Sống trên đời này ai cũng hi vọng bản thân mình được hưởng thêm chút lợi ích hoặc mong muốn bản thân có được một món đồ mà người khác không có. Chỉ vì sự ham muốn đó mà sinh ra rất nhiều chuyện không công bằng, nổ ra nhiều cuộc tranh đấu hoặc những việc làm tham ô, dối trá trái với pháp luật.
Bởi thế có người đã đề xướng ra tự do, bình đẳng, bác ái. Nhưng bất cứ việc gì thì cũng cần dựa vào lý trí để sắp xếp thì mới không trở thành hành vi ngu xuẩn, mới có thể đạt được sự công bằng đúng đắn.
Có một vị tướng quân vô cùng giàu có, lúc còn trẻ ông chinh chiến từ bắc vào nam, lập ra nhiều công lao với đất nước. Bản thân ông thường nhận được sự tán thưởng của quốc vương và cũng nhờ đó mà tích lũy được rất nhiều của cải. Vì tuổi tác ngày một cao nên cuối cùng, ông cũng cáo lão hồi hương.
Vốn nghĩ có thể an tâm hưởng phước, nhưng tuổi tác đã lớn, sức khỏe cũng ngày một yếu đi, muốn làm việc thì cơ thể không nghe lời, muốn suy nghĩ thì tinh thần không thể tập trung. Ông cho rằng mình không còn sống trên đời được bao lâu nữa nên muốn đem tài sản phân chia rõ ràng. Vì thế một ngày nọ, ông gọi hai người con trai đến và nói:
- Sau khi ta chết, hai con phải nỗ lực làm việc, chớ nên hủy hoại thanh danh một đời ta gây dựng, tài sản cũng phải phân chia cho đồng đều.
Dặn dò xong, qua vài ngày sau thì ông tướng quân già qua đời. Hai người con trai sau khi lo xong tang sự cho cha bèn mời trưởng làng đến, dựa theo di nguyện của cha mà phân chia tài sản cho hai anh em. Trưởng làng nói:
- Nếu muốn phân chia đồng đều thì chỉ có thể chia mỗi món đồ làm hai thì mới công bằng.
Vì thế, hai anh em liền mang tất cả đồ vật trong nhà ra rồi phân thành hai phần. Ví dụ: một bộ quần áo cắt làm đôi, bàn ghế cũng đem chẻ làm hai, toàn bộ tiền bạc tài sản và châu báu đều phân làm hai phần... Bọn họ cho rằng như vậy là công bằng nhất. Kết quả, toàn bộ đồ vật đều không thể dùng được, tất cả đều biến thành phế phẩm.
Các bạn nhỏ hãy nghĩ mà xem: Chiếc ghế chẻ làm đôi còn có thể ngồi được không? Tiền xé làm đôi còn có thể xài được không? Quần áo cắt làm đôi còn có thể mặc không? Cho nên, cách phân chia công bằng theo kiểu này có tác dụng gì không?
Con người được xưng tụng là “vạn vật chi linh” là vì người có lý trí, có lương tâm mới có thể hiểu được giá trị của việc làm người.
Nếu có lý trí mà không có lương tâm thì sẽ biến thành động vật máu lạnh. Nếu có lương tâm mà không có lý trí thì cũng chẳng khác gì loài súc sinh không có cách nào phân biệt phải - trái, tốt - xấu.
Ngọn nguồn của việc tranh chấp là vì có người muốn đạt được nhiều lợi ích hơn người khác hoặc muốn nắm giữ quyền lợi đặc biệt. Không có “sự công bằng dựa trên lý trí” đương nhiên cũng là vì một trong những nguyên nhân đó.
Lý trí và công bằng không thể thiên lệch một bên nào. Giả sử khi có thể cùng lúc thực hiện được cả công bằng và lý trí, chúng ta cần phải lý trí chứ không nên dùng cái “công bằng ngu ngốc”, nếu không, cũng sẽ không khác gì hai anh em kia phân chia tài sản, những thứ có được đều chỉ là những vật bỏ đi không thể dùng được.
Con người có thể có thiện có ác, có xấu có tốt nhưng nếu như có sự phối hợp của lương tâm và đạo đức thì sẽ được lợi ích mà không có sự tổn hại nào.