Có một anh chàng ở một ngôi làng nhỏ bị đau răng nên đến tìm nha sĩ trong một khu phố tương đối sầm uất. Đến nơi, anh hỏi nha sĩ:
- Nhổ một cái răng mất bao nhiêu tiền?
Nha sĩ đáp:
- Nhổ một cái răng 500 đồng, nhổ hai cái thì chỉ mất 800 đồng.
Anh thanh niên này nghĩ bản thân khó khăn lắm mới vào thành phố một lần, nếu chỉ nhổ một cái răng không những lãng phí thời gian mà cũng không được tiết kiệm cho lắm. Nhổ hai cái răng so ra thì rẻ hơn, chi bằng nhổ luôn hai cái. Anh thanh niên này vốn chỉ có một cái răng sâu, nhưng chỉ vì tham rẻ nên đã quyết định nhổ luôn hai cái. Nếu tính theo giá tiền, nhổ hai cái răng thì mất một ngàn đồng, anh thanh niên này đúng là đã tiết kiệm được hai trăm đồng, nhưng rõ ràng anh ta đã mất một cái răng lành, làm như vậy có thực sự tiết kiệm hay không? Các bạn học sinh thông minh, các bạn nghĩ sao về anh thanh niên này?
Cũng như câu chuyện dưới đây.
Năm nay vì được học sinh giỏi nên Tiểu Tâm được mẹ dẫn đi nhà sách để mua năm quyển sách mà bé ao ước bấy lâu nay. Sau khi rời nhà sách thì trời đã trưa, mẹ bèn dẫn bé vào một quán nhỏ bên đường để ăn phở - món ăn mà Tiểu Tâm rất thích, vì thế bé rất phấn khởi và vui sướng.
Hai mẹ con vào quán, gọi hai tô phở và ngồi chờ. Chẳng bao lâu sau, người phục vụ, là một bác khoảng năm mươi tuổi bưng phở ra, mẹ và bé cảm ơn bác và bắt đầu dùng bữa. Tuy nhiên không biết vì lý do gì mà hôm nay phở rất mặn, không thể ăn được.
Mẹ của Tiểu Tâm là người rất ôn hòa, trước giờ bà hiếm khi tranh cãi với ai. Nhìn Tiểu Tâm vừa ăn vừa nhăn mặt nhăn, bà liền gọi hai bát mới và dặn nêm gia vị nhạt hơn.
Tiểu Tâm biết mẹ là người rất tiết kiệm, nay lại thấy bà bỏ bát phở cũ đi để gọi bát phở mới thì cảm thấy tiếc, bé biết mẹ của bé nhất định sẽ trả tiền cả bốn bát chứ không để đầu bếp hay người phục vụ bị chủ tiệm trách mắng.
Nhìn vẻ mặt của bé, mẹ bé cười hiền từ và hỏi rằng:
- Con nói thử xem, nếu chúng ta ăn bát phở đã được bưng lên dù nó dở tệ hay gọi một bát phở khác thì cái nào sẽ có lợi hơn.
Tiểu Tâm lễ phép đáp lời mẹ:
- Dạ, con nghĩ mình đã mất tiền mua hai bát phở, nếu ăn cả hai bát thì sẽ không bị lỗ ạ.
Mẹ bé cười mà nói rằng:
- Con à, khi con bỏ tiền ra mua hai bát phở bị mặn giống như con đã gieo một hạt giống xuống đất, có khi sẽ có kết quả tốt, có khi sẽ có kết quả xấu, con không thể quyết định được. Nhưng nếu con ăn cả hai bát phở mặn đó nghĩa là con lại đang gieo một hạt giống xấu. Con chọn ăn hai bát phở mặn là con đang làm một việc gây tổn hại cho bản thân. Con không nên vì đã trả tiền, lo mình bị thiệt mà phải ăn tô phở mặn để chịu thiệt thêm lần nữa. Vả lại, thức ăn quá mặn không tốt cho sức khỏe, mẹ cũng hiếm khi mới có thời gian dẫn con đi chơi, ăn phở nên mẹ muốn niềm vui trong ngày hôm nay của con được trọn vẹn. Chúng ta không nên tiếc cái nhỏ mà bỏ cái lớn. Với mẹ, niềm vui của con mới quan trọng, mới đáng quý hơn cả.
Hai câu chuyện này đều đề cập đến vấn đề tham cái nhỏ bỏ cái lớn, cũng chính là nói để đạt được cái lợi nhỏ nhặt mà trên thực tế lại đánh mất đi cái to lớn hơn. Người thanh niên trong câu chuyện trên vì tham rẻ mà nhổ đi một cái răng khỏe, còn Tiểu Tâm vì lo sợ mình bị thiệt mà thiếu chút nữa nhận về sự tổn hại nặng nề thêm. Hai câu chuyện tuy rất hoang đường nhưng mục đích chính là để cho chúng ta hiểu rõ, dù thế nào thì cũng đừng vì một chút lợi ích trước mắt mà gây ra sai lầm to lớn, để về sau có hối hận cũng không còn kịp nữa.