành tích thể thao tốt sẽ thường kiêu ngạo, những bạn có thành tích hơi kém sẽ sinh lòng đố kỵ, cho rằng thầy cô thiên vị những bạn học giỏi. Thật ra, thầy cô luôn đối xử hơn những bạn học khác rất nhiều, tuy nhiên khả năng lĩnh hội của mỗi một người không giống nhau nên đương nhiên sẽ có sự khác biệt. Một học sinh tốt không phải chỉ cần có thành tích tốt là có thể trở thành tấm gương. Nhất định bạn ấy phải khiêm tốn, đồng thời càng phải nỗ lực. Còn những bạn có thành tích hơi kém thì không nên đố kỵ với các bạn có thành tích tốt hơn mình mà ta càng phải chăm chỉ học tập thì mới có tiến bộ trong học tập được. Mỗi bạn học sinh đều nên nhớ rõ lời dạy trong câu chuyện này, chúng ta không nên phụ lòng thầy cô đã dốc lòng dạy dỗ mình. Từ xưa đến nay, người vĩ đại đều là những người có thể làm nên việc lớn và những người có thể làm được việc lớn cũng đều là những người có tấm lòng khoan dung, độ lượng, khiêm tốn và nỗ lực.